Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu (7 mẫu) Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 7 Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu SIÊU HAY, ấn tượng nhất, giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về tình cha con sâu nặng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Bé Thu

Với 7 đoạn văn cảm nhận bé Thu, còn giúp các em hiểu rõ những biến chuyển tâm lý hết sức phức tạp của bé Thu từ khi em gặp ba cho đến khi em nhận ra ba. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để có thêm nhiều ý tưởng mới, viết đoạn văn hay hơn:

Đề bài: Viết đoạn văn ngắn nêu những cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong văn bản Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 1

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba, hay khi hất cái trứng mà anh Sáu cho xuống, cuối cùng khi anh Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ.

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 2

Tình cảm gia đình là một đề tài quan trọng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khai thác mảng đề tài này, Nguyễn Quang Sáng đã có một số tác phẩm đặc sắc như “Chiếc lược ngà”, “Bông cẩm thạch”,.. Trong đó, “Chiếc lược ngà” tạo được nhiều ấn tượng hơn cả. Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật chính – nhân vật bé Thu – một cô bé cá tính, đáng yêu và có tình yêu ba tha thiết. Nhân vật bé Thu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc bởi một tính cách đặc biệt khó có thể nhầm lẫn. Nhân vật này đã góp phần tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Và vì vậy, cùng với tác phẩm, nhân vật bé Thu đã giành được một vị trí riêng trong lòng độc giả yêu truyện ngắn Việt Nam.

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 3

Nói về truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhân vật bé Thu là một nhân vật đã để lại cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc. Thu là một cô bé tầm 7,8 tuổi, tóc cắt ngắn, ở cô toát lên sự bướng bỉnh, nghịch ngợm, gan lì, thông minh nhưng lại rất giàu tình cảm. Những năm tháng ông Sáu – ba của cô bé chiến đấu ở ngoài chiến trường cũng là từng ấy thời gian Thu sống thiếu tình cảm của cha.Nhưng đến khi ông sáu trở về cô lại nhất quyết không nhận cha, cự tuyệt lại mọi tình cảm, khiến cho ông không khỏi buồn rầu. không phải vì cô là một đứa trẻ hư, không phải cô ghét ông Sáu mà vì tình yêu ba của cô quá sâu nặng, Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, chưa hiểu về vết sẹo dài đáng sợ trên mặt ông Sáu, Thu yêu ba, nhớ mong về ba, tình yêu ấy đặt lên mức tôn thờ, không gì có thể lay chuyển nổi. Đó cũng chính là lí do khi hiểu ra mọi chuyện thì tình yêu ba lại trở nên mãnh liệt đến vậy. Thu không để ba đi, tiếng ba đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ấy tạo nên sức mạnh lớn, ám ảnh sâu trong tâm trí người đọc về một cô bé có tình yêu thương ba tha thiết.

Tham khảo thêm:   Biểu đồ cột: Dấu hiệu nhận biết và cách vẽ biểu đồ cột Cách vẽ biểu đồ cột

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 4

Nếu nói về tình phụ tử chúng ta không thể nào không nhắc đến tác phẩm ” Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Tác giả đã khắc họa được rõ nét nhất về tình cảm của ông Sáu và bé Thu. Nhân vật bé Thu qua tính cách, hành động, lời nói đã làm cho nội dung của tác phẩm thêm độc đáo. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, đầy cá tính và cũng có tình yêu ba vô cùng sâu sắc. Thu yêu quý người cha của mình rất nhiều, và trong tiềm thức của em em chỉ có một người ba duy nhất, đó là người ba trong tấm hình chụp chung với má. Đối với Thu, tình cảm cha con là tình cảm vô cùng thiêng liêng và nó không dễ dàng gì để thay thế bằng một tình cảm khác. Chính vì thế mà khi ông Sáu- ba em đi lính trở về với một vết thẹo dài trên má, em đã nhất quyết không nhận ba. Không phải vì Thu không yêu quý ba của mình mà chiến tranh với sự tàn khốc của nó đã hủy hoại đi khuôn dạng của một con người để rồi ngày ông Sáu trở về Thu không còn nhận ra được ba mình nữa. Ông Sáu hoàn toàn khác với người ab trong tấm hình mà em đã được xem. Vết thẹo kia chính là dấu tích tàn khốc của chiến tranh để lại trên da thịt của ông Sáu. Nó khiến ông trở nên khác lạ và hoàn toàn xa cách với bé Thu. Cho rằng đây không phải cha mình, thế nên Thu hoàn toàn khước từ mọi tình cảm mà ông Sáu dành cho. Vậy là bi kịch diễn ra. Trong khi một người cha hết mực thương nhớ con, chỉ có ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi để về thăm nhà và ở bên con thì đứa con lại không nhận cha, hơn thế nó còn có những thái độ và hành động không phải phép với cha. Tất cả những điều ấy càng tô đậm tình thương, nỗi nhớ ba và tình cảm chân thành mà Thu dành cho ba của mình. Em không nhận ba vì trong tim em chỉ có một người ba duy nhất, một người ba mà em dành trọn tình yêu thương và không một ai có thể thay thế vị trí ấy của ba trong lòng em được. Và cứ tưởng rằng, một cô bé ngang bướng như vậy sẽ chẳng chịu nhận ba. Thế nhưng, khi em biết được sự thật, em đã không ngần ngại chạy đến níu giữ chân ba, hôn lên vết thẹo trên mặt ba mình. Điều đó là minh chứng rõ nét nhất cho tình cảm cha con thiêng liêng mà không một thế lực bạo tàn nào có thể hủy hoại được, ngay cả đó là sự khốc liệt của chiến tranh.

Tham khảo thêm:   Bộ đề kiểm tra 1 tiết môn GDCD lớp 9 học kì 1 5 Đề kiểm tra 45 phút lớp 9 môn GDCD

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 5

Khi đọc tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc hẳn ai cũng nhận định rằng Thu là một đứa trẻ bướng bỉnh và ngang ngạnh nhưng lại có một tình cảm thật sâu nặng đối với người cha của mình. Thu quả là thật bướng khi nhất quyết không chịu nhận ông Sáu là cha cho dù ông đã dành trọn hết tình cảm cho Thu sau 8 năm ròng xa cách. Cũng phải thôi vì từ khi sinh ra đã bao giờ em được biết đến cha, đã bao giờ em được cha chở che, âu yếm. Có lẽ vì khoảng cách giữa tình cha con trong những tháng ngày bom đạn quá xa vời nên Thu tỏ ra thật thờ ơ và lạnh nhạt trước mọi tình cảm mà ông Sáu dành cho mình. Thu nào có hay biết những tháng ngày nơi chiến khu cha em đã nhớ về em và mong đứa con thơ cất lên gọi mình một tiếng ba, Thu nào có hay biết tâm trạng cha đau khổ bao nhiêu khi người con yêu thương, bé bỏng của mình lại thốt lên gọi mình bằng hai tiếng”người ta”, ôi sao nghe xa lạ quá. Không những thế Thu còn đành lòng hất đổ cái trứng cá to vàng mà cha gắp cho mình. Bị cha đánh nhưng Thu không hề khóc mà lẳng lặng gắp trứng cá bỏ vào chén rồi chạy sang nhà ngoại. Hôm sau biết tin ông Sáu trở về đơn vị, Thu đã khóc, em khóc nhiều lắm. Em khóc vì em đã biết ông Sáu là cha, em đã biết em đã bỏ qua tình cảm thiêng liêng giữa em và cha mà suốt 8 năm nay em hằng mong ước. Em hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba, dang hai chân câu chặt lấy ba sao cảm động và thiêng liêng quá. Các bạn thấy đấy nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng không những là một đứa bé cứng cỏi, ngang ngạnh mà còn là một cô bé có một tình cảm nồng nàn mãnh liệt đối với người cha của mình.

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 6

Dù có đi bốn phương trời thì tình cảm mẹ cha dành cho con luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và sâu sắc nhất. Thấu hiểu được điều đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết lên tác phẩm “Chiếc lược ngà” về tình cha con sâu nặng, thiêng liêng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Tình cha con ấy được thể hiện thông qua nhân vật bé Thu. Bé Thu là một cô bé tám tuổi, ba em là một chiến sĩ đã “thoát ly đi kháng chiến” từ lâu. Tám năm qua, từ khi còn là một đứa trẻ chưa tròn tuổi, em đã không được gặp ba của mình. Nhưng lúc nào trong lòng em cũng nung nấu một tình cảm cha con thật mãnh liệt. Thế nhưng khi ba em – ông Sáu thực sự trở về, em lại không nhận ba. Bởi người ba đó có “vết thẹo dài bên má phải”, “không giống tấm hình ba chụp với má”. Trong những ngày ông Sáu về phép, dù cho ông có “vỗ về”, có quan tâm, bé Thu cũng nhất quyết “đẩy ra”. Em luôn “nói trổng” và không bao giờ nhờ ông Sáu bất cứ việc gì. Thậm chí em còn “hất tung” cái trứng cá mà ông Sáu đã dành cho em khiến ông Sáu giận dữ mà đánh em. Nhưng bé Thu không khóc, em chỉ lẳng lặng bơi xuồng sang bà ngoại và khóc ở bên đó. Sự lì lợm, bướng bỉnh của bé Thu là do tình yêu ba sâu nặng của em, là do tiếng “ba” thiêng liêng em muốn dành cho người “giống tấm hình ba chụp với má”. Nhờ bà ngoại mà em mới hiểu được ba của mình, thế nhưng ngày em nhận ba cũng là ngày ba em phải ra đi về nơi tập kết. Tiếng “ba” được em “thét” lên trong nỗi nhớ nhung, trong sự đè nén mà em đã cất giữ tám năm nay. Nó “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Em yêu ba nhiều đến nỗi ôm chặt lên ba mà “hôn cùng khắp”, “hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má ba” nữa. Bé Thu quả là một cô bé có tình yêu ba vô cùng sâu sắc. Yêu ba nên em nhất quyết không gọi một người đàn ông xa lạ là ba, em quyết giữ chặt tiếng “ba” sâu trong trái tim mình, chờ đợi để gặp người ba em ngày đêm mong nhớ. Bằng lối viết rất giản dị, ngôn từ trong sáng, gần gũi, cách miêu tả nội tâm nhân vật rất hợp lý, tinh tế, Nguyễn Quang Sáng đã cho ta thấy một bé Thu kiên cường, bướng bỉnh nhưng lại có một tình cảm cha con hết sức sâu nặng, thắm thiết trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

Tham khảo thêm:   GDCD 7 Bài 7: Phòng, chống bạo lực học đường Giáo dục công dân lớp 7 trang 38 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 7

Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng, cao quý và sâu sắc vô cùng. Điều đó đã được nhà thơ Nguyễn Quang Sáng thể hiện thông qua nhân vật ông Sáu và bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Bé Thu là một cô bé chỉ vừa mới tám tuổi. Ba em là một chiến sĩ cách mạng “thoát ly đi kháng chiến” đã bảy năm nay, từ khi em còn là một đứa trẻ chưa tròn tuổi. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi lần đầu gặp gỡ với một người đàn ông có “vết thẹo dài bên má phải”, em đã không nhận ra ba của mình. Khi người đàn ông ấy hấp tấp nhảy lên bờ, chạy xô lại phía em, bé Thu đã “giật mình, tròn mắt nhìn” bởi vì lạ lùng và “vụt chạy đi” gọi má. Những ngày sau, dù cha ở cạnh nhưng em quyết không nhận người đàn ông xa lạ “không giống cái hình ba chụp với má”. Em “nói trổng”, không thèm nhờ sự giúp đỡ từ ông Sáu thậm chí còn “hất tung cái trứng cá” ra khỏi chén cơm khiến ông Sáu giận mà đánh em. Nhưng em chỉ im lặng “gặp lại cái trứng cá vào chén” rồi bỏ sang nhà bà ngoại và khóc ở đó. Em không khóc trước mặt người đàn ông mà em thấy xa lạ đó, cũng không hề một lần cất tiếng gọi “ba” như mẹ và mọi người vẫn bảo, bởi em muốn dành tiếng “ba” đó cho người ba em yêu quý. Thế nhưng thái độ của bé Thu đã đổi khác hẳn sau đêm ở cùng bà ngoại. Trở về nhà nhưng con bé chỉ “lúc đứng góc nhà, lúc đứng tựa cửa”. Và gương mặt ngây thơ của em ánh lên “cái vẻ buồn” chứ “không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa”. Em đứng trong im lặng với “vẻ nghĩ ngợi sâu xa”, và khi ba em khoác chiếc ba lô và chào cô con gái nhỏ của mình, chính lúc đó bao nhiêu cảm xúc trong lòng bé Thu chợt vỡ oà ra, cất lên thành tiếng “ba” “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Đó là tiếng ba em cất giữ đã tám năm này, chỉ chực chờ giây phút đoàn tụ này. Em “chạy xô tới”, ôm chặt lấy người ba mà mình yêu quý “hôn cùng khắp” gương mặt của ba. Em khóc và giữ chặt không cho ba ra đi nhưng rồi em cũng để ba của mình trở lại chiến trường với lời hứa mang về một chiếc lược cho em. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh nhưng lại có một tình yêu cha vô cùng to lớn. Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nhân vật bé Thu với những biến chuyển tâm lý rất phức tạp nhưng cũng rất hợp lý từ lúc bé gặp lại ba mình lần đầu cho tới khi bé nhận ra ba.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu (7 mẫu) Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *