Con người có khả năng nhận biết được âm thanh xung quanh cuộc sống là điều rất tuyệt vời. Nhờ có âm thanh mà ta nghe được tiếng nhạc, tiếng chim hót, tiếng nói chuyện…Nhưng đối với một số trường hợp bạn nghe thấy âm thanh rất to và kéo dài thì sao? Chắc chắn chúng ta ai cũng thấy khó chịu, những âm thanh mà ảnh hưởng tới đời sống con người như vậy gọi là tiếng ồn. Đây cũng chính là chủ đề mà Wikihoc mang tới cho các bạn ngày hôm nay: Chống ô nhiễm tiếng ồn. Qua đây ta tìm hiểu thế nào là tiếng ồn, chúng gây ra tác hại gì và cách để giảm tiếng ồn.
Ô nhiễm tiếng ồn là gì?
Dù chưa tìm hiểu kỹ về ô nhiễm tiếng ồn là gì nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta đều nhận biết được vấn đề tiếng ồn trong cuộc sống. Ví dụ khi bạn đang học bài thì ở ngoài nhà có người mở nhạc lớn khiến bạn không thể tập trung học được. Một ví dụ khác như, một phòng học có vị trí ngay cạnh khu chợ thì lớp học đó cũng bị tiếng ồn ngoài chợ ảnh hưởng. Người ta gọi các trường hợp tương tự vậy là ô nhiễm tiếng ồn.
Vậy, mỗi khi trời mưa to có hiện tượng sấm sét thì tiếng đó có phải là tiếng ồn hay không? Trường hợp này ta không coi tiếng sấm sét là tiếng ồn vì tiếng sấm sét không kéo dài gây hại đến sức khoẻ con người (nó chỉ hơi to một chút thôi).
Qua phân tích ví dụ trên ta có thể kết luận ô nhiễm tiếng ồn là gì?
Ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng tiếng ồn rất to và kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường hay sức khoẻ của con người.
Ví dụ thêm về nguồn ô nhiễm tiếng ồn xung quanh cuộc sống con người
-
Tiếng ồn từ phương tiện giao thông
-
Tiếng ồn phát ra từ các công trình xây dựng: Máy khoan, đục, các máy móc nặng phát ra âm thanh…
-
Tiếng ồn xảy ra tại các sân bay
-
Tiếng ồn tại nơi làm việc do không gian mở
-
Tiếng ồn từ các loại máy móc trong khu công nghiệp: Quạt, máy phát điện..
-
Tiếng ồn từ hoạt động trong nhà: Khi sử dụng ti vi, máy hút bụi, máy giặt,…
-
Tiếng ồn từ những nơi: Tổ chức bắn pháo hoa, sử dụng chất nổ, pháo nổ,…
Tác hại của ô nhiễm tiếng ồn
Nếu xung quanh bạn hay gặp phải môi trường ô nhiễm tiếng ồn thì hãy cẩn thận, bởi vì ô nhiễm tiếng ồn lâu ngày cực kỳ nguy hại tới đời sống sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của chúng ta. Cụ thể dưới đây là những tác hại của ô nhiễm tiếng ồn phải kể đến như:
Làm suy nhược thần kinh, mất ngủ
Có một giấc ngủ tốt đem lại sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Khi một người đang ngủ liên tục bị tiếng ồn làm gián đoạn sẽ góp phần gia tăng chứng suy nhược thần kinh. Biểu hiện ban đầu là cơ thể cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Điều này gây ảnh hưởng lên sinh hoạt thường ngày, học tập, hay công việc kém năng suất hơn.
Giảm khả năng tập trung, độ minh mẫn của trí óc
Một bộ não khỏe mạnh với tập trung cao độ cần được bảo vệ trong điều kiện thuận lợi. Ta cần tránh nơi có ô nhiễm tiếng ồn hay tìm cách giải quyết tiếng ồn để mình có thể tập trung hơn.
Giảm thính lực, có thể làm điếc tai
Tai của con người chỉ nghe được âm thanh ở ngưỡng nhất định, nếu như có bất kì âm thanh nào vượt quá ngưỡng nghe của tai sẽ có khả năng làm ta bị đau màng nhĩ, giảm thính lực. Cảnh bảo trường hợp tiếng ồn ảnh hưởng đến thính lực như là: Tiếng máy khoan, tiếng hàn sắt, tiếng bật loa quá to…
Tăng bệnh thần kinh và cao huyết áp đối với người lớn tuổi
Ô nhiễm tiếng ồn khiến nồng độ trong máu tăng cao gây ra tăng huyết áp đặc biệt với người nhiều tuổi.
Xem thêm: Giải thích hiện tượng nhật thực nguyệt thực vật lý 7 dễ hiểu
Cách chống ô nhiễm tiếng ồn
Để chống ô nhiễm tiếng ồn ta nên tập trung vào ba cách sau
-
Tác động vào nguồn âm làm giảm bớt tiếng ồn
-
Phân tán âm trên đường truyền: Làm cho âm truyền theo hướng khác
-
Ngăn không cho âm truyền tới tai: Ngăn chặn đường truyền âm bằng vật liệu cách âm. Một số vật liệu giúp ngăn chặn âm làm cho âm truyền qua ít như: Gạch, bê tông, gỗ, xốp,…Một số vật liệu phản xạ âm tốt dùng để cách âm như: Kính, lá cây,
Những biện pháp cụ thể chống ô nhiễm tiếng ồn
Nhìn chung ta thấy có ba cách để làm giảm được tiếng ồn là: Tác động vào nguồn âm, phân tán âm trên đường truyền, ngăn không cho âm truyền tới tai. Dựa vào đó, người ta sử dụng một số biện pháp cụ thể như sau để chống ô nhiễm tiếng ồn.
-
Đối với ô nhiễm tiếng ồn do giao thông thì người ta tiến hành treo biển cáo nghiêm cấm hành vi bóp còi gần bệnh viện, trường học…(sử dụng cách tác động vào nguồn âm)
-
Ở một vài nơi khu dân cư sinh sống gần đường cao tốc thì cho xây dựng tường bê tông giúp ngăn cách tiếng ồn
-
Ngoài ra biện pháp trồng nhiều cây xanh cũng được ứng dụng rộng rãi. Bởi âm thanh khi phát ra truyền đến lá cây sẽ bị tản ra các hướng khác nhau trong không gian chống ô nhiễm tiếng ồn. (sử dụng cách phân tán âm trên đường truyền)
-
Những ngôi nhà đặc biệt cần cách âm thì người ta cho xốp trên trần nhà hay làm tường phủ dạ phủ nhung để ngăn bớt âm thanh truyền qua (sử dụng cách ngăn không cho âm truyền tới tai).
-
Lắp ống xả xe máy giúp giảm độ to của âm do máy nổ của xe máy phát ra. Ống xả còn được gọi là bộ phận giảm thanh.
-
Với mỗi cá nhân, khi gặp phải tiếng ồn ta nên chủ động bịt tai lại bằng bông hay chụp tao, tai nghe.
-
Nếu có thể, hãy lựa chọn chỗ ở tránh xa những khu vực hay có tiếng ồn.
-
Lên tiếng yêu cầu người khác không thực hiện hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Giải bài tập chống ô nhiễm tiếng ồn
Câu 1: Âm nào dưới đây gây ô nhiễm tiếng ồn?
A. Tiếng sấm rền
B. Tiếng xình xịch của bánh tàu hỏa đang chạy
C. Tiếng sóng biển ầm ầm
D. Tiếng máy móc làm việc phát ra to, kéo dài
Đáp án: D
Câu 2: Vật liệu nào dưới đây thường không được dùng để làm vật ngăn cách âm giữa các phòng
A. Tường bêtông
B. Cửa kính hai lớp
C. Rèm treo tường
D. Cửa gỗ
Đáp án: D
Câu 3: Tại sao khi áp tai vào tường, ta có thể nghe được tiếng cười nói ở phòng bên cạnh, còn khi không áp tai vào tường lại không nghe được?
Đáp án: Khi áp tai vào tường ta nghe được tiếng cười nói phòng bên vì khi đó âm truyền trực tiếp qua chất rắn là bức tường đến tai ta. Khi để tai tự do trong không khí thì tường lại đóng vai trò là vật cách âm nên ta khó nghe, hoặc không nghe được âm thanh ở phòng bên cạnh.
Câu 4: Hãy kể tên một số việc làm của em làm giảm ô nhiễm tiếng ồn trong cuộc sống.
Đáp án: Một số việc làm như: Trồng cây xanh, dùng rèm treo cửa vải nhung, tránh bóp còi khi điều khiển xe, tránh bật nhạc to ảnh hưởng đến hàng xóm,…
Câu 5: Câu nào sau đây là sai?
A. Tiếng ồn to, kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người thì gọi là ô nhiễm tiếng ồn.
B. Để chống ô nhiễm tiếng ồn người ta phải giảm độ to của âm thanh đến tai người nghe.
C. Để chống ô nhiễm tiếng ồn thì phải dùng vật liệu cách âm để không cho tiếng ồn lọt vào tai.
D. Những âm thanh có tần số lớn thường gây ô nhiễm tiếng ồn.
Đáp án: D
Câu 6: Giả sử một bệnh viện nằm bên cạnh đường quốc lộ có nhiều xe cộ qua lại. Biện pháp không thể giúp chống ô nhiễm tiếng ồn cho bệnh viện này là:
A. Treo biển báo cấm bóp còi gần bệnh viện.
B. Xây tường chắn xung quanh bệnh viện, đóng cửa các phòng để ngăn chặn đường truyền âm.
C. Trồng nhiều cây xanh xung quanh bệnh viện để hướng âm truyền theo hướng khác.
D. Dùng nhiều đồ dùng cứng có bề mặt nhẵn để hấp thụ bớt âm.
Đáp án: D
Câu 7: Khi người làm việc trong điều kiện ô nhiễm tiếng ồn thì phải bảo vệ bằng cách:
A. Bịt lỗ tai để giảm tiếng ồn
B. Thay động cơ của máy nổ
C. Tránh xa vị trí gây tiếng ồn
D. Gắn hệ thống giảm âm vào ống xả
Đáp án: A
Câu 8: Những trường hợp nào sau đây có ô nhiễm tiếng ồn?
A. Tiếng hét rất to sát tai
B. Làm việc cạnh máy xay thóc, gạo, ngô…
C. Nhà ở cạnh chợ
D. Bệnh viện, trạm xá ở cạnh chợ
Đáp án: Các trường hợp có ô nhiễm tiếng ồn là B, C, D
Kết luận
Vậy là chúng ta đã hiểu được ô nhiễm tiếng ồn là gì, nó tác động xấu đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần con người ra sao. Nhận biết được hai điều này, bạn cũng cần có hành động phù hợp để chống ô nhiễm tiếng ồn, không để nó ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống chính bạn và những người xung quanh. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết, hãy theo dõi kiến thức cơ bản nhận thêm nhiều bài học hay về toán học, vật lý, hoá học nhé !