Bạn đang xem bài viết ✅ Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 5 Mẫu sáng kiến kinh nghiệm lớp 5 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 5 là tài liệu vô cùng hữu ích mà Wikihoc.com muốn giới thiệu đến các bạn.

Mẫu sáng kiến kinh nghiệm hỗ trợ các thầy cô cũng như các em học sinh có thể học tập và đưa ra những phương pháp rèn luyện kĩ năng tập đọc tốt nhất. Tránh được những trường hợp các em học sinh đọc sai, rèn được sự tự giác trong học tập cũng như thời gian học được phân bố không quá nặng nề và tạo áp lực cho các em học sinh để kết quả học tập như mong muốn. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Sáng kiến kinh nghiệm
Rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 5

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Lí do chọn đề tài:

Mục tiêu của giáo dục Tiểu học là hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về tình cảm, trí tuệ, thể chất và các kĩ năng cơ bản để các em có thể học tiếp lên các bậc học trên hoặc đi vào cuộc sống lao động.

Muốn thực hiện được mục tiêu đặt ra thì nhất thiết các trường Tiểu học cần dạy đủ và dạy tốt các môn học bắt buộc trong chương trình. Trong đó, môn Tiếng Việt được coi là môn học công cụ để học tốt các môn khác.

Môn Tiếng Việt ở trường phổ thông có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh. Năng lực hoạt động ngôn ngữ được thể hiện trong bốn dạng hoạt động, tương ứng với chúng là bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, Tập đọc là phân môn giữ vị trí hết sức quan trọng, không thể thiếu được. Nó là chìa khoá, là phương tiện để giúp học sinh Tiểu học tiếp xúc với kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại. Những kinh nghiệm của đời sống, những thành tựu văn hóa, khoa học, tư tưởng, tình cảm của các thế hệ trước và của cả người đương thời phần lớn đã được ghi lại bằng chữ viết. Biết đọc, con người sẽ có khả năng chế ngự một phương tiện văn hóa cơ bản giúp họ giao tiếp được với thế giới một cách chủ động, có điều kiện hưởng một nền giáo dục mà xã hội dành cho họ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Chính vì thế, dạy đọc có ý nghĩa rất to lớn ở bậc Tiểu học. Đọc trở thành đòi hỏi đầu tiên đối với mỗi người đi học. Đầu tiên trẻ phải học đọc, sau đó trẻ phải đọc để học. Đọc giúp trẻ chiếm lĩnh một ngôn ngữ để dùng trong giao tiếp và học tập; tạo ra hứng thú và động cơ học tập; tạo ra điều kiện để học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập cả đời. Đọc là khả năng không thể thiếu được trong thời đại văn minh.

Đọc là một dạng hoạt động ngôn ngữ, là quá trình chuyển dạng từ chữ viết sang lời nói, có âm thanh và thông hiểu nó ( ứng với hình thức đọc thành tiếng), là quá trình chuyển trực tiếp từ hình thức chữ viết sang đơn vị nghĩa không có âm thanh (ứng với hình thức đọc thầm). Trong điều kiện bình thường, đọc trực tiếp có hình thức chữ viết (có văn bản trước mắt) nhưng cũng có trường hợp đọc không có hình thức chữ viết trước mắt (đó là đọc thuộc lòng).

Tất cả các hình thức đọc này đều đòi hỏi phải có phương pháp đọc thích hợp. Kĩ năng đọc phát triển cùng với kĩ năng hiểu nên phải hiểu nội dung bài tập đọc thì mới đọc đúng, đọc hay. Khi đã đọc đúng, đọc hay thì càng hiểu sâu sắc nội dung của bài đọc.

Việc dạy đọc giúp học sinh hiểu biết hơn, bồi dưỡng cho các em lòng yêu cái thiện và cái đẹp, dạy cho các em biết suy nghĩ một cách lôgic cũng như biết tư duy có hình ảnh. Như vậy, đọc có ý nghĩa to lớn còn vì nó bao gồm các nhiệm vụ giáo dục và phát triển. Tập đọc với tư cách là một phân môn của môn Tiếng Việt ở Tiểu học tiếp tục những thành tựu dạy học mà Học vần đạt được, có nhiệm vụ hình thành và phát triển năng lực đọc cho học sinh.

Chính vì những lí do trên, thấy rõ tầm quan trọng của việc dạy tập đọc cho học sinh Tiểu học, với những kinh nghiệm đã tích lũy được, tôi mạnh dạn đưa ra “ Một số biện pháp rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 5”.

Tham khảo thêm:   Bài tập ngữ pháp tiếng Anh lớp 7 Ngữ pháp và bài tập lớp 7 môn tiếng Anh

2. Mục đích nghiên cứu:

Góp phần hoàn thiện và cải tiến phương pháp dạy nhằm rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 5.

3. Nhiệm vụ nghiên cứu:

– Nghiên cứu lý luận dạy môn Tiếng Việt nói chung và phân môn tập đọc nói riêng.

– Nghiên cứu lý luận dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm.

– Tìm hiểu thực tế dạy phân môn Tập đọc ở lớp 5.

– Từ đó đưa ra các biện pháp rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 5.

4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:

– Nội dung phân môn Tập đọc trong chương trình Tiểu học ở lớp 5.

– Học sinh lớp 5A2 và học sinh khối 5 của trường Tiểu học …………….

5. Phương pháp nghiên cứu:

Đề tài sử dụng các phương pháp sau:

– Phương pháp nghiên cứu lí luận.

– Phương pháp điều tra, phỏng vấn.

– Phương pháp giải thích, so sánh.

– Phương pháp đọc sách

– Phương pháp tổng kết kinh nghiệm.

B. NỘI DUNG

1. Cơ sở lí luận của việc dạy phân môn Tập đọc ở Tiểu học:

– Tập đọc là một phân môn thực hành. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là hình thành năng lực đọc cho học sinh. Năng lực đọc được tạo nên từ bốn kĩ năng cũng là bốn yêu cầu về chất lượng của “đọc”: đọc đúng; đọc lưu loát, trôi chảy; đọc có ý thức (thông hiểu được nội dung những điều mình đọc hay còn gọi là đọc hiểu) và đọc diễn cảm. Bốn kĩ năng này được hình thành trong hai hình thức đọc là đọc thành tiếng và đọc thầm.

– Để đọc được một văn bản nghệ thuật yêu cầu bản thân người đọc trước tiên phải đọc đúng ( trôi chảy, lưu loát, phát âm đúng, ngắt nghỉ đúng).

– Đọc diễn cảm yêu cầu người đọc thể hiện được ngữ điệu của từng câu, từng đoạn, thể hiện được tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với sự việc, hình ảnh, cảm xúc, tính cách nhân vật trong bài.

– Với học sinh lớp 5:

+ Yêu cầu củng cố, phát triển kĩ năng đọc trơn, đọc thầm đẫ được hình thành ở các lớp dưới ; tăng cường tốc độ đọc, khả năng đọc lướt để chọn thông tin nhanh ; khả năng đọc diễn cảm.

+ Phát triển kĩ năng đọc hiểu lên mức cao hơn: nắm và vận dụng được một số khái niệm như đề tài, cốt truyện, nhân vật, tính cách, … để hiểu ý nghĩa của bài và phát hiện một vài giá trị nghệ thuật trong các bài văn, bài thơ.

+ Mở rộng vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người để góp phần hình thành nhân cách của con người mới.

– Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng của dạy đọc là giáo dục lòng ham đọc sách, hình thành thói quen làm việc với văn bản, làm việc với sách cho học sinh. Thông qua việc dạy đọc, phải làm cho học sinh thích đọc và thấy được rằng khả năng đọc là có lợi ích cho các em trong cả cuộc đời, phải làm cho học sinh thấy đó là một trong những con đường đặc biệt để tạo cho mình một cuộc sống trí tuệ đầy đủ và phát triển.

– Bên cạnh đó, qua tập đọc học sinh còn được làm giàu kiến thức về ngôn ngữ, đời sống và kiến thức văn học, được phát triển ngôn ngữ, tư duy và giáo dục tư tưởng, đạo đức, tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ.

Người giáo viên cần cho học sinh thấy được những điều này ngay từ khi các em bắt đầu học đọc và trong quá trình học để các em luôn luôn cố gắng, truyền cho các em sự say mê đọc sách là nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các giáo viên.

2. Điều tra thực trạng kĩ năng đọc của học sinh:

Qua thực tế giảng dạy và trao đổi với đồng nghiệp, thông qua phiếu điều tra và việc dự giờ thăm lớp, tôi có kết quả khảo sát đầu năm học như sau:

2. 1. Đọc đúng:

Đa số học sinh lớp 5 của khối có khả năng đọc đúng tốt. Tuy nhiên còn một số ít học sinh phát âm còn chưa chính xác hai phụ âm đầu l – n.

2. 2. Đọc diễn cảm:

Một số học sinh sau khi học xong lớp 4 đã có kĩ năng đọc hay tương đối tốt. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc rèn kĩ năng đọc diễn cảm. Có lớp, số học sinh đọc đúng nhiều nhưng số học sinh đọc diễn cảm chưa nhiều và còn có lớp số học sinh đọc diễn cảm nhiều nhưng số học sinh đọc chưa đúng còn nhiều.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo năm 2023 - 2024 Bộ đề thi Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

Như vậy, tôi nhận thấy chất lượng học phân môn Tập đọc của khối lớp 4 tương đối tốt, đây là thuận lợi cho việc phát triển rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm ở lớp 5.

Tuy nhiên, tình hình thực tế của mỗi lớp một khác nên việc yêu cầu rèn đọc diễn cảm ở mỗi lớp không thể cứng nhắc giống nhau, cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp để xác định mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn rèn đọc diễn cảm cho phù hợp.

3. Các biện pháp thực hiện:

3. 1. Nghiên cứu nội dung, chương trình sách giáo khoa dạy Tập đọc ở khối lớp 5:

Tiếp theo chương trình tập đọc lớp 1,2,3,4, phân môn Tập đọc ở lớp 5 được học mỗi tuần 2 tiết. Thông qua 62 bài tập đọc thuộc các loại hình văn bản nghệ thuật, báo chí, khoa học, trong đó có 46 bài văn xuôi ( 4 bài là trích đoạn kịch), 18 bài thơ ( có 4 bài ca dao ngắn được dạy trong cùng một tiết), phân môn Tập đọc ở lớp 5 tiếp tục củng cố, nâng cao kĩ năng đọc trơn, đọc thầm, tiếp tục rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm là kĩ năng bắt đầu được rèn luyện từ lớp 4.

Qua phần hướng dẫn sư phạm cuối mỗi bài tập đọc ( bao gồm các mục giải nghĩa từ, câu hỏi), phân môn Tập đọc còn giúp học sinh nâng cao kĩ năng đọc – hiểu văn bản, cụ thể là:

– Nhận biết đề tài, cấu trúc của bài.

– Biết cách tóm tắt bài, làm quen với thao tác đọc lướt để nắm ý.

– Phát hiện giá trị của một số biện pháp nghệ thuật trong các văn bản.

Cùng với các phân môn Kể chuyện, Tập làm văn, phân môn Tập đọc còn xây dựng cho học sinh thói quen tìm đọc sách ở thư viện, dùng sách công cụ (từ điển, sổ tay từ ngữ, ngữ pháp) và ghi chép những thông tin cần thiết khi đọc.

Chương trình Tập đọc lớp 5 hướng đến đạt được chuẩn về kĩ năng đọc như sau:

– Tốc độ đọc tối thiểu khoảng 120 tiếng / phút.

– Đọc thành tiếng và đọc thầm:

+ Biết cách đọc phù hợp với các loại văn bản khác nhau (nghệ thuật, hành chính, khoa học, báo chí,…). Biết đọc một màn kịch hoặc một vở kịch ngắn có giọng đọc phù hợp với nhân vật và tình huống kịch.

+ Biết đọc diễn cảm một bài thơ hoặc một đoạn văn đã học.

+ Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 4.

– Đọc hiểu:

+ Biết tìm đại ý, tóm tắt bài văn, chia đoạn, rút ra dàn ý của bài.

+ Nhận ra các mối quan hệ giữa các nhân vật, sự kiện trong bài.

+ Bước đầu biết đánh giá nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ trong các bài tập đọc có giá trị văn chương.

+ Hiểu các kí hiệu, các số liệu trên sơ đồ, biểu đồ, bảng hiệu, …

– Kĩ năng phụ trợ:

+ Biết dùng từ điển.

+ Biết ghi chép các thông tin đã đọc.

+ Thuộc lòng một số bài văn vần và đoạn văn xuôi.

3. 2. Các biện pháp rèn kĩ năng đọc cho học sinh:

3. 2. 1. Chuẩn bị cho việc đọc:

Trước khi đến tiết tập đọc, bao giờ học sinh cũng soạn bài trước ở nhà. Yêu cầu này gồm: đọc trước toàn bài từ 3 đến 5 lần cho lưu loát, tập trả lời trước các câu hỏi trong sách giáo khoa.

– Các em cần đọc thầm nhiều lượt để tìm hiểu nội dung và cách đọc.

– Ghi ký hiệu và lời chỉ dẫn đọc diễn cảm đối với từng khổ thơ trước khi luyện đọc:

+ Ghi lời chỉ dẫn đọc ở cột dọc, cạnh từng đoạn văn, đoạn thơ: chú ý cả cách đọc ( nhanh, chậm, vừa phải) và cảm xúc khi đọc ( bình thường, buồn, vui, tự hào).

Tôi luôn tạo cho các em tư thế tốt khi đọc. Khi ngồi đọc cần ngồi ngay ngắn, khoảng cách từ mắt tới sách nên từ khoảng 30-35 cm, cổ và đầu thẳng, phải thở sâu và thở ra chậm để lấy hơi. Khi cô giáo gọi đọc, học sinh phải bình tĩnh, tự tin, không hấp tấp đọc ngay, cố gắng đọc to, đọc rõ ràng. Đọc cùng với phát biểu trong lớp là hai hình thức giao tiếp trước đám đông đầu tiên của học sinh nên giáo viên luôn động viên để các em tự tin . Giáo viên luôn giúp cho các em hiểu rằng các em đọc không chỉ cho mình cô giáo nghe mà để cho tất cả các bạn cùng nghe nên cần đọc đủ lớn cho tất cả mọi người nghe rõ. Nhưng như thế không có nghĩa là đọc quá to hoặc gào lên. Để luyện cho học sinh đọc quá nhỏ “lí nhí”, giáo viên cần tập cho các em đọc chừng nào bạn ở xa nhất nghe thấy mới thôi. Tôi cố gắng tạo điều kiện để cho học sinh đứng lên bảng để đối diện với các bạn, tư thế đứng đọc vừa đàng hoàng, tự tin, vừa thoải mái, sách phải được mở rộng và cầm bằng hai tay.

Tham khảo thêm:   Phân tích đánh giá nhân vật Quận Huy trong đoạn trích Kiêu binh nổi loạn Văn mẫu lớp 10 Cánh diều

3. 2. 2. Luyện đọc đúng:

Đọc đúng là sự tái hiện âm thanh bài đọc một cách chính xác, không có lỗi. Đọc đúng là không đọc thừa, không sót từng âm, vần, tiếng; thể hiện đúng hệ thống ngữ âm chuẩn. Ở địa bàn ……………, phần lớn các em đã đọc đúng, chỉ có số ít các em còn nhầm l/n do chưa chú ý phát âm. Giáo viên cần nhắc nhở thường xuyên, yêu cầu đọc đi đọc lại các tiếng còn đọc sai. Đọc đúng bao gồm đọc đúng các âm thanh, ngắt hơi đúng chỗ, đọc đúng tiết tấu, ngữ điệu câu. Cần phải dựa vào nghĩa, vào quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng, từ để ngắt hơi cho đúng. Khi đọc, không được tách một từ ra làm hai. Các em học sinh lớp 5 đã có kinh nghiệm đọc ngắt nghỉ ở các lớp trước nên giáo viên chỉ cần củng cố, hệ thống lại. Đồng thời giúp các em dựa vào nghĩa và quan hệ ngữ pháp để xác định cách ngắt nhịp đúng trong từng câu, từng bài. Việc ngắt hơi cũng cần phải phù hợp với các dấu câu: nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu hơn ở dấu chấm, hết đoạn văn hay khổ thơ cũng nghỉ lâu hơn. Phần này, đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ và rèn luyện thường xuyên cho học sinh: cho học sinh tự phát hiện cách ngắt hơi, tập giải thích vì sao cách ngắt hơi như vậy là phù hợp, sau đó kiểm tra với phần đọc của giáo viên. Dần dần, theo thói quen, các em có thể tự làm được tương đối tốt.

Ví dụ 1:

Chắt trong vị ngọt / mùi hương

Lặng thầm thay / những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất / đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa / đã tàn phai tháng ngày.

(Hành trình của bầy ong – TV5, tập 1)

Ví dụ 2:

Rừng khợp hiện ra trước mắt chúng tôi, / lá úa vàng như cảnh mùa thu. // Tôi rụi mắt. // Những sắc vàng động đậy. // Những con mang vàng hệt như màu lá kho / đang ăn cỏ non. // Những chiếc chân vàng / giẫm trên thảm lá vàng / và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. // Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc / là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.

(Kì diệu rừng xanh – TV5, tập 1)

Hơn nữa, một yêu cầu không thể thiếu của đọc đúng là đọc đúng ngữ điệu câu: lên giọng ở cuối câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng phù hợp với tình cảm cần diễn đạt trong câu cảm. Với câu cầu khiến cần nhấn giọng phù hợp để thấy rõ các nội dung cầu khiến khác nhau. Ví dụ: Trong bài: “Cái gì quý nhất?” (TV5, tập 1), các em cần đọc rõ giọng người dẫn chuyện, giọng Hùng, Quý và Nam. Ngoài ra, cần chú ý kéo dài giọng hoặc nhấn giọng tự nhiên những từ quan trọng trong ý kiến của từng nhân vật để góp phần diễn tả nội dung và bộc lộ thái độ :

Hùng nói:

– Theo tớ, quý nhấtlúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước, Quý vội reo lên:

– Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người thường nói quý như vàng là gì? Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!

Nam vội tiếp ngay:

Quý nhấtthì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc !

Giọng chậm, trầm

Giọng nhanh, sôi nổi, lên giọng cuối câu hỏi.

Giọng người dẫn chuyện đọc vừa tốc độ, cao độ.

Giọng cao, nhanh, sôi nổi, thuyết phục.

Giọng chậm, trầm, thuyết phục.

…………

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 5 Mẫu sáng kiến kinh nghiệm lớp 5 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *