Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 22 bài Cảm nhận Sang thu hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã cho người đọc cái nhìn đầy tinh tế về sự chuyển giao giữa mùa hạ sang mùa thu. Với 22 bài Cảm nhận Sang thu SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, các em sẽ cảm nhận rõ nét hơn.

Cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Khoảnh khắc giao mùa chính là khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên, gieo vào lòng người những rung động khó tả, như giao hòa vào với vạn vật. Cho tiết mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.

Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

  • Sơ đồ tư duy Cảm nhận bài thơ Sang thu
  • Dàn ý cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
  • Cảm nhận Sang thu ngắn gọn
  • Cảm nhận về bài thơ sang thu
  • Cảm nhận bài thơ Sang thu hay
  • Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu
  • Cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (16 mẫu)
  • Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu
  • Cảm nhận Sang thu chi tiết nhất

Sơ đồ tư duy Cảm nhận bài thơ Sang thu

Sơ đồ tư duy Cảm nhận bài thơ Sang thu

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

I. Mở bài:

  • Giới thiệu được bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh và nêu cảm nhận, ý kiến khái quát

II. Thân bài:

* Khổ 1:

– Những cảm nhận tinh tế bất ngờ: Không có lá rụng của thơ xưa, không có màu vàng như trong “Thơ mới”, tác giả cảm nhận mùa thu rất riêng, rất mới, bằng sự rung động tinh tế.

  • Khứu giác (hương ổi) —> xúc giác (gió se) —> cảm nhận thị giác (sương chùng chình qua ngõ) —> cảm nhận của lý trí (hình như thu đã về).
  • Tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng qua các từ “bỗng”, “hình như”.

—> Tác giả thực sự yêu mùa thu, yêu làng quê, gắn bó với quê hương mới có cảm nhận tinh tế như vậy.

* Khổ 2:

  • Từ cảm nhận của các giác quan, cảm xúc của tác giả về mùa thu dần hòa vào cảnh vật chung quanh.
  • Sự vật ở thời điểm giao mùa hạ – thu đã bắt đầu chuyển đổi: sông “dềnh dàng” – chim “bắt đầu vội vã”, đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”.
  • Hai khổ thơ đầu, các từ ngữ “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt nửa mình” vốn là những từ ngữ dùng để chỉ trạng thái, tính chất của người được tác giả dùng để chỉ miêu tả thiên nhiên, vì thế cảnh vật trở nên sống động có hồn.

* Khổ 3:

  • Cảm nhận về thời điểm giao mùa dần đi vào lý trí.
  • Hai dòng thơ cuối bài cần hiểu với hai tầng nghĩa: Hình ảnh tả thực “mưa, nắng, sấm” nhưng gợi cho ta liên tưởng đến một tầng ý nghĩa khác – ý nghĩa về con người và cuộc sống.

* Tóm lại

  • Nghệ thuật: Bài thơ hấp dẫn bởi những từ ngữ gợi cảm, gợi nhiều về cảnh về tình. Nhân hóa làm cho cảnh vật có hồn, gần gũi với cuộc sống.
  • Nội dung: tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

III. Kết bài:

  • Khẳng định giá trị nghệ thuật và nội dung bài thơ.
  • Nêu cảm xúc khái quát.

Cảm nhận Sang thu ngắn gọn

Thu là thơ của đất trời, là “bình minh mát” của lòng người (Xuân Diệu). Viết về thu, đã có bao áng thơ hay tuyệt tác nhưng có lẽ chỉ khi đến với Hữu Thỉnh, ta mới có thể cảm nhận được phần nào cái “cốt tủy chung tình bên trong” của nó. Tất cả mọi vẻ đẹp ở “bề sau, bề sâu, bề xa” của mùa thu đều được gửi gắm qua bài thơ “Sang thu”- tác phẩm mà có lẽ đến mãi sau này, ta vẫn không thể ngừng thương nhớ.

Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sớm gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, thơ ông được thừa hưởng cái dạt dào trong cảm xúc về quê hương, đất nước và con người. Ngòi bút của ông rất bắt nhạy với những gì mong manh nhẹ nhàng tưởng như khó nắm bắt nhất. Đó là lí do vì sao khi cảm xúc chợt tìm đến thi nhân, trong cái tiết hanh hanh của thu mới, của hạ cũ, nhà thơ không thể kìm lòng được mà phải cầm bút viết bài thơ “Sang thu” (1977). Đó được coi như những dòng chia sẻ chân thành của một tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên giao mùa, cũng là nơi gửi gắm biết bao chiêm nghiệm kín đáo về mùa thu mới của cuộc đời, của con người và dân tộc.

“Từ Homero đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam”, thu vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Riêng trong làng thơ Việt, ta đã không ít lần bắt gặp một mùa “Thu điếu” trong thơ Nguyễn Bính, một “Tiếng thu” trong thơ Lưu Trọng Lư, một “Thơ duyên” trong thơ Xuân Diệu…. Và mùa thu trong Hữu Thỉnh là mùa đáng nhớ nhất, ấn tượng nhất với những chuyển biến tế vi từ cuối hạ sang đầu thu. Chính việc lựa chọn thời điểm độc đáo ấy đã khiến cho người đọc cảm nhận rõ ràng sự vận động, luân chuyển của thời gian, không gian tạo vật. Càng đọc, ta càng cảm phục hơn trước cái tài thâu tóm của nhà thơ.

Đến với khổ thơ đầu, ta như được hòa mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam thật sống động:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Câu thơ mở đầu với cụm từ “bỗng nhận ra” diễn tả thật chính xác cảm xúc ngỡ ngàng, thú vị trước sự đổi thay đột ngột của thiên nhiên cảnh vật. Điều đầu tiên cuốn hút tôi là chi tiết “hương ổi”, một chi tiết khá mới mẻ và độc đáo đối với thơ ca thời bấy giờ. Nếu như người xưa thấy thu qua “ngô đồng nhất diệp lạc”, thi sĩ Xuân Diệu đón chào thu bằng hình ảnh “rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” (Đây mùa thu tới), vị Tam Nguyên Yên Đổ yêu thu từ chiếc “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” (Thu điếu), Lưu Trọng Lư gửi gắm thu trong “con nai vàng ngơ ngác” (Tiếng thu), thì Hữu Thỉnh lại lựa chọn “hương ổi”. Ông tâm sự: “giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông… Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ… “. Hóa ra đó là mùi hương quen thuộc, dân dã, mộc mạc luôn vấn vương mãi trong tâm hồn người con yêu xứ, mùi hương của tuổi thơ, của tiếng cười, của bình yên và hạnh phúc. Điều đặc biệt ở chỗ hương thơm ấy không những nồng nàn, đậm đặc mà cũng như thấm thoát, dìu dịu, thoang thoảng, lan tỏa khắp không gian đất trời. Điều đó thể hiện rõ nhất ở động từ “phả”. đây cũng được coi như một thành công nghệ thuật của bài.

“Trong cái không gian đậm mùi thu ấy, thấp thoáng hình ảnh Sương chùng chình” nhẹ lướt qua đường, qua thôn xóm, tựa như bóng dáng một thiếu nữ yểu điệu, thướt tha, nhẹ nhàng lướt qua đánh thức tâm hồn thi nhân. Chỉ với hai hình ảnh “hương ổi” và “sương” giàu giá trị gợi hình gợi cảm, tác giả như vẽ ra trước mắt ta một mùa thu đặc trưng của mỗi làng quê Việt Nam trong cái tiết trời se se, mát mẻ, dễ chịu, gợi trong lòng người đọc cảm giác bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng.

Câu thơ thứ tư không còn là bức tranh thiên nhiên nữa mà đó đã trở thành bức tranh tâm cảnh, bức tranh của lòng người: “Hình như thu đã về”. Tôi nhớ người chàng thi sĩ “sẵn sàng ân ái” Xuân Diệu khi nói về thu có lần từng thốt lên rằng: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”. Câu thơ reo lên như có gì vừa vui mừng, háo hức, vừa như chồng chất thêm cả niềm lo sợ, tiếc nuối thời gian. Ở Hữu Thỉnh, ta lại bắt gặp một sự hoài nghi, lưỡng lự, một điều gì đó chưa rõ ràng trong cảm xúc. Phải chăng thiên nhiên chưa đủ làm nên một mùa thu trọn vẹn hay chính tâm hồn thi sĩ chưa kịp sẵn sàng để đón chào sự đổi thay của tạo vật? Tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng rất nhiều giác quan khác nhau. Từng câu từng tiếng thoát ra đều thể hiện rõ sự tinh tế, sâu sắc trong cách nhìn, cách cảm cuộc sống.

Thế giới quan, nhân sinh quan của nhà thơ tiếp tục được mở rộng với bức tranh thu tuyệt tác:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Hình ảnh đầu tiên hé lộ với dòng sông “dềnh dàng” thong thả, lững lờ trôi. Gợi ra trong ta cảm giác về một mùa thu êm đềm, chảy trôi như tam thế của một “người khách bộ hành phiêu lãng” (Thế Lữ), đang thư thái vừa đi vừa ngắm cảnh đôi bờ. Trên trời, mấy cánh chim đã “vội vã” bay về Nam tránh rét. Hữu Thỉnh thật tinh tế khi sử dụng cụm từ “được lúc” và “dềnh dàng”, có nghĩa chỉ đến mùa thu, mọi vật mới biến đổi như thế. Đó là những thay đổi, biến chuyển của thiên nhiên trong giây phút giao mùa.

Đặc biệt gây sự chú ý cho độc giả là “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu”. Cố nhiên, đây không phải hình ảnh tả thực. Câu thơ đọc lên tưởng chừng như vô lý nhưng lại ẩn chứa cái có lý của cảm xúc. Hình ảnh đám mây độc đáo bắc ngang qua mùa hạ và mùa thu chính là phản chiếu của tâm hồn thi nhân: Thu đã đến thật rồi, nhanh và vội vã quá. Chỉ còn đây tâm hồn nhà thơ đang ngập ngừng, bâng khuâng, tiếc nuối như muốn níu kéo thời gian, níu kéo chút chói chang, nồng nàn của mùa hạ. Bước chân thi sĩ đã gần chạm đến mùa thu mà trong lòng vẫn vấn vương chút nắng hạ. Là gì đây nếu không phải trái tim chan chứa yêu thương, gắn bó với cuộc sống này?

Không chỉ tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, cách lựa chọn hình ảnh mà còn thấy ở Hữu Thỉnh một tâm hồn nhạy cảm, một tình yêu và sự gắn bó thiết tha với quê hương đất nước. Chính bởi lẽ đó, bức tranh “sang thu” mới hiện lên thật sống động và có hồn đến vậy.

Nếu như hai khổ thơ đầu nghiêng về mùa thu của đất trời thì đến khổ thơ kết, tác giả lại hướng chúng ta về một mùa thu của lòng người với những trải nghiệm của chính bản thân mình.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Vẫn là những hình ảnh thiên nhiên của mùa hạ với nắng, mưa, sấm. Nhưng cách diễn tả của nhà thơ thật tinh tế: Nắng vẫn còn nhưng không rực rỡ, chói chang. Mưa vẫn còn nhưng không ào ạt. Sấm vẫn còn nhưng không dữ dội. Tất cả những gì đặc sắc nhất của mùa hạ dường như vẫn còn chì có điều tất cả đã vơi dần, vơi bất ngờ, vơi vội vã. Hình ảnh ấy rất phù hợp với không khí thời điểm giao mùa. Hạ chưa hết mà thu đang qua. Mùa nọ nối tiếp mùa kia, góp vào cuộc đời chung khúc giao hưởng ý nghĩa. Bên cạnh đó, ta còn ấn tượng hơn với tầng lớp ẩn dụ đằng sau câu chữ, gợi liên tưởng về những tác động của ngoại cảnh đến con người. “Hàng cây đứng tuổi” hay cũng chính là những con người đang bước vào tuổi trung niên, những con người đã bước qua tuổi trẻ- cái thời vàng son sôi nổi, cái thời mà con người ta có quyền phung phí những ước mơ, hoài bão. Giờ đây, đối với những người dày dặn kinh nghiệm trong phong ba bão táp của cuộc sống, mọi thứ đã trở nên điềm tĩnh và vững vàng hơn, trước thời cuộc, trước sự thách thức của khó khăn và sự đổi thay của xã hội.

Ý thơ nhẹ nhàng mà thấm thía, chất chứa bao suy ngẫm của thi nhân về cuộc sống đã chạm vào sợi dây đồng cảm của mỗi chúng ta. “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”, và Hữu Thỉnh đã làm được điều đó. Bài thơ cho ta hiểu thêm và trân trọng hơn dòng tâm sự của những thế hệ đã qua, đặc biệt là tâm sự thầm kín mà chân thành nhất từ trái tim người nghệ sĩ.

Hemingway từng nói, đại ý: Một tác phẩm hay là một tác phẩm tuân theo nguyên lý “tảng băng trôi” một phần chìm, bảy phần nổi. Tôi cho rằng “Sang thu” chính là một thi phẩm như thế. Chỉ với ba khổ thơ ngắn ngủi, khiêm nhường, nhà thơ đã thực sự mang đến cho người đọc những cảm xúc rất riêng. Bài thơ kết cấu rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, hình ảnh thơ chân thực, đa nghĩa, giọng điệu với những trạng thái biến chuyển tinh vi, sâu sắc, không chỉ khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên mùa thu tiêu biểu của làng quê Việt Nam mà còn lắng lại trong tâm trí chúng ta một mùa thu của cuộc đời cùng những tâm tư thật xúc động.

Tham khảo thêm:   Viết: Tìm hiểu cách viết bài văn miêu tả cây cối - Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức tập 2 Bài 17

Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển. Cùng với sự phát triển không ngừng, văn học bao giờ cũng đặt ra một chuẩn mực mới. Nhưng có lẽ “Sang thu” của Hữu Thỉnh vẫn sẽ còn đủ sức vượt qua “mọi sự băng hoại của thời gian”, sẽ còn sống mãi với muôn đời, góp vào cuộc sống chung những cảm xúc vấn vương về thiên nhiên, quê hương, đất nước, cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.

Cảm nhận về bài thơ sang thu

Có lẽ điều tuyệt vời nhất đối với tôi mà thiên nhiên mang lại là vẻ đẹp trong khoảnh khắc chuyển giao hai mùa. Những cảnh vật tự nhiên, tươi mới, trong xanh của đất trời luôn là một đề tài mà nhà thơ nào cũng đều muốn đem vào trong đứa con tâm hồn của mình, “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ đã thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước những biến đổi của thiên nhiên ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

Bài thơ được Hữu Thỉnh sáng tác vào gần cuối năm 1977 (sau ngày giải phóng đất nước 2 năm) trong một cuộc thi sáng tác thơ ca tại trại hè. Bài thơ được in lần đầu ở báo Văn nghệ, sau đó in trong tập thơ Từ chiến hào đến thành phố (xuất bản năm 1991).

Nếu như khổ thơ đầu, không gian thu được co hẹp trong một không gian rất gần và hẹp thì tới khổ hai, không gian thu đã được mở rộng về biên độ với tầm nhìn cao và xa hơn, từ mặt đất lên bầu trời:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”

Bằng biện pháp nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng”, tác giả đã hóa một dòng sông vốn không tri không giác trở thành một dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hoà trôi một cách nhàn hạ, thanh thản sau những ngày hè nước lũ, gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Dòng sông không còn cuồn cuộn, gấp gáp chảy trước những cơn mưa lũ của mùa hạ nữa mà thay vào đó, nó trở nên lắng lại, từ từ, nhẹ nhàng. Trái lại với vẻ chậm chạp của dòng sông mùa thu thì tiếp đến tác giả đã đưa ta hòa cùng trạng thái “vội vã” của những cánh chim chiều đang dần bay đi tránh rét khi chúng bắt đầu cảm nhận cái se se lạnh của trời đầu thu. Nghệ thuật đối lập ở hai câu thơ đầu tạo nên hình ảnh thơ thật đẹp, giàu tính chất tạo hình, đồng thời làm cho không gian trở nên rộng mở hơn, khoáng đãng hơn.

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Giữa một bức tranh trời thu đầy lãng mạn của dòng sông và những chú chim đang vội vã di cư về đất trời phương nam thì đến “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu” đám mây trắng buốt mềm mại trải dài như một tấm lụa treo ngang trên bầu trời, rất nhẹ nhàng, duyên dáng tựa như đang níu kéo, đang lưu luyến chút tia nắng ấm áp cuối cùng của mùa hạ. Dường như mùa thu dẫu có đang gõ cửa báo hiệu cho cảnh vật muôn nơi nhưng trong ông vẫn có chút gì đó bồi hồi về mùa hạ sắp chia xa. Giữa mùa hạ và mùa thu chắc hẳn có một ranh giới hữu hình mà ta không thể nhìn thấy được. Liên tưởng đầy thú vị không chỉ cảm nhận bằng thị giác mà là sự cảm nhận bằng chính tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết của Hữu Thỉnh.
Từ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến và những rung động mãnh liệt trước những phút giây giao mùa vào thu ở khổ một, hai, nhà thơ chuyển sang giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

Vẫn là sấm, mưa, nắng, những hiện tượng thời tiết của mùa hè nhưng trong khoảnh khắc giao mùa này đã có sự đổi thay về mức độ. Với cách chuyển đổi ấy, tác giả đã hóa cái nắng gay gắt của mùa xuân sang cái nắng êm dịu, nhẹ nhàng của những ngày đầu thu. Những cơn mưa rào cứ đến rồi cứ đi cũng đã ngày càng vơi dần. Tác giả dùng từ “vơi” có giá trị gợi tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ. Tất cả đều chầm chậm, từ từ, không vội vã, không hối hả. Những từ như “vẫn còn”, “vơi dần”, “cũng bớt” đã có tác dụng diễn tả những cái thời tiết tự nhiên đó đã giảm đi về mức độ và cường độ khi trời đất đang giao mùa cuối hạ, đầu thu rất nhẹ nhàng, khó nhận biết. Thế nhưng,với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện ra sự chuyển biến đó của thiên nhiên, vũ trụ. Cái hình ảnh “ sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi” được Hữu Thỉnh viết ra theo hai tầng nghĩa. Trước hết mang ý nghĩa tả thực thì cái hình tượng sấm vốn đi liền với những cơn mưa xuất hiện một cách bất ngờ chỉ có ở mùa hạ đã được giảm đi khi bước dần sang mùa thu ấm áp. Hàng cây cổ thụ, cảnh vật thiên nhiên vào thu không còn giật mình, bất ngờ bởi tiếng sấm mùa hạ. Nhưng khi đi qua tới nghĩa ẩn dụ của câu thì hàng cây đứng tuổi ở đây lại biểu thị cho những con người đã trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm của đời người mà dần trở nên vững vàng hơn. Cái gọi là thời gian cũng đang chầm chậm mà đi qua, cảm xúc tiếc nuối của con người trước cái vẻ đẹp mà thiên nhiên mang lại cũng được nguôi ngoai đi phần nào.

Bài thơ được viết theo thể năm chữ, hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi, ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm đã có tác dụng diễn tả những trạng thái của cảnh vật và sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của thi nhân trước thiên nhiên, vũ trụ đất trời khi bắt đầu sang thu.

Gấp lại tác phẩm “Sang thu” của nhà thi sĩ tài ba- Hữu Thỉnh, cái dư âm của bài thơ vẫn còn đọng lại đâu đó trong tôi một cảm xúc khó tả không thể nói thành lời mà có lẽ trước khi đọc qua sẽ không tài nào có thể liên tưởng đến được. Vẻ đẹp cuối hạ – đầu thu của thiên nhiên được ông khắc họa một cách rõ nét và có lẽ bất kì một độc giả nào cũng không thể nào quên.

Cảm nhận bài thơ Sang thu hay

Mùa thu mang đến cho con người rất nhiều cảm xúc khác nhau. Nó mang đến nguồn cảm hứng khiến cho các tác giả muốn được sáng tác, muốn được thể hiện và giải tỏa cảm xúc của mình thông qua các tác phẩm. Mỗi người sẽ có một cách thể hiện khác nhau tùy thuộc theo sự cảm nhận của họ về mùa thu. Với các nhà thơ, họ tả mùa thu một cách chân thực nhưng cũng cực kì sinh động. Viết về mùa thu, phần lớn các tác giả miêu tả nét đẹp trong thu. Riêng với Hữu Thỉnh, ông tả mùa thu vào cái khoảnh khắc giao mùa chuyển từ hè sang thu. Đó là khoảnh khắc mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được.

Nội dung bài thơ cho thấy những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi của thiên nhiên. Khoảnh khắc thiên nhiên giao mùa mỗi mùa mỗi khác. Nó cũng chẳng giống như đồng hồ điểm chuông từng giờ để con người có thể nhận biết. Nó là sự cảm nhận tinh tế của từng người. Có lẽ, chỉ có những người lãng mạn, tâm hồn bay bổng mới có thể có được cái nhìn tinh tế như vậy. Hữu Thỉnh đã cảm nhận mùa thu không phải ở sắc mơ phai cũng không phải ở hình ảnh con nai vàng ngơ ngác mà là ở hương ổi, một hương vị thân quen và rất đặc trưng của mùa thu miền Bắc:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se

Hai chữ hương ổi như khiến người đọc cảm giác đâu đây có mùi hương của những quả ổi chín. Mùa thu miền Bắc là mùa nở rộ của ổi. Ở những miền quê bình dị, cây ổi được trồng ở khắp nơi với nhiều giống ổi khác nhau. Đó là mùi hương của quê nhà mộc mạc. Chúng phả vào trong gió, thoảng bay trong không gian. Thứ hương thơm không ngào ngạt như hương hoa nhưng đủ khiến lòng người sâu nặng. Nó khiến cho nhà thơ bỗng nhận ra. Nó mang đến một sự bất ngờ mà có lẽ nhà thơ cũng đã chờ đợi từ lâu. Không chỉ tả, câu thơ còn gợi lên sự liên tưởng về màu vàng ươm của những quả bưởi chín, về vị giòn ngọt và về hương thơm của những quả bưởi. Chưa hết, sương thu cũng như chứa đầy tâm trạng. Chúng thong thả đi qua từng ngõ ngách của thôn quê. Mùa thu miền Bắc sương giăng kín lối về:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Nhà thơ đã nhân hóa sương thu khiến cho chúng có những bước đi chậm chạp để hiện đúng cái chất của mùa thu. Trong câu thơ đầu tiên, nhà thơ bỗng nhận ra thu về khá bất ngờ và đột ngột nhưng sang đến câu thơ thứ hai nhà thơ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi: Hình như thu đã về? Nhà thơ đã nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.

Tiếp đến, bức tranh mùa thu được mở rộng hơn ở không gian nghệ thuật. Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi, nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian thu vời vợi:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Hai chữ dềnh dàng thể hiện được một con sông đầy nước. Dòng nước đang nhẹ trôi như cố tình chậm lại. Trên bầu trời, những đàn chim đang vội vã bay về phương nam. Nhà thơ đã mở ra một không gian thư thái, hữu tình và chứa chan thi vị:

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Đọc câu thơ lên, người đọc dễ hình dung, liên tưởng đến đám mây mỏng nhẹ, trắng xốm đang kéo dài như một chiếc khăn voan mềm mại của người thiếu nữ. Một nửa của chúng đã bước sang mùa thu. Một nửa của chúng vẫn còn đang là mùa hạ. Không chỉ tạo hình không gian, câu thơ còn diễn tả sự vận động của thời gian: thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm rất dịu nhẹ. Dường như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới.

Sự biến chuyển của không gian được diễn tả rõ hơn ở khổ thơ thứ ba nhưng đây cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật và đất trời:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Mùa hạ vẫn còn vương vấn đâu đây qua nắng, mưa, sấm, chớp nhưng chỉ là vẫn còn một chút bởi vì chúng đã vơi dần nên tác giả không còn quá bất ngờ với những điều ấy nữa. Trong câu thơ có gợi lên sự liên tưởng đến con người khi tuổi đã nhiều, đã có sự từng trải thì lúc ấy những dông gió, thăng trầm của cuộc đời không làm con người ta bất ngờ nữa. Với những suy tư ấy, bài thơ Sang thu dường như có giá trị hơn. Nó không đơn thuần là một bài thơ miêu tả cảnh thu mà nó đã trở nên vô cùng ý nghĩa.

Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu

Mặc dù một năm có 4 mùa nhưng dường như mùa Thu được các nhà thơ ưu ai hơn cả khi có rất nhiều bài thơ hay về nó. Chẳng hạn như nhà thơ Nguyễn Khuyến có một chùm thơ viết về mùa thu là Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu. Trong văn học Việt Nam hiện đại, các nhà thơ cũng tiếp tục lấy mùa thu làm đề tài chính cho các sáng tác của mình. Điển hình như nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ Sang thu vô cùng độc đáo.

Có thể nói, thời điểm chuyển giao giữa mùa này sang mùa khác bao giờ cũng làm cho con người ta có những cảm xúc lắng đọng. Đó vừa là sự háo hức chào đón cái mới, vừa là sự nuối tiếc dành cho những cái đã qua. Với sự chuyển biến của thiên nhiên, con người bao giờ cũng có sự ngỡ ngàng, sự bâng khuâng.

Có một điều đặc biệt của thiên nhiên là chúng ta không thể nào biết chính xác khi nào thì một mùa mới tới. Vào giây phút chuyển giao giữa mùa hè sang mùa thu, con người chỉ có thể cảm nhận bằng các giác quan của bản thân mình. Nếu như nhà thơ Lưu Trọng Lư cảm nhận mùa thu qua thính giác với hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” thì nhà thơ Hữu Thỉnh lại cảm nhận mùa thu thông qua khứu giác.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se

Cây ổi, một loại cây ăn quả được trồng nhiều ở khắp các làng quê Việt Nam. Cứ đến mùa thu là cây ổi đơm hoa. Hương thơm của ổi không ngào ngạt như những loài hoa khác và phải tinh tế lắm mới có thể cảm nhận được hương ổi trong gió. Phó từ “bỗng” vừa cho ta cảm giác ngỡ ngàng, vừa cho thấy tác giả như đã chờ đợi để được ngửi thấy hương ổi từ lâu. Câu thơ không chỉ miêu tả đơn thuần về cảm nhận của tác giả khi mùa thu về mà còn khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh những quả ổi chín vàng ươm trên cây. Dường như người đọc cũng có thể ngửi thấy hương ổi như tác giả. Không chỉ có tác giả mà sương thu cũng chứa đầy tâm trạng. Sương thong thả len lỏi ở khắp mọi nơi và trong cả các con ngõ nhỏ. Lúc này, tác giả mới thốt lên một câu nghi vấn:

Tham khảo thêm:   Toán 6 Bài 2: Hình chữ nhật, Hình thoi, Hình bình hành, Hình thang cân Giải Toán lớp 6 trang 85, 86 sách Chân trời sáng tạo - Tập 1

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Từ “chùng chình” thể hiện bước đi của sương. Có thể thấy, sương thu đã được nhân hóa lên giống như con người. Nhà thơ nhìn thấy rõ, cảm nhận được rõ nét sự thay đổi của thời tiết. Biết được rằng mùa thu đã về nhưng làm không dám khẳng định. Từ “hình như” cho người đọc cảm giác mơ hồ, bâng khuâng giống như đang ở một thế giới thần tiên nào đó và chẳng dám tin đây lại là sự thật.

Thế nhưng đến những câu thơ tiếp theo, sự chuyển biến của mùa thu đã trở nên rõ nét hơn. Tác giả không chỉ cảm nhận bằng khứu giác nữa mà đã nhìn thấy rõ nét thông qua thị giác:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Hai câu thơ tạo nên hai hình ảnh đối lập của tự nhiên. Bên dưới lại sông nước êm đềm, mềm mại dường như đang cố tình trôi thật chậm. Trên trời, những đàn chim đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc di chuyển đường dài về phương nam tránh rét. Cảnh tượng ấy mới thật thi vị biết bao. Nhưng đẹp hơn cả vẫn là hình ảnh:

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Câu thơ cho người đọc thấy rõ được sự chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu của thiên nhiên. Nhưng trên thực tế, mây mùa hạ và mây mùa thu thì có khác gì nhau? Câu thơ của tác giả dường như đã vẽ ra được một ranh giới trên bầu trời. Đám mây mùa hạ kia đang di chuyển qua ranh giới ấy để bước vào mùa thu. Một sự liên tưởng thật tuyệt vời. Mùa thu ấy chỉ vừa mới bắt đầu thôi. Vì vậy mà những sự vật, hiện tượng của mùa hạ vẫn còn sót lại nhưng cũng “đã vơi dần”:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Những câu thơ cuối của tác giả không chỉ đơn thuần là miêu tả thiên nhiên nhiên nữa mà nó còn chứa đựng cả những tâm tư trong lòng ông. Hữu Thỉnh chỉ ra cho chúng ta thấy rằng những người lớn tuổi đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống nên đứng trướng sóng gió của cuộc đời họ không còn bất ngờ nữa. Cũng giống như những hàng cây đứng tuổi kia, sấm cũng đã “bớt bất ngờ”.

Chính những xúc cảm tinh tế trong lòng tác giả đã khiến người đọc thêm yêu hương sắc của mùa thu. Bài thơ Sang thu như một bức tranh giao thoa của đất trời, đầy sắc nét, tinh tế và ngọt ngào.

Cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Cảm nhận bài thơ Sang thu – Mẫu 1

Sang thu của Hữu Thỉnh chỉ vỏn vẹn với 12 câu thơ năm chữ, nhưng nó đã vẽ nên một bức tranh đầu thu tinh tế, đẹp đẽ với sự biến chuyển nhẹ nhàng, giao cảm của đất trời khoảnh khắc giao mùa.

Bằng những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của mình, Hữu Thỉnh đã phát hiện ra tín hiệu giao mùa qua hương ổi chín thoảng qua trong làn gió se lạnh:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se

Hương ổi chín là một mùi hương đặc biệt quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam. Dường như chính tác giả cũng ngỡ ngàng khi phát hiện sự biến đổi của đất trời lúc sang thu. Từ “bỗng” đã mang đến cho người đọc một cảm giác bất ngờ khi một mùi hương vốn dĩ quen thuộc mà lại có lúc bị bỏ quên. Mãi đến khi chớm sang thu, người ta mới có cơ hội tận hưởng từng chút hương vị thân thuộc của làng quê.

Tác giả sử dụng từ “phả” – sự bốc mạnh và tỏa ra thành luồng – để gợi nên sự liên tưởng cho người đọc về hương thơm nồng nàn tỏa ra từ những vườn ổi chín nơi vườn quê Bắc Bộ. Lúc này, làn gió đầu thu mang theo chút se lạnh càng làm nổi bật hương thơm ổi thêm nồng nàn. Đó là một mùi hương rất đổi quen thuộc với người Việt mà xa lạ với thi ca, nhưng lại được Hữu Thỉnh đưa vào ý thơ một cách vô cùng tự nhiên.

Sau làn gió se lạnh mang theo mùi hương ổi chín nồng nàn là làn sương mỏng đang chuyển động nhẹ nhàng khắp xóm nhỏ:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Làn sương mỏng được miêu tả với hai từ “chùng chình” như đang lan dần đến một cách chầm chậm theo nhịp thở của mùa thu. Có lẽ, chính sự xuất hiện của mùi hương ổi chính cùng làn sương mỏng đã khiến tác giả phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên và bâng khuâng. Từ “hình như” chính là một sự phỏng đoán mơ hồ của tác giả trước một vài tín hiệu sang thu của vạn vật. Để cảm nhận bức tranh mùa thu tuyệt đẹp đó, nhà thơ đã dùng tất cả giác quan và sự rung động tinh tế của mình:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã.

Tác giả đã có sự chuyển đổi tầm nhìn từ trong vườn ra ngoài ngõ, rồi mở rộng không gian bao la bên ngoài với dòng sông, bầu trời rộng lớn và khép lại bằng sự suy ngẫm về triết lý, giá trị sống trong cuộc đời. Những sự vật xuất hiện trong bài thơ đều miêu tả cảnh vạn vật đang chuyển dần sang thu một cách ngập ngừng. Dòng sông phải chăng đang cố ý trôi một cách chậm chạp, nhẹ nhàng để tận hưởng sự yên bình của mùa thu.

Trái ngược với trạng thái tận hưởng ấy là những cánh chim đang vội vã làm tổ, tha mồi để chuẩn bị đối phó với mùa đông khắc nghiệt. Sự trái chiều ấy chính là quy luật tự nhiên không đồng đều trong thời điểm giao thoa của muôn loài. Đồng thời, nó cũng là tâm trạng của con người khi đứng trước sự thay đổi của cuộc sống.

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

Đây là hình ảnh rất độc đáo được thể hiện qua cảm nhận tinh tế của tác giả. Mùa hạ mùa thu đang ở hai đầu bến và đám mây phải chăng chính là nhịp cầu ô thước vắt qua. Qua đó, nhà thơ đã sử dụng không gian để miêu tả chuyển động của thời gian. Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh thơ ấy là một thoáng bâng khuâng trong tâm trạng của Hữu Thỉnh.

Nếu tinh tế, người đọc có thể cảm nhận được âm điệu có phần trầm lắng trong sự sâu lắng của hai câu thơ này. Nói sơ qua về hoàn cảnh sáng tác thì bài thơ này được viết vào năm 1977 – hai năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Hữu Thỉnh lúc này là một người lính đã trở về với cuộc sống đời thường.

Trong giây phút cảm nhận sự chuyển mùa ấy, dường như tác giả bất giác nhớ về những người đồng đội đã mãi mãi an nghỉ giữa tuổi thanh xuân rực cháy cùng khát vọng trở thành “đám mây mùa hạ” cống hiến cho quê hương của mình. Để rồi, trong lời thơ dường như có chút gì đó nuối tiếc, có chút sự vấn vương, lại như là sự hồi tưởng như đám mây đang trôi nhẹ nhàng vì tiếc nuối mùa hạ. Vì thế mà câu thơ “vắt nửa mình sang thu” không chỉ là hình ảnh thiên nhiên, mà nó còn là sự lắng đọng trong nỗi ưu tư, trăn trở của tâm hồn thi nhân.

Hình ảnh của mùa hạ còn sót lại cũng được nhà thơ miêu tả một cách tinh tế, thi vị:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Sự chuyển giao mùa của đất trời vẫn chưa được hoàn thiện khi trong không gian vẫn còn đọng lại chút dư vị của mùa hạ. Mùa hạ vẫn còn chưa đi nên nắng hạ vẫn còn nồng, còn sáng, chỉ có điều là nó đã bắt đầu nhạt dần đi. Những cơn mưa mùa hạ lúc này cũng đã vơi dần đi khi hơi thở của mùa thu đang dần ôm trọn không gian. Những tiếng sấm bất chợt cũng vì thế mà dần dần ít đi.

Những hình ảnh đặc trưng của mùa hạ vẫn còn, nhưng độ gay gắt của nó đang giảm để rồi chuyển hóa thành dịu êm. Dấu hiệu của mùa thu đang dần tăng lên nhưng sự phân hóa ranh giới hai mùa cũng vô cùng mong manh. Sự phân chia hai mùa vì thế mà chỉ có thể xác định qua sự nhạy cảm của giác quan, sự tinh tế của hồn người.

Âm điệu của khổ thơ giờ đang mang một màu trầm lắng đầy suy tư. Sự chuyển giao mùa chính là một quy luật tất yếu của tự nhiên, của cuộc đời. Vì thế, ta dẫu có tiếc nuối mùa hạ thì vẫn phải tiếp nhận mùa thu một cách an nhiên.

Trong hai câu thơ cuối, hình ảnh hàng cây đứng tuổi chính là một chứng nhân đang quan sát từng sự chuyển động của vạn vật xung quanh. Và phải chăng, hình ảnh này cũng mang những nỗi niềm suy tư mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm qua bài thơ? Tiếng sấm là những vang động bất thường của ngoại cảnh, và hàng cây đứng tuổi chính là những người đã từng trải, đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Khi người ta đã từng trải, người ta sẽ không còn quá bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh. Người ta cũng chẳng sợ hãi mà vững vàng khi biến động kéo đến. Chỉ khi đặt hai câu thơ trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thì ta mới hiểu hết được thông điệp cũng như ý nghĩa của hai câu cuối. Đó chính là lời khẳng định cho bản lĩnh của dân tộc ta, dám đương đầu trước mọi khó khăn sóng gió để giành về cuộc sống bình yên cho dân tộc.

Nói tóm lại, qua Sang thu, người đọc có thể cảm nhận được sự biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt của vạn vật của đất trời cuối hạ đầu thu. Qua đó, thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm đến độc giả cũng được truyền tải một cách tinh tế, khiến cho người ta thêm yêu quý quê hương, đất trời Tổ quốc mình.

Cảm nhận bài thơ Sang thu – Mẫu 2

Mùa thu hiện lên trong hương cốm mới, trong cái nắng vàng ươm ướp đất trời, trong hương bưởi nồng nàn say đắm. Mùa thu của Hữu Thỉnh cũng đẹp như thế, để lại nhiều ấn tượng và dư ba trong lòng người đọc. Bài thơ “Sang thu” chính là sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về một trong những mùa đẹp nhất trong năm.

Bài thơ được tác giả sáng tác năm 1977, khi ông tham gia trại viết văn quân đội. Mùa thu vốn là đề tài không mới trong thi ca: ta từng bắt gặp mùa thu trong “Thu ẩm”, “Thu điếu”, “Thu vịnh” trong thơ cụ Nguyễn Khuyến, trong “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

“Với áo mơ phai dệt lá vàng”

hay

“Những cành run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

Ta cũng từng bắt gặp mùa thu buồn man mác trong sáng tác của Lưu Trọng Lư:

“Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”

Tiếp nối vào mạch thi cảm đó, Hữu Thỉnh đưa ta đến một mùa thu đẹp tuyệt nhưng lại trong một khoảnh khắc rất đặc biệt khi trời vừa chớm sang thu. Khoảnh khắc ấy phải là một tâm hồn đầy tinh tế, nhạy cảm mới có thể nhận ra được. Mở đầu bài thơ, tác giả đem tới không khí của mùa thu qua những cảm nhận đầu tiên về hương vị đất trời:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Tác giả nhận ra mùa thu qua hương thơm rất đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hương ổi nồng nàn “phả” vào không gian – động từ “phả” khiến hương thơm như quyện thành luồng rất đậm đặc. Từ “bỗng” đặt ở đầu câu thơ làm nổi bật sự bất ngờ của tác giả khi nhận ra hương vị đầu tiên của mùa thu đất trời. Làn gió heo may mang theo hương ổi, đưa hương thơm ấy đi khắp mọi nơi khiến tâm hồn tác giả ngây ngất. Trong hương thơm đó, sương hiện lên qua từ láy gợi hình “chùng chình” khiến làn sương như trở thành một người còn đang lưỡng lự, chậm chạp len lỏi khắp mọi con ngõ. Sương giăng mắc trên những ngọn cây, sương lan ra trong từng con hẻm, tất cả hòa vào nhau tạo nên bức tranh phong cảnh làng quê Bắc Bộ vào thu trong một buổi chiều làm hiện lên vẻ đẹp thơ mộng đầy lãng mạn. Câu thơ cuối với nhịp 2/3 diễn tả sự phỏng đoán của tác giả.

Trong buổi chiều đó, tác giả như cảm nhận mùa thu đã thật sự lan tỏa khắp đất trời:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Dòng sông ăm ắp nước bắt đầu “dềnh dàng”, những cánh chim bắt đầu “vội vã” tìm nơi cư trú trước khi mùa đông lạnh giá bắt đầu. Các từ “được lúc, bắt đầu” khiến các sự vật trở nên như một con người, bắt đầu một cuộc hành trình mới. Thu sang như mở ra một ô cửa đến với một thế giới mới, một sắc màu mới. Hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” là hình ảnh đầy độc đáo và giàu giá trị biểu cảm. Trên bầu trời cao xanh của mùa thu hình như còn sót lại những đám mây của mùa hạ. Động từ “vắt” khiến hình ảnh đám mây trở nên thật uyển chuyển, mềm mại như đang chấp chới nửa muốn nửa không sang. Không muốn vì nuối tiếc của hạ, nhưng lại muốn sang để trải nghiệm một không khí mới. Đó phải chăng cũng chính là tâm hồn tác giả đang đứng giữa ranh giới của thu và hè để hòa vào khoảnh khắc giao mùa của đất trời hay chăng? Hai khổ thơ đầu tiên tác giả sử dụng các từ láy có mật độ rất cao, thể hiện được những cảm xúc tinh tế của tác giả về thời khắc thu sang.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Đường em đi anh sẽ đi ngược lại

Nếu như hai khổ trên tác giả tập trung miêu tả mùa thu của đất trời thì đến khổ cuối lại quay về khắc họa mùa thu của lòng người qua các câu thơ đầy tính triết lí:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Mùa hạ đã qua đi, những gì của mùa hạ đều đang giảm dần đi. Nắng vẫn vàng ươm nhưng mưa đã vơi bớt và những cơn sấm cũng bớt bất ngờ để không làm kinh động đến hàng cây đứng tuổi. Thế nhưng chính hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” lại gợi cho ta nhiều suy ngẫm. Phải chăng, nó là hình ảnh của con người khi đã trưởng thành, đã đi đến cái dốc bên kia của đời người còn “sấm” là hình ảnh tượng trưng để chỉ những vang động, va đập của cuộc sống? Từ đó nhà thơ mang đến cho ta suy ngẫm sâu sắc: Khi con người ta đã đủ trưởng thành, đủ kinh nghiệm thì những vang động và thử thách của cuộc sống sẽ không còn khiến họ thấy nản lòng mà ngược lại lại luôn giữ một thái độ bình tĩnh đến không ngờ.

Bài thơ mang lại cho ta cảm nhận về khoảnh khắc sang thu đầy ấn tượng mà chỉ có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới có thể cảm nhận được, không những thế, nhà thơ còn đem đến cho ta triết lí sâu sắc về mùa thu của đời người, của con người. Chính vì vậy mà “Sang thu” cho đến nay vẫn là một trong những bài thơ thu hay nhất trong nền văn học Việt Nam.

….

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu

Hữu Thỉnh thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta. Bài thơ sang thu là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Hữu Thỉnh giai đoạn sau chiến tranh. Bài thơ là những rung động nhẹ nhàng, tinh tế của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Vẻ đẹp bài thơ “Sang thu” thể hiện qua bức tranh mùa thu tươi tắn, tràn đầy sức sống qua cảm nhận của một tâm hồn nhạy cảm, luôn muốn gắn kết với đất trời, với cuộc đời rộng lớn.

Bài thơ đưa ta đến với cảnh đất trời của đồng quê Bắc Bộ khi sang thu, từ gần đến xa, với những nét rất gần gũi, thân thương:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Mọi hình ảnh, hiện tượng đó của đất trời khi chuyển từ hạ sang thu mọi người đều biết, đều quen. Vậy mà đến bài thơ này của Hữu Thỉnh ta mới cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp êm ả, thanh bình của nó. Hương ổi, gió se, sương mỏng, mây nhởn nhơ bay, chim vội vã về phương nam, nắng vẫn rực vàng, mưa vơi dần, tiếng sấm bớt hẳn… những tín hiệu báo mùa thu về ấy sao mà thân thương, gần gũi, nao nao gợi nhớ một miền quê thời thơ ấu trong kí ức của mỗi chúng ta.

Nhà thơ không viết “Thu sang” mà chọn tựa đề “Sang thu”: mùa thu chỉ mới bắt đầu, để “thu” làm bổ ngữ cho động từ “sang” gợi chủ thể cảm nhận sự chuyển mùa ấy là con người. Cách đặt tựa đề báo hiệu những cảm nhận tinh tế và riêng biệt về mùa thu.

Hương thơm của những trái ổi chín trong vườn “phả vào trong gió se” tức là hương thơm bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, chứ không thoang thoảng. Nhà thơ vừa ngửi thấy mùi hương ổi, lại vừa cảm nhận được cái se lạnh của gió đầu thu. Hương thì đậm đà mà gió thì nhè nhẹ nên không gian rất đỗi nồng nàn.

Sương thu thì “chùng chình” qua ngõ, nghĩa là nó có ý nhởn nhơ, chậm chạp lại, quấn quýt bên ngõ xóm, đường làng hay quấn quýt, giao hòa cùng người ngắm cảnh?

Hương ổi, gió sư, sương thu là những kí hiệu làm nhà thơ giật mình nhận ra “hình như thu đã về”. Cảm xúc của tác giả vừa nhẹ nhàng, vừa bâng khuâng. Vì lẽ, đây không phải là mùa thu đầu tiên trong đời nên sự hân hoan đã nhường chỗ cho sự đắm lắng, dịu nhẹ, khoan thai mà đón nhận:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Sông được lúc “dềnh dàng” chậm chạp, rề rà, không vội vàng gì. Người đọc như được thấy mặt nước phẳng lặng của sông thu soi chiếu cánh chim vội vã bay từ khung trời chói chang của mùa hạ sang khung trời ấm áp của mùa thu:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Vì lẽ ấy mà đám mây trên bầu trời cũng “nửa hạ – nửa thu”, “Có đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang thu” đám mây mùa lưu luyến lúc giao mùa được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế và trong trẻo. Và mùa hạ dần qua cũng vơi dần những cơn mưa rào, trả lại cho trời thu sắc xanh muôn thuở.

Hai câu kết vừa có ý nghĩa tả thực, lại vừa có ý nghĩa hàm ẩn.Ý nghĩa tả thực là tả hiện tượng sấm và hàng cây lúc sang thu. Còn ý nghĩa hàm ẩn mà nhà thơ gửi gắm ở đây có lẽ là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời (sấm) đã bớt đi sự bất ngờ đối với những người từng trải (hàng cây đứng tuổi).

Phân tích những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh trong khổ cuối bài Sang thu
Đây là sự suy ngẫm của tác giả về nhân sinh, về quy luật của cuộc sống nhân nói chung về cảnh thiên nhiên đất trời sang thu. Rõ ràng, khi viết bài thơ này Hữu Thỉnh đã bước vào tuổi trung niên, đã đi qua một thời trai trẻ trong chiến tranh nên những chiêm nghiệm của nhà thơ có sức khơi gợi cho mọi người về lẽ sống làm người: Ta hãy bình tĩnh mà đón nhận và giải quyết mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Cảm nhận Sang thu chi tiết nhất

Từ muôn đời, mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Non nước hữu tình trong cảnh sắc thu sang làm lay động cả những trái tim khó tính nhất! Hữu Thỉnh chính là một trong các nhà thơ tiêu biểu sở hữu cảm xúc tinh tế sâu sắc trước sự đổi thay đất trời trong những ngày tháng giao mùa. Mạch cảm xúc dâng trào mở ra bao tầng nghĩa đẹp đẽ qua bài thơ “Sang thu”.

Từ những câu thơ đầu tiên, ta đã nhận ra bao hình ảnh liên tưởng thú vị mà nhà thơ muốn gửi gắm:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Tâm hồn nhà thơ với bao sự nhạy cảm, tinh tế. Khoảnh khắc nhà thơ nhận ra mùa thu cũng làm gợi nên bao cảm xúc khác lạ. Từ muôn đời nay, các vị thi sĩ tìm ra mùa thu với tiếng lá khô xào xạc giòn giã

“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô”

Hoặc qua bầu trời trong xanh cao vút tựa như không có đáy như trong Thu điếu – Nguyễn Khuyến, hoặc là mùi hương cốm mới, là hình ảnh hoa cúc họa mi ẩn hiện, hoặc là ngọn gió heo héo hắt giữa mùa thu Hà Nội.

Cái khoảnh khắc nhận ra chớm thu của Hữu Thỉnh hiện lên chân thật, gần gũi hơn nhiều. Nó là chút tư vị của “hương ổi” xen lẫn trong gió. Mùi hương thơm ngọt ngào của một thức quà quê quen thuộc đi vào sâu trong tiềm thức tuổi thơ của mỗi người. Cái hương ổi quen thuộc và dễ chịu ấy không phải là thoang thoảng mà là “phả vào trong gió se”. Mùi hương hòa quyện, đặc quánh, kích thích khứu giác đầy tinh tế của thi nhân. Sự chuyển mùa vô hình giờ đây lại dần được tái hiện một cách rõ nét qua lời thơ của Hữu Thỉnh.

Từ láy “chùng chình” được sử dụng rất đắt! Động từ ấy gợi tả cảm giác của sự chậm rãi, thảnh thơi. Ta dường như có thể cảm nhận được màn sương đang giăng mắc giữa những con phố. Phải chăng sương đang cố nán lại quanh con ngõ nhỏ để thủ thỉ báo hiệu với chàng thi sĩ rằng “Hình như thu đã về”?

Màn sương “chùng chình” ấy còn tựa như một chiếc khăn voan đang hờ hững vắt ngang trời, còn chút gì đó vấn vương sự ấm áp của mùa hạ trước khi đón chào sự se se lạnh của mùa thu hiu lạnh. Sự ngỡ ngàng của người thi nhân trước khoảnh khắc mùa thu đến cửa:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Sự chuyển giao mùa đột nhiên hiện ra rõ nét với muôn vàng hình ảnh rộn ràng thể hiện rõ rệt thông qua sự chuyển biến của đất trời thiên nhiên rộng lớn. Khổ thơ như mở ra một không gian thoáng đãng và cao rộng tuyệt đẹp đón chào mùa thu.

Đó là hình ảnh một con sông “dềnh dàng” miên man chầm chậm chảy. Nó chẳng phải một dòng sông của mùa hạ cuồn cuộn chảy trong vội vã cùng những cơn mưa rào nặng hạt. Dòng sông mùa thu hiền hòa nhã nhặn, mỏng manh. Vẻ đẹp mơ màng của thiếu nữ mới lớn đầy sự trong trẻo, thanh khiết và dịu dàng. Trái ngược với một dòng sông “dềnh dàng”, đằm thắm, thư thả là những cánh chim mùa thu vội vã, khẩn trương.

Mùa thu đến, tiết trời trở nên ảm đạm và chớm lạnh, những cánh chim vội vã tìm kiếm thức ăn dự trữ, tìm kiếm nguyên liệu xây dựng tổ ấm cho kiên cố để chống chọi với một mùa đông lạnh giá sắp về. Khoảnh khắc giao mùa của tự nhiên muôn đời mờ mờ ảo ảo, ấy vậy mà bằng một tâm hồn tinh tế cùng óc quan sát tỉ mỉ Hữu Thỉnh làm sống dậy bức tranh giao mùa.

Hai câu thơ “Có đám mây mùa hạ /Vắt nửa mình sang thu”quả là một hình ảnh tuyệt đẹp. Tác giả đã tài tình dùng phép nhân hóa cho những đám mây vô tri vô giác, tạo cho đám mây chút cảm giác lười biếng và ngái ngủ. Phải chăng mây vấn vương lắm cái nắng ấm chói chang của mùa hạ nên mới chỉ mới hững hờ “vắt nửa mình sang thu”. Bức tranh dần hiện ra rõ nét với nhiều chi tiết, hình ảnh gợi cảm:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Bức tranh thiên nhiên không chỉ đem lại cho người đọc sự cảm thụ về cảnh sắc vẻ đẹp mà còn ẩn dưới lời thơ những triết lý sâu sắc của tác giả. Khổ thơ như tiếng lòng của Hữu Thỉnh về những triết lý ông đã trải qua và thấu hiểu trong những năm tháng cuộc đời. Ở thời khắc giao mùa hạ – thu mỏng manh mơ hồ ấy, tuy nắng vẫn ở đó thế nhưng sự gay gắt đã giảm đi rất nhiều, cái bức bối của mùa hạ để dần nhường chỗ cho sự dịu dàng, ấm áp xen lẫn chút không khí se lạnh đặc trưng của mùa thu.

Mưa cũng dần biến chuyển, mưa của mùa hạ là mưa của sự giận hờn, đỏng đảnh. Những cơn mưa dài, nặng hạt nhưng ngắn tựa như con gái lúc mới yêu vậy. Ngược lại thì mưa của mùa thu lại thưa thớt, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vạn vật tự nhiên đều trở nên đằm thắm khi chớm sang thu.

Từ đây, Hữu Thỉnh đã gửi gắm đến cho người đọc những triết lý sâu sắc về cuộc đời: “Sấm đã bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”. Sấm đối với chúng ta chỉ đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên thường thấy trong những cơn mưa. Thế nhưng, bằng con mắt cảm quan tinh tế của nhà thơ, ông đã nhìn sấm tựa như những giông bão của cuộc đời. Trước mùa hạ của tuổi trẻ, của những năm tháng thanh xuân nhiệt huyết qua đi, con người dần ngả mình “sang thu”, ngả mình sang dốc bên kia của cuộc đời.

Giờ đây “hàng cây đứng tuổi” này đã từng chịu biết bao nhiêu giông bão vô thường của cuộc đời làm cho chao đảo thì nay đã đủ vững chãi để an nhiên trước những đợt sấm bão giông kia. Ai mà chẳng phải trải qua những tháng năm non dại bồng bột nhiều vấp ngã, nhưng có vấp ngã thì mới có trưởng thành. Càng nhiều trải nghiệm chúng ta sẽ càng mạnh mẽ, càng điềm nhiên trước những thử thách bao giông, trước những thay đổi trớ trêu cuộc đời. Điềm nhiên, bình thản nhìn sấm tan dần trước mắt!

Sang thu được viết khi Hữu Thỉnh bước vào ngưỡng tuổi ba lăm. Có lẽ chính vì thế mà hồn thơ của ông lại cảm nhận tinh tế bao xúc cảm kỳ diệu của thiên nhiên để rồi giật mình nhận ra mùa thu đã về. Từ mùa thu của thiên nhiên, ông nghĩ về mùa thu của đời mình. Để rồi ông viết khoảnh khắc giao mùa ấy thật chậm rãi, thật rõ nét như thể muốn ngăn đi sự khốc liệt, vội vã của thời gian. Bao nhiêu năm tháng huy hoàng đã trôi qua theo mùa hạ cuối cùng của đời người để lại bao lưu luyến trong lòng bạn đọc về một mùa thu chớm bước qua thềm.

>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 22 bài Cảm nhận Sang thu hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *