Google Earth đã không còn là phần mềm xa lạ đối với nhiều người, nhất là với những vị khách du lịch muốn khám phá những miền đất mà họ chưa từng đặt chân tới. Với Google Earth, trái đất rộng lớn giờ đây được thu gọn lại trước màn hình máy tính của bạn. Và trong bài viết này, Wikihoc.com sẽ hướng dẫn các bạn “lái phi cơ” bay lượn vòng quanh và khám phá thế giới trong Google Earth Pro.
Hướng dẫn lái máy bay trong Google Earth Pro
1. Tải và cài đặt.
Để bắt đầu, các bạn cần tải và cài đặt Google Earth Pro phiên bản dành cho Windows hoặc Mac.
- Tải Google Earth Pro cho Windows
- Tải Google Earth Pro cho Mac
Tiếp theo hãy mở Google Earth Pro lên và nhìn vào giao diện của phần mềm. Nếu giao diện đang là Tiếng Anh, các bạn nên chuyển sang Tiếng Việt để dễ sử dụng hơn bằng các bước sau:
Trên thanh Menu chọn Tools -> Options….
Trong tab General các bạn tìm phần Language và chọn ngôn ngữ Việt, sau đó nhấn OK để xác nhận. Phần mềm sẽ yêu cầu khởi động lại để áp dụng thay đổi ngôn ngữ.
2. Khởi động chế độ mô phỏng máy bay (Flight Simulator)
Bạn có thể mở chế độ lái máy bay bằng cách:
- Trên thanh Menu, chọn Công cụ -> Nhập trình mô phỏng Bay
- Trên Windows nhấn phím tắt: Ctrl + Alt + a
- Trên Mac nhấn phím tắt: ⌘+ Option + a
Cửa sổ thông số của Trình mô phỏng bay hiện ra để bạn lựa chọn như sau:
- Chọn máy bay của bạn: Có 2 loại máy bay đang được hỗ trợ là F-16 và SR22. Đối với những người mới dùng giả lập bay, các bạn nên chọn SR22. Vì nó có tốc độ ổn định và dễ lái hơn F-16. Còn đối với những bạn đã có tay lái vững vàng, thì hãy thử lái F-16 để có cảm giác tốc độ hơn nhé.
- Chọn vị trí bắt đầu: Nếu muốn bay ngay tại vị trí mà bạn đang xem trên bản đồ Google Earth, hãy chọn Chế độ xem hiện tại. Còn nếu muốn cất cánh từ dưới đường băng hãy tích vào Sân bay, sau đó lựa chọn một sân bay mà bạn muốn cất cánh.
- Nhấn Bắt đầu bay để xác nhận cài đặt và vào trình mô phỏng bay.
3. Màn hình bay
Khi bắt đầu vào bay, các bạn sẽ nhìn thấy màn hình bay với các thông số được hiển thị. Ý nghĩa của từng thông số như sau:
(1) Tốc độ: tốc độ hiện tại tính theo hải lý
(2) Hướng: hướng đi của máy bay
(3) Góc nghiêng: góc bạn đang sử dụng để từ từ xoay máy bay sang một hướng mới
(4) Tốc độ dọc: tốc độ đi lên hoặc xuống tính theo bộ/phút
(5) Thoát tính năng mô phỏng chuyến bay: nhấp nút này để thoát chế độ mô phỏng chuyến bay
(6) Bướm ga: mức công suất của động cơ
(7) Bánh lái: góc trục dọc của máy bay
(8)Cánh nhỏ: góc của máy bay khi bạn liệng hoặc nghiêng máy bay
(9) Bánh lái độ cao: góc và lực nâng của cánh máy bay
(10) Chỉ báo cánh tà và bánh răng: nơi cánh tà và bánh răng được đặt
(11) Góc liệng: góc giữa vị trí máy bay hướng tới và đường chân trời tính theo độ
(12) Độ cao: số bộ trên mực nước biển mà máy bay đang bay
4. Điều khiển máy bay
- Nhấn phím Page Up để tăng lực đẩy và bắt đầu di chuyển máy bay.
- Sau khi máy bay di chuyển, hãy di chuyển chuột xuống một cách nhẹ nhàng. Khi chạy đủ nhanh, máy bay sẽ cất cánh.
- Khi máy bay đạt đến độ cao nhất định, hãy điều chỉnh để máy bay giữ thăng bằng.
- Để thay đổi hướng, sửa chữa hành trình hay nghiêng sang phải hoặc trái, hãy sử dụng các phím mũi tên.
- Để quay quanh, nhấn các phím mũi tên + Alt để quay từ từ hoặc + Ctrl để quay nhanh.
- Các phím tắt được sử dụng trong giả lập:
Lúc đầu có thể bạn sẽ khó khăn trong việc điều khiển chiếc máy bay này, nhưng chỉ cần một vài lần “rớt xuống đất” bạn sẽ tiến bộ rất nhanh đấy. Công đoạn khó nhất là lúc cất cánh và giữ cho máy bay không bị mất độ cao và liệng quá nhiều. Một khi đã đạt đến độ cao ổn định, máy bay sẽ giữ thăng bằng và ổn định hơn đấy. Lúc này, bạn có thể thảnh thơi nhìn ngắm những miền đất mà bạn chưa từng đi qua, tất nhiên là từ trên cao thôi nhé!
Chế độ Flight Simulator trên Google Earth Pro mang đến sự trải nghiệm giống như một tựa game đích thực, mặc dù về mặt đồ họa và các chi tiết còn rất thô sơ. Vì dù sao đây cũng là phần mềm địa lý mà. Nếu như các bạn muốn thật sự trải nghiệm một game lái máy bay, thì hãy thử Flight Simulator X do Microsoft phát hành. Chúc các bạn có những giờ phút thư giãn và khám phá thế giới với chiếc “phi cơ” trong Google Earth Pro.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Hướng dẫn bay vòng quanh thế giới với Google Earth Pro của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.