Suy nghĩ về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài nói của mình.
Nhờ đó, các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống – Bài 4: Truyện ngắn SGK Ngữ văn 9 Cánh diều tập 1 trang 106. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn, hoàn thiện bài nói thật hay:
Đề bài: Em suy nghĩ như thế nào về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại?
Suy nghĩ về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại – Mẫu 1
Xin chào cô giáo và các bạn, em tên là Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 9A, trường THCS An Thượng, hôm nay em xin trình bày vấn đề: giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại.
Làng quê Việt Nam từ lâu đã trở thành biểu tượng cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nơi đây lưu giữ những nét đẹp bình dị, mộc mạc trong kiến trúc nhà cửa, trang phục, ẩm thực, đến các lễ hội, phong tục tập quán. Giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê trong xã hội hiện đại là một trách nhiệm quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và mỗi cá nhân.
Trước hết, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa làng quê góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Làng quê là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Đó là những ngôi nhà cổ kính, những mái đình cong cong, những trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, những món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương, những lễ hội truyền thống độc đáo,… Giữ gìn những giá trị văn hóa này chính là bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc, tránh nguy cơ mai một trước sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai.
Hơn nữa, phát huy bản sắc văn hóa làng quê còn là động lực để phát triển du lịch. Làng quê Việt Nam với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Việc phát huy những giá trị văn hóa này sẽ góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.
Bên cạnh đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc. Làng quê là nơi lưu giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như lòng hiếu thảo, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng,… Giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị này giúp các em hình thành nhân cách con người Việt Nam, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ngoài ra, phát huy bản sắc văn hóa làng quê còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Việc xây dựng làng quê văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo môi trường sống văn minh, an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê trong xã hội hiện đại cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Đó là sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, cũng như ý thức của một bộ phận người dân còn chưa được nâng cao.
Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa làng quê trong xã hội hiện đại, cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các cấp chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân phát huy sáng tạo trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê.
Kết luận, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam là một trách nhiệm quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và mỗi cá nhân. Cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Suy nghĩ về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại – Mẫu 2
Xin chào cô giáo và các bạn, em tên là Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 9A, trường THCS An Thượng, hôm nay em xin trình bày vấn đề: giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại?
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với bao biến đổi và thăng trầm, văn hóa Việt Nam đã hình thành, phát triển và tạo dựng nên những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam chính là văn hóa làng quê. Đó là chiếc nôi hình thành, phát triển, nuôi dưỡng, trao truyền những giá trị văn hóa Việt Nam và nhân cách con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng quê Việt Nam vẫn được gìn giữ, vui đắp, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng quê Việt Nam từ xa xưa đã được xây dựng thành những tổ chức xã hội nhất định. Diện mạo của các tổ chức xã hội này được hình thành theo nhiệm vụ, được quy định trong hương ước, phong tục của làng. Hương ước của làng là một di sản văn hóa quý giá, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của làng quê Việt Nam. Làng là vùng đất do các nhóm người đầu tiên của làng đến khai phá, sinh sống và lập nghiệp. Vì vậy, làng là nơi cộng đồng dân cư được tập hợp theo quan hệ huyết thống, quan hệ địa vực và quan hệ nghề nghiệp. Làng quê Việt Nam chủ yếu là cộng đồng của những người tiểu nông trồng lúa nước và là nơi sản xuất tự cung, tự cấp là chính. Ở mỗi vùng miền của đất nước, làng có những đặc trưng riêng. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình và nhân cách con người ở mỗi vùng miền, với những nét khác biệt.
Ngay từ lúc còn sơ khai, làng quê Việt Nam đã là một cộng đồng văn hóa. Do nhu cầu sống, tổ chức sản xuất, chống chọi với thiên tai, địch họa mà cư dân trong làng đã cố kết lại với nhau thành cộng đồng bền chặt. Làng quê Việt Nam từ bao đời nay là nơi người dân cư trú, sinh sống, lao động, sản xuất và tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa đồng thời là nơi cố kết mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng. Văn hóa làng chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời, là công cụ, phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ hoạt động của cư dân. Người dân trong làng sống nặng tình nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn. Tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống, kỷ cương của làng.
Làng quê ở mỗi vùng miền có những yếu tố văn hóa khác nhau, làng quê ở Nam Bộ khác với làng quê ở Bắc Bộ, nhưng về tổng thể thì cấu trúc của làng quê có nhiều điểm giống nhau, vì đó là sự phản ánh sự di cư của mô hình làng quê từ Bắc vào Nam. Vì thế khi nói đến làng quê Việt Nam người ta thường nói đến làng quê ở Bắc Bộ, văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống thể hiện rõ nét nhất trong văn hóa làng quê Bắc Bộ. Quan sát làng quê Bắc Bộ, ta thường thấy điểm nhấn của làng quê là ngôi đình, ngôi chùa, cây đa, bến nước, sân đình, con đê, chợ làng, vài ba hàng quán đầu làng. Hầu hết các làng đều có lũy tre bao bọc xung quanh. Lũy tre làng là áo giáp chở che làng, bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của dân làng. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, làng dựa vào lũy tre trở thành pháo đài chống giặc. Cây tre trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Điểm nhấn đặc trưng của văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống cần phải nhắc đến: chùa làng, đình làng; đời sống tôn giáo, tín ngưỡng; cơ chế hoạt động; phong tục, tập quán; cách ứng xử; phương thức hoạt động… Chùa làng thường gắn với đình làng, đó là bộ đôi trong tâm thức người Việt. Chùa làng nhằm đáp ứng nhu cầu rất sâu đậm của đời sống thôn quê. Người dân đến chùa là tìm đến sự bình yên trong cõi lòng mình, để tìm đến điều thiện, để cầu mong những điều mình mơ ước. Đình làng được coi là trung tâm của làng, là nơi thờ Thành hoàng làng, nơi tổ chức các hoạt động hành chính của làng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của làng. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thể hiện rõ nhất trong việc thờ cúng tổ tiên. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn những bậc sinh thành, đến công lao của tổ tông đã gây dựng nên nền nếp gia phong, truyền thống của gia đình. Hương ước là luật lệ của làng được ghi thành văn bản, có tính bắt buộc các thành viên của làng phải tuân thủ. Nó quy định cơ chế và phương thức hoạt động, phong tục và tập quán, mối quan hệ ứng xử nội bộ trong làng. Hương ước gắn bó các thành viên trong một cộng đồng tương đối chặt chẽ và tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau, phục tùng các quy định và sự quản lý của làng.
Các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng, văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống là kết quả của quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và lao động sản xuất của con người để hình thành nên những nét đặc trưng riêng của xã hội Việt Nam, nó được nảy sinh trên nền tảng sinh hoạt của con người trong khung cảnh làng quê ở nông thôn. Văn hóa làng quê trùm lên, bao bọc mỗi đời người được sinh ra và lớn lên ở làng quê, nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành cội nguồn của nền văn hóa dân tộc. Văn hóa làng quê có tính đa dạng, những hoạt động trong làng rất phong phú và mang tính cộng đồng cao. Văn hóa làng quê Việt Nam ngày nay vẫn mang bản sắc của một lối sống có mối quan hệ chặt chẽ, là nơi mà quyền lợi của mỗi thành viên và quyền lợi của cả làng gắn bó.
Dưới tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất nước và con người Việt Nam đang biến đổi hàng ngày trong đó có văn hóa làng quê Việt Nam. Sự biến đổi của văn hóa làng quê là xu hướng mang tính quy luật trong sự vận động, phát triển của văn hóa. Khi có sự tác động của môi trường sống thay đổi, con người và văn hóa cũng dần biến đổi cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống. Đó là kết quả của sự tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện, tự giác do vai trò tự điều chỉnh văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người trong cuộc sống cộng đồng để cùng thích ứng với đời sống xã hội hiện tại.
Biến đổi văn hóa làng quê đó là những sự vận động, thay đổi của bức tranh văn hóa làng quê nói chung, cũng như sự biến đổi của các thành tố, phương diện trong chỉnh thể đời sống văn hóa của làng quê. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ngày càng sâu rộng, nhanh chóng như hiện nay, những biến đổi trong bức tranh văn hóa của làng quê diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đó là sự thay đổi từ lối sống, cách sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đến cách tư duy, nếp nghĩ, hệ giá trị, các phong tục tập quán… Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa tinh thần đang diễn ra do những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế – xã hội, với xu hướng tiếp biến, đan xen giữa các yếu tố cũ và mới, nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại…
Để khắc phục tình trạng trên, trước hết mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Học sinh cần phải đặt trách nhiệm những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam lên hàng đầu và tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của làng quê Việt Nam.
Mỗi con người một hành động nhỏ sẽ đem lại những giá trị to lớn cho đất nước. Chính vì thế chúng ta cần có ý thức đúng đắn và bắt tay vào hành động để giữ gìn những những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, khiến làng quê Việt Nam nói riêng và đất nước ta nói chung ngày càng tươi đẹp hơn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống – Cánh diều của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.