Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Đề thi HSG Văn 10 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ đề thi học sinh giỏi Văn 10 có đáp án kèm theo giúp các bạn đạt được kết quả thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tốt nhất.

TOP 3 Đề thi HSG Văn lớp 10 chính là bộ đề bồi dưỡng học sinh giỏi qua các kì thi chuyên đề lí luận văn học. Đây là tài liệu tham khảo văn học để đáp ứng nhu cầu của các em cũng như giáo viên trong việc bồi dưỡng học sinh khá, giỏi môn ngữ văn 10 và các bạn có nhu cầu được tiếp xúc, rèn luyện với những dạng đề thi cơ bản và nâng cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp quận, huyện, thành phố. Vậy sau đây là TOP 3 Đề thi học sinh giỏi Văn 10 mời các bạn cùng đón đọc nhé.

Đề thi học sinh giỏi Văn 10 – Đề 1

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO……..

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LỚP 10 THPT

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

Đề thi có 01 trang

Câu 1 (8,0 điểm)

“Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.”

(William Arthur Ward )

Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

Câu 2 (2,0 điểm)

Bàn về chức năng của văn học, có ý kiến cho rằng:

Văn học đem lại cho con người niềm vui trong sáng trước cái đẹp của sự sống.

Bằng kiến thức văn học lớp 10, anh/chị hãy làm sáng tỏ vấn đề trên

-HẾT-

HƯỚNG DẪN CHẤM KỲ THI HSGLỚP 10THPT

Môn: NGỮ VĂN

Hướng dẫn chấm có 03 trang

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng các mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

– Điểm toàn bài thi cho lẻ đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1. (8 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…

b. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:

Giải thích vấn đề:

– Người bi quan phàn nàn về cơn gió: Người có cái nhìn chán nản. tuyệt vọng, tiêu cực, không tin tưởng ở ở tương lai sẽ phàn nàn về những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

– Người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều: Trái với người bi quan, người lạc quan luôn có cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai. Họ luôn chờ đợi và hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.

– Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm: Người thực tế là những người hiểu rõ và sống với thực tại. Họ không ảo tưởng hão huyền. Bởi vậy, để đến đích, họ không “phàn nàn”, không “chờ đợi” mà chủ động “điều chỉnh”, thay đổi những thứ mình có cho phù hợp hoàn cảnh.

* Để đến với thành công, con người không nên có thái độ bi quan, cũng không nên chờ đợi vào sự may mắn mà cần đối diện với thực tế, dám thay đổi bản thân.

2. Phân tích, chứng minh:

– Sống thực tế giúp con người có cái nhìn, sự đánh giá đúng đắn về bản thân cũng như về thế giới khách quan. Từ đó, xác định cho mình những hướng đi, những con đường phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.

– Sự nhận thức và tự nhận thức sẽ giúp những người thực tế biết cách tự thay đổi, điều chỉnh mình theo chiều hướng tích cực để vươn lên.

(Dẫn chứng cần cụ thể, tiêu biểu, thực tế)

3. Bình luận:

– Phê phán những kẻ bi quan, cũng như những kẻ sống trong ảo tưởng, hão huyền.

– Con người cần có lối sống thực tế, nhưng cần phân biệt thực tế với thực dụng – lối sống quá chú trọng vào vật chất và lợi ích cá nhân.

– Sống thực tế nhưng con người cũng cần có những hi vọng và sự lạc quan. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thêm sự nỗ lực để vượt lên những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Tham khảo thêm:  

Câu 2 (12,0 điểm)

II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giải thích ý kiến

Văn học: là loại hình nghệ thuật dùng ngôn từ làm chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm. Văn học nhận thức, phản ánh, khám phá đời sống theo quy luật của cái đẹp, nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mĩ vô cùng phong phú. Văn học nhận thức, phản ánh, khám phá đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm bằng hình tượng nghệ thuật.

Niềm vui trong sáng: những xúc cảm vui sướng lành mạnh của con người khi tiếp nhận một tác phẩm văn học nào đó.

Cái đẹp của sự sống: Đó có thể là cái đẹp của thiên nhiên, của con người, của tình đời, của tình người…

=> Nhận định chủ yếu bàn về chức năng thẩm mĩ của văn học.

– Học sinh giải thích thêm chức năng thẩm mĩ của văn học. Chức năng thẩm mĩ là vẻ đẹp do văn học mang lại cho con người. Nó có sức hấp dẫn lôi cuốn con người một cách vô tư bằng sự hứng thú của hoạt động nhận thức. Nó giúp con người vượt lên trên cái hữu hạn hằng ngày để sống bằng tâm hồn, bằng mơ ước. Nó khơi dậy ở người đọc những xúc cảm xã hội tích cực, thỏa mãn cho người đọc nhu cầu được nếm trải sự sống.

2. Bình luận

– Ý kiến trên đã thể hiện khá sâu sắc chức năng quan trọng nhất của văn học là chức năng thẩm mĩ. Vì với tư cách là một hoạt động sáng tạo, văn học đảm nhận chức năng thẩm mĩ tích cực, không một lĩnh vực nào khác thay thế nổi.

– Trong rất nhiều lí do dẫn đến sự tồn tại có ý nghĩa của tác phẩm văn học trong đời sống thì việc làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ cho con người có tính chất quyết định.

– Văn học là sản phẩm của quá trình sáng tạo tuân theo quy luật của cái đẹp. Vì vậy văn học không những làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người mà còn giúp con người có khả năng nhận thức, hành động theo cái đẹp. Một khi tác phẩm văn học làm được điều đó là đã có đóng góp vào việc hoàn thiện nhân cách của con người. Bởi lẽ, con người khi đã có nhận thức, hành động theo cái đẹp thì sẽ giảm thiểu được cái xấu, cái ác.

3.Chứng minh

– Hoc sinh tự chọn văn bản và biết phân tích văn bản theo định hướng: văn bản đó đem lại niềm vui trong sáng gì cho bạn đọc.

– Học sinh cũng cần có kĩ năng hệ thống hóa lại văn bản theo nhóm, theo đề tài, theo thể loại…

Sau đây là một số định hướng:

+ Nhóm truyện cổ tích thần kì: mang lại cho người đọc niềm vui, niềm tin trước sự chiến thắng của cái thiện, của công lí, của lẽ công bằng.

+ Nhóm những bài ca dao: mang lại cho con người niềm lạc quan vui sống vượt lên trên hiện thực tăm tối, gian khổ.

+ Nhóm những tác phẩm viết về đề tài thiên nhiên: mang lại cho con người sự tận hưởng cái đẹp tinh tế của tạo hóa ban cho đất trời.

+ Nhóm những tác phẩm viết về vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của con người mang lại niềm tin, niềm hy vọng rằng phẩm chất tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc đời này.

4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao

– Những tác phẩm văn học nào mang lại cho bạn đọc những xúc cảm xã hội tích cực sẽ đứng vững được trước sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian.

– Như trên đã nói, chức năng thẩm mĩ có tính chất quyết định đến sự sống của một tác phẩm văn học. Nhưng nói như thế không có nghĩa là khước từ việc phản ánh chân thực cuộc sống. Những cảm xúc tốt đẹp được hình thành nơi bạn đọc đều bắt nguồn từ sự phản ánh chân thực cuộc sống.

– Bài học cho quá trình tiếp nhận văn học:

+ Văn chương vốn mang trên mình nó tính đa chức năng. Nó có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của con người. Nó làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Nó giúp con người nhạy cảm hơn, tinh tế hơn trong nhận thức, hành động và cảm thụ thế giới.

+ Đọc văn là quá trình bạn đọc tự đi tìm chân trời của sự sống để thỏa mãn những xúc cảm thẩm mĩ của mình.

Đề thi học sinh giỏi Văn 10 – Đề 2

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong thư gửi thầy giáo của con mình, một người cha viết: “Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”.

(Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.135)

Suy nghĩ của anh /chị về ý kiến trên.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 8 Unit 2: Getting Started Soạn Anh 8 Kết nối tri thức trang 18, 19

Câu 2 (12 điểm)

“Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời, mà còn khơi dậy ở ta những tình cảm thẩm mĩ phong phú, đa dạng”.

( Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2000, tr. 113)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy liên hệ với một tác phẩm văn học dân gian chương trình Ngữ văn 10 để làm sáng tỏ vấn đề.

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

Câu 1

1. Về hình thức và kĩ năng:

Thí sinh được tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn. Thí sinh được tư do huy động chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình… Tuy nhiên vẫn phải xác định rõ vấn đề thuộc phạm vi nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học.

2. Về nội dung:

a. Giải thích:

– “ Cơ bắp” và “trí tuệ”: là sức khỏe và hiểu biết, năng lực, là khả năng lao động và làm việc trong cuộc sống.

– “Trái tim” và “tâm hồn”: là tình cảm, lương tâm, phẩm chất tốt đẹp có trong mỗi con người.

– Nội dung câu nói: Chúng ta có quyền bán những sản phẩm do bàn tay và khối óc – cơ bắp và trí tuệ – của mình cho người khác với giá cả thoả thuận, nhưng không bao giờ được bán trái tim và tâm hồn mình cho dù giá cao đến bao nhiêu đi chăng nữa.

b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

– “Có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất”:

+ “Cơ bắp” và “trí tuệ” là sức khỏe, là hiểu biết, năng lực trong lĩnh vực cụ thể.

+ Để có được nó không phải là điều dễ dàng, phải trải qua một quá trình rèn luyện, học tập và đúc kết lâu dài. “Cơ bắp” và “trí tuệ” đó là thành quả lao động của chúng ta. Chẳng ai trách được bạn khi sử dụng “cơ bắp” và “trí tuệ” của mình. Chúng ta làm nên nó, chúng ta có quyền sử dụng nó, có quyền bán nó với giá cả phù hợp.

– “Nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”:

+ “Trái tim” và “tâm hồn” là di sản tinh thần của mỗi người. “Trái tim” và “tâm hồn” chỉ có thể giàu lên khi nó biết cho đi, biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia với con người…

+ Bán “trái tim” và “tâm hồn” là bán cả nhân cách và lương tâm của mình, chẳng khác nào đánh mất đi bản thân, khiến chúng ta trở thành những người thiếu tình cảm, vô cảm, thờ ơ, thậm chí là sa ngã vào nhiều tệ nạn xã hội, gây tội ác…( dẫn chứng chứng minh).

– Trong xã hội hiện nay, có nhiều người làm được điều như người cha đã mong mỏi. Họ biết sử dụng bàn tay, trí tuệ của mình vào những công việc trong cuộc sống, mà vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, lương tâm trong sáng. (dẫn chứng chứng minh).

– Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận con người có tài năng, có hiểu biết, nhưng chỉ vì những tham vọng về mặt vật chất mà sẵn sàng đánh mất đi “trái tim” và “tâm hồn” mình, và họ phải chịu những hậu quả khôn lường. (Học sinh lấy dẫn chứng chứng minh).

– Tuy nhiên không phải lúc nào cũng phải bán “cơ bắp” và “trí tuệ” của mình. Có khi chúng ta cũng cần phải biết sẽ chia như đã sẽ chia “trái tim” và “tâm hồn” vậy.

c. Bài học nhận thức và hành động:

– Nhận thức được câu nói ấy là một đề xuất cho ngành Giáo dục trong quá trình “trồng người”. Đó là đào tạo những con người có sức khỏe, có tài năng, biết sử dụng năng lực của mình trong công việc, biết coi trọng và giữ gìn đạo đức, nhân cách…

– Là một người học sinh, cần phải không ngừng rèn luyện sức khỏe, tài năng, học tập chăm chỉ, phải tránh xa những thói hư tật xấu để hình thành một nhân cách tốt, đạo đức tốt, luôn có ý thức giữ gìn phẩm cách của mình trong xã hội đầy cám dỗ như hiện nay.

3. Cách cho điểm

– Điểm 7-8: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 5-6: Đáp ứng 2/3 các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt

– Điểm 3-4 : Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, mắc một số lỗi diễn đạt.

Tham khảo thêm:   20+ mẹo giải rượu bia nhanh tỉnh, hiệu quả ngay lập tức

– Điểm 1-2 : Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả

– Điểm 0 : Hoàn toàn lạc đề.

Câu 2

1. Về hình thức và kĩ năng

– Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học để triển khai bài làm đúng kiểu văn bản. Cần phát huy đồng thời hai năng lực: nắm bắt và làm sáng tỏ một vấn đề về chức năng của văn học phân tích, chứng minh, bình luận vấn đề qua 1 văn bản VHDG đã học trong chương trình Ngữ văn 10 để làm sáng tỏ vấn đề.

– Thí sinh phải biết sử dụng, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để giải quyết một cách đúng hướng yêu cầu của đề bài..

2. Về nội dung kiến thức:

a. Giải thích

– Nhận định đã đề cập đến những chức năng cơ bản của văn học như: nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ.

+ Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời: Đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người, văn học thực sự trở thành “cuốn sách giáo khoa của đời sống”, đồng thời có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng nhân cách, giáo dục con người. Qua các tác phẩm, người đọc hiểu người, hiểu đời thêm, đồng thời cũng làm phong phú hơn cho kinh nghiệm sống của mình.

+ Văn học còn khơi dậy ở ta những tình cảm thẩm mĩ phong phú, đa dạng: Nhờ có văn học mà đời sống tình cảm của con người ngày càng tinh tế, sâu sắc hơn. Cái hay, cái đẹp trong văn học tạo ra trong lòng người đọc những rung động thẩm mĩ, tình yêu đối với cái đẹp, thậm chí còn khơi dậy kích thích năng lực sáng tạo, khám phá của mỗi người.

=> Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Văn chương nghệ thuật luôn giữ gìn và bồi dưỡng chất nhân văn, chất người cho con người, giúp con người hiểu biết mình hơn, thông cảm với người khác, có một cuộc sống phong phú, tinh tế, có ý nghĩa.

(HS chú ý giải thích các từ, cụm từ “cái thiện”, “cái ác”, “cái đúng”, “cái sai”, “tình cảm thẩm mĩ phong phú đa dạng”)

b. Chứng minh

Thí sinh chọn và phân tích một tác phẩm văn học dân gian (đã được học hoặc đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 10). Trong quá trình phân tích học sinh cần phải làm nổi bật rõ việc nhận thức được “cái thiện”, “cái ác”, “cái đúng”, “cái sai” trong các tác phẩm đó như thế nào, đã khơi dậy “tình cảm thẩm mĩ” của con người ra sao?

c. Bàn luận

– Khẳng định đây là ý kiến xác đáng về chức năng của văn chương nghệ thuật

– Từ đó, vai trò của người nghệ sĩ cũng được đặt ra trong quá trình sáng tạo: Người nghệ sĩ phải sống sâu sắc với cuộc đời, có được tình cảm chân thành, mãnh liệt, đồng thời phải luyện rèn tài năng, làm phong phú, giàu có thêm vốn ngôn ngữ của mình

– Nhận định này còn góp phần định hướng cho người tiếp nhận văn học. Qua các tác phẩm văn học, người đọc sẽ khám phá và lĩnh hội được những tình ý sâu kín mà nhà văn gửi gắm. Người đọc đến với tác phẩm văn chương nghệ thuật để hiểu đời, hiểu người, hiểu mình. Ở đây, nhu cầu nhận thức gắn liền với nhu cầu tự nhận thức xoay quanh vấn đề con người, vấn đề sự sống có tính chất nhân bản.

3. Cách cho điểm

– Điểm 11-12 : Hiểu rõ nhận định, kiến thức sâu sắc, phong phú. Phối hợp nhuần nhuyễn lí luận và kiến thức tác phẩm. Phối hợp linh hoạt thao tác giải thích- bình luận, phân tích- chứng minh. Diễn đạt trau chuốt, tinh tế, giàu cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp.

– Điểm 9- 10: Hiểu nhận định, giải thích còn bỏ sót ý nhỏ, có kiến thức lí luận song chưa sâu. Kiến thức tác phẩm sâu sắc, chứng minh nhuần nhuyễn, văn viết tinh tế, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.

– Điểm 6-7: Hiểu nhận định nhưng giải thích còn chung chung. Diễn đạt mạch lạc có hình ảnh, có cảm xúc nhưng chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai phần: lí luận và tác phẩm, giải thích và chứng minh

– Điểm 4: Cảm nhận còn chung chung sơ sài, diễn đạt lủng củng, mắc nhiều lỗi trong diễn đạt.

– Điểm 1- 2: Hoàn toàn không hiểu đề, kiến thức tác phẩm nghèo nàn, diễn đạt kém.

……………

Tải file tài liệu để xem thêm đề thi học sinh giỏi Văn 10

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Đề thi HSG Văn 10 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *