Hội chợ xuân là một nét văn hóa đặc sắc vào mỗi dịp Tết. Wikihoc.com muốn giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6: Viết một bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân.
Tài liệu bao gồm 4 bài văn mẫu lớp 6. Rất mong có thể giúp ích để các bạn học sinh có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
Bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân – Mẫu 1
Tết Nguyên Đán là dịp có rất nhiều lễ hội. Một trong đó phải kể đến hội chợ xuân với nhiều hoạt động thú vị. Năm nay, trường em đã tổ chức hội chợ xuân nhằm giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hội chợ được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm diễn ra là ở khu vực sân trường. Đối tượng tham gia là thầy cô, học sinh trong trường. Ngoài ra, học sinh có thể mời người thân, bạn bè của mình đến tham gia.
Các gian hàng được dựng từ hôm thứ sáu. Mỗi khối sẽ phụ trách hai gian hàng. Các lớp trong khối sẽ tự họp để tổ chức các gian hàng cho phù hợp. Các gian hàng yêu cầu gồm có quầy hoa, quầy trái cây, quầy rau sạch, quầy lương thực, thực phẩm, quầy phục vụ Tết, quầy trò chơi dân gian, quầy hướng dẫn gói bánh chưng. Số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ được đem quyên góp cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tám giờ sáng, chương trình khai mạc hội chợ bắt đầu. Các tiết mục văn nghệ diễn ra vô cùng sôi nổi. Cô hiệu trưởng sẽ phát biểu khai mạc hội chợ xuân. Hội chợ sẽ diễn ra vô cùng sôi nổi. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, cướp cờ. Các gian hàng đều đông người mua sắm.
Có thể khẳng định, hội chợ xuân là dịp để học sinh hiểu hơn về dịp Tết Nguyên Đán, cũng như văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.
Bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân – Mẫu 2
Mỗi dịp Tết đến, xuân về là thời điểm mà mọi người háo hức bắt đầu chuẩn bị đi mua sắm Tết. Những khu chợ trở nên đông vui nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đường phố những ngày tết lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Đặc biệt phải nhắc đến hội chợ hoa xuân.
Hội chợ hoa xuân sẽ được tổ chức hằng năm. Thời gian diễn ra từ khoảng hai mươi ba Tết đến hết sáng ba mươi Tết. Địa điểm tổ chức thường ở nơi rộng rãi như sân vận động. Mọi người đến xem và mua rất đông đúc, tấp nập. Không khí của hội chợ rộn ràng, háo hức.
Những chiếc xe ra vào tấp nập. Mỗi gian hàng lại bày bán một loại cây riêng. Các chậu cây được xếp thẳng hàng. Bên cạnh những gian hàng bán đào và quất là các gian bán hoa tươi. Các loại hoa được bày bán rất đa dạng. Hoa hồng, hoa cúc, hoa vi-ô-let, hoa lan, hoa dơn, hoa thược dược… Tất cả đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho chợ hoa. Người bán hồ hởi mời chào khách mua hoa. Mọi người đi chợ hoa như đi trẩy hội để mua được loại hoa ưng ý nhất về chơi vào mấy ngày đẹp nhất.
Đông đúc nhất là khu bán đào, mai và quất. Vì đây là những loại cây đặc trưng của ngày tết, nên mọi người đều muốn mua một chậu đào, mai hoặc quất về chơi Tết. Những chậu cây được tạo với nhiều hình dáng độc đáo. Những nụ hoa đào, hoa mai đã bắt đầu bung nở trong những cơn mưa xuân. Bố em cũng chọn được một chậu đào rất đẹp.
Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Và những khu chợ hoa cũng đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của dịp Tết.
Bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân – Mẫu 3
Vào dịp Tết, trường học đã tổ chức một hội chợ xuân. Học sinh đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Hội chợ diễn ra từ tám giờ đến mười chín giờ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm diễn ra là ở khu vực sân trường. Đối tượng được tham gia là toàn bộ học sinh trong trường.
Trước khi hội chợ diễn ra, cô tổng phụ trách đã tổ chức một buổi họp với các cán bộ lớp. Mỗi khối sẽ có hai lớp tham gia phụ trách. Các gian hàng gồm có quầy hoa, quầy trái cây, quầy rau sạch, quầy lương thực, thực phẩm, quầy phục vụ Tết, quầy trò chơi dân gian, quầy hướng dẫn gói bánh chưng. Số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ được đem quyên góp cho các bạn học sinh vùng cao.
Chương trình khai mạc hội chợ bắt đầu vào lúc tám giờ sáng thứ bảy. Mở đầu là chương trình văn nghệ với rất nhiều tiết mục biểu diễn hấp dẫn. Sau đó, thầy hiệu trưởng sẽ phát biểu để khai mạc hội chợ xuân. Hội chợ sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui tươi, hấp dẫn tại các gian hàng. Một số trò chơi dân gian được tổ chức như đập niêu, bịt mắt bắt dê… Ngoài ra, hội chợ còn có các hoạt động trải nghiệm như gói bánh chưng, viết câu đối, tô tượng…
Hội chợ xuân là dịp để học sinh hiểu hơn về dịp Tết cổ truyền của dân tộc nói riêng cũng như những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung.
Bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân – Mẫu 4
Mỗi dịp Tết đến xuân về là mọi nơi đều mang không khí rộn ràng, vui tươi. Không ngoại lệ, trong các trường học cũng tổ chức hội chợ xuân.
Đầu tiên, hội chợ xuân bắt nguồn từ hoạt động chờ đón xuân của những học sinh và thầy cô giáo. Hội chợ xuân không quá nhộn nhịp nhưng luôn được chờ mong, đón đợi vì nó xuất phát từ hoạt động chào mừng Tết.
Một số hoạt động của hội chợ xuân có thể kể đến chính là hoạt động làm tặng vật ngày Tết. Các lớp học sẽ cùng tổ chức gian hàng trưng bày nhiều món đồ độc đáo. Đó phần lớn là sản phẩm thủ công nên rất chỉn chu, đẹp đẽ. Các bạn học sinh luôn cố gắng hết sức đầu tư cho sản phẩm của mình. Sản phẩm nhiều nhất có lẽ là những cành hoa đào, hoa mai. Hoa được làm bằng giấy hết sức đẹp mắt. Thêm vào đó, nhiều bạn còn biết làm gian hàng kẹo với các loại kẹo tự làm không quá nhiều đường nên tốt cho sức khỏe và tạo được nhiều ấn tượng. Một số hoạt động khác có thể kể đến của hội chợ xuân ở trường học đó là vẽ trang trí cho lợn đất và tạo nên những thành phẩm đẹp mắt. Chính sự chỉn chu và háo hức của các bạn học sinh mà hoạt động hội chợ diễn ra luôn tấp nập.
Hội chợ xuân diễn ra trong một ngày cuối cùng của tuần học trước khi nghỉ Tết. Đây luôn là hoạt động được đón chờ vì có giá trị lớn kết nối các bạn học sinh và giúp các bạn thêm hiểu ý nghĩa của Tết cổ truyền.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Viết một bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân (4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 6 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.