Bạn đang xem bài viết Giải đáp thắc mắc: “Ăn cơm nhiều có thực sự tăng cân không?” tại Wikihoc.com bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Cân nặng vẫn luôn là nỗi lo của nhiều người, đặc biệt là với các chị em phụ nữ. Để khống chế cân nặng của mình, nhiều bạn đã lựa chọn phương pháp cắt giảm tinh bột bằng cách nhịn cơm. Tuy nhiên, ăn nhiều cơm có thực sự sẽ gây tăng cân? Theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu nhé!
Quan niệm “ăn nhiều cơm gây béo phì” liệu có đúng không?
Quan niệm “ăn nhiều cơm gây béo phì” là không đúng. Hầu hết mọi người cắt giảm cơm vì cho rằng lượng tinh bột dồi dào trong cơm sẽ gây tăng cân. Nhưng trên thực tế, nếu bạn có thể cân bằng năng lượng và các dưỡng chất nạp vào cơ thể một cách hợp lý, “ăn nhiều cơm” sẽ không gây nên những ảnh hưởng không tốt đến cân nặng của bạn.
Việc ăn nhiều các loại thực phẩm giàu tinh bột, điển hình là cơm, đã trở thành thói quen của hầu hết người Việt. Đôi khi, tinh bột chiếm đến 80% năng lượng mà cơ thể nạp vào. Vì vậy, để giảm cân, nhiều bạn trẻ lựa chọn cách cắt giảm tinh bột, thay thế bằng đạm và chất béo, nhịn cơm và ăn các loại thịt như thịt heo, thịt gà,,… để thay vào.
Khách quan mà nói, năng lượng được cung cấp từ tinh bột và đạm là tương đương nhau (khoảng 4 kcal/gam). Bên cạnh đó, việc ăn thịt sẽ khiến bạn vô tình nạp vào cơ thể một lượng chất béo no từ động vật, một loại chất có mức năng lượng lên đến 9 kcal/gam. Vì vậy, việc thay cơm bằng thịt thực chất không giúp cắt giảm năng lượng mà bạn nạp vào cơ thể.
Theo như thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Viện Dinh Dưỡng Lâm Sàng) cho hay: “Nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì là năng lượng nạp vào từ ăn uống vượt quá năng lượng cơ thể tiêu hao thông qua các hoạt động thể lực. Tinh bột chỉ là yếu tố chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn nên khi giảm cân, chúng ta mới nhắc tới việc cắt giảm chất này”.
Những hiểu lầm về chế độ Low-carb ảnh hưởng đến sức khoẻ
Chế độ ăn Low-carb là một trong những phương pháp giảm cân đang được áp dụng phổ biến nhất, nguyên tắc cơ bản là cắt giảm tối đa lượng chất bột đường và tăng các thực phẩm giàu đạm và chất béo. Thực tế, chế độ ăn này không phải là sai. Tuy nhiên, một số bạn đã hiểu lầm và áp dụng chế độ ăn này sai cách dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Việc thay thế tinh bột bằng đạm và chất béo một cách đột ngột là một sai lầm. Lượng đạm nạp vào tăng lên một cách nhanh chóng khiến cho cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đạm, gây hại cho sức khỏe của bản thân. Về phần chất béo, ăn nhiều chất béo rất dễ ngán và cũng khiến cơ thể tăng cân nhanh hơn.
Chế độ ăn quá nhiều thịt không chỉ gây rối loạn chuyển hóa chất đạm và lipid mà còn khiến cơ thể dễ mắc các bệnh như viêm tụy cấp, sỏi mật, xơ vữa động mạch,… Áp dụng Low-carb sai cách có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử rối loạn đường huyết, đái tháo đường,…
Mặc khác, tinh bột là một dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp oxy cho não bộ. Bác sĩ Tường Vi nhận định “Những người cắt hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn thường có hiện tượng buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu và luôn uể oải, khó tập trung do não không được cung cấp oxy”.
Bác sĩ Tường Vi cũng khuyến cáo rằng: “Trong khẩu phần ăn phải luôn có đủ chất đạm, tinh bột, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Thiếu tinh bột có thể khiến các hoạt động của cơ thể bị ảnh hưởng và gây ra rối loạn chuyển hoá”.
Cách giảm cân khoa học
Sau khi đã “giải oan” cho việc “ăn nhiều cơm gây béo phì”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nên làm như thế nào để giảm cân một cách khoa học, hiệu quả. Đối với vấn đề này, bác sĩ Tường Vi cho rằng bạn có thể giảm lượng tinh bột, nhưng cần phải đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa các dưỡng chất.
Việc giảm tinh bột phải diễn ra từ từ, giảm dần theo thời gian để đưa mức năng lượng nạp vào về tỷ lệ phù hợp. Không nên tăng, giảm quá nhiều hoặc quá đột ngột các dưỡng chất nạp vào, gây mất cân bằng cho cơ thể. Trong quá trình cắt giảm tinh bột, nếu thấy đói, bạn có thể ăn thêm rau và các loại trái cây ít ngọt.
Có một mẹo nhỏ để việc giảm cân hiệu quả hơn, đó là bạn nên ăn một chén canh rau trước khi vào bữa ăn. Phương pháp này sẽ giúp bạn lấp bớt một phần diện tích dạ dày, làm loãng dịch vị, giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giảm lượng thức ăn và khống chế cân nặng tốt hơn. Và quan trọng nhất, bạn cần kết hợp việc ăn uống hợp lý với chế độ luyện tập khoa học, vừa giúp giảm cân hiệu quả vừa tăng cường sức khỏe.
Vậy là Wikihoc.com đã giải đáp xong thắc mắc về việc ăn cơm nhiều có gây tăng cân hay không rồi. Mong rằng các thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp bạn khống chế cân nặng của mình hiệu quả hơn. Chúc các bạn luôn luôn khỏe đẹp nhé!
Nguồn: Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News)
Wikihoc.com
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Giải đáp thắc mắc: “Ăn cơm nhiều có thực sự tăng cân không?” tại Wikihoc.com bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.