Cách gói bánh Chưng tuy khá khó nhưng bất cứ ai cũng có thể làm thử vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Gói bánh Chưng là phong tục nhiều đời nay của chúng ta nhưng giới trẻ lại rất ít người biết cách làm bánh Chưng ngày Tết 2023.
Làm bánh Chưng cần chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu, thực phẩm. Trước đây để gói bánh Chưng ngày Tết ông bà ta thường phải chuẩn bị trước cả tháng như ép lá rong cho khô ráo, mua gạo, mua đỗ xanh, củi khô, vv. Tuy nhiên hiện nay mọi thứ đều rất sẵn nên chúng ta có thể gói bánh bất cứ lúc nào. Dưới đây Wikihoc.com để hướng dẫn mọi người cách gói bánh Chưng chi tiết bao gồm tất cả công đoạn từ chuẩn bị đến luộc bánh.
Thế nhưng không khải ai cũng biết gói bánh chưng vuông, đẹp mắt và lâu bị hỏng. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để biết cách chọn lá dong, cách gói bánh chưng không cần khuôn, gói bánh chưng dùng khuôn, cách luộc bánh chưng và bảo quản bánh chưng lâu nữa nhé:
Cách chọn lá dong xanh đẹp gói bánh chưng
– Lá dong có hình elip, tán lá to, rộng, có màu xanh tươi rất đẹp. Người ta thường dùng lá dong gói bánh chưng để bánh có màu đẹp cũng như bắt mắt hơn dùng lá chuối.
– Để có thể chọn được lá dong tươi, bạn quan sát kĩ phần bên ngoài của lá. Lá phải tươi, có độ dai tốt, không bị giòn. Chọn lá có màu sắc xanh đậm, phiến lá to vừa phải để có thể gói trọn được phần nhân bên trong.
– Nên chọn loại lá bánh tẻ là lá không quá già cũng không quá non, như vậy bánh mới có được màu xanh đẹp.
– Không nên chọn những lá héo, sờ vào có cảm giác khô cứng, không mềm dai như lá tươi. Chọn những lá còn nguyên vẹn, không bị tét hay rách ở bất kì phần nào.
– Một chiếc bánh chưng cần khoảng 4 lá dong. Vì vậy bạn nên nhắm chừng và chọn số lượng lá phù hợp với số lượng bánh muốn làm.
– Trước khi gói bánh, lá dong cần được ngâm vào trong thau nước từ 30 đến 45 phút. Sau đó, dùng khăn mềm lau rửa nhẹ nhàng hai bên mặt lá thật sạch và để ráo nước.
– Dùng khăn khô, sạch lau lại lá một lần nữa để lá không còn nước
Cách gói bánh chưng vuông đẹp không cần khuôn
Thay vì mua ngoài hàng hay gói bánh cầu kỳ bằng khuôn phức tạp, các bạn hãy cùng tham khảo cách gói bánh chưng xanh đẹp cho ngày Tết nhé
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Lá dong để gói: 50 cái nên chọn những loại lá bánh tẻ (là loại lá không non quá, cũng không bị già quá). Kích thước của lá nên to đều nhau để khi gói bánh không bị xộc xệch.
- Gạo nếp: 5 cân (nên dùng loại gạo ngon)
- Đỗ xanh: 1.5 cân( chọn loại đỗ mới, bở, vàng thì bánh mới ngon)
- Thịt Ba chỉ: 1 cân
- Hạt tiêu, muối.
+ Bước 1: Trước hết mình sẽ chia sẻ 1 chút về nguyên liệu nhé. Lượng nguyên liệu trong bài viết này đủ dùng cho 10 chiếc bánh có kích cỡ vừa. Nếu tăng lượng bánh, các bạn tăng nguyên liệu nhé.
Mỗi chiếc bánh khi gói bằng tay sẽ cần khoảng 4 chiếc lá dong, nhưng các bạn cứ chuẩn bị dư dư lá ra 1 chút để trong quá trình gói bánh nếu bị rách lá thì sẽ có lá thay thế. Lá dong nên chọn loại lá bánh tẻ (là loại lá không non quá mà cũng không già quá), kích thước lá to đều nhau thì sẽ dễ gói hơn.
Chất lượng bánh có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào loại gạo nếp các bạn dùng, nên nhờ người quen tìm mua loại gạo nếp ngon mới, nếp cái hoa vàng là ngon nhất, gạo ngon thì bánh mới dền và dẻo được. Với 10 chiếc bánh chưng, mình dùng khoảng 1.5 đỗ xanh và 1 cân thịt ba chỉ. Lượng nguyên liệu này có thể thay đổi phụ thuộc vào việc các bạn có muốn bánh nhiều đỗ hoặc thịt không. Thịt cũng có thay thế bằng thịt chân giò hoặc thịt mông nhưng mình thấy ngon và hợp nhất vẫn là loại thịt ba chỉ béo béo, ngậy ngậy. Nguyên liệu sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, chúng mình bắt tay vào việc sơ chế nguyên liệu nhé.
Trước tiên là đỗ xanh đem ngâm trong vòng 2 tiếng cho nở. Có nhiều người khi gói bánh gói trực tiếp bằng đỗ xanh sống, nhưng bánh ngon dẻo nhất khi các bạn chịu khó đem hấp chín đỗ xanh nhé. Sau khi đỗ chín mềm, thì dùng chiếc thìa cán đỗ cho nhuyễn (đỗ xanh làm nhuyễn bằng cách này khi bánh chin sẽ rất mềm dẻo thơm đó). Đỗ xanh đem trộn đều với 1 thìa con hạt tiêu, nắm đỗ thành các nắm tròn bằng nhau.
+ Bước 2: Gạo các bạn đem ngâm khoảng 2 tiếng cho gạo được mềm ( không ngâm gạo quá lâu sẽ khiến gạo bị chua và bở). Sau khi ngâm đủ thời gian, các bạn đem đãi gạo vài lần cho sạch, nhặt bỏ những hạt xấu. Để bánh có vị đậm đà, các bạn đem xóc gạo với 1 thìa con muối.
+ Bước 3: Lá dong về các bạn đem rửa thật sạch, lá sạch sẽ giúp giữ bánh được lâu, không bị nhanh hỏng. Lá sau khi rửa sạch đem lâu khô. Tiếp đó, dùng kéo cắt phần sống lá, các bạn nên chú ý cắt khéo 1 chút để không bị cắt vào phần lá, sẽ dễ bị rách. Phần sống lá sau khi cắt ra đem giữ lại sẽ còn dùng cho những bước sau.
+ Bước 4: Thịt thái miếng to bản, dày khoảng từ 2-4 cm, dài khoảng 6cm như hình dưới. Ướp thịt với chút muối và hạt tiêu để thịt được đậm đà và thơm ngon các bạn nhé.
+ Bước 5: Công đoạn có lẽ khiến các bạn trăn trở nhất đó là gói bánh. Khá đơn giản thôi, trước tiên các bạn xếp 4 lá vuông góc như hình dưới, 2 lá dong ở dưới úp mặt lá xuống, còn 2 lá dong ở trên thì đem ngửa mặt lá lên (mục đích là khi dỡ bánh, bánh sẽ không bị dính vào lá).
Cho 1 bát con gạo vào giữa mặt lá như hình dưới
Lấy 1/2 nắm đỗ xanh, ấn nhẹ xuống cho phần đỗ xanh lõm xuống. Đặt miếng thịt ba chỉ vào phần lõm đó, úp 1/2 phần đỗ xanh còn lại lên trên, nắm lại nhẹ nhàng. Làm như thế cho đến hết lượng đỗ và thịt nhé.
+ Bước 6: Đặt nhân vừa vo tròn lên phần gạo
Đổ 1 bát con gạo nữa lên phía trên phần nhân. Dùng tay san đều cho gạo phủ kín phần nhân.
+ Bước 7: Dùng tay lần lượt gấp phần lá bên phải sang bên trái nhưng chú ý các bạn phải quấn chặt tay nhé. Phần lá dong thừa các bạn gập mép lại, gập vào bên trong để giấu lá thừa.
Sau đó, gấp phần đầu lá dưới lên. Bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông vắn.
+ Bước 8: Các bạn cần chuẩn bị 4 chiếc lạt để gói bánh. Buộc 2 chiếc lạt đầu tiên song song để giữ cho bánh chặt. Hai lạt sau vuông góc với 2 lạt trước.
Sau khi buộc xong, dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh được chặt và vuông đẹp hơn.
Tiếp theo, các bạn giỗ bánh xuống mặt bàn để bánh được chắc hơn. Thử lắc bánh, nếu còn nghe tiếng gạo bên trong là bánh gói chưa được chặt.
+ Bước 9: Chuẩn bị 1 chiếc nồi đủ rộng để luộc bánh. Cho phần sống lá dong xuống dưới đáy nồi, sau đó xếp bánh lên trên. Cho nước lã vào nồi ngập phần bánh, đun lửa to đến khi sôi thì giảm nhỏ lửa. Khi luộc bánh, các bạn cẩn phải để ý thường xuyên lượng nước trong nồi nhé, cứ khoảng 1 tiếng thì kiểm tra mực nước 1 lần, nước cạn thì phải chế thêm nước vào nồi ngay để lượng nước đảm bảo ngập mặt bánh, bánh mới chín đều được.
Nấu trong khoảng từ 8-10 tiếng thì các bạn vớt bánh ra. Sau khi vớt bánh, các bạn dùng khăn nhúng qua nước lã rồi lau sạch mặt bánh. Tìm chỗ thoáng mát trong nhà, vớt bánh ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Dùng vật nặng đặt lên tấm ván sẽ giúp bánh được săn chắc lại.
Cách gói bánh chưng vuông dùng khuôn
+ Bước 1: Xếp 4 lá dong giống như xếp để gói bằng tay, 2 lá dưới úp mặt phải xuống, 2 lá trên ngửa mặt phải lên. Úp ngược khuôn trong lên chính giữa lá.
+ Bước 2: Dùng lá dong gói chiếc khuôn lại như gói bánh chưng bằng tay ở trên. Bạn có thể xem chi tiết các bước thực hiện ở hình minh họa.
+ Bước 3: Khi lá dong đã được gấp thành một hình vuông vức, dùng khuôn ngoài đặt bao quanh khuôn trong rồi mở lá và nhấc khuôn trong ra.
+ Bước 4: Cho nguyên liệu gói lần lượt vào phần khuôn lá đã được định hình. Đầu tiên là 1 bát con gạo nếp được dàn đều là khắp khuôn, rồi đến đỗ xanh, thịt đã ướp. Tiếp tục một lượt đỗ, một lượt gạo rồi gói lá lại thật gọn gàng, kín đều bánh theo các nếp gấp đã có.
+ Bước 5: Sau khi gói xong, dùng một tay giữ phần lá để cố định đồng thời nhẹ nhàng khuôn bánh ra. Sau đó dùng 4 chiếc lạt buộc chặt bánh. Bạn nhớ cài phần lạt thừa vào các lớp lạt để chiếc bánh được gọn gàng.
Cách luộc bánh chưng xanh và ngon
Luộc bánh chưng tưởng chừng rất đơn giản nhưng để có chiếc bánh ngon, xanh và chắc thì không phải ai cũng làm được. Wikihoc.com mách một số mẹo để giúp bạn có được nồi bánh chưng thật ngon nhé!
+ Bước 1: Cho những lá dong thừa, cuống lá, sống lá vào đáy nồi trước khi xếp bánh lên trên để bánh có thêm hương vị và không bị cháy ở đáy nồi. Xếp bánh thẳng đứng rồi đổ ngập nước quá mặt nước rồi đặt lên bếp đun.
+ Bước 2: Đun lửa to cho đến khi sôi thì giảm bớt. Bánh luôn phải ngập nước khi luộc nên bạn cần phải chuẩn bị sẵn nước cho nồi bánh chưng. Cứ 1 tiếng bạn kiểm tra mực nước trong nồi 1 lần. Nếu nước giảm thì tiếp nước vào.
+ Bước 3: Bánh chưng luộc bằng bếp củi đủ 12 tiếng thì bánh chín, không lo bị “lại gạo” sau này.
Vớt bánh ra và xếp thành nhiều lớp, dùng miếng gỗ phẳng hoặc mâm đè lên rồi dùng một vật nặng vừa phải đặt lên trên để bánh được ép rền, phẳng đẹp.
Để có được những chiếc bánh chưng ngon, đẹp trong những ngày Tết, đòi hỏi người gói phải tinh tế, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu tới khâu luộc bánh.
Những năm gần đây, những gia đình nhỏ ở thành phố cũng tự gói bánh chưng. Tuy hơi tốn công sức và chút thời gian nhưng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giúp con cháu hiểu thêm về một phong tục truyền thống hay của dân tộc, đem không khí Tết đến gần hơn với mọi người.
Cách bảo quản bánh chưng
Sau khi nấu chín bánh chưng, vớt bánh ra rửa qua nước lạnh cho sạch nhớt. Đặt bánh lên 1 mặt phẳng, dùng một vật nặng đè lên trên ép bánh trong vài tiếng để cho bánh ra bớt nước và chặt lại (không nên đè quá nặng sẽ làm bánh bị bục).
Treo bánh nơi mát, thoáng gió hoặc để nguyên lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nilông bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) bạn nên luộc, chiên hoặc hấp lại.
Lá bánh phải rửa kĩ và để ráo nước hoặc gói bằng lá dong đã được luộc rồi thì bánh để được lâu hơn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Cách gói bánh chưng ngày Tết 2023 Hướng dẫn gói bánh chưng vuông, đẹp cho ngày Tết của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.