Bạn đang xem bài viết ✅ Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Dàn ý + 5 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 9: Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, đây là tài liệu hữu ích được đăng tải tại đây.

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang là một câu chuyện vô cùng đặc sắc của nhà văn Đi-phô. Sau đây, sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 9: Phân tích tác phẩm truyện Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Dàn ý phân tích truyện Rô-bin-xơn ngoài hoang đảo

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả: Đi-phô là một nhà văn người Anh, ông nổi tiếng là một nhà văn, một nhà chính trị bằng ngòi bút của mình Đi-phô đã đấu tranh bảo vệ chính nghĩa.

– Tác giả Đi- phô đã để lại cho nền văn học Anh và nền văn học thế giới rất nhiều tác phẩm hay, đình đám.

– Giới thiệu tác phẩm: Rô-bin-xơn Cru- xô là một cuốn tiểu thuyết hay để lại trong lòng bạn đọc trên toàn thế giới nhiều cảm xúc. Trong đó, trích đoạn “Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang” là một đoạn trích nhiều cảm xúc bởi sức sống mạnh mẽ tiềm tàng trong con người. Sức mạnh của con người có thể giúp họ thắng được số phận và thiên nhiên.

II. Thân bài:

– Khái quát về nội dung đoạn trích: Mở đầu của đoạn trích, tác giả Giôn Đi-phô-tơn đã phác họa nhân vật Rô-bin-xơn đầy kỳ dị khi phải sống một mình trên một hòn đảo hoang vu. Một người đàn ông phong cách thời trang vô cùng kỳ lại, quái dị khác thường. Ông mặc một chiếc áo được làm bằng da dê áo rất ngắn chỉ dài tới lưng, còn chiếc quần da dê của ông thì dài tới bắp đùi.

– Phân tích hình dáng của Rô-bin-xơn sau nhiều năm sống trên đảo hoang? Ông ta đi đâu là luôn mang theo bên người rất nhiều đồ lỉnh cà lỉnh kỉnh như là cưa, rìu… Đặc biệt, trên khuôn mặt người đàn ông này có bộ ria mép rất dài khiến cho toàn bộ khuôn mặt và phong cách của ông vô cùng dị hợm.

– Ý chí sinh tồn của con người trước thiên nhiên hoang dã, thông qua việc ông thuần chủng con dê rừng, tự sản xuất các thiết bị cần thiết cho mình để có thể tồn tại được ngoài đảo hoang.

– Qua lối kể chuyện này chúng ta có thể thấy rằng nhân vật Rô-bin-xơn đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, một quãng đời nhiều cay đắng, cô đơn buồn tủi khi chỉ có một mình anh ở nơi đảo hoang vu, không có các thiết bị hiện đại, không bạn bè người thân.

III. Kết bài:

– Đoạn trích “Rô-bin-xơn ở ngoài đảo hoang” như một bài hát ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người trong khó khăn thử thách, dù trong hoàn cảnh nào con người cũng vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm chủ thiên nhiên.

– “Chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo”đó chính là bài học quý giá mà tác giả Giôn Đi-phô- tơn muốn nhắn nhủ tới bạn đọc của mình.

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Mẫu 1

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trích chương 10 tiểu thuyết Rô-bin-xơn Cru-xô của nhà văn Đi-phô người Anh trong thế kỉ XVIII. Tác phẩm lúc đầu mang một cái tên dài Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ lạ của Rô-bin-xơn Cru-xô. Phiêu lưu và tự truyện là hai tính chất nổi bật của tác phẩm này. Đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang cũng như toàn bộ cuốn tiểu thuyết thấm nhuần một vẻ đẹp nhân văn, vừa cảm thông với sự rủi ro, bất hạnh của một con người, vừa ca ngợi sức sống mạnh mẽ, đầy nghị lực và sáng tạo của một thanh niên giữa một thiên nhiên hoang dã, ngoài hoang đảo!

Nhiều năm tháng đã trôi qua, Rô-bin-xơn đã sống một mình giữa hoang vu. Trước mắt vẫn là những chặng đường đầy thử thách. Anh nói: “Tôi sống yên ổn trên đảo và chịu đựng số phận của mình hơn một năm nữa’’. Ta như đang nghe tiếng anh thầm thì kể lại những nếm trải cay đắng ngọt bùi. Tiếng anh như chìm đi trong sóng gió đại dương đang bủa vây hoang đảo.

Anh đã nói với chúng ta những gì anh đã làm và anh đã sống trong ngót ba thập kỷ. Cô đơn, thú dữ, bệnh tật, thiếu thốn. Không thể chết được! Phải sống và biết cách sống. Vốn là một thanh niên ưa mạo hiểm, thích làm giàu, giờ đây hoàn cảnh khắc nghiệt đã rèn luyện anh trở thành một con người “lành nghề trong nhiều ngành thủ công”. Anh làm việc không mệt mỏi để không còn thì giờ “nghĩ ngợi vẩn vơ”. Đó cũng là một phương pháp tư tưởng đúng đắn tích cực. Nhờ thế, anh đã trở thành một thợ lặn rất khéo, nặn được đủ thứ vật dụng, từ chum vại, bình vò đến bát đĩa. Anh đã trồng được thuốc để hút, giờ đây lại nặn được cái tẩu “tuyệt mĩ” nữa, vì thế anh vô cùng “thích thú”. Anh dùng cây miên liễu để đan lát. Đan thúng để đựng mồi săn được, đựng hoa trái kiếm được. Đan bồ đựng thóc, đan được nhiều đồ dùng khác nữa. Nói lao động là sáng tạo, lao động là phát triển năng khiếu thẩm mĩ của con người, trong trường hợp này đối với Rô-bin-xơn là hoàn toàn đúng.

Ở đời, những kẻ yếu hèn dễ bị khó khăn quật ngã. Với Rô-bin-xơn, anh đã trải qua một vạn ngày cô đơn trên hoang đảo rồi! Tuổi trẻ đã trôi qua. Thể lực và chí khí đã hao mòn. Chặng cuối cùng bao giờ cũng vậy, khó khăn, thử thách như được nhân lên một cách ghê gớm! “Thuốc đắng cạn liều càng thấy đắng – Đường gay cuối chặng lại thêm gay” (Hồ Chí Minh). Đó là quy luật. Rô-bin-xơn cho biết hoàn cảnh mình: “ Thuốc đạn ngày càng khan, thực phẩm cũng vơi dần”. Bước sang năm thứ 11 ở trên đảo, anh đã bắt tay vào việc chăn nuôi, sau khi đã trồng lúa, trồng mạch thành công. Anh đã đánh bẫy dê rừng, làm chuồng và nuôi nấng, thuần dưỡng dê. Chỉ 2 năm sau, anh đã có một đàn dê lên tới 43 con để giết thịt ăn dần. Vừa giàu chí khí, vừa giàu sáng tạo và khéo chân tay, anh đã biết vắt sữa, làm bơ, làm pho mát, thuộc da dê may áo quần, trồng hoa quả. Anh đã nói về đời sống vật chất của mình trên hoang đảo sau những năm dài vật lộn, với tất cả niềm vui ánh lên tự hào:

“Các bạn thử nghĩ, một mình trên một hòn đảo hoang vắng mà bữa sáng có sữa tươi, bữa ăn thường ngày có bánh mì, bánh bột gạo tẻ, thịt dê, trứng rùa, bơ và pho mát; tráng miệng thì có các thứ hoa quả, nhất là nho tươi, nho khô, thiết tưởng cũng thịnh soạn không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn”.

Rô-bin-xơn đã không bị thiên nhiên khuất phục. Trái lại, anh biết dùng trí tuệ, đôi bàn tay và ý chí của mình – của con người – để cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ đời sống mình. Việc nuôi dưỡng và thuần dưỡng dê rừng của Rô-bin- xơn là một kỳ công. Sữa tươi, pho mát, bơ, áo da mà anh làm ra là thành quả lao động trong gian khổ và cô đơn. Người đọc gần 300 năm nay trên trái đất vô cùng khâm phục anh – một con người bất hạnh mà vĩ đại.

Tham khảo thêm:   Lịch sử 8 Bài 23: Việt Nam đầu thế kỉ XX Soạn Sử 8 trang 90 sách Chân trời sáng tạo

Phần sau của chương 10 nói về “Một vài nét hình thù ông “chúa đảo” khi đi chu du trong vương quốc của mình”. Đây là bức chân dung tự họa rất hóm hỉnh giàu giá trị nhân bản, một điều rất thú vị là trên cái ” vương quốc” hoang đảo này, chỉ có một vị “chúa đảo” là Rô-bin-xơn, chỉ có một thần dân, đó cũng là Rô-bin-xơn. Anh đã nói về trang phục, về mày râu của mình. Ta có thể đi theo vị “chúa đảo” mà chiêm ngưỡng. Bộ áo quần bằng da rất kỳ lạ, có thể làm “kinh sợ” hay “bò ra mà cười” ai đó khi lần đầu bắt gặp. Cái mũ bằng da dê “cao lêu đêu”. Một cái áo chẽn cũng cắt bằng da dê “tà áo chấm ngang đầu gối” rất quý tộc; cái quần ngắn may bằng da dê xồm, lông dê dài lê thê, buông thõng đến mắt cá, thành ra quần đùi mà không khác quần dài! Cái thắt lưng cũng bằng da dê để giắt cưa và búa. Hai cái túi bằng da dê “hình dáng lạ lùng” để dựng đạn ghém và đựng thuốc súng, đeo lủng lẳng bằng một dây da vòng qua cổ.

Đây là những nét miêu tả rất hiện thực nói lên cuộc sống của con người nơi hoang đảo về mặt trang phục, hình hài đã trở nên “cô quái”, kỳ dị. Vì thế chàng trai Rô-bin-xơn càng ngày càng “rám nắng, đen sạm lại”. Râu thỉnh thoảng được cạo nhưng vẫn “đâm ra tua tủa như chổi xể”. Trên mép là một cặp ria theo kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ “vừa dài vừa rậm khác thường”. Chó vốn là một vật nuôi vô cùng tinh khôn, Rô-bin-xơn có một con chó như một người bạn, một vệ sĩ rất trung thành với chủ, tùng chia ngọt sẻ bùi với chủ, mà nay, có lúc nhìn “lệ bộ” da dê, râu ria của Rô-bin-xơn, nó có vẻ “kinh ngạc khiếp sợ”, nó “nghi nghi hoặc hoặc”, sợ hãi, dò xét “cái con quái vật kỳ dị kia là bạn hay là thù’’. Đó là chất hoang dã lấn chiếm, hoang dã hóa con người. Phải có một sức mạnh to lớn lắm mới chế ngự và hạn chế sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên nơi hoang đảo.

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Mẫu 2

Nhắc đến Đi-phô là người ta nhắc đến một đại văn hào của đất nước Anh. Mọi độc giả khắp nơi biết đến ông như một hiện tượng trong văn học bởi sự xuất hiện của một kiệt tác gắn liền với tên tuổi của ông. Đó là “Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang”. Đây là một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người đọc với rất nhiều những suy nghĩ và cảm xúc.

Rô-bin-xơn là một chàng trai rất ưa thích hành động, ưa thích sự phiêu lưu và hứng thú với những miền đất lạ. Chính bản tính thích ngao du ấy khiến anh ta bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn để đến với những điều mới mẻ. Cuộc hành trình đầu tiên của anh là ở Hơn, theo bạn đi đến Luân Đôn qua đường biển nhưng nó không may mắn và con tàu không may bị chìm ở Yac-mao. Tuy vậy, Rô-bin-xơn không hề buông bỏ, anh vẫn quyết tâm có một chuyến hành trình tiếp theo khi quen với một thuyền trưởng và rời bến ở Ghi-nê. Trong hành trình đó, lần đầu tiên anh thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, đến lần thứ hai anh lại gặp cướp biển, bị chúng bắt làm nô lệ tại Xa-lê. Hành trình của anh vẫn chưa kết thúc. Hai năm sau, Rô-bin-xơn trốn sang Bra-xin làm trang trại. Chuyến đi mang tính bước ngoặt lớn của anh chính là khi có một chuyến buôn bán lớn, không may tàu gặp nạn, bị mất phương hướng. Rô-bin-xơn may mắn sống sót và trôi vào một đảo hoang.

Rô-bin-xơn là một người có ý chí và nghị lực phi thường. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng anh không hề tỏ ra bất lực hay thất vọng. Dù cô đơn nhưng anh luôn cố gắng vươn lên số phận, say sưa làm việc. Chính tinh thần lạc quan và bản tính chăm chỉ, cần cù vốn có đã khiến cho Rô-bin-xơn hoàn thành tốt mọi công việc. Anh thành thạo và lành nghề trong cả nông nghiệp và thủ công…Sự đa tài của anh còn được thể hiện trong sự sáng tạo không ngừng. Từ việc nuôi dê đến việc vắt sữa dê và việc “thử làm bơ và pho-mát”. Chính điều này đã khiến Rô-bin-xơn vô cùng hứng thú: “Các bạn thử nghĩ, một mình trên một hòn đảo hoang vắng mà bữa sáng có sữa tươi, bữa ăn thường ngày có bánh mì, bánh bột gạo tẻ, thịt dê, trứng rùa, bơ và pho mát, tráng miệng thì có các thứ hoa quả, nhất là nho tươi, nho khô, thiết tưởng cũng thịnh soạn, không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn”.

Bên cạnh đó, Rô-bin-xơn còn là một chàng trai vô cùng yêu đời. Phải thực sự là một người có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mới có thể tồn tại và trụ vững ở một nơi hoang sơ như vậy. Một mình sống giữa đảo hoang, anh vẫn muốn sống một cuộc đời đáng sống, đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Anh muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Điều này được thể hiện ngay ở hình thức, cách ăn mặc bề ngoài của anh. Không có ai xung quanh nhưng anh vẫn trưng diện theo ý thích của mình. Anh ăn mặc trông rất kì lạ, buồn cười. Từ chiếc quần rộng thùng thình cho đến cái áo da kỳ lạ, cãi mũ da dê “không ra cái hình thù gì”, cái thắt lưng bằng da lông. Rô-bin-xơn kể về việc trang bị những thiết bị bên cạnh mình: “Quanh người là một chiếc thắt lưng rộng bản bằng da dê phơi khô thắt lại bằng hai sợi dây cũng bằng da dê để thay cho khóa hai bên cổ hai quai đeo, nhưng không đeo kiếm và dao găm mà lủng lẳng bên này một chiếc cưa nhỏ, bên kia một chiếc rìu con. Quàng qua vai tôi là một đai da khác hẹp bản hơn, hai đầu cũng buộc lại bằng dây như thế và ở cuối đai, phía dưới cánh tay trái của tôi, đeo lủng lẳng hai cái túi, cả hai cũng đều làm bằng da dê, một túi đựng thuốc súng và túi kia đựng đạn ghém. Tôi đeo gùi sau lưng, khoác súng bên vai, và giương trên đầu một chiếc dù lớn bằng da dê, xấu xí vụng về nhưng lại là thứ cần thiết nhất cho tôi, bên khẩu súng của tôi”.

Diện mạo của anh cũng thể hiện rõ tính cách của một chàng trai du mục, thích ngao du, tự tin và đầy sức sống. Tác giả mô tả những chi tiết trên gương mặt Rô-bin-xơn vô cùng ấn tượng “Râu ria của tôi đã có lúc tôi để mặc cho nó mọc dài đến hơn một gang tay. Nhưng vì tôi có cả kéo và dao cạo đủ dùng nên tôi cắt đi khá ngắn gọn, trừ hàng ria ở môi trên tôi xén tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kỳ tôi gặp ở Xa-lê, vì người Ma-rốc không để ria theo kiểu như người Thổ; tôi chẳng dám nối cặp ria mép ấy dài đến mức có thể dùng treo mủ của tôi nhưng chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ nếu như là ở nước Anh”. Giọng kể chuyện mang tính hài hước, vui vẻ thể hiện sự lạc quan cũng như đời sống tinh thần vui vẻ của Rô-bin-xơn.

Một đoạn trích tưởng chừng như chỉ kể về một con người bình thường nhưng bản chất lại rất đỗi phi thường. Đoạn trích cũng đem lại cho mỗi chúng ta nhiều điều gợi mở, một bài học mà mỗi con người chúng ta đều tự ngẫm ra cho bản thân mình là tư tưởng, tinh thần sống lạc quan. Thử hỏi đặt mình trong hoàn cảnh cô đơn, bất hạnh như Rô-bin-xơn, mỗi chúng ta ai làm được những điều như vậy? Chính là tinh thần vươn lên, là sự lạc quan trong suy nghĩ dẫn đến những hành động tích cực. Rô-bin-xơn đang làm đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người trong xã hội. Đây chính là lối sống tích cực mà bản thân mỗi chúng ta cần học hỏi, cần cố gắng thực hiện để cuộc đời tươi đẹp, sống có ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn truyền tải thông qua đoạn trích này. Điều này cũng minh chứng cho việc không phải ngẫu nhiên mà đoạn trích được coi như một bài ca ca ngợi vẻ đẹp lao động của con người trong cuộc sống.

Tham khảo thêm:  

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Mẫu 3

Rô bin xơn ngoài đảo hoang là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đe ni ơn Đi- phô. Tác phẩm là câu chuyện về người thủy thủ thích phiêu lưu là Rô bin xơn. Cuộc đời anh là những chuyến đi dài dù nhiều lần gặp chuyện nhưng anh không hề nhụt chí. Đặc biệt đoạn trích rô bin xơn ngoài đảo hoang là đoạn thể hiện rõ nhất về con người Rô bin xơn khi bị lạc ở đảo hoang, những người thủy thủ trên chuyến tàu đều đã chết chỉ còn mình anh sống sót và đối mặt với những khó khăn nơi đảo hoang. Qua đoạn trích ta có thể thấy được diện mạo của Rô-bin-xơn sau bao nhiêu năm bị lạc ngoài đảo hoang.

Chính nhân vật đã vẽ lên bức chân dung của mình. Anh tự nghĩ rằng nếu gặp lại đồng bào sẽ khiến cho người ta hoảng sợ hoặc cười sằng sặc bởi bộ dạng của anh lúc này. Tất cả đều được tạo bằng da dê trông khôi hài và kì cục. Ông thay đổi từ một chàng trai da trắng lịch lãm thành một gã thổ dân da màu. Với giọng điệu dí dỏm khôi hài, nhân vật như tự cười chính bộ dạng của mình.

Thứ hai, nhân vật hiện lên với trang phục cũng rất đặc biệt. Chiếc mũ của vị chúa đảo được làm bằng da dê, to, cao để che nắng che mưa. Tiếp đến là chiếc áo cũng được làm da dê vạt dài đến lưng bắp đùi. Đến chiếc quần loe đến gối cũng được làm bằng da dê. Một đôi giày ủng mang hình dáng kỳ cục. Trang phục của nhân vật được miêu tả tỉ mỉ từ hình dáng cho đến chất liệu với một giọng điệu khôi hài khiến cho trang phục của Rô bin xơn hiện lên càng kì cục và ngộ nghĩnh biết bao.

Trang bị của rô bin xơn là chiếc thắt lưng bằng da dê hai bên lủng lẳng những cưa và rìu. Trên vai của nhân vật lủng lẳng hai túi cũng bằng da dê và khoác súng. Sau lưng anh đeo một chiếc gùi. Một chiếc dù lớn bằng da dê được che trên đầu vô cùng xấu xí. Cách miêu tả cho thấy được bộ dạng Rô bin xơn với những đồ vật cồng kềnh, kì quái.

Cuối cùng là diện mạo của nhân vật, diện mạo của Rô bin xơn hiện lên với nước da không quá đen và hàng ria kiểu theo kiểu hồi giáo dài đến mức kỳ quái. Rô bin xơn đã dị hình lại còn dị tướng. Nhân vật không chỉ di hình mà còn dị tướng. Tuy nhiên đằng sau bức chân dung dị hợm ấy là cả một nghị lực sống, một tinh thần lạc quan, vượt lên trên mọi khó khăn, lao động sáng tạo và có sức mạnh chiến thắng thiên nhiên.

Tóm lại qua đoạn trích ngoài sự khôi hài bởi diện mạo quái lạ đến kì cục dị tướng của vị chúa đảo Rô bin xơn ta còn thấy được sức sống mạnh mẽ của nhân vật. Con người với ý chí của mình sẽ chiến thắng được thiên nhiên và vượt qua tất cả mọi khó khăn.

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Mẫu 4

Em mê nhân vật Rô-bin-xơn từ ngày đọc truyện cùng tên của nhà văn Đi-phô. Được học đoạn trích “Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang” em càng thấy mê hơn, thích nhân vật này. Đó là một tấm gương sống lạc quan, sáng tạo, say mê làm việc với nhiều phẩm chất tốt đẹp.

Trong đoạn trích, Rô-bin-xơn sống đã trên mười năm ngoài hoang đảo. Điều làm em kinh ngạc là hơn mười năm không gặp đồng loại, không trò chuyện cùng ai ngoài những câu ngắn nói với con chó mà Rô-bin-xơn vẫn sống bình thường, cân bằng. Chỉ riêng việc chiến thắng nỗi cô độc, sự cô đơn đã là một kỳ tích của Rô-bin-xơn. Chắc chắn anh phải có bí quyết sống mạnh mẽ, một bộ thần kinh thép mới có thể đạt tới kỳ tích ấy. Liều thuốc thần dược, bí quyết sống của anh thật đơn giản: làm việc và làm việc. Trong đoạn trích, anh đã kể suốt thời gian đó, tôi không ngồi rỗi, bằng lòng với những thứ mình đã có. Tôi vẫn làm việc không mệt mỏi.

Tôi say sưa với công việc, không còn nghĩ vẩn vơ. Như vậy, công việc không chỉ mang lại cho Rô-bin-xơn những sản phẩm bảo đảm cuộc sống. Nó còn tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, nuôi dưỡng niềm hy vọng vào ngày gặp lại đồng loại, trở về với bạn bè, gia đình, xã hội.

Rô-bin-xơn ngày càng lành nghề trong nhiều công việc thủ công. Sự kiên trì, khéo léo, trí thông minh, tài sáng tạo của anh làm em luôn luôn đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác, cuối cùng chỉ còn biết bái phục. Anh kể, trước kia không biết nặn nhưng cuộc sống buộc anh phải sáng tạo ra các thứ đồ dùng để chứa thức ăn, thức uống, lương thực. Anh tập nặn và cuối cùng nặn rất khéo. Ngoài bát đĩa, bình vò thường dùng, anh còn nặn một cái tẩu hút thuốc. Phải nói đó là một công trình sáng tạo đặc biệt dù nó còn thua xa thứ tẩu vẫn bán ở phố. Anh thấy tự hào tôi rất thích thú với cái tẩu hút thuốc, tôi đã có thuốc lá nay lại có cả tẩu để hút. Cũng trong hoàn cảnh đó, anh là người thợ đan giỏi. Bằng một thứ miên liễu, anh đã đan được thúng, được bồ và nhiều đồ dùng khác. Anh còn trở thành người thuần dưỡng dê và kiên trì nhân số lượng dê từ hai con lên đến trên bốn mươi ba con dê. Anh tự mày mò tập vắt sữa, làm phomat… Bằng bàn tay khéo léo và khối óc thông minh, Rô-bin-xơn đã làm cuộc sống từ chỗ thiếu thốn đến chỗ no đủ. Anh đã sống và biết làm cho cuộc sống đó ngày càng đàng hoàng, hạnh phúc. Anh đã có đủ lương thực, thực phẩm, hoa quả dùng cho bữa ăn không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn. Kết quả việc làm Rô-bin-xơn làm em liên tưởng đến kì tích của một nhân vật trong truyện cổ Việt Nam: anh chàng Mai An Tiêm. Bị đày ra đảo hoang, An Tiêm với hai bàn tay sáng tạo và cần cù của mình cũng tạo lập nên cuộc sống no đủ, và còn phát hiện ra giống dưa quý. Đó là hai con người, ở hai chân trời khác nhau, nhưng đều là hai thần tượng của em, từng cổ vũ em trong những lúc gặp khó khăn.

Rô-bin-xơn còn là một người có tính hài hước. Em đã thích thú, thậm chí có lúc cười thành tiếng khi đọc đoạn anh miêu tả bộ quần áo kì dị của ông “chúa đảo”, bộ quần áo đến con chó cũng kinh ngạc, nghi nghi hoặc hoặc. Đó là thành quả của tài năng và sức lao động kiên trì của anh trong bao nhiêu lâu. Vì thế, em vừa thích thú xong lại vừa khâm phục anh khi ngẫm nghĩ về bộ quần áo ấy. Chi tiết vui nhộn nhất có lẽ là bộ ria kiểu Thổ Nhĩ Kỳ của anh. Nó vừa dài, vừa rậm, tô thêm nét cổ quái cho khuôn mặt anh.

Tham khảo thêm:  

Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Mẫu 5

Con người, mi là ai? Câu hỏi ấy giúp cho nhân loại tự ngắm mình trong những trường hợp biến dạng đến dường như không phải là con người. Rô-bin-xơn rơi vào một trong những nghịch cảnh không bình thường như thế. Hơn mười năm ròng rã sống trên hoang đảo, bị cắt đứt mọi liên lạc với con người, anh có còn là chàng thanh niên hai mươi bảy tuổi quê ở miền Yoóc-sai nữa hay không? Thử thách vượt qua sức tưởng tượng này là một phép thử có hồi âm, một thông điệp không bi quan mà ngược lại.

Bản năng sống không cho phép con người bất lực khoanh tay. Dù thế nào, bằng cách nào cũng phải sống. Quyết tâm lấy, ý chí ấy có khả năng diệu kỳ biến không thành có. Nếu nghị lực là phẩm chất số một ở con người thì tại nơi đảo hoang này, ở Rô-bin-xơn nó luôn luôn toả sáng. Để định cư nơi đầu sóng ngọn gió, nơi góc bể chân trời xa lạ, những điều đầu tiên không thể không nghĩ đến: căn lều che nắng che mưa, cái ăn cái mặc hằng ngày. Căn lều chắc được dựng lên từ cây cối trong rừng bằng chiếc cưa nhỏ và chiếc rìu con mà lúc nào Rô-bin-xơn cũng đeo lủng lẳng bên người. Còn cái ăn chắc nhờ vào săn bắn và hái lượm, hình thái tự cung tự cấp sơ khai của người nguyên thuỷ cách đây hàng mấy chục ngàn năm nhờ khẩu súng trên vai cùng hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém. Nhưng, những điều đó không phải “kỳ cục”. Cái dị hình, dị tướng làm cho người ta “hoảng sợ”, hoặc “phá lên cười sằng sặc” là ở hình ảnh của một thứ “người rừng” hay con gấu cô đơn Bắc Cực. Cách ăn mặc của Rô-bin-xơn quả thật là như thế. Thông thường quần áo được may bằng vải vóc hay len dạ tuỳ thuộc vào thời tiết ấm lạnh mỗi mùa, nhưng căn cứ vào cách ăn mặc của anh, ta cứ ngỡ thời gian ở đây không luân chuyển. Trái đất hình như đã ngừng quay để chỉ còn có một mùa đông lạnh giá quanh năm. Thôi thì mũ, giày, quần áo từ đầu đến chân chỉ có một thứ vật liệu đặc sản: da dê. Sự dung hòa giữa cái có ích và cái đẹp không còn. Cái mũ chỉ là một thứ để đội đầu với hình thù vượt khỏi khái niệm quy ước “to tướng cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì”, dính liền với nó rất lôi thôi là một mảnh da rủ xuống phía sau “vừa để che nắng, vừa để chắn không cho mưa hắt vào cổ”. Cả hai chức năng cần đến hai loại trang phục, nhưng Rô-bin-xơn chỉ cần đến một chiếc mũ đa năng. Cố tình làm chiếc mũ như thế, anh có một dụng ý riêng “ở miền khí hậu này, chẳng gì tai hại bằng nước mưa luồn trong áo thấm vào da thịt”. Áo và quần cũng thế, nghĩa là không cần kiểu mốt. Chúng lại không ăn khớp với nhau. Hình như cái áo thì quá dài (khoảng lưng chừng hai bắp đùi) còn quần lại quá ngắn, quần là dạng “quần loe” nhưng chỉ đến đầu gối mà thôi. Lại nữa, vì quần được may bằng da một con dê đực già trông nó khó mà phân biệt được quần dài hay quần ngắn vì “lông dê thõng xuống mỗi bên đến giữa bắp chân”. Đôi giày dưới chân thì cũng như chiếc mũ trên đầu, không biết gọi là gì cho đúng vì giày đi không có tất, gọi nó là đôi ủng thì có lẽ đúng hơn vì dây của cái gọi là giày ấy không xỏ lỗ nơi mu bàn chân mà lên tới bắp chân. Sự luộm thuộm không chỉ thế. Nó còn là đặc điểm trong cách trang bị trên người, lỉnh kỉnh như một cái nhà kho di động. Không đeo kiếm và dao găm như những nhà quý tộc thời Đôn Ki-hô-tê, về góc độ này mà quan sát, người ta có thể nhầm anh với người thợ sơn tràng với “lủng lẳng bên này một chiếc cưa nhỏ, bên kia một chiếc rìu con”. Nhưng có lẽ anh là thợ săn với đầy đủ súng khoác trên vai và hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Cũng có thể nghĩ anh là một thổ dân da đỏ vào rừng trèo cây, đào củ với chiếc gùi đeo ở sau lưng. Biết vượt lên mọi thử thách, khó khăn, Rô-bin-xơn đã tồn tại, dù hình thức của sự tồn tại hoang dã, thô sơ gần như một con người ở vào thời tiền sử.

Nhưng, tất cả chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, đằng sau những nét “hết sức kỳ cục” trên đây vẫn là một con người đang sống. Danh hiệu con người cao quý, con người viết hoa được anh trân trọng giữ gìn. Vì sao Rô-bin-xơn rất chú ý đến bộ ria, một bộ râu ria nếu để nó thả sức mọc dài phải đến “hơn một gang tay”? Ý thức về con người, mà ở đây là một người đàn ông cường tráng và đầy nam tính đã nhắc nhở Rô-bin-xơn, không cho phép anh tùy tiện, buông thả rất dễ bị coi thường cho dù anh không có nhu cầu giao tiếp với ai. Và trên thực tế là ngoài anh ra, ở đây trên chốn đảo hoang không một bóng người. Thậm chí cái cách “xén tỉa” thật cẩn thận, kỹ càng như một người khó tính, vì bộ ria mà anh muốn có là “một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kỳ tôi gặp ở Xa-lê”. Với gương mặt đầy hãnh diện ấy, Rô-bin-xơn có thể tự hào cũng như nước da sạm màu nắng gió của vùng đất “khoảng chín hoặc mười độ vĩ tuyến miền xích đạo” vẫn trông được, nghĩa là “nó không đến nỗi đen cháy như các bạn có thể nghĩ”. Đó là niềm vui duy nhất lúc này mà Rô-bin-xơn tự cảm nhận được. Ý nghĩ ấy khoẻ khoắn, trong, trẻo biết bao. Đó mới là chân dung con người đích thực. Về nghệ thuật, đây là một bức chân dung tự hoạ, nó đảm bảo tính chân thực, khách quan. Đọc một đoạn văn không dài, ta vẫn có thể hình dung được một con người cụ thể đến từng chi tiết. Bức vẽ chân dung ấy gắn với hoàn cảnh sống đầy rẫy gian truân khi một mình sống trên hoang đảo. Nhưng, một mặt khác, do sự đồng cảm và tài năng của người kể chuyện, bức tranh chân dung ấy rất sinh động, như có linh hồn. Ấn tượng mà chúng ta có thể cảm nhận được là nhờ ở giọng văn, một giọng văn không đơn điệu, một chiều mà vô cùng đa dạng. Chẳng hạn như miếu tả cách ăn mặc và trang bị của Rô-bin-xơn có ý vị hài hước, cường điệu, bông phèng, nhưng đoạn văn miêu tả diện mạo, gương mặt lại rất nghiêm trang, trân trọng. Chính sự đa dạng về giọng điệu của trích đoạn trên góp phần tạo nên một tính cách nhân vật không hời hợt mà có chiều sâu, vừa sôi nổi vừa trầm tư, vừa có những nét trần tục vừa có những nét thiêng liêng như một vị thánh. Những hàm nghĩa đa tầng ấy, trong nhiều trường hợp được thể hiện bằng cách so sánh. Khi thì nhà văn so sánh bộ ria theo kiểu Hồi giáo của mình trước cái nhìn của người Ma-rốc và người Anh (người Ma-rốc không để ria theo kiểu người Thổ, còn bộ ria ấy sẽ làm cho mọi người khiếp sợ nếu ở nước Anh). Cũng là cái cười, nhưng có nhiều cung bậc.

……………

Mới các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết tài liệu tại file dưới đây!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phân tích tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Dàn ý + 5 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *