Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Tổng hợp mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất (43 mẫu) Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích tuyển chọn 43 mẫu mở bài hay, độc đáo nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới để viết đoạn mở bài thật hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.

 Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài cho một bài văn vô cùng quan trọng, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn cho cả bài văn. Với 43 Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích trong bài viết dưới đây, các em sẽ nhanh chóng viết đoạn mở bài phân tích đoạn trích, phân tích 6 câu thơ đầu, 8 câu thơ giữa, 8 câu thơ cuối, phân tích tâm trạng Thúy Kiều… thật hay.

Mục Lục Bài Viết

Tổng hợp mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất

  • Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay (3 mẫu)
  • Mở bài phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (10 mẫu)
  • Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích (5 mẫu)
  • Mở bài phân tích 8 câu thơ giữa Kiều ở lầu Ngưng Bích (3 mẫu)
  • Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích (10 mẫu)
  • Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích (3 mẫu)
  • Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (4 mẫu)
  • Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (5 mẫu)

Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay

Mở bài 1

“Chạnh lòng thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”

(Trích “Đọc Kiều” – Chế Lan Viên)

Những vần thơ xúc động của nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi ra cảm nhận sâu sắc về cuộc đời “đoạn trường” đầy rẫy nước mắt, khổ đau của Thúy Kiều – “tấm gương oan khổ” đại diện cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Một trong những bi kịch đớn đau mà Thúy Kiều phải gánh chịu chính là rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh. Sau khi biết mình bị chà đạp về nhân phẩm và rơi vào chốn thanh lâu, nàng tiếp tục bị Tú bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Trong không gian tù túng đó, nàng không ngừng nhớ về Kim Trọng và lo lắng cho song thân, đồng thời luôn có những dự cảm về tương lai phía trước. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc phần “Gia biến và lưu lạc” đã tái hiện thành công dòng nội tâm phức tạp đầy rẫy những lo âu của Thúy Kiều.

Mở bài 2

“Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm cuộc sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”

(Trích “Bài ca xuân 61” – Tố Hữu)

Những câu thơ của tác giả Tố Hữu đã chất chứa niềm đồng cảm sâu sắc đối với số phận bi kịch của Thúy Kiều – người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn” nhưng bị xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công đày đọa. Trong chuỗi hành trình mười lăm năm lưu lạc đầy khổ đau, lầu Ngưng Bích là một trong những điểm dừng chân của Thúy Kiều. Sau khi rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh, Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích cùng âm mưu, lời hứa hẹn xảo trá “con hãy thong dong” của Tú bà. Bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn từ dân tộc và bút pháp “tả cảnh ngụ tình”, những câu thơ trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện rõ diễn biến nội tâm cùng ý thức về nhân phẩm và dự cảm bất an về tương lai phía trước của người con gái đa sầu đa cảm Thúy Kiều.

Mở bài 3

“Nguyễn Du là người có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Lời nhận định của Mộng Liên Đường chủ nhân – nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỉ XIX đã thể hiện sự ngưỡng mộ, ngợi ca đối với tài năng của Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc và sự thành công của tác phẩm “Truyện Kiều”. Trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh”, tác giả Nguyễn Du như hóa thân vào nhân vật để diễn tả những cung bậc cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong số những minh chứng tiêu biểu thể hiện điều này. Bằng ngòi bút nhân đạo và tấm lòng xót thương, đồng cảm sâu sắc, tác giả Nguyễn Du đã tái hiện thành công bức tranh tâm trạng cô đơn, buồn tủi, ngổn ngang trăm mối của Thúy Kiều trong không gian “lầu Ngưng Bích khóa xuân”.

Tham khảo thêm:   Bào ngư giá bao nhiêu? Mua bào ngư ở đâu giá rẻ?

Mở bài phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 1

Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người có “con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. “Truyện Kiều” là tác phẩm thành công nhất của ông; đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích từ “Truyện Kiều” diễn tả tinh tế, sâu sắc tâm trạng của Thúy Kiều trước cảnh vật.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 2

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, cũng là người đã mang văn học của Việt Nam vươn xa ra thế giới qua tác phẩm Truyện Kiều. Tác phẩm là lời phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, là tiếng kêu đau thương của những số phận bị áp bức trong thời kì ấy. Và thông qua đó, ta có thể thấy được lòng thương cảm, tình yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích hay nhất được trích từ tác phẩm này.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 3

Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học trung đại – tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị lớn là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, Truyện Kiều còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích miêu tả thành công cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 4

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh đa dạng, phong phú về ngoại cảnh và tâm cảnh. Khắc hoạ nỗi đau buồn, sợ hãi mà Kiều đang nếm trải, dự báo sóng gió bão bùng mà nàng phải trải qua trong mười lăm năm lưu lạc thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 5

Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một tác gia văn học tài hoa và lỗi lạc của văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là thi sĩ của các nhà thi sĩ. Truyện Kiều là một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du là đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật thi ca. Đọc tác phẩm, chúng ta không thể quên được đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 6

Trong Truyện Kiều có nhiều đoạn thơ hay miêu tả nỗi cô đơn, nhớ nhà của Kiều, nhưng không đoạn nào thể hiện được tâm trạng bi đát, bế tắc, đơn côi như đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích.Sau khi biết mình bị bán vào lầu xanh, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Biết Kiều tính cách khẳng khái, cứng rắn, Tú Bà đã cho Kiều ở riêng trong lầu Ngưng Bích để thực hiện một âm mưu khác.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 7

Nguyễn Du là bậc thầy về tả cảnh. Nhiều câu thơ tả cảnh của ông có thể coi là chuẩn mực cho vẻ đẹp của thơ ca cổ điển. Nhưng Nguyễn Du không chỉ giỏi về tả cảnh mà còn giỏi về tả tình cảm, tả tâm trạng. Trong quan niệm của ông, hai yếu tố tình và cảnh không tách rời nhau mà luôn đi liền nhau, bổ sung cho nhau.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 8

Đề tài về người phụ nữ luôn là nỗi trăn trở của các nhà thơ lớn. Không chỉ khắc họa những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách mà các nhà thơ còn cảm nhận rõ được nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Và Nguyễn Du đã rất thành công khi chọn người phụ nữ làm đề tài trong tác phẩm của mình với kiệt tác dựa theo cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm ở Trung Quốc đó là Truyện Kiều.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 9

Đoạn thơ trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đúng là một bức tranh tâm tình đầy xúc động. Nguyễn Du đã đặt nhân vật Thúy Kiều vào cảnh ngộ ấy để cho Kiều tự bộc lộ tâm trạng của mình. Trong giờ phút mà bên ngoài tưởng như yên tĩnh này thì chính trong lòng nàng Kiều đang ngổn ngang, tăm tối.

Mở bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 10

Không chỉ là bậc thầy trong tả người, Nguyễn Du còn có biệt tài trong tả cảnh. Khung cảnh ông miêu tả đã đạt đến mực mẫu mực, cổ điển, nói lên tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Tình và cảnh trở thành hai yếu tố bổ sung làm nên chất riêng cho sáng tác Nguyễn Du. Và tình cảnh ấy đã được ông kết hợp hài hòa để phản ánh tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu – Mẫu 1

Hai câu đầu, nàng đang bị giam lỏng trong một lầu cao trơ trọi giữa trời đất, Kiều như chỉ còn ở chung làm bạn với “non xa” (núi xa) và “trăng gần” (lầu cao nên trăng gần). Đứng trong lầu cao nhìn ra xung quanh, Kiều chỉ thấy “cát vàng cồn nọ” (những cồn cát nhấp nhô, bát ngát), “bụi hồng dặm kia” (bụi hồng chỉ bụi sắc đỏ, do gió thổi bốc lên) cảnh thiên nhiên mênh mông, vắng lặng trơ trọi, rợn ngợp ở lầu Ngưng Bích là để làm nổi bật tâm trạng, nỗi buồn niềm cô đơn, buồn tủi của nàng Kiều. Đây là một trong những câu thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu – Mẫu 2

Truyện Kiều một viên ngọc long lanh trong kho tàng văn học dân tộc, cùng với một số tác phẩm khác của Nguyễn Du, có giá trị hiện thực sâu sắc và chứa chan tinh thần nhân đạo cao quý, đã “nói lên lòng xót thương vô hạn của ông đối với những lớp người bị áp bức, đau khổ”.

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu – Mẫu 3

Thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu được miêu tả hoang vắng, bao la đến rợn ngợp. Ngồi trên lầu cao, nhìn phía trước là núi non trùng điệp, ngẩng lên phía trên là vầng trăng như sắp chạm đầu, nhìn xuống phía dưới là những đoạn cát vàng trải dài vô tận, lác đác như bụi hồng nhỏ bé như càng tô đậm thêm cuộc sống cô đơn, lẻ loi của nàng lúc này.

Tham khảo thêm:  

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu – Mẫu 4

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh thiên nhiên đồng thời cũng là một bức tranh tâm trạng có bố cục chặt chẽ và khéo léo. Thiên nhiên ở đây liên tục thay đổi theo diễn biến tâm trạng của con người.

Mở bài phân tích 6 câu thơ đầu – Mẫu 5

Qua sáu câu đầu đoạn trích ”Kiều ở lầu Ngưng Bích” Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích qua cái nhìn đầy tâm trạng của Thúy Kiều. Câu thơ đầu với từ “khóa xuân” gợi cho người đọc thấy được hoàn cảnh rất tội nghiệp của Kiều lúc này: Nàng bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Mở bài phân tích 8 câu thơ giữa Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích 8 câu thơ giữa – Mẫu 1

Nguyễn Du sống trong một thời đại đầy biến động. Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX vô cùng thối nát, mục ruỗng. Đời sống nhân dân vì vậy mà vô cùng cực khổ, và khổ nhất, đó chính là những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Kiệt tác Truyện Kiều đã phản ánh được hiện thực nghiệt ngã đó, lên tiếng tố cáo những bất công của xã hội và bênh vực người phụ nữ. Đọc đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, người đọc cảm nhận được tâm trạng cô đơn buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung hiếu thảo của Thuý Kiều. Điều này được thể hiện rõ trong tám câu thơ giữa trong đoạn trích.

Mở bài phân tích 8 câu thơ giữa – Mẫu 2

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới, tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm “Truyện Kiều”– kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam, ngoài giá trị nội dung sâu sắc “Thúy Kiều”còn rất thành công về nghệ thuật. Với nghệ thuật tả người qua bút pháp ước lệ tương đương, tả cảnh thiên nhiên qua bút pháp tả và hợi thì nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật cũng rất xuất sắc. Tiêu biểu là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và điển hình là tám câu thơ trên đã khắc họa một cách xúc động về nỗi nhớ người yêu, nhớ bố mẹ của Thúy Kiều, qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm của chính nhân vật.

Mở bài phân tích 8 câu thơ giữa – Mẫu 3

Trong bài thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, tám câu thơ giữa đã thể hiện tâm trạng nhớ nhung Kim Trọng và gia đình cùng hoàn cảnh tội nghiệp đáng thương của Kiều ở nơi đất khách quê người. Hai câu thơ: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/Tin sương luống những rày trông mai chờ” tái hiện kỷ niệm đôi lứa từng được cùng Kim Trọng uống rượu dưới ánh trăng vằng vặc. Đó là nỗi nhớ tình đầu đậm sâu của mình. Nhớ về chàng Kim, Kiều nhớ về chén rượu thề nguyền đính ước, minh chứng tình yêu đẹp đẽ của họ dưới ánh trăng. Dù cho Kiều đã trao duyên cho em mình nhưng có lẽ nàng Kiều vẫn chưa thể quên đi tình yêu của mình.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 1

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà sợ mất đi món hàng quý, bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ. Mụ vờ chăm sóc, thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục, sẽ gả cho người tử tế. Sau đó người đàn bà thâm hiểm này đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới. 8 câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là bức tranh tâm trạng đớn đau, tuyệt vọng của Thúy Kiều khi mới bước vào đời.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 2

Nguyễn Du không chỉ xuất sắc trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật mà còn là người có biệt tài miêu tả thiên nhiên, ngụ tâm tình, tình cảm của con người. Mỗi bức tranh dưới đôi bàn tay Nguyễn Du luôn luôn thực hiện hai chức năng chính: thể hiện ngoại cảnh và thể hiện tâm trạng. Tám câu thơ cuối trong bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã cho thấy rõ biệt tài này của ông.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 3

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc là danh nhân văn hóa thế giới. Nhắc đến ông, người ta kể đến “Truyện Kiều” – một tác phẩm đã nâng Tiếng Việt lên thành ngôn ngữ dân tộc. Đọc truyện, ta cảm nhận được trái tim nhân hậu, đa cảm đối với con người của nhà thơ. Như Mông Liên Tưởng chủ nhân trong lời tựa Truyện Kiều đã viết “Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, day dứt đến đứt ruột”. Và có đọc tám câu thơ cuối của đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, ta mới cảm nhận được nét tinh tế, được cái hay, cái đẹp của bút pháp tài ba của Nguyễn Du, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 4

Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, còn nhà thơ Chế Lan Viên lắng sâu và tinh tế khi cất lên lời thơ: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Bao thế kỉ qua, Truyện Kiều đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân Việt Nam. Những trang thơ có sức cuốn hút diệu kỳ, vương vấn mãi tâm hồn ta, mang đến cho ta niềm cảm thương sâu sắc với “tấm gương oan khổ” Thúy Kiều, đem lại cho ta những khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt trước những lời thơ như hoa, như gấm

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 5

“Truyện Kiều” đã từ mấy trăm năm qua trở thành một phần giá trị tinh thần không thể thiếu được của dân tộc ta. Ở bất kỳ góc độ nào, đây luôn là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Để tạo ra được một kiệt tác như vậy, điều quan trọng nhất mà Nguyễn Du đã thể hiện được là tấm lòng nhân đạo cao cả và tài năng bậc thầy về nghệ thuật. Một trong những phương diện nghệ thuật thể hiện rất rõ tài năng của Nguyễn Du đó là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tài năng này được thấy rõ hơn cả, nhất là ở 8 câu thơ cuối được mở ra bằng “buồn trông”.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 6

“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn thơ cảm động nhất trong Truyện Kiều – kiệt tác của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Bi kịch nội tâm của Kiều trên con đường lưu lạc những ngày đầu đã được ngòi bút thiên tài của nhà thơ miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Tết xa

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 7

Diễn tả thành công tâm trạng Thúy Kiều chứng tỏ Nguyễn Du thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với tâm tư, số phận của con người. Nói về Nguyễn Du, người ta nhớ về một nghệ sĩ với biệt tài miêu tả chân dung nhân vật xuất thần qua hình tượng Thúy Kiều vang danh hậu thế. Không những vậy, ông còn là một cây bút khắc họa hình ảnh thiên nhiên một cách tài hoa và tinh tế. Điều đó được thể hiện rõ qua tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng ở lầu Ngưng Bích.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 8

Nguyễn Du – người đưa nền văn học chữ Nôm của dân tộc ta phát triển tới đỉnh cao từ thế kỉ XVIII với kiệt tác “Truyện Kiều”. Người ta say mê Kiều không chỉ bởi tài năng của Nguyễn Du mà có lẽ trước hết là ở tấm lòng nhân đạo ông dành cho người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Đến với tám câu cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là bức tranh tâm trạng đầy xúc động của Thúy Kiều qua cách nhìn cảnh vật.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 9

“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích hay nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đặc biệt phải kể đến tám câu thơ cuối được Nguyễn Du vận dụng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình để diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều.

Mở bài phân tích 8 câu thơ cuối – Mẫu 10

“Truyện Kiều” là một tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyễn Du. Một trong những đoạn trích hay nhất trong tác phẩm là “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều cho thấy nỗi cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung hiếu thảo của nàng, đặc biệt là tám câu thơ cuối.

Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối – Mẫu 1

Thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc. Thể thơ ấy không chỉ thể hiện được cái tài hoa của người tác giả mà nó còn cho thấy cái hồn của tiếng Việt. Nhà thơ Nguyễn Du chọn thể thơ lục bát khi viết Truyện Kiều là ông đã làm được cả 2 điều trên. Truyện Kiều trở thành áng thi ca bất hủ của mọi thời đại. 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cũng đủ cho ta thấy được cái tài của Nguyễn Du khi tả cảnh ngụ tình. Cho đến nay, có lẽ chưa ai làm được điều này tốt như ông.

Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối – Mẫu 2

Đại thi hào Nguyễn Du là bậc thầy sử dụng ngôn ngữ cũng như việc sử dụng các bút pháp nghệ thuật để miêu tả cảnh vật, miêu tả con người, đặc biệt là miêu tả nội tâm nhân vật. Một trong những đoạn trích miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc nhất của Nguyễn Du chính là đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Qua tám câu thơ cuối của đoạn trích, ta có thể thấy được tâm trạng đau đớn, buồn tủi và cô đơn của nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích và tài năng nghệ thuật xuất sắc của đại thi hào.

Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối – Mẫu 3

Tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có lẽ là tám câu thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất trong tác phẩm, qua đó đã diễn tả sinh động tâm trạng Thuý Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, để lại ấn tượng không thể nào quên cho người đọc.

Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều – Mẫu 1

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác tiêu biểu và nổi bật. Giá trị vững bền của tác phẩm được tạo nên không chỉ ở mặt nội dung cốt truyện hấp dẫn mà còn thể hiện qua những bút pháp nghệ thuật đặc sắc và nổi bật là nghệ thuật miêu tả tâm lí, nội tâm nhân vật. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những trích đoạn thể hiện rõ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả Nguyễn Du. Trong đoạn trích này, chúng ta có thể thấy được tâm trạng buồn tủi, nỗi nhớ thương cùng dự cảm của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bơ vơ, lạc lõng tại lầu Ngưng Bích.

Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều – Mẫu 2

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học. Có thể ví tác phẩm như một trái bom nổ giữa làng văn và có thể làm vinh dự cho bất cứ một nền văn học nào có nó. Bởi truyện đã đạt tới trình độ mẫu mực về mặt nội dung và nghệ thuật độc đáo. Một trong các nghệ thuật làm nên sức hấp dẫn và thành công của “Truyện Kiều” đó là nghệ thuật khắc họa hình tượng và diễn biến tâm trạng nhân vật. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn trích hay, là minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật này. Qua đoạn trích chúng ta thấy được tâm trạng phức hợp trong lòng Kiều khi một mình phải bơ vơ nơi đất khách quê người, không biết phải bấu víu và nương tựa vào đâu.

Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều – Mẫu 3

Có thể nói, điều khiến chúng ta nhớ đến các nhân vật văn học là những nét phác thảo về ngoại hình những thứ giúp chúng ta hiểu về các nhân vật lại là diễn biến tâm lí, tâm trạng của họ. “Truyện Kiều” luôn hấp dẫn bạn đọc suốt hơn hai thế kỉ đến nay không chỉ bởi nội dung tác phẩm đặc sắc mà còn bởi nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nguyễn Du. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện ngòi bút miêu tả tâm trạng Thúy Kiều của tác giả một cách rất tài tình.

Mở bài phân tích tâm trạng Thúy Kiều – Mẫu 4

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (trích Truyện Kiều) thể hiện rõ nét tài năng miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của thiên tài Nguyễn Du. Bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích được nhà thơ lột tả từng lớp, từng lớp, cho người đọc một cái nhìn chi tiết về nỗi đớn đau, dằn vặt của Thúy Kiều trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Mẫu 1

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Có lẽ, thiên nhiên chính là người bạn tri âm, tri kỷ của bất kỳ vị thi sĩ nào. Chính vì vậy mà thiên nhiên cũng có tác động vô cùng to lớn đối với tâm trạng của mỗi nhân vật trữ tình. Thiên nhiên trở nên có hồn có sắc hơn khi được các nhà văn, nhà thơ sử dụng bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình để diễn tả. Có thể nói, Nguyễn Du chính là một bậc thầy đại tài trong việc sử dụng bút pháp này và điều đó được thể hiện vô cùng rõ ràng trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Mẫu 2

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là bức tranh tâm trạng của Thúy kiều ở lầu Ngưng Bích, đây là một trong những đoạn văn miêu tả tâm trạng thành công nhất của nhân vật Thúy Kiều. Tác giả Nguyễn Du đã rất thành công khi sử dụng bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình để thể hiện tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều.

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Mẫu 3

Truyện Kiều của Nguyễn Du đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật miêu tả, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình, mượn hình ảnh của thiên nhiên vũ trụ để làm nổi bật lên tình cảnh con người, những xúc cảm, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bút pháp tả cảnh ngụ tình này được thể hiện rõ nét qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Mẫu 4

Truyện Kiều là kiệt tác bất hủ của nền văn học Việt Nam và thế giới. Tác phẩm đã phản ánh sinh động xã hội Việt Nam thế kỉ XIIIV, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân tính, và tình cảnh các tầng lớp nhân dân bị dồn đến bước đường cùng không lối thoát. Một trong những thành công lớn của Truyện Kiều là nghệ thuật miêu tả nội tâm đạt đến trình độ sắc sảo hiếm có của thiên tài Nguyễn Du. Tài năng ấy thể hiện rất rõ trong 8 câu cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Mở bài phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Mẫu 5

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trong thiên truyện Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiêu biểu nhất cho nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua thủ pháp tả cảnh ngụ tình. Sau những câu thơ viết về hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều cũng như nỗi nhớ thương Kim Trọng và thương cha mẹ già, đại thi hào đã tập trung khắc họa tâm trạng của nàng Kiều trong 8 câu thơ cuối. Cả thảy tám câu thơ đều là tả cảnh ngụ tình thể hiện tâm trạng đau buồn, âu lo và sợ hãi của Kiều về cuộc đời, số phận, tương lai qua cách nhìn cảnh vật.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Tổng hợp mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất (43 mẫu) Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *