Bạn đang xem bài viết ✅ Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 2 (Đề 1 đến Đề 5) Tuyển tập 84 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 2 gồm dàn ý, cùng 84 bài văn mẫu, từ đề số 1 đến đề số 5, giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, lấy ý tưởng để hoàn thiện bài viết số 2 lớp 6 của mình đạt kết quả cao.

Đồng thời, đây cũng là tài liệu dành cho quý phụ huynh cũng như giáo viên sử dụng để kèm các em học thêm. Các đề trong bài viết số 2 lớp 6:

  • Đề 1: Kể về một việc tốt em đã làm.
  • Đề 2: Kể về một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài,… )
  • Đề 3: Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến
  • Đề 4: Kể về một kỉ niệm hồi thơ ấu làm em nhớ mãi
  • Đề 5: Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết

Bài viết số 2 lớp 6 – Đề 1

Dàn ý bài viết số 2 lớp 6 đề 1

1. Mở bài

– Giới thiệu việc tốt mà em đã làm.

– Kết quả của việc mà em đã làm như thế nào?

2. Thân bài

– Việc tốt mà em đã làm là gì?

– Thời gian và địa điểm em làm công việc đó?

– Có bao nhiêu người hay chỉ mình em?

– Có người khác chứng kiến hay không?

– Tâm trạng của người được em giúp đỡ như thế nào?

– Em có vui khi làm công việc đó?

– Đưa ra những suy nghĩ của em sau khi hoàn thành công việc.

3. Kết bài

Chốt lại vấn đề và đưa ra những việc làm sau này của mình.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 1 – Mẫu 1

Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao nhìn vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nó:

– Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút nét hoa viết vào vở Toán.

Nói rồi, Linh sực nhớ ra và reo lên:

– A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không?

Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cuối cùng, tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ:

– Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này.

Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói:

– Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé!

Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 1 – Mẫu 2

Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.

Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! Hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về những tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! Thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng một, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:

– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: hai mươi lăm nghìn đồng cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi.

Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.

Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 1 – Mẫu 3

Năm lớp hai, có một chuyện mà đến giờ em vẫn nhớ trong câu chuyện đó em đã đấu tranh với sai lầm của chính mình.

Hôm đó, cô gọi các bạn lên bảng chữa bài tập toán, khi cô gọi bạn Thảo Hương lên chữa bài, em nhìn thấy bạn lúng túng nói gì đó với bạn bên cạnh, lúc bạn lên đến bàn em, bạn nói thầm vào tai em: Phương Anh ơi! Cho tớ mượn vở nhé! Em hơi lưỡng lự rồi đưa cho bạn vở của mình. Các bạn chữa bài xong, cô bảo cả lớp thu vở lúc đó em mới lên nói với cô là Thảo Hương quên vở, cô hỏi: Thế sao lúc này bạn lại có vở và lên chữa bài? Em trả lời là em không biết. Vừa lúc đó, tiếng trống trường từ báo hiệu giờ ra chơi, cô cho các bạn ra chơi, thế là cả lớp ùa ra ngoài như những chú chim non rời tổ, em cũng ra theo. Ra chơi vào, cô trả vở và gọi các bạn đọc điểm, cô gọi đến Thảo Hương thì bạn lí nhí trả lời: Thưa cô, em… em quên vở ạ. Thế là cô cho bạn điểm kém, bạn rất buồn.

Về đến nhà, em kể chuyện của bạn cho mẹ, mẹ bảo em: Con nên đến thú thật với cô thì chắc cô sẽ không nói gì đâu. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ được. Hôm sau, em đến nói thật với cô là chính em đã cho bạn mượn vở. Chẳng ngờ cô đã không mắng em mà còn khen em trong tiết học sinh hoạt lớp. Hôm đó em rất vui, khi vừa đến gặp mẹ ở nhà em đã tíu tít kể chuyện và em thấy mẹ nói rất đúng.

Câu chuyện đó luôn khắc sâu trong tâm trí em em rất tự hào vì mình đã làm một việc tốt.

……………

Bài viết số 2 lớp 6 – Đề 2

Dàn ý Bài viết số 2 lớp 6 đề 2

I. Mở bài:

– Cho biết thời gian xảy ra sự việc.

– Sự việc đó là gì và em cảm thấy như thế nào?

II. Thân bài:

– Diễn biến sự việc.

+ Hoàn cảnh khiến em gây ra lỗi lầm.

+ Hành động của em gây ra hậu quả như thế nào?

+ Em có suy nghĩ gì về những hành động sai trái đó?

III. Kết bài:

– Viết ra những cảm nghĩ của em về những lỗi lầm mắc phải và quyết tâm sửa chữa để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 2 – Mẫu 1

Mỗi chúng ta khi lớn lên, đều bỏ lại đằng sau mình một thời thơ ấu biết bao kỉ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi vẫn nhớ những lần ham chơi quên cả giờ về, hãy những lần mải đi chơi làm mất cả chìa khóa nhà. Nhưng kỉ niệm về người anh họ của em khiến em nhớ mãi không thể nào quên.

Trong những dịp nghỉ hè, tôi thường được bố mẹ cho về quê. Tôi rất thích về quê bởi ở đó tôi có một người anh họ. Anh hơn tôi một tuổi và rất quý tôi. Mỗi lần về quê, anh thường dắt tôi đi chơi khắp nơi. Anh đi đằng trước, tôi lũn cũn chạy theo sau. Nhưng khi tôi mỏi chân, anh thường cõng tôi trên lưng chạy nhong nhong. Ngồi trên lưng anh tôi thích chí cười khanh khách. Quê tôi có bờ lau trắng xóa. Nhưng lúc đang chơi đuổi bắt, không thấy anh đâu, tôi khóc thét lên, anh từ đâu chạy đến, rắc lên đầu tôi những cánh hoa khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đặc biệt, tôi rất thích mỗi khi anh và bạn anh thi thả diều, nhìn cánh diều bay lên bầu trời cao lồng lộng, tôi không bao giờ chán. Anh chiều tôi là thế nhưng tính nhõng nhẽo của tôi đã gây nên một tai nạn. Hôm đó, anh dắt tôi đi đến nhà một người bạn. Trên đường đi, tôi bỗng nhìn thấy một cây roi quả sai vô cùng. Những quả roi chín thành từng chùm trông thật thích mắt. Tôi dừng lại và chỉ lên những chùm quả đang lấp ló trong tán lá. Tôi muốn ăn roi. Anh định trèo lên hái cho tôi. Anh đứng ngước mắt lên và lắc đầu: “Cây cao quá, anh không trèo được. Thôi, đi cùng anh ra chợ, anh sẽ mua cho em”. Tôi nhất quyết “Không, em thích ăn cả chùm cơ! Ở chợ không có roi giống thế này”. Dù anh thuyết phục thế nào, tôi cũng không chịu. Anh càng dỗ, tôi càng bướng và tôi đã ngồi bệt xuống đất, nước mắt bắt đầu chảy dài, tay chân đạp loạn xạ. Tôi biết, anh nhất định sẽ hái cho tôi khi thấy tôi khóc. Và quả thật, tôi đã thắng. Anh kéo tôi đứng dậy, lau nước mắt và nói: “Em nín đi, anh sẽ hái cho em chùm quả đó”. Anh dắt tôi đến cổng nhà bác có cây roi, gọi cửa và tôi thấy có một bác chạy ra, anh xin phép bác cho anh được hái một chùm roi. Bác đồng ý nhưng dặn anh tôi phải cẩn thận vì cành roi rất giòn. Anh trèo lên, trèo thật cao để hái được đúng chùm roi tôi thích. Nhưng khi đang hái thì anh trượt chân, ngã nhào từ trên cây xuống. Tôi thấy anh ngã thì chạy đến hỏi: “Anh có đau không?” anh gượng cười, nói: “Anh không sao đâu. Em cứ yên tâm”. Nhưng không phải thế, anh bị gãy chân…

Bố về quê, biết anh bị gãy chân vì tôi. Bố đã mắng tôi nhưng anh lại nói với bố: “Tất cả là tại cháu, chú đừng mắng em kẻo nó sợ”. Dù tôi có gây ra chuyện gì, anh cũng luôn che chở cho tôi. Anh là người anh tuyệt vời của tôi. Kỷ niệm đó mỗi khi nghĩ lại, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Lần cuối

Bài viết số 2 lớp 6 đề 2 – Mẫu 2

Tuổi thơ bồng bột nông nổi đã để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm và cũng là những lần phạm lỗi rất ngây thơ và đáng nhớ, bởi chúng ta luôn nghĩ người lớn không biết nhưng thực tế chỉ cần liếc sơ họ đã biết chúng ta làm sai rồi. Bản thân tôi cũng đã từng như thế, tôi đã từng phạm phải một lỗi mà đến giờ nghĩ lại thấy bản thân sao ấu trĩ và trẻ con thế.

Ngày ấy, tôi đang học lớp 4 tuy gia đình chưa được coi là khá giả nhưng tôi cũng được mẹ cho đi học thêm ở nhà cô. Tôi đi học được vài tháng đầu tiên, ngày nào tôi cũng đến lớp đầy đủ, tuần ba buổi, mỗi buổi hai tiếng. Tôi vốn có tiếng là đứa chăm chỉ, ngoan và học giỏi, nên rất được thầy cô bạn bè yêu quý, kể cả cô giáo dạy thêm cũng quý tôi lắm, thế nên mẹ lại càng tin tưởng tôi hơn, tôi biết mẹ tự hào vì tôi nhiều lắm. Thế nhưng tôi lại có lỗi với cả mẹ và cô, tôi đã phụ sự tin tưởng của họ dành cho tôi. Nhà tôi nghèo thế nên tôi không có được những thú vui như chúng bạn, tôi không bao giờ có tiền tiêu vặt, những lúc tôi ở lại trường để học cả ngày mẹ sắm cho tôi chiếc cặp lồng để mang cơm ở nhà đi theo.

Nhìn những đứa bạn trưa trưa được đi ra quán ăn vặt, mua này mua nọ, đôi lúc tôi thấy tủi thân lắm, tôi càng thu mình lại hơn. Đỉnh điểm là việc tôi rất thích đọc truyện, những cuốn truyện tranh Đô-rê-mon mà mấy đứa trẻ chúng tôi ham vô cùng, một đứa có là chuyền tay nhau đọc đến cũ mèm. Và vì quá thích, tôi đã lén lấy tiền đóng học thêm mẹ cho tôi, khi ấy là 150 ngàn đồng, để đi mua những cuốn truyện mà tôi hằng ao ước, tôi muốn một lần được hãnh diện với bè bạn. Thế nhưng khi cầm những cuốn sách mới coóng trên tay, và số tiền lẻ còn thừa tôi thấy hối hận vô cùng, và cũng sợ hãi nữa, rồi tiền đâu để đóng học, rồi lỡ mẹ biết thì phải làm sao,… Bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu khiến tôi vô cùng hoang mang và mệt mỏi. Sự thay đổi thái độ của tôi đã khiến mẹ tôi nghi ngờ, bởi mẹ tôi vô cùng nhạy cảm, một buổi tối tôi đang ngồi học bài mẹ nhẹ nhàng bước đến rồi đặt cuốn truyện mà tôi mua lên bàn.

Tôi giật nảy mình, nghĩ rằng đợt này kiểu gì cũng ăn một trận đòn nên thân, tôi chỉ biết cúi gằm mặt xuống bàn. Nhưng mẹ tôi không quát tháo, cũng không nói gì, tôi chỉ thấy mắt mẹ đỏ lên và hình như có những giọt nước mắt mẹ đang chảy trên đôi gò má đã sạm đi vì nắng gió, rớt trên đôi tay thô sần vì quanh năm làm lụng vất vả. Tôi biết tôi sai thật rồi, tôi có lỗi với mẹ nhiều lắm, tôi bật khóc hu hu vì tủi thân vì thương mẹ, nghĩ ghét cái sự ngu xuẩn của mình, khiến mẹ đau lòng. Những đồng tiền ấy không phải để tôi phung phí, không phải để tôi làm mẹ tôi buồn như vậy, miệng tôi lí nhí xin lỗi mẹ trong tiếng sụt sùi. Mẹ nhìn tôi, rồi nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Mẹ vẫn luôn tin tưởng con như vậy, mẹ chỉ mong con học thật tốt mà chưa nghĩ đến việc con cũng có những thú vui và sở thích, nhưng gia đình mình…”, rồi mẹ không nói tiếp.

Chuyện đã qua thật lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi, nó là một bài học vô cùng sâu sắc khiến tôi nhớ mãi không quên, vì vậy tôi càng cố gắng học tập để bù đắp lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Tôi luôn nghĩ rằng lỗi lầm là để khiến chúng ta trưởng thành chứ không phải là để khiến chúng ta phải sống trong tội lỗi, tương lai còn ở phía trước mong rằng các bạn đã từng phạm lỗi hãy sống tốt hơn, đừng bao giờ để cha mẹ phải khóc vì bạn nhé, vì học đã quá cực khổ rồi.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 2 – Mẫu 3

Bị điểm kém đối với nhiều người có lẽ chẳng phải là điều gì quá ghê gớm, thế nhưng đối với với một học sinh được xếp nhất lớp, thì đó là một sự xấu hổ vô cùng với bạn bè, với thầy cô và cả sự sợ hãi nếu như bố mẹ biết. Thế nên một đứa như tôi đã làm một việc rất hài hước và ngờ nghệch.

Lúc đó là thời lớp 5, khi mọi đứa trẻ đã bắt đầu lớn đã có suy nghĩ riêng và cũng nhận thức được tầm quan trọng của sĩ diện, lớp chúng tôi có sự phân bì rất lớn giữa những cá nhân có lực học tốt nhất lớp. Và bản thân tôi luôn là đứa đứng đầu, lại là lớp trưởng thế nên mẹ tôi tự hào về tôi lắm, cô chủ nhiệm cũng rất thích nói về tôi khi họp phụ huynh. Rồi có một ngày trong buổi kiểm tra thường xuyên, chẳng biết đầu óc tôi lú lẫn thế nào lại làm sai hai trên tổng số ba bài, kết quả là tôi được ba điểm, khi phát bài tôi sốc vô cùng. Tôi cảm thấy mặt mình nóng lên, tôi vội cất bài kiểm tra của mình đi, cả buổi học hôm ấy tôi không thể vui vẻ nổi, tôi lại nghĩ đến mẹ và tôi tìm cách giấu bài kiểm tra, bởi sợ mẹ sẽ thất vọng và sẽ buồn vì tôi lắm. Các bạn biết tôi giấu ở đâu không? Tôi đã giấu nó ở ngăn trong cùng của cặp sách, rồi khóa lại chỉ đơn giản vì tôi nghĩ mẹ sẽ không bao giờ lục cặp sách của tôi đâu. Ai ngờ tôi đã lầm, mẹ đã tìm ra bài kiểm tra của tôi, nhưng mẹ không mắng tôi mà mẹ chỉ lắc đầu cười nói với tôi: “Mẹ chưa thấy đứa nào dốt như mày, ai đời lại đi giấu bài kiểm tra trong cặp sách, tưởng mẹ không xem chắc, ít nhất ngày xưa mẹ còn biết thủ tiêu nó đi cơ. Sao mẹ sinh ra mày mà mày lại chẳng thông minh được như mẹ gì cả”. Tôi đứng hình với câu nói hóm hỉnh của mẹ, bỗng tôi thấy mình ngốc thật, đúng là trẻ con thì khó mà nghĩ xa xôi được. Sau đó mẹ nhẹ nhàng nói với tôi: “Mẹ nói nhé, con người cũng có lúc sai lầm, có lúc thất bại, nhìn xem bố mẹ trồng cà phê đâu phải chưa từng có cây bị chết, nhưng chính từ những cây chết đó bố mẹ mới rút được kinh nghiệm để trồng thành công cả vườn cà xanh tốt như bây giờ. Học tập cũng vậy, điểm kém là để con phấn đấu và không lơ là trong học tập, đó là tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho con, chứ không việc gì phải xấu hổ, người có bản lĩnh chính là người đứng lên từ thất bại để thành công con ạ”.

Những lời mẹ nói từ lâu ấy, tôi vẫn nhớ mãi đến hôm nay, tôi không biết nó là bài học thứ bao nhiêu mẹ dạy, mẹ ít chữ nhưng những gì mẹ dạy đều quý giá vô cùng. Nghĩ vậy tôi lại càng yêu mẹ hơn. Tuổi thơ của tôi lại có thêm một ký ức về lần phạm lỗi ngô nghê nhưng đắt giá.

……………

Bài viết số 2 lớp 6 – Đề 3

Dàn ý bài viết số 2 lớp 6 đề 3

I. Mở bài:

– Giới thiệu qua về thầy/cô giáo mà em sắp kể.

– Kể lại hoàn cảnh và ấn tượng khiến em kính trọng và quý mến cô/thầy giáo.

II. Thân bài:

– Miêu tả đôi nét về thầy/cô giáo mà em quý mến. Nên tả những nét độc đáo và ấn tượng của thầy/cô giáo.

– Kể về tính tình, tính cách của thầy/cô giáo.

– Kỉ niệm sâu sắc nhất giữa em và thầy/cô giáo đó là gì?

– Nay đã lên lớp 6, tình cảm của em đối với thầy/cô giáo đó ra sao?

III. Kết bài:

– Nêu ra sự kính trọng và yêu mến khi không còn được học với thầy/cô giáo và em sẽ phấn đấu trong việc học tập để không phụ lòng thầy/cô.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 3 – Mẫu 1

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kỉ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.

Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nhiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cửa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.

Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.

Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm ”lận đận” với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói:”chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học”. Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.

Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống mỹ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn xao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.

Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi:” Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẻ với con”. Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.

Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói:”thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẫu cho các bạn noi theo” thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thấy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.

Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỷ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:

“Ngọc không mài không sáng, người không học không tài.”

Bài viết số 2 lớp 6 đề 3 – Mẫu 2

Một trong những người thầy để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng em chính là thầy tổng phụ trách của trường.

Thầy là người nghiêm khắc nhất trong tất cả những thầy cô ở trường. Nhiệm vụ của thầy là kiểm tra, sát sao kỉ cương nề nếp của tụi quỷ chúng em. Bởi thế mà chúng em luôn có những biệt danh đáng yêu dành cho thầy như tử thần, thần chết. Nhưng thực sự, khi tiếp xúc với thầy, em không còn cảm giác sợ sệt mỗi khi nghe tên thầy nữa. Là người chuyên gia bắt lỗi đám học sinh nghịch ngợm chúng em nên nghe danh thầy từ lâu, em cũng đã rất sợ thầy.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về lời xin lỗi trong cuộc sống 2 Dàn ý & 14 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Thầy không cao lắm, chỉ ở mức chiều cao trung bình so với nam giới. Người thầy lại hơi mập mạp nên nhìn dáng thầy đi có vẻ nặng nề nhưng rất dễ thương. Cũng giống các thầy khác, thầy để một kiểu tóc bình thường. Hàng ngày, đến trường, thầy mặc bộ quần áo khá đơn giản, thuộc công sở thưởng thấy: áo sơ mi, quần âu, giày tây. Lúc nào thầy cũng mang theo bút và sổ nhỏ, hễ thấy ai vi phạm, thầy hỏi tên lớp rồi chỉ vài phút sau, bạn ấy sẽ biết được hình thức kiểm điểm dành cho mình.

Gương mặt thầy lúc nào cũng tỏ vẻ nghiêm túc, khắt khe, lạnh lùng, không lúc nào thấy thầy nhoẻn miệng cười cả. Hai hàng lông mày lúc nào cũng như sắp dính vào nhau mỗi khi thầy chau mày lại. Thực sự trước khi nói chuyện và tiếp xúc với thầy, em vẫn gắn mác cho thầy quá nghiêm khắc và máy móc.

Tuy nhiên, có dịp được tiếp xúc với thầy nhờ hoạt động chuẩn bị cho lễ khai giảng, em đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về thầy. Thầy rất vui tính, và nghiêm túc trong công việc. Khi làm việc và khi không làm việc, thầy phân định rất rõ ràng. Đặc biệt, thầy hát rất hay và có nhiều tài lẻ khác nữa.

Quả thực, thầy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong em. Có lẽ khi ra trường rồi, em vẫn sẽ nhớ mãi gương mặt nghiêm nghị hiếm cười của thầy.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 3 – Mẫu 3

Đã qua gần sáu năm cắp sách đến trường, tôi ấn tượng với rất nhiều thầy cô giáo. Thầy cô luôn để lại trong tôi những hình ảnh đẹp và mãi không phai mờ. Nhưng đặc biệt nhất với tôi và cũng là người tôi quý nhất – thầy giáo dạy tôi hồi lớp 5.

Tôi thấy rất ít người lựa chọn nghề làm thầy giáo. Thế mà thầy giáo tôi lại rất say mê với sự nghiệp trồng người này. Thầy tâm sự với chúng tôi, thầy muốn làm thầy giáo từ khi học cấp 2. Mỗi lần ngồi nghe thầy giáo giảng bài thích lắm. Trông thầy đứng trên bục giảng chững chạc, tự tin và được học trò yêu mến, thầy đã nuôi ước mơ từ đó. Về nhà, thầy bắt tụi em nhỏ ngồi sắp hàng ngay ngắn và thầy giả làm thầy giáo. Lạ lùng thay, bọn trẻ lại ngồi nghe đến say mê. Không biết chúng hiểu mấy phần “thầy” giảng nhưng đứa nào mặt mũi cũng ngơ ngẩn, say sưa. Có khi “thầy” nói xong rồi mà chúng vẫn ngồi bần thần, lúc đó phải gọi lớn chúng mới như sực tỉnh. Đó là động lực đầu tiên giúp cho ước mơ của thầy thành hiện thực.

Con đường đến với nghề của thầy cũng lắm gian nan. Vì thế mà bây giờ thầy dành cho nghề một tình yêu thật mãnh liệt. Là con trai cả trong gia đình có truyền thống làm bác sĩ, thầy được bố mẹ định hướng cho thi vào trường đại học Y. Ngay từ nhỏ, gia đình thầy đã mong muốn như thế: Thầy vốn học giỏi lại thông minh, nhanh nhẹn nên cả nhà đặt niềm hi vọng rất lớn.

Nhưng năm lớp 12, bất ngờ thầy thông báo với gia đình sẽ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm, Khoa Tiểu học. Đó là một cú sốc với gia đình, nhất là người cha của thầy. Gia đình kịch liệt phản đối quyết định của thầy, nhiều lúc làm thầy rất khổ sở nhưng chưa có lúc nào thấy dao động. Thấy vững vàng với quyết tâm của mình và kiên trì thuyết phục mọi người. Ngày đi thi cũng là ngày thầy buồn nhất. Không một lời chúc, không một sự động viên, thầy đi thi chỉ có một mình. Nhìn chúng bạn có người thân chăm sóc, thây cũng thấy tủi thân. Nhưng lúc đó thầy nghĩ mình càng phải cứng rắn và mạnh mẽ. Rồi khi đỗ thủ khoa, niềm vui của thầy cũng không được trọn vẹn. Gia đình thông báo sẽ không trợ cấp cho thầy ăn học trong ba năm. Thế là một mình thầy lại phải chống đỡ, xoay sở với biết bao khó khăn trong những năm học Cao đẳng. Vừa đi làm thêm vừa đi học, thầy bất chấp khó khăn để đạt được ước mơ của mình và để chứng minh cho gia đình sự lựa chọn của thầy không sai.

Nhìn thầy giáo trẻ của chúng tôi lạc quan, hài hước đứng trên bục giảng ít ai có thể nghĩ rằng con đường thầy đã đi thật dài khi phải vượt qua một mình. Nhưng giờ đây thầy là một người thầy rất thành công. Không chỉ là thầy giáo dạy giỏi mà thầy còn được tất cả học trò chúng tôi yêu quý. Chúng tôi yêu quý thầy vì con người thầy tốt bụng. Tuy còn trẻ nhưng trong mắt chúng tôi thầy rất chững chạc, vững vàng. Thầy nghiêm khắc trong giờ học nhưng ngoài giờ thầy như một người khác, gần gũi, thân thiện và hài hước. Thỉnh thoảng, thấy đá bóng với các bạn nam, nhìn lúc đó thầy như trẻ thơ vậy. Đặc biệt, với vẻ ngoài đẹp trai, cao lớn và hát hay nên mỗi khi đứng trên sân khấu biểu diễn chúng tôi cảm giác đó không còn là thây nữa mà là một nam ca sĩ có tiếng đang phiêu du cùng tình cảm của mình. Ấn tượng nhất là nụ cười của thầy. Thầy cười thật rạng rỡ, nhìn thầy cười người đang buồn bã cũng thấy vui lây.

Có một lần thầy ốm. Không thấy thầy đến lớp cả lớp nhốn nháo hẳn lên. Cuối giờ học chúng tôi đến nhà tìm thầy. Thấy chúng tôi đến, thầy xúc động lắm. Thầy bắt tay từng đứa một, rồi giữ ở lại ăn cơm. Bữa cơm mẹ thầy nấu hôm đó thật ngon và ấm cúng. Thầy trò vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Dường như cũng nhờ đó mà gia đình hiểu hơn quyết định của thầy.

Bây giờ thật khó để tìm thấy một người con trai Hà thành nào như thầy – thầy giáo dạy Tiểu học của chúng tôi. Với học trò, thầy vừa là thầy giáo nhưng hơn thế – thầy còn là một người bạn lớn.

…………………

Bài viết số 2 lớp 6 – Đề 4

Dàn ý Bài viết số 2 lớp 6 đề 4

1. Mở bài

– Người bạn cùng xóm tên là Thành sống với nhau từ thuở nhỏ.

– Học xong tiểu học thì xa nhau vì em theo gia đình ra Hà Nội.

2. Thân bài

– Tả qua mấy nét về con người, tính tình (Thành rất vui tính).

– Nhớ lại lúc còn nhỏ hai đứa chơi đùa với nhau như: trèo cây, câu cá, bắn chim.

– Khi học ở trường tiểu học là bạn thân giúp nhau học tập. Có lần trốn học cả hai đứa bị cô giáo bắt phạt.

– Em nhớ lại một cách sâu sắc đầy ấn tượng là hôm Thành tặng em một món quà kỉ niệm chia tay nhau: tập nhật kí của Thành và chiếc bút “Kim Tinh” của Trung Quốc. Trong nhật ký có nhiều chuyện vui buồn của hai đứa.

3. Kết bài

– Giờ đây, mỗi lần đọc lại cuốn nhật kí chữ viết xấu nhưng tình cảm thì rất thân thương làm em nhớ mãi đến người bạn có tên là Thành.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 4 – Mẫu 1

“Thời thơ ấu”, mỗi khi nhắc đến ba từ ấy, trái tim em lại thổn thức. Bao nhiêu kỉ niệm tuôn trào nhưng chỉ có những cách diều là em nhớ mãi. Ôi! “Những cánh diều” thuở nào.

Nhớ những buổi trưa hè, lũ trẻ trong làng tụ tập lại thả diều thi. Chúng chạy lấy trớn để những cơn gió nồm nâng cánh diều lên. Ôi! Hạnh phúc biết bao khi thấy con diều của mình từ bay lên, đùa giỡn với cơn gió. Em cùng mấy đứa bạn trong xóm cùng nhau hò hét tranh đua. Có đứa diều tốt, bay cao nhất, nó cứ nổ mãi. Rồi khi có một con diều nào đó vươn lên đứng nhất thì mặt nó tức lắm, cố gắng đánh rớt con diều đáng ghét kia. Có anh không may sở hữu một chiếc diều dỏm. Vừa lên trời đã chống mũi xuống đất. Có chiếc chạy hụt hơi mà chỉ quay tròn. À, mà nói vậy chứ không phải thứ hạng cánh diều chỉ dựa vào diều tốt hay dỏm mà một phần còn nhờ tài nghệ của dân thả diều. Trong lúc thả với tay điêu nghệ, em đã được chúng chỉ cho vài chiêu nâng diều. Nào là khi diều rơi thì giật giật đôi tay, nào là khi thả diều thì phải cầm theo keo và một ít dây diều. Nếu thấy hôm ấy gió mạnh thì gắn thêm một đoạn dây vào dây diều, còn nếu gió nhẹ diều bay không nổi thì gỡ một ít dây ra cho nó nhẹ. Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó mà thi thoảng em cũng được biệt hiệu “vua thả diều”. À, mà hình như em chưa nói cái chuyện này thì phải, chả là khi cuối buổi thả, diều nào bay cao nhất thì người thả sẽ được cái biệt hiệu quý báu ấy.

Bây giờ, cánh diều thuở nào đã bị xếp xó để nhường thời gian cho những cua kèm liên hồi. Tuy rằng, em không còn được chạy nhảy trên cánh đồng đầy rơm rạ nữa. Những cảm giác bay bổng cùng cánh diều sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của em mãi mãi.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 4 – Mẫu 2

Năm nay, em đã là học sinh lớp 6 nhưng những kỉ niệm hồi còn thơ ấu em không bao giờ quên. Trong những kỉ niệm ấy có chuyện rèn luyện chữ viết hồi em học lớp 3. Em trở thành học sinh giỏi Văn cũng là nhờ một phần vào những ngày rèn luyện gian khổ ấy.

Trong các môn học, em sợ nhất môn Chính tả vì chữ em rất xấu. Mỗi khi đến giờ chép Chính tả theo lời cô đọc, em thấy khổ sở vô cùng. Chưa bao giờ em đạt điểm cao môn này. Nhiều buổi tối, em giở tập, lặng nhìn những điểm kém và lời phê nghiêm khắc của cô giáo rồi buồn và khóc. Mẹ thường xuyên theo dõi việc học tập của em. Biết chuyện, mẹ không rày la trách mắng mà ân cần khuyên nhủ:

Con lớn rồi, phải cố tập viết sao cho đẹp. Ông bà mình bảo nét chữ là nết người đấy con ạ !

Em ngẫm nghĩ và thấy lời khuyên của mẹ rất đúng. Vì thế em quyết tâm tập viết hằng ngày, đến bao giờ chữ em trở nên sạch đẹp mới thôi.

Em tự đề ra cho mình kế hoạch mỗi ngày dành ra một tiếng đồng hồ tập chép. Trước hết, em chép lại những bài tập đọc trong sách giáo khoa. Sau đó, tập chép những bài thơ ngắn. Mẹ dạy em cách cầm bút sao cho thoải mái để viết lâu không bị mỏi tay. Em học theo và đã quen dần với cách cầm bút ấy. Mỗi bài, em viết nhiều lần ra giấy nháp, khi nào tự thấy đã tương đối sạch đẹp thì mới chép vào vở. Xong xuôi em nhờ mẹ chấm điểm. Những bài đầu, mẹ chi cho điểm 5, điểm 6 vì em viết còn sai chính tả và nét chữ chưa đều. Em không nản chí, càng cố gắng hơn.

Đến bài thứ chín, thứ mười, em đã có nhiều tiến bộ. Những dòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối hiện dần ra dưới ngòi bút của em. Mẹ không ngừng động viên làm cho em tăng thêm quyết tâm phấn đấu.

Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười “Chính tả”, em vô cùng sung sướng. Cô giáo khen em trước lớp và khuyên các bạn hãy coi em là gương tốt để học tập.

Em luôn nhớ lời mẹ và thầm cảm ơn mẹ. Em cầm quyển vở có điểm 10 đỏ tươi về khoe với mẹ. Mẹ xoa đầu em nói:

– Thế là con đã chiến thắng được bản thân. Con đã trở thành người học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập. Mẹ tự hào vệ con. Ba con biết tin này chắc là vui lắm!

Từ đó, cái biệt danh Tuấn gà bới mà các bạn tinh nghịch trong lớp đặt cho em không còn nữa. Tuy vậy, em vẫn kiên trì tập viết để nét chữ ngày một đẹp hơn. Sau Tết, em sẽ tham gia hội thi “Vở sạch chữ đẹp” do trường tổ chức.

Đúng là “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, phải không các bạn?

Bài viết số 2 lớp 6 đề 4 – Mẫu 3

Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.

Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao. Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này… Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười. Bỗng dưng có một tiếng nói to “Cho tôi chơi với!” Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng nép một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười. Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.

Tham khảo thêm:  

Tuy bây giờ đã học cấp II những kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

………………….

Bài viết số 2 lớp 6 – Đề 5

Dàn ý Bài viết số 2 lớp 6 đề 5

I. Mở bài:

– Giới thiệu về người bạn tốt mà em sắp kể.

– Giới thiệu qua về thành tích học tập hay việc tốt của bạn.

II. Thân bài:

– Kể những điểm nổi bật về người bạn của em.

+ Hoàn cảnh gia đình.

+ Thành tích học tập.

+ Lối sống.

+ Quan hệ bạn bè, thầy cô ra sao?

– Kỉ lại một kỉ niệm sâu sắc của người bạn đó để lại ấn tượng trong lòng em.

– Học được điều gì khi chơi với người bạn đó?

III. Kết bài:

– Viết ra những cảm nghĩ của em về người bạn đó (tự hào, thán phục).

– Nêu bài học về việc giao lưu với bạn (gần mực thì đen, gần đèn thì rạng).

Bài viết số 2 lớp 6 đề 5 – Mẫu 1

Trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Không phải bạn nào cũng may mắn được vui vẻ tung tăng cắp sách đến trường. Có những bạn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn , nhưng bạn rất giàu nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Bạn đó chính là Văn – bạn cùng học lớp em.

Văn năm nay bằng tuổi em. Dáng nhỏ. Da ngăm đen nhưng khuôn mặt tròn trịa và nổi hơn cả là đôi mắt tinh anh, sáng. Ngắm nhìn Văn ai cũng bảo Văn là con nhà có điều kiện . Áo quần bao giờ cũng ngay ngắn, phẳng phiu. Chiếc khăn quàng đỏ luôn đeo gọn gàng trên ve áo. Trông bạn thế mà đẹp trai. Nhưng Văn lại là học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của lớp 6E Trường Trung học Cơ sở Kiền Bái em đấy. Bố Văn bỏ nhà đi khi bạn còn rất bé, do vậy em và mẹ em sống rất vất vả, mẹ phải đi làm xa để kiếm tiền nuôi Văn ăn học. Nghe bạn kể: “Lâu lắm rồi mẹ không về nhà. Có khi phải một vài năm mẹ mới về đấy, thương mẹ đi làm khó nhọc, mình đã cố gắng học tập để mai sau giúp mẹ đỡ phần nào vất vả.”

Cũng vì mẹ đi làm xa, nên Văn ở cùng bà ngoại và hai bác. Hai bác hàng ngày đi làm đồng áng vất vả, mệt nhọc. Biết cuộc sống khó khăn như vậy, những khi ngoài giờ đi học Văn thường xuyên đỡ đần, giúp bà và hai bác. Ngoài giờ học, Văn làm công việc ở nhà như làm cỏ vườn, chăn bò ngoài bến, gặt lúa ngoài đồng Đò, đun nước, nấu cơm… có khi rảnh rỗi bạn đi nhặt phế liệu hay đếm hương thuê ở ngoài xóm. Có khi bạn chở rau muống ra chợ Trịnh bán để kiếm tiền mua đồ dùng học tập.

Dù hoàn cảnh éo le, nhưng Văn vẫn ngày ngày tới trường, trừ những khi đau ốm phải nghỉ học, không nghe được bài giảng của thầy cô thì Văn sẽ nhờ các bạn trong lớp giảng lại bài để không bị chậm kiến thức. Vì việc nhà bận rộn nên có khi đun nước hay nhặt rau… Văn cũng đem sách ra ôn bài. Những thời gian để học em luôn cố gắng hoàn thành các bài tập thầy, cô giao về nhà. Nhà nghèo, Văn được bạn bè tặng cho bộ sách đã cũ hoặc là các anh chị cho có quyển còn thiếu, mỗi khi soạn bài Văn phải mượn sách của bạn để làm bài. Năm nay, Cô Nhung – Hiệu trưởng tặng bạn bộ sách mới, Văn rất vui và hứa với cô giữ gìn bộ sách ấy thật tốt.

Nhà bạn ở Đội 1 – xa trường học, mỗi khi bạn đi học bạn dậy sớm hơn, nếu là đi học ngày mưa thì đường càng khó đi thêm, con đường trở nên lầy lội và rất trơn, chiếc xe đạp cũ của bạn nhiều khi bị hỏng, Bạn lại đi bộ đoạn đường khá dài. Hôm đó, em cố đợi bạn cùng đi học cho vui, dù nhiều khó khăn như vậy em vẫn cố gắng học tập, ngày ngày tới trường.

Ở trường, Văn học giỏi môn Toán. Cô Huệ luôn khen bạn là nhanh nhẹn và thông minh. Bạn tốt bụng lắm. Thấy ai có chuyện gì bạn luôn hỏi han, giúp đỡ. Năm ngoái , trong buổi festival Tiếng Anh, chẳng may em bị ngã bong gân, đau nhiều lắm. Một mình Văn đã dìu em về nhà, bôi cao cho em. Với thầy cô, ông bà, người lớn tuổi Văn đều lễ phép vâng lời, sống hoà nhã hơn.

Văn đúng là tấm gương sáng cho em học tập. Cuối năm ngoái, bạn được cô Tổng phụ trách đề nghị khen thưởng danh hiệu: “Học sinh nghèo vượt khó” của trường em.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 5 – Mẫu 2

Lên lớp 6, em được chuyển đến học trong lớp 6A, nơi đây đã cho em rất nhiều người bạn mới. Ngày đầu tiên đến lớp em rất ấn tượng với bạn Anh Tú, một lớp trưởng năng động, nhiệt tình bạn có thành tích học tập xuất sắc và cũng là tấm gương sáng để các bạn trong lớp noi theo.

Lúc đầu mới vào lớp, em chưa hiểu hết về các thành viên trong lớp, với Tú cũng thế. Tuy ngồi cùng bàn với Tú, nhưng em chỉ thấy ở cậu bạn này có tinh thần học tập nghiêm túc, và cần mẫn. Ở trên lớp, Tú luôn chú ý lắng nghe bài giảng của thầy cô và hăng hái phát biểu ý kiến. Những bài tập được giao về nhà Tú sẽ hoàn thành trước khi đến lớp, em chưa bao giờ thất Tú quên sách vở hay đồ dùng học tập. Sau một thời gian tiếp xúc với Tú, em mới phát hiện ra ở cậu bạn này có một thành tích học tập đáng nể: 5 năm liền Tú là học sinh xuất sắc dẫn đầu, cậu ấy từng đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Toán, Tiếng Anh, không những thế Tú chơi đàn piano rất giỏi. Lớp em ai cũng khâm phục kết quả mà Tú đã đạt được.

Lớp em yêu mến Tú bởi chính tính cách chân thành và cởi mở của bạn ấy. Mặc dù học rất giỏi, nhưng Tú rất khiêm nhường. Những bài tập khó các thầy cô giao về nhà, nếu bạn nào không hiểu Tú rất sẵn lòng giải đáp với thái độ nhiệt tình, vui vẻ. Không những thế, Tú còn là cầu nối gắn kết tập thể lại gần hơn qua những phong trào đoàn đội là nhà trường phát động. Từng chương trình mà Tú tổ chức luôn có sức hút, lôi cuốn các bạn tham gia. Kế hoạch tủ sách thông minh, lớp vui nhộn, ban công xanh, kế hoạch nhỏ… tập thể 6A tham gia và luôn có giải mang về. Lớp em được các thầy cô trong đoàn trường đánh giá là tập thể vững mạnh luôn hưởng ứng các phong trào của trường với tinh thần đoàn kết nhất. Có được sự thành công đó, cô chủ nhiệm và lớp 6A biết công lao lớn nhất thuộc về lớp trưởng Tú.

Không chỉ là một người học trò ngoan, người lớp trưởng gương mẫu, Tú còn là một người có tấm lòng nhân hậu, ấm áp luôn giúp đỡ những thành viên trong lớp. Bạn Huy bị ngã, Tú là người đưa Huy đi học suốt mấy ngày. Tú đã từng dành những ngày cuối tuần của mình để đến nhà Linh giảng bài cho cô bạn bị ốm cả tuần không thể đến trường. Tú đã từng góp số tiền dành dụm của mình để giúp đỡ những bạn khó khăn vùng núi. Tú giúp đỡ mọi người với một sự chân thành từ trái tim ấm áp của mình.

Anh Tú là một học sinh gương mẫu, là một tấm gương sáng để cho em và các bạn cùng lớp có thể noi gương theo. Bạn không chỉ là một người xuất sắc trong học tập mà còn là một người có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người gặp khó khăn.

Bài viết số 2 lớp 6 đề 5 – Mẫu 3

Về trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc phường Hòa Minh – Quận Liên Chiểu, tôi được nghe những câu chuyện cảm động của các em học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi toàn diện.

Trong đó một em đã để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất là em Lê Hồng Ân, học lớp 6/3. Mặc dù gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn, một mình mẹ em phải bươn chải kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học. Như cô Phan Thị Lệ, mẹ em tâm sự: “Nhà cửa và mọi thứ đồ đạc trong nhà đều do người thân mua cho.Tôi làm công nhân ở khu công nghiệp tiền lương rất ít, phải chi tiêu thật tiết kiệm mới có tiền để hai con ăn học. Nhiều khi em Ân phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua dụng cụ học tập. Nhưng tôi hạnh phúc là có được một đứa con học giỏi và ngoan hiền đến như vậy.”

Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy nhưng em Ân trong sáu năm liền là học sinh giỏi toàn diện của trường. Và hằng năm em luôn được thành phố trao học bổng học sinh hiếu học, có tinh thần vượt khó trong học tập. Ngoài ra, em còn được nhận học bổng từ các Hội khuyến học Quận, công ty bia Huế, công ty nhà máy nhựa.

Em không chỉ là một học sinh ngoan hiền, học giỏi mà còn là một học sinh tham gia rất năng nổ các hoạt động của trường giao phó. Như cô Tổng phụ trách Hệ Thị Mỹ Đức nhận xét: “Em là một liên đội trưởng xuất sắc nhất của trường Tiểu học Duy Tân. Đến lớp 6 em vừa là một lớp trưởng, vừa là một chi đội trưởng rất năng động, nhiệt tình. Và em là một học sinh có nhiều đóng góp trong những phong trào của đoàn trường”.

Ân học giỏi toàn diện các môn, trong đó đáng biểu dương là em thi được giải ba học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 5. Ngoài ra, em còn có tố chất năng khiếu rất nhiều lĩnh vực như vẽ, đàn, sáng tạo dụng cụ học tập, các phong trao thể thao. Đặc biệt là phong trào thể thao em đã được giải nhì bóng bàn năm lớp 4, đến lớp 6 em được giải ba cấp quận.

Em đứng đầu trong việc làm báo tường của lớp với những hình vẽ rất đẹp và có ý nghĩa.

Là một học sinh giỏi và có phẩm chất đạo đức tốt nên em rất được các thầy cô giáo và bạn bè trong trường quý mến. Cô Phan Thị Mỹ Vân, chủ nhiệm lớp nhận xét: “Em là một học sinh rất ngoan hiền, học giỏi tất cả các môn. Và là học sinh có kết quả học tập trong học kì I năm học 2008- 2009 cao nhất trường (9,5). Ngoài ra, em còn là một lớp trưởng rất năng động, nhiệt tình vì vậy mà tôi rất yên tâm khi giao cho em công việc điều hành lớp”. Mặt khác, em là một học sinh rất giàu lòng tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ những bạn học sinh yếu kém trong lớp vươn lên trong học tập. Như em Nguyễn Quang Đạt, bạn cùng lớp em đã khen ngợi: “Ân là một người bạn rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ em trong học tập. Và từ việc học nhóm với Ân mà em đã tiến bộ hơn rất nhiều”.

Ân là một học sinh không chỉ giỏi mà còn rất ham học và có tinh thần vượt khó. Ở trường, em là một học sinh giỏi, ngoan hiền được thầy cô bạn bè quý mến. Còn ở nhà em là một đứa con hết mực hiếu thảo, em luôn làm những công việc nhà khi mẹ đi vắng. Dù là còn nhỏ tuổi nhưng em nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình vì thế mà em đã ra sức nỗ lực học tập. Và em đã bộc lộ ước mơ của mình: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một kiến trúc sư, đáp ứng được lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô và bạn bè. Và để mẹ em đỡ khổ và vất vả hơn.”

Với khả năng học giỏi toàn diện và nỗ lực “vượt lên trên hoàn cảnh” cùng với sự dạy bảo của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể . Tôi tin rằng Ân sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Tinh thần hiếu học và nghị lực vươn lên không ngừng của Ân thật đáng khâm phục. Đó là tấm gương sáng để cho các bạn học sinh noi theo…

…………

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 2 (Đề 1 đến Đề 5) Tuyển tập 84 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *