Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Wikihoc.com xin giới thiệu đến cho tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai, đây là tài liệu đã được đội ngũ chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai

Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn có thêm nhiều cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 9 hơn. Sau đây sẽ là dàn ý chi tiết cùng với 6 bài văn mẫu nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai

I. Mở bài:

– Nêu vấn đề cần nghị luận.

II. Thân bài:

– Giải thích:

+ Nghĩa đen: những nhành mai tươi đẹp khoe sắc trong ngày xuân phải trải qua quá trình rứt bỏ tất cả những chiếc lá.

+ Nghĩa bóng: con người phải biết trải qua những khó khăn trong cuộc sống để đi đến thành công.

– Phân tích, chứng minh:

+ Khẳng định giá trị của câu nói.

+ Muốn thành công, muốn đạt được giá trị, thành tựu rực rỡ phải trải qua những khó khăn, thậm chí có cả nỗi đau thể xác( mồi hôi, công sức…)

+ Lấy dẫn chứng từ thực tế (tấm gương vượt khó), từ văn học ( Ví dụ: Bài “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chí Minh…)

– Bàn luận:

+ Câu nói trên hoàn toàn đúng với những ai biết kiên trì, nhẫn nại, biết vượt qua tất cả nỗi đau của cuộc đời để đi đến thành công.

+ Tuy vậy, vẫn có những người không chịu đựng được nỗi đau, thường tỏ ra yếu hèn, nhút nhát trong tư tưởng và hành động. Từ đó dẫn đến sự thất bại hoặc không đạt được những thành tựu và giá trị mà bản thân cần phải có…

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Biết vượt qua nỗi đau, khó khăn để đi đến thành công là phương châm sống, nghị lực của tuổi trẻ.

+ Suy nghĩ của bản thân về vấn đề.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 1

Không thử qua lửa sao ta tìm ra vàng? Không chịu đau đớn sao có được những viên ngọc trai lấp lánh? Và “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”?

Câu nói nêu lên một hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Loài cây nào, dù là cây hoa, cây lấy bóng, cây ăn quả,… đều trải qua thời kì “rứt lá”. Những chiếc lá được nuôi dưỡng bởi cây mẹ giờ lại phải lìa xa hay đó chính là nỗi đau, sự mất mát của con người trong cuộc sống. Nhưng phải có “rứt lá” mới có “nhành mai”. Nhành mai là biểu tượng của vẻ đẹp, của thành quả hay chính là những thành công trong cuộc sống. Một hiện tượng vẫn diễn ra trong cuộc sống đã được khái quát thành chân lí trong cuộc sống: tất cả những thành quả, thành công, hạnh phúc đều phải trải qua những mất mát, khổ đau và hi sinh.

Đó là một quy luật tất yếu của cuộc sống này. Chiếc lá có lìa cành rụng thì mới có thể mọc lên những chồi non, những mầm xanh mới từ đó để có thể tiếp tục sinh sôi, và nở ra những nhành mai thật đẹp. Loài ong phải bay một đoạn đường bằng sáu lần xích đạo mới làm nên một giọt mật đời. Bạn nghĩ một hạt ngọc trai đẹp và quý như thế, làm sao mà thành? Không phải tự nó có. Đó là quả quá trình con trai chịu bao nhiêu đau đớn nuốt những hạt cát vào trong, tiết nước bọt của mình ôm lấy những “hạt đau, hạt xót” mà làm nên hạt “khối tình con”. Mọi thứ trong cuộc sống này, càng những thứ giá trị, càng những vẻ đẹp cao quý lại càng phải trả giá bằng sự hi sinh, mất mát lớn.

Con người và con đường đi đến thành công cũng không ngoại lệ. Trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm cho mình sự hạnh phúc, thành công. Nhưng con người vẫn thường ngại khó, ngại khổ và chỉ muốn nhận lại mà không thể cho đi. Như thế, bạn có thể chọn cách chấp nhận sự bình lặng của cuộc sống, không biến động, không thử thách và mất mát. Khi đó, đồng nghĩa với việc bạn đã chết, chết về tâm hồn. Bởi đó đâu phải là cách một con người sống và khẳng định sự tồn tại của mình!

Những gì đến dễ dàng với ta cũng bỏ ta đi một cách nhanh chóng. Chỉ có những gì được lấy bằng chính mồ hôi, nước mắt và công sức của chính ta thì đó mới ở lại lâu bền với ta. Những thứ là “đồng xu của Thượng Đế” mình may mắn có được, ta cũng đâu có biết trân trọng nó mà để mất nó. Mọi việc đều không thể diễn ra như ý, như chúng ta mong đợi. “Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió” (Henry Ford). Cuộc sống không thể không có khó khăn, như máy bay cất cánh thì không thể không thiếu gió, dù có là gió ngược chiều. Những khó khăn, mất mát, đau đớn như sự cản lại của gió với máy bay. Nhưng có như vậy ta mới biết động cơ của máy bay mạnh đến thế nào cũng như lúc ấy, ta mới biết sức chịu đựng, niềm quyết tâm và những phẩm chất ẩn sâu của mình bấy lâu nay. Và những gì không thể quật ngã bạn sẽ làm bạn cứng rắn và trưởng thành hơn. Khi ấy, những nhành hoa mai sẽ tự nở và ta mới biết khoảnh khắc được chiếm lĩnh bầu trời, chiếm lĩnh cuộc sống mình hạnh phúc và đáng quý đến mức nào. Đó là lí do những tỉ phú, những người nổi tiếng đi lên từ nghèo khó lại được quý trọng và có thành công lâu dài như vậy. Đến nay, Jack Ma vẫn là người giàu nhất Trung Quốc. Hành trình đi từ một giáo viên tỉnh lẻ, thất bại liên tiếp đã giúp ông “lớn” hơn nhiều. Vẻ đẹp của Nick Vujjic là vẻ đẹp của nghị lực phi thường niềm tin vào cuộc sống sau bao nhiêu mất mát, khổ đau khi mất đi tứ chi. Chỉ có khổ đau, hi sinh mới có hạnh phúc và thành công.

Tham khảo thêm:  

Hãy nhớ: Đôi lúc cuộc sống bắt bạn chìm trong bất hạnh không phải để bạn chết chìm mà để bạn học cách tập bơi. Những khó khăn, thử thách và khổ đau không bao giờ kết thúc. Nó là một phần của cuộc sống, không thể thay đổi. Nhưng cuộc sống còn những niềm vui, còn tình yêu, đam mê và còn cả thành công, hạnh phúc. Đừng bao giờ nói lời tạm biệt nếu bạn còn muốn cố gắng. Đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn thấy còn có thể tiếp tục. Trong cuộc sống này, rất nhiều thứ ta không muốn cho đi, rất nhiều người ta không muốn bỏ lại. Nhưng hãy nhớ: buông tay không có nghĩa là chấm hết. Buông tay là để bắt đầu cho một khởi đầu mới.

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và chỉ có một tuổi trẻ để trổ hoa. Hãy sống hết mình để sự sống này không chỉ đơn giản là tồn tại.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 2

Mỗi một ngày trôi qua tôi càng thấm thía hơn câu nói “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”. Nhìn về quá khứ cũng như hiện tại tôi đều nhận ra rằng để có được một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp đôi khi chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ. Nhưng chỉ cần chúng ta dám đánh đổi thì chúng ta sẽ có được phần thưởng vô cùng xứng đáng.

Trở lại với câu nói “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”, chúng ta có thể hiểu nỗi đau rứt lá là sự vượt qua khó khăn, vượt qua những đau đớn của chính bản thân mình. Còn nhành mai chính là ẩn dụ cho sự thành công và vui vẻ trong cuộc sống. Như vậy, câu nói khuyên con người hãy biết chấp nhận những đau đớn trong cuộc sống bởi có như vậy thì mới có được thành công, có được hạnh phúc. Xét cho cùng trên đời này đâu có thành công nào đến một cách dễ dàng.

Mẹ tôi vẫn thường kể về chuyện mẹ sinh tôi ra đau đớn biết nhường nào. Nhưng sau đó, mẹ hạnh phúc vì có tôi luôn đồng hành cùng với mẹ. Và dù biết rằng sẽ phải trải qua cơn đau chết đi sống lại một lần nữa, mẹ tôi vẫn quyết định sinh em của tôi. Mẹ tôi đã lựa chọn vượt qua nỗi đau để bây giờ gia đình tôi 4 người vô cùng hạnh phúc, vui vẻ. Nếu mẹ tôi hay bao nhiêu người phụ nữ khác không dám vượt qua nỗi đau của bản thân thì làm sao một đất nước có thể phát triển, xã hội loài người có thể vươn lên. Những người dám vượt qua khó khăn, dám vượt qua nỗi đau là những người vô cùng dũng cảm. Và vì vậy, họ xứng đáng có được hạnh phúc. Cũng như hạnh phúc giản đơn của người phụ nữ đó là có đứa con gọi mình là mẹ.

Nhưng trong cuộc sống cũng có không ít người chỉ biết ngồi nhìn khó khăn mà không dám đương đầu với chúng. Họ luôn sợ hãi và gục ngã trước hoàn cảnh. Họ không muốn đương đầu với sóng gió vì trong họ có nhiều nỗi sợ. Chúng ta vẫn thường nói những người không dám thất bại sẽ không có được thành công. Điều đó quả thực không sai. Chẳng hạn những người bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn nhưng không cố gắng vượt qua hoàn cảnh thì suốt đời họ sẽ không thể nào vươn lên được.

Nhìn vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta, biết bao người đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Họ là những người dám chịu đau đớn, dám chấp nhận thương vong vì sự tự do cho dân tộc. Nếu không có những con người như vậy thì làm sao có được nước Việt Nam như ngày hôm nay. Để có được sức mạnh vượt qua nỗi đau, vượt qua khó khăn, con người cần phải có bản lĩnh, có nghị lực và sự khát khao vươn tới thành công.

Phần thưởng cho những người dám chấp nhận vượt qua nỗi đau là rất xứng đáng. Vì vậy chúng ta hãy chấp nhận khó khăn như một điều tất yếu của cuộc sống. Là một học sinh, tôi và các bạn hãy rèn luyện mình dù con đường học vấn có gian khổ đến đâu. Chỉ cần chúng ta vượt qua thì tương lai sẽ gặt hái được rất nhiều hoa thơm, quả ngọt.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 3

“Những giọt sương lăn vào lá cỏ
Qua nắng gắt, qua bão tố
Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
Vẫn long lanh bình thản trước vần dương.”

Phải chăng để giữ được sức sống mạnh liệt, để cái đẹp vẫn đơm hoa kết trái và sự sống vẫn nảy mầm thì ta cần phải nhớ rằng: “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai.”

Câu nói chứa đựng những hình ảnh ẩn dụ thật ám gợi và thấm thía những thông diệp ý nghĩa. “Nỗi đau rứt lá” là biểu tượng cho sự vươn lên, vượt qua những nỗi đau đớn, bất hạnh của bản thân trước nghịch cảnh và số phận để làm nên “nhành mai”-sự tỏa sáng, thành công và hạnh phúc. Như vậy câu nói chính là sự biểu đạt ý nhị cách để khẳng định giá trị bản thân đó là biết vượt qua và chấp nhận nỗi đau đớn, bất hạnh của bản thân trong cuộc sống từ đó mới có thể vươn tới hạnh phúc, tỏa sáng và sống có ý nghĩa chứ không phải là sưu tồn tại vô nghĩa lí.

Cuộc sống chưa bao giờ đơn giản và dễ dàng. Cuộc đời vốn phong phú và phức tạp, cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn, cái nên thơ còn lóng lánh những giọt nước mắt ở đời. Bi kịch mà mỗi người gặp trong cuộc sống tuy khác nhau nhưng gặp nhau ở chỗ ai cũng đều có những khó khăn riêng dù nhiều ít, lớn lao hay nhỏ bé, ai cũng phải tự học cách chấp nhận và vượt qua mà không thể chỉ phụ thuộc vào người khác. Nếu chỉ phụ thuộc vào người khác, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác ta sẽ không bao giờ làm quen được những thử thách, đau đớn trong cuộc sông, trở nên thụ động, mờ nhạt và ỷ nại vào cộng đồng.

Tham khảo thêm:   12 địa điểm du lịch Trà Vinh đẹp hút hồn, check-in hết sẩy

Người biết vượt qua nỗi đau rứt lá, biết chấp nhận và bình tĩnh, điềm đạm trước những sóng gió cuộc đời mới có thể thành công, tỏa sáng bởi. Sự thành công không đến với những người lười biếng và hèn nhát với chính mình. Khi biết vượt qua nỗi đau, bất hạnh sẽ trở nên lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống. Bởi cuộc sống luôn cho ta một cơ hội thứ hai đó là ngày mai. Từ sự lạc quan, can đảm và một thái độ bản lĩnh sẽ giúp ta cứng cỏi, mạnh mẽ hơn trước khó khăn, dũng cảm đối diện và biết cách tìm cho mình những hướng đi đúng đắn. Nhành mai sẽ là thành quả, là trái ngọt ta được thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân. Nếu không vượt qua nỗi đau bản thân, ta chỉ trở nên hèn nhát và nhu nhược trước những cú giáng từ cuộc sống, đồng thời cũng từ thái độ ấy ta trở nên bi quan và bất lực trước số phận, không thể chiến thắng bản thân. Dần dần cuộc sống của ta trở thành một cái ao tù bằng phẳng, ta sẽ như một Beelicop thứ hai ngủ dài trong chiếc bao. Nhành mai kia cũng vậy, nếu không chịu nỗi đau rứt lá, để từ lá non kết tinh dưỡng chất mà ươm nụ và kết thành hoa cho ra quả thì sớm muộn cũng sẽ trở thành chiếc lá úa héo khô, sống một cuộc đời vô nghĩa, héo mòn và không cống hiến được gì cho cuộc sống tươi đẹp. Nếu như Nguyễn Ngọc Kí, hay Hellen Killer cũng không chịu nỗi đau rứt lá sao có được thành công vang dội như vậy phải không nào.

Người biết chấp nhận và vượt qua khó khăn sẽ được mọi người ngưỡng mộ, kính trọng và cảm phục về sự nỗ lực không ngững nghỉ ấy của mình, đồng thời chính họ cũng sẽ là người truyền cảm hững và nhiệt huyết sống cho những số phận bất hạnh đang phải chịu nhiều đau đớn khác.

Tôi luôn cố gắng tự nhắc nhở mình rằng: hãy bước qua và đếm từng viên sỏi, cũng như chịu nỗi đau rứt lá để làm nên nhành mai mang hương sắc của riêng mình. Để thà làm bông sen nở dưới một lần rồi tắt dưới ánh mặt trời còn hơn ngủ dài trong búp nụ suốt ngày đông lạnh giá.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 4

Mỗi khi nghĩ đến sự thành công trong cuộc sống, tôi lại nhớ đến câu nói: “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai”.

Để có thể hòa mình vào bản hợp âm muôn sắc của mùa xuân, cây phải giã từ những chiếc lá của mình khi đông đã tàn. “Rứt lá” là để nở hoa, nhưng đó đâu phải chuyện dễ dàng, nó tựa như sự chảy máu, mất đi một phàn cơ thể. Cũng như trong cuộc sống, muốn đạt đến thành công thì phải trải qua khó khăn, thử thách. Bằng cách nói ẩn dụ, ngắn gọn mà sâu sắc, câu nói “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai…” cho ta thấy mối quan hệ biện chứng giữa thành công và khó khăn: Vượt lên thử thách, khó khăn, chúng ta sẽ có cơ hội chạm tay vào vòng nguyệt quế của người chiến thắng.

Trên cuộc đời này, con đường dẫn đến thành công không bằng phẳng, cũng không trải đầy hoa hồng, còn thử thách chính là một khối Rubik đa chiều, mồi lần xoay là một lần khó khăn mới xuất hiện, nhưng khó khăn không làm vơi đi ý chí mà sẽ khiến bản thân chúng ta mạnh mẽ hơn để bước tiếp trên con đường dẫn đến thành công. Gặp một bức tường chắn ngang trước cánh cửa dẫn đến thành công, chúng ta cần tìm mọi cách để vượt qua bằng ý chí nghị lực, sự dũng cảm và bền bỉ. Trong học tập, chìa khóa cho mọi bài toán khó mà ta phải đối mặt ngoài tư duy còn có kinh nghiệm tích lũy từ những lần thất bại, sự nỗ lực không ngừng trong suốt một thời gian dài. Trong chiến đấu, một người lính không thể run sợ trước kẻ thù, phải lựa chọn phương án đấu tranh đến cùng để giành chiến thắng cho dân tộc mình. Chỉ có cách làm chủ bản thân mình, làm chủ con thuyền cuộc đời, thấy “sóng cả” nhưng không hề “ngã tay chèo” để vươn tới thành công.

Thành công hay chiến thắng đạt được sau một quá trình gian nan sẽ là tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị song điều vô giá nhất mà chúng ta có được đó chính là các bài học kinh nghiệm, sự chiến thắng bản thân, không khuất khục dù hoàn cảnh nghiệt ngã biết bao. Bền bỉ như Thomas Edison thất bại 10000 lần trước khi sáng chế ra bóng đèn điện – phát minh có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống toàn nhân loại. Táo bạo như Picasso trong hoàn cảnh khốn khó, đã đem những đồng bạc cuối cùng đánh cược vận may, Picasso thuê người đến khắp các cửa hàng tranh ừên nước Pháp để rao bán “Ở đây có bán tranh của Picasso không?” Nhờ vậy, ông đã trở thành người họa sĩ lừng danh vào cuối thé kỉ 20. Thành công và chiến thắng đôi khi phải đánh đổi rất nhiều thứ. Như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, cô gái chưa bước qua tuổi 20 nhưng từ lâu đã phải quen vói cường độ tập luyện vô cùng khắc nghiệt và những ngày đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình nơi đất khách quê người. Ánh Viên chấp nhận đánh đổi cuộc sống bình thường như bao thiếu nữ đồng trang lứa khác để chuyên tâm vào đam mê lớn của đòi mình: bơi lội. Để rồi ở tuổi 20 cô đã phá nhiều kỷ lục bơi ở SEA Games và giành về cho Việt Nam nhiều huy chương trên đường bơi thế giới.

Nhưng đáng trách thay vẫn còn những con người không muốn “rứt lá” nhưng vẫn muốn thành “nhành mai”. Họ muốn thực hiện ý định của mình một cách nhanh chóng, không dựa vào thực lực bản thân mà chỉ biết giả dối, lừa gạt người khác. Nó sẽ chẳng bền vững và dễ dàng tan biến, không có quá trình rèn luyện với những thử thách và gian nan, con người sẽ khó mà thành công. Một nhành mai đẹp không chỉ là thành quả của cây mà còn là sự cho đi. Đó có thể là khi bạn quan tâm hay giúp đỡ người khác để cùng họ tiến đến thành công, một sự hỏi thăm hay giúp đỡ nho nhỏ đều sẽ được nhận về ánh mắt cảm kích sâu sắc, khiến cho mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn. Muốn đạt đến thành công và chiến thắng, trở thành một nhành mai đẹp thì bản thân phải bỏ những gì đã cũ kĩ, đã lạc hậu, những khuyết điểm, nhược điểm, thay vào đó là những kinh nghiệm mới mẻ hơn, bổ ích hơn. Từ bỏ thói quen lười nhác vì “trên bước đường dẫn tới thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, đặt ra mục tiêu và có kế hoạch dài hạn cho bản thân. Tự tin vào chính mình cũng như không ngừng hoàn thiện khả năng, chấp nhận thất bại để khởi đầu một lần nữa hoàn hảo hơn.

Tham khảo thêm:   Công dụng của bột sắn dây đối với da

Câu nói này là bài học quý giá cho thế hệ mai sau. Nó góp phần khẳng định chân lí của cuộc sống: Chỉ có cố gắng, vượt qua mọi trắc trở và khó khăn thì bản thân chúng ta mới đạt đến thành công, chiến thắng và trở thành người có ích cho cuộc đời.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 5

Mùa xuân hoa đâm chồi nảy lộc, thay áo, khoe sắc hương. Mang đến vẻ đẹp mới tươi mát, đầy nhựa sống. Muốn có được vẻ đẹp ngời sáng ấy, đâu chỉ đơn giản, một sớm một chiều là có thể đạt được. Phải trải qua cả quá trình dài, từ mầm sống nhỏ bé, phát triển qua từng ngày, trải qua bao thử thách. Vượt qua được ắt sẽ có được điều mong muốn.

Như nhành mai kia. Có được những bông hoa đẹp rực rỡ sắc vàng, tràn sức sống của mùa xuân, nó phải đánh đổi cả một cái giá xứng đáng với sự đổi thay. Rứt lá để nở ra những cánh hoa khoe sắc. Và con người cũng vậy. Chỉ trưởng thành và đủ nhận thức khi dám đương đầu với những khó khăn, thách thức của cuộc đời đặt ra. Đủ bản lĩnh, tự tin đối mặt. Ắt sẽ thành công!

Dạy ta biết phải biết hi sinh cho một điều hoài bão để rồi nhận được quả ngon, hoa xinh. Dạy ta cách kiên nhẫn, tự tin với chính mình. Dám chấp nhận và đương đầu, bạn đã là người chiến thắng. Bạn chỉ bị đánh gục khi không còn cố gắng. Bạn chỉ thất bại khi bạn từ bỏ tất cả, không nuôi dưỡng trong tim niềm tin, không đủ kiên nhẫn để theo đuổi.

Bạn nhớ rằng: Trong khó khăn ta vẫn có thể tìm cách thóat khỏi nhờ vào sự khó khăn đó. Khó khăn dạy ta cách vượt qua nó. Điều quan trọng là bạn có nhận ra và đủ kiên định hay không mà thôi!

Trên đây là những bài văn mẫu Nghị luận bàn luận về câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”. Các em sau khi tham khảo hãy tự làm một bài văn của riêng mình nhé.

Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai – Mẫu 6

Trong cuộc sống, thành công đến với bất cứ ai thì chắc chắn họ phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện kiên trì, gian nan, vất vả chứ không hề dễ dàng. Ngay trong giới tự nhiên cũng như vậy, một cây mai muốn có được cành mai nở rộ đúng vào dịp xuân về, Tết đến điểm tô cho không gian ngày xuân thêm đẹp thì mai cũng phải cũng phải chịu đựng nỗi đau rứt lá.

Để có một cành mai đẹp, nghệ nhân trồng mai phải uốn cành tạo dáng trước Tết một khoảng thời gian nhất định, người trồng mai phải ngắt hết lá để dồn chất dinh dưỡng cho hoa phát triển và ra hoa đúng dịp xuân về. Nếu ta hình dung cây mai cũng là một sinh thể có đời sống tâm linh, tình cảm thì khi những chiếc lá bị rứt đi chắc mai cũng phải đau đớn vì đó là một phần của cơ thể mai.Từ hình tượng của cây mai ấy mà ta liên tưởng đến quá trình tu dưỡng phấn đấu của mỗi người để cho bản thân trở thành đóa hoa đẹp gia đình tự hào, Tổ quốc vinh dự thì mỗi người đều phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, đau đớn, thất bại trong quá trình khổ luyện lâu dài của bản thân. Chúng ta có thể nhìn vào tấm gương sáng của vận động viên nhảy xa Đặng Thị Thu Thảo đã giành tấm Huy Chương Vàng lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở giải đấu lớn ASIAD 2018 vừa qua. Cô xuất thân từ gia đình thuần nông với nghị lực thoát nghèo lớn, cô đã thực hiện hóa ước mơ ấy bằng cách luyện tập kiên trì, ý chí không bỏ cuộc, mơ ước để một ngày có thể bước lên bục vinh quang cho Quốc kì và Quốc ca của Tổ quốc tung bay ngân vọng trên đấu trường Quốc tế thì cô phải trả giá khá đắt khi chấn thương đau đớn trong suốt quá trình tập luyện, bỏ lỡ những cuộc đua chơi với bạn bè cùng trang lứa… Và với sự nỗ lực ấy, cô đã được nhận một thành quả tốt đẹp mà bao nhiêu người mơ ước.

Hay với một hình tượng vĩ đại khác, chính là Bác Hồ – vị lãnh tụ tài ba của đất nước ta. Để thực hiện được tham muốn tột bật là giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc và nhân dân thì Bác phải bôn ba qua nhiều châu lục, làm nhiều công việc vất vả thậm chí là phải chịu đựng cảnh tù đày, tra tấn, sống chết liền kề nhưng Người vẫn nung nấu ý chí cứu quốc mãnh liệt. Từ thực tế đó, Bác đã viết bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” trong nhà ngục ở Quảng Tây, 1942 để động viên mình, động viên mọi người vượt qua gian khó.

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”

Khi ta hiểu được muốn có một có một cành mai đẹp, mai phải chịu nỗi đau rứt lá. Vậy thì mỗi chúng ta muốn có một tương lai rạng rỡ, ngay từ thời đang còn là học sinh, ta phải chịu khó chiến thắng mọi khó khăn, đặc biệt là chiến thắng tính lười biếng, nản lòng trong quá trình học tập để cố gắng cho tương lai phía trước. Đến khi chúng ta dấn thân vào con đường lập nghiệp mới mẻ, chắc rằng sẽ có nhiều gian khổ, chúng ta phải có nghị lực, sức mạnh tinh thần, nhịp độ làm việc với môi trường cao, vượt qua cửa ải gian nan tiếp tục cuộc hành trình của mình thì chắc chắn sẽ đến ngày vinh quang.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận về câu nói Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *