Trong truyện Tức nước vỡ bờ, chúng ta không thể không nhắc đến vợ chồng nhà Nghị Quế, là gia đình được chị Dậu bán cái Tý và đàn chó cho để lấy tiền nộp sưu.
Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích nhân vật vợ chồng Nghị Quế, đây là tài liệu được chúng tôi chọn lọc từ những bài văn hay của các bạn học sinh giỏi văn trên toàn quốc. Tài liệu là những bài văn mẫu phân tích nhân vật vợ chồng Nghị Quế, mời các thầy cô và các bạn tham khảo.
Phân tích nhân vật vợ chồng Nghị Quế – Mẫu 1
Bản chất của bọn quan lại, địa chủ thời thực dân phong kiến là dùng mọi thủ đoạn để làm giàu trên xương máu của nhân dân lao động nghèo khổ. Vợ chồng Nghị Quế là hình ảnh tiêu biểu sâu sắc nhất đã được Ngô Tất Tố xây dựng thành công trong tác phẩm Tắt đèn.
Hình ảnh độc ác, tàn nhẫn của ông Nghị, bà Nghị trong tác phẩm đã giúp ta hiểu thêm về tầng lớp địa chủ thời ấy. Trọng xã hội Việt Nam giai đoạn 1936-1939, nhân dân ta đang chịu cảnh một cổ hai tròng: thực dân và phong kiến. Thuế thân, thứ thuế đánh trên đầu người rất nặng nề làm cho nhân dân ta vốn không đủ ăn, đủ mặc, lại càng trở nên khánh kiệt, điêu đứng.
Đã vậy, bọn địa chủ chỉ nhờ dịp thuế ngặt nghèo, khi cánh cổng làng Đông Xá đóng lại, trâu không được ra đồng làm việc là chúng tha hồ giở thủ đoạn tàn bạo nhất để mua rẻ bán đắt từ tài sản đến sức lao động của người nghèo khổ nhất. Phải, chính thời điểm ấy, vợ chồng Nghị Quế đã có dịp bộc lộ bản chất tàn ác, bất nhân mua ổ chó và đứa con ruột của chị Dậu.
Trước hết, Nghị Quế là loại địa chủ ngu dốt, vọng ngoại mù quáng, lại rất keo kiệt bủn xỉn. Hắn cho rằng theo Tây, giống Tây là sang trọng nên dặn vợ phải gọi con cái là mợ như bà phán, bà kí trên tỉnh. Nói năng như vậy là văn minh. Từ xưng hô đến cách bày biện trong nhà đều cải tiến. Hắn treo tranh quảng cáo sữa bò giữa hai câu đối trong phòng khách! Tuy nhiên, cách ăn uống của nó thô thiển, thiếu văn hóa, lại mất vệ sinh. Hắn súc miệng òng ọc mấy cái, rồi nhổ toẹt xuống nền nhà.
Hắn có một cái dinh cơ lớn mà một đĩa giò kho ăn làm mấy bữa, còn dư lại bà Nghị phải đếm từng miếng, giao hẹn với người giúp việc. Nhân lúc sưu thuế ngặt nghèo, vợ chồng Nghị Quế đã dùng thủ đoạn ,”ông đánh bà xoa” để mua rẻ chó của chị Dậu. Túng cùng, sợ anh Dậu đang đau ốm mà bị hành hạ, đánh đập, chị Dậu đứt ruột bán cái Tí. Nhân tiện, vợ chồng Quế mua luôn đàn chó với giá rẻ. ông nghị dùng thủ đoạn “ức hiếp”, “dọa nạt”, dồn chị Dậu vào thế bí, biểu hiện qua các cử chỉ đập tay xuống sập, quát…, qua giọng nói lúc thì quát, lúc thì cáu…, qua lời nói: “Bán thì đi làm văn tự. Không bán thi về, về thẳng!”… Trái lại, bà Nghị dùng thủ đoạn “dỗ dành”, làm ra “thông cảm’’ biểu hiện qua cử chỉ an ủi:
“Thôi thế này, chó tao cũng mua vậy, cả chó con lẫn chó cái sang đây tao trả cho một đồng nữa. Với con bé kia một đồng là hai. Thế là mày đủ liền nộp sưu lại khỏi nuôi chó, khỏi nuôi con, sướng nhé!”
Cái từ sướng nhé của bả Nghị thật nhẫn tâm, tưởng như nhát dao cắt thêm một nhát vào tấm lòng đang đứt đoạn của người mẹ nghèo khổ, cùng quẫn. Có người mẹ nào sung sướng khi phải xa rời đứa con ruột thịt của mình với niềm vui sướng khỏi phải nuôi con như chị? Tại sao bà Nghị, là một phụ nữ lại không hiểu rõ điêu ấy?
Phải chăng vì mối lợi đã làm bà tối mắt, nói và làm chỉ cố thuyết phục người ta làm theo ý riêng của bà, có lợi cho bà nhất mà thời? Chà đạp lên tình mẫu tử thiêng liêng, bà Nghị quả là con người tàn nhẫn! sự ti tiện bủn xỉn thật dễ nhận ra khi vợ chồng Nghị Quế muốn mua rẻ con bé đã tỏ ra nghi ngờ, bàn tán, hạ tuổi cái Tí xuống 6 tuổi, có lí do trả giá rẻ hơn nữa! Thảm hại đau đớn cho chị Dậu thì tàn nhẫn, bất nhân bấy nhiêu lại dồn về Nghị Quế! Thực vậy, một đứa trẻ ngây thơ, hiếu thảo nhưng cái Tí lại bị chà đạp. Với chó, bà Nghị căn dặn che cho nó khỏi nắng còn cái Tí lại bị bà bắt ăn cơm thừa của chó. Thực không có tính ngươi!
Vơ vét cũng chưa hả. Vợ chồng Nghị Quế còn lật lọng bằng cách đê tiện nhất. Từ hai đồng hứa mua cái Tí, cuối cùng cũng chỉ có hai đồng lại có thêm một bầy chó. Chị Dậu van nài, bả hứa cho thêm hai hào nữa nhưng lại bắt đóng lại hai tiền giấy mực. Chúng thật xảo quyệt! Chị Dậu biết bị xử ép, thiệt thòi nhưng về thì đâm đầu vào đâu, để chồng bị trói đến bao giờ nữa? Hiểu rõ hoàn cảnh chị, vợ chồng Nghị Quế đã không hề nương tay giúp đỡ mà còn chén ép nhiều hơn.
Cho đến khi cái văn tự bán con viết xong thi có lẽ cả chị Dậu, cả người đọc chúng ta đều sửng sốt đến hốt hoảng! Mua bán với giá hai đồng mà văn tự đã thành hai mươi đồng. Thực là trắng trợn chưa từng có! Thế là chị Dậu không có cơ hội chuộc lại đứa con thân yêu của mình. Để giải thích cho chị Dậu khốn cùng ấy, bà ta đã nói: “Tao nắm đằng chuôi chứ không nắm đằng lưỡi”. Thật là đau xót cho chị Dậu. Chị Dậu đứt ruột đến bao lần! Chị Dậu bảo vệ người chồng đau ốm khỏi bị đánh đập mà khó khăn chồng chất đến thế! Sưu thuế đánh lên đầu người dân nghèo mà nặng nề đến thế ư?
Sự ti tiện và lật lọng đến thế vẫn chưa đủ, ta còn hốt hoảng hơn khi “bà” Nghị giàu sang ấy còn trả tiền thiếu cho chị, để đến nỗi việc đóng thuế còn rắc rối mãi. Sợi dây khốn cùng bế tắc ngày càng thắt chặt lấy người phụ nữ đáng thương này!
Đến đây thì bản chất “mặt người dạ thú”, giàu mà dốt nát, bất nhân đã lộ rõ ra. Chọn lọc chi tiết giàu ý nghĩa biểu hiện, Ngô Tất Tố đã xây dựng được hai nhân vật phản diện rất điển hình cho một địa chủ ngu dốt, bất nhân đương thời.
Qua hành vi, ngôn ngữ của vợ chồng Nghị Quế, ta hiểu được bản chất bất nhân, tàn ác của một tầng lớp xã hội trong buổi nhân dân ta còn chìm đắm trong bóng đêm của thời Pháp thuộc. Đó là cách làm giàu, cách sống của một tầng lớp người quên tình dân tộc và quên tình đồng loại. Ta càng hiểu vì sao nông dân ta đi làm cách mạng để giành lấy quyền sống cho mình. Ngày nay và cho mãi mãi sau này, Tắt đến còn mãi như một minh chứng hùng hồn cho tội ác của chế độ sưu thế trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Phân tích nhân vật vợ chồng Nghị Quế – Mẫu 2
Trong thời kỳ 1936- 1939, văn học hiện thực Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị. Cũng như một số các nhà văn khác, Ngô Tất Tố đã đi sâu vào đời sống quần chúng lao khổ, tìm thấy ở đó những bất công của chế độ đương thời. “Tắt đèn” là tác phẩm của Ngô Tất Tố viết trong giai đoạn này, giai đoạn mà bọn thống trị thực dân phong kiến đang dùng uy lực bóc lột người dân nghèo Việt Nam cùng cực hơn trước.
Tác phẩm “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một bản cáo trạng lên án chế độ thực dân phong kiến dã man. Người nông dân trong tác phẩm được Ngô Tất Tố vẽ ra với những nét chân thực. Đó là những con người mà quyền sống bị coi rẻ.Thiếu tiền nộp sau thuế ( thứ sưu thuế đánh cả vào người đã chết), họ phải bán con, bán chó.
Trong “ Tắt đèn”, chị Dậu là người nông dân có cuộc đời đầy khổ nhục, chị sống trong cảnh xã hội đầy bất công: “ Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”! Thiếu tiền nộp sưu, chồng chị bị bắt, chị buộc phải bán con, bán chó để trả sưu, chuộc chồng. Cuộc mua bán ở nhà Nghị Quế không phải là cảnh mua bán bình thường, mà là một tấn bi kịch. Sau lời hỏi vay mượn, đến mặc cả bán con, bán chó. Nghị Quế đã dùng bao âm mưu xảo quyệt để hòng bóp chặt lấy yết hầu người nông dân. Chúng bắt chị phải ký nhận mượn vàng bạc… kết thúc tấn bi kịch, Ngô Tất Tố viết: “ Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước, ông uống một hớp nước lớn, súc miệng òng ọc mấy cái rồi nhỏ toẹt xuống nền nhà.
– Tùy đấy, mày có tin nhà tao thì điểm chỉ vào đem về cho chồng mày ký tên, và xin chữ ký lý trưởng nhận thực tử tế rồi mang sang đây, thì tao sẽ giao tiền cho. Nếu mày không tin thì thôi. Đây tao không ép.
Hai hàng nước mắt chan hòa với những giọt mồ hôi thánh thót rơi xuống gò má, chị Dậu cắm mặt đứng im. Một lát sau chị quả quyết:
– Con xin vâng theo lời cụ.
Thế rồi chị giơ bàn tay buộc giẻ, chìa hai ngón tay để cho ông giáo bôi mực và in vào bức văn tự, giắt vào dải lưng. Bước ra thềm, chị nhặt cái mê nón bị chó cắn rách. Ngần ngại chị đặt mê nón lên đầu, cúi chào vợ chồng ông Nghị và ông giáo. Bà Nghị căn dặn nhắc đi nhắc lại:
– Nhớ lấy cái gì đậy cho mấy con chó kẻo nó bị nắng!”
( Trích “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố)
Đọc xong đoạn văn, chúng ta thấy hiện ra trước mắt một cảnh thương tâm. Chúng ta không khỏi sôi sục căm hờn bọn Nghị Quế và không khỏi thông cảm sâu sắc với chị Dậu. Với nghệ thuật sắc bén, Ngô Tất Tố dùng ngòi bút của mình, ngòi bút thấm đượm mồ hôi nước mắt của bao người lao khổ để vẽ nên bộ mặt vô cùng bỉ ổi của vợ chồng Nghị Quế. Nghị Quế là đại diện cho bọn phong kiến thống trị do thực dân Pháp nặn nên; chúng lợi dụng mọi thời cơ để bóc lột người dân nghèo. Nhà văn đã nắm chắc cái bản chất, đi sâu vào tim đen của chúng để miêu tả, dựng nên một “ ông Nghị” không có gì là đạo mạo, đứng đắn.
“ Ông Nghị” được Ngô Tất Tố vẽ ra bằng cử chỉ “ đặt tăm ngang miệng chén, vẽ chòm râu” “ đập tay xuống sập”, và bằng lời “ quát”… Đọc những từ ngữ đầu tiên của đoạn văn, ta thấy ngay cái vẻ của ông Nghị. Đó là con người cậy thế, khinh rẻ người dân. Ngô Tất Tố đã dựng nên một tên địa chủ đáng khinh bỉ. Với cử chỉ “ uống một hớp nước …, súc miệng òng ọc mấy cái rồi nhỏ toẹt xuống nền nhà” tên Nghị Quế thật là xấu xa, kinh tởm! Từ cách miêu tả hành động, cử chỉ bên ngoài tác giả dẫn ta tới nội tâm của nhân vật. Chỉ mới qua hành động đầu tiên ấy thôi, ta cũng đã thấy thái độ thô bỉ của hắn. Nghị Quế cậy thế, cậy chức “ ông Nghị” để ức hiếp mọi người. Trước mắt người dân nghèo, Nghị Quế cố tăng thêm uy thế hòng bóp hầu bóp cổ người nghèo khổ dễ hơn.
Hãy xem tác giả dẫn chúng ta đi vào nội tâm dã man của Nghị Quế như thế nào? “ Tùy đấy…”. Lời nói của Nghị Quế bùng ra sau cái súc miệng òng ọc mới cay độc làm sao! Từng cử chỉ, từng cách xưng hô của hắn đều tỏ ra rất hách dịch. Trái lại, mụ Nghị Quế lại đong đưa, dụ dỗ. Tất cả chỉ là một nhịp, chỉ là hai gọng kìm khít lại, xiết chặt … Bản chất của chúng là giả nhân, giả nghĩa. Chúng bóc lột, mua người với giá rẻ mạt; mua được đứa con, khúc ruột của gia đình chị Dậu, vợ chồng Nghị Quế còn nói với chị Dậu “ Thôi, tao nuôi cho là phúc”, “ từ nay không phải nuôi con, nuôi chó, sướng nhé!”. Chúng “ nhân đạo” như vậy đó! Giờ đây chúng còn ra mặt tốt, bảo chị Dậu là “ tùy”, “ có tin thì điểm chỉ”. Lời lẽ của Nghị Quế rào trước đón sau. Thâm tâm muốn lừa gạt chị Dậu, nhưng mồm lại ra vẻ không thèm:
“… Không tin thì thôi. Đây tao không ép”.
Chúng ta còn lạ gì cái dã tâm của bọn địa chủ, những kẻ “ Đây tao không ép”. Đấy chính là luận điệu lừa gạt của Nghị Quế. Chúng biết rằng chị Dậu đang lâm vào bước đường cùng quẫn, trước sau cũng phải làm theo ý chúng mà thôi, nên hẳn tin chắc dù có nói thế, chị Dậu cũng chẳng dám từ chối việc bán con, bán chó.
Trong toàn bộ tác phẩm, bộ mặt Nghị Quế bị vạch ra nhiều lần. Tác giả đã xây dựng Nghị Quế thành một hình tượng phản diện sắc nét. Đó là “ ông Nghị” mà bước đường công danh là “ bước đường tắt”, bắt đầu từ chức lý trưởng, vượt qua những bậc phó tổng, chánh tổng, rồi nhờ cơm, rượu, bò, lợn và nhờ quan phủ, quan tỉnh hợp sức với nhau đưa ông lên ghế Nghị viện. Đó là ông Nghị keo kiệt “ suốt năm chí tối không phải thết một ông khách nào trừ hai ngày giỗ cha và mẹ”
Nghị Quế không phải chỉ xấu ở tác phong mà còn dã man trong thủ đoạn bóc lột. Nó bắt chị Dậu phải ký một văn tự giả mạo buộc chị vào một món nợ suốt đời không trả nổi. Nghị Quế cũng như bọn quan lại đương thời bòn rút người nghèo từng đồng xu nhỏ. Nghị Quế có khác chi “ cụ lớn” có thói quen thò tay vét trong chiếc đĩa trên bàn mong có đồng tiền “ hậu tạ” của anh Pha, người nông dân cùng khốn trong tác phẩm “ Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan!
Tác giả đã mô tả một cách rất hiện thực dã tâm của tất cả bọn chúng. Với nghệ thuật khéo léo, với từ ngữ gợi tả, tác giả đã mô tả Nghị Quế vừa gian ác, ti tiện, vừa thô bỉ, xảo quyệt. Âm mưu viết tự giả mạo càng lột tả tâm địa dã man của hắn.
Nhân vật Nghị Quế được dựng nên để ta căm ghét, phỉ nhổ. Bên cạnh “ ông Nghị” bỉ ổi ấy người nông dân- nạn nhân của chế độ hiện ra chất phác, thật thà, hiền lành và đầy đau thương khổ nhục. Nếu như trên, Ngô Tất Tố vẽ ra “ ông Nghị” bằng sự khinh bỉ, căm ghét thì giờ đây tác giả vẽ nên chị Dậu bằng xót thương và thông cảm.
“ Hai hàng nước mắt chan hòa với những giọt mồ hôi rơi xuống gò má …” khi nói đến chị Dậu, tác giả mở đầu như thế. Ta thấy gì ở đây? Căm hờn làm sao, xót thương, thông cảm với người cùng khổ làm sao! Chị Dậu, người nông dân tiêu biểu cho bao người nông dân khác, trong thời Pháp thuộc đã sống trong đói nghèo, cùng cực, trong cảnh nông thôn náo động vì sưu thuế, trong tiếng trống mõ thúc thuế liên hồi, tiếng tù và, tiếng ốc thổi không ngớt, trong cảnh sản xuất bị ngừng trệ, trong cảnh người bị đánh đập, cùm kẹp, cảnh bán con cho địa chủ, cảnh chia ly tan tác của gia đình diễn ra không ngớt. Ta đã biết nước mắt chị Dậu không phải giờ đây mới chảy mà đã tuôn trào từ lâu…
Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích nhân vật vợ chồng Nghị Quế trong Tức nước vỡ bờ Những bài văn mẫu lớp 8 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.