Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết tuyển chọn 9 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 4 rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt, để nhanh chóng kể lại câu chuyện thật cô đọng, súc tích.
Mỗi câu chuyện là bài học quý giá, giúp chúng ta cố gắng học tập tốt để mai sau có thể trở thành một người có ích cho xã hội. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt phân mônTập làm văn lớp 4:
Đề bài:Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết.
Hướng dẫn Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt
1. Thế nào là có khả năng hoặc có sức khoẻ đặc biệt?
- Học toán, làm thơ, kể chuyện giỏi.
- Hát, múa, chơi đàn, vẽ tranh giỏi.
- Chơi thể thao (bóng đá, cờ vua, võ thuật,…) giỏi.
- Làm được những việc mà người có sức khoẻ bình thường không làm được (diễn viên xiếc nâng được hai, ba người trên tay ; người gánh lúa gánh được 100 ki-lô-gam; lực sĩ dùng tay kéo được cả chiếc xe ô tô,…).
2. Tìm những người có khả năng hoặc có sức khoẻ đặc biệt ở đâu?
- Tìm trong các bạn em. Có thể có những bạn học giỏi, múa hát hay hoặc chơi thể thao giỏi.
- Tìm trong làng xóm, phố phường của em. Có thể có những cô chủ khéo tay, nhiều sáng kiến, có sức khoẻ đặc biệt, chơi đàn, chơi bóng giỏi hoặc thành đạt trong lao động, học tập.
- Nhớ lại những người có khả năng hoặc có sức khoẻ đặc biệt mà em đã gặp khi xem thi đấu thể thao, biểu diễn xiếc hay văn nghệ,…
3. Kể như thế nào?
Em có thể kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong thời gian nhất định, ở địa điểm nhất định) về người có khả năng hoặc có sức khoẻ đặc biệt mà em biết. Muốn vậy, cần cho biết:
- Câu chuyện bắt đầu như thế nào?
- Diễn biến chính của câu chuyện.
- Kết thúc câu chuyện.
Dàn ý kể về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt
1. Mở bài
– Giới thiệu về người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt:
- Người đó là ai.
- Người ấy có gì đặc biệt (Khả năng hay sức khỏe đặc biệt).
2. Thân bài
- Hoàn cảnh em được chứng kiến, gặp người đặc biệt
- Hình dáng/ Ngoại hình của người ấy như thế nào?
- Tả hành động, chi tiết chứng tỏ khả năng đặc biệt của người ấy
- Em có cảm nhận gì khi được chứng kiến những hành động ấy?
3. Kết bài
- Khái quát về người đó.
Kể về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt
Ben Underwood được mệnh danh là “cậu bé cá heo” nổi tiếng toàn thế giới bởi cậu có thể nhìn bằng tai. Nghe thật lạ lùng đúng không các bạn?
Ben vốn dĩ là một người mù, hai con mắt của anh đã bị bỏ đi năm anh mới lên 3 tuổi vì bệnh ung thư. Ngay từ nhỏ để phục vụ cho cuộc sống của mình Ben đã làm quen với việc định vị mọi vật xung quanh bằng âm thanh và cho đến bây giờ Ben có thể làm tất cả mọi hoạt động như những người bình thường khác mà không cần đến đôi mắt. Các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm và cho biết rằng khả năng định vị bằng âm thanh của Ben đã lên đến mức đỉnh cao, ngang ngửa với độ nhạy âm thanh của loài cá heo, tức là đã vượt qua giới hạn cho phép ở một người bình thường, chính điều này đã “vô tình” biến anh trở thành một trong số những “siêu nhân” được khoa học biết đến.
Ben Underwood đã qua đời tháng 1/2009 ở tuổi 17. Những những điều kì diệu mà cậu đem đến thế giới vẫn làm mọi người không ngớt ngạc nhiên và thán phục. Nếu những người bị khiếm thị trên thế giới này đều có khả năng như Ben thì tốt biết bao. Dù biết chỉ là hy vọng xa vời nhưng tớ mong một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ phát minh ra một thiết bị giúp những người khiếm thị cũng có thể nhìn bằng tai như cậu bé cá heo.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 1
Chủ nhật tuần vừa qua, khi xem tivi cùng bà nội, em đã xem được đoạn phim tài liệu nói về thầy Nguyễn Ngọc Kí. Thầy là một nhà giáo ưu tú cũng là một tấm gương sáng về nghị lực.
Thầy Nguyễn Ngọc Kí sinh ra đã bị liệt cả hai tay, không thể cầm bút nên thầy không thể đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa. Hoàn cảnh trớ trêu là vậy, thế nhưng bằng tinh thần hiếu học và tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn, thầy đã luyện tập viết chữ bằng chân.
Quá trình luyện chữ của thầy cũng gặp rất nhiều khó khăn, cũng thất bại không ít lần nhưng thầy không từ bỏ. Sau những nỗ lực bỏ ra, thầy Nguyễn Ngọc Kí đã viết được những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ. Nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, thầy đã được đến trường, được đi học.
Ngày nay thầy Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành người giáo viên vô cùng ưu tú, thầy là tấm gương sáng cho em và rất nhiều bạn học sinh khác noi theo.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 2
Có một lần, xem chương trình trên kênh Bến Tre, em vô cùng khâm phục một người có khả năng đặc biệt.
Đó là một người chơi đàn ghi ta trên sân khấu nhưng anh là một người khuyết tật. Tay phải của anh không có. Anh phải đeo cây đàn lên vai và chỉ chơi đàn bằng tay trái. Anh dành ra một ngón của bàn tay trái để bật dây đàn, còn những ngón khác thì bấm phím. Ấy thế mà tiếng đàn của anh vẫn vang lên đầm ấm, ngọt ngào, truyền cảm làm cho những tiếng hát của nhóm tốp ca thêm bay bổng.
Nhìn anh chơi đàn hào hứng, say sưa, em vô cùng khâm phục ý chí và nghị lực của anh. Chắc chắn là anh đã phải mất rất nhiều công sức, đã phải nỗ lực vượt qua chính mình để tập đàn mới có được những thành công đáng khâm phục như vậy.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 3
Trong dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3 vừa qua, em được ba cho đi xem Hội khoẻ của thanh niên thành phố, tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Rất nhiều tiết mục hấp dẫn như Vovinam, vật tự do, Karate, bóng bàn, bóng chuyền, cử tạ… nhưng em thích nhất vẫn là môn cử tạ. Vận động viên Huỳnh Quốc Long đã xứng đáng đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi này.
Sau lời giới thiệu của ban tổ chức, lực sĩ Long bước ra sàn đấu giữa tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Anh rất trẻ, chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Mái tóc đen hớt cao làm tăng thêm vẻ cương nghị của gương mặt chữ điền. Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện rất dễ gần.
Lực sĩ Long có một thân hình rất đẹp. Anh cao khoảng một mét bảy, nặng hơn bảy mươi kí lô. Vai rộng, ngực nở, chân tay nổi bắp thịt cuồn cuộn trông mới khoẻ mạnh làm sao! Nước da nâu bóng khiến cho anh trông giống như một pho tượng đồng đen sừng sững.
Lực sĩ khẽ nghiêng mình cúi chào khán giả rồi bắt đầu bài thỉ đấu của mình. Anh choãi chân, lấy thế đứng vững vàng rồi cúi xuống nâng tạ. Vài giây trôi qua, cả ngàn ánh mắt hồi hộp theo dõi từng động tác của anh. Bất ngờ anh nâng bổng hai quả tạ sắt nặng hàng trăm kí giơ cao quá đầu một cách nhẹ nhàng giữa tiếng reo hò khen ngợi và tiếng hoan hô như sấm động. Một số khán giả ùa lên chúc mừng và tặng anh những bó hoa tươi. Gương mặt lực sĩ rạng rỡ một niềm hạnh phúc.
Có được thành công hôm nay, chắc chắn lực sĩ đã phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu dài. Ngắm nhìn anh, em ao ước ngày mai lớn lên. em cũng sẽ có được một thân hình và một sức khoẻ như thế. Điều đó chẳng dễ dàng gì nhưng ông cha ta đã dạy: Có chí thì nên.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 4
Câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe – là một câu chuyện có thật, chính mắt tôi nhìn thấy. Câu chuyện nói về khả năng đặc biệt của con người. Đó chính là anh Bùi Văn Đông ở xã Hồng Giang, huyện Long Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cũng như bao người dân khác ở trong xã, nhìn bề ngoài của anh trông không có một điểm gì đặc biệt. Thế nhưng anh lại có hàm răng rất khoẻ. Biệt tài của anh là có thể nhai nát bát đĩa, chén cốc bằng sành sứ. Trong khoảng thời gian ngắn, anh có thể nhai liền mấy cái đĩa và chén cốc. Khó tin phải không các bạn, bởi bình thường chúng ta ăn cơm, chẳng may nhai phải hạt sạn, ta cảm thấy đau răng và rợn người. Thế mà anh Đông lại nhai nát vụn sành sứ thì quả là một người tài giỏi.
Việc ăn sành sứ chỉ là một trong những biệt tài của anh. Anh còn dùng hàm răng chắc khoẻ của mình mở nắp 35 chai bia liền một lúc trong vòng 42, 43 giây trước sự chứng kiến đông đảo của bà con. Hôm đó, dân làng rất vui vì không những được chứng kiến tài năng của anh, mà sau đó họ còn được hả hê uống những chai bia do hàm răng của anh mở nắp. Thế nhưng chưa hết ngạc nhiên này họ lại chứng kiến ngạc nhiên khác. Đó là việc anh Bùi Văn Đông dùng hàm răng chắc khoẻ của mình đế nhấc bổng một chiếc xe đạp nặng 10kg và đi một đoạn đường dài là 67,2 mét.
Anh Bùi Văn Đông quả thật là một người có khả năng đặc biệt phải không các bạn. Nếu các bạn muốn tìm hiểu về những người có năng lực đặc biệt, các bạn hãy đến với các buổi phát hình của Đài truyền hình Việt Nam trên kênh VTV3, lúc 11 giờ 30, chủ nhật hàng tuần để chứng kiến những chuyện lạ Việt Nam. Câu chuyện mà tôi vừa kể cho các bạn nghe được Đài truyền hình Việt Nam quay trực tiếp và phát sóng vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 5 năm 2005 đấy các bạn ạ!
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 5
Năm học vừa qua, em được học chung với bạn Huyên. Sang năm lớp Bốn, gia đình bạn ấy tái định cư sang nơi khác, bạn ấy phải chuyển trường gần nơi sinh sống. Thật tiếc, nhưng em vẫn không thể nào quên người bạn dễ thương và rất có tài ấy.
Gia cảnh bạn Huyên cũng bình thường như bao gia đình khác. Mẹ của bạn là giáo viên, còn bố làm công nhân tại một nhà máy sản xuất nước đá tinh khiết. Từ nhỏ, bạn bị một tật bẩm sinh là phát âm hơi khó nghe do lưỡi ngắn hơn bình thường. Bạn ấy có vóc người mảnh khảnh với khuôn mặt khôi ngô cùng đôi mắt sáng, lộ vẻ thông minh. Biết mình có khuyết điểm nên bạn luôn cố gắng rèn luyện. Kiên trì từ năm lớp Một đến lớp Ba, kết quả thu được rất khả quan. Bạn đọc rành rọt, trôi chảy cả một bài văn. Các thầy cô đều khen bạn ấy. Bạn Huyên có một trí tuệ minh mẫn, tính toán rất nhạy bén. Bạn đã có tên trong danh sách vận động viên cờ tướng của trường.
Hằng ngày, sau giờ tự học, bạn ấy thường mở vi tính để chơi cờ cùng với máy. Ban đầu, bạn ấy thắng phân nửa số ván cờ. Về sau, bạn ấy thắng tuyệt đối. Bố bạn đã giúp bạn nâng cao trình độ hơn qua việc cài đặt những ván cờ ở cấp độ cao. Trong trường, không ai là đối thủ của bạn Huyên cả.
Từng nước cờ bạn ấy đi rất chuẩn, rõ ràng, thông thoáng trong cả công lần thủ. Đôi khi bạn ấy cùng chỉ cho em vài câu ngắn gọn nhưng áp dụng rất hiệu quả vào cờ tướng: khuyết sĩ kị song xa, tiền mã hậu pháp, v.v… Đặc biệt, khi chơi cờ tướng phải tập tính kiên nhẫn, chịu khó suy nghĩ từng lối đi cách đánh của ta lần cả đối phương.
Một người bạn có tài, tính tình lại dễ thương, rất gần gũi với bạn bè. Em luôn nhớ và cố gắng học tập theo gương bạn Huyên.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 6
Các bạn sẽ bán tín bán nghi khi nghe tôi kể câu chuyện về cậu bé Hà ở ngay quê nội tôi mà tôi đã chứng kiến trong dịp về quê ăn Tết năm Ất Dậu vừa qua. Chuyện có thật một trăm phần trăm, không bia một tí nào.
Ba mẹ Hà vốn là những người thuần túy làm nông. Hà là đứa con duy nhất trong gia đình. Năm nay cậu vừa tròn 7 tuổi, đang học lớp Hại ở trường làng. Năng khiếu toán học của cậu xuất hiện từ khi cậu vào lớp Một, đặc biệt là phép tính nhẩm cộng trừ. Hồi học lớp Một, cô giáo Hạnh đã phải kinh ngạc về tài tính nhẩm của cậu. Những phép tính cộng trừ trong phạm vi một trăm mà cô thường ra cho lớp thường ngày, cậu đều giải bằng miệng trong khoảnh khắc. Cô ra các bài toán trên bảng, vừa viết xong thì cậu đã có đáp số ngay mà không cần đặt bút tính toán. Chẳng những thế cậu còn làm nhanh và làm đúng những phép tính ấy trong phạm vi 1000. Tin loan truyền ra đến toàn trường rồi toàn huyện. Nhiều nhà báo của địa phương và cả trung ương nữa đến tận nhà để kiểm nghiệm. Mọi người đều ngạc nhiên trước năng khiếu đặc biệt này của cậu. Hơn thế nữa cậu còn tính đúng và tính nhanh những bài toán cộng trừ phức tạp mà các nhà báo đưa ra gồm 1 dãy số trong phạm vi 1000 để kiểm nghiệm chứng thực. Cậu không đặt bút tính toán mà chỉ ngồi tư lự, nhắm mắt, rồi nhẩm tính bằng những cử động của hai bàn tay. Chưa đầy 30 giây, cậu đã cho ra đáp số. Nhà báo hỏi làm bằng cách nào mà cháu cho ra đáp số đúng và nhanh như vậy. Cậu chỉ tủm tỉm cười mà không nói.
Nghe đâu, người ta đang có kế hoạch đưa cậu vào trường bồi dưỡng nhân tài đặc biệt, chỉ có một thầy và vai trò do một giáo sư toán học bồi dưỡng riêng về môn Toán, Nguyễn Việt Hà có tên “Hà thần đồng” từ đây.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 7
Trong một lần đi học về, ngồi sau xe bố em đã tình cờ bắt gặp hình ảnh một người ca sĩ đặc biệt đang biểu diễn trên sân khấu đơn sơ, nhỏ bé, đó là một người nghệ sĩ khuyết tật của đoàn văn nghệ nhân đạo.
Cũng giống bao lần tan học khác, em được bố chở trên chiếc xe máy cũ. Đến ngã tư đường Lê Đức Thọ- Hàm Nghi, khi bố dừng xe chờ đèn đỏ, em đã nhìn thấy một người ca sĩ đang cất lên tiếng hát ngọt ngào, tha thiết. Người ca sĩ này thật đặc biệt bởi cô không khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy, không biểu diễn trên sân khấu lớn với ánh đèn rực sáng, trên mắt cô là cặp kính đen bởi đôi mắt cô không thể nhìn thấy ánh sáng. Cô là người ca sĩ khiếm thị của đoàn văn nghệ nhân đạo.
Ngay giữa phố thị đông đúc, ồn ào người qua, người lại, cô ca sĩ khiếm thị vẫn lặng lẽ cất lên những tiếng hát thật đẹp, thật trong. Nhìn thấy hình ảnh của cô, em thất rất thương cảm và xúc động. Vào giờ tan tầm, khi mọi người đều vội vàng về nhà thì có mấy ai có thể thưởng thức trọn vẹn từng tiếng hát của cô. Thế nhưng người ca sĩ ấy vẫn hát bằng tất cả tình cảm của mình, tiếng hát của cô như xua bớt đi những mệt mỏi, căng thẳng của một ngày dài: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.
Em rất cảm phục tài năng và cả nghị lực của cô ca sĩ khiếm thị trong lần tình cờ gặp gỡ ấy. Tuy không thể nhìn thấy, phải chịu nhiều bất hạnh nhưng cô ca sĩ ấy vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích, sống hết mình cho đam mê. Nhiệt huyết ấy, nghị lực ấy không phải ai cũng có.
Em đã xin bố dừng xe bên đường ít phút để dùng số tiền tiêu vặt mình có quyên góp vào thùng tiền từ thiện để ven đường. Bố em cũng rất vui trước hành động của em.
Sau lần gặp gỡ cô ca sĩ khiếm thị, em tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt để mai sau có thể trở thành một người có ích cho xã hội.
Kể chuyện về người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt – Mẫu 8
Nhật Minh là người bạn cùng lớp em rất yêu quý và ngưỡng mộ. Nhật Minh không chỉ là thành viên có thành tích học tập tốt nhất lớp mà còn là người thường xuyên giúp đỡ bạn bè, em còn ngưỡng mộ Nhật Minh bởi bạn có một sức khỏe phi thường.
Vì nhà cách trường 1 ki lô mét nên em và những bạn học sinh cùng khu thường đến trường bằng xe đạp. Trong một lần từ trường về nhà, do không để ý đường nên em đã đâm phải một cục gạch lớn trên đường mà ngã. Chân trái của em do cọ mạnh xuống đường mà bị trầy một mảng, có chỗ rớm máu. Vừa đau, vừa sợ nên em òa khóc giữa đường. Khi ấy đường rất vắng người qua lại vì đã gần 12h trưa, trên đường chỉ có một số bạn học sinh đạp xe về giống em, mọi người đều vội về và cũng do không quen biết nên cũng chỉ nhìn rồi đi qua.
Đúng lúc ấy, Nhật Minh đã đi đến và dựng xe hỏi thăm em. Vì chân em rất đau, lại không thể đi lại được, Nhật Minh đã bảo em đứng chờ để Minh mang xe gửi chỗ bác bảo vệ trường, sau đó Nhật Minh quay lại và dùng xe của mình chở em đến trạm xá xử lí vết thương.
Giữa trưa hè nắng gắt, Nhật Minh chở em trên chiếc xe đạp, trên trán bạn lấm tấm những giọt mồ hôi. Em rất cảm động trước sự giúp đỡ nhiệt tình của Minh và cũng rất cảm phục trước sức khỏe của bạn. Có thể nói với một cô gái bé nhỏ chỉ dong chiếc xe đạp cũng thấy nặng như em thì việc chở em trên chiếc xe đạp cũ của Minh tựa như một siêu nhân ngoài đời thực. Nhờ có Minh mà vết thương trên chân của em được xử lí kịp thời. Sau khi bố em biết tin đã đến trạm xá đón em và Minh về nhà.
Nhật Minh không chỉ học giỏi mà còn tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Em thấy biết ơn và may mắn khi quen biết và trở thành bạn của Minh.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết (9 mẫu) Kể chuyện lớp 4 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.