Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 8: Nghị luận Thương người như thể thương thân Dàn ý & 7 bài nghị luận về tư tưởng đạo lý ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 7 bài Nghị luậnThương người như thể thương thân SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 8 hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”.

Thương người như thể thương thân

Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân nhắc nhở, khuyên nhủ chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau. Mỗi người hãy ghi nhớ lời răn dạy của cha ông để có thể trở thành những con người sống biết yêu thương, cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Mời các em cùng theo dõi bài viết để viết bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lý thật hay.

Dàn ý Nghị luận Thương người như thể thương thân

I. MỞ BÀI

  • Trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà ông bà ta để lại có một câu thể hiện nội dung là tình thương yêu giữa con người và con người với nhau.
  • Câu tục ngữ ấy chính là: “Thương người như thể thương thân”.

II. THÂN BÀI

1. Giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân” nghĩa là gì?

  • Thương người nghĩa là chúng ta phải luôn luôn mở rộng tấm lòng của mình để quan tâm, lo lắng cho những người xung quanh còn nhiều vất vả, khó khăn.
  • Thương thân nghĩa là yêu thương chính bản thân chúng ta. Chúng ta luôn trân trọng, chăm lo đến bản thân rất nhiều và đó là điều tất yếu.
  • Cả câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân mang đến cho chúng ta suy nghĩ rằng: chúng ta yêu thương, trân trọng, chăm sóc bản thân mình như thế nào thì hãy mở rộng tấm lòng của mình yêu thương những người xung quanh mình như thế đó.

2. Những biểu hiện cụ thể, sinh động nào thể hiện tinh thần “Thương người như thể thương thân”?

  • Yêu thương người khác đặc biệt là những người còn gặp nhiều khó khăn luôn là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.
  • Cạnh nhà ta có một cụ già neo đơn, bất hạnh.Trong ta cứ dấy lên niềm xót thương vô hạn. Ta day dứt vì cảnh đời một cụ già tội nghiệp: Chắc chắn mình phải làm gì đó cho cụ. Ta dành thời gian có thể để giúp đỡ, hoặc tiết kiệm những đồng tiền ăn sáng ít ỏi của mình để gửi tặng cụ. Cảm xúc và hành động đó được gọi là tình thương.
  • Nếu không có một trái tim chan chứa yêu thương, nhà văn Khánh Hoài khó tạo ra giây phút chia li cảm động giữa Thủy với cả lớp, Thủy và anh trai trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”, để rồi người đọc thấm thía giá trị của gia đình, biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc.
  • Tình yêu thương, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh xung quanh ta còn được nhân dân tôn vinh trong nhiều truyền thuyết xa xưa như: “Con rồng cháu tiên”, “Quả bầu mẹ”,..
  • Trong ca dao, dân ca cũng có một số câu thể hiện tình yêu thương như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,…
  • Trong cuộc sống hằng ngày, ta dễ dàng bắt gặp những con người có lôi sống đẹp như một con người luôn sống lành mạnh, chan hòa với cuộc sống, luôn tự vươn lên khi gặp khó khăn, vất vả.
  • Hay những thanh niên, đoàn viên làm các công tác xã hội, những việc mà người dân cần như quét dọn sạch sẽ đường phố, nạo vét các kênh rạch bị nghẹt, tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh,…Đó chính là một trong những biểu hiện của “sống đẹp”.

3. Trong cuộc sống, vẫn còn đâu đó những kẻ ích kỉ, sống vô cảm, thờ ơ với mọi người xung quanh

  • Những ké này là những con người luôn thờ ơ, vô tâm với cuộc sống xung quanh mình.
  • Dù cho những người nghèo khó nằm ngay trước mắt họ, họ cùng không thèm đoái hoài tới.
  • Đây là những kẻ thật sự rất đáng lên án, phê phán trong xã hội ngày nay.

III. KẾT BÀI

  • Qua câu tục ngữ, bản thân là học sinh, tôi đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
  • Đó là một câu tục ngữ rất hay và sâu sắc, thể hiện một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.
  • Tôi nguyện hứa rằng sẽ luôn phấn đấu học tốt, luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh minh.

Nghị luận Thương người như thể thương thân – Mẫu 1

Từ xưa đến nay ông cha ta luôn nhắc nhở, khuyên nhủ con cháu cần biết yêu thương lẫn nhau. Điều ấy được tổ tiên chúng ta gửi gắm qua lời ca, tiếng hát, các câu tục ngữ, ca dao, một trong những câu đó là: “Thương người như thể thương thân”.

Thật vậy, tình yêu thương giữa con người với con người luôn là tình cảm cao đẹp nhất, cốt lõi nhất mà mỗi người cần có. Câu tục ngữ trên là bài học vô cùng quý giá về điều đó. Trước hết cần hiểu: “Thương người như thể thương thân” là gì? Nhìn vào hình thức chúng ta thấy câu tục ngữ được tách thành hai vế: Một vế là “người” tức tất cả mọi người dù là họ hàng thân thích hay không có quan hệ máu mủ, “người” ở đây có thể hiểu là nhân loại; vế còn lại là “thân” tức bản thân mỗi người. Cả câu tục ngữ muốn nói nếu chúng ta thương bản thân ta như thế nào thì cũng cần thương người xung quanh ta như thế ấy. Không những thế, câu tục ngữ còn muốn đề cao lối sống tình cảm, bác ái của nhân loại. Mỗi người cần mở rộng tấm lòng yêu thương của mình để tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội.

Vậy tại sao chúng ta lại cần sống một cuộc sống coi trọng tình yêu thương giữa con người với con người? Vâng, chắc hẳn trong chúng ta mỗi người đều hiểu không ai có thể sống đơn độc, cô đơn suốt cuộc đời. Trong từng mối quan hệ gia đình, nhà trường, các cơ quan đoàn thể hay xã hội,… luôn luôn cần hỗ trợ từ người khác. Nếu không yêu thương nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống con người sẽ không thể phát triển toàn diện được.

Biểu hiện của tinh thần: “Thương người như thể thương thân” rất phong phú, đa dạng. Trong gia đình, chúng ta sống trong sự yêu thương của mẹ cha, anh chị em…những người có quan hệ máu mủ. Cho nên không khó để hiểu: “Máu chảy ruột mềm” hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Bên cạnh nhà ta là bà con hàng xóm, chúng ta chẳng phải luôn sống trong “tình làng nghĩa xóm” hay sao? Những lúc bất trắc, những khi không có người thân ở gần ông cha ta chẳng phải cũng luôn dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những con người không chung huyết thống ấy luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn lúc ta làm nhà, dựng cửa, lúc ta ốm đau bệnh tật. Ngay ở môi trường lớp học, trường học, có rất nhiều tấm gương tốt sống theo lối sống tình thương. Có bạn học sinh không ngại vất vả cõng bạn đi học nhiều năm trời. Có những bạn bị ốm chúng ta sẵn sàng chép bài hộ bạn, hay như việc quyên góp ủng hộ sách vở, quần áo cho các bạn khó khăn hơn… Mỗi hành động nhỏ nhoi ấy đều chứng tỏ tình thương yêu dù nhỏ nhất cũng đủ sức làm cảm động lòng người. Hay như rộng hơn nữa là cộng đồng người ở Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới: người miền ngược gặp khó khăn người miền xuôi cùng ủng hộ tiền bạc, thức ăn, áo quần gửi lên. Vùng nào của nước ta bị thiên tai, lũ lụt người dân cũng sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” mong cho họ nhanh chóng ổn định lại. Ngay cả khi đất nước khác trên thế giới gặp động đất, sóng thần… chịu nhiều thiệt hại, Nhà nước và nhân dân ta cũng ra tay ủng hộ, quyên góp giúp nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn… Và còn rất nhiều biểu hiện cao đẹp khác về tình yêu thương mà chúng ta không thể kể hết.

Tham khảo thêm:   Những lời chúc đầu tuần vui vẻ, hài hước cho tuần mới tốt lành

Để thực hiện lối sống tình thương tưởng như khó nhưng lại không hề khó. Trong mỗi con người chúng ta luôn thấm nhuần tư tưởng, lối sống tình thương ấy, chỉ có điều chưa có dịp phát huy. Nếu chúng ta thương thân ta như thế nào thì phải thương người xung quanh ta như thế ấy. Cũng giống như thân thể của ta thì ta quý trọng, chỉ một vết đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ. Nếu như người xung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình. Cha ông ta cũng đúc kết lẽ sống tình thương ở nhiều câu ca khác như:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Hay:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Nói tóm lại, câu tục ngữ trên tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa bài học vô cùng ý nghĩa, quý giá về tình yêu thương giữa con người với con người. Trong xã hội hiện đại ngày nay chúng ta lại càng cần phát huy lối sống tốt đẹp đó bởi nó là cơ sở để xã hội ngày càng phát triển văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Nghị luận Thương người như thể thương thân – Mẫu 2

Đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng từ lâu đã đọng lại trong lòng bạn bè bốn phương với truyền thống giàu tình người. Tình nghĩa nồng thắm ấy đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Trên chặng đường mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, nhân dân ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước thương nòi thành truyền thống quý báu. Truyền thống ấy đã trở thành tiếng hát, lời ca mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc được đúc kết ngắn gọn qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân.”

Thương thân là thương chính bản thân mình. Khi đói không cơm ăn, khi lạnh không có áo mặc, khi ốm đau không có thuốc uống và không ai chăm sóc… lúc đó bạn mới cảm nhận được mình rất thương bản thân của mình. Thương người là thương xót mọi người xung quanh, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người gặp khó khăn.

Thương người như thể thương thân là ta yêu quý bản thân như thế nào thì ta cũng đối xử với mọi người như thế. Nếu bản thân đã từng trải qua đau khổ, bệnh tật, túng thiếu… thì khi gặp những người cùng cảnh ngộ ấy, ta hãy cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm tới họ như chính với bản thân mình.

Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết thương yêu, trân trọng mọi người như chính bản thân mình. Trong cuộc sống phải biết đoàn kết giúp đỡ nhau, thể hiện được tình tương thân tương ái trong xã hội VN. Một cá nhân không thể sống thiếu gia đình, một gia đình không thể tách riêng khỏi XH, nhất là những lúc cơ nhỡ, khó khăn. Theo thống kê hiện nay, trên thế giới có tới 70% trẻ em trở nên hư hỏng, đầu trộm đuôi cướp là do thiếu sự quan tâm của gia đình và xã hội. Mối quan hệ giữa người với người rất khăng khít; mình có thông cảm, yêu thương, giúp đỡ người khác thì mới nhận được cách đối xử như vậy. Nếu hôm nay bạn giúp đỡ cho nhiều người nghèo có cơm ăn, áo mặc, có việc làm ổn định thì chắc chắn họ sẽ biết ơn và ít nhất bạn cũng được họ kính trọng vì là ân nhân của họ. Hiện nay, trên khắp cả nước có rất nhiều phong trào từ thiện, nhiều quỹ từ thiện được lập lên như: quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ dành cho người khuyết tật…

Dù sống ở miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiều tha hương,… tất cả đều là con em đại gia đình Việt Nam. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng “hạt muối cắn đôi” với anh bộ đội Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Dù là quá khứ hay hiện tại, trong chiến tranh hay khi đã hòa bình, dân tộc ta đều giữ lấy tấm lòng vàng bao bọc, cưu mang đồng bào. Năm 2020, khi cơn đại dịch Virus Corona hoành hành, cả dân tộc Việt Nam đã cùng nhau chung tay đóng góp công sức, của cải để chung tay chống giặc virus và giành lại chiến thắng oanh liệt. Cuộc chiến chống giặc giữa thời bình đã một lần nữa làm chấn động năm châu, đưa Việt Nam sáng chói lên những tờ báo nước ngoài về một đất nước nhỏ bé mà giàu tình người.

Đồng thời ngày càng có nhiều các ngôi nhà tình nghĩa, các trường học được xây mới cho các em học sinh nghèo. Đó là nhưng biểu hiện rất cụ thể cho truyền thống nhất và đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Tình giai cấp, nghĩa đồng bào là yếu tố quan trọng hành đầu tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Tình tương thân tương ái là một trong những nét đẹp nổi bật của bản sắc dân tộc ta.

Nghị luận Thương người như thể thương thân – Mẫu 3

Trong kho tàng văn học Việt Nam tồn tại từ xưa đến nay, mỗi câu chuyện, mỗi câu ca dao, tục ngữ, mỗi bài thơ luôn đề cập đến một truyền thống quý báu của dân tộc. Đó là truyền thống “Thương người như thể thương thân”, ca ngợi lòng thương người và phê phán những kẻ thờ ơ với người khác.

Là một câu tục ngữ đầy ý nghĩa, “thương người như thể thương thân” đề cao việc yêu thương mọi người xung quanh như chính bản thân mình. Ta quí trọng, yêu thương bản thân bao nhiêu thì càng phải quí trọng, yêu thương những đồng bào quanh ta bấy nhiêu. Truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta đã được truyền lại qua nhiều thế hệ bằng các câu ca dao tục ngữ hay qua các câu chuyện, bài thơ. Đây là một nghĩa cử đẹp, thể hiện nhân cách của con người. Các câu ca dao như:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

đã thể hiện rất rõ tình thương yêu đối với các đồng bào, dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hay như câu “Chị ngã em nâng”,

“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Cũng thể hiện tình yêu thương gắn bó của các anh chị em trong cùng một gia đình. Truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” là một bằng chứng cho thấy các dân tộc.. mọi người trong cùng một nước đều là anh em. Vì vậy, chúng ta cần thương yêu đùm bọc nhau như câu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Thế nhưng vẫn có những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước khó khăn, hoạn nạn của người khác. Đoạn trích “Trong lòng mẹ”, trích “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng đã bộc lộ rõ sự độc ác, cay nghiệt của bà cô đối với chú bé Hồng đó là cháu của bà. Bài văn phê phán nghiêm khắc việc bà cô gieo rắc những hoài nghi về mẹ của Hồng làm chú bé rất mực đau khổ. Ngoài xã hội cùng còn rất những kẻ như vậy:

“Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch định ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ru lấy phần”

Bài ca dao trên đã mượn hình ảnh các con vật để phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước sự mất mát của người khác, lợi dụng để uống rượu ăn chơi. Những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ được người xưa viết ra để giáo dục thế hệ trẻ phải biết yêu thương lẫn nhau, ca ngợi những người biết “thương người như thể thương thân” vì những người đó sẽ được xã hội kính nể, quí trọng. Ngược lại, đối với những kẻ chỉ biết lợi dụng, thờ ơ, dửng dưng khi người khác gặp nạn sẽ bị phê phán nghiêm khắc, sau này khi những kẻ đó gặp nạn sẽ không được ai giúp đỡ.

Văn học Việt Nam rất sâu sắc, nhất là đối với truyền thống “thương người như thể thương thân”, khuyên mọi người phải giữ gìn thật kĩ truyền thống này. về phần mình, em sẽ luôn yêu thương mọi người xung quanh, giúp đỡ mọi người để góp phần xây dựng đất nước, giữ gìn và phát triển kho tàng văn học Việt Nam.

Tham khảo thêm:   Trắc nghiệm Địa lí 11 Bài 5 (Có đáp án) Trắc nghiệm bài 5 Địa 11

Nghị luận Thương người như thể thương thân – Mẫu 4

Trong câu trên muốn hiểu được toàn bộ ý nghĩa ta phải đặt 2 vế, mối tương quan so sánh. Ta sẽ thấy những nét tương đồng, do đó chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của câu tục ngữ.

Trước tiên chúng ta tìm hiểu về thương thân là gì? Thương thân là thương xót cho mình khi lâm vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuộc về lúc hoạn nạn không ai giúp đỡ mình. Lẽ tự nhiên ai cũng thương mình hơn cả, nhưng nếu yêu thương bản thân một cách thái quá sẽ dẫn tới biểu hiện lệch lạc như thái độ ích kỉ, không quan tâm đến vui buồn, cực khổ của bất kì ai khác. Tệ hơn là thói ích kỉ dẫn tới hại người rất đáng lên án.

Vậy còn thế nào là thương người? Người ở đây là người xung quanh, là anh chị em, bố mẹ người thân ở quê hương làng xóm, của đất nước và toàn cầu. Thương người như thể thương thân có nghĩa là ta phải yêu quý bản thân ta thế nào thì ta phải yêu thương, chia sẻ, cảm thông, thương người khác như thế,nếu ta đã trải qua cơn đau đớn bệnh tật, khi đấy người khác lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải biết thông cảm sẻ chia như đối với bản thân mình. Nhưng để có một lối sống như vậy không phải là dễ dàng. Phải có một tấm lòng trong sáng, trái tim nhân hậu và giàu đức hi sinh mà tất cả điều này kết hợp lại ta mới có được lối sống cao cả này.

Dân tộc Việt Nam ta là những người con dòng máu Lạc Hồng, là công rồng cháu tiên được sinh ra từ bọc trứng của mẹ âu cơ, cùng sinh sống trên dải đất chữ S có nền kinh tế ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là mối quan hệ máu thịt thiêng liêng, nhận rõ điều này ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm dạy bảo cho con cháu sau này. Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước các truyền thống tốt đẹp này mãi được lưu truyền với con người Việt Nam.

Cuộc sống có nhiều thay đổi, mỗi chúng ta cần chân trọng, yêu thương giúp đỡ mọi người mỗi trong mọi hoàn cảnh để thương người rồi người sẽ thương ta giúp đỡ ta, hãy iu thương giúp đỡ mọi người như thể bản thân ta như ông cha ta đã dạy “ Thương người như thể thương thân.”

Nghị luận Thương người như thể thương thân – Mẫu 5

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp, được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của con người chính là lòng nhân ái và lối sống vị tha. Từ xưa, ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học đạo lí qua ca dao, tục ngữ mà câu: Thương người như thể thương thân là một ví dụ điển hình.

Thế nào là thương thân? Thương thân là thương mình xót xa cám cảnh cho mình khi lâm vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc và lúc hoạn nạn không ai giúp đỡ.

Thế nào là thương người? Người ở đây là mọi người sống quanh ta; là anh em, cha mẹ, xóm giềng cùng chung quê hương, đất nước. Thương người như thể thương thân có nghĩa là ta yêu quý bản thân ta thế nào thì hãy chia sẻ, cảm thông, thương yêu người khác như thế. Nếu ta từng trải qua đau đớn, bệnh hoạn, ngặt nghèo thì khi thấy người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự, ta hãy thương xót, cảm thông, giúp đỡ, quan tâm đến họ như đối với chính ta vậy.

Nhưng để có được một lối sống nhân ái cao cả quả không phải là một chuyện dễ dàng. Phải có một tấm lòng trong sáng, một trái tim nhân hậu và giàu đức hi sinh mà tất cả những điều ấy là kết quả của một quá trình tu tâm, dưỡng tính lâu dài.

Vì sao câu tục ngữ lại khuyên ta phải giúp đỡ người khác? Thật đơn giản vì trong cuộc đời, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc. Gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em… Đó là mối quan hệ máu thịt thiêng liêng sống chết có nhau. Nhận thức rõ điều ấy nên ông bà ta dạy dỗ con cháu từ thuở còn trứng nước bằng những lời du êm dịu bên nôi: Anh em như chân với tay, Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Chị ngã, em nâng. Tay đứt ruột xót…

Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ: Phụ tử tình thâm, Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu muối là đạo con… Những điều nhân nghĩa ấy như dòng sữa ngọt ngào, dần dần thấm vào máu thịt, vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta.

Rộng hơn nữa là tình đồng hương, tình giai cấp, tình dân tộc. Người miền Bắc, người miền Trung, người miền Nam, người Kinh, người Thượng… đều là dân tộc Việt Nam bởi cùng chung một bọc do mẹ Âu Cơ sinh ra (đồng bào). Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh truyền thống đoàn kết chung sức, chung lòng đánh giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam là truyền thống vô cùng tốt đẹp.

Để có thể sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, mỗi cá nhân phải hòa nhập cộng đồng, cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với mọi người. Tục ngữ có câu: Không ai nắm tay suốt ngày tới tối; hay: Sông có khúc, người có lúc ý nói là trong cuộc đời, khó ai có thể thuận lợi, vuông tròn mọi lẽ. Cho nên trước hết mình phải sống tốt với mọi người thì mọi người mới đối xử tốt lại với mình.

Thực tế cho thấy nhân dân ta đã sống theo quan điểm ấy tự lâu đời. Ở đâu có người gặp hoạn nạn, thiên tai là lập tức có hàng trăm triệu tấm lòng hướng về an ủi, động viên, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện hiện nay đã lan rộng trên khắp đất nước. Từ những vị lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp, đến bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên,… đều sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, những mái ấm cho trẻ mồ côi bất hạnh, những trại dưỡng lão cho người già cô đơn…

Trong những năm gần đây, chiến dịch mùa hè xanh của sinh viên các trường đại học mang kiến thức và khoa học kĩ thuật đến cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa đã có những kết quả tốt. Chiến dịch xóa cầu khỉ ở đồng bằng Nam Bộ tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Chiến dịch đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đem lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền , bất hạnh,… Tất cả các dẫn chứng sinh động trên đã chứng minh cho sức mạnh của tình yêu thương con người.

Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân đã đúc kết lại một trong những phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam; đồng thời là lời khuyên chân tình đối với mọi người, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bình luận câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau…”

Câu hát ấy vang vọng vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam như một tiếng nói hay, một tiếng nói đẹp về lòng nhân ái giữa con người với con người trong cuộc sống. Từ xưa đến nay, tình yêu thương đồng loại đã trở thành một thứ tình cảm cao quý, đáng trân trọng, trở thành một nét đẹp trong đời sống tình cảm của con người Việt Nam. Câu nói “Thương người như thể thương thân” là bài học quý giá cho chúng ta.

Nhân dân ta đã cô đúc thành một câu nói rất cụ thể mà vô cùng giản dị, thấm thía. Vế “thương người” được so sánh với “thương thân” tạo nên một câu có sự so sánh giàu hình tượng, tính liên tưởng. Trong cuộc sống, ai ai cũng thương chính bản thân mình nhiều nhất. Vì thế, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” có ý nhấn mạnh tình yêu thương giữa con người với nhau là tình cảm yêu thương, quý mến một người khác như thương chính bản thân mình.

Tham khảo thêm:   Lịch thi đấu và kết quả C2 Europa League Lịch thi đấu C2

Tình cảm ấy thật đáng trân trọng, thật đáng ngưỡng mộ. Thương người khi người gặp khó khăn, hoạn nạn, lo cho nỗi lo của người, đau cùng với nỗi đau đồng loại, biết cách giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh họ gặp phải khi thiếu thốn. Đó là tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Ban đầu, thứ tình cảm ấy bắt nguồn từ những điều giản dị, gần gũi nhất với mình như tình cảm gia đình, anh em, bạn bè cùng giúp đỡ, gắn bó keo sơn với nhau. Ngoài ra, đó còn là tình cảm làng xóm, khi giúp đỡ nhau lúc “Tắt lửa tối đèn”. Rộng lớn hơn đó là tình yêu thương giữa đồng loại trên khắp mọi nơi.

Có biết bao biểu hiện đã thể hiện rất rõ tinh thần “Thương người như thể thương thân” ấy. Khi đất nước còn trong thời kì chiến tranh, tinh thần này được thể hiện rất rõ khi nhân dân cả nước đồng lòng kháng chiến. Bất kể người già, người trẻ, dù ở dân tộc hay vùng miền nào cũng đều chung tay, chung sức, chung lòng tham gia vào kháng chiến vì một mục tiêu giành độc lập cho đất nước. Tất cả đều giúp đỡ lẫn nhau, chung tay hỗ trợ và viện trợ cho tiền tuyến. Đến ngày nay, tinh thần “Thương người như thể thương thân” còn được thể hiện rõ trong cả thời bình. Khi người dân ở những vùng sâu vùng xa gặp khó khăn, thiếu thốn đều nhận được viện trợ từ những mạnh thường quân, những người có cuộc sống khá giả hơn. Những người sống ở những vùng chịu nhiều thiên tai, bão lũ đều được Nhà nước và toàn dân đóng góp để hỗ trợ thiệt hại. Có thể nói rằng, tinh thần ấy càng trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt lại càng được thể hiện rõ rệt, mạnh mẽ.

Bạn đang đi trên đường, gặp một người vô gia cư, không đồ ăn, thức uống, hãy đến bên họ và giúp đỡ họ những gì bạn có thể làm trong khả năng. Nhiều khi đơn giản chỉ cần một cái nắm tay, một lời động viên cũng giúp họ cảm thấy ấm lòng, Hãy chia sẻ với những con người khó khăn ấy một mẩu bánh mỳ mà bạn có, một bộ quần áo mà bạn định bỏ đi không mặc đến. Hãy nghĩ một điều đơn giản bạn giúp họ, như giúp chính bản thân mình. Thương họ như thương chính bản thân mình.

Từ xưa đến nay, ông cha ta cũng có rất nhiều những câu nói về tình yêu thương, lòng nhân ái giữa con người với con người như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

hay:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Bản thân chúng ta hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa. Sống cho mình và sống cho người. Hãy trao đi yêu thương, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn thế!

Nghị luận câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”

Nhân ái là đạo lí cao đẹp của đất nước và con người Việt Nam xưa và nay. Thương mình và thương người, tình cảm cao quý ấy được kết tinh và hội tụ trong một câu tục ngữ sáu chữ rất cô đúc: “Thương người như thể thương thân”.

Nhân dân ta đã tạo nên một so sánh cụ thể, giản dị mà thâm thìa biết bao! Trong cuộc sống, có gì quý hơn, thân thiết hơn “thân” mình? Chữ “thân” trong câu tục ngữ là chỉ số phận cuộc đời mình, niềm vui nỗi buồn, những ước mơ về hạnh phúc của mình. Những con người xa lạ, những kẻ bất hạnh trong cõi đời chẳng có mối quan hệ gì với ta, thế mà ta đã thương, đã quý mến, đồng cảm họ một cách vô cùng sâu sắc với tất cả tình người. Sự “thương” người ấy “như thể thương thân” ta vậy! Không vụ lợi! Không ban ơn! Tất cả chỉ vì tình thương người, tình yêu thương đồng loại.

Đường đời nhiều chông gai hiểm trở. Xã hội biến động không ngừng. Cũng có thuở thái bình thịnh trị. Vì thương người, ta vui với niềm vui của mọi người, mọi nhà. Cũng có thời kì loạn lạc, mất mùa, dịch bệnh, giặc giã tung hoành khắp nơi. Người người đau khổ vật lộn trong thiên tai, địch họa, trong máu và nước mắt. Trong hoàn cảnh ấy, thương thân mình đã khó, thế mà ta còn biết “thương người” quý mến, trân trọng những kẻ bất hạnh gần xa.

Tình cảm ấy thật đáng quý vô ngần. Tình thương người gắn liền với đức hi sinh là thế!

Tinh thương người của nhân dân ta mênh mông và bao la, với những biểu hiện vô cùng phong phú. Đồng cảm, thương xót cho cảnh ngộ đau khổ của đồng loại.

Đau nỗi đau, lo nỗi lo của đồng loại. Đó là “Thương người như thể thương thân”. Bênh vực, chở che, săn sóc cứu giúp vật chất, san sẻ tình thương cho những con người hoạn nạn, cho những con người “nhỏ bé” đang sống “dưới đáy” xã hội. Đó cũng là “Thương người như thể thương thân”. “Lá lành đùm lá rách”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Máu chảy ruột mềm”, v.v… Đó là những biểu hiện, những hành động cao quý “Thương người như thể thương thân”.

“Hũ gạo cứu đói” năm Ất Dậu 1945, phong trào rộng lớn của toàn dân giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, giúp nạn nhân chiến tranh, giúp học sinh nghèo,… trong những năm gần đây đã nói lên sức mạnh của tình nhân ái, đạo lí tốt đẹp “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

“Thương người…” không chỉ đồng cảm san sẻ, cứu giúp, mà còn phải biết trân trọng những phẩm giá tốt đẹp của đồng loại, thấu hiểu và nâng niu những ước mơ, nguyện vọng về dân chủ tự do, về ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nhất là của những con người lầm than, đói khổ.“Thương người như thể thương thân” chính là lòng “chí nhân” đã làm nên sức mạnh Việt Nam như Nguyễn Trãi đã nói: “Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo Tình cảm cao quý ấy đã làm cho lòng người trong sáng hơn, nhân hậu hơn. Biết lây tình người trong ứng xử là đạo lí cao quý. Nhờ thế mà bóng tối bị xua tan. Cái ác bị đẩy lùi. Tình người và tình đời toả sáng. Xã hội ngày một văn minh hơn, tốt đẹp hơn.

Bọn bất lương, lũ “chuột lớn bất nhân” (bài thơ “Ghét chuột” của Nguyễn Bỉnh Khiêm) thì làm sao chúng nó hiểu được câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”. Những kẻ giàu nứt đố đổ vách, xài bằng ngoại tệ,… nhưng chẳng bao giờ dám bỏ ra một xu để giúp người cơ nhỡ, bố thí cho kẻ hành khất ngược xuôi thì câu tục ngữ “Thương người…” ấy rất xa lạ với họ!

Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Khổng,… đều có nói đến lòng nhân ái. Từ giáo lí ấy mà chúng ta càng thêm tự hào về đạo lí “Thương người như thể thương thân” của nhân dân ta. Cộng đồng người Việt, “bốn nghìn lớp người” đã lấy tình thương để xây dựng và phát triển nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Chẳng thế mà nó đã trở thành điệu ru, câu hát dân gian, thấm sâu vào hồn người như hương lúa đồng quê bao đời nay:

– “Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người đói rét ta nhường áo cơm”.

– “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Sống không có tình thương sẽ bị khô héo lương tri, cằn cỗi tâm hồn. Bởi vậy, có người đã nói: “Biết san sẻ là hạnh phúc; được san sẻ cũng là hạnh phúc”. Có khi tình thương đã gắn liền với tình cảm cách mạng và kháng chiến:

“Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Xưa nay, ai cũng muốn được sống trong tình thương. Câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân” là bài học luân lí vô giá đối với mọi người. Nó thanh lọc hồn người và hướng thiện.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của tri thức. Và còn phải là thế kỉ của tình thương. Tình thương là cái gốc của đạo lí làm người, là vẻ đẹp nhân vãn của nền văn hoá dân tộc. Một xã hội văn minh phải là xã hội của tình thương.

Tình thương mãi mãi là bài ca cuộc đời, bài ca của yên vui hạnh phúc. Phong trào “xoá đói giảm nghèo”, “góp tiền vào quỹ ủng hộ người nghèo” hiện nay chính là bài ca “Thương người như thể thương thân” của đất nước và con người Việt Nam chúng ta.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Nghị luận Thương người như thể thương thân Dàn ý & 7 bài nghị luận về tư tưởng đạo lý của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *