Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 6: Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em, thuộc bộ sách Kết nối tri thức.
Hy vọng tài liệu dưới đây có thể giúp ích cho các em học sinh lớp 6 trong việc chuẩn bị bài khi phải tiếp cận với một bộ sách mới.
Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em
I. Phân tích bài viết tham khảo
1. Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm
- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.
- Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.
- Tập trung vào sự việc đã được xảy ra.
- Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.
2. Phân tích bài viết tham khảo: Người bạn nhỏ
– Người kể chuyện theo ngôi thứ nhất, xưng “tôi”.
– Giới thiệu câu chuyện: “Hồi ấy, khi tôi vào lớp 5… nguy hiểm quá”
– Tập trung vào sự việc đã xảy ra: Ngôi nhà có thêm chú mèo Mun, Mun giúp bắt lũ chuột, nhưng rồi mèo Mun lại mất tích.
– Cảm xúc của người viết trước sự việc được kể: “Đó là lần đầu tiên… vệ sĩ đầu tiên” với các từ chỉ cảm xúc như buồn, yêu quý, chẳng ai quên được.
II. Thực hành viết theo các bước
1. Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
– Nghĩ về những sự việc quan trọng đã xảy ra với em. Liệt kê ra giấy các sự việc đáng nhớ.
– Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:
- Một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc (một lần kết bạn, chuyến đi có ý nghĩa, bữa tiệc sinh nhật, một thành tích hay chiến thắng, một lần em giúp đỡ người khác hay được người khác giúp đỡ…)
- Một trải nghiệm buồn, tiếc nuối (chia tay một người bạn, hiểu lầm một người, một lần mắc lỗi…)
- Một trải nghiệm khiến em thay đổi, tự hoàn thiện minh (một hành trình khám phá, một lần thất bại…)
b. Tìm ý
Sau khi đã lựa chọn được trải nghiệm có thể chia sẻ, hãy tìm ý cho bài viết bằng trả lời các câu hỏi sau:
- Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?
- Những ai có liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?
- Điều gì đã xảy ra?
- Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
- Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?
c. Lập dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện sẽ được kể.
– Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.
- Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.
- Kể lại các sự việc trong câu chuyện.
– Kết bài: Kết thúc của câu chuyện và cảm xúc của người viết.
2. Viết bài
Khi viết bài cần lưu ý:
- Nhất quán ngôi kể.
- Sử dụng các yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật…
3. Chỉnh sửa bài viết
Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu |
Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được trải nghiệm. |
Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể. |
Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô. |
Đánh dấu những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại. |
Tập trung vào sự việc đã xảy ra. |
Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu còn thiếu); lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng, không tập trung vào câu chuyện |
Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. |
Đánh dấu những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung. |
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. |
Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi. |
* Bài văn mẫu gợi ý:
Mỗi trải nghiệm đều rất đáng giá. Bởi vậy, tôi luôn trân trọng, coi đó là hành trang cho cuộc sống của mình.
Kì nghỉ hè năm nay, tôi về quê ngoại chơi. Suốt ba tháng hè, tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Đó là những buổi sáng thức dậy thật sớm để cùng ông đi dạo trên cánh đồng lúa mênh mông, cảm nhận mùi lúa chín. Đó là những bữa cơm ngon lành mà bà ngoại nấu, dù giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương của bà. Đó còn là những buổi chiều cùng đám bạn trong xóm đi thả diều, bắt cá… ngoài đồng.
Nhưng tôi nhớ nhất là trải nghiệm về lần đầu tiên được bơi dưới sông. Hồi ở thành phố, tôi chỉ mới tập bơi tại bể bơi. Hôm đó, nhóm bạn trong xóm rủ tôi đi ra con sông tổ chức cuộc thi bơi. Tôi vô cùng thích thú khi được hòa mình dưới dòng nước mênh mông, mát mẻ. Với kinh nghiệm năm năm học bơi, tôi đã đánh bại tất cả các đối thủ, ngoại trừ Tú. Chúng tôi là những đối thủ ngang sức ngang tài.
Trận thi đấu cuối cùng sẽ quyết định người chiến thắng. Long được chọn làm trọng tài. Sau khi Long thổi còi bắt đầu hiệp đấu. Chúng tôi ra tư thế chuẩn bị vào cuộc đua. Tiếng hô hào, cổ vũ vang vọng khắp con sông. Cả hai không ai chịu kém ai vẫn đang bơi song song nhau. Tôi rất tự tin mình sẽ giành chiến thắng. Bỗng nhiên, chân của tôi bị chuột rút, không cử động được. Tôi bơi chậm lại rồi dần tụt lùi phía sau. Lúc này, tôi chỉ còn biết đập tay vùng vẫy, uống phải không biết bao nhiêu là nước. Có tiếng ai hoảng hốt kêu lên: “Hình như thằng Hoàng bị chuột rút rồi”. Thế rồi, nhanh như cắt, Tú bơi đến cứu tôi, rồi đưa tôi vào bờ. Sau hôm đó, tôi và Tú trở nên thân thiết hơn.
Một trải nghiệm đáng nhớ, khiến tôi học được bài học quý giá. Không chỉ vậy, tôi còn có thêm một người bạn thân thiết.
Tham khảo bài văn mẫu chi tiết tại Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 28 sách Kết nối tri thức tập 1 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.