Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 8 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa), được Wikihoc.com giới thiệu.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)

Nội dung chi tiết bao gồm dàn ý và 9 bài văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh có thể tham khảo chi tiết ngay sau đây.

Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.
  • Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.

2. Thân bài

– Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi…).

– Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa đó (thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc…)

3. Kết bài

Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan, di tích lịch sử văn hóa.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 1

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Bài ca dao đã nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về lòng biết ơn với các vua Hùng. Vừa qua, tôi đã được đến thăm đền Hùng cùng bố mẹ.

Sáu giờ sáng, bố đã đánh thức tôi dậy. Mọi người cùng ăn sáng, sau đó chờ xe đến đón. Chuyến đi khởi hành vào lúc bảy giờ. Xe đi khoảng gần hai tiếng thì đến nơi. Tôi theo bố mẹ đi thăm quan đền Hùng. Đền Hùng là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Từ cổng chính đi lên là Đền Hạ, theo truyền thuyết đây là nơi bà Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con tạo thành sức mạnh dân tộc Việt Nam. Lên nữa là Đền Trung nơi các vua Hùng bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng và trên đỉnh núi là Đền Thượng với bốn chữ vàng “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ muôn đời nước Việt Nam). Đây là nơi Vua Hùng thờ Thánh Gióng và làm lễ tế trời đất cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no. Cạnh Đền Thượng là ngôi Lăng nhỏ thường gọi là mộ Tổ mang ý nghĩa tượng trưng. Từ Lăng đi xuống về hướng Đông, dưới chân núi là Đền Gióng nơi xưa hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con Vua Hùng thứ 18 soi gương nước trang điểm, vì thế giếng còn có tên là Giếng Ngọc. Giếng ấy nay ở trong lòng đền.

Qua mỗi điểm, tôi và bố mẹ lại dừng chân để thắp hương, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính. Cũng có rất nhiều người cũng giống như chúng tôi vậy. Có thể thấy rằng, khu di tích lịch sử Đền Hùng đã để lại những giá trị về văn hóa, kiến trúc, tâm linh. Nơi đây cũng gợi nhắc con người hướng tới truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý giá của dân tộc Việt Nam. Tôi càng cảm thấy tự hào về đất nước của mình nhiều hơn.

Chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa đền Hùng đã giúp tôi có thêm trải nghiệm quý giá. Tôi cũng thêm trân trọng và biết ơn các vua Hùng và ý thức được trách nhiệm giữ gìn truyền thống biết ơn của dân tộc.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 2

Vừa qua, trường của tôi có tổ chức một chuyến tham quan. Điểm đến của chúng tôi là khu di tích thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Từ sáng sớm, chúng tôi đã tập trung ở trường. Khoảng sáu giờ, xe bắt đầu xuất phát. Chúng tôi di chuyển mất khoảng hơn một tiếng thì đến nơi. Trên đường đi, tôi đã trò chuyện với các bạn. Ai cũng đều háo hức, mong chờ. Khi đến nơi, chúng tôi xuống xe và xếp thành từng hàng. Các lớp sẽ di chuyển lần lượt để vào thăm khu di tích thành Cổ Loa.

Chúng tôi tập trung ở đền thờ An Dương Vương để thắp hương. Sau đó, các lớp lần lượt đến thăm các địa điểm từ đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) đến am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), rồi đến chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), và cuối cùng là đình Mạch Tràng. Tôi đã được lắng nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu về thành Cổ Loa. Đây là một di tích lịch sử lâu đời, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vào khoảng thế kỷ III TCN, thành Cổ Loa đã được xây dựng dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Nét đặc sắc nổi bật khi nhắc đến thành Cổ Loa là kiến trúc. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên, căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền.

Tham khảo thêm:   Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2013 - 2014 Môn: Toán, Văn, Anh, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý - Có đáp án

Nơi tôi cảm thấy ấn tượng nhất chính là am Mỵ Châu. Khi đến thăm nơi này, tôi đã nhớ lại truyền thuyết kể về công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy. Buổi chiều, chúng tôi còn được chơi một số trò chơi dân gian và xem múa rối nước. Đây là lần đầu tiên tôi được xem nên cảm thấy vô cùng thích thú. Tôi đã quay lại video để về khoe với chị Hà. Sau chuyến đi, tôi đã biết thêm nhiều kiến thức vô cùng bổ ích, có nhiều bức ảnh đẹp cùng với các bạn.

Chuyến đi đã đem lại cho tôi nhiều kiến thức, kỉ niệm đẹp cùng với bạn bè. Tôi mong sẽ có thêm nhiều chuyến tham quan như vậy hơn.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 3

Bác Hồ là một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Vào ngày 2 tháng 9 vừa qua, tôi đã dịp đến viếng lăng Bác cũng với bố mẹ.

Từ hôm trước, mẹ đã chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Sáng sớm, tôi thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Mọi người trong gia đình cùng nhau ăn sáng, thay quần áo. Sau đó, bố gọi xe tắc-xi. Khoảng tám giờ, xe đã xuất phát đến lăng Bác.

Xe đi mất khoảng ba mươi phút là đến lăng Bác. Xuống xe, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự đông đúc. Rất nhiều người đang đứng xếp hàng để vào trong lăng. Tôi và bố mẹ nhanh chóng hòa vào dòng người. Thời tiết khá nóng bức nhưng không làm lung lay quyết tâm được vào lăng viếng Bác của tôi. Sau một tiếng xếp hàng, tôi đã vào được vào trong lăng. Ai cũng đều giữ yên lặng, bước vào trong lăng một cách nghiêm trang. Bên trong lăng khá lạnh. Khi nhìn Bác Hồ, tôi vô cùng xúc động. Thật khó để diễn tả cảm xúc trong tôi lúc này. Khuôn mặt Bác thật hiền từ, rất giống với trong bức ảnh được treo trong lớp học. Chòm râu dài, mái tóc bạc phơ. Vầng trán cao và rộng. Bác nằm đó giống như chỉ đang ngủ vậy.

Sau đó, tôi còn được đến thăm nhà sàn – nơi Bác từng sống và làm việc và bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời của Bác. Tại đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về Bác. Giọng kể của chị hướng dẫn viên khiến câu chuyện càng thêm xúc động hơn. Tôi và bố mẹ còn đến thăm Quảng trường Ba Đình – nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào đúng ngày hôm nay – mùng 2 tháng 9. Gia đình của tôi đã có nhiều bức ảnh đẹp.

Chuyến viếng lăng Bác của gia đình tôi đã kết thúc. Nhưng tôi vẫn còn cảm nhận được không khí trang nghiêm ở lăng Bác. Tôi cũng đã hiểu thêm nhiều về Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 4

Năm nay, trường tôi đã tổ chức tham quan. Chúng tôi được đến thăm cố đô Huế – một di tích lịch sử nổi tiếng của quê hương. Tôi cảm thấy vô cùng háo hức và mong chờ.

Tối hôm qua, tôi đã chuẩn bị đồ dùng cho chuyến đi. Mẹ còn mua cho tôi bánh kẹo, nước uống nữa. Sáu giờ sáng, học sinh phải tập trung ở trường. Tôi thức dậy từ năm giờ ba mươi phút để chuẩn bị. Sau đó, mẹ đưa tôi đến trường. Đến nơi, tôi thấy rất nhiều xe ô tô đỗ ở cổng trưởng. Sân trường đông đúc, nhộn nhịp vô cùng. Nhiều bác phụ huynh cũng đưa con đến trường. Tôi chào tạm biệt mẹ rồi bước vào trong. Rất nhiều học sinh đang xếp hàng dưới sân trường. Tôi nhanh chóng tìm vị trí của lớp mình. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Chúng tôi xếp thành hàng để lên xe. Khoảng bảy giờ ba mươi, xe bắt đầu xuất phát. Cùng đi có bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh. Ngoài ra, mỗi lớp còn có một hướng dẫn viên đi cùng. Hướng dẫn viên của lớp tôi là chị Thu Hà. Chị rất thân thiện và nhiệt tình. Trên đường đi, chị đã trò chuyện và trao đổi với chúng tôi khá vui vẻ.

Khoảng một mươi phút, xe đã đến nơi. Cả lớp xếp lại thành hai hàng, sau đó đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Ở mỗi điểm tham quan, chúng tôi sẽ được dừng lại để ngắm nhìn và lắng nghe chị hướng dẫn viên thuyết trình về nơi đó. Nhiều bạn còn đặt ra những câu hỏi thú vị và được chị Hà giải đáp khá chi tiết. Theo như chị Hà giới thiệu, Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 – 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 – 1820) lăng Minh Mạng (1820 – 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.

Sau một ngày tham quan, tôi đã biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Chúng tôi cũng chụp được rất nhiều tấm ảnh đẹp.

Chuyến đi thật thú vị và vui vẻ. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để học hỏi thêm những bài học bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 5

Cuộc sống của con người cần có những chuyến đi để tích lũy thêm nhiều kiến thức quý giá cho bản thân. Đặc biệt, chuyến đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Tôi cũng đã có một chuyến đi như vậy.

Địa điểm mà tôi đến thăm là Bảo tàng dân tộc học. Chiều chủ nhật, tôi cùng chị đã bắt xe buýt đến tham quan. Sáng sớm, tôi thức dậy từ sáu giờ để chuẩn bị. Tôi ăn sáng thật nhanh, chọn một trang phục phù hợp. Sau đó, tôi và chị gái đã ra bến xe buýt để bắt xe. Chúng tôi di chuyển mất khoảng ba mươi phút. Xe buýt đỗ gần cổng bảo tàng. Tôi đứng đợi chị mua vé, rồi cùng chị đi vào theo sự hướng dẫn của bác bảo vệ.

Tham khảo thêm:   Hoạt động trải nghiệm 8: Truyền thông và biện pháp đề phòng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở địa phương Trải nghiệm hướng nghiệp lớp 8 Kết nối tri thức trang 53, 54, 55

Bước qua cánh cổng bảo tàng, tôi nhìn thấy một khối nhà mái vòm rất lớn. Phía trên có in một dòng chữ bằng đá rất nổi bật: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”. Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời (Vườn Kiến trúc) và tòa Cánh diều (khu trưng bày Đông Nam Á). Chúng tôi lần lượt tham quan các khu trưng bày. Đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng là nơi trưng bày, giới thiệu bản sắc năm mươi tư dân tộc. Tại đây có khoảng nhiều hiện vật, thước phim và hình ảnh miêu tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào dân tộc.

Sau khi ra khỏi tòa nhà Trống Đồng, tôi nhìn thấy một khoảng sân lớn, đó chính khu trưng bày ngoài trời. Tôi đã được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của người nhiều dân tộc nhà rông của người Ba-na, nhà sàn dài của người Ê-đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu… Tại đây, chúng tôi còn chụp khá nhiều bức ảnh với những ngôi nhà.

Điểm tham quan cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á. Tòa nhà này gồm có bốn tầng được mô phỏng theo hình Cánh diều. Nơi đây thường trưng bày về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới)…; ngoài ra còn có hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện. Tôi đã được hiểu thêm về văn hóa của các nước trên thế giới.

Kết thúc một buổi sáng, tôi và chị gái đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chuyến tham quan diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 6

Vào dịp nghỉ hè, tôi được về thăm quê ngoại ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tôi đã có khá nhiều trải nghiệm bổ ích và thú vị.

Chắc hẳn các bạn đã được nghe đến thành Cổ Loa gắn với truyền thuyết về vua An Dương Vương. Tôi đã được chị Hồng – chị họ dẫn đi tham quan nơi đây. Chuyến đi sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy. Sáng hôm đó, tôi thức dậy từ rất sớm. Tôi ăn sáng thật nhanh. Vì địa điểm đến thăm là một nơi văn hóa tâm linh nên tôi đã chọn một bộ trang phục gọn gàng, kín đáo. Đúng bảy giờ, chị Hồng lái xe máy đưa tôi đi. Chúng tôi đi mất khoảng mười lăm phút là đến nơi.

Đến nơi, chị Hồng đi gửi xe. Sau đó, chị dắt tôi đi thăm quan từng địa điểm. Từ đền thờ vua An Dương Vương đến đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chị lại kể cho tôi nhiều câu chuyện hấp dẫn.

“Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải qua năm tháng, nẻo đường con đây”

Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa – một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Kết thúc chuyến tham quan, tôi đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Không chỉ vậy, tôi còn thêm yêu mến và tự hào về mảnh đất quê hương xinh đẹp của mình.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 7

Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tôi đã có dịp đến thăm đền Hùng – một di tích lịch sử quan trọng của nằm ở tỉnh Phú Thọ.

Từ sáng sớm, tôi đã thức dậy để chuẩn bị. Khoảng năm giờ, tôi cùng bố mẹ bắt xe để đi đến đến Hùng. Xe đi khoảng gần hai tiếng thì đến nơi. Nơi đây vô cùng đông đúc, rất nhiều người về đền Hùng để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Tôi cùng bố mẹ đến từng địa điểm để dâng hương.

Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đầu tiên, tôi được đến thăm đền Hạ – theo tìm hiểu đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ nhị bao gồm Tiền bái và Hậu cung. Kiến trúc đền Hạ đơn sơ, kèo cầu suốt, quá giang đóng trụ, mái lợp ngói mũi. Tương truyền rằng đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng.

Tiếp đến là chùa Thiên Quang, chùa xưa có tên gọi là “Viễn Sơn Cổ Tự” sau đổi thành “Thiên Quang Thiền Tự”. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu. Rồi đến đền Trung hay còn có tên gọi khác là Hùng Vương Tổ miếu được xây dựng vào thời Lý – Trần. Đến thế kỷ XV, đền bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giáng cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Tham khảo thêm:   Địa lí 8 Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học Soạn Địa 8 trang 138 sách Chân trời sáng tạo

Sau đó, chúng tôi lần lượt đến dâng hương tại đền Thượng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ở mỗi địa điểm, tôi lại được bố mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn.

Sau chuyến đi, tôi cảm thấy thêm biết ơn các vua Hùng và càng thêm tự hào về nguồn gốc của dân tộc.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 8

Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Chúng ta đi để thấy được rằng thế giới thật rộng lớn, còn nhiều điều mà bản thân chưa khám phá hết. Bản thân tôi cũng có những chuyến đi bổ ích như vậy.

Cuối tuần, tôi đã có một chuyến tham quan cùng với các thành viên trong lớp Trường học đã tổ chức cho học sinh toàn trường một chuyến ghé thăm kinh thành Huế. Chúng tôi đã được có thêm nhiều điều bổ ích sau chuyến đi này.

Từ tối hôm trước, mẹ đã giúp tôi chuẩn bị các đồ dùng cần thiết. Tôi đi ngủ thật sớm để sáng hôm sau đến trường cho đúng giờ. Buổi sáng, tôi thức dậy ăn sáng và được mẹ đưa đến trường. Đúng sáu giờ, học sinh của từng lớp phải tập hợp ở sân trường. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Sau đó, chúng tôi xếp thành hàng để lên xe. Khoảng sáu giờ ba mươi phút, xe đã xuất phát. Bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh cũng đi cùng. Chúng tôi cảm thấy hào hứng lắm. Từ Đà Nẵng vào Huế phải đi mất gần hai tiếng mới đến nơi. Trên đường đi, chúng tôi vừa ngắm nhìn đường phố, vừa trò chuyện vui vẻ. Chị hướng dẫn viên còn tổ chức một số trò chơi để bầu không khí thêm sôi động.

Khoảng hai tiếng sau, xe đã đi đến nơi. Chúng tôi theo sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm đã xuống xe. Ai cũng háo hức, mong được nhanh vào tham quan. Chúng tôi xếp thành hai hàng, rồi đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được dừng lại, nghe chị thuyết trình về nơi đó. Một số bạn còn đặt ra những câu hỏi để chị hướng dẫn viên giải đáp.

Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 – 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 – 1820) lăng Minh Mạng (1820 – 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.

Kết thúc buổi tham quan, tôi đã học thêm nhiều kiến thức bổ ích về mảnh đất cố đô. Tôi càng thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Các thành viên trong lớp cũng có được nhiều bức ảnh kỉ niệm đẹp.

Tôi cảm thấy chuyến đi này thật bổ ích. Tôi cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa cùng với bạn bè và thầy cô.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi – Mẫu 9

Ở Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Và tôi đã có dịp đến thăm nhà tù Hỏa Lò để biết thêm nhiều kiến thức vô cùng bổ ích.

Chiều chủ nhật, tôi và chị gái đã bắt xe buýt từ nhà để đến thăm nhà tù Hỏa Lò. Xe đi mất khoảng ba mươi phút là đến nơi. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng vô cùng quan trọng của Việt Nam.

Chị gái đã đi mua vé vào cửa. Sau đó, chúng tôi lần lượt có các khu vực nhà giam gồm có một nhà dùng cho việc canh gác; một nhà dùng làm bệnh xá; một nhà dùng làm nhà thương bố thí; hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án); một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da; năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án; bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù. Ở mỗi khu vực nhà giam đều có những bảng chú thích để người xem hiểu rõ hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng nhất khi đến nhìn tham quan nhà giam dành cho tù nhân phạm tội tử hình. Chiếc máy chém dành cho phạm nhân tử hình sẽ khiến bất cứ ai nhìn thấy phải rùng mình.

Những nhà giam nhỏ bé, chật hẹp với bốn bức tường dày không có gì lọt qua được cũng khiến tôi cảm thấy ám ảnh. Sự tối tăm, tù túng khiến cho tôi cảm nhận được sự khổ cực cũng như sự kiên cường của những chiến sĩ cách mạng khi bị giam giữ ở đây. Từ đó, tôi càng cảm thấy tự hào và biết ơn về công lao to lớn của những người chiến sĩ cách mạng.

Đúng như câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” – chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến tham quan như vậy.

Xem thêm: 

  • Kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa đền Hùng
  • Kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa Cổ Loa
  • Kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hóa Kinh thành Huế

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 8 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *