TOP 20 bài Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích SIÊU HAY, kèm theo 2 dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ tâm trạng cô đơn, buồn tủi, cùng tấm lòng thủy chung của Thúy Kiều.
Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích thể hiện rõ nhất bút pháp tả cảnh ngụ tình bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Ông đã khắc hoạ thành công tâm trạng, bi kịch của Thuý Kiều. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để hiểu sâu sắc hơn, viết văn ngày càng hay hơn:
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du
- Sơ đồ tư duy Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Dàn ý phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích (2 mẫu)
- Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích (17 mẫu)
- Phân tích ý nghĩa đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Bình luận đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động
Sơ đồ tư duy Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Dàn ý phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích
1. Mở bài: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh cô đơn, cay đắng xót xa của Kiều.
- Sáu câu thơ đầu gợi tả cảnh thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian.
- Không gian nghệ thuật được miêu tả dưới con mắt nhìn của Thúy Kiều:
- Lầu Ngưng Bích là nơi Kiều bị giam lỏng. Hai chữ “khóa xuân” đã nói lên điều đó.
- Cảnh đẹp nhưng mênh mông, hoang vắng và lạnh lẽo:
- Ngước nhìn xa xa, chỉ thấy dãy núi mờ nhạt.
- Nhìn lên trời cao chỉ có “tấm trăng gần”. -> Thời gian chiều tối, gợi buồn.
- Xa hơn nữa, nhìn ra “bốn bề bát ngát xa trông” là những cát vàng cồn nọ nối tiếp nhau cùng với bụi hồng trên dặm dài thăm thẳm.
=> Nghệ thuật liệt kê, đối lập tương phản “non xa”/”trăng gần”, đảo ngữ, từ láy “bát ngát”
-> Gợi không gian rợn ngợp, vắng lặng không một bóng người. Đối diện với cảnh ấy, Kiều cảm thấy trống trải cô đơn.
- Nàng đau đớn, tủi nhục cho thân phận của mình:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
- Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn khép kín, quanh đi quẩn lại hết “mây sớm” lại “đèn khuya”. Thời gian cứ thế trôi đi, rồi lặp lại, Kiều thấy tuyệt vọng với tâm trạng cô đơn, buồn tủi, hổ thẹn đến “bẽ bàng”.
- Bốn chữ “như chia tấm lòng” diễn tả nỗi niềm chua xót, nỗi lòng tan nát của Kiều.
=> Bút pháp chấm phá đặc sắc, khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, đơn côi.
b. Nỗi thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.
* Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, tâm trạng của Kiều chuyển từ buồn sang nhớ. Kiều nhớ người yêu, nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ ấy được Nguyễn Du miêu tả xúc động bằng những lời độc thoại nội tâm của chính nhân vật.
- Trước hết, Kiều nhớ đến Kim Trọng bởi trong cơn gia biến, Kiều đã phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ để cứu gia đình, Kiều đã phần nào “đền ơn sinh thành” cho cha mẹ. Vì thế trong lòng Kiều, Kim Trọng là người mất mát nhiều nhất, nỗi đau ấy cứ vò xé tâm can Kiều khiến Kiều luôn nghĩ đến Kim Trọng.
- Nàng nhớ đến cảnh mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng. Chữ “tưởng” ở đây có thể xem là một nhãn tự. Nguyễn Du không dùng chữ “nhớ” mà dùng chữ “tưởng”. “Tưởng” vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu.
- Thúy Kiều như tưởng tượng thấy, ở nơi xa kia, người yêu cũng đang hướng về mình, đang ngày đêm đau đáu chờ tin nàng: “Tin sương luống những rày trông mai chờ”.
- Rồi bất chợt, nàng liên tưởng đến thân phận “bên trời góc biển bơ vơ” của mình. Kiều băn khoăn tự hỏi: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”:
- Câu thơ muốn nói tới tấm lòng son của Kiều, tấm lòng nhớ thương Kim Trọng sẽ không bao giờ phai mờ, nguôi quên dù cho có gặp nhiều trắc trở trong đường đời.
- Câu thơ còn gợi ra một cách hiểu nữa: Tấm lòng son trong trắng của Kiều bị những kẻ như Tú Bà, Mã Giám Sinh làm cho dập vùi, hoen ố, biết bao giờ mới gột rửa được?
-> Trong bi kịch tình yêu, Thúy Kiều có nỗi đau về nhân phẩm.
- Nhớ người yêu, Kiều cũng xót xa nghĩ đến cha mẹ: Chữ “xót” diễn tả tấm lòng Kiều dành cho đấng sinh thành:
- Nàng lo lắng xót xa nghĩ đến hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần
- Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ khi thời tiết đổi thay.
- Nàng xót xa khi cha mẹ ngày một thêm già yêu mà mình không được ở bên cạnh để phụng dưỡng.
-> Tác giả đã sử dụng các thành ngữ “rày trông mai chờ”, “quạt nồng ấp lạnh”, “cách mấy nắng mưa” và các điển tích, điển cố “sân Lai, gốc Tử” để nói lên tâm trạng nhớ thương, lo lắng và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.
=> Ở đây, Nguyễn Du đã miêu tả khách quan tâm trạng của Thúy Kiều vượt qua những định kiến của tư tưởng phong kiến: đặt chữ tình trước chữ hiếu.
Trong cảnh ngộ khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến cha mẹ. Qua đó chứng tỏ Kiều là con người thủy chung hiếu nghĩa, đáng trân trọng.
c.Tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều qua cách nhìn cảnh vật.
- Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại 4 lần tạo âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc diễn tả nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp trong lòng Kiều. Cảnh vật thiên nhiên qua con mắt của Kiều gợi nỗi buồn da diết:
- Cánh buồm thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện nơi cửa bể chiều hôm gợi hành trình lưu lạc mờ mịt không biết đâu là bến bờ.
- Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu.
- Nội cỏ rầu rầu trải rộng nơi chân mây mặt đất gợi cuộc sống úa tàn, bi thương, vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ.
- Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh ầm ầm của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi” gợi tâm trạng lo sợ hãi hùng như báo trước, chỉ ngay sau lúc này, giông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều.
=> Bằng nghệ thuật ẩn dụ, hệ thống câu hỏi tu từ, các từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”, “man mác”,”rầu rầu”,”xanh xanh”,”ầm ầm”… góp phần làm nổi bật nỗi buồn nhiều bề trong tâm trạng Kiều. Tác giả lấy ngoại cảnh để bộc lộ tâm cảnh. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần; màu sắc từ nhạt đến đậm; âm thanh từ tĩnh đến động; nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến cơn bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Toàn là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi, bế tắc, sự chao đảo nghiêng đổ dữ dội. Lúc này, Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất, vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời ô nhục.
c. Kết bài:
- Tổng kết những đặc sắc nghệ thuật, nội dung của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích
….
Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 1
Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người có “con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. “Truyện Kiều” là tác phẩm thành công nhất của ông; đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích từ “Truyện Kiều” diễn tả tinh tế, sâu sắc tâm trạng của Thúy Kiều trước cảnh vật.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc vào phần hai “Gia biến và lưu lạc”. Trích đoạn là khúc tâm tình đầy xúc động của cô gái trẻ lần đầu bước ra khỏi chốn “êm đềm trướng rủ màn che”. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, đoạn thơ như bản đàn nhiều cung bậc tâm trạng của nàng. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi, là tấm lòng thủy chung, hiếu thảo nàng dành cho người yêu và cha mẹ.
Dù đang miêu tả bức tranh tâm cảnh, là cảm xúc chủ đạo nhưng lí trí của nhà thơ vẫn sáng suốt khi xây dựng một kết cấu khá khoa học và chặt chẽ. Phần đầu là quang cảnh ở lầu Ngưng Bích; phần hai, trong nỗi nhớ nhung, cô đơn, sầu tủi, nàng nhớ về Kim Trọng và cha mẹ; và phần cuối là tâm trạng đau khổ khi nghĩ đến tương lai nhiều tai ương, sóng gió sẽ ập đến trong cuộc đời nàng.
Quang cảnh trong những vần thơ đầu đem đến cảm giác hoang vu, vắng lặng đến buồn thảm. Đứng trên lầu cao, nhìn ra phía xa là những dãy núi, nhìn lên cao là vầng trăng cô đơn giữa trời. Bốn bề xung quanh cũng chỉ là cồn cát bay mịt mù. Tất cả như tô đậm thêm nỗi quạnh vắng, cô quạnh đang xâm lấn trong tâm hồn nàng.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Cảnh buồn khiến lòng người thêm lẻ loi, hiu quạnh hay lòng người vốn nặng trĩu ưu tư nên nỗi sầu muộn như lan tỏa, thấm đẫm vào cảnh vật:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Một từ láy “bẽ bàng” nhưng đã diễn tả được thật chân xác nỗi lòng nàng Thúy Kiều. Đó hẳn là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa ngượng ngùng, vừa ê chề, vừa cay đắng, xót xa. Và chính tâm trạng ấy bắt gặp cảnh vật ngoài kia đã làm cõi lòng như càng thêm quặn thắt. Thiên nhiên không còn là những sự vật vô tri, vô giác nữa mà như sống động, có hồn bởi nó là tấm gương phản chiếu tâm trạng cô đơn, sầu tủi của nàng Kiều.
Từ trong nỗi cô đơn, phiền muộn, nàng hướng về quê hương, gia đình, những người thân quý. Nỗi nhớ đầu tiên, nàng dành cho Kim Trọng. Có lẽ bởi trước đó nàng bán mình chuộc cha để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, chỉ có chữ duyên với Kim Trọng, nàng phải trao lại cho em, nên hẳn trong lòng còn nhiều băn khoăn, day dứt khi để duyên ai phải lỡ làng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nhịp thơ như nhịp trái tim yêu đang thổn thức, rỉ máu. Nỗi nhớ ấy thật thiết tha, nồng cháy. Nỗi nhớ trào lên khiến hình ảnh đêm thề nguyền, đính ước hiện ra chân thật, sống động ngay trước mắt nàng. Đó là hiệu quả diễn đạt vượt trội của từ “tưởng” mà Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng trong những vần thơ đầu tiên diễn tả nỗi nhớ của nàng Kiều. Mới hôm nào, lứa đôi cùng thề nguyền, hẹn ước dưới trăng, vầng trăng còn đó mà giờ đây đã đôi người đôi ngả. Nàng tưởng tượng chàng Kim vẫn ngày ngóng đêm trông tin nàng trong đau khổ, tuyệt vọng. Nghĩ đến chàng, rồi lại nghĩ đến thân phận của mình, bơ vơ, lưu lạc nơi chân trời góc bể, đất khách quê người, biết bao giờ tấm lòng son sắt, chung thủy của nàng dành cho chàng Kim phai nhạt đi thì lúc ấy, có lẽ nàng mới bớt đau khổ, dằn vặt.
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Sau nỗi nhớ người yêu đến quặn thắt, nàng càng xót xa khi nghĩ về cha mẹ. Không xót xa sao nổi khi nghĩ đến cảnh cha già, mẹ héo tựa cửa nhìn xa, ngóng trông tin con mòn mỏi. Rồi khi trời oi nóng, biết ai quạt mát cho cha mẹ yên giấc, khi trời giá lạnh, biết ai ấp ủ chăn ấm cho cha mẹ nằm. Các thành ngữ và điển cố “tựa cửa hôm mai”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân lai”, “gốc tử” để thể hiện nỗi xót xa, lo lắng, bồn chồn của người con có hiếu dù đang trong hoàn cảnh éo le, vẫn đau đáu nghĩ về cha mẹ trong niềm nhớ thương khôn nguôi.
Nỗi nhớ đầy vơi nàng dành cho những người thân yêu nhất, rồi nàng lại quay về với cảnh ngộ của chính mình. Mỗi cảnh vật đang hiện hữu trước mắt đều như khơi lên trong lòng nàng một nỗi buồn thê lương. Nỗi buồn ấy càng lúc càng nhấn chìm nàng xuống đáy sâu của vực thẳm đau khổ.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Bằng lối điệp ngữ liên hoàn “Buồn trông”, khổ thơ cuối như bức tranh cảnh buồn không hoang vắng, cô liêu như ban đầu mà nó như tiềm ẩn dự cảm đầy sợ hãi về một tương lai mịt mù, sóng gió, tai họa. Hướng tầm mắt ra xa muôn dặm, tới cửa biển lúc hoàng hôn, có cánh buồm của ai đó nhưng chỉ “thấp thoáng” mờ mịt, xa xôi. Cánh buồm ẩn hiện trong bóng chiều giữa mịt mù khói sóng chiều hôm như là hình ảnh con người cô đơn giữa biển đời, lữ thứ, nhiều sóng gió, ba đào. Cùng với nỗi nồi ấy, nàng hướng nhìn tới ngọn nước mới “sa”, mới đổ xuống, một cánh hoa rụng, mỏng manh, yếu đuối bị sóng gió đưa đẩy dập dồn, không biết sẽ trôi dạt về phương nào. Hình ảnh cánh hoa rụng, trôi dạt theo con con nước dữ hay là hình ảnh người con gái bị quăng vào cuộc đời khi còn quá trẻ, quá yếu đuối. Rồi nội cỏ cũng nhuốm màu xanh “rầu rầu” ảm đạm, u buồn, héo hắt trải dài ra mênh mông, rợn ngợp đến hòa sắc xanh ấy vào sắc của mây trời. Màu không gian hay màu tâm trạng đang hắt hiu, tàn lụi, hết khát khao, hi vọng sống. Những cơn gió thủy triều trào lên mặt biển, tiếng sóng vỗ từ xa bỗng vang dội lên ầm ầm như ập đến “kêu quanh ghế ngồi”. Tiếng sóng gió ngoài biển xa mà đổ dội vào chân nàng thì có lẽ nỗi sợ hãi, lo lắng về thân phận, cuộc đời mình không còn là nỗi lo lắng mơ hồ, nỗi buồn quạnh vắng mênh mang nữa mà nó đã biến thành nỗi kinh hoàng khiến tâm hồn nàng hoảng loạn. Tiếng sóng gầm lên “ầm ầm” như muốn nhấn chìm con thuyền lẻ loi, nuốt chửng cánh hoa mỏng manh, bé nhỏ, muốn cuốn phăng đi nội cỏ, và dập vùi nàng xuống tận đáy sâu đau khổ, tuyệt vọng.
Mỗi vần thơ là một giọt tâm hồn nhà thơ nhỏ xuống để cảm thương cho số phận người con gái tài hoa, bạc mệnh Thúy Kiều. Cùng với đó, là tài năng nghệ thuật: tả cảnh ngụ tình kết hợp với nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn đầu mỗi câu lục và nghệ thuật ước lệ tượng trưng cùng với việc sử dụng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh (thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, ầm ầm) Nguyễn Du đã khắc họa rõ cảm giác u uất, nặng nề, bế tắc, buồn lo về thân phận của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.
Có lẽ người đọc sẽ còn khắc ghi mãi ấn tượng về bức tranh ngoại cảnh đồng điệu cùng bức tranh tâm cảnh. Tất cả được vẽ nên bởi một tài năng trác việt, một tấm lòng nhân văn cao đẹp của Nguyễn Du. Vì thế, đoạn trích đã góp phần làm nên sức sống bất tử của kiệt tác “Truyện Kiều”.
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 2
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, cũng là người đã mang văn học của Việt Nam vươn xa ra thế giới qua tác phẩm Truyện Kiều. Tác phẩm là lời phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, là tiếng kêu đau thương của những số phận bị áp bức trong thời kì ấy. Và thông qua đó, ta có thể thấy được lòng thương cảm, tình yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích hay nhất được trích từ tác phẩm này.
Đoạn trích nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn, bèn lựa lời khuyên giải, cho người mua thuốc thang và hứa hẹn khi nàng bình phục, sẽ gả nàng cho một người đàn ông tốt nhưng thực chất là giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, chờ thời cơ thực hiện âm mưu mới. Đoạn trích là những lời tự bộc bạch, là nỗi lòng cô đơn, buồn tủi của Kiều khi nhớ về người yêu, khi nghĩ về số phận đớn đau của đời mình.
Sáu câu thơ đầu gợi tả thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích với không gian và thời gian:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng”
Khung cảnh thiên nhiên được nhìn dưới con mắt của Thúy Kiều. Lầu Ngưng Bích, nơi giam lỏng nàng chính là nơi khóa tuổi xuân của Kiều lại. Hai chữ “khóa xuân” mà Nguyễn Du dành cho Kiều sao mà đớn đau, buồn bã đến thế! Một mình nơi lầu Ngưng Bích bao la, rộng lớn, Kiều chỉ có đám mây cùng với ngọn đèn bầu bạn. Nghệ thuật đối lập: “non xa” – “trăng gần” gợi một không gian rợn ngợp, không một bóng người, chỉ có mình Kiều với nỗi cô đơn, trống trải. Những cồn cát vàng gối đầu lên nhau, những bụi hồng ở xa kia dù biết Kiều đang chơi vơi, trơ trọi nhưng cũng không thể nào đến gần, bầu bạn với nàng được. Trước khung cảnh đượm buồn của buổi chiều tà, Kiều cảm thấy lòng mình như chia đôi, diễn tả nỗi chua xót, đau đớn của Kiều trong một vòng tuần hoàn khép kín của “mây sớm đèn khuya”. Ngày nào cũng như vậy, vẫn những cảnh vật đó không hề thay đổi, chỉ có lòng người ngày càng buồn hơn.
Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, Kiều càng thấy nhớ người yêu:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ”
Nhớ người yêu, Kiều nhớ đến khi nàng cùng Kim Trọng uống chén rượu thề dưới ánh trăng, nguyện ở bên nhau đến trọn đời. Ấy vậy mà giờ đây, tất cả chỉ còn là quá khứ. Nàng không thể ở bên người mình yêu, cũng không thể cùng chàng thực hiện lời nguyện ước. Ở bên ngoài kia, Kim Trọng vẫn luôn chờ đợi nàng, chàng đâu hề hay biết lời hứa năm nào đã tan thành mây khói, mà vẫn ngóng trông tin tức về Thúy Kiều. Càng thương Kim Trọng, Kiều càng đau xót cho thân phận của chính mình, bởi lẽ tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng giờ không thể nào gột rửa được:
“Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Sau khi nhớ người yêu, nàng nhớ tới cha mẹ của mình:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt lồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Ở đây, người đọc có thể cảm thấy một điều vô lí, rằng tại sao Kiều lại nhớ đến người yêu trước khi nhớ về cha mẹ của nàng? Ta có thể hiểu được khi Kiều phải bán mình chuộc cha, hy sinh chữ “Tình” để làm tròn chữ “Hiếu” thì hẳn là ở đây, Kim Trọng là người đau đớn hơn cả. Do đó, Kiều nhớ tới Kim Trọng trước tiên, là áy náy, cảm thấy có lỗi đối với chàng. Khi nhớ về cha mẹ, Nguyễn Du cho Kiều được thể hiện sự đau xót của nàng “Xót người tựa cửa hôm mai”. Kiều đau đớn bởi vì nàng không thể phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ khi về già. Ở nơi quê nhà, không biết đã có ai thay Kiều quạt cho cha mẹ những khi trời nóng, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau hay chưa? Một loạt thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, “cách mấy nắng mưa” cùng điển cổ “Sân Lai”, “gốc tử” cho thấy tài năng tuyệt vời của tác giả.
Sau khi nhớ tới người thân, Kiều nghĩ về thân phận của mình. Tám câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên mang âm hưởng trầm buồn:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Điệp từ “buồn trông” được lặp lại bốn lần ở các câu thơ sáu chữ như trở thành điệp khúc, diễn tả nỗi buồn như đang dâng lên thành từng đợt, tạo thành con sóng lòng của Kiều. Nàng nhìn ra cửa bể, thấy thấp thoáng một bóng người bên cánh buồm của họ. Bóng người cô độc giữa non sông rộng lớn giống như sự đơn côi một mình của Kiều nơi lầu Ngưng Bích này. Chỉ có điều, nếu Kiều phải ở mãi nơi đây một mình, chưa biết ngày mai, thì người ngư dân đó đang bận rộn trở về đoàn tụ với gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Hướng tầm mắt lại gần, Kiều trông thấy những cánh hoa đang trôi dạt, như là lênh đênh, là vô định trước cuộc đời. Những cánh hoa kia y hệt như cuộc đời của Kiều vậy. Cảnh vật cũng như buồn hơn dưới con mắt của Kiều, nàng nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng những sự vật đơn độc, lẻ loi…
Hai câu thơ cuối là tâm trạng hoang mang, lo lắng, là khi những đợt sóng lòng của nàng trở nên dữ dội hơn:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Âm thanh của tiếng sóng dồn đến như cơn bão táp của nội tâm, là cực điểm cảm xúc trong lòng Kiều. Kiều sẽ phải làm gì với cuộc đời phía trước đây? Tám câu thơ cuối quả thực là tám câu thơ rất hay, mở ra một bức tranh thiên nhiên đối sóng với tâm trạng của Kiều, qua đó thấy được tài năng tả cảnh cũng như miêu tả tâm lí của nhà thơ.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” với đoạn mở đầu là bức tranh thiên nhiên, kế đến là lời độc thoại của nhân vật và kết thúc lại bằng một bức tranh thiên nhiên. Điệp khúc vòng cho thấy cái nét độc đáo trong cách làm thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, đồng thời gieo vào lòng ta niềm thương cảm sâu sắc trước số phận của nhân vật Kiều.
….
Phân tích ý nghĩa đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích thể hiện rõ nhất bút pháp tả cảnh ngụ tình bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc hoạ thành công tâm trạng bi kịch của Thuý Kiều trong những bước gian truân đầu tiên của kiếp đời lưu lạc. Những vần thơ mênh mang cứ day dứt, ám ảnh khôn nguôi, gieo vào lòng ta niềm xót xa về kiếp “hồng nhan bạc phận”.
Trong đoạn thơ mở đầu, tác giả không đi ngay vào việc miêu tả tâm trạng Thuý Kiều mà gợi ra khung cảnh thiên nhiên. Bốn câu thơ đầu hoàn toàn không có sự xuất hiện của con người mà chỉ thuần túy thiên nhiên hay chính xác hơn là thiên nhiên hiện ra dưới mắt con người và con người ẩn mình sau dòng chữ, để cho thiên nhiên tự bộc lộ tiếng nói riêng của nó. Nhân vật trữ tình ấy chính là Thuý Kiều – người đang bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích. Chỉ có tâm hồn nàng được tự do, thoả sức hướng ra thiên nhiên như tìm một nơi chốn neo đậu, để xoa dịu đi nỗi đau đớn nhức nhối trong lòng, để tìm cảm giác giải thoát cho tâm linh tù túng, bế tắc.
Trong tâm trạng, tâm thế ấy, Thuý Kiều hướng tầm mắt về thiên nhiên và sững sờ khi bắt gặp một bức tranh đẹp mê hồn:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Khung cảnh như thực mà như mơ. Mơ là bởi “vẻ non xa” kia như một miền xa thẳm mịt mờ sương khói. Thực là bởi “tấm trăng gần”, như có thể đưa tay ra là với được. Vầng trăng ấy đã thân thuộc biết bao với Kiều. Cách đó không lâu người đã đến với trăng như tìm một chứng nhân cho tình yêu vĩnh cửu:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Giờ đây, ở nơi “Chân trời góc beer” thật bất ngờ, trăng đã tự tìm đến với người lẻ loi làm bầu bạn. Vầng trăng vô tri mà rất đỗi thuỷ chung ! Trong cảnh ngộ Kiều bị dồn vào thế chân tường, trăng đã đến bên nàng. Sự xuất hiện của trăng tựa như một chỗ dựa tâm linh nâng đỡ Kiều. Từ điểm tựa ấy, Thuý Kiều hướng tầm mắt ra thiên nhiên, để cảm nhận rõ hơn thân phận, tình cảnh lẻ loi của mình:
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Nhịp thơ đều đều, trầm bổng mà không hề đơn điệu, tạo cảm giác da diết, buồn thương. Nỗi niềm ấy chất chứa trong trái tim Kiều, được Nguyễn Du gói gọn trong từ “bẽ bàng”: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya / Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.
“Bẽ bàng” là tâm trạng của con người cảm thấy hổ thẹn vì lâm vào cảnh éo le. Cảnh ngộ của Kiều chính là đang trong những cung bậc cảm xúc ấy. Hổ thẹn vì phụ lời thề ước với chàng Kim, vì đang ở chốn lầu xanh nhớp nhơ, vì số phận ngang trái trớ trêu,… Trong tình cảnh ấy, thiên nhiên như cũng thấu nỗi niềm của thân phận lỡ làng, nhẹ nhàng đến bên nàng như một điểm tựa tinh thần, hoà cùng khúc nhạc sầu thương: “như chia tấm lòng”.
Tình và cảnh tưởng chừng như tách biệt trong hai vế của câu thơ bởi từ “chia” nhưng thực ra là sự đồng điệu, thấu nhập tuyệt đối: cảnh chứa tình và tình phổ buồn vào cảnh. Vì thế mà nhìn cảnh, bao cung bậc sầu thương của Kiều mới được bộc lộ:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Tại sao tâm trí Kiều lại hướng về Kim Trọng đầu tiên mà không phải là cha mẹ ? Nếu có ai vì điều này mà trách Kiều là bất hiếu thì thật là chưa hiểu nàng. Kiều hướng đến chàng Kim trước nhất vì vầng trăng trực diện đang gợi lòng người nhớ về cảnh cũ của đêm thề nguyền. Chính cảnh ấy đã gợi lòng người thiếu nữ nhớ về tình yêu. Hơn nữa, Kiều đã bán mình chuộc cha nên đối với song thân, cảm giác tội lỗi đã vơi đi ít nhiều. Còn đối với Kim Trọng, Kiều là người bội ước, là kẻ phá vỡ lời thề sắt son hôm nào. Điều đó khiến trái tim thiếu nữ lần đầu sống trong tình yêu luôn khắc khoải hình bóng tình nhân: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Nỗi niềm nhớ thương da diết hoà cùng bức tranh cảnh càng khiến cho lòng người đau đớn khôn khuây. Càng đau vì nhớ người, vì sự khắc khoải ngóng trông của người yêu, Kiều càng cảm thương cho thân phận hẩm hiu của mình:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Có sự đối lập về ý giữa “Tin sương luống những rày trông mai chờ” và “Bên trời góc bể bơ vơ”, sự ngóng trông trông mòn mỏi, vô vọng một người nơi xa xăm, mịt mù vô định. Kiểu tự ý thức được cảnh ngộ của mình, nên nỗi đau càng như xé gan ruột. Nhưng chính trong niềm đau ấy, ta nhận ra ở người con gái bé nhỏ mà kiên trinh ấy những phẩm chất cao quý:
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Một câu hỏi đồng thời cũng là lời khẳng định đinh ninh về tấm lòng sắt son đối với người yêu của Kiều. Ta còn nhận ra trong lời tự thán ấy dư vị chua xót – sự chua xót của bi kịch khi phải sống trong kiếp bơ vơ, nơi “bên trời góc bể’’ mà nỗi lòng nhớ nhung cứ vẫn vít khôn khuây.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Nhớ về Kim Trọng trong sự xót xa, bẽ bàng, Kiều hướng tới cha mẹ trong nỗi nhớ, niềm thương:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Bán mình chuộc cha, lâm vào tình cảnh “bẽ bàng”, Kiều vẫn một lòng lo cho song thân. Nỗi lo song hành với cảm giác xót xa của một người con hiếu thảo không thể chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Cảm thương và trân trọng biết bao trước một nàng Kiều với những tình cảm cao đẹp. Trong cảnh ngộ như vậy, đáng ra Kiều phải lo cho bản thân mình trước, xót xa cho số kiếp mình đầu tiên, nhưng nàng lại hướng tới người yêu và cha mẹ trong sự khắc khoải, day dứt. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn của người con gái “sắc tài” ấy.
Sau nỗi nhớ là niềm đau, nỗi buồn tê tái khi chợt thức nhận về hoàn cảnh hiện tại của mình. Những tháng ngày bão tố, sóng gió vừa qua, chặng đường phía trước mịt mờ, đầy chông gai ! Bao bất hạnh, bao xót xa bủa vây, xiết chặt hồn Kiều:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
(…)
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Tám câu thơ chất chứa nỗi buồn đau tê tái, sự hoang mang lo sợ. Điệp từ “buồn trông” lặp lại bốn lần ở những câu thơ lục vừa diễn tả trọn vẹn tâm thế của Kiều trong tình cảnh ấy vừa góp phần tạo nên âm hưởng, nhịp điệu da diết cho toàn đoạn thơ. Trong cảnh ngộ đơn độc, bơ vơ nơi chân trời, góc bể, Thuý Kiều đã tìm đến với thiên nhiên như một người bạn tri âm, một điểm tựa tinh thần. Thiên nhiên đến với nàng để sẻ chia, để sát cánh. Vì vậy mà dưới con mắt của Kiều, mỗi hình ảnh thiên nhiên lại gợi ra biết bao chua xót về thân phận bơ vơ, về số kiếp bất hạnh:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Cánh buồm thấp thoáng, như thực như ảo giữa “cửa bể chiều hôm” gợi ra hành trình lưu lạc, nổi chìm của Kiều. Khung cảnh chiều hôm gợi nhớ, gợi sầu cho kẻ li hương. Cánh buồm “thấp thoáng” vô định cộng hưởng kì lạ với tâm trạng của nàng trước lầu Ngưng Bích. Thân phận nàng giờ đây đâu khác gì cánh hoa, lắt lay trước sóng gió cuộc đời:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Câu hỏi này cũng là lời tự vấn, tự thương cho thân phận mình của Kiều. Giữa đời nước vô định, cánh hoa mong manh biết bao trước sóng dập gió vùi, như thân phận người con gái chuẩn bị bước vào cuộc hành trình đằng đẵng của số kiếp đoạn trường, oan khổ lưu li. Người con gái “Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai” ấy phải chịu kiếp “cỏ nội hoa hèn” bạc bẽo, sầu đau:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Nội cỏ mang tâm trạng “rầu rầu”, héo úa, cô đơn, lạc lõng giữa “chân mây”, “mặt đất” hay là thân phận của Kiều giữa mênh mông cuộc đời:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Cả thiên nhiên vắng lặng hoà theo tâm hồn lạnh lẽo, cô đơn, hoang mang lo sợ của Kiều. Thanh âm duy nhất vang vọng lại là tiếng sóng “ầm ầm”, như nói lên nỗi lo âu, khiếp sợ của Kiều.
Tám dòng thơ chất chứa tâm trạng. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của đại thi hào Nguyễn Du đã đạt đến độ tuyệt bút. Mỗi hình ảnh, mỗi yếu tố ngoại cảnh đều như một ẩn dụ cho tâm trạng khổ đau và cảnh ngộ ngang trái của Kiều. Nàng đang ngập chìm trong bể khổ trầm luân. Hệ thống từ láy được tác giả sử dụng đắc địa đã tạo nên cho đoạn thơ âm hưởng hắt hiu, trầm buồn, diễn tả tinh tế tâm trạng của Kiều.
“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất của Truyện Kiều. Từ bức tranh cảnh, Nguyễn Du đã thổi hồn vào đó, xây dựng nên chân dung tâm hồn của Kiều trong cơn bĩ cực, từ đó mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thành, xúc động trước một cô Kiều tài hoa mà bạc phận có tâm hồn cao quý. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng xúc động thốt lên:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên.
(Chế Lan Viên – Đọc “Kiều”)
Tình cảm của nhà thơ cũng là tiếng lòng chung của triệu triệu trái tim những người đã, đang và sẽ thổn thức cùng Kiều.
Bình luận đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích chia làm ba phần rõ rệt, nhất quán trong phong cách ngôn từ, và thi pháp tả tình, tả cảnh. Cho nên nếu cho rằng chỉ ở phần thứ ba, nghệ thuật biểu hiện mới là tả tình qua tả cảnh thì tuy có đúng nhưng không đủ, nhất là không thấy được tính nhất quán của Nguyễn Du. Để đảm bảo tính ổn định khách quan này, nên chăng cần một cách đặt tên:
– Nỗi buồn hiện tại;
– Lòng thương nhớ người thân;
– Tương lai vô vọng và vô định của kiếp người?
Cả ba phần tuy có hướng đến những khía cạnh khác nhau, song đều quy tụ vào “cái tôi” chủ thể: nàng Kiều. “Cái tôi” ở đây là “cái tôi” tâm trạng.
Trước hết, ở sáu câu thơ đầu của bài thơ, tâm trạng của Kiều là một nỗi niềm khắc khoải triền miên trong nỗi buồn vô hạn. Nhưng buồn như thế nào, nếu phải cụ thể hơn, thì có đến hai quan điểm. Cách nhìn nhận thứ nhất cho rằng cả sáu câu đầu gợi tả hoàn cảnh cô đơn với những căn cứ ngôn từ có trong văn bản, chẳng hạn như: “khoá xuân” thực chất là bị giam lỏng, nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông hoang vắng (mênh mang trời nước, dãy núi mờ xa, cồn cát bụi mù, không một bóng người), Kiều sống trong một thời gian tuần hoàn khép kín (mây sớm đèn khuya….). Cách hiểu ấy rõ ràng là có cơ sở nhưng dường như đã bỏ quên (hay là bỏ qua?) hai câu thơ vô cùng quan trọng là:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh, như chia tấm lòng.
Ở câu lục, ý kiến nhận xét trên không đả động gì đến hai chữ “bẽ bàng” còn ở câu bát hoàn toàn không được nhắc tới. Bởi vậy chúng tôi cho rằng, nên hiểu đoạn thơ theo cách thứ hai. Cách hiểu này lấy hai câu dẫn làm căn cứ mới có khả năng phát hiện được tâm trạng đích thực của nhân vật nàng Kiều. Trong cách hiểu này, ta phải tách đối câu sáu:
Bẽ bàng / mây sớm đèn khuya
Đây là một câu thơ hai đối tượng: “bẽ bàng” thuộc về Thuý Kiều còn “mây sớm đèn khuya” thuộc về thiên nhiên. Soi vào thiên nhiên, Kiều nhận ra một thứ chân dung biến dạng của bản thân mình. Thiên nhiên ấy là gì, “mây sớm” thì tinh khôi, trong sạch, “đèn khuya”, phải chăng chính là lương tâm? Sự trong sạch “mây sớm” gợi cái tương phản nhớp nhơ, còn “đèn khuya” gợi sự giày vò của chính con người đau khổ ấy. Cái nhìn phản cảm này không phải bây giờ mới có. Ngay lần gặp Mã Giám Sinh, tên lừa đảo buôn người, Thuý Kiều đã vô cùng ngượng ngập:
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày
Bởi đây là hai thế giới khác hẳn nhau, hai hạng người khác nhau mà Kiều phải nhắm mắt đưa chân làm con mồi cho chúng. Nhưng lần này thì khác. Cái xấu không còn ở đối phương, nó đã thuộc về chính mình, một con người đã có một thời không phải thế, một thời phong nhuỵ màn che, trướng rủ. Bởi thế mới dẫn đến “bẽ bàng”. “Bẽ bàng” là sự tủi, thẹn cho chính người đang có nó. Bởi nó đang hiện diện nơi nàng nên mới có sự phân đôi: một tấm lòng chia làm hai nửa: nửa tình, nửa cảnh. Tình và cảnh ở trong văn chương trung đại dường như đồng hành, một tiếng hát bè đôi theo nguyên tắc “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng ở đây một nghịch lí xuất hiện phá vỡ nguyên tắc chủ quan hóa khách quan. Sự vò xé trong tâm trạng bởi không đồng hóa được giữa khách thể và chủ thể này dã làm giàu thêm yếu tố hiện thực ở trong thơ. Cảnh rất đẹp, rất trong, đầy ắp tiềm năng cho thi hứng, nhưng đối diện với nó, một hồn thơ không thể cất bút làm thơ như những lần trước đó và sau này. Tâm hồn ấy bị trọng thương. Con chim nhìn bầu trời thèm khát không còn đủ sức bay lên. Nó đã bị mũi tên nhắm trúng đích.
Từ đó ta mới thấy bốn cầu mở đầu là một bức hoạ. Bức tranh trời như dệt gấm thêu hoa, ẩn hiện với “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”. Ở câu thơ này còn có cái bất ngờ của cảm giác lạ. Khoảng xa, độ gần về vật lí, do nhận biết bằng tâm lí mà chúng dổi chỏ cho nhau. Trăng vốn xa bỗng chốc nên gần (tấm trăng gần) và ngược lại cái xa lại thuộc về núi.
Câu thơ “Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Hai cảm giác thực và mộng đan gài vào nhau như hiện ra từ một giấc chiêm bao. Có người hiểu câu thơ đó tiếp nối với hai câu sau tạo thành một sự bủa vây, tạo nên sự rợn ngợp trong tâm trạng của người nhìn cảnh là chưa đúng. Bởi nếu thế thì ở đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích có đến hai lớp bao vây: một của Tú Bà (khoá xuân), một là của thiên nhiên vô tội (?). Mà làm sao có thể hiểu hai câu thơ rất đẹp rất thơ là sự bủa vây:
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
“Xa trông” là trông thêm một tầm của mắt, rộng hơn, thoáng đãng hơn, thấy những dặm đường, cồn cát. Chúng chỉ là những chi tiết đời thường rất dễ bị lãng quên, nhưng cát ớ đó là “cát vàng” bụi đường quẩn lên là “bụi hồng”, bụi đỏ, thì đâu còn cái vô giá trị, cái tẻ nhạt? Nó đã nên thơ. Đúng ra là cuộc sống bình thường có chất thơ riêng của nó, khi con người không bị áp bức, không rơi vào cảnh ngộ đường cùng (mà Kiểu lúc này đây đang trải nghiệm). Bởi thế cái đẹp thuộc về “nửa cảnh”, còn đối lập với cái đẹp thuộc phía “nửa tình”. Câu thơ và cả đoạn thơ (sáu câu) mới bề bộn ngổn ngang, giằng xé. Chỉ có điều bề bộn mà vẫn như không. Cái “động” ở đáy sâu chứ không phải nổi trên bề mặt nước tĩnh tại, yên bình. Những cặp câu thơ lục bát rất nhịp nhàng đăng đối vừa diễn tả cái lặng lẽ bên ngoài, vừa rất nên thơ. Phép đối trong câu của tác giả đã nâng tầm cái thực lên thành cái đẹp mà không đẽo gọt, cầu kì, rất dung dị, tự nhiên.
Với phần hai của đoạn trích gồm tám câu tiếp theo diễn tả lòng thương nhớ người thân của Thuý Kiều, đặc sắc nghệ thuật ở đây là ngôn ngữ nội tâm độc thoại. Tất cả là nội tâm, là độc thoại. Vấn đề là cách độc thoại khác nhau chứ không hẳn là phần có, phần không một cách rõ ràng tách bạch. Vậy nên chăng định hướng cho phần này chỉ đi vào nỗi nhớ người thân. Cái khó ở đây chưa phải là cái khó của việc khai thác hình tượng, ngôn ngữ mà là ở ý thơ và giọng điệu. Về ý thơ có hai câu chưa rõ nói về ai:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
“Tấm son”, theo cách hiểu thứ nhất thuộc về Thuý Kiều. Có thể đó là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên, hoặc cũng có thể là tấm lòng trong trắng của Kiều bị dập vùi hoen ố biết bao giờ gột rửa. Chúng tôi xin đề xuất một cách hiểu thứ hai: “tấm son” ấy thuộc về Kim Trọng với ba lí do.
Xét về hình tượng thơ, phần này nói về Kim Trọng, lòng thương nhớ Kim Trọng của nàng Kiều. Vậy nó phải nhất quán, chứ không phải hai câu trước nói về Kim Trọng rồi hai câu sau nói đến Thuý Kiều. Chỉ có nền tảng cảm xúc nhớ thương là của nàng Kiều, để từ đó mà chỉ một nhân vật Kim Trọng hiện lên duy nhất. Nếu so sánh phần nói về cha mẹ (bốn câu tiếp theo) ta thấy mạch thơ, hình tượng thơ vẫn là như thế. Nếu cho rằng “tấm son” là của Thuý Kiều thì hai câu thơ đó sẽ rơi vào tình trạng non tay, lạc phong cách, và điều này không thể chấp nhận được ở Nguyễn Du.
“Tấm son” có liên quan đến khái niệm chân trời góc bể (“Bên trời góc bể bơ vơ”). Ai trong số hai người đang lạc loài nơi ấy? Là Thuý Kiều thì điều này ai cũng hiểu. Nhưng sao không thể hiểu người ấy là Kim Trọng, bởi vì yêu nhau mà phải xa nhau thì người nọ cũng xem người kia là góc bể, chân mây nghĩa là một độ xa mà người ta không đo được (về tâm lí chứ không phải về địa lí). Vì trên đời này, ai có thể đến nơi tận cùng vô định bằng nỗi nhớ thương?
Điều đáng kể hơn cả, “tấm son” là lòng chung thuỷ sắt son, trong tình yêu, nó dành cả cho hai người, về phía Thuý Kiều, nó còn đâu nguyên vẹn nữa nếu hiểu theo cách thông thường (khác với sau này khi Kim – Kiều gặp lại “Như nàng lấy hiếu làm trinh”). Một con người tự trọng như Kiều làm sao còn nhận mình là kẻ vẫn giữ được “tấm son” trong cảnh ngộ buộc phải làm vợ kẻ khác? Và ngược lại, về phía chàng Kim, Kiều biết chàng vẫn chung tình dù đang ở góc bể chân mây. Ân hận của nàng Kiều là mình không còn xứng đáng với chàng. Vậy chỉ còn một cách làm sao cho “tấm son” ấy ở chàng Kim phai nhạt đi, đừng đinh ninh chờ đợi và Kiều lại thêm một lần mang tội. Hiểu như thế câu thơ không những nhất quán, liền mạch mà còn giàu ý nghĩa biết bao.
Bốn câu thơ nói về cha mẹ không có gì đặc biệt với cách nói ước lệ, sách vở rất quen thuộc về đạo hiếu thời xưa. Có chăng theo cách nói của người khác như thế, nhưng tâm trạng thổn thức là của riêng nàng, nó mới xót xa, thấm thía đến rưng rưng. Thành công của Nguyễn Du là làm mới lại một cái gì tưởng như đã cũ.
Tám câu thơ cuối là những cảm nhận phù du về tương lai vô vọng và vô định, vô nghĩa của kiếp người. Điều này không phải ngẫu nhiên.Vì bản thân đang là con mồi cho tạo hoá vùi dập. Vì lòng thương (với Kim Trọng và cha mẹ) của nàng bất lực. Cuộc đời đó đối với nàng còn có nghĩa gì đâu. Cảnh ở đây hoàn toàn khác so với cảnh đầu, không phải mây sớm trăng khuya, núi đồi, gò đống mà là cảnh biển, một mặt biển mênh mông đúng vào lúc chiều buông “mặt trời gác núi”. Còn cái khác thứ hai là ở trạng thái xúc cảm. Có đến bốn cụm từ “buồn trông” đặt ở đầu câu mở ra bốn cặp câu lục bát như mở ra một nỗi buồn chất chứa tầng tầng lớp lớp lâu nay nén chặt trong lòng. Đây là lúc nàng được giãi bày với trời, với biển. Vậy tâm trạng ấy là tâm trạng gì? Tâm trạng ấy bây giờ đồng hành cùng cảnh vật, với ngọn nước, cánh buồm, bông hoa, ngọn cỏ, v.v. Ngọn nước là “ngọn nước mới sa” nó đục chứ không trong (“Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”), cánh buồm như một ảo ảnh gợi sự chia li, bông hoa trôi dạt, ngọn cỏ rầu rầu không còn sức sống tựa như ngọn cỏ trên mộ Đạm Tiên.
Những cảnh ấy gõ cửa và tâm hồn Kiều mở ra, đồng điệu. Để từ đó có sự hoà thanh, hoà âm về nỗi bất hạnh của con người. Những câu thơ này không chi có cảnh, có tình, nó còn mang một hàm ý triết học trong sự giải đáp cho kiếp người, ở nơi “trăm năm trong cõi”.
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động
Truyện Kiều là một trong những tác phẩm thơ ca đặc sắc và tiêu biểu nhất cho văn học chữ Nôm của Việt Nam. Tác phẩm là lời thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du dành cho những số phận bất hạnh của cuộc đời. Ông cũng đã thành công ở nhiều phương diện khi xây dựng lên tính cách, tâm trạng của nhân vật qua lời nói, hành động. Đặc biệt trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, có ý kiến đã nhận định rằng “Nguyễn Du đã xây dựng lên một bức tranh tâm tình xúc động qua hình ảnh của nàng Kiều”.
Thúy Kiều sau khi bán mình cứu cha, nàng những tưởng mình bị bán đi làm vợ lẽ cho người ta. Nào ngờ rằng nàng đã bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục rồi bán cho Tú Bà buôn phấn bán hương. Rơi vào nanh vuốt của mụ buôn thịt người, quá uất ức và đau khổ, Kiều quyết định liều mình tự sát, cứu vớt chút danh dự cuối cùng cho bản thân. Thế nhưng, nàng lại được Tú Bà cứu sống chỉ vì không muốn mất đi một món hời lớn. Tú Bà đã dụ dỗ Kiều tới ở lầu Ngưng Bích với lời hứa sẽ tìm chỗ tử tế để gả nàng đi. Tại đây, nàng sống những ngày tháng buồn bã, đầy đau khổ và tủi nhục, thương nhớ người yêu, thương nhớ mẹ cha ở quê nhà. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” chính là đoạn trích miêu tả tâm trạng của nàng trong những ngày tháng sống tại đây. Bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du thực sự đã dựng xây lên một bức tranh tâm tình đầy xúc động, đúng như nhận định trên. Cảnh vật trong đoạn trích cũng bị nhuốm một màu hiu hắt, đìu hiu, gợi lên mối sầu cô đơn trong lòng nàng Kiều tội nghiệp.
Thúy Kiều sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, được sống trong không khí đầm ấm, dịu êm của gia đình, lại đang say trong hạnh phúc cùng chàng Kim Trọng, ai ngờ đâu nàng lại lỡ sa chân vào vòng xoáy đen bạc của cuộc đời. Nàng bị Mã Giám Sinh rồi Sở Khanh lừa gạt một cách trắng trợn, bị đánh đập, bị xúc phạm, bị làm nhục, tất cả những gì đau khổ nhất dường như đổ lên người nàng cùng một lúc. Tâm hồn nàng, thể xác nàng bị dày vò, bị chà đạp, bị giày xéo bởi những thế lực đen tối đến mức nàng chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Thế nhưng, đúng là cuộc đời muốn vần xoay nàng khiến nàng chết cũng không được, nàng được Tú Bà cứu sống rồi đưa đến lầu Ngưng Bích để giam lỏng. Những ngày tháng ở đây, nơi đất khách quê người, không một ai thân thích, Kiều hoàn toàn cô đơn, bất lực, đau xót. Nàng chỉ biết bầu bạn cùng những cảnh vật bên mình, gửi gắm vào chúng những tâm tình đầy đau khổ vì quanh nàng chẳng có lấy một ai cho nàng sẻ chia. Nhưng Nguyễn Du, ông đã vô cùng thấu hiểu nàng khi luôn theo sát bước chân nàng, là người phía sau miêu tả và thấu hiểu những nỗi tâm tư trăm đường tơ vò của Thúy Kiều – người phụ nữ tài sắc vẹn toàn mà ông trân trọng, yêu quý nhất.
Đọc đoạn trích, ở ngay những câu đầu tiên, người ta đã nhận ngay ra cái hoàn cảnh và tâm trạng đầy đau khổ của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng chút cảnh vật xung quanh:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Những người thân yêu với Kiều giờ đây đang ở một nơi phương xa, chỉ còn mình Thúy Kiều sống giữa bầy lang sói Tú Bà, Sở Khanh, … thế nên với nàng, một cảnh núi xa, một tấm trăng gần cũng trở thành người bạn tri kỉ, chia sẻ nỗi niềm cùng nàng. Cảnh vật ở lầu Ngưng Bích hiện lên thật rõ ràng chỉ bằng vài nét miêu tả chấm phá tài hoa của Nguyễn Du. Trước lầu ấy có núi non bát ngát, có trăng, có bụi hồng, cồn cát, … Cảnh đẹp là thế nhưng ngôi lầu như chiếc lồng son đã khóa chặt bước chân của Kiều. Đây là sự giam lỏng mà Tú Bà dành cho Kiều trước khi dùng âm mưu khác buộc Kiều phải tiếp khách. Lầu Ngưng Bích đã “khóa xuân” tức là khóa chặt tuổi xuân của Kiều, khóa chặt những nỗi thương nhớ, tình yêu, hy vọng, thanh xuân của nàng. Cảnh vật hiện lên thật đẹp, thật mênh mông rộng lớn, thế nhưng, giữa mênh mông đó chỉ có mình Kiều. Chỉ có mình nàng cô đơn giữa chốn đây, đìu hiu, hoang vắng. Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để Kiều nói lên tâm trạng của mình:
“Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
Có cảnh vật đấy, có cảnh sắc đấy, “bát ngát” mênh mông đấy, thế nhưng lại chẳng có ai cho nàng thổ lộ, chia sẻ nỗi niềm trong lòng. Cảnh vật càng tĩnh lặng lại càng làm nổi bật lên nỗi cô đơn đau xót của nàng khi phải ở một mình nơi đất khách. Gần là núi, là trăng, xa xa là cồn cát vàng đang tung lên những bụi phấn hồng, thế nhưng sao mà lạnh lẽo, thê lương tới nhường ấy! Mọi cảnh vật ở đây đều ngổn ngang, đều mù mịt như chính tâm trạng và tương lai của nàng vậy. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã phát huy tối đa tác dụng của mình khi miêu tả cảnh vật nhưng lại giấu trong đó bao nhiêu là nỗi niềm của người con gái xa quê tội nghiệp. Tả cảnh xung quanh nhưng cũng là tả những phút giây tâm trạng cô đơn, ngổn ngang suy nghĩ của Kiều. Cô đơn, đau xót là vậy, nghĩ tới thân phận của mình, cõi lòng của Kiều lại càng thêm xót xa hơn:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
“Bẽ bàng” – sự tủi nhục, đau khổ, hổ thẹn của Kiều khi nàng hết bị Mã Giám Sinh làm nhục rồi lại phải chịu cảnh bước chân vào một nơi chốn xa lạ, xấu xa, bẩn thỉu. Nàng cảm thấy thật xấu hổ, thật đau đớn tủi nhục biết bao khi chính mình phải chịu kiếp làm thân kỹ nữ mà muôn người cười chê. Bị giam lỏng ở đây, hết tối lại sáng, rồi lại lặp lại vòng xoay ấy, Thúy Kiều chỉ có thể ở lại đây, thui thủi, lẻ loi một mình. Không gian vắng lặng xung quanh bủa vây lấy nàng, vây hãm nàng.
Chính trong những lúc cô đơn buồn bã nhất, nàng lại lặng mình hồi tưởng, âm thầm gạt những giọt lệ khi nghĩ về quá khứ êm đềm ngày xưa. Nàng nhớ về người mình yêu, về những phút giây đầu tiên khi say trong men nồng của hạnh phúc lứa đôi lần đầu nàng bắt gặp. Nàng cũng nhớ về đêm trăng mình cùng tình lang hẹn hò, thề nguyền đôi lứa mãi mãi bên nhau. Nỗi nhớ người yêu bùng lên trong lòng Kiều khiến nàng càng thêm xót xa vô tận:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Hạnh phúc mà nàng có được trong đêm nàng băng tường vượt rào đến với chàng Kim thật khiến nàng không khỏi bồi hồi khi nhớ lại. Những phút giây hạnh phúc nâng chén rượu dưới ánh trăng để hẹn thề, giờ nhớ lại thật là đau xót biết bao. “Tưởng” được Nguyễn Du đặt ngay đầu câu thơ khiến chúng ta như cảm thấy rằng hình ảnh của đôi trai tài gái sắc ấy hiện ra ngay trước mắt. Hay phải chăng chính Kiều cũng đang sống lại trong phút giây ấy trong sự hồi tưởng:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”
Nàng cũng hình dung thấy rằng ở Lưu Dương cách trở xa xôi kia chàng Kim Trọng vẫn ngày ngày ngóng trông tin tức của nàng, mong ngóng nàng “rày trông mai chờ” trong vô vọng. Nguyễn Du đã đặt ở đây những lời độc thoại từ sâu thẳm bên trong trái tim nàng. Đó là tiếng nói thổn thức của một trái tim yêu hướng về mối tình đầu còn dang dở của mình. Nàng đang nhớ người yêu tha thiết biết nhường nào! Chén rượu thề nguyền hôm đó vẫn còn đọng nguyên hương vị trong trái tim của nàng và nàng biết dù có đi xa, có cách trở chân trời “chân trời góc bể bơ vơ” thì trong lòng nàng, mối tình ấy vẫn vẹn nguyên, trong sáng. “Tấm son” – tình yêu đầu tiên trong lòng nàng sẽ không bao giờ nhạt phai.
“Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Nghĩ tới tình lang Kim Trọng đang mòn mỏi mong ngóng tin tức của nàng, trong lòng nàng lại chợt dâng lên dạt dào nỗi nhớ cha mẹ:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Nàng đã rời xa quê hương, gia đình, ra đi biền biệt, giờ đây ai là người chăm sóc, thăm nom người cha già người mẹ của nàng? Nàng ra đi vì chữ hiếu, nhưng nàng chẳng khỏi băn khoăn, thổn thức không nguôi khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu vẫn phải dựa cửa trông mong con gái trong vô vọng. Nếu như ở trên, nhớ người yêu, nàng chỉ hồi tưởng, ngẫm lại “tưởng” thì khi nghĩ về mẹ cha, nàng lại thấy “xót” thương vô cùng. Kiều cảm thấy thật day dứt, trăn trở khi không thể chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ già, lại còn khiến mẹ cha thêm lo lắng vì ngóng chờ tin tức của mình. Ở đây, Nguyễn Du đã dùng một loạt những điển cố, điển tích của Trung Quốc như “Sân Lai, gốc tử” để nhắc tới tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ của mình. Nàng đang tưởng tượng ra cha mẹ mình ngày thêm già yếu, “có khi gốc tử đã vừa người ôm”, thế mà nàng lại chẳng được kề bên mà chăm sóc, an ủi cha mẹ mình. Ẩn trong lời thơ là sự trách móc bản thân, sự ân hận của Kiều khi không làm tròn được đạo hiếu của người con.
Qua tám câu thơ nhắc về những nỗi nhớ của Kiều, người ta mới thấy Kiều quả thật là một người con hiếu thảo, một tình nhân thủy chung giàu lòng vị tha. Dù nàng đang phải sống trong những tháng ngày đày đọa, đau khổ, thế nhưng nàng chẳng hề màng tới nỗi đau của bản thân mà chỉ sống trong nỗi tâm tưởng về tình yêu đầu cùng với tấm lòng hiếu thảo hướng về mẹ cha nơi quê nhà. Nàng nhớ chàng Kim trước bởi vì nàng là người có lỗi. Nàng ra đi mà chẳng thực hiện lời thề, chẳng một lời báo tin tới chàng. Còn mẹ cha ở quê, nàng đã thực hiện phần nào chữ hiếu khi bán thân cứu cha, cứu gia đình. Ở đây, thứ tự sắp xếp đảo ngược so với lễ giáo nhưng lại vô cùng hợp lý trong hoàn cảnh của Kiều.
Bức tranh tâm trạng của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng cảnh vật xung quanh nàng. Dường như những nỗi buồn, nỗi nhớ của nàng đang thấm dần vào cảnh vật, để chúng cũng nhuốm một màu đầy tâm trạng. Đúng như Nguyễn Du cũng đã từng nói:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nguyễn Du đã tả rất chân thực những nỗi niềm của Kiều, để đến những câu thơ tiếp theo, người ta thấy hiện lên ở đó là bức tranh về nỗi niềm tâm trạng của Kiều khi nhìn về cuộc đời số phận của mình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trông man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân may mặt nước một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”
Một loạt những từ láy cùng điệp ngữ được Nguyễn Du sử dụng liên tiếp ở đây để nhấn mạnh, để khắc sâu hơn suy nghĩ, tâm trạng của Kiều. Bốn từ “buồn trông” được lặp lại liên tiếp ở bốn câu thơ liên tục,”buồn trông” – cái nhìn buồn bã, đầy tâm trạng khắc khoải, mỗi lần nhắc lại lại là sự mở đầu của một cảnh vật khác nhau. Sự nhắc đi nhắc lại ấy là để diễn tả nỗi buồn trùng điệp của Kiều. Nỗi buồn ấy đang dâng lên trong không gian, thời gian, bao trùm lấy cảnh vật quanh nàng, vẽ lên một bức tranh sống động đầy tâm tình xúc động. Nỗi buồn trùng trùng lớp lớp ấy đang kéo đến, cuộn lên không dứt trong lòng Thúy Kiều.
Mỗi cặp câu lại diễn tả một nỗi buồn khác nhau của Kiều.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
Lời thơ là ánh mắt của Kiều đang hướng ra ngoài xa của không gian cảnh vật. Trong cảnh vật chiều hôm, nhuốm tà dương ấy, một cánh buồm đang chấp chới, lẻ loi ngoài khơi xa. Cánh buồm ấy lúc ẩn lúc hiện trong mênh mông sóng nước, lẻ loi, cô quạnh. Phải chăng, đó cũng là tâm trạng là hoàn cảnh của nàng lúc này, cũng lẻ loi cô độc như vậy! Liệu chăng tới khi nào, nàng mới được trở về quê hương, trở về trong vòng tay của người thân yêu?
Lặp lại điệp từ “buồn trông” nhưng lần này, cảnh vật lại hiện ra khác với câu thơ trước:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trông man mác biết là về đâu”
Ánh mắt của Kiều đang dừng trên dòng nước mới đang chảy trôi chầm chậm. Trên mặt nước ấy là hình ảnh của một cánh hoa rơi rụng đang bị nước cuốn đi ra xa. Cánh hoa ấy cứ trôi nhẹ trên mặt nước, chẳng biết nước sẽ đưa cánh hoa ấy trôi đi xa tận những đâu. Phải chăng, Kiều nghĩ, đó cũng là thân phận của mình? Số phận của nàng cũng giống như cánh hoa kia, cứ dập dềnh theo dòng nước xô đẩy của cuộc đời chẳng biết sẽ dừng chân ở đâu, rơi vào một nơi thế nào? Đúng, nàng chỉ là cánh hoa mỏng manh, yếu đuối ấy, chẳng biết cuộc đời sẽ vùi dập nàng thêm bao nhiêu lần nữa đây? Hình ảnh cánh hoa là hình ảnh ước lệ miêu tả bản thân của Kiều như lời ví von của người xưa “hồng nhan” cũng là lời bày tỏ tâm trạng nỗi niềm lo lắng của nàng về cuộc đời của mình.
Hướng trông ra xa hơn, nàng nhìn thấy chân trời xa tắp, phía trước là một màu xanh của biển cả mênh mang. Thế nhưng, trong hình ảnh xanh mơn man ấy, là những “nội cỏ rầu rầu” – một màu sắc buồn bã, u ám như chặng đường sắp tới của nàng:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh”
Một “nội cỏ rầu rầu” – từ láy chỉ sự úa tàn, tàn lụi, một nội cỏ chẳng xanh mướt mà lại “rầu rầu” héo úa. Phải chăng, nội cỏ ấy cũng chứa tâm trạng của Kiều đang thật u ám, thật mệt mỏi, cô đơn rằng cuộc đời của mình cũng sẽ như nội cỏ ấy lụi tàn theo năm tháng, hao mòn tại nơi đây? Màu xanh xanh nhờn nhợt của chân trời cũng như báo hiệu cho tương lai mịt mù, đầy bão tố của nàng.
Nghĩ tới bão tố dường như trong lòng nàng dâng lên một dự cảm chẳng lành, những dự cảm về những sóng gió bủa vây cuộc đời nàng:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
“Gió cuốn mặt duềnh” – gió cuốn sóng nước nổi lên mù mịt, tiếng sóng ầm ầm bủa vây xung quanh. “Ầm ầm” được dùng ngay đầu câu thơ để người đọc cảm thấy sự hãi hùng, sự to lớn của biển cả trong giông bão. Đọc câu thơ, ta như cảm thấy sự rung chuyển của từng dòng nước đang nổi lên xung quanh. Phép nhân hóa ở đây không chỉ khiến cho câu thơ thêm sinh động mà còn dùng để thể hiện tiếng kêu sợ hãi trong lòng Kiều. Tiếng sóng gió ấy, tiếng gầm gào của sóng biển ấy dâng lên trong lòng khiến cho Kiều có một dự cảm chẳng lành về đoạn đường đời phía trước của nàng. Chắc hẳn nó cũng giông bão và thật khủng khiếp biết bao. Hình ảnh thiên nhiên nhưng lại mang tâm trạng của con người. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã thật xuất sắc khi dựng lên bức tranh tâm trạng đầy sợ hãi trước sóng gió của Kiều về cuộc đời phía trước. Đó như một lời cảnh báo, một dự cảm của Nguyễn Du báo hiệu cho những thử thách ở cuộc đời nàng phía trước mặt.
Khép lại đoạn trích, những gì đọng lại trong lòng người đọc chúng ta là bức tranh cảnh vật nhuốm màu tâm trạng của Kiều. Bức tranh ấy toàn những sắc màu nhợt nhạt, u sầu, buồn bã, bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cùng những dự cảm của Kiều về quãng đời phía trước. Đoạn trích cũng hội tụ nghệ thuật miêu tả tâm lý con người, độc thoại nội tâm đầy đặc sắc cùng những phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ tài ba mà Nguyễn Du sử dụng để miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” quả là một bức tranh tâm tình đầy xúc động.
Đọc đoạn trích người đọc thấy hiện lên ở đây một Thúy Kiều với tâm trạng thật cô đơn, buồn tủi, lạc lõng và sợ hãi biết chừng nào. Thế nhưng, nàng vẫn đau đáu trong lòng tình yêu thủy chung với Kim Trọng cùng tấm lòng hiếu kính với mẹ cha. Nguyễn Du đã miêu tả thật sát tâm trạng của Kiều. Ông đã dùng những cảnh vật xung quanh để vẽ lên bức tranh tâm trạng đặc sắc của Kiều. Ông đã cùng đồng cảm, cùng suy tư, cùng sẻ chia những nỗi buồn của nàng. Đó là một trong những điều biểu thị giá trị nhân văn đáng quý. Ông quả là một người thi sĩ vừa tài ba vừa nhân đạo của nền văn học Việt Nam.
…
>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du 2 Dàn ý & 20 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất (Sơ đồ tư duy) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.