Bạn đang xem bài viết ✅ Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (hoặc cảm động) mà em đã gặp ở trường Dàn ý & 12 mẫu bài viết số 1 lớp 7 đề 1 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (hoặc cảm động) mà em đã gặp ở trường là tài liệu vô cùng hữu ích.

Mong rằng với dàn ý và 12 bài văn mẫu lớp 7, các bạn học sinh sẽ có thêm ý tưởng để hoàn thiện bài viết của mình.

Dàn ý kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động

1. Mở bài

  • Hoàn cảnh kể câu chuyện (trong bữa ăn, đang xem tivi…)
  • Giới thiệu câu chuyện được kể (lí thú, cảm động…)

2. Thân bài

  • Thời gian, địa điểm chính xác câu chuyện đã diễn ra.
  • Nhân vật trong truyện gồm những ai, người kể có vai trò gì trong câu chuyện.
  • Diễn biến của câu chuyện.
  • Kết thúc câu chuyện, bài học nhận được.
  • Thái độ lời khuyên của bố mẹ.

3. Kết bài

Cảm xúc và suy nghĩ của bản thân về câu chuyện đó.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 1

Cuộc sống quanh ta thực sự có bao điều lí thú tuyệt vời cần khám phá và tìm tòi. Hôm nay, tôi đã được tận mắt được chứng kiến một trong những điều kì thú ấy. Tan trường, tôi đạp xe thật nhanh về nhà để kể lại câu chuyện ấy cho bố mẹ nghe. Tôi thầm nghĩ có lẽ bố mẹ sẽ cảm thấy rất thú vị lắm khi nghe câu chuyện của tôi.

Vừa đến cổng, tôi vội vã chạy ngay vào trong nhà, thấy bố mẹ đều đang ngồi ở phòng khách tôi bắt đầu ngay câu chuyện của mình. Tôi say sưa kể:

– Hôm nay ở trường con, khi cả lớp học tiết thể dục ngoài sân trường. Trời đang nắng rất to bỗng dưng trời tối sầm lại như ban đêm. Con và các bạn trong lớp đều rất bất ngờ, có bạn còn cảm thấy sợ hãi. Con nghĩ có lẽ trời sắp mưa nên trời tối như thế. Nhưng con phát hiện là không phải bởi lẽ thời tiết vẫn rất oi bức không thấy những đám mây đen xuất hiện cũng chẳng có giông gió ùn ùn kéo đến. Chưa bao giờ con được chứng kiến hiện tượng kì lạ như thế.

Tôi không nói với bố mẹ nhưng thực sự lúc ấy trong đầu tôi đã nghĩ về bộ phim Tây Du Ký mà mình đã từng được xem thuở bé. Bầu trời đang sáng bỗng đen đặc lại khi những tên yêu quái xuất hiện để bắt Đường Tăng về hang động của mình. Ý nghĩ ấy xuất hiện trong thoáng chốc rồi nhanh chóng vụt biến, tôi tự cười mình bởi suy nghĩ hoang đường ấy. Đây thực sự là một hiện tượng lạ mà tôi và các bạn chưa từng được biết đến. Thấy bố mẹ có vẻ rất chăm chú lắng nghe nên tôi càng hào hứng tiếp tục câu chuyện:

– Kì lạ thay, chỉ khoảng mười năm phút sau trời dần sáng trở lại, một khối tròn màu đen đặc từ từ chuyển động, cùng lúc ấy mặt trời cũng dần xuất hiện như được tái sinh một lần nữa. Con và các bạn đều hò reo vui vẻ sung sướng khi thấy trời lại sáng.

Nghe xong câu chuyện của tôi, bố mẹ tôi đều cười rất tươi. Tôi thầm nghĩ, bố mẹ có lẽ đang vui vì được nghe về câu chuyện lí thú của thiên nhiên. Khi trong lòng còn đang tự hào vì bản thân được chứng kiến hiện tượng lạ thì bố tôi lên tiếng:

– Con ạ, câu chuyện mà con vừa kể được gọi là hiện tượng nhật thực đó. Nó xảy ra khi mặt trăng đi qua trái đất và mặt trời. Khối đen tròn che lấp mặt trời chính là là mặt trăng con ạ.

Tôi trầm trồ khi nghe bố giải thích, thì ra đây là hiện tượng tự nhiên mà bố mẹ tôi đều đã biết. Thế nhưng tôi thực sự cảm thấy tò mò và thú vị về hiện tượng này. Tôi hỏi thêm bố rất nhiều câu chuyện liên quan đến nhật thực, bố vui vẻ giải đáp cặn kẽ từng thắc mắc của tôi, tôi cảm nhận được dường như bố cũng là một người có một niềm say mê, hứng thú không nhỏ với thiên văn học.

Sau khi nghe bố mẹ giải thích, tôi bắt đầu nuôi dưỡng trong mình ước mơ được khám phá và tìm hiểu về những điều kì thú ấy. Tôi quả quyết cùng bố mẹ rằng sau này mình sẽ trở thành một nhà thiên văn học. Bố mẹ tôi hạnh phúc ôm tôi vào lòng, cả hai đều rất tôn trọng và ủng hộ ước mơ sở thích của tôi. Sau này, khi lớn lên cuộc sống bộn bề có thể sẽ khiến tôi phải đưa ra nhiều chọn lựa nhưng tôi tin chắc rằng niềm đam mê với những hiện tượng kì lạ của thiên nhiên sẽ không bao giờ đổi thay trong tôi. Đặc biệt, câu chuyện lí thú về hiện tượng nhật thực mà tôi được chứng kiến hôm nay sẽ là một phần kí ức không phai nhòa bởi nó gắn với ước mơ lớn đầu tiên trong cuộc đời tôi.

Tôi và bố mẹ kết thúc câu chuyện đầy vui vẻ, cả nhà bắt đầu bữa cơm trưa trong sự ấm cúng, hạnh phúc. Trong bữa ăn, tôi vẫn cứ vấn vương nghĩ đến hiện tượng thiên nhiên sáng nay mình được chứng kiến. Tôi tự hỏi tại sao tự nhiên của chúng ta lại ẩn chứa nhiều bí ẩn đặc biệt đến thế. Liệu đến khi nào con người mới khám phá được hết những điều kì diệu của thiên nhiên.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 2

Vào các buổi tối cuối tuần, sau giờ ăn cơm, gia đình tôi thường quây quần bên nhau, và chia sẻ những câu chuyện cuộc sống. Hôm nay dù không phải là cuối tuần nhưng lại là ngày 8 tháng 3 nên gia đình tôi tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ dành cho mẹ. Trong bữa cơm đầm ấm ấy tôi vô cùng vui sướng kể lại cho bố mẹ nghe câu chuyện xảy ra trong buổi lễ mít tinh.

Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 3 trường tôi có tổ chức hội thi cắm hoa. Bạn nào bạn nấy đều vô cùng hào hứng, ai cũng đến trường thật sớm để chuẩn bị. Việc cắm hoa năm nay được giao cho các bạn nam của lớp, các bạn ấy nhận nhiệm vụ đầy tự tin và hứa với cô giáo cùng cả lớp sẽ mang giải nhất về. Mọi người đều vô cùng hứng khởi. Nhưng lớp cũng có đôi chút buồn vì gần đến ngày thi cô giáo chủ nhiệm bị ốm không thể đến cổ vũ và chung vui với chúng tôi được.

Hội thi bắt đầu, ba bạn nam lớp tôi hăng hái bắt tay cắt hoa và cắm vào lẵng. Những động tác còn vụng về, cắt hoa đôi lúc còn khiến hoa gẫy. Nhưng khuôn mặt ai cũng hết sức nghiêm túc và căng thẳng. Trong mắt họ tôi còn thấy ánh lên cả niềm vui, sự hạnh phúc. Chẳng mấy chốc lẵng hoa của lớp tôi đã hoàn thành. Lẵng hoa làm xong thực sự không quá đẹp nhưng chứa đựng cả tấm lòng của các bạn. Sau đó, chúng tôi tranh thủ đi ngắm các lớp khác, dưới đôi bàn tay khéo léo của các bạn nữ, lẵng hoa của các lớp còn lại đều rất đẹp đẽ, sáng tạo. Nhưng tôi vẫn đầy tự hào và hạnh phúc về thành quả mà các bạn nam của lớp đã tạo ra. Trong mắt tôi chúng đẹp nhất, ấm áp nhất.

Lúc công bố giải ai cũng hồi hộp, mong ngóng những giải khuyến khích, giải ba, rồi giải nhì đều đã đi qua mà không thấy lớp tôi được xướng tên lên. Và tất nhiên giải nhất thì chúng tôi không bao giờ dám mơ tới. Ai nấy đều buồn bã mặc dù hiểu thành phẩm của lớp thực sự không phải quá xuất sắc. Nhưng có một điều thật bất ngờ đã xảy ra, khi giải nhất được trao xong, thầy phụ trách đọc thêm giải đặc biệt dành cho lớp có bài thuyết trình cảm động nhất và cái tên 7A2 đã được vang lên. Chúng tôi vỡ òa vì điều bất ngờ đó, cả lớp nhảy cẫng và hét ầm lên vì sung sướng, các bạn nam hồ hởi lên nhận giải. Bài thuyết trình của chúng tôi là lời cảm ơn đến công ơn dạy dỗ, bảo ban của cô giáo chủ nhiệm. Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc, có lẽ đã lay động được ban giám khảo.

Ngay sau khi nhận giải, cả lớp mang lẵng hoa và phần thưởng đến nhà cô giáo vừa để thăm cô vừa để chia sẻ niềm vui cùng cô. Cô ốm nên hai đôi mắt trũng sâu lại, làn da tái đi, chúng tôi phải vào tận giường thăm cô. Thấy chúng tôi đến cô hết sức vui mừng, nghe kể về giải thưởng ngày hôm nay và nghe các bạn đọc lại bài thuyết trình cô ứa hai dòng nước mắt nói lời cảm ơn chúng tôi. Cô giáo tôi là người nhân hậu, hiền từ, món quà nhỏ này chúng tôi cố công làm hết sức mình để dâng tặng cô và gửi lời cảm ơn cô đã dìu dắt, chăm lo cho chúng tôi.

Chúng tôi ra về lòng ai cũng vui sướng, xúc động. Vì vừa đạt được giải thưởng lại vừa làm cô giáo vui lòng. Có lẽ, không phải cô vui vì bó hoa hay giải thưởng mà lớp đạt được, cô vui vì nhận thấy tấm lòng chân thành, sự khôn lớn, trưởng thành của chúng tôi.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Tháng năm không quên

Qua hội thi lần này tôi nhận ra rằng món quà ý nghĩa nhất, đẹp đẽ nhất là món quà xuất phát từ sự chân thành, bằng tình cảm chân thật. Chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để mang món quà nhỏ báo đáp công ơn dạy dỗ của cô.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 3

Câu chuyện cảm động mà tôi sẽ kể cho bố mẹ xảy ra vào buổi học đầu tiên của lớp 7.

Tiết đầu tiên sẽ là môn Văn. Cả lớp em ai cũng mong là cô Tám sẽ vẫn dạy chúng em ở môn học này. Nhưng có lẽ là không một cô giáo rất lạ bước vào lớp. Cả lớp em sững sờ nhìn cô và có một bạn ở phía cuối lớp hỏi: “Cô ơi! Cô giáo của chúng em đâu rồi ạ?” Cô trả lời: “Cô của em đã chuyển trường dạy rồi. Cô ấy sẽ không dạy trường này nữa. Từ hôm nay cô sẽ là giáo viên phụ trách môn Văn của các em”. Nghe xong, cả lớp đều rất buồn.

Tiết học hôm đó, đột nhiên lại buồn bã, không sôi nổi như lúc trước. Hết tiết học, cả lớp cùng nhau hồi tưởng về cô giáo cũ. Cô tên là Thu, một giáo viên trẻ. Buổi học đầu tiên, cô mặc áo dài rất xinh. Mắt của cô hiền từ như bà tiên. Khi cô ngồi trên ghế đá, dưới góc “hoa học trò” cô tâm sự với chúng con về những câu chuyện học hành, bạn bè, gia đình. Cô càng hiền dịu hơn khi những lá phượng màu vàng rơi nhè nhẹ xuống.

Còn nhớ những nhớ lúc cô giảng, giọng cô thật ấm áp, dịu dàng, làm cho các bài học rất dễ đi vào lòng người khác. Khi học xong, cô lại kể những chuyện cổ tích, hài, hay là chuyện của cô. Nhưng giờ đây sẽ không còn nghe được giọng nói ấm áp của lúc trước nữa. Cả lớp đều nuối tiếc khi không thể nói lời tạm biệt cô.

Nhưng lời dặn dò cố gắng học tập của cô vẫn còn đó. Điều đó khiến chúng tôi tự nhủ phải cố gắng học tập hơn.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 4

Chiều qua, khi hồi trống tan trường vừa điểm tôi vội vã đi thẳng về phía nhà xe. Trên con đường quen thuộc, đôi chân tôi guồng những vòng xe mạnh mẽ hơn. Tôi đạp xe về nhà mà trong lòng háo hức. Tôi vừa xúc động lại vừa thấy vui vui. Tôi mong sao được kể thật nhanh cho cả nhà nghe câu chuyện cảm động mà tôi vừa được chứng kiến ở trường mình.
Tuần tới, trường tôi sẽ mời đoàn ca nhạc về trường biểu diễn. Điều đặc biệt là các ca sĩ đều là những người đã phải gánh chịu ít nhiều những di chứng của chất độc màu da cam. Người thì bị mất đôi chân, người thì không con đôi mắt. Đáng thương hơn khi có những người dường như chỉ còn tồn tại một vài bộ phận trong con người. Thế nhưng tất cả những con người ấy đã khiến cho cả trường chúng tôi phải vô cùng khâm phục bởi họ là những tấm gương tuyệt vời về ý chí và sự quyết lâm.

Lúc đầu, chúng tôi xem với một niềm háo hức, tò mò. Thế nhưng khi tấm màn nhung khép lại chương trình biểu diễn thì chúng tôi đứa nào đứa nấy đều cảm thấy xúc động sâu xa. Buổi diễn bắt đầu bằng những lời giới thiệu chân thật và lay động lòng người của chú trưởng đoàn. Nó dường như là một bài diễn thuyết được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Thế nhưng khi chính những mảnh đời đau khổ kia lên tiếng thì mọi người bắt đầu rơi nước mắt. Những cái tên, những quê quán, những cuộc đời và những lý do. Tất cả, tất cả đều bắt đầu bằng những ước mơ, những khát khao yên bình và hạnh phúc. Thế nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả. Chiến tranh tàn bạo đến mức không cho cả những ước mơ nhỏ nhoi nhất được hình thành. Mười ca sĩ là mười cảnh tàn tật khác nhau, mười lý do bất hạnh khác nhau. Và tất nhiên phía sau mười con người cần được cảm thông và chia sẻ ấy còn bao nhiêu người khác đang ngày đêm ngậm ngùi ôm những nỗi đau đớn xót xa.

Khác hẳn với màn giới thiệu, buổi trình diễn lại chẳng có một chút gì gợi ra cảnh đau thương. Rất nhiều và rất nhiều bài hát đã được biểu diễn bởi những chất giọng khác nhau. Thế nhưng chúng đều có chung một đặc điểm đó là đều ngợi ca những ước mơ, lòng bác ái và sự công bằng; ngợi ca những ước mơ và khát khao của tuổi thơ của những người đang sống và cả những người đã khuất. Chương trình cuốn hút tất cả người xem, thậm chí nhiều bạn, trong đó có cả tôi đã bước lên sân khấu để tặng hoa và để cùng hát lên những lời ca chia sẻ.
Tất cả những khán giả đều vô cùng xúc động. Buổi trình diễn nằm ngoài sự hình dung của tất cả chúng tôi. Nghe xong câu chuyện này, bố còn dặn dò tôi: “Các con còn nhỏ hiểu được như thế là rất quý. Thế nhưng, những gì các con đã làm là chưa thật lớn đâu. Các con còn phải làm nhiều việc tốt lành hơn nữa để đền đáp công ơn của những người đã hy sinh để mang lại hạnh phúc cho cuộc đời mình”.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 5

“Tùng! Tùng ! Tùng!”‐ tiếng trống tan học vừa dứt, tôi vội chạy ngay về nhà với hộp quà cầm trên tay. Ôi! Con đường hôm nay sao mà dài quá, đi mãi một lúc tôi mới về nhà.

Tôi khẽ đi vào phòng khách, mẹ đang ngồi say sưa đọc báo. Nhìn thấy tôi, mẹ ngạc nhiên bảo:

‐ Ơ, sao hôm nay về muộn thế con? Còn quà gì đó?

‐ Mẹ ơi, hôm nay cô giáo đã cho chúng con một bất ngờ cảm động vào tiết sinh hoạt lớp đấy ạ! Để con kể cho mẹ nghe nhé!

‐ Ừ, con kể đi!

‐ Mẹ tôi vui vẻ trả lời.

‐ Dạ, hôm nay vào tiết tư, chúng con đang học thực hành môn Tin ở phòng thực hành thì bỗng có vài bạn xin thầy cho về lớp trước. Mọi người còn chưa hết ngạc nhiên thì tiết tư kết thúc. Tất cả chạy ùa vào lớp. Lớp học được trang trí rất đẹp: những quả bong bong nhỏ xinh được treo khắp các cửa sổ cùng những dải kim tuyến lấp lánh. Trên bảng được viết dòng chữ: “Chúc mừng sinh nhật” bằng phấn phấn màu rất đẹp. Con vô cùng ngạc nhiên vì không biết các bạn tổ chức sinh nhật cho ai, mà trong tháng mười này lại có ngày sinh nhật của con.

‐ Chà, thú vị thật đó, con mau kể tiếp đi! –Mẹ tôi háo hức nói.

‐ Vâng ạ. Thế rồi, cô giáo bước vào lớp và bắt nhịp cho các bạn hát bài “Happy birthday”. Cô và các bạn đồng thanh hát và vỗ tay rất nhịp nhàng. Rồi, cô thay mặt cho tập thể lớp phát biểu rằng: “Các con ạ, tháng Mười này lớp ta có sinh nhật của các bạn Uyên Phương, Bảo Khánh và Như Ngọc. Cô và ban cán sự lớp đã bí mật tổ chức sinh nhật cho các bạn. Cô chúc các con có một bữa tiệc sinh nhật thật vui vẻ bên tập thể lớp, ngày càng chăm ngoan, học giỏi để ba mẹ và thầy cô vui lòng nhé! Cả lớp cho các bạn một tràng vỗ tay nào!”. “Hoan hô cô giáo! Hoan hô cô giáo!”. Và, tiếng vỗ tay từ các bạn vang lên không ngớt. Cô cho chúng con lên bảng để nhận quà sinh nhật từ lớp. Rồi cả lớp ngồi thưởng thức những tiết mục văn nghệ tuyệt vời của các bạn. Chúng con xúc động vô cùng. Con được đại diện cho các bạn lên phát biểu. Mọi việc đều bất ngờ khiến con lúng túng quá, phải mất mấy phút con mới nói được lời cảm ơn cô và các bạn: “Chúng con xin cảm ơn cô giáo và các bạn trong lớp đã tổ chức sinh nhật cho chúng con. Đây là bữa tiệc sinh nhật ý nghĩa nhất mà chúng con sẽ không bao giờ quên. Chúng con hứa sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng cô giáo và các bạn.”. Cả lớp vỗ tay rào rào không ngớt khiến con sung sướng vô cùng. Thật là thú vị và cảm động phải không mẹ?

‐ Ừ, từ nay con phải chăm ngoan, học thật tốt để xứng đáng với tình yêu thương mà cô và các bạn đã dành cho con đấy!

‐ Vâng ạ! con xin hứa! Sau bữa tiệc sinh nhật đó, cô trò chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn rất nhiều. Tập thể lớp 7/3 chúng tôi nhất định sẽ luôn đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Cảm ơn cô giáo và các bạn đã cho chúng tôi một bữa sinh nhật tuyệt vời và ý nghĩa./

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 6

Sau bữa cơm, gia đình tôi quây quần trong phòng khách. Bỗng tôi chợt nhớ đến chuyện sáng nay và muốn kể ngay cho bố mẹ nghe.

Tôi liền nói:

– Bố mẹ ơi, lớp con có chuyện này vui lắm. Con kể cho bố mẹ nghe nhé.

Bố mẹ tôi mỉm cười gật đầu, tôi hào hứng:

– Hôm nay, ở lớp con, cô giáo đã kể cho chúng con nghe một câu chuyện, vui và cảm động lắm. Câu chuyện vừa xảy ra vào ngày chủ nhật, hôm 20 ‐ 11. Ba bạn Nga lớp con là bác sĩ, đồng thời là hội trưởng hội phụ huynh của lớp. Chiều thứ 7, ngày 19 ‐11, ba của bạn Nga ghé thăm cô và tặng cô một chục cam sành. Cô giáo con cảm ơn bác hội trưởng nhưng đã đem túi cam tặng lại cho thím Tư, một thím nghèo, sống cô đơn ở căn nhà nhỏ đầu hẻm. Ai ngờ, lần này, thím Tư thấy chục cam lớn quá, một mình ăn không hết, bèn mang đến tặng lại cho một người bà con đông con, nghèo hơn mình. Cả cô giáo, cả thím Tư lẫn người bà con nghèo của thím đều không giở kỹ túi cam nên không thấy một tấm thiệp nhỏ lọt giữa những quả cam sành to tướng, tấm thiệp do Nga cắt và ghi vào đó lời chúc mừng cô thật tình cảm.

Tham khảo thêm:   Soạn bài Nghĩa thầy trò trang 79 Tiếng Việt Lớp 5 tập 2 - Tuần 26

Tôi dừng lại, nghiêng mặt nhìn bố mẹ, cười lém lỉnh:

– Bố mẹ đoán thử chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?.

Chưa đợi bố mẹ trả lời, tôi nói luôn:

– Bố mẹ chịu rồi phải không?. Để con kể tiếp nghe. Túi cam không dừng ở đó. Một lần nữa, nó lại “lên đường”, nhưng đi đâu? Hay lắm bố mẹ ơi. Để con kể tiếp cho cả nhà nghe nhé! Người bà con của thím Tư ai ngờ lại là bệnh nhân của ông bác sĩ, ba của Nga. Bà ấy rất biết ơn ông đã chữa cho bà ấy khỏi bệnh nhưng vì nhà nghèo, con đông, bà chưa có tiền mua quà đến cám ơn ông. May quá, thím Tư lại mang cho chục cam sành thật to. Thế là ngay sáng hôm sau, 20 ‐ 11, người bà con thím Tư đã mang túi cam đến tặng ông bác sĩ.

Cả nhà tôi vỗ tay tán thưởng. Hành trình của túi cam, trong câu chuyện kể của tôi thú vị quá. Nhưng cái đáng chia sẻ nhất về túi cam giản dị, bé nhỏ, đó là nó trĩu nặng ân tình.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 7

Câu chuyện bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy. Sau khi dùng cơm trưa xong, thầy hiệu trưởng ở lại trường để chờ cuộc họp lãnh đạo vào buổi chiều. Trưa ấy, mặt trời đổ xuống mặt đất cái nắng cháy da bỏng thịt. Cái nắng giữa lòng Sài Gòn cứ như thiêu đốt vạn vật. Từng lá cây, ngọn cỏ đứng im lìm như đang chết khát bên đường. Dưới khuôn viên trường, giờ này chẳng còn học sinh nào nữa.

Chỉ có cái nắng tha hồ nhảy nhót, đùa giỡn trên sân trường. Cái oi bức của buổi trưa hè khiến thầy hiệu trưởng phải mở toang cả hai cánh cửa sổ ở tầng hai để mong có chút gió ùa vào. Thầy nhìn xuống sân trường. Chợt thầy thấy một cậu học trò dáng người thấp bé đang đi đi lại lại trên sân trường. Qua cặp kính cận dày cộp thầy chẳng thấy rõ. Do đó thầy bước xuống tầng trệt và gọi cậu học sinh ấy vào. Đó là một cậu bé có nước da hơi ngăm đen nhưng đôi mắt sáng ngời nghị lực. Cậu mặc chiếc áo đã cũ nhưng sạch sẽ và chiếc quần xanh sờn bạc màu.

Thầy cất tiếng hỏi cậu học trò nhỏ:

– Sao buổi trưa con không về nhà mà lại tha thẩn ngoài nắng thế kia? Nhà con ở đâu? Con tên gì, học lớp mấy?

Cậu bé lí nhí trả lời:

– Thưa thầy, nhà con ở quận 4. Từ trường về nhà con rất xa nên con ở lại trường đến chiều mới về. Con tên Trần Phú Tài, học lớp 7 A7.

Thầy lại hỏi:

– Tại sao con không đăng ký học bán trú như bao bạn khác cho tiện việc đi lại?

Cậu học trò đáp:

– Thưa thầy, bố mẹ con đều là công nhân, làm việc vất vả từ sáng đến chiều tối mới về. Gia đình con khó khăn nên không thể kham nổi tiền học bán trú.

– Thế thì con ăn trưa ở đâu? Con có nhà người quen ở đây à?

– Thưa thầy, không ạ. Sáng nào bố mẹ cũng đưa con đến trường rồi cho con năm nghìn đồng. Một nghìn con dùng để mua xôi ăn sáng. Còn lại bốn nghìn con dùng để ăn cơm trưa ạ.

Nghe Tài hồn nhiên kể, thầy hiệu trưởng chạnh lòng khi mường tượng đến bữa cơm trưa đạm bạc của cậu học trò nghèo có lẽ sẽ chỉ có rau và cá vụn. Thầy xoa đầu Tài và nói:

– Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà con vẫn cố gắng đến trường là rất đáng quý. Hẳn con học rất giỏi. Thầy rất vui khi có một người học trò như con. Cứ thế mà phát huy con nhé. Mà này, con làm gì mà đi lại loanh quanh giữa trưa nắng thế kia?

Tài cười nói:

– Thưa thầy, ăn trưa xong con không biết làm gì nên đi nhặt rác để trường mình sạch và đẹp hơn.

Nói rồi Tài vòng tay cúi chào thầy rồi chạy ra sân trường tiếp tục nhặt từng cái bao ni lông, từng chiếc lá trên sân trường. Nắng sân trường dường như dịu lại. Thầy hiệu trưởng trở lại phòng làm việc với bao suy nghĩ nhưng niềm vui vẫn rạng ngời trên mặt thầy suốt cả ngày hôm đó.

Trong buổi sinh hoạt dưới cờ tuần sau, thầy hiệu trưởng khen ngợi, tuyên dương tấm gương vượt khó và trao cho Tài học bổng của trường. Thầy còn cho Tài được học bán trú miễn phí.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 8

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Vì em không chỉ được gặp bạn bè, thầy cô mà em còn được chứng kiến thêm thật nhiều những câu chuyện và rút ra được những bài học quý báu từ câu chuyện ấy. Ngày hôm trước, em đã chứng kiến một câu chuyện hết sức cảm động và em muốn trở về nhà thật nhanh để có thể kể với bố mẹ câu chuyện ấy.

Trong bữa cơm tối ngày hôm ấy, em đã kể cho bố mẹ nghe câu chuyện của Chiến – cậu bạn cùng lớp với em.

– Bố mẹ ạ, Chiến là một cậu con trai gầy gò, so với những bạn trai trong lớp con thì bạn ấy nhỏ hơn rất nhiều. Bọn con đã học với nhau hơn hai năm rồi mà bạn ấy vẫn là một người rất bí ẩn. Trong lớp Chiến không chơi thân với ai cả, cũng không ai biết nhà bạn ấy ở đâu. Ban đầu bọn con thấy không thích bạn ấy đâu.

– Vì sao thế con? – Bố em hỏi

– Vì bạn ấy không hòa đồng với lớp bố ạ – Em đáp lại lời bố rồi tiếp tục câu chuyện, thế nhưng mấy hôm trước Chiến đột nhiên nghỉ học hơn một tuần liền. Mấy hôm đầu bọn con cũng không để ý lắm. Nhưng gần một tuần mà vẫn không thấy Chiến đi học nên mấy đứa con liền lên hỏi cô giáo xem bạn ấy có chuyện gì. Vì dù không thích nhưng chúng con cũng là bạn cùng lớp mà.

– Ừ, con làm đúng đấy con gái – mẹ tôi mỉm cười hài lòng và kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của em.

– Cô giáo nghe chúng con hỏi về Chiến cũng rất vui. Cô bảo Chiến bị ốm, chưa khỏe nên chưa lên lớp học được. Thế là chúng con xin cô địa chỉ nhà bạn ấy để đến thăm. Lúc đầu cô còn chần chừ nhưng vì bọn con năn nỉ nhiều quá nên cuối cùng cô cũng cho bọn con.

Em uống một ngụm nước rồi kể tiếp:

– Bố mẹ biết không? Chúng con tới nhà bạn ấy và đứa nào cũng thấy bất ngờ bố mẹ ạ. Nhà bạn ấy ở ngay gần nhà mình thôi. Một ngôi nhà đất xập xệ, tối om. Bên ngoài tường gạch rêu đã bám đầy chứng tỏ nó đã cũ kĩ lắm rồi. Chúng con ngơ ngác nhìn nhau, không biết có đi nhầm nhà không nữa. Nhưng không bố mẹ ạ, chúng con không đi nhầm nhà đâu. Đấy chính là nhà Chiến đấy. Bọn con bước vào nhà, thấy Chiến đang nằm co quắp trên chiếc giường cũ kĩ. Bọn con cất tiếng chào thì thấy Chiến tỉnh dậy. Đôi mắt bạn ấy mơ màng, khuôn mặt đỏ bừng vì sốt. Thấy chúng con bạn ấy bất ngờ lắm. Chiến định ngồi dậy để nói chuyện cùng bọn con nhưng bạn ấy sốt nên chóng mặt không ngồi dậy được, nên chúng con ngồi bên cạnh giường nói chuyện với cậu ấy. Hoàn cảnh nhà bạn ấy đáng thương lắm bố mẹ ạ.

– Nhà bạn ấy thế nào hả con? – Bố mẹ em hỏi, với đôi mắt chờ mong.

– Bạn ấy kể, bố bạn ấy mất sớm. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Mà mẹ bạn ấy cũng ốm suốt, nên đi làm bữa được bữa không. Trước bạn ấy sinh non nên người yếu sẵn rồi, lại không được chăm sóc cẩn thận nên giờ vẫn không khá hơn lên là bao nhiêu. Bạn ấy phải vừa đi học, vừa giúp đỡ mẹ làm hàng. Mấy hôm trước đi về muộn, bị dính mưa nên ốm. Không đứng dậy được. Mẹ bạn ấy phải đi làm, không chăm sóc bạn ấy được. Chiến kể với bọn con nhiều lắm bố mẹ ạ. Bạn ấy phải làm hết mọi việc để đỡ đần mẹ, lại còn phải tự lo cho mình, còn phải đảm bảo việc học trên lớp nữa. Thế mà bạn ấy vẫn học rất giỏi.

– Thằng bé đáng thương quá – Mẹ tôi nói

– Bọn con muốn giúp đỡ bạn ấy – em băn khoăn, nói ý nghĩ của mình với bố mẹ. Thế có được không bố mẹ? Con thấy cuộc sống của mình tốt hơn bạn ấy nhiều lắm, con muốn chia sẻ với bạn ấy một chút.

Bố mẹ cười tươi xoa đầu em, khen em đã lớn thật rồi. Không chỉ biết lắng nghe mà còn biết quan tâm và chia sẻ với những người khác nữa. Bố mẹ nói sẽ giúp em thực hiện kế hoạch này. Em thấy rất vui. Có lẽ sự giúp đỡ của em chỉ là rất nhỏ với Chiến nhưng em hi vọng bạn ấy có thể có một cuộc sống tốt hơn.

Qua câu chuyện của Chiến, em nhận ra rằng mình không nên chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá một người mà cần phải tìm hiểu thật kĩ trước khi nhận xét về họ. Em cũng hiểu rằng mình thật may mắn khi được sống trong vòng tay yêu thương của cả bố lẫn mẹ chứ không phải một mình làm mọi thứ như Chiến. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để bố mẹ vui lòng.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 9

Ở trường của con thì có rất nhiều chuyện xảy ra và vào các ngày trong tuần. Chuyện vui, chuyện buồn, những chuyện lí thú hay là chuyện giữa học trò và giáo viên, đều có cả. Nhưng con vẫn khắc sâu trong tâm trí nhất là chuyện về buổi chia tay thầy Nam – hiệu trưởng trường con.

Đó là một buổi chia tay đầy cảm động và cả trường tràn ngập trong nước mắt của học sinh và thậm chí là cả giáo viên. Lúc đó mỗi người một cách thể hiện cảm xúc khác nhau nhưng trong lòng họ là một cảm xúc chung, một cảm xúc buồn trước người thầy hiệu trưởng gương mẫu. Thầy Nam mới chỉ ở trường được ba năm, đó là thời gian quá ít ỏi đối với thầy hiệu trưởng của những trường khác để làm cho ngôi trường mà mình dần dần trở nên đẹp, hiện đại hơn. Nhưng đối với thầy thì đó là cả một khoảng thời gian vô cùng dài mà thầy có thể đã tạo ra cho ngôi trường một sự khác biệt. Vào thời điểm ấy của ba năm trước, ngôi trường này đâu có biết phòng sinh hoạt chuyên môn là gì, trong trường thì luôn có những anh chị nhuộm đầu xanh, đầu đỏ như người nước ngoài.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Người Âm Phủ

Mà bây giờ, với sự hiện diện của thầy, phòng sinh hoạt chuyên môn không còn là xa lạ gì, trong trường không còn người nước ngoài nữa! Thầy Nam quả là một người cha đã dìu dắt ngôi trường trong suốt ba năm qua. Đó đều là những lời nói của cô Phương-cô tổng phụ trách của trường. Những lời cô nói đã thấm sâu vào đầu óc của những học sinh ngồi trong trường. Tất cả chúng tôi bắt đầu rơi lệ từ khi những món quà của những anh chị lớp 8A mang đến cho thầy. Bài hát chia tay, những dòng thơ lắng đọng viết về thầy đã làm cho chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Nhưng chắc người buồn nhất là các anh chị lớp 9. Các anh chị đều hiểu được cảm giác bỡ ngỡ khi lần đầu đón thầy về trường và bây giờ lại là cảm giác bồi hồi, xúc động trước cảnh thầy ra đi. Giây phút đó chỉ diễn ra trong bốn mươi lăm phút nhưng cũng đã cho chúng tôi hiểu hơn về con người thầy Nam, cho chúng tôi được nói lên những cảm xúc của mình về thầy và đặc biệt là cho chúng tôi nói lời cảm ơn sâu sắc về người thầy đã dìu dắt chúng tôi đến ngày hôm nay, trở thành những học sinh giỏi, đưa ngôi trường đến với hiện đại.

Một kỉ niệm như vậy rất đáng để nhớ đúng không mẹ? Một kỉ niệm buồn nhưng tôi sẽ luôn giữ mãi trong tim, không bao giờ quên về người thầy hiệu trưởng-người cha đã đưa chúng tôi đến ngày hôm nay.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 10

Trường học là nơi dạy chúng ta biết bao điều thú vị. Tôi có thói quen đó chính là hay kể những chuyện xảy ra ở trên trường cho bố mẹ tôi nghe. Dù không được chứng kiến nhưng qua những lời mà tôi thường kể ba mẹ có thể hình dung ra ở trường tôi đã học hỏi được biết bao điều thú vị đường nào và câu chuyện hôm nay mà tôi kể cho bố mẹ nghe đã làm cho bố mẹ không khỏi xúc động.

Hôm nay tôi kể cho ba mẹ nghe về tiết toán đáng nhớ của tôi. Hoàng là một học sinh cá biệt trong lớp của tôi. Cậu ấy rất nghịch ngợm và ham chơi chính vì thế tình hình học tập của Hoàng lúc nào cũng đứng top cuối của lớp. Mặc thầy cô đã khuyên nhủ kèm cặp như thế nào Hoàng cũng không chịu tiến bộ. Ấy vậy mà hôm nay trong tiết toán khi thầy trả bài kiểm tra đọc đến tên Hoàng thầy đã dừng lại. Hoàng được mười điểm toán và đó là điều không thể tin nổi trong mắt thầy và cả lớp. Thầy bước xuống phía Hoàng ngồi nghiêm giọng hỏi cậu ấy:

– Hoàng! Em nói thật với thầy đi, bài kiểm tra này là sao?

Hoàng cầm lấy bài kiểm tra được mười điểm của mình lặng lẽ không nói câu nào. Cậu ấy cứ lặng lẽ cúi mặt xuống tay cầm chắc bài kiểm tra. Thầy nhìn Hoàng nói tiếp:

– Hoàng, thầy hi vọng em sẽ là một cậu học trò trung thực cố gắng tiến bộ chứ không phải là đứa trẻ nói dối như thế.

Nói rồi thầy lắc đầu, nhìn Hoàng với ánh mắt thất vọng. Cả lớp tôi cũng nhìn Hoàng trầm lặng. Thỉnh thoảng có vài tiếng xì xào nho nhỏ.

-Hoàng mải chơi học hành chểnh mảng như thế làm sao có thể làm hết bài kiểm tra này được.

-Thật không thể tin được Hoàng lại gian lận như thế.

Cứ thế người nọ bàn tán người kia xì xào. Thầy bước lên bục giảng, cho Hoàng ngồi xuống và tiếp tục bắt đầu bài giảng ngày hôm nay.

Thế Hoàng không nói gì với thầy hả con- Mẹ tôi hỏi.

Không mẹ ạ- Tôi đáp.

Nhưng mẹ biết không, giờ ra chơi hôm nay khi con lên văn phòng để nộp sổ sao đỏ, con đã tình cờ nghe được đoạn trò chuyện giữa Hoàng và thầy. Con thấy Hoàng lấp ló ở cửa tay cầm chắc quyển vở gì đó. Hoàng tiến vào văn phòng xin nói chuyện với thầy. Con thấy Hoàng đưa cho thầy quyển vở và nói:

-Thầy ơi, em không phải đứa học trò như thế! Ba mẹ em ly thân, họ đều có cuộc sống riêng mình. Em sống với bà nội. Bà em đang ốm nặng, em thương bà em lắm, bà lúc nào cũng mong em cố gắng chăm chỉ học hành. Em đã cố gắng rất nhiều để mang điểm mười về khoe với bà là em đã cố gắng như thế nào. Em đã ở lại lớp làm hết tất cả bài tập và ôn thêm nhiều dạng bài tập để cải thiện lực học của mình. Em không hề gian lận.

Hoàng đã bật khóc mẹ ạ. Con thấy thầy vừa mở những trang vở vừa nhìn Hoảng với ánh mắt kinh ngạc. Thầy xoa đầu Hoàng mỉm cười, nói:

– Em đã rất cố gắng. Thầy xin lỗi vì đã hiểu lầm em. Em làm tốt lắm, cứ cố gắng học tập như thế này nhé. Thầy tin nhìn thấy được sự cố gắng của em bà em sẽ mau chóng bình phục thôi mà. Ngày mai thầy sẽ nói trước cả lớp để các bạn không hiểu lầm em và sẽ cùng các bạn đến thăm gia đình em. Thầy tự hào về em lắm, Hoàng ạ.

Mọi chuyện là như vậy mẹ ạ. Con rất khâm phục Hoàng, Hoàng thật là một người cháu hiếu thảo và có sự nỗ lực đáng khâm phục mà con phải học hỏi bạn nhiều.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 11

Sáng thứ sáu tuần qua, ở lớp 7C trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình xảy ra một câu chuyện thật là cảm động.

Chúng em vừa vào học tiết văn của cô chủ nhiệm được khoảng hơn mười phút thầy giám thị bảo là bạn Thúy ra ngay cổng trường có người cần gặp. Một lát sau, Thúy trở vào với gương mặt tái nhợt và đôi mắt đỏ hoe. Cô Thanh gặng hỏi, Thúy run run cắn chặt môi để kìm tiếng khóc rồi cho biết rằng vừa nhận được tin cha bị tai nạn giao thông.

Cả lớp lặng đi vì xúc động, vì thương Thúy. Nhà Thúy nghèo lắm! Cha mẹ rời quê hương từ Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp mới được vài năm. Sáng sáng, mẹ quẩy gánh xôi đi bán dạo. Ba Thúy mướn chiếc xích lô chở khách kiếm tiền nuôi các con ăn học. Thúy là chị lớn trong nhà, vừa lo học, vừa lo phụ giúp gia đình. Chúng em đi học bằng xe đạp, còn Thúy đi bộ. Em để ý thấy Thúy chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi hàng ngày. Tuy vậy, tinh thần vượt khó và kết quả học tập của Thúy thật đáng nể!

Tai nạn đột ngột của ba Thúy quả là một tai họa đối với gia đình bạn ấy. Từ nay, mấy mẹ con của Thúy biết nương tựa vào đâu?!

Trong lúc Thúy thu xếp sách vở, cô Thanh đã nhanh chóng họp với ban cán bộ lớp. Cô cử bạn Quốc lớp trưởng chở Thúy đến bệnh viện, thêm bạn Liên tổ trưởng tổ hai đi kèm cho an tâm. Khi các bạn đã đi, cô khuyên chúng em quyên góp tiền để giúp đỡ gia đình Thúy. Cả lớp hưởng ứng lời cô. Bạn nào có nhiều góp nhiều, bạn nào có ít góp ít. Bạn nào không có thì hẹn đến mai.

Số tiền không nhiều nhưng đó là tấm lòng chân thành của chúng em sẻ chia hoạn nạn cùng người bạn bất hạnh. Hơn lúc nào hết, Chúng em càng thương Thúy và mong bạn ấy vượt qua được thử thách nghiệt ngã này. Em thấm thía lời dạy của ông cha: Thương người như thể thương thân và muốn nói với Thúy rằng: “Thúy ơi! Hãy đứng vững! Bên cạnh bạn đã có chúng tôi!”.

Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú, cảm động – Mẫu 12

Cuộc sống luôn cần có tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người. Ngày hôm qua, con đã được chứng kiến một câu chuyện thật cảm động xảy ra ở trường học.

Hôm nay là ngày sinh nhật của cô Thu – giáo viên chủ nhiệm lớp con. Ban cán sự của lớp đã lên kế hoạch tổ chức cho cô một buổi sinh nhật. Mỗi tổ được phân công một nhiệm vụ khác nhau. Tổ một phụ trách trang trí lớp học, tổ hai phụ trách chuẩn bị bánh kẹo hoa quả, còn tổ ba phụ trách chuẩn bị quà cho cô. Mỗi thành viên trong tổ đều hăng hái thực hiện công việc của mình.

Chiều hôm đó, buổi sinh nhật được tổ chức trong tiết sinh hoạt. Cả lớp chỉ bốn mươi lăm phút – khoảng thời gian cô Thu đi họp để chuẩn bị. Cả lớp tập trung tối đa để làm xong công việc nhanh nhất. Nhóm văn nghệ cũng sẵn sàng để gửi tới cô những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Mọi việc cứ thế được diễn ra một cách cẩn thận, chu đáo.

Tiếng trống vào tiết điểm, cô Thu sắp bước vào lớp. Bạn lớp trưởng đi họp cùng cô đã thông báo cho cả lớp sẵn sàng. Khi cô bước vào lớp, tất cả các thành viên trong lớp đứng lên. Phương Anh – bí thư của lớp đang cầm chiếc bánh sinh nhật đi về phía cô. Trên chiếc bánh còn ghi: “Chúc mừng sinh nhật mẹ Thu”. Lúc đó, cô giáo đã vô cùng xúc động. Cả lớp đã yêu cầu cô ước một điều ước và thổi nến. Bố mẹ biết không, cô đã ước cho các thành viên trong lớp luôn học tốt, hạnh phúc.

Chúng con còn hát tặng cho bài “Cô giáo như mẹ hiền”. Những tiết mục văn nghệ đã được trình bày. Bạn lớp trưởng cũng thay mặt cả lớp tặng cô món quà. Cuối cùng là phần cắt bánh và nhập tiệc. Cuối buổi tiệc, cô cảm ơn cả lớp vì đã dành cho cô một sự bất ngờ. Cô nói rằng đây là bữa tiệc sinh nhật tuyệt vời nhất của cô. Cô rất xúc động vì tình cảm của chúng con.

Buổi tiệc sinh nhật thật ý nghĩa. Nó đã giúp cho tình cảm cô trò trở nên gắn bó hơn. Con cũng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu thương, sự quan tâm mà cô giáo dành cho học trò của mình.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (hoặc cảm động) mà em đã gặp ở trường Dàn ý & 12 mẫu bài viết số 1 lớp 7 đề 1 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *