Những tác phẩm văn học nước ngoài có nhiều giá trị. Hôm nay, Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 9: Tổng kết phần văn học nước ngoài.
Tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 9, ôn tập và kiểm tra lại kiến thức về phần văn học nước ngoài. Mời tham khảo nội dung chi tiết bên dưới.
Soạn bài Tổng kết phần văn học nước ngoài – Mẫu 1
I. Hướng dẫn chuẩn bị bài
Câu 1.
SGK Ngữ văn lớp 6 đến lớp 9 có tất cả 19 văn bản văn học nước ngoài (không kể văn bản văn học dân gian nước ngoài và một số văn bản Đọc thêm), bao gồm:
– Thơ: Xa ngắm thác núi Lư, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Lý Bạch); Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hạ Tri Chương), Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Đỗ Phủ), Mây và sóng (Ta-go).
– Kịch: Ông Giuốc đanh mặc lễ phục (Mô-li-ê)
– Bút ký chính luận: Lòng yêu nước (Ê-ren-bua)
– Truyện ngắn và tiểu thuyết: Buổi học cuối cùng (Đô-đê), Cô bé bán diêm (An-đéc-xen), Đánh nhau với cối xay gió (Xéc-van-tét), Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri), Hai cây phong (Ai-ma-tốp), Cố hương (Lỗ Tấn), Những đứa trẻ (Go-rơ-ki), Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Đi-phô), Bố của Xi-mông (Mô-pa-xăng), Con chó bấc (Lân-đơn).
– Nghị luận xã hội: Đi bộ ngao du (Ru-xô)
– Nghị luận văn chương: Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (Ten).
Câu 2. Những văn bản đó thuộc nền văn học:
- Trung Quốc (Tác giả: Hạ Tri Chương, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn);
- Ấn Độ (Tác giả: Ta-go),
- Nga (Go-rơ-ki, Ê-ren-bua),
- Cư-rơ-gư-xtan (Ai-ma-tốp)
- Pháp (Mô-li-e, Ru-xô, Đô-đê, Mô-pa-xăng, Ten)
- Anh (Đi-phô)
- Tây Ba Nha (Xéc-van-tét)
- Đan Mạch (An-đéc-xen)
- Mĩ (O Hen-ri, Lân-đơn)
Câu 3.
Bộ phận văn học viết trải dài từ thế kỉ VII – VII (Hạ Tri Chương, Lý Bạch, Đỗ Phủ), qua các thế kỉ XVI (Xéc-van-tét), thế kỉ XVII (Mô-li-ê), thế kỉ XVIII (Ru-xô, Đi-phô), thế kỉ XIX (An-đéc-xen, Ten, Đô-đê, Mô-pha-xăng, O-Hen-ri) và thế kỉ XX (Go-rơ-ki, Lân-đơn, Lỗ Tấn, Ai-ma-tốp).
Câu 4. Bộ phận văn học nước ngoài ở THCS mang đậm sắc thái phong tục, tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới và đề cập nhiều vấn đề xã hội, nhân sinh ở các nước thuộc những thời đại khác nhau, giúp chúng ta bồi dưỡng những tình cảm đẹp, yêu cái thiện, ghét cái ác…
Câu 5. Bộ phận văn học này còn cung cấp những kiến thức bổ ích như: nghệ thuật thơ Đường (Hạ Tri Chương, Lý Bạch, Đỗ Phủ), lối thơ văn xuôi (Ta-go), bút ký chính luận (Ê-ren-bua), nghệ thuật hài kịch (Mô-li-ê)…
II. Bài tập ôn luyện
Câu 1. Chép thuộc lòng một bài thơ trong chương trình THCS thuộc tác phẩm văn học nước ngoài mà em thích nhất.
Gợi ý:
“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”
(Tĩnh dạ tứ, Lý Bạch)
Câu 2. Chọn phân tích một tác phẩm văn học nước ngoài trong chương trình THCS:
Gợi ý:
Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê):
“Buổi học cuối cùng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê. Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc.
Truyện kể về buổi học tiếng Pháp của cậu bé Phrăng – nhân vật chính của tác phẩm. Vào một buổi sáng đẹp trời, Phrăng đã định trốn học để chạy nhảy trên cánh đồng cỏ Ríp-pe, nghe tiếng sáo hót ven rừng, đi bắt tổ chim hoặc trượt trên hồ. Nhưng cậu bé cưỡng lại được và ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Thầy Ha-men thông báo với cậu đây là buổi học Pháp văn cuối cùng. Phrăng nghe tin mà rụng rời. Khuôn mặt cậu đỏ bừng vì tức giận, rồi chuyển dần sang tái nhợt vì choáng váng. Đôi mắt đen láy ngây thơ không còn hiện lên vẻ tinh nghịch mà thay vào đó là một nỗi mất mát, một nỗi sợ mơ hồ. Đôi bàn tay nhỏ bé run run lấy sách từ trong cặp để lên bàn, lật giở từng trang thật nhẹ nhàng. Ánh mắt của Phrăng dõi theo thầy Ha-men như thể sợ thầy có thể biến mất. Đến lúc này thì cậu đã hiểu được lý do vì sao không khí của lớp học lại khác lạ như vậy. Phrăng từ bàng hoàng, đau đớn đến xót xa.
Ngay cả khi Phrăng được gọi lên đọc bài, cậu lúng túng và đung đưa người trên chiếc ghế dài, lòng rầu rĩ, không dám ngẩng đầu lên vì xấu hổ. Cậu quan sát lớp học, những khuôn mặt, hành động và sự nhẫn nại của thầy Ha-men để khắc sâu hồi ức về buổi học này trước khi bị ép học tiếng Đức. Suốt cả buổi học, Phrăng chăm chú nghe thầy giảng như nuốt lấy từng lời cho đến khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên báo hiệu giờ học kết thúc. Nhờ có buổi học cuối cùng này mà Phrăng mới hiểu được giá trị của tiếng Pháp – đó không chỉ là tiếng mẹ đẻ mà còn thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc.
Nhân vật thầy giáo Hơ-men cũng đem lại nhiều ấn tượng sâu sắc vì lòng yêu nghề, yêu quê hương và đất nước của thầy. Vì đây là buổi học cuối cùng nên thầy Ha-men ăn vận thật đẹp đẽ, sang trọng. Thầy mặc bộ quần áo chỉ dành cho những dịp quan trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt, màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu, cùng với đó là sự xuất hiện của những người lớn tuổi. Khi Phrăng đến muộn thầy cũng không mắng cậu như mọi khi mà nhẹ nhàng ân cần. Những lời giảng đầy bổ ích, những lời tâm sự của thầy cho thấy một trái tim giàu yêu thương, trách nhiệm và tình yêu với đất nước. Đặc biệt nhất là đoạn cuối cùng, khi tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, rồi đến cả tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên, thầy Ha-men đứng dậy trên bục, người tái nhợt và giọng nói nghẹn ngào như đang xúc động: “Các bạn, thầy nói, hỡi các bạn, tôi… tôi…”. Hành động cuối cùng trước khi kết thúc tiết học. Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”. Dòng chữ ngắn gọn nhưng đã thể hiện được niềm tự hào sâu sắc của một con người.
Với những lời độc thoại nội tâm sâu sắc, truyện “Buổi học cuối cùng” đã cho người đọc cảm nhận về tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ đối với một dân tộc. Từ đó nhà văn cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân trước việc bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc.
Soạn bài Tổng kết phần văn học nước ngoài – Mẫu 2
Câu 1. Nêu cảm nghĩ về một tác phẩm thơ trong văn học nước ngoài.
Gợi ý:
– Một số bài thơ như: Xa ngắm thác núi Lư, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Bài ca nhà tranh bị gió thu phá…
– Bài văn mẫu:
Lý Bạch được coi là “thơ tiên”. Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một trong những bài thơ hay của ông:
“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”
Bài thơ có thể được chia làm hai phần. Phần đầu khắc họa vẻ đẹp của ánh trăng. Nhà thơ đã sử dụng khéo léo các từ “minh ”, “quang”, “sương” nhằm gợi tả ánh trăng trong đêm rất sáng và mở ảo, chiếu xuống mà nhìn là dưới mặt đất đất đang phủ một làn sương mờ ảo. Kết hợp với đó là từ chỉ vị trí – “sàng” (giường) để nói rõ vị trí ngắm trăng của nhà thơ. Ánh trăng sáng chiếu rọi xuống đầu giường, đêm đã về khuya nhưng Lý Bạch vẫn còn thức. Tâm trạng được bộc lộ đó là nỗi thao thức khiến nhà thơ không ngủ được. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật trong đêm tối mờ ảo khiến cho nhà thơ không phân biệt được đâu là trăng đâu là màn sương đêm. Ta thấy rằng dưới con mắt của nhà thơ, ánh trăng lúc này hiện lên với vẻ mờ ảo. Điều đó khiến chúng ta hình dung ra hình ảnh Lý Bạch vừa uống rượu vừa ngắm trăng.
Tiếp đến, phần thứ hai đã diễn tả tâm trạng của nhà thơ. Việc sử dụng từ “vọng” có thể được hiểu là nhìn ra xa để ngắm trăng hoặc ngóng trông, nhìn về quê hương ở phía xa. Câu thơ tiếp theo Lý Bạch đã xây dựng hai hình ảnh đối lập: “cử đầu” – “đê đầu” (ngẩng đầu – cúi đầu) giúp cho câu thơ trở nên đăng đối nhịp nhàng. Với hành động “ngẩng đầu”, ta thấy được hướng nhìn về phía ánh trăng đang chiếu sáng khắp mặt đất, cả quê hương của nhà thơ. Với hành động “cúi đầu”, ta lại thấy được nhà thơ đang tự nhìn vào nội tâm mình – tự đối mặt với nỗi nhớ quê hương da diết. Đọc hai câu thơ này, người đọc thấu hiểu được tình yêu của nhà thơ.
Như vậy, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh đã cho người đọc thấy được tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh.
Câu 2. Tóm tắt đoạn trích “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” và nêu ra những đặc điểm của thể loại kịch qua đoạn trích này.
– Tóm tắt: Ông Giuốc-đanh, tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có. Tuy dốt nát, quê kệch nhưng ông muốn học đòi làm sang. Để có thể viết thư tình gửi cho một bà địa quý tộc mà ông phải lòng, lão đã mời rất nhiều thầy triết để học tiếng La-tinh, học logic, luận lý, cả cách viết chính tả, cách phát âm… Sau đó, ông Giuốc-đanh muốn may cho mình một bộ lễ phục đẹp nhất triều đình. Và tên phó may cùng với bốn thợ phụ đã kéo đến để mặc thử lễ phục cho ông. Họ biết được sự “ham” sang của ông nên đã không tiếc lời tâng bốc nào là “ông lớn”, “cụ lớn” rồi đến “đức ông” khiến Giuốc-đanh vô cùng vui sướng. Sự ngờ nghệch đó đã khiến lão phải bị mất đi bao nhiêu tiền cho bọn nịnh hót, săn đón mình.
– Đặc điểm:
– Lớp kịch gồm có hai cảnh:
- Cảnh 1: Cuộc đối thoại của ông Giuốc- đanh và bác phó may.
- Cảnh 2: Cuộc đối thoại của ông Giuốc- đanh và tay thợ phụ.
– Hành động kịch:
- Cảnh 1: Ông Giuốc-đanh than phiền về đôi bít tất, chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ rồi tới bộ lễ phục mới với bông hoa ngược. Thì bác phó may may đã lợi dụng mong muốn học làm sang của ông để biện minh cho việc may lễ phục chật, hoa ngược, bít tất và và giày chật, bớt xén vải của mình.
- Cảnh 2: Ông Giuốc-đanh thích nghe nịnh hót. Tay thợ phụ đã nịnh hót để moi tiền, điểm huyệt đúng thói học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh. Thấy ông mắc mưu, tay thợ phụ lại càng nịnh hót, tôn lên mãi là “ông lớn” đến “cụ lớn” rồi đến “đức ông”.
– Xung đột kịch: Ông Giuốc- đanh ngu dốt, nhưng lại muốn học đòi làm sang nên đã bị bác phó may và thợ phụ lợi dụng để kiếm chác.
– Ngôn ngữ kịch: đơn giản, hài hước.
– Chi tiết gây cười: bộ lễ phục với bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tung hô và nịnh bợ, ông Giuốc-đanh bị bốn tay thợ phụ lột quần áo ra và mặc cho bộ lễ phục lố lăng…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Tổng kết phần văn học nước ngoài Soạn văn 9 tập 2 tuần 32 (trang 167) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.