Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế 2 Dàn ý & 20 bài văn nghị luận xã hội lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tử tế là đối xử tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình mà không hề tính toán. Với 20 bài Nghị luận xã hội về sự tử tế ngắn gọn, sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn.

Sự tử tế

Sự tử tế không chỉ mang đến những điều tốt đẹp cho người khác, mà còn khiến chính bản thân cảm thấy vui vẻ, ý nghĩa. Người tử tế luôn được mọi người kính trọng, quý mến. Chi tiết mời các em cùng tải miễn phí để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Mục Lục Bài Viết

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế

  • Dàn ý nghị luận sức mạnh của sự tử tế (2 mẫu)
  • Nghị luận sức mạnh của sự tử tế
  • Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ (13 mẫu)
  • Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn (6 mẫu)

Dàn ý nghị luận sức mạnh của sự tử tế

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của sự tử tế. (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

“Sự tử tế”: tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.

b. Phân tích

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.

Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của sự tử tế.

Rút ra bài học và liên hệ đến bản thân.

…..

Nghị luận sức mạnh của sự tử tế

Cuộc sống được cấu tạo từ nhiều yếu tố khác nhau từ tri thức đến tình cảm. Con người càng tích lũy được nhiều, càng phát triển bản thân tốt thì xã hội càng tiến bộ. Cũng giống như việc nếu con người càng sống tử tế với nhau bao nhiêu thì thông điệp nhân văn càng được lan tỏa bấy nhiêu.

Vậy thế nào là sự tử tế? Sự tử tế chính là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác. Đồng thời, đó còn là thái độ, cách cư xử lịch sự với mọi người.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người sống có cách hành xử thô lỗ, kém tinh tế,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 1

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người phải luôn trau dồi, rèn luyện bản thân để trở thành một công dân tốt. Sự tử tế cũng là một trong những yếu tố đánh giá nhân phẩm của con người.

Một người mang trong mình tấm lòng tử tế chính là người lịch sự, văn minh, được giáo dục tốt. Điều này thể hiện qua sự cẩn thận chu đáo trong hành động, lời nói. Hay đó có thể là sự quan tâm, yêu thương dành cho những người xung quanh. Không những vậy, người tử tế còn có tấm lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân”. Điều này được thể hiện rất rõ qua lối sống hằng ngày của họ.

“Việc tử tế” là chương trình khá nổi tiếng và có tính lan tỏa cao của Đài Truyền hình Quốc gia. Chuyên mục này tìm kiếm và ghi lại những việc làm tử tế của người dân và phát sóng trên khắp cả nước. Đó có thể là việc sửa chữa xe đạp miễn phí cho các cháu học sinh; người đàn ông cứ đến giờ tan tầm lại chạy ra ngoài đường điều tiết giao thông dù chẳng phải công an hay dân phòng; người phụ nữ đan khăn, mũ len rồi gửi đến cho các em nhỏ khó khăn,… Họ đều là những con người rất bình thường, làm việc tốt bằng cái tâm của mình. Đây cũng chính là mục đích cao cả, tốt đẹp của sự tử tế: giúp đỡ cộng đồng mà không cần báo đáp, cho đi mà không mong cầu nhận lại. Chính vì tình cảm trong sáng, không toan tính thiệt hơn này đã giúp cho họ có cuộc sống hạnh phúc, nhận được rất nhiều sự yêu mến, kính trọng, nể phục từ người khác.

Trái ngược với tấm lòng tử tế, đâu đó trong xã hội vẫn còn những người sống trên mồ hôi xương máu của người khác. Không những không giúp đỡ, họ còn đi lừa gạt, cướp bóc bằng nhiều thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi, khiến cho lòng người hoang mang, lòng tin sụp đổ, biết bao gia đình tan nát. Những kẻ như vậy sẽ không thể đắc ý lâu, sẽ có một ngày bị pháp luật hoặc “ông trời” trừng trị.

Những người tử tế luôn tâm niệm rằng niềm vui của người khác cũng chính là niềm vui của họ. Đây là lối suy nghĩ cực kì tốt đẹp, cao cả, mang đến cho con người một cuộc đời thực sự đáng sống. Hãy cố gắng duy trì và phát triển sự tử tế của bản thân để giúp đỡ mọi người, xây dựng xã hội hạnh phúc.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 2

Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đều là những trang giấy trắng giống nhau, việc vẽ gì lên trang giấy đó chính là cách mà chúng ta sống. Liệu có thể trở thành một người tử tế hay không một phần do xã hội, gia đình và quan trọng nhất chính ở bản thân mình. Có thể nói sự tử tế là vô giá, là điều đáng quý và đáng trân trọng mà mỗi người nên hướng đến, bên cạnh đó sự tử tế còn chứa đựng những sức mạnh tiềm ẩn.

“Sự tử tế” nghe có vẻ đơn giản và dễ hiểu nhưng đã mấy ai hiểu như thế nào được coi là tử tế và tử tế thực sự là như thế nào. Nguyên văn giải nghĩa “tử” là những chuyện nhỏ bé, “tế” là những chuyện bình thường, “tử tế” là cẩn thận ngay từ những việc nhỏ bé, tầm thường. Tuy nhiên, “sự tử tế” ở đây không nói đến cách làm mà nói đến cách sống, sống tử tế có nghĩa là sống ngay thẳng, thật thà, biết sống vì mình, vì người, tử tế từ trong suy nghĩ, lời nói và hành động luôn đứng đắn, có văn hoá đạo đức và có tình người. Sự tử tế được thể hiện rõ nhất qua cách mà con người ta đối xử với nhau trong cuộc sống, đơn giản như việc kính trên nhường dưới, tôn trọng người khác, đi trên xe bus thấy người già đứng thì mình nên nhường ghế ngồi cho họ, đó cũng là việc tử tế. Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ và cảm thông trước nỗi đau mất mát của người khác cũng là sự tử tế. Đấu tranh cho cái đúng, cái thiện và diệt trừ những cái xấu, cái ác cũng là việc tử tế, hay đem những cái tinh hoa, tốt đẹp đi nhân rộng và lan tỏa tới mọi người cũng là hành động tử tế… Đơn giản sống tử tế là sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, tử tế để phần “người” lấn át và chế ngự được phần “con”. Để đánh thức sự tử tế trong con người bạn rất đơn giản, hãy một lần giúp đỡ trẻ em hoặc người già qua đường, hãy thử một lần nói lời khen ngợi, động viên người khác thật chân thành, hoặc đơn giản chỉ là biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi bằng chính tấm lòng của mình. Chương trình “Việc tử tế” của Đài truyền hình Việt Nam đang hằng ngày trở thành cầu nối lan tỏa mạnh mẽ sự tử tế trong cuộc sống, hàng loạt những hoạt động ý nghĩa được nhân rộng như: Lớp học xóa mù chữ, chụp ảnh miễn phí cho người khuyết tật, cứu hộ sinh vật hoang dã… có thể nói sức lan tỏa của sự tử tế phần nào khẳng định sức mạnh của nó. Từ những việc tử tế nhỏ nhất cũng có thể mang lại lợi ích lớn, tất cả mọi lời nói, hành động tử tế đều mang những giá trị tốt đẹp. Bên cạnh đó, sự tử tế còn có sức mạnh gắn kết con người gần với nhau hơn tạo thành một khối đại đoàn kết thống nhất, giữa con người với con người có niềm tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chắc chắn sự tử tế có thể thay đổi bộ mặt xã hội trở nên văn minh và tiến bộ hơn, là tiền đề để đưa đất nước phát triển đi lên ngày một vững mạnh.

Ai trong số những người chúng ta đều có thể làm những việc tử tế, lan tỏa việc tử tế và trở thành người tử tế. Hạt giống tử tế luôn có trong mỗi con người chúng ta, việc cần làm là hãy cố gắng tạo ra cơ hội để chúng nảy nở và đơm hoa kết trái, nhận lại hoa thơm quả ngọt cho chính mình và cho mọi người.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 3

Sự tử tế không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Đơn cử như nếu muốn được tính tiền trước vì lý do nào đó thì hãy mở lời với những người đang xếp hàng ở quầy thu ngân trong siêu thị thay vì chen ngang; sự tử tế là không hùa theo đám đông để mạt sát ai đó trên mạng xã hội; là tránh lối suy nghĩ mọi người cùng chạy xe lên vỉa hè, có thêm mình nữa cũng không sao…

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn Dàn ý & 4 đoạn văn nghị luận 200 chữ

Khi cán cân xã hội nghiêng nhiều về các vấn đề tiêu cực, các thông tin trên mặt báo, trên mạng phủ kín cái xấu thì người ta lại thèm được đọc những thông tin nói về sự tử tế. Để nó đứng đơn lẻ thì sự tử tế rất dễ bị lu mờ, vì vậy cần có sự lan tỏa để sự tử tế được tỏa sáng. Hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất là internet. Ví dụ như câu chuyện về em Đạt, nếu chỉ anh Nghĩa nhìn thấy và cảm nhận được mà không chia sẻ lên mạng, cộng đồng sẽ không biết đến hành động của em để làm bài học cho chính mình. Hay nếu không có người vì thương cảm hoàn cảnh khó khăn nào đó rồi đưa lên trang cá nhân của mình để kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ thì sự tử tế cũng sẽ bớt đi một cơ hội bộc lộ. Do đó đã có nhiều chiến dịch, cuộc thi được mở ra vì điều này. Có thể kể đến là chiến dịch Tử Tế Là, cuộc thi Integrity Me – Sống liêm chính hay những lời kêu gọi cùng nhau sống tử tế với mình, với người xung quanh và xa hơn là với xã hội.

Nhiều bạn trẻ băn khoăn làm cách nào để rèn luyện sự tử tế? Trong một cuộc nói chuyện về vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam từng nói, với thực trạng xã hội ở nước ta, hãy tạo nhiều không gian nhỏ, văn minh, tử tế. Ở đó, mọi người đều cư xử với nhau tử tế, dám lên tiếng bài trừ những hành vi xấu thì những người chưa tử tế sẽ phải tự điều chỉnh mình. Hãy thay đổi vì xã hội, đừng ngồi chờ xã hội thay đổi để kéo mình theo. Hãy coi sự tử tế là một nhân sinh quan, nó luôn hiện diện trong bản thân mình ở mọi hoàn cảnh, đừng để nó chỉ là một cơn sóng hay một trào lưu, nhanh đến nhưng cũng sớm tàn.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 4

Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Từ những việc nhỏ nhặt nhất như lễ phép với người lớn, nhường nhịn các em nhỏ, không nghi kỵ người thấp kém hơn mình, bao dung với những người có lỗi lầm với mình… đều là những khía cạnh của sự tử tế. Hay đến những hành động lớn lao hơn như quyên góp tiền bạc, vật chất giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, luôn đứng về lễ phải, biết đấu tranh chống lại cái ác, không chịu an phận thủ thường, bàng quang lãnh đạm với cái xấu… thì sự tử tế đó càng đáng quý biết bao. Những việc ý nghĩa càng nhiều, những cái xấu xa càng được đẩy lùi thì cuộc sống trên trái đất này càng tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

Người tử tế có sự nhiệt huyết với con người, với cuộc đời một cách đáng kinh ngạc, sự nhiệt huyết chính là sức mạnh để họ giải quyết mọi công việc, biến những việc lớn thành việc nhỏ, biến những việc khó giải quyết thành những chuyện dễ giải quyết vô cùng.

Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác và đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Người tử tế luôn có những hành động xuất phát từ động cơ trong sáng, mọi suy nghĩ đều hướng đến sự lương thiện, vì cuộc sống chung, thậm chí còn biết hy sinh những quyền lợi cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp trọn vẹn cho cộng đồng.

Từ những hành động tử tế nhỏ bé trong cuộc sống thôi nhưng nó cũng tạo nên sức mạnh tinh thần không hề tầm thường: con cháu quan tâm, lo lắng đến sức khỏe ông bà, cha mẹ, hàng xóm láng giềng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, bạn bè giúp nhau trong học tập, anh chị em yêu thương, đùm bọc nhau… cũng góp phần tạo nên một cuộc đời với nhiều sự tốt đẹp.

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ, mà hầu hết đều được thể hiện qua hành động, họ biết thấu cảm với những nỗi đau của người khác, giúp đỡ người khác không chút tính toán. Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng, cho đi ân đức cũng chính là góp nhặt phước đức cho bản thân. Có những hành động, việc làm tốt đẹp cũng chính là đang làm cho cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.

Hãy sống một cuộc đời với nhiều sự tử tế thay vì một cuộc đời của con người vô cảm. Chính sự vô cảm đã khiến cho con người với con người dần dần và ngày càng xa nhau hơn, chỉ biết sống cho mình để rồi khi hoạn nạn không có người giúp đỡ, khi cần có người bên cạnh lúc gặp chuyện buồn cũng chẳng có ai. Tuy nhiên, muốn có được sư giúp đỡ thì cũng phải biết sống có tấm lòng thiện chí thực sự, biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Có một cộng đồng với nhiều người tử tế thì cuộc sống đó thật tuyệt vời biết bao

Cuộc sống là cả một guồng quay theo quy luật, mỗi người chỉ sống một cuộc đời duy nhất, bạn muốn sống một cuộc đời cống hiến những điều tốt đẹp nhất được mọi người công nhận và ngợi ca như anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” hay một cuộc đời nhạt nhẽo khiến con người ta bị cho vào thành phần sống vô cảm trong xã hội. Điều đó đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người.

Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Đó chính là lời hát gợi mở về sự tử tế, những tấm lòng tử tế trên đời.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 5

Mỗi con sinh ra trong cuộc đời, đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Mỗi người một tính, và chẳng ai giống ai cả. Ai cũng chọn cho mình một con đường riêng, để bước đi trong cuộc đời. Sống như thế nào chẳng thể do người khác quyết định được. Có những người sống một cuộc sống dối trá, lừa đảo, bẩn thỉu, xấu xa. Nhưng cũng có những người, sống một cuộc đời, một cách sống vô cùng tử tế.

Tử tế là gì? Đó là đối xử đúng mực với những người xung quanh. Biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Là có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh.

Trong xã hội của chúng ta đang sống, có rất nhiều người tử tế. Họ có thể ở ngay cạnh bên chúng ta, hay ở bất cứ nơi đâu. Họ cũng giống như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt. Cũng sống một cuộc sống như chúng ta, nhưng có điểm khác biệt rằng. Họ luôn sống một cách có ý thức, có trách nhiệm, có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu, giúp đỡ con người.

Trong xã hội với biết bao nhiêu người khó khăn, vất vả. Rất nhiều người bị ảnh hưởng của chất độc da cam do chiến tranh. Những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mồ côi, không nơi nương tựa. Hay những gia đình có hoàn cảnh, bệnh tật chẳng đủ tiền để chạy chữa. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khốn khổ, biết bao nhiêu con người phải đau thương. Nếu không có những người tử tế, sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ, sẽ chẳng có những cuộc sống bình yên, những mái ấm tình thương được xây dựng.

Một xã hội không ngừng phát triển và đi lên. Đời sống con người cùng càng ngày càng trở lên ấm no hơn. Con người cũng văn minh hơn, biết suy nghĩ cho người khác. Biết cư xử một cách đúng mực, sống và làm việc một cách đúng đắn hơn. Mang lại niềm vui cho người khác, cũng là những việc mà những người tử tế muốn làm.

Những người thầy, người cô không sợ gian khổ. Chuyển công tác về những vùng núi, biên cương, hải đảo. Để đem cái chữ về cho những đứa trẻ. Dù cuộc sống thiếu thốn gian khổ, nhưng họ vẫn bám trụ, bởi trong họ có niềm kiêu hãnh, tự hào. Vì bản thân mình đã làm được một việc tử tế, góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Việc tử tế, chẳng phải thứ gì quá cao siêu và to lớn. Đôi khi, một hành động nhỏ cũng làm cho chúng ta được xem trọng, được yêu thương. Đưa cụ già qua đường nơi giao lộ, nhặt được của rơi trả người mất, giúp người bị tai nạn, hay sẻ chia cho người khác bữa ăn của mình… Tất cả những hành động tuy nhỏ, nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

Thử nghĩ mà xem, nếu một xã hội không có những người tử tế, đó sẽ là xã hội như thế nào. Một xã hội chỉ biết có bản thân của mỗi cá nhân, không quan tâm tới người khác. Một xã hội thờ ơ với thực tại, thấy người gặp nạn thì lạnh nhạt cho qua. Gặp người khó khăn thì hồ nghĩ về người ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng trở lên lạnh lùng hơn hẳn. Biết bao nhiêu người chỉ biết tới bản thân mình. Sống một cuộc đời lạnh lẽo, chẳng đối xử tốt với ai, vì sợ bị lợi dụng, sợ không được đền đáp điều gì. Chẳng giúp đỡ ai điều gì, vì sợ bị lừa gạt.

Hạnh phúc trong cuộc sống xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cho đi và cảm nhận, chúng ta sẽ thấy tâm mình được mình yên thanh thản biết nhường nào. Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người. Việc tử tế, chẳng hề khó, và hãy sống như vậy đi, chúng ta sẽ được đền đáp. Bằng chính sự nhận xét của những người xung quanh, sự thiện cảm của họ với chúng ta, sự quý mến, yêu thương chúng ta.

Hãy luôn hướng cho mình một mục tiêu cố định về lẽ sống trong cuộc đời. Và hãy sống một cuộc đời tử tế, cách sống tử tế. Để chúng ta cảm nhận được tình yêu thương luôn ở bên.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 6

Khi xã hội ngày càng phát triển, con người hình như đã chú ý nhiều đến những giá trị vật chất nhiều hơn là giá trị về tinh thần. Mối quan hệ giữa con người dần trở nên xa cách, đôi khi đánh mất đi sự tử tế trong cách ứng xử.

Đầu tiên cần hiểu được, tử tế là đối xử đúng mực với những người xung quanh. Những người sống tử tế sẽ biết đồng cảm và chia sẻ. Họ không ngại giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hay đang gặp hoạn nạn. Những người tử tế sẽ có một trái tim giàu lòng nhân ái. Đây là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp, một lối sống văn hóa lành mạnh mà mỗi người cần có.

Sự tự tế được thể hiện qua cách ứng xử, qua hành động của mỗi người. Ví dụ như lễ phép với người lớn tuổi, nhường nhịn những người kém tuổi. Chia sẻ với bạn bè có gia đình gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Tôn trọng sở thích cá nhân của những người xung quanh, không kì thị hoặc coi thường người khác… Đặc biệt là sống tử tế chính là bản thân cố gắng để trở thành một người có ích cho gia đình, xã hội.

Một người sống tử tế sẽ nhận được lại rất nhiều điều. Đó có thể là sự giúp đỡ của người khác khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể là tình yêu thương, trân trọng của những người xung quanh. Và hơn cả là những người sống tử tế luôn cảm thấy lạc quan, hạnh phúc và thoải mái. Cuộc đời của họ là cuộc đời có ích, đem lại nguồn năng lượng tích cực cho những người bên cạnh. Sự tử tế còn đem lại sức mạnh to lớn giúp gắn kết con người, tạo ra một khối thống nhất vượt qua mọi nghịch cảnh có thể xảy ra. Mỗi người trong xã hội đều biết sống tử tế, sẽ tạo ra một xã hội văn minh, công bằng và hạnh phúc.

Từ trong lịch sử, con người Việt Nam đã được biết đến với tấm lòng nhân đạo cao cả. Với những kẻ thù xâm lược, nhân dân ta luôn đối xử bằng sự tử tế giữa con người với con người. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù bàn tay kẻ thù đã nhuộm máu của đồng bào ta, nhưng người Việt Nam vẫn cứu giúp cho nhiều binh lính Pháp và Mỹ. Trở về hiện tại, khi đất nước đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, người dân Việt Nam cũng luôn đối xử với nhau bằng sự tử tế và tinh thần tương thân tương ái: hỗ trợ những người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phát khẩu trang miễn phí, bày tỏ sự tri ân với đội ngũ y bác sĩ… Bản thân một học sinh như tôi luôn ý thức phải rèn luyện để bản thân trở thành một người sống tử tế, tương lai sẽ góp phần xây dựng đất nước ngày một văn minh hơn.

Tham khảo thêm:   Bài tập tích vô hướng của hai vectơ và ứng dụng Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 10

Như vậy, sự tử tế có một sức mạnh vô cùng to lớn trong cuộc sống của con người. Cũng giống như ai đó đã từng nói rằng: “Không hành động tử tế nào sẽ dừng lại chỉ với chính nó. Một hành động tốt đẹp dẫn tới một hành động khác. Những tấm gương được noi theo. Một hành động tử tế đơn giản vươn rễ về mọi hướng, và rễ vươn lên mọc thành cây cối. Điều vĩ đại nhất mà lòng tốt làm được cho người khác là khiến chính họ cũng trở nên tốt đẹp”.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 7

Cuộc sống hiện đại, chạy theo đồng tiền dễ khiến con người sẵn sàng đánh đổi tất cả kể cả nhân phẩm của mình. Đó cũng chính là lý do làm cho cuộc sống hiện nay không còn quá nhiều những con người sống tử tế.

Bàn về lối sống tử tế, vậy cần hiểu như thế nào là người tử tế. Có rất nhiều cách để khái niệm người tử tế, nhưng đối với bản thân tôi, tôi hiểu người tử tế là người thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp… Tóm lại người tử tế là người từ phong cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói và lối sống đều ngay thẳng, trước sau như một.

Tại sao chúng ta cần nhiều hơn cho xã hội những con người tử tế? Bởi lẽ một xã hội mà nhiều người tử tế thì xã hội đó sẽ văn minh hơn, đất nước mà có nhiều người tử tế thì đất nước đó sẽ là một đất nước mạnh về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị.

Làm người tử tế được lợi gì? Một câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta, bản thân con người luôn phân thành hai nhánh, một thiện, một ác, vậy nếu chúng ta không sống cho tử tế để phần thiện che lấp phần ác thì chúng ta nhanh chóng dễ bị tha hoá và trở nên xấu xa, sống tử tế luôn được mọi người kính trọng, yêu quý và tin tưởng, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc hơn.

Sống cho tử tế là chúng ta đã sống có ích, tạo ra được giá trị cho xã hội và đúng với hai chữ “con người”. Xã hội hiện nay bên cạnh số ít những con người tử tế thì còn lại số đông là những con người vô cảm, vô văn hoá thậm chí cả xấu xa. Có nhiều nguyên nhân gây ra lối sống như vậy. Do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại và đặc biệt sự chi phối của đồng tiền quá lớn. Do sự giáo dục của nhà trường mà nên, đa số những người này là những người ít học, lười lao động. Sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ đến con em, các bậc phụ huynh quá nuông chiều con mình, vô hình dung đã tạo ra sự buông lỏng và dễ dẫn các em đến con đường ăn chơi sa đọa. Do chính bản thân họ là những người không muốn vươn lên, sống mà chỉ biết phụ thuộc, thích dựa dẫm vào người khác, sống ích kỉ, tìm mọi cách để gian dối mỗi khi gặp khó khăn và đó chính là văn hoá đổ lỗi.

Từ những nguyên nhân đó, con người cần có thêm những biện pháp để thay đổi cách sống trên. Nhà trường cần có những thay đổi trong phương pháp giáo dục. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con em mình, tránh chiều chuộng quá mức. Bản thân mỗi người phải nhận ra tầm quan trọng của việc sống tử tế, luôn đề phòng và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Tóm lại thì mỗi chúng ta hãy sống tử tế, sống tử tế có nghĩa là bạn đã tạo ra được giá trị cho xã hội. Ông cha ta xưa có câu “tiên học lễ hậu học văn”, ngụ ý muốn răn dạy con cháu cần chú trọng trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách, lễ là nhân cách, văn là nhận thức hiểu biết, vậy muốn nhận thức đầy đủ và hiểu biết nhiều người ta phải xây dựng nhân cách và bản chất thật tốt. Hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy sống cho tử tế và thật dễ thương vì cuộc đời vốn dễ ghét.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 8

Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đều là những trang giấy trắng giống nhau, việc vẽ gì lên trang giấy đó chính là cách mà chúng ta sống. Liệu có thể trở thành một người tử tế hay không một phần do xã hội, gia đình và quan trọng nhất chính ở bản thân mình. Có thể nói sự tử tế là vô giá, là điều đáng quý và đáng trân trọng mà mỗi người nên hướng đến.

Sống “tử tế” nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Nguyên văn giải nghĩa “tử” là những chuyện nhỏ bé, “tế” là những chuyện bình thường, “tử tế” là cẩn thận ngay từ những việc nhỏ bé, tầm thường. Tuy nhiên, “sự tử tế” ở đây không nói đến cách làm mà nói đến cách sống. Sống tử tế có nghĩa là sống ngay thẳng, thật thà, biết sống vì mình, vì người, tử tế từ trong suy nghĩ, lời nói và hành động luôn đứng đắn, có văn hoá đạo đức và có tình người.

Sự tử tế được thể hiện rõ nhất qua cách mà con người ta đối xử với nhau trong cuộc sống. Đơn giản như việc kính trên nhường dưới, tôn trọng người khác, nhường chỗ cho người cao tuổi khi tham gia các giao thông bằng các phương tiện công cộng. Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ và cảm thông trước nỗi đau mất mát của người khác cũng là sự tử tế. Đấu tranh cho cái đúng, cái thiện và diệt trừ những cái xấu, cái ác cũng là việc tử tế, hoặc đem những cái tinh hoa, tốt đẹp đi nhân rộng và lan tỏa tới mọi người cũng là hành động tử tế… Đơn giản sống tử tế là sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, tử tế để phần “người” lấn át và chế ngự được phần “con”. Để đánh thức sự tử tế trong con người bạn rất đơn giản, hãy một lần giúp đỡ trẻ em hoặc người già qua đường, hãy thử một lần nói lời khen ngợi, động viên người khác thật chân thành, hoặc đơn giản chỉ là biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi bằng chính tấm lòng của mình. Chương trình “Việc tử tế” của Đài truyền hình Việt Nam đang trở thành cầu nối lan tỏa mạnh mẽ sự tử tế trong cuộc sống, hàng loạt những hoạt động ý nghĩa được nhân rộng như: Lớp học xóa mù chữ, chụp ảnh miễn phí cho người khuyết tật, cứu hộ sinh vật hoang dã… có thể nói sức lan tỏa của sự tử tế phần nào khẳng định sức mạnh của nó. Từ những việc tử tế nhỏ nhất cũng có thể mang lại lợi ích lớn, tất cả mọi lời nói, hành động tử tế đều mang những giá trị tốt đẹp. Bên cạnh đó, sự tử tế còn có sức mạnh gắn kết con người gần với nhau hơn tạo thành một khối đại đoàn kết thống nhất, giữa con người với con người có niềm tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chắc chắn sự tử tế có thể thay đổi bộ mặt xã hội trở nên văn minh và tiến bộ hơn, là tiền đề để đưa đất nước phát triển đi lên ngày một vững mạnh.

Ai trong số những người chúng ta đều có thể làm những việc tử tế, lan tỏa việc tử tế và trở thành người tử tế. Hạt giống tử tế luôn có trong mỗi con người chúng ta, việc cần làm là hãy cố gắng tạo ra cơ hội để chúng nảy nở và đơm hoa kết trái, nhận lại hoa thơm quả ngọt cho chính mình và cho mọi người.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 9

Tử tế là phẩm chất cao quý của con người. Người tử tế, do đó, không chỉ là người có phẩm chất cao quý mà còn là người biết sử dụng lòng tốt của bản thân, chia sẻ những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống có giá trị.

Về ngữ nghĩa, tử tế là sự tốt bụng. Sống tử tế là sống có tấm lòng, từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có khả năng góp phần tạo nên lối sống đẹp. Lòng tử tế, hiện hữu trong mỗi con người, trước nhất như một tiềm năng, do vậy, để có nó trong cuộc sống, ta cần khai thác, nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển. Vì là một phẩm chất nên sự tử tế không bỗng dưng mà có, cần được huấn luyện, hướng dẫn, học tập, rèn luyện để có được. Khi lòng tử tế đã có mặt, người sở hữu nó phải biết gìn giữ, ứng dụng và nhân rộng.

Về bản chất, người tử tế vừa nhạy cảm, vừa năng động, vừa thích dấn thân. Nhạy cảm với những bất công, cảm thông với những nỗi đau, năng động với các việc nghĩa, dấn thân vào các công việc đáng làm. Tất cả chỉ vì một tấm lòng: không thể thờ ơ, bàng quan, lãnh cảm, an phận thủ thường, hay vô tích sự. Nhờ phẩm chất này, người tử tế luôn năng động, tìm kiếm các việc nghĩa để góp phần phụng sự tha nhân, xây dựng cuộc sống trên hành tinh này ngày càng tốt đẹp hơn.

Nói cách khác, nơi nào có lòng nhiệt huyết, nơi đó xuất hiện nhiều việc nghĩa. Người nào có lòng nhiệt huyết, người đó sẽ không để cuộc sống của mình trôi qua một cách uổng phí và tiếc nuối. Với lòng nhiệt huyết, việc nặng thành nhẹ, việc lớn thành nhỏ, việc khó thành bình thường. Nhiệt huyết vì việc nghĩa là sức sống bùng cháy, mãnh liệt như mặt trời không ngừng sự chiếu soi. Với nhiệt huyết, ta mở ra cho mình các cánh cửa cơ hội của việc tốt, việc nghĩa, việc có giá trị. Nhờ đó, cuộc sống này tăng thêm gia vị tình người.

Người tử tế nào cũng có đức tính cao thượng, bao dung, độ lượng. Người cao thượng, không trói tâm mình vào danh vọng, lợi dưỡng, phục vụ cho cái tôi và phe nhóm mình. Nhờ phẩm chất cao thượng, người tử tế biết quan tâm tới tha nhân với động cơ trong sáng, với hành động cao quý. Trong mọi tình huống, người cao thượng suy nghĩ, quyết định, làm việc trên tinh thần “quang minh, chính đại”, hướng đến công bằng xã hội. Thậm chí có thể hy sinh các quyền lợi cá nhân để hướng đến đại cuộc.

Nói theo đức Phật, người tử tế với tâm cao thượng là người “vì phúc lợi, vì an lạc, vì lợi ích cho số đông”. Với phẩm chất cao thượng, người tử tế sống rất dung dị, gần gũi với cuộc sống, không ngừng nỗ lực phụng sự và đóng góp.

Mỗi khi ngồi quan sát đàn kiến đang vội vã vác trên lưng chúng các thực phẩm to hơn chúng, dầu vất vả và nặng nhọc, các con kiến đã chào hỏi nhau, thể hiện sự quan tâm dành cho đồng loại. Hành động đó, tưởng chừng như nhỏ lại có ý nghĩa nhân văn.

Trong sự bôn ba, mưu cầu hạnh phúc, đôi lúc chúng ta quên đi sự quan tâm tới nhau, hỏi han nhau, giúp đỡ nhau. Quan tâm tới tha nhân làm cho cuộc sống trở nên thân thiết, gần gũi, ấm áp tình người. Lời hỏi han, động viên, góp ý tưởng cho người khác đang bí lối… để lại ấn tượng tốt đẹp và sự khích lệ cần có.

Vượt lên trên loài vật, sự quan tâm của con người không nên là chủ nghĩa hình thức, qua loa, lấy lệ. Cần có ý thức về trách nhiệm quan tâm đến người thân và tha nhân trong xã hội. Không cần phải quan tâm đến những điều xa vời, cao siêu, phi hiện thực.

Từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng không tầm thường, sự quan tâm của ta về cuộc đời sẽ giúp cuộc sống có ý nghĩa. Các nghĩa cử như cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái; con cháu quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, ông bà; làng xóm quan tâm lẫn nhau, mỗi người quan tâm đến tha nhân trong tương quan xã hội… góp phần tạo nên văn hóa tình người.

Quan tâm, chào hỏi không phải là việc gì quá to lớn đến độ không làm được, do đó, đừng để tâm mình trở nên khô khan, chai lì trước những bất hạnh của tha nhân. Người thiếu quan tâm đến tha nhân chẳng khác nào có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe, có mũi mà không thở, lủi thủi một mình, lầm lì, vô cảm. Quan tâm bằng lời thưa hỏi, quan tâm bằng hành động trợ giúp, quan tâm bằng sự cho đi… là những nghĩa cử tạo nên niềm vui và hạnh phúc trong đời.

Tham khảo thêm:   Đề thi giữa học kì 1 môn Âm nhạc 8 năm 2023 - 2024 sách Cánh diều Mẫu đề kiểm tra giữa kì 1 Âm nhạc 8

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại trong tâm tưởng, mà cần thể hiện qua hành động từ bi, nhân ái, vị tha, vô ngã. Người tử tế biết thống thiết với nỗi đau của kiếp người nên biết chia sẻ, hiến tặng, ban cho bằng cả tấm lòng. Giúp đỡ người khác thực ra làm cho chính mình trở nên cao thượng. Hiến tặng cho người khác thực ra là đang góp nhặt phước đức cho bản thân. Phụng sự cho cuộc đời thực ra là đang làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa. Không ai nghèo đến nỗi không thể cho người khác cái gì. Cũng không ai giàu đến nỗi có thể cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Chia cắt một phần chi tiêu không cần thiết của bản thân và gia đình, tặng cho các mảnh đời kém may mắn hơn, là đang mang lại niềm hạnh phúc với tâm niệm ban cho như cứu khổ, người giúp đời, cứu người thấy rõ sống không phải là gom góp cho riêng mình mà là ban tặng, dâng hiến. Như nguồn nước lưu thông, nước chảy đi rồi lại chảy về, mang thêm phù sa bồi đắp… Người ban cho sẽ không mất đi những thứ mình đang có, mà làm cho những thứ mình sở hữu trở nên có ý nghĩa hơn.

Trong nhiều tình huống, ta không nên mặc cảm với sự cho. Trao tặng kiến thức, tư vấn nghề nghiệp, giúp đỡ cơ hội, chỉ dẫn lối đi… là cho những chiếc cần câu, dù đòi hỏi đến công phu nhưng rất cần thiết. Hiến tặng tạng, mô và hiến xác cho y học là đang trao tặng cho những người hữu duyên cơ hội “được tái sinh” một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện tại ngắn ngủi này. Nâng đỡ người có khả năng, giúp đỡ người nghèo khó, dẫn dắt người bí lối, truyền trao kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau… đều là những sự cho có giá trị. Cho một lời khuyên đúng tình huống có thể tạo nên sự lên dây cót tinh thần. Đưa tay xuống cứu vớt một mảnh đời, tạo cơ hội cho người ngã quỵ đứng thêm một lần nữa… là những sự cho có ý nghĩa xây dựng cuộc sống. Đừng lỗi hẹn với sự cho.

Đừng chậm trễ và chần chừ. Đừng tiếc nuối và vô cảm. Khi chết đi, không ai có thể mang theo bất cứ vật gì tùy thân. Do đó, khi còn sống, đừng đánh mất cơ hội ban cho. Nói cách khác, người ban cho thì còn hoài. Người giấu diếm, tham luyến tài sản trở nên bủn xỉn, đôi lúc vô dụng. Hãy tập thói quen ban cho, thay vì chỉ biết gom góp về.

Sống tử tế còn bao hàm nhiều phẩm chất cao quý khác như chính trực, can đảm, chí công, vô tư, hy sinh, tận tụy… Lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn. Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế đầy đủ – Mẫu 10

Một xã hội văn minh khi còn người luôn ý thức được bản thân phải sống một cách tử tế. Cách sống này sẽ giúp chúng ta nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trước tiên, cần trả lời câu hỏi “Thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng. Hiểu đơn giản, sự tử tế là sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và làm hại ai, luôn giúp đỡ mọi người và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Một người biết sống tử tế sẽ được biểu hiện qua thái độ và hành động.

Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “nhạt”. Vì sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.

Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi. Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay là Facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người… được mọi người chia sẻ rộng rãi. Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập. Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.

Như vậy, sự tử tế có sức mạnh lan tỏa vô cùng to lớn. Khi chúng ta biết sống tử tế thì xã hội sẽ ngày càng trở nên văn minh hơn, cuộc sống của con người cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

…..

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn – Mẫu 1

Về lối sống tử tế, có rất nhiều cách để khái niệm khác nhau. Nhưng hiểu đơn giản nhất đó là sống thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp… Muốn làm giàu, có thể chỉ vài năm, nhưng để có nếp sống hay cách ứng xử có văn hóa có thể phải trải qua nhiều năm tháng học hành và tiếp thu nghiêm chỉnh. Một ví dụ như cách gọi, cách trả lời điện thoại sao cho có văn hóa cũng không phải ai cũng biết. Cách gọi, cách trả lời điện thoại cộc lốc không một lời thưa gửi, tạo sự bực bội khó chịu cho người nghe không còn là chuyện ít. Lại có người nói năng quá lời, nói nhiều, nói dai đến mức không cần biết người nghe có muốn nghe hay không. Hay như hành động thuốc lá trong ở nơi công cộng (phòng làm việc, trên toa xe, trong rạp hát…) như chốn không người, bất chấp lời phàn nàn, sự khó chịu của những người xung quanh. Chúng ta đang dần chạy theo lối sống ích kỉ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân mà quên đi lẽ sống cao đẹp “mình vì mọi người” mà ông cha ta bao đời để lại. Những biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa như gặp người già đến nhà, con cái không chào, lên xe buýt, thanh niên tranh chỗ ngồi, không nhường cho người già, phụ nữ có con nhỏ. Nói tục, chửi bậy, chửi thề trước đông người tạo ra một hình ảnh xấu về bản thân trước mặt người khác. Sống tử tế không khó; chỉ khó khi ta lười biếng, e ngại hoặc chưa đủ quyết tâm. Đừng sống phí tuổi thanh xuân mà hãy cùng trao đổi kiến thức, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo, các em bé mồ côi, các cụ già ốm đau, không nơi nương tựa. Để cuộc sống của mỗi người đều sẽ trở nên có ích hơn.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn – Mẫu 2

Sự tử tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ, bất hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Đầu tiên tử tế được biểu hiện bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang những người gặp khó khăn, thiếu thốn, đó có thể là người thân, bạn bè hay thậm chí là cả những người xa lạ. Những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông, đùm bọc giữa người với người. Từ xưa đến nay, việc tử tế luôn được cả xã hội đề cao và nêu gương. Chương trình “Việc tử tế” được sản xuất và phát sóng trên kênh truyền hình VTV đã ghi lại hàng trăm, hàng nghìn việc làm tử tế trên khắp các mọi miền đất nước với mong muốn ca ngợi và lan tỏa sự tử tế đến toàn xã hội. Hành động tử tế, lối sống tử tế sẽ giúp ta cảm thấy thanh thản và hạnh phúc hơn bởi đó là hành động trao đi yêu thương. Thế nhưng, trong xã hội chạy theo những giá trị hão huyền như hiện nay, sự tử tế đã bị biến tướng đi khi một bộ phận người cố tình đi từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, khoe mẽ tài sản và coi thường người khác. Chính vì vậy, khi làm việc tử tế, chúng ta cần xuất phát từ chính lòng yêu thương con người, từ sự chân thành, đồng cảm, có như vậy, việc tử tế mới thật sự có ý nghĩa với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn – Mẫu 3

Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. “Sự tử tế” là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Những hành động đơn giản như lễ phép với người lớn, yêu thương trẻ em, người già, không nghi kỵ người thấp kém hơn mình, bao dung với những người có lỗi lầm với mình… đã là những khía cạnh của sự tử tế. Hay đến những hành động lớn lao hơn như quyên góp tiền bạc, vật chất giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, luôn đứng về lễ phải, biết đấu tranh chống lại cái ác, không chịu an phận thủ thường, bàng quang lãnh đạm với cái xấu… thì sự tử tế đó càng đáng quý biết bao. Sự tử tế đem lại những điều vô cùng quý giá. Đó có thể là sự giúp đỡ của người khác khi ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể là tình yêu thương, trân trọng của những người xung quanh. Và hơn cả là những người sống tử tế luôn cảm thấy lạc quan, hạnh phúc và thoải mái. Cuộc đời của họ là cuộc đời có ích, đem lại nguồn năng lượng tích cực cho những người bên cạnh. Sự tử tế còn đem lại sức mạnh to lớn giúp gắn kết con người, tạo ra một khối thống nhất vượt qua mọi nghịch cảnh có thể xảy ra. Mỗi người trong xã hội đều biết sống tử tế, sẽ tạo ra một xã hội văn minh, công bằng và hạnh phúc.

Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế ngắn gọn – Mẫu 4

Đại văn hào Mark Twain từng khẳng định: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc”. Năm 1987, phim điện ảnh tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ra mắt đã gây “sốt” trong công chúng. Bộ phim đi vào thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội để đi tìm khái niệm “thế nào là sự tử tế?”. Đã ra đời cách đây 30 năm, nhưng phim vẫn còn nguyên tính thời sự khi hiện nay, sự tử tế vẫn luôn là đề tài nóng khiến nhiều người trăn trở trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Có thể nói, trong xã hội hiện nay, khi những hành vi và lối sống thiếu chuẩn mực, người ta lại càng tha thiết kêu gọi sự tử tế từ mỗi cá nhân con người. Sự tử tế ấy không cần phải đao to búa lớn, mà có thể xuất phát từ chính những hành động giản dị hàng ngày chúng ta giao thiệp. Như quan niệm của nhà văn Nguyễn Một, tử tế không phải là làm những điều to tát cao siêu, mà làm những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, cử chỉ chia sẻ với tha nhân… Tất cả đều là tử tế. Khi xã hội đang tồn tại những điều xấu khiến người ta phải lên tiếng phê phán, thì càng cần “thuốc thang” bằng những điều tử tế. Rõ ràng, khi sự tử tế được nhân rộng trong xã hội, cuộc sống cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, lịch sự và văn minh hơn. Sống tử tế, mỗi người không chỉ góp phần giúp xã hội tiến bộ hơn mà còn tìm thấy được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Và lẽ dĩ nhiên, những điều đó chỉ có người tử tế mới cảm nhận được.

….

>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế 2 Dàn ý & 20 bài văn nghị luận xã hội lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *