Bạn đang xem bài viết ✅ Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện Những bài văn hay lớp 11 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện mang đến dàn ý và 2 bài văn mẫu hay nhất. Qua bài văn mẫu này giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý học tập, củng cố kiến thức để biết cách viết bài nghị luận về tác phẩm truyện hay đạt kết quả cao.

Nghị luận về một tác phẩm truyện lớp 11 yêu cầu các bạn đi sâu hơn vào việc phân tích, đánh giá tính nghệ thuật của một tác phẩm truyện, đặc biệt là những tìm tòi của tác giả trong cách kể câu chuyện. Chính vì vậy viết tốt kiểu bài này, các bạn học sinh cần ôn lại các tri thức về nghệ thuật tự sự đã được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 10 và theo dõi 2 bài văn mẫu dưới đây của Wikihoc.com để nhanh chóng biết cách viết bài văn hay cho riêng mình. Ngoài ra để học tốt Ngữ văn 11 các bạn xem thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 11 Kết nối tri thức.

Đề bài:

Chọn một tác phẩm truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết) để lại cho bạn nhiều ấn tượng về cách kể chuyện.

Dàn ý phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện Vợ nhặt

a) Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:

  • Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
  • Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.

– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề : Tình huống truyện độc đáo trong Vợ Nhặt.

b) Thân bài

* Khái niệm tình huống truyện

– Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt mà tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, bộc lộ rõ nét nhất ý đồ tư tưởng của tác giả.

– Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại.

* Phân tích tình huống nhặt vợ

– Bối cảnh xây dựng tình huống truyện:

  • Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.
  • Một không khí ảm đạm, thê lương, những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

– Tóm tắt tình huống: Vốn là một anh chàng dân ngụ cư, xấu trai, ế ẩm lại nghèo, thế mà Tràng đã “nhặt” được vợ một cách ngẫu nhiên và quá dễ dàng ngay trong những ngày đói chỉ bằng mấy câu hát, mấy lời bông đùa “tầm phơ tầm phào”, mấy bát bánh đúc…

Các chi tiết độc đáo của tình huống truyện:

+ Ở Tràng hội tụ nhiều yếu tố khiến nguy cơ “ế” vợ rất cao:

  • Ngoại hình xấu xí, thô kệch.
  • Tính tình có phần không bình thường.
  • Ăn nói cộc cằn, thô lỗ.
  • Nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già.
  • Nạn đói đe dọa, cái chết đeo bám.

+ Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa (theo lô gíc tự nhiên).

+ Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ

  • Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.
  • Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên
  • Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn “ngờ ngợ”.

+ Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lý:

  • Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì “người ta” không thèm lấy một người như Tràng.
  • Tràng lấy vợ theo kiểu “nhặt” được.

* Giá trị của tình huống truyện

– Giá trị hiện thực:

+ Phác họa tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

  • Cái đói dồn đuổi con người.
  • Cái đói bóp méo cả nhân cách.
  • Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

+ Tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

– Giá trị nhân đạo

+ Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

  • Tràng rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.
  • Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người “vợ nhặt”
  • Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

+ Con người luôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai:

  • Tràng lấy vợ là để duy trì sự sống.
  • Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho con dâu vào một cuộc sống tốt đẹp.
  • Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá kho thóc Nhật.

c) Kết bài

– Khẳng định tài năng nhà văn qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.

– Khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện Vợ nhặt

Để một tác phẩm văn học trở nên thành công thì cần có rất nhiều yếu tố tác động vào như nội dung, nghệ thuật, cùng các giá trị nhân văn mà nó mang lại. Một trong những yếu tố quan trọng đó chính là cách xây dựng tình huống truyện. Một truyện ngắn muốn hay, cuốn hút người đọc thì phải có được một cốt truyện hấp dẫn. Một trong số ít nhà văn được mệnh danh là bậc thầy trong xây dựng cốt truyện đó chính là Kim Lân. Các tác phẩm của ông đều có những nét riêng biệt, đặc sắc, nổi bật trong số đó chính là tác phẩm “Vợ nhặt”. Truyện ngắn phản ánh sự thật về nạn đói những năm 1945 và cuộc sống nghèo khổ của nhân dân thời bấy giờ.

Truyện ngắn nói về nhân vật Tràng, một người dân ngụ cư nghèo khổ sống cùng mẹ. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả Tràng như một sản phẩm vội vàng của tạo hóa “hai con mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, hai quai hàm bạnh ra, cái mặt bặm lại lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn. Cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước, cái lưng dài rộng như là lưng gấu lại thêm tật vừa đi vừa ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch”. Quả thực Tràng là một thanh niên rất xấu xí, chả ai thèm ngó ngàng. Chẳng những vậy, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám, quẩn quanh hai mẹ con Tràng. Kim Lân đã dùng những từ ngữ chân thật để miêu tả cuộc sống và ngôi nhà mà Tràng đang ở “những bụi cỏ dại lổn nhổn”, “đống quần áo rách vắt khươm mươi niên trong một góc nhà”, “hai cái ang nước để khô cong trơ trọi dưới gốc cây ổi”…. Cuộc sống túng thiếu của hai mẹ con hiện lên thật giản dị, tội nghiệp, khiến người khác không khỏi cảm thấy xót thương cho hai số phận. Nhưng điều làm cho Tràng cảm thấy tủi nhục nhất đó chính là mang trong mình cái danh dân ngụ cư, bị dân làng khinh miệt, coi thường.

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn cưỡi lợn và ngựa trong Minecraft

Tuy nghèo đói nhưng chàng vẫn có một công việc để làm, để trông mong, đó chính là phu xe, hàng ngày bốc vác, chở gạo ra các chợ. Công việc thì vất vả, đói khát nhưng quả thật anh ta lúc nào cũng có thể vui vẻ, lạc quan. Giữa trời trưa nắng gắt, phải kéo cả một xe gạo đầy nặng trĩu, nhưng chàng ta vẫn có sức cất lên những câu hò:

Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Những câu hò này không hẳn là có ý trêu ghẹo những cô gái ngồi bên đường, mà chủ yếu để giúp chàng ta quên đi những mệt mỏi, đói khát mà mình đang phải chịu. Ấy vậy mà chỉ bằng vài ba lời hát vu vơ mà khiến Tràng được một người con gái để ý và đi theo đẩy giúp. Tràng là ngưởi hiểu rõ hơn ai hết những gì mà mình hát ở trên không phải là sự thật, làm gì mà có gạo trắng mà ăn chứ nói gì đến giò chả. Để rồi đến khi gặp người con gái ấy lần thứ hai, Tràng đã rất đỗi ngạc nhiên trước sự thay đổi ngoại hình của Thị “Thị hôm nay rách quá, trên khuôn mặt lưỡi cày chỉ trơ lại hai con mắt”.

Quả thực Thị đã gầy đi rất nhiều, có lẽ vì đói, vì khát mà cơ thể con người Thị đã bị tàn phá nhanh đến như vậy. Thị chạy đến sưng sỉa trước mặt Tràng “Điêu! người thế mà điêu”, mới đầu hắn ta chẳng hiểu gì nhưng rồi một lúc cũng ngộ ra rồi mời Thị đi ăn “thích ăn gì thì ăn”. Thị ta chẳng ngại ngùng gì mà cắm đầu ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, quả thực lúc này thị ta nhìn rất trơ trẽn. Người ngoài nhìn vào có người sẽ khinh bỉ, cho rằng thị ta đang vứt hết cả lòng tự trọng đi để ăn, nhưng cũng sẽ có những người xót thương, đồng cảm cho một con người đang phải chịu cơn đói hành hạ. Khi ấy, con người ta chẳng còn bận tâm đến danh dự, hay nhân phẩm gì nữa, ăn no mới là điều quan trọng trước hết. Đợi đến khi Thị ăn xong, Tràng có nói câu nửa vui nửa đùa rằng “về với tớ thì khuôn hàng lên xe rồi cùng về”. Tưởng Thị sẽ cười chê mình, nào ngờ Thị về thật, về làm dâu nhà Tràng. Một đám cưới diễn ra.

Việc một con trai lớn lên, xây nhà, cưới vợ là việc quá đỗi bình thường, nhưng nhân vật Tràng lại là một thanh niên xấu xí, nghèo đói, gia cảnh khó khăn, đặc biệt là dân ngụ cư nữa nên việc Tràng có được vợ làm rất nhiều người ngạc nhiên. Qua đây, ta đã thấy được nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo của Kim Lân: vợ đáng lẽ ra là người ta yêu, qua tìm hiểu, đính ước mà đến với nhau, nhưng ở đây, Tràng ta lại “nhặt” được vợ theo đúng nghĩa đen và của hồi môn chắc có lẽ chỉ là vài bát bánh đúc mà thị ta vừa ăn lúc trước.

Việc Tràng có vợ khiến rất nhiều người ngạc nhiên, cụ Tứ – mẹ Tràng cùng tất cả những người thôn ngụ cư, người trong xóm lạ lắm: Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Đến khi hiểu ra là Tràng có vợ theo về, thì họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Người thì “cười lên rung rúc”, người lại lo dùm cho anh ta “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ dài về”. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Người đời cười chê, chế nhạo thế nhưng chẳng làm hai vợ chồng Tràng cảm thấy tủi nhục, xấu hổ. Cho đến khi dẫn Thị về nhà, cả cụ Tứ lẫn Tràng đều không tin nhà mình có con dâu.

Cụ Tứ vừa vui vừa buồn, vừa cảm thấy thương xót cho con trai mình. Bà vui vì con trai mình đến tuổi trưởng thành đã cưới được vợ, bà mừng cho hai đứa chúng nó, nhưng bà cũng buồn, buồn vì gia đình nhà mình quá nghèo. Đám cưới gì mà chẳng có cờ có hoa, không một mâm cỗ, không kèn trống, không người đưa đón, chỉ đơn giản là đưa dẫn nhau về ở chung, cùng nhau vun vén, xây dựng gia đình. Bước vào căn nhà lụp xụp mà hai mẹ con Tràng đang ở mà Thị chỉ biết thở dài, bắt tay vào công việc dọn dẹp. Đến bữa ăn về nhà chồng cũng chỉ là nồi cháo loãng với chút muối trắng, cuộc sống của ba con người quả thực rất nghèo khổ.

Qua câu chuyện, nhà văn đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với con người nghèo khổ bằng cả tấm lòng nhân hậu của mình. Ông xót thương cho dân tộc trước thảm họa đói chết. Ông cũng ái ngại cho người con gái bị nạn đói cướp đi gần hết (gia đình, nhan sắc, tính cách, tên tuổi…).

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn nêu đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của Người đàn ông cô độc giữa rừng 7 đoạn văn mẫu lớp 7

Không những vậy, nhà văn còn rất tinh tế khi phát hiện ra khát vọng hạnh phúc và niềm vui khi nhặt vợ của Tràng; cái duyên thầm của thị qua cái liếc mắt với Tràng…Có thể nói, nhà văn rất trân trọng và tự hào về vẻ đẹp nhân tính của con người lao động nghèo trước thảm họa đau thương, chết chóc.

Đồng thời nhà văn còn tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động qua hình ảnh của bà cụ Tứ: một người mẹ giàu tình thương con, giàu lòng nhân hậu và niềm tin vào cuộc sống và đây cũng chính là niềm tin của nhà văn vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Thông qua tình huống truyện, nhà văn lên án và tố cáo tội ác của Nhật – Pháp đã đẩy nhân dân ta vào thảm họa đói nghèo, chết chóc. Chính chúng đã làm cho giá trị con người trở thành rẻ rúng như rơm như rác: vợ mà nhặt được.

Đúng là một tình huống truyện rất lạ mà Kim Lân đã dựng nên. Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống éo le để làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc. Ông không chỉ muốn nói lên nét đẹp trong tính cách con người Việt Nam là dù có ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, lúc nào cũng có thể đối mặt với cái chết nhưng họ vẫn yêu thương, quan tâm nhau mà ông còn muốn lên án chế độ thực dân độc ác đã khiến nhân dân ta trở nên nghèo đói, lầm than.

Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa

Đời thừa (1943) là một truyện ngắn nổi bật của Nam Cao trong mảng đề tài về người trí thức. Tác phẩm đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và thường được xem như một tuyên ngôn của Nam Cao về văn học. Không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng, Đời thừa còn đặc sắc về nghệ thuật tự sự. Đây cũng là phương diện chưa được chú ý nhiều trong những phân tích, bình giảng về truyện ngắn này.

Đời thừa có cấu trúc điển hình của một truyện ngắn. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra từ ngày hôm trước đến sáng hôm sau với sự kiện chính là trận say rượu của nhà văn Hộ, nhân vật trung tâm. Câu chuyện cũng không được thuật lại theo trình tự thời gian. Truyện mở đầu bằng đoạn văn mà người kể chuyện miêu tả cận cảnh khoảnh khắc Hộ đang chăm chú đọc sách, qua đó có thể thấy thế giới sách là niềm say mê lớn nhất của nhân vật. Rồi từ đó, mạch truyện hồi cố những chi tiết trong quá khứ của nhân vật, người kể chuyện cung cấp cho người đọc những chi tiết để hình dung về con người của Hộ, nhất là những suy tư của nhân vật. Cách tổ chức mạch truyện phá vỡ trật tự sự kiện như vậy chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống.

Đời thừa là một truyện ngắn ít hành động không có những kịch tính dồn dập, thay vào đó, truyện tập trung miêu tả dòng suy tưởng và những xung đột trong thế giới tinh thần của nhân vật. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba, trần thuật theo điểm nhìn bên trong gắn với ý thức của nhân vật hơn là từ điểm nhìn bên ngoài. Hình thức trần thuật hướng nội này phù hợp với việc khắc hoạ nhân vật như là một con người có đời sống tư tưởng. Hộ không khỏi làm người đọc liên hệ đến Điền, nhân vật nhà văn trong truyện ngắn Giăng sáng được Nam Cao sáng tác trước đó. Nhưng nếu như Điền vốn từng có những ngộ nhận trong việc xác định giá trị mình muốn theo đuổi trong sự nghiệp và đời sống thì ngay từ đầu, Hộ đã được miêu tả như một con người có những lí tưởng đáng trân trọng. Hộ đặt ra nguyên tắc sống tình thương coi kẻ mạnh phải là người “nâng người khác trên đôi vai của mình” và bản thân Hộ, bằng hành động giang tay giúp đỡ Từ khi cô bị phụ bạc, đã hiện thực hóa nguyên tắc sống ấy. Trong nghề nghiệp, Hộ nuôi hoài bão văn chương và nhân vật hiểu rõ văn chương chân chính đòi hỏi những phẩm chất rất cao như thế nào. Nhưng vì cuộc sống khốn quẫn, những giá trị đáng ra phải cộng hưởng với nhau lại nảy sinh xung đột.

Trên thực tế, nhân vật của Nam Cao đã lựa chọn lẽ sống tình thương thay cho khát vọng sự nghiệp. Hộ chấp nhận gác lại tham vọng văn chương, chấp nhận viết văn để kiếm tiền – điều mà trước đó anh vốn không nghĩ đến. Thứ văn chương dùng để mưu sinh ấy khiến Hộ đành phải dễ dãi với ngòi bút của mình, viết nhanh, viết nông không thể cầu toàn với chữ nghĩa như trước kia nữa, nhờ đó, mới có thể nuôi sống được gia đình. Sự lựa chọn này có thể trấn an nhân vật về mặt đạo đức nhưng hoàn toàn không đem đến sự thanh thản trong nội tâm của Hộ. Bởi khát vọng văn chương là thứ khiến Hộ có thể khẳng định ý nghĩa đời sống của bản thân như một cá nhân, điều mà bổn phận đạo lí không thể khỏa lấp trọn vẹn. Đấy chính là lí do khiến Hộ luôn dằn vặt trước trang viết của mình. Có một khía cạnh đáng chú ý ở đây: thực ra xã hội không phê phán Hộ vì anh viết dở, viết nhật; thứ văn chương mà Hộ tự thấy tầm thường ấy vẫn được in báo, vẫn được trả nhuận bút. Nhưng chính sự tự ý thức của Hộ đã khiến nhân vật không thể yên tâm với sự dễ dãi của xã hội với các giá trị tầm thường. Anh thấy mình không phải đang tạm gác lại khát vọng sự nghiệp mà là mình đang “hỏng”, đang phản bội chính những lí tưởng mà mình đã xác định. Trong nội tâm của Hộ, thường xuyên có một phiên toà, nơi chính anh tự kết án chính mình bằng những ngôn từ nặng nề nhất như “khốn nạn”, “cẩu thả”, “bất lương”, “đê tiện”. Nương theo dòng suy nghĩ của nhân vật, người kể chuyện như giúp người đọc “quan sát cận cảnh” xung đột nội tâm thường trực ở Hộ. Hình thức lời trần thuật nửa trực tiếp với các từ được chú ý lặp lại, các câu hỏi mang tính chất tự vấn đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tả sự tự đay nghiến cũng như nỗi thất vọng của nhân vật về chính mình: “Khốn nạn! Khốn nạn Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là thằng khốn nạn! […] Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có… Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt”.

Tham khảo thêm:   Công nghệ 6 Ôn tập chương 1 Giải Công nghệ lớp 6 trang 23 sách Chân trời sáng tạo

Nhưng bi kịch ở Hộ không phải chỉ nằm ở chỗ sự nghiệp rơi vào bế tắc. Sự xuống dốc trên con đường văn chương của Hộ kéo theo sự tha hoá về nhân cách của nhân vật. Hộ biến nỗi bất mãn về bản thân thành những hành động bạo hành mà vợ con của mình – những người trước đó anh từng coi là đối tượng để thực hành lẽ sống tình thương – phải hứng chịu. Không chỉ phản bội lại lí tưởng văn chương Hộ còn tự giẫm đạp lên lí tưởng sống của mình. Trải nghiệm của Hộ sau trận say rượu – sự kiện duy nhất được miêu tả trong truyện ngắn này – không phải là trải nghiệm lần đầu của nhân vật. Nhớ lại những gì mình đã làm trong cơn say, Hộ xấu hổ và ăn năn, lại sẵn sàng tự kết án mình bằng ngôn từ nặng nề nhất có thể trước mặt Từ: “Anh… anh… chỉ là… một thằng khốn nạn!..”. Và Từ, hẳn đây cũng không phải là lần đầu tiên và duy nhất, từ chối vai trò là quan tòa khi nghe lời xưng tội của Hộ. Ngay lập tức, cô đặt mình vào vai trò của người bào chữa cho Hộ khi nói Hộ “chỉ là một người khổ sở”. Và rồi cuối cùng cô tự kết án mình mới chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Hộ: “Chính vì em mà anh khổ…”. Tất cả những gì Từ có thể làm chỉ là chịu tội thay. Kẻ xưng tội thì không được thừa nhận tội; kẻ được quyền kết tội thì không chỉ từ chối quyền đó mà còn cả thẩm quyền tha thứ. Câu chuyện kết thúc nhưng những vấn đề trong đời sống của cả Từ và Hộ vẫn cứ ngổn ngang, hầu như không thể giải quyết.

Người kể chuyện ở đây giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. Khoảng cách ấy được thể hiện rõ nhất qua giọng điệu trần thuật. Người kể chuyện có những đồng cảm nhất định với cuộc đấu tranh nội tâm của Hộ, ghi nhận sự chân thành trong thái độ ăn năn, biết lỗi của nhân vật sau trận say. Nhưng mặt khác, người kể chuyện cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc đối với Hộ qua cách dùng đại từ nhân xưng “hắn” để gọi nhân vật, qua giọng điệu kể hàm chứa sự mỉa

mai ngầm đối với cơn cao hứng của Hộ khi tuyên ngôn về văn chương giữa cuộc say, và nhất là qua cách miêu tả tiếng khóc của nhân vật. Khoảnh khắc Hộ bật khóc như “nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh” chính là khoảnh khắc nhân vật đối diện với sự thật của chính mình, rằng Hộ không phải là “kẻ mạnh” như anh từng nghĩ, rằng thay vì nâng đỡ Từ, một người yếu đuối như anh từng tâm niệm thì hoá ra chính anh lại đang giày vò Từ, bắt Từ chịu thêm những tổn thương. Và liệu rằng những triết lí sống tưởng như đẹp đẽ mà Hộ muốn vươn đến đã thoát ra khỏi chủ nghĩa vị kỉ của một cá nhân vốn được mặc định là “kẻ mạnh”? Có thể nói, người kể chuyện đã thay mặt Nam Cao để làm cái việc mà ông quan tâm nhất khi cầm bút. Đó là “đau đáu nhìn vào cái nhân cách”, là việc “săn đuổi chính mình đầy ráo riết” và cũng là “săn đuổi cái nhân cách con người ta nói chung” (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu).

Đời thừa là một truyện ngắn giàu tính phê phán. Ngoài phê phán việc con người, nhất là người trí thức, có thể đánh mất mình như thế nào, truyện ngắn của Nam Cao còn muốn phê phán những thiết chế xã hội đã đẩy các giá trị lớn vào tình thế xung đột với nhau, nơi cái tầm thường được biện bạch bằng lí do hoàn cảnh, trong khi đó những lí tưởng, khát vọng lớn của con người lại bị hi sinh, bị tha hoá bởi những thứ tưởng như nhỏ nhặt nhất trong đời thường, khiến sự sống của con người trở nên mất ý nghĩa. Sự phê phán của Nam Cao là biểu hiện của một “tấm lòng thương đời nhất” và một “con mắt nhìn đời ác nhất”2), nói như Nguyễn Minh Châu. Tất cả điều này gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc nhờ một nghệ thuật tự sự có chiều sâu, giàu sức thuyết phục.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện Những bài văn hay lớp 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *