Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 8: Hình tượng người chí sĩ cách mạng trong Đập đá ở Côn Lôn Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 8 hay ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Với tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn, người đọc sẽ thấy được hình ảnh người chí sĩ cách mạng đầy hiên ngang, trước hoàn cảnh chốn lao tù vẫn lạc quan quyết không “sờn lòng đổi chí”. Bài thơ sẽ được tìm hiểu trong chương trình Ngữ Văn lớp 8.

Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích hình tượng người chí sĩ cách mạng trong Đập đá ở Côn Lôn, sẽ được chúng tôi đăng tải chi tiết dưới đây. Hy vọng sẽ cung cấp cho học sinh thêm kiến thức về tác phẩm trên.

Dàn ý phân tích hình tượng người chí sĩ cách mạng

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Phan Châu Trinh và bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”.

– Bài thơ đã khắc họa hình tượng người chí sĩ cách mạng dù trong hoàn cảnh chốn lao tù vẫn không “sờn lòng đổi chí”.

II. Thân bài

1. Hình ảnh hiên ngang của người anh hùng trước cảnh ngục tù

– Tư thế của đấng nam nhi giữa đất trời: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non” – tư thế lồng lộng giữa càn khôn nhật nguyệt, vượt khỏi sự tù túng của hoàn cảnh.

– “Xách búa đánh tan năm bảy đống/Ra tay đập bể mấy trăm hòn”: Công việc lao động khổ sai của người tù cách mạng khắc họa được tầm vóc của con người.

  • hành động “xách búa”, “đập bể”: sức khỏe mạnh, cường tráng của người tù.
  • “năm bảy đống”, “mấy trăm hòn”: hình ảnh mang tính tượng trưng – kỳ vĩ, to lớn.

=> Hình ảnh người chí sĩ cách mạng trong tư thế ngạo nghễ, vươn cao ngang tầm vũ trụ, biến công cuộc lao động khổ sai thành cuộc chinh phục dũng mãnh của một con người có sức mạnh thần kì.

2. Tinh thần kiên cường của người anh hùng trước cảnh ngục tù

– Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/Mưa nắng càng bền dạ sắt son: tháng ngày gian khổ chỉ càng làm tôi luyện thêm sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai.

Tham khảo thêm:   Cụm động từ với Look Tổng hợp cụm động từ đi với Look thường dùng nhất

– Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể sự con con: Những người có gan làm chuyện lớn thì việc chịu cảnh tù đày chỉ là chuyện nhỏ, tự hào về công việc của mình.

=> Tinh thần bất khuất, kiên cường trước gian nguy.

III. Kết bài

– Cảm nhận về người chí sĩ cách mạng trong bài thơ.

– Đánh giá chung về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.

Phân tích hình tượng người chí sĩ cách mạng – Mẫu 1

Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng tiêu biểu trong những năm đầu thế kỉ XX. Không chỉ vậy, ông còn là một nhà văn nhà thơ được biết đến với nhiều tác phẩm, trong đó có bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”. Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh hiên ngang của người chí sĩ cách mạng trước hoàn cảnh chốn lao tù vẫn lạc quan quyết không “sờn lòng đổi chí”.

Bốn câu thơ mở đầu đã khắc họa hình ảnh người chí sĩ cách mạng với tư thế hiên ngang giữa vũ trụ rộng lớn bao la:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn”

Câu thơ mở đầu đã miêu tả chân thực bối cảnh sống, làm việc của người tù cách mạng tại Côn Đảo – nơi họ bị giam cầm, chịu cảnh lao động khổ sai cực khổ. Nhưng khi đứng trước núi non rộng lớn, họ vẫn giữ vững được tư thế hiên ngang, lừng lẫy làm chủ đất trời rộng lớn. Phàm là phận nam nhi, dù có đứng trước hiểm nguy hay nhọc nhằn vẫn không mất đi dáng vẻ “đầu đội trời, chân đạp đất”. Để rồi, ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ đi sâu vào miêu tả công việc khổ sai của người tù cách mạng. Đó là công việc đập đá – một công việc vất vả, nặng nhọc. Tác giả đã sử dụng hàng loạt động từ “làm cho”, “xách búa, “đánh tan”, “đập bể” kết hợp bút pháp cường điệu với các hình ảnh “núi non”, “năm bảy đống”, “mấy trăm hòn”. Từ đó, hình ảnh người chí sĩ cách mạng hiện lên với một tư thế thật đẹp đẽ cùng sức mạnh thật phi thường.
Bốn câu thơ cuối, hình ảnh người tù cách mạng hiện lên với sức khỏe dẻo dai cùng ý chí kiên cường, chiến đấu sắc son chống lại kẻ thù:

“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con”

Phan Châu Trinh đã xây dựng các hình ảnh biểu tượng “tháng ngày” – “mưa nắng” và “thân sành sỏi” – “dạ sắc son” để cho thấy sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của người tù cách mạng. Mọi khó khăn về thể xác chẳng thể làm chùn đi bước chân hay mất đi ý chí nghị lực của họ. Ngược lại, nó giống như một thứ sức mạnh to lớn giúp họ tôi luyện chính bản thân người tù.

Tham khảo thêm:   Tuyển tập 30 đề nghị luận Văn học dạng so sánh Ôn thi THPT Quốc gia 2024 môn Văn

Cuối cùng bài thơ khép lại như một lời tự ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người tù cách mạng đối với sự nghiệp cứu nước. Chính họ hiểu được rằng đó là một công việc gian khổ, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào. Cùng với đó là thái độ coi thường những khổ cực đó – “gian nan chi kể sự con con”, khó khăn, vất vả nơi nhà tù chẳng thấm vào đâu.

Tóm lại, qua bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”, hình ảnh người tù cách mạng hiện lên đầy chân thực. Qua đó, ta thêm tự hào về thế hệ trước – những con người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Phân tích hình tượng người chí sĩ cách mạng – Mẫu 2

Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” do Phan Châu Trinh sáng tác đã khắc họa vô cùng chân thực hình ảnh người tù cách mạng với tư thế hiên ngang cùng ý chí sắt son, bền lòng.

Vào năm 1908, Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân khép vào tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì và bị bắt đày ra Côn Đảo. Tháng 6 năm 1910, ông được tha do có sự can thiệp của Hội nhân quyền (Pháp). Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã được sáng tác khi ông đang cùng những người tù khác lao động khổ sai. Côn Lôn, hay còn gọi là Côn Đảo – là một hòn đảo của nước ta. Trong những năm Pháp thuộc, nơi đây bị Pháp chiếm đóng, cho xây dựng nhà tù mang tên Côn Đảo – từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Đầu tiên, tác giả đã xây dựng hình ảnh người tù cách mạng với tư thế hiên ngang:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non”

Phan Châu Trinh đã cho người đọc thấy được một hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt nơi Côn Đảo – chỉ có núi non hiểm trở, biển cả mênh mông. Nhưng trước hoàn cảnh đó, người tù vẫn giữ được tư thế vững vàng của một đấng nam nhi. Hình ảnh người chí sĩ cách mạng đầu đội trời, chân đạp đất – lừng lẫy, oai phong hiện ra trước mắt người đọc thật đẹp đẽ. Giữa hoàn cảnh sống như vậy, họ phải lao động khổ sai với công việc đập đá. Một công việc mà mới chỉ nghe tên thôi đã thấy được sự nặng nhọc. Công cụ lao động là “búa” và “tay”, cùng với hành động đầy quyết liệt “đánh tan năm bảy đống”, “đập bể mấy trăm hòn” – quả là một sức mạnh phi thường.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Khóc đêm

Tiếp đến, hình ảnh người tù cách mạng hiện lên với ý chí dẻo dai, bền bỉ và kiên cường:

“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son”

Cụm từ “tháng ngày” chỉ thời gian bị tù đày, bị khổ sai kéo dài, còn “mưa nắng” tượng trưng cho gian khổ, cho mọi nhục hình, đày đọa. Trước những thử thách ghê gớm ấy, người chí sĩ “bao quản” chí khí. Cùng với đó, hình ảnh “thân sành sỏi”, “dạ sắt son” là hai ẩn dụ nói lên chí khí bền vững, lòng son sắt thủy chung đối với nước với dân của một đấng nam nhi. có chí lớn, của một kẻ sĩ chân chính: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Đó chính là cốt cách của những bậc trượng phu trong thời xưa. Trong gian khổ, ý chí của người tù cách mạng hiện lên càng đẹp đẽ, sáng ngời.

Hai câu cuối cùng vang lên như một lời thề với non sông, đất nước:

“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con”

Ở đây, Phan Châu Trinh đã mượn sự tích “vá trời” của bà Nữ Oa trong thần thoại Trung Hoa để nói lên chí lớn làm cách mạng, cứu nước cứu dân. Đối với họ, dù “có lỡ bước” – có gặp khó khăn, có chịu thất bại, dù có nếm trải gian nan cay đắng tù đày thì với nhà chí sĩ chân chính việc “con con” ấy không đáng kể, không đáng nói, không đáng quan tâm. Cùng với đó là niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong tương lai.

Như vậy, bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã cho người đọc thấy được hình ảnh người chí sĩ cách mạng với một khí phách hiên ngang, cũng như tấm lòng thủy chung son sắc với đất nước.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Hình tượng người chí sĩ cách mạng trong Đập đá ở Côn Lôn Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 8 hay của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *