Ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.
Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên cột Cờ Hà Nội, tại sân vận động Cột Cờ (chỗ đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay). Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội – Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
Cuộc kháng chiến ở Hà Nội tiêu biểu cho tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trước kẻ thù xâm lược có quân đội được trang bị hiện đại, có bộ máy thống trị với những thủ đoạn đàn áp tàn bạo, nhân dân Hà Nội chỉ với vũ khí thô sơ trong tay, đã dũng cảm đứng lên quyết chiến và quyết. Biết bao người con ưu tú của Thủ đô đã chiến đấu kiên cường bất khuất, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược.
Chiến đấu ở nơi trung tâm đầu não xâm lược của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến ở Hà Nội là một nét tiêu biểu của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là một điển hình kháng chiến toàn dân trên mặt trận đô thị. Cuộc kháng chiến toàn dân trong lòng thành phố còn làm phong phú thêm kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo quân dân Thủ đô đấu tranh vũ trang chống đế quốc xâm lược.
Để đưa cuộc kháng chiến ở Thủ đô đến thắng lợi, xuất phát từ vị trí, đặc điểm và những điều kiện cụ thể của chiến trường Hà Nội – một căn cứ quân sự, một địa bàn chiến lược quan trọng nhất của miền bắc Đông Dương, Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách, chủ trương kháng chiến, đặc biệt là phương châm nhiệm vụ công tác trong vùng bị địch tạm chiếm; đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng lực lượng trong suốt quá trình kháng chiến, trước hết là lực lượng chính trị quần chúng, trên cơ sở đó tổ chức lực lượng vũ trang (bao gồm bộ đội địa phương và dân quân, du kích, tự vệ); kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh kinh tế, chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao; vừa đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, vừa tuyên truyền vận động ngay trong hàng ngũ địch tạo nên sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng.
Tuy nhiên, phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, Đảng bộ Hà Nội có nơi, có lúc không tránh khỏi những thiếu sót do phân tích thiếu chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch, do mắc sai lầm trong phương pháp công tác trên địa bàn thành phố bị địch chiếm đóng lâu dài, dẫn đến phong trào có những tổn thất.
Trong muôn vàn khó khăn, thử thách, nhờ có đường lối kháng chiến sáng suốt và sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, sự ủng hộ và quyết tâm kháng chiến của nhân dân Thủ đô, Đảng bộ Hà Nội đã vượt qua mọi gian nan, sóng gió, cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Tám năm lãnh đạo quân dân Hà Nội kháng chiến trong lòng địch, mặc dù còn những hạn chế nhưng Đảng bộ ngày càng trưởng thành cả về chính trị tư tưởng và tổ chức.
Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến, cán bộ đảng viên ngày càng hiểu sâu sắc đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, đoàn kết rộng rãi nhân dân chống đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất và dân chủ thực sự. Cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó mật thiết với quần chúng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh để Đảng bộ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Thủ đô tới thắng lợi.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.