Phân tích sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá gồm 4 mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ sự gắn kết, hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá còn bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ Huy Cận về đất nước. Qua đó, cho ta thấy khả năng quan sát, miêu tả cảnh vật thiên nhiên thật sinh động, tỉ mỉ, của nhà thơ. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Đề bài: Những chi tiết khắc họa hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động trên biển cả trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
Dàn ý Sự tráng lệ, hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá
1. Mở bài
- Giới thiệu chung về tác giả Huy Cận, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
2. Thân bài
- Trình bày những chi tiết khắc họa sự tráng lệ, hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong bài thơ.
- Phân tích những chi tiết ấy để thấy rõ được điều ấy
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận của em về những chi tiết đó.
Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá – Mẫu 1
Mở đầu bài thơ là cảnh tượng vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người do một liên tưởng so sánh thú vị của nhà thơ:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Cảm hứng vũ trụ quen thuộc của thơ Huy Cận với những so sánh, liên tưởng bất ngờ, thú vị: mặt trời như một hòn lửa đỏ rực khổng lồ. Những lượn sóng dài như những then cài, đang cài then và đêm tối bao trùm trời đất như hai cánh cửa vĩ đại đang sập lại. Vũ trụ thiên nhiên như một ngôi nhà vĩ đại mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Từ đó, tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà thật từ sự gắn kết ba sự vật và hiện tượng: cánh buồm, gió khơi và câu hát của người đánh cá:
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Câu hát là niềm vui, sự phấn chấn của người lao động như đã có một sức mạnh vật chất để cùng với ngọn gió làm căng buồm cho con thuyền lướt nhanh ra khơi, bắt đầu công việc đánh cá không ít khó khăn vất vả. Đó là khí thế hăm hở và đầy hào hứng của những con người yêu nghề, yêu biển.
Cảm hứng lãng mạn khiến nhà thơ phát hiện những vẻ đẹp của cảnh đánh cá giữa biển đêm, trong niềm vui phơi phới, khỏe khoắn của người lao động làm chủ công việc của mình:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trên biển cả bao la giờ đây qua cái nhìn của nhà thơ trở nên lớn lao, kì vĩ và ngang tầm vũ trụ. Một con thuyền đặc biệt có gió là người cầm lái, còn trăng là cánh buồm, gợi lên sự nhịp nhàng, hòa quyện của đoàn thuyền với biển trời. Tầm vóc của con người và đoàn thuyền đã được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên, vũ trụ. Hình ảnh thơ thật lãng mạn, bay bổng và con người có tâm hồn cũng thật vui vẻ, phơi phới niềm vui.
Nhưng đây không phải là cuộc du ngoạn bằng thuyền mà đây là một cuộc chiến đấu thực sự để giành lấy từ bàn tay thiên nhiên những của cải, tài nguyên bằng tất cả sức lực, trí tuệ của con người:
Dàn đan thế trận lưới vây giăng,
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên đẹp, lộng lẫy và rực rỡ được thể hiện qua các loài cá trên biển:
– Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
– Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông.
– Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi
Những đoàn cá thu dày đặc lướt đi trong biển. Những đàn cá lướt trong sóng nước tạo nên những luồng sáng trắng loang loáng như dệt biển. Cá vào lưới dày đặc mà tưởng như cá dệt lưới vậy. Cá song đêm xuống thường nổi lên mặt biển hàng đàn cho đến lúc rạng đông. Cá song thường có màu sắc rất sặc sỡ. Trên nền da sẫm có nhiều đốm vằn đỏ hồng như lửa, như những ngọn đuốc đỏ rực sáng lên giữa đêm trăng sao, vẻ đẹp hư ảo, lạ kì. Tôn lên vẻ đẹp rực rỡ, kì diệu của biển cả là sắc màu của những đuôi cá, vây cá, mắt cá với những màu sắc rực rỡ. Trong đêm sao lung linh, những con cá quăng mạnh những chiếc đuôi vẫy nước làm ánh trăng “lấp lánh vàng chóe sáng lên giữa biển đêm. Khi những mẻ lưới nặng trĩu được những bắp tay cuồn cuộn săn chắc kéo lên khỏi mặt nước, những con cá nhảy nhót trong lưới, vảy, đuôi phản chiếu ánh sáng những sắc màu rực rỡ cùng với ánh hồng rực rỡ, tinh khiết của bình minh khiến cho bức tranh có những gam màu tươi sáng, lộng lẫy đến kì lạ: vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng. Những hình ảnh này có vẻ đẹp của tranh sơn mài lung linh, huyền ảo, được sáng tạo bằng liên tưởng, tưởng tượng bay bổng từ sự quan sát hiện thực. Trí tưởng tượng của nhà thơ quả là kì diệu, bút pháp lãng mạn của nhà thơ quả là bay bổng, điều đó đã chắp cánh cho hiện thực trở nên kì ảo, làm giàu thêm cái đẹp vốn có trong tự nhiên.
Đoàn thuyền đánh cá là một bài ca lao động hứng khởi, hào hùng. Nhà thơ ca ngợi biển cả mênh mông – nguồn tài nguyên bất tận của Tổ quốc, ngợi ca những con người lao động cần cù, gan góc, ngày đêm làm giàu cho đất nước. Công việc lao động đánh cá của ngư dân Quảng Ninh trên biển Hạ Long được miêu tả trong sự thống nhất hòa quyện với thiên nhiên trời biển, trăng sao bát ngát, kì vĩ và bay bổng. Cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ hòa hợp với cảm hứng lao động đã tạo nên vẻ đẹp riêng của bài thơ.
Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá – Mẫu 2
“Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên”
Đó là những câu thơ vô cùng ý nghĩa về hình ảnh những con người lao động mới khi đất nước đang xây dựng trong thi phẩm “Mùa thu tới” của nhà thơ Tố Hữu. Hình ảnh những con người ấy đã trở thành một niềm tự hào, một nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều những tác giả. Một trong số đó là Huy Cận, ông đã sáng tác khúc ca “Đoàn thuyền đánh cá” để khắc họa hình ảnh những con người ấy. Trong tác phẩm, nổi bật lên những chi tiết vô cùng đặc sắc, tráng lệ, là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Mở đầu bài thơ chính là một bức tranh hoàng hôn tuyệt đẹp với hình ảnh vô cùng hùng vĩ, tráng lệ:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa”
Đó là một sự liên tưởng, tưởng tượng vô cùng thú vị. Mặt trời được ví như hòn lửa đỏ rực. Phép tu từ so sánh được sử dụng đem đến một bức tranh hoàng hôn vô cùng rực rỡ, tráng lệ, ấm áp. Câu thơ thứ hai lại sử dụng biện pháp ẩn dụ vô cùng tinh tế “Sóng – cài then”, “Đêm – sập cửa”. Tất cả thiên nhiên, vũ trụ đều tĩnh lặng, đi vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Vũ trụ như một ngôi nhà. Tất cả biển cả bao la như ngôi nhà thứ hai với những người dân chài lưới.
Hai câu đầu tả cảnh thì tiếp đến hai câu sau của khổ thơ lại tả hình ảnh con người:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
Đây là một kết cấu tương xứng. Câu hát là niềm vui, sự phấn khởi của những con người lao động. Đây như một sức mạnh vô hình để thuyền ta căng buồm lướt gió khơi.
Cảm hứng, khí thế ấy tiếp tục được thể hiện qua cảnh đoàn thuyền đánh cá trong đêm trăng. Với những câu thơ vô cùng đặc sắc, giàu chất tạo hình:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Con thuyền giờ đây đã mang tầm vóc lớn lao. Thuyền có gió làm bánh lái, có trăng làm cánh buồm, “lướt giữa mây cao với biển bằng”, giữa mây trời và sóng nước. Con người cũng mang tầm vóc, tư thế làm chủ. Hình ảnh con người đã hòa nhập cùng với thiên nhiên, họ ở những vị trí trung tâm ra tận xa để dò bụng biển, dàn đan thế trận, bủa lưới vây giăng. Công việc ấy như một cuộc chinh phục của con người với biển cả, thiên nhiên.
Sau đó là hàng loạt những chi tiết tiếp theo thể hiện sự gắn bó, hòa hợp của con người với thiên nhiên:
“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao…”
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng…”
Hình ảnh những người dân đánh cá trong niềm vui, hứng khởi bằng những câu hát đầy hào hùng cho chúng ta thấy một niềm vui phơi phới trong lao động. Sao mờ, đêm tàn cũng là lúc người dân chài lưới kéo cá lên với sự khẩn trương, gấp gáp, vội vã.
Ngoài ra, một loạt những hình ảnh thiên nhiên đẹp, lộng lẫy, rực rỡ được thể hiện qua bức tranh về những loài cá trên biển:
“Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng…”
“Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông…”
Tất cả hình ảnh, âm thanh, màu sắc hài hòa tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về các loài cá trên biển khơi và tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo trên nền sông nước bao la.
Bài thơ nói chung và những chi tiết đặc sắc thể hiện sự tráng lệ, hài hòa của thiên nhiên và con người nói riêng đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên hài hòa với bức tranh lao động của con người trên biển khơi bao la.
Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá – Mẫu 3
Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu, nổi tiếng trong phong trào thơ Mới cả trước và sau cách mạng. Hòa cùng với không khí của ngày hội dân tộc, Huy Cận như tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của đất nước, của nhân dân sau khi hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc. Vì thế, hồn thơ Huy Cận bỗng nảy nở trở lại sau bao năm không cầm bút. Và bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (1958) được ra đời như một định mệnh. Bài thơ là bài ca lao động, ca khúc khải hoàn về sự đổi thay của cuộc sống nhân dân, sau bao năm lửa đạn đau thương dưới sự xâm lược của thực dân. Đọc xong bài thơ, chúng ta không chỉ cảm nhận được tinh thần khỏe khoắn, lao động hăng say của những người ngư dân miền biển, mà bài thơ còn sáng lên vẻ đẹp lấp lánh của một bức tranh thiên vừa hùng vĩ, tráng lệ, vừa lung linh huyền ảo và rực rỡ tươi sáng của biển trời bao la.
Trước hết, mở đầu bài thơ là một bức tranh thiên nhiên trên biển vào lúc buổi chiều hoàng hôn buông xuống thật huy hoàng, tráng lệ:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Hình ảnh “mặt trời” được nhân hóa (xuống biển) và so sánh (như hòn lửa) trở nên sống động, huy hoàng, gần gũi và ấm áp. Đó là tín hiệu của sự vận động, chảy trôi của thời gian, báo hiệu thời khắc của ngày tàn đêm đến. “Sóng” và “đêm” cũng được nhân hóa với hành động “cài then”, “sập cửa”. Vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn đang vào đêm với động tác như con người: tắt lửa, cài then, sập cửa. Màn đêm như là tấm cửa khổng lồ đã sập xuống, còn những con sóng lượn là cái then cài. Thiên nhiên như dọn dẹp để nghỉ ngơi sau một chu trình hoạt động. Cảnh thật đẹp, diễm lệ, xuất phát từ cảm hứng vũ trụ mạnh mẽ, có phần thi vị lãng mạn hóa.
Theo nhịp bước vận động của thời gian, của một chuyến hành trình tiến ra khơi xa của đoàn thuyền đánh cá, mọi vẻ đẹp và sự giàu có trù phú của biển cả như dần hiện hình, nổi sắc dưới ống kính quay chậm của nhà thơ. Các loài cá biển được liệt kê ra như biểu trưng cho sự giàu đẹp của biển Đông mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người:
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Những đàn cá thu được so sánh “như thoi đưa”, có tác dụng diễn tả cá ở biển Đông thật nhiều, thật đông và bơi nhanh như thoi đưa vậy. Và chính các loài cá tôm, thủy sản ở dưới biển ấy, đã làm nên những “luồng sáng”, sự sống của biển cả thiên nhiên. Và sau khi đã đưa chiếc thuyền tiến ra khơi xa, quăng lưới bủa vây đánh bắt cá thì tất cả cảnh đẹp giàu có và hết sức thơ mộng của biển cả như thu lại vào trong tầm mắt của người ngư dân trên khoang thuyền:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa: nước Hạ Long.
Nhà thơ như nhập thân vào những người ngư dân trên biển cả mà cảm nhận tất cả vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên. Biển đẹp và giàu có đã tô điểm cho sức sống của biển cả và làm cho bức tranh lao động thêm rực rỡ, tươi vui. Nghệ thuật liệt kê các loài cá: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song có tác dụng thể hiện sự giàu có của biển cả. Biển cả rất phong phú thủy hải sản, toàn loài cá hiếm, cá ngon ( chim, thu, nhụ, đé là tứ quí của biển Đông) đang đợi con người tới đánh bắt. Biển không chỉ giàu mà còn rất đẹp, rất thơ mộng. Điều đó được tạo nên bởi sự phối hợp màu sắc của thiên nhiên với sắc màu của các loài cá trên biển: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe.
Những con cá song hiện lên như những ngọn đuốc đen hồng đang bơi trong luồng nước dưới ánh trăng đêm. Những đàn cá tung tăng, bơi lội quẫy đuôi làm cho ánh trăng in xuống mặt nước như bị tan ra thành biển trăng “vàng chóe”. Câu thơ cuối qua phép nhân hóa, khiến cho thấy vũ trụ hiện lên như một người khổng lồ, biển cả như một cái lồng ngực đang phập phồng những hơi thở đều đặn. Những ánh sao đêm in xuống mặt nước, thủy triều xô bóng sao dưới mặt nước mà tạo thành sao lùa nước Hạ Long. Và trong hình dung của nhà thơ, ấy chính là tiếng thở của đêm, của biển cả thiên nhiên sóng nước. Không gian biển cả chao nghiêng vừa như thực, vừa như hư, đậm chất lãng mạn bay bổng. Và chính sự giàu đẹp của biển đã đem lại cho những người ngư dân vùng chài một mùa lao động bội thu:
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Hình ảnh người lao động kéo lưới “xoăn tay” là một nét vẽ tạo hình đầy góc cạnh, không chỉ cho thấy vẻ đẹp gân guốc, cường tráng mạnh mẽ của những bắp thịt trên cánh tay các chàng thanh niên khỏe mạnh mà còn cho thấy sức nặng như “ngàn cân” của những chùm cá nặng trĩu, đầy ắp. Ánh nắng hồng của bình minh hòa cùng với sắc màu của cá: “bạc”, “vàng” có tác dụng tô đậm thêm sự giàu có và quí giá “rừng vàng biển bạc” của biển cả mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Vì thế, con người như càng thấm thía biết ơn trước biển cả quê hương:
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Nghệ thuật so sánh và nhân hóa vừa cho thấy được tình cảm bao la, vĩ đại, cao cả của người mẹ biển cả tự nhiên; lại vừa bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc của con người ngư dân đối với người mẹ thiên nhiên, vũ trụ. Cuối cùng, vẻ đẹp thiên nhiên biển cả hiện lên lung linh, rực rỡ, chan hòa ánh sáng trong buổi sớm bình minh, cùng với đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về:
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Kết cấu vòng tròn đã tạo nên sự tuần hoàn của vũ trụ. Hình ảnh mặt trời ở khổ đầu đã mở ra tứ thơ và khép lại ở khổ cuối, diễn tả một chu trình hoạt động của một đêm đánh cá trên biển của người ngư dân vùng chài. Mặt trời với ánh sáng của bình minh tươi đẹp đã chiếu rọi vào đôi mắt cá như điểm tô cho thành quả lao động của con người thêm rực rỡ, huy hoàng. Mặt trời chiếu rọi vào những mắt cá khiến muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa ánh hào quang. Đồng thời, ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp muôn nơi trên biển cả đại dương mênh mông bát ngát ấy, không chỉ dừng lại ở việc khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự hồi sinh của đất nước, của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới sau bao nhiêu năm đọa đầy dưới làn bom, mũi súng của kẻ thù thực dân.
Tóm lại, qua vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên vùng biển, chúng ta thấy được khả năng quan sát, miêu tả cảnh vật thiên nhiên thật sinh động, tỉ mỉ, kĩ càng của nhà thơ; đồng thời cho thấy tưởng tượng bay bổng, phong phú cùng cảm hứng vũ trụ thật mãnh liệt của Huy Cận. Từ đó, làm cho bức tranh thiên nhiên như một bức tranh sơn mài đẹp, rực rỡ, cuốn hút lạ thường, góp phần làm tôn nên vẻ đẹp của con người lao động: khỏe khoắn, tươi vui, tràn đầy sức sống. Qua đó người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, niềm rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu cuộc sống, yêu con người của hồn thơ Huy Cận sau cách mạng.
Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá – Mẫu 4
Có ai đó từng cho rằng: một trong những nguồn gốc quan trọng của thơ ca chính là đời sống lao động của nhân dân. Điều đó hẳn đúng với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Bài thơ thực sự cất lên từ nhịp sống lao động hăng say, khoáng đạt của những người dân vùng chài. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp và mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên trên cái nền lộng lẫy, tráng lệ của vũ trụ biển cả. Đoạn thơ sau trong bài thơ tiêu biểu cho điều đó:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
…
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Bài thơ được sáng tác trong chuyến đi công tác của Huy Cận tại vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh năm 1958 và được bắt nguồn từ cảm hứng ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của miền Bắc tự do độc lập. Với ý nghĩa đó, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ và niềm vui, niềm tin trước cuộc sống mới trong những năm đầu xây dựng đất nước.
Ba khổ thơ trên nằm giữa bài thơ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh hoàng hôn trên biển và những con thuyền đánh cá ra khơi. Người dân chài đến với biển lớn bằng một tinh thần lao động hăng say và tâm hồn khỏe khoắn “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Và biển cả bao la giàu có phóng khoáng dang tay đón họ:
“Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!
Những khổ thơ trên nối tiếp mạch cảm xúc đó.
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng…”
Thuyền có lái, có buồm nhưng lái bằng gió, buồm là buồm trăng. Đoàn thuyền lướt đi trong đêm không phải bằng sức mạnh của con người mà bằng sức mạnh của câu hát hoà cùng sức mạnh của gió, cộng hưởng sức mạnh của trăng. Bởi thế mà thuyền như lướt đi, như bay lên. Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé qua cảm hứng vũ trụ đã trở nên kỳ vĩ, khổng lồ, sánh ngang tầm với vũ trụ. Và trên con thuyền ấy, người như dần hiện lên trong tư thế làm chủ:
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Đã qua rồi thời con người còn nhỏ bé, đơn độc trước sức mạnh bí ẩn của biển cả. Mang trong mình khí thế của người làm chủ, biển thu hẹp lại để con người “ra đậu dặm xa”, “dàn đan thế trận” và “dò bụng biển” để con người tìm tòi, khám phá. Họ đàng hoàng ra những nơi xa để bắt thiên nhiên phục vụ. Họ những dân chài mang theo cả sức trẻ, sức khoẻ, mang theo cả sự tìm tòi, khám phá để tung phá thế giới bí hiểm của thiên nhiên. Việc đánh bắt ấy như một trận chiến mà mỗi người lao động như một chiến sĩ. Hát khi ra khơi, hát cho cuộc hành trình và những người lao động còn hát để ca ngợi sự giàu đẹp của biển cả:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Các loài cá được kể tên: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song đã nói lên sự phong phú, giàu có của biển. Không chỉ giàu mà biển còn rất đẹp: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng / Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé”. Dưới ánh trăng, cá song quẫy mặt nước. Thân cá có khoang màu hồng lấp lánh như ánh sáng chuyển động dưới ngọn đuốc. Hình ảnh ấy cũng từng gợi hứng cho nhà thơ Chế Lan Viên viết nên câu thơ kì tài: “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”. Có thể nói, với hình ảnh cá song, hai nhà thơ không chỉ gặp nhau ở sức liên tưởng mà còn “cùng chí hướng” ở cảm hứng sáng tác: nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực, từ đời sống lao động của quần chúng nhân dân.
Đoạn thơ mang nhiều sắc ánh sáng: ánh sáng đen hồng, lấp lánh của cá song, ánh sáng vàng choé của trăng vỡ trên mặt nước. Những gam sắc ánh sáng hoà cùng bóng tối của màn đêm tạo ra bức tranh sơn mài lóng lánh sắc màu. Trong niềm xúc động, nhà thơ như thấy đâu đây hình ảnh những nàng tiên cá thần kì và do đó, Huy Cận đã viết một câu thơ thật thi vị, hữu tình: “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”. Hình ảnh ấy càng được tôn lên bội phần bởi một liên tưởng tài tình:
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long
Hình ảnh nhân hoá thật độc đáo. Đêm vẫn thư giãn và thủy triều lên xuống tạo ra hơi thở của đêm. Những đốm sao bạt ngàn in trên mặt nước, trôi dạt trên đầu những ngọn sóng triều đập vào bãi cát được ví như: “lùa nước Hạ Long”. Sao với nước cũng xuất hiện và tồn tại trong nhịp thở của đêm. Nối những miền không gian lại với nhau, thiên nhiên như bức tranh sơn mài tráng lệ và kỳ ảo. Tiếng hát theo những người dân chài trong suốt cả cuộc hành trình và giờ đây tiếng hát cất lên là để gọi cá vào lưới:
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Người dân gọi cá bằng tiếng hát và trăng tạo ra nhịp gõ. Động tác lao động bình thường: gõ nhịp vào mạn thuyền để dồn cá, qua lăng kính cảm xúc bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Trăng lên cao dần từng lúc, trăng tan vào nước biển, vỗ vào mạn thuyền làm nhịp hay con thuyền đang lướt dập dềnh bồng bềnh giữa biển khơi như chạm vỡ ánh trăng tạo thành nhịp. Công việc đánh bắt cá từ nặng nhọc bỗng trở nên thi vị lãng mạn. Từ sự giàu đẹp của biển là những suy ngẫm về lòng biển bao dung:
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào
Nhà thơ Huy Cận đã thật tài tình khi so sánh lòng biển với “lòng mẹ”. Biển cả dữ dội và bao la và lòng biển thẳm sâu không còn là điều kì bí, đáng sợ. Với nhà thơ, lòng biển mênh mông, rộng rãi đầy cá như tấm lòng mẹ bao dung, độ lượng. Chính lòng biển là lòng mẹ đã “nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Câu thơ là khúc tâm tình thiết tha với biển thân yêu, là lời cảm ơn biển, biển vừa bao la mà lại trĩu nặng yêu thương.
Bài thơ là sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng: cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui, sự hào hứng trong thời kỳ miền Bắc bước vào xây dựng cuộc sống mới và cảm hứng vũ trụ là nét nổi bật trong hồn thơ Huy Cận. Sự gặp gỡ, giao hoà của hai nguồn cảm hứng đó đã tạo nên những hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.
Ngợi ca vẻ đẹp hùng tráng và thơ mộng của biển khơi, ngợi ca cuộc sống tưng bừng niềm vui xây dựng, bài thơ thực sự là tiếng hát cất lên từ hồn thơ Huy Cận để dâng tặng cuộc đời. Mang trong mình cả phong vị cổ điển nhưng lại rất hiện đại ở những liên tưởng bất ngờ, cảm hứng vũ trụ hoà cùng dòng cảm hứng lãng mạn, bài thơ mở ra một viễn cảnh thật huy hoàng và tràn đầy niềm tin vào một tương lai nhất định nở hoa.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh cá Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.