Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (3 mẫu) Nghị luận về một bài thơ lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mang tới 3 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều vốn từ để nhanh chóng hoàn thiện bài văn nghị luận thật sâu sắc.

Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ thuộc dạng văn nghị luận về một bài thơ nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Khi viết các em cần trình bày nhận xét, đánh giá của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ đó. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:

Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Mẫu 1

Cũng như mùa thu, mùa xuân cũng là chủ đề cho nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của biết bao thi sĩ xưa và nay để họ tạo nên chất ngọt của muôn ngàn vần thơ kì diệu khác nhau

Và mùa xuân trong thơ của Thanh hải cũng thật đẹp, thật nhiều ý nghĩa. Không những đẹp từ cảnh thiên nhiên mà đến tâm hồn Thanh Hải cũng thật đẹp.

Đó là mùa xuân trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” mà tác giả sáng tác không bao lâu trước khi qua đời (1980). Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên, đất nước, con người và khát khao cống hiến của nhà thơ, bộc lộ niềm lạc quan, vui say trong cảnh đất trời vào xuân nhưng cũng đầy trăn trở và suy nghĩ.

Hình ảnh của một mùa xuân rất Huế đã được tác giả mở đầu cho bài thơ:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời,
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Đây là bức tranh mùa xuân được vẽ lên bằng tâm hồn của người nghệ sĩ với những nét chấm phá rất dễ thương rất tuyệt vời, một nét đặc trưng rất Huế đó là hình ảnh màu “tím biếc ” của “một bông hoa” hòa với màu “xanh” của “dòng sông”.

Một màu tím gợn nhẹ như màu tím hoa sim mọc giữa con sông xanh biếc hay như những tà áo dài với màu tím nhẹ nhàng của những cô gái Huế. Cả hai màu sắc đều hài hòa như vẫy gọi mùa xuân.

Động từ “Mọc” xuất hiện một cách đột ngột trong câu thơ như một lời báo hiệu của sự trỗi dậy của sức vươn lên mạnh mẽ của một bông hoa giữa bốn bề sông nước mênh mông rộng lớn.

Cả hai hình ảnh “dòng sông xanh” và “hoa tím biết” ấy đã gợi lên trong lòng người đọc một bức tranh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống.

Bức tranh xứ Huế vào xuân lại càng sinh động hơn bởi tiếng hót líu lo của chim chiền chiện:

“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời,
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Tiếng hót của chim chiền chiện vút cao, lảnh lót như mở thêm không gian, gợi cảm, trong trẻo, đáng yêu.

Từ cảm thán “Ơi” đặt ở đầu câu, một từ “chi” đứng sau động từ “hát” đã đưa cách nói ngọt ngào, thân thương của Huế vào nhạc điệu của thơ tạo cho ta một cảm giác bình yên, sự dịu dàng tha thiết của xứ Huế cố đô.

Sự chuyển đổi cảm giác trong tác giả thật kì lạ từ thị giác sang thính giác và giờ là xúc giác “tôi đưa tay tôi hứng” Sự chuyển đổi cảm giác này thể hiện sự say sưa, ngây ngất, nâng niu của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào xuân.

Niềm vui đó, niềm hạnh phúc đó hoàn toàn khác với tâm trạng buồn chán trước cảnh xuân đất nước đang đắm chìm trong đêm đen nô lệ:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Với những vần thơ giản dị nhưng Thanh Hải vẫn miêu tả được mùa xuân cách mạng quê hương của tác giả:

“Mùa xuân người cầm súng,
Lộc giắt đầy trên lưng.
Mùa xuân người ra đồng,
Lộc trải dài nương mạ.
Tất cả như hối hả,
Tất cả như xôn xao…”

Hai câu thơ đầu tác giả muốn nhấn mạnh đến mùa xuân của người cầm súng và của người ra đồng biểu thị cho hai nhiệm vụ chính lúc bấy giờ là bảo vệ và xây dựng đất nước.

“Lộc” tượng trưng cho sự ấm no, “trúng mùa” của công việc sản xuất. Người dân lao động muốn mình cống hiến hết sức lực, tài năng vào công việc xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh bởi vậy tất cả mọi người đều tự nguyện:

“Tất cả như hối hả,
Tất cả như xôn xao…”

Điệp từ “tất cả” xuất hiện liên tục nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chung của mỗi người. Từ láy “hối hả”, “xôn xao” gợi hình, gợi tả thể hiện nhịp độ khẩn trương, tươi vui,

Sức sống của “mùa xuân đất nước” còn được cảm nhận qua nhịp điệu hối hả, những âm thanh xôn xao của đất nước bốn ngàn năm, trải qua biết bao vất vả và gian lao để vươn lên phía trước và mãi khi mùa xuân về lại được tiếp thêm sức sống để bừng dậy, được hình dung qua hình ảnh so sánh rất đẹp:

“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả vào gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”

Không tự hào sao được khi đất nước đi lên từ “vất vả”, “gian lao”. Từ ngữ giản dị nhưng cũng đã tái hiện cuộc hành trình lịch sử của dân tộc ta khi chiến tranh cũng như thiên tai “sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, đói nghèo không buông.

Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.

Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng. Một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng cân thành và tha thiết:

“Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến”

Lời thơ như ngân lên thành lời ca. Nếu như đoạn đầu Thanh Hải xưng tôi kín đáo và lặng lẽ thì đến đoạn này ông chuyển giọng xưng ta. Vì sao có sự thay đổi như vậy?

Ta ở đây là nhà thơ và cũng chính là tất cả mọi người. Khát vọng của ông là được làm con chim hót, một cành hoa để hoà nhập vào “mùa xuân lớn” của đất nước, góp một nốt trầm vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời.

Hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ” nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người cho cuộc đời chung cho đất nước.

Điều tâm niệm đó thật chân thành, giản dị và tha thiết xin được làm một nốt trầm trong bản hoà ca của cuộc đời nhưng là “một nốt trầm xao xuyến”.

Điều tâm niệm của tác giả: “lặng lẽ dâng cho đời” chính là khát vọng chung của mọi người, ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải của riêng ai.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi giữa học kỳ 1 môn Tiếng Anh lớp 5 năm học 2016 - 2017 (Có đáp án) Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn tiếng Anh lớp 5

Đến khổ thơ tiếp theo, tác giả đã giúp ta hiểu rõ hơn nhan đề của bài thơ – Mùa xuân nho nhỏ:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

“Mùa xuân” là ý niệm chỉ thời gian nhưng “mùa xuân nho nhỏ ở đây của tác giả đã trở thành lẽ sống đẹp, lý tưởng.

Đã gọi là cống hiến cho đời thì dù ở tuổi nào đi chăng nữa cũng phải luôn biết cố gắng hết tâm trí để phục vụ và hiến dâng cho quê hương, đất nước mến yêu của chính mình.

Kết thúc bài thơ bằng một âm điệu xứ Huế: điệu Nam ai, Nam Bình mênh mang tha thiết, là lời ngợi ca đất nước, biểu hiện niềm tin yêu và gắn bó sâu nặng của tác giả với quê hương, đất nước, một câu chân tình thắm thiết:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam Bình”

Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực sự, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất và bài thơ này cũng chính là những điều đúc kết cả cuộc đời của ông.

Tóm lại bài thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca nhẹ nhàng tha thiết, giàu hình ảnh, nhạc điệu, cất trúc thơ chặt chẽ, giọng điệu đã thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả.

Nét đặc sắc của bài thơ là ở chỗ nó đề cập đến một vấn đề lớn và quan trọng “nhân sinh”, vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân được Thanh Hải thể hiện một cách chân thành, thiết tha, bằng giọng văn nhỏ nhẹ như một lời tâm sự, gửi gắm của mình với cuộc đời.

Nhà thơ ước nguyện làm một “mùa xuân” nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường; là “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào “mùa xuân lớn” của đất nước của cuộc đời chung.

Bài thơ cũng có ý nghĩa hơn khi Thanh Hải nói về “mùa xuân nho nhỏ” nhưng nói được tình cảm lớn, những xúc động của chính tác giả và của cả chúng ta.

Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Mẫu 2

Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, ông nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, sâu lắng mang đậm văn hóa con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Bài thơ được ông viết vào năm 1980, trong khung cảnh hòa bình, trong công cuộc xây dựng đất nước. Một hồn thơ trong trẻo. Một điệu thơ ngân vang Đất nước vào xuân vui tươi rộn ràng.

Sáu câu thơ đầu như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên ,một bông hoa tím biếc”.

Động từ “mọc” nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi tả sự ngạc nhiên vui thú, một niềm vui hân hoan đón chào tín hiệu mùa xuân:

Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bông hoa tím biếc.

Màu xanh của nước hòa hợp với màu “tím biếc” của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm. Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót.

Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn thân của nhà nông. Từ “ơi” cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:

Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Hai tiếng “hót chi” là giọng điệu thân thương của người dân Huế được tác giả đưa vào diễn tả cảm xúc thiết tha giữa người với tạo vật.

Chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim ngân vang, rung động đất trời đem đến bao niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

“Đưa tay… hứng” là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. “Giọt long lanh” là sự liên tưởng đầy chất thơ.

Tóm lại, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót…, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của đất nước vào xuân.

Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Cấu trúc thơ song hành để chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược ấy:

Mùa xuân người cầm súng,
Lộc giắt đầy quanh lưng.
Mùa xuân người ra đồng,
Lộc trải dài nương mạ.

“Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn. Khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc. “Lộc” trong văn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước.

Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh cho ruộng đồng, “nương mạ” bát ngát trên quê hương.

Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.

Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Đoạn thơ tiếp theo nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:

Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách “vất vả và gian lao”.

Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa.

Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ “Đất nước như vì sao” là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian.

So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: “Cứ đi lên phía trước”.

Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh”.

Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

“Con chim hót” để gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. “Một nhành hoa” để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. “Một nốt trầm” của bản “hòa ca” êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân.

“Con chim hót”, “một nhành hoa”, “một nốt trầm…” là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Việt Nam.

Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời “gan ruột” của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình.

Tham khảo thêm:   Toán lớp 4 Bài 32: Luyện tập chung Giải bài tập Toán lớp 4 Kết nối tri thức trang 110, 111, 112, 113

Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: “Ta làm… ta làm… ta nhập…”, “dù là tuổi… dù là khi…” đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh.

Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăn trối của ông.

Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:

Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

Câu thơ “Mùa xuân – ta xin hát” diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về.

Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là “ngàn dặm mình”, “Ngàn dặm tình” đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là “dịu ngọt” vậy.

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Có thể nói, Thanh Hải đã góp cho vườn thơ Việt một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa.

Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và hiểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ song hành đối xứng, các điệp ngữ… được vận dụng sắc sảo, tài hoa.

Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.

Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Mẫu 3

Thơ ca từ lâu đã được xem là một món quà quý báu dành cho đời sống tinh thần của mỗi người. Dù dưới hình thức nào thì nó vẫn là một tấm gương phản ánh một thế giới khách quan. Tác phẩm nghệ thuật, văn học chân chính là nơi để các tác giả gửi gắm tâm sự, tình cảm hay khát vọng sâu xa của mình thông qua những vần thơ, con chữ. Và nhà thơ người pháp Andre Chenien đã nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật và tình cảm cảm xúc trong sáng tạo văn chương: “Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ”. Nghệ thuật trong thơ ca chính là sự sáng tạo, nó bắt nguồn từ chất liệu trong cuộc sống cũng như cảm xúc của các nhà thơ. Điều đó ta nhận thấy rõ qua tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Chúng ta đều biết, văn học không phải chỉ là bức tranh về đời sống mà còn là tiếng nói của tình cảm con người. Văn học nâng đỡ, bồi đắp cái thiện của con người trong cuộc sống, chứ không chống lại con người. Giàu có mà lòng người không vui thì đây đó vẫn còn lắm rối ren cần được cởi nút. Và ở đó, tư duy cho sự phát triển con người mới là cứu cánh để văn học thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống. Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, có những hạnh phúc, sung sướng, nhưng rồi đôi lúc cũng có đầy sóng gió, nhọc nhằn thì thơ ca cũng thế, thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống mà cuộc sống bao giờ cũng là cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn thi sĩ. Một trái tim yêu thương, gần gũi bao giờ cũng là một tâm hồn đẹp, một lí tưởng cao cả làm nên cái hồn cho thơ. Nếu chỉ là những câu chữ khô khan cằn cỗi thì đó chỉ mãi là những ngôn ngữ. Còn nghệ thuật ngôn ngữ nó phải xuất phát từ trái tim đó mới là yếu tạo nên dựng nên sự thành công của một tác phẩm. “Nghệ thuật” và “Trái tim” như lời khẳng định của Andre Chenien với tất cả nhân loại rằng đối với thơ ca nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì những tác phẩm sẽ không bao giờ có cái hồn trong thơ, vì giá trị của nghệ thuật và trái tim của người nghệ sĩ chính là cốt lõi làm nên một tác phẩm nghệ thuật. Một người nghệ sĩ thực thụ phải là người có cảm xúc, biết thấu hiểu lẽ đời, yêu thương trân quý những con người và những gì xung quanh trong cuộc sống.

Với nhà thơ Thanh Hải giữa giây phút giao thoa của đất trời đón mùa xuân, và trong thời khắc giữa cái sống và cái chết cận kề, tiếng thơ của ông vang lên như lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ và thông điệp: hãy hiến dâng cho Tổ quốc. Thanh Hải đã vĩnh viễn ra đi ngay sau đó nhưng ông đã kịp dâng đời “Một mùa xuân nho nhỏ”.

Bài thơ nhanh chóng chinh phục người đọc trước hết bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan tỏa. Chính cái giọng điệu dịu ngọt, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và góp phần làm nổi bật lên cấu tứ, hình ảnh, hình tượng và ngôn từ của bài thơ.

Ta dễ dàng nhận thấy bài thơ có cấu tứ “lộ thiên” theo chiều không gian mở. Mạch thơ đi theo trình tự: Xuân thiên nhiên – Xuân con người – Xuân đất nước – Xuân thi sĩ và cuối cùng là Xuân đất Huế quê hương. Đây là dạng cấu tứ thông thường. Nếu không có những thành công ở những yếu tố nghệ thuật khác loại cấu tứ này, dễ sa vào đơn giản, dễ dãi. Nhưng nhờ những hình ảnh độc đáo, bất ngờ, nhạc điệu, trạng thái xuất thần của cảm xúc đã khiến bài thơ trôi chảy một cách tự nhiên như một dòng sông đầy ắp hiền hoà, ào ạt reo ca.

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”

Mùa xuân được miêu tả bằng những hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím biếc cùng với tiếng hót trong trẻo của chim chiền chiện. Cảnh mùa xuân ấy gợi ra một không gian tươi mát, dịu dàng và đằm thắm. Cảnh vật mùa xuân đã làm tác giả dâng lên một niềm cảm xúc. Tiếng ơi trong câu thơ là hô ngữ, là từ gợi cảm biểu lộ sự thân thiết, yêu thương. Hai tiếng hót chi là cách, nói dịu ngọt của người dân xứ Huế đã làm tăng tính biểu cảm của vần thơ. Tác giả đã mượn tiếng chim hót để biểu lộ cảm xúc của mình về bức tranh mùa xuân. Tác giả không chỉ biểu lộ sự trân trọng, nâng niu những cái đẹp trong mùa xuân ấy. Tiếng chim hồn nhiên, trong trẻo mà da diết phía bầu trời cao vút lại như kết đọng thành những giọt âm thanh rơi xuống hồn người, chạm vào cõi sâu lặng, khuấy lên bao nỗi niềm, dìu nhà thơ vào cõi mộng: “Tôi đưa tay tôi hứng”. Nhà thơ hứng lấy tiếng chim, (có thể hình dung) với một sự đón nhận, nâng niu, trân quí và cất giữ, như sợ rằng, nếu không làm như vậy cái âm thanh ngọt lành kia sẽ tắt vào thinh vắng. Đây là một chi tiết có sức tỏa sáng trong bài thơ. Và nó chỉ có thể được phát ra từ cảm xúc đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt của một con người nhiều trải nghiệm, hiểu rõ đời mình chỉ còn là những khoảnh khắc ngắn ngủi.

Tham khảo thêm:   Đọc: Cánh chim nhỏ - Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức tập 1 Bài 30

Mùa xuân thiên nhiên cũng là nguyên cớ tạo nên mùa xuân con người.

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

Hình ảnh lộc non là biểu tượng cho sức sống mới vươn lên. Lộc của lính là cành lá ngụy trang. Những cành lá ngụy trang biến thành lộc đầu mùa được mang đến theo từng bước chân người lính. Lộc mà người chiến sĩ mang đến cho chúng ta là xương máu mà các anh đổ xuống, là công sức bảo vệ mùa xuân thanh bình của dân tộc, gieo niềm hạnh phúc đến mọi nhà. Người lính biểu trưng cho những con người bảo vệ Tổ quốc và người nông dân là những con người tiêu biểu trong công cuộc xây dựng đất nước. Bằng hình thức sóng đôi hài hòa, âm hưởng câu thơ trở nên nhịp nhàng, cân đối. Từ bàn tay người nông dân “lộc trải dài nương mạ”. Bàn tay của “người ra đồng” tô điểm cho mùa xuân đất nước. Đôi bàn tay kì diệu của những người họa sĩ ấy đã vẽ nên những mảng xanh của niềm tin, hi vọng lên đất nước. Cũng như người cầm súng, lộc của người ra đồng mang đến cũng đáng trân trọng biết bao. Lộc mà người nông dân tặng là mồ hôi, là bát cơm gạo, là cơm no áo ấm. Người cầm súng, người ra đồng là hình ảnh rất tiêu biểu cho những con người đóng góp, cống hiến cả thân mình để làm nên mùa xuân Tổ quốc.

Theo chiều không gian mở, cảm xúc của nhà thơ được nâng lên ở sự suy ngẫm về mùa xuân đất nước:

“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”

Khái quát về đất nước Việt Nam vất vả, gian lao, đau thương, ngời sáng là điểm gặp gỡ của rất nhiều nhà thơ: Nguyễn Đình Thi từng viết: “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”… Vậy mà cách nói giản dị hình ảnh quen thuộc trong thơ Thanh Hải vẫn “chạm” vào cái phần thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn con người – tình yêu Tổ quốc. Ở đây số phận của đất nước, dân tộc đã hàm chứa số phận của công dân. Mỗi người là một phần thân thể của đất nước. Và đất nước dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn “như vì sao đi lên phía trước”, vẫn kiên cường vượt lên tăm tối, nô lệ, bần cùng mà toả sáng. Cảm hứng ngợi ca và khí thế hào sảng của câu thơ đã xác định vị trí của nhà thơ trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc. Vị trí một công dân đất nước, một người lính trong đội ngũ. Niềm vinh dự tự hào như chất men say thôi thúc thơ ông cất lên tiếng hát:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Người đọc bất ngờ bắt gặp một mùa xuân thi sĩ. Bằng điệp khúc “Ta làm”, “Ta nhập”… bài thơ đã tấu nên khúc ca chan chứa nhiệt huyết tình yêu cuộc sống và khát vọng dâng hiến mùa xuân cho cuộc đời và cho thi ca.

Nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ đã nhận lấy trách nhiệm của mình với nhân dân đất nước: Làm một con chim hót trong muôn loài chim, làm một cành hoa trong rừng hoa muôn sắc. Làm “một nốt trầm” trong bản hoà ca muôn điệu. Làm “một mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân rực rỡ và bất tận của đất trời.

Lời lẽ bình dị, nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng có sức khái quát cao về một lẽ sống chân chính, một quan điểm nhân văn về thơ ca và người nghệ sĩ.

Trở về với đất mẹ quê hương là quy luật tình cảm. Bởi sau những buồn vui, thành bại, quê hương vẫn là nơi đón nhận, neo giữ những gì còn lại của đời người. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng của ông cũng là khúc ca dành cho Huế:

“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”

Vẫn trái tim dào dạt yêu quê hương, Thanh Hải chọn khúc hát giữa mùa xuân. Giai điệu êm ái Nam ai, Nam bình, thiết tha hiền hòa như con người Việt Nam. Dù ở trên mảnh đất “nước non ngàn dặm” hay ở bất đâu cũng đẹp, cũng gắn liền với tình cảm con người:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”
(Chế Lan Viên)

Trang sách đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi như khơi gợi trong lòng chúng ta về một tình cảm cao đẹp của con người. Chính tình yêu thiên nhiên, khát vọng dâng hiến của Thanh Hải làm xao xuyến rung động biết bao trái tim người đọc. Bài thơ cứ nhẹ nhàng, thấm thía tự nhiên đi vào lòng người như một bài học sâu sắc về lẽ sống đẹp, cách ứng xử đầy nhân văn, tấm gương cao thượng trong sáng của Thanh Hải làm ta trân trọng, khâm phục và tự ngẫm phải sống sao cho xứng đáng với Tổ quốc, Nhân dân.

Có thể nói những ý kiến của nhà thơ người pháp Andre Chenien đến nay vẫn có giá trị không chỉ về mặt lí luận mà cả về sáng tác. Đó là những ý kiến sâu sắc đóng góp cho nền thi ca Việt Nam. Nó có giá trị như kim chỉ nam giúp các nhà thơ của nhiều thế hệ không đi lệch hướng như con tàu không đi chệch đường ray của mình. Khi ta đọc mỗi tác phẩm văn học nào thì cũng phải mở lòng để cảm nhận, để thấu hiểu cho những giá trị thực thụ của chúng. Nếu cứ mãi thờ ơ, vô cảm mà không dùng trái tim để hiểu từng từ, từng câu thì ta sẽ không bao giờ nhận ra những thông điệp, tình cảm, tư tưởng mà tác giả gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Nhờ có nghệ thuật mà các tác giả mới nói lên được tiếng lòng, lời giãi bày hay tâm tư của mình một cách hoàn mĩ và lâu bền nhất.

Sê-khốp từng nói “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp, và cái nhân đạo của lòng người”. Thơ ca là như thế, nó giúp người thi sĩ thỏa mãn cái đam mê và đem lại cho đời những ý nghĩa, lẽ đời tinh tế. Chính điều đó thơ ca như một thước đo chuẩn mực về những cái đẹp những lí tưởng sống cũng như giá trị nhân đạo. Thơ ca chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, là nơi chữa lành những vết thương trong cuộc sống, là nơi mà ở đó luôn có tình người và tình cảm nỗi niềm của mỗi tác phẩm. Chúng ta có một trái tim nhưng nó không chỉ để duy trì sự sống mà hãy học cách “tôi hãy tôn trọng một trái tim một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ” (Dostoevski). Đó mới chính là một trái tim yêu thương và đầy lòng trắc ẩn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (3 mẫu) Nghị luận về một bài thơ lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *