BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ MỘT VIỆC TỐT MÀ EM ĐÃ LÀM – TRẢ LẠI CỦA RƠI

Tùng… tùng… tùng tiếng trống kết thúc giờ học đã điểm. Cầm trong tay tờ giấy khen “ Người tốt việc tốt” em háo hức muốn về nhà thật nhanh để khoe với bố mẹ việc tốt mà em đã làm sáng nay. Vừa đi em vừa tưởng tượng chắc bố sẽ xoa đầu em và khen con gái của bố giỏi quá.

Sáng sớm hôm nay em đi đến trường sớm để làm công việc trực tuần. Lúc đó sân trường vắng tanh, chỉ có một vài bạn đang lúi húi quét sân, nhặt cỏ như em. Vừa đưa những nhát chổi em vừa tha thẩn nghĩ đến bộ truyện Harry Potter mới được phát hành. Đây là ấn bản đặc biệt nên giá của nó đắt lắm, em rất thích nhưng vẫn ngần ngừ chưa dám hỏi xin tiền bố mẹ, đắt như vậy chắc bố mẹ sẽ không cho mua đâu. Trời mới giữa thu mà lá đã rụng nhiều quá, đang quét đống

lá rụng bỗng em thấy một vật gì màu xanh nằm lẫn trong đám cỏ dưới gốc bàng. Tò mò bước lại và nhặt lên, thì ra đó là một chiếc ví. “ Chắc là ví tiền của bạn nào đánh rơi đây mà. Để xem bên trong có giấy tờ gì không để mình còn biết của ai để đem trả lại nào”- nghĩ như thế em mở ví ra và thảng thốt ngạc nhiên, bên trong ví có đến tận một triệu đồng. Ôi sao ai lại mang nhiều tiền như thế đến trường nhỉ? Bất chợt em nghĩ đến bộ truyện Harry Potter với hình tranh minh họa đẹp mắt. Nếu có số tiền này thì mình sẽ mua được bộ truyện mà mình yêu thích… Mới nghĩ đến đó thì tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vang lên, em nhét chiếc ví vào túi vào rồi đi vào lớp.

Buổi học hôm ấy, em không thể tập trung vào việc học được. Trong đầu em chỉ luẩn quẩn hình ảnh chiếc ví cùng một triệu đồng trong đó. Em thầm nghĩ nếu mình giữ lại số tiền này thì cũng không ai biết, với lại đây là đồ mình nhặt được mình có quyền giữ lại chứ có phải do mình lấy trộm đâu. Có khoản tiền này mình sẽ mua được Harry Potter mà khỏi phải xin tiền bố mẹ. Được cầm những quyển truyện với mùi giấy thơm phức thật thích thú biết bao. Nhưng nếu mình lấy số tiền này thì người bị mất sẽ không tìm lại được nó. Ngộ nhỡ số tiền này rất quan trọng với họ thì sao? Đó có thể là tiền học, là tiền tiết kiệm dành dụm cả năm trời của bạn nào đó để mua một món quà hay một bộ truyện yêu thích như mình. Mất đi số tiền lớn như thế chắc người bị mất sẽ buồn lắm. Nhưng một người cầm nhiều tiền như thế cùng lúc chắc hẳn là người giàu, số tiền đó chả đáng mấy với họ cả, mình lấy có lẽ cũng chẳng sao… Không…không cô giáo đã dạy mình “ nhặt được của rơi phải trả lại người mất”, mình phải trả lại số tiền này!

Tham khảo thêm:   Tả Cây Dừa Lớp 7 - Dàn Ý Chi Tiết Và Những Bài Văn Mẫu Hay

Những suy nghĩ trái chiều cứ giằng xé trong đầu em mãi không thôi. Giờ ra chơi hôm ấy trên loa phát thanh của trường có phát một bài nói về đức tính trung thực của con người. Ngồi nghe em cảm thấy mặt mình nóng ran lên, em có cảm giác như chiếc loa đang hướng về phía mình mà nói vậy. Em cảm thấy xấu hổ quá. Em thấy mình thật xấu xa, sao mình lại có những suy nghĩ ích kỉ như thế được, nhất định mình phải trả lại số tiền mà mình nhặt được này.

Đầu giờ học tiếp theo, em lên nộp lại chiếc ví cho cô giáo chủ nhiệm và nhờ cô tìm lại người đánh rơi. Cô nhìn em mỉm cười rồi quay xuống nói với cả lớp:

– Hôm nay bạn Hải đã làm được việc tốt. Đó là hành động của những con người ngoan ngoãn trung thực. Các em hãy học tập bạn nhé.

Nói xong cô trao cho em giấy khen “ Người tốt việc tốt”. Em vui lắm. Sau khi trả lại đồ lòng em thấy thanh thản hẳn, không còn cảm giác lo sợ hay xấu hổ nữa. Vì vậy các bạn hãy nhớ nhé, nhặt được của rơi thì hãy trả lại người đánh mất. Chỉ có như vậy thì ta mới giữ được lương tâm trong sạch và luôn cảm thấy hạnh phúc.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ MỘT VIỆC TỐT MÀ EM ĐÃ LÀM – DẠY TRẺ EM HỌC

“Chúng em chào cô giáo Hương ạ!”

Tham khảo thêm:   Tóm tắt Cuộc chia tay của những con búp bê

Câu bạn đang nghe ấy, là một lời chào bình thường. Nhưng nó không phải là của tôi, mà là dành cho tôi. Ở độ tuổi còn đang cắp sách tới trường, tôi đã trở thành một cô giáo rồi. Cô giáo của một lớp học đặc biệt.

Mỗi tuần, cứ đến tối thứ bảy, khi hoàn thành xong bài tập được giao, tôi lại hí hửng cắp cặp ra ngoài. Tôi chào bố mẹ rất vui vẻ và bố mẹ cũng đáp lại như thế. Vì bố mẹ biết, không phải tôi ra ngoài để chơi đùa như lũ bạn cùng tuổi, tôi đi thắp sáng ước mơ cho những người khác.

Tôi mới học lớp 7 nhưng thành tích luôn đứng đầu lớp và được cô giáo khen ngợi rất nhiều. Một lần, tình cờ đi qua nhà văn hóa xã, thấy những đứa trẻ lang thang trong xóm đang dùng cây que viết những số nghệch ngoạc trên nền cát. Những con số lộn tùng phèo và cả những chữ cái chẳng ra hình thù gì. Tôi ôm bụng cười trước sự ngỡ ngàng của lũ trẻ.

Tôi bỗng thấy mình đang làm điều gì đó sai. Tôi ngồi lại bên hiên cửa, gọi lũ nhỏ vào hỏi chuyện. Bọn trẻ có 6, 7 đứa. Đứa lớn nhất là 8 tuổi, đứa nhỏ nhất là 5 tuổi. Chúng đều là con của những gia đình nghèo, bố mẹ hay đi làm ăn xa, không có tiền để đi học, cũng chẳng có ai dạy chúng học cả. Nhìn lũ trẻ ngây ngô vẽ những con số, tôi bỗng mủi lòng. “Thì ra còn những số phận, những con người bất hạnh và đáng thương hơn mình rất nhiều. Muốn học thì đâu có gì sai đâu chứ.” Tôi nghĩ thế và đầu tôi lóe lên một ý tưởng…

Tôi kêu bọn trẻ đợi mình ở đó. Tôi phóng xa một mạch về nhà, cầm theo bảng chữ cái của thằng em không dùng nữa đi. Khi những đứa trẻ thấy được bảng chữ cái, mắt chúng sáng rực lên. Tôi kêu chúng ngồi thành một hàng ở dưới, trên bậc cao hơn, tôi với cây gậy đang chỉ vào con chữ:

Tham khảo thêm:   Cảm xúc về vườn nhà

-Nào, đọc theo chị: Aaaaaa… Bê….

-Aaaaaa… Bê

Lũ trẻ đọc theo rất ngoan ngoãn. Tôi bỗng thấy mình như trở thành người khác, một cô giáo thực thụ với những học trò của riêng mình. Chúng tôi học với nhau rất lâu và chia tay với những nụ cười vẫn không thể ngừng trên môi.

Buổi sau đi qua, tôi đã thấy lũ trẻ chờ sẵn tôi ở đó. Vừa thấy tôi, chúng đã chạy vụt đến, mắt sáng lên và giơ những quyển vở trước mặt tôi.

-Chúng em vừa xin bố mẹ cho mua quyển vở đấy. Chị dạy chúng em chữ hôm qua đi. Chữ A, B gì ý.

Hôm qua tôi chỉ dạy cho vui thôi mà bọn trẻ lại nghiêm túc thật. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt long lanh của chúng, làm sao tôi có thể từ chối. Và một buổi học với một cô giáo bất đắc dĩ lại tiếp tục.

Biết được việc làm của tôi, bác trưởng thôn đã cho chúng tôi mượn nhà bên trong của nhà văn hóa, có cả bàn ghế cho các em học và chiếc bảng nhỏ cho “cô giáo nhí” như tôi. Chúng tôi có lịch đều đặn và cả giờ đi học như trên lớp vậy. Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn khi chỉ bảo cho bọn trẻ cách đọc và viết. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt vừa đáng yêu, vừa tội nghiệp, sự giận dữ trong tôi lại biến mất. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là các em đều rất chăm chỉ học, rất dễ thương và tình cảm. Có những ngày, chúng hát cho tôi nghe, chúng khoe với tôi hôm nay làm giúp bố mẹ công việc mà vẫn nhớ hết mặt các chữ hôm qua tôi dạy. Những đứa trẻ này còn giỏi hơn tôi nữa.

Một ngày, tôi thấy trong giỏ xe có một mẩu giấy nhỏ. Mở ra, tôi thấy dòng chữ nghệch ngoạc như hôm đầu tôi thấy trên bãi cát, nhưng là những chữ có nghĩa: “Chúng em yêu chị cô giáo”. Chính tay những học sinh của tôi, viết cho tôi…

Hôm qua, xã trao cho tôi danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Đó chẳng phải việc gì to tát cả, ngược lại tôi nhận được nhiều hơn là cho: nhận được niềm vui, tình yêu thương và thái độ vượt qua nghịch cảnh nữa. Với tôi, mẩu giấy kia còn quý giá hơn danh hiệu hay huy chương nào gấp mười lần.

About The Author