Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 6: Tưởng tượng một kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 6: Tưởng tượng một kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng gồm dàn ý chi tiết, cùng 4 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, tích lũy vốn từ để hoàn thiện bài viết của mình.

Bên cạnh đó, các em còn có thể hóa thân thành ông lão, mụ vợ, thành cá vàng để kể lại truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng. Vậy mời các em cùng tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây:

Dàn ý tưởng tượng kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng

1. Mở bài

Giới thiệu vắn tắt câu chuyện về mụ vợ tham lam và ông lão đánh cá đáng thương, tội nghiệp.

2. Thân bài

a. Ông lão ra biển cầu xin cá vàng

– Lão lại đi ra biển cầu xin cá vàng giúp đỡ.

– Lão vừa xót xa vừa đau đớn khi nhận thấy sự đổi thay đến điên rồ của vợ mình

– Ra tới biển:

+ Sóng to dữ dội, điên cuồng từng đợt như muốn nhấn chìm hết tất thảy

+ Bầu trời u ám, thê lương

– Lão gọi cá vàng lên và bày tỏ ước muốn của mụ vợ

– Cá vàng từ chối trong giận dữ, hứa sẽ cho mụ ta một bài học đích đáng

b. Ông lão trở về nhà

– Ngôi nhà cao rộng, xa hoa biến mất chỉ còn lại túp lều cũ rách nát

– Mụ vợ ngồi bên chiếc máng lợn sứt mẻ, nước mắt ngắn dài trong niềm ân hận

– Ông lão động viên, an ủi mụ->hai người sống bình yên với công việc thường ngày, trân quý và hài lòng với những gì đang có

c. Một thời gian sau,nhờ sự giúp đỡ của cá vàng:

– Ngôi nhà được dựng lại vững chãi hơn

– Được ân huệ cho một cô con gái làm bạn với vợ chồng lão khi tuổi già

3. Kết bài

– Từ đó, mọi người sống hạnh phúc, vui vẻ bên những người hàng xóm.

Tưởng tượng kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng – Mẫu 1

Lần thứ năm ông lão ra biển nhờ cá vàng giúp đỡ cũng là lần biển cả nổi cơn giông tố kinh khủng nhất như để phản đối sự đòi hỏi quá mức của mụ vợ. Cá vàng thương ông lão – vị ân nhân tốt bụng của mình mà đã đáp ứng nhiều yêu cầu của mụ.

Lòng tham của mụ vợ ngày càng đi quá xa. Từ một nông dân quèn ngồi bên cái máng lợn cũ sứt mẻ thành một bà nhất phẩm phu nhân rồi nữ hoàng với cung điện nguy nga, lộng lẫy và người hầu kẻ hạ tấp nập. Sự tham lam đã làm mụ mờ mắt mà vô ơn quên đi, đối xử tệ bạc với người chồng tội nghiệp. Tưởng rằng đã thoả mãn nhu cầu của mụ vợ thì không ngờ một lần nữa ông lão lại lóc cóc đi ra biển. Lần này không bình thường như những lần trước, mụ muốn làm Long Vương ngự trên biển và bắt cá vàng hầu hạ theo ý muốn. Có lẽ được hưởng quá nhiều sự sung sướng của cuộc sống trần gian mà mụ ta muốn được đến một không gian mới. Nhưng mụ đã không biết rằng, cá vàng rất tức giận và sẽ không bao giờ đáp ứng yêu cầu của mụ nữa.

Ông lão vẫn kiên nhẫn đứng trên bờ biển chờ đợi câu trả lời của cá vàng. Mặc dù biết lần này mụ vợ của lão đã quá đáng nhưng ông cũng mong cá vàng sẽ giúp như những lần trước để ông không phải khổ sở vì mụ ta. Một lúc lâu sau, cá vàng xuất hiện. Nhìn ông lão với ánh mắt thông cảm, cá vàng lên tiếng: “Ông lão ơi. Tôi rất biết ơn vì ông đã cứu mạng tôi. Nếu không có ông thì tôi cũng không thể vẫy vùng trên biển cả được nữa. Vậy nên tôi rất muốn trả ơn ông, trả ơn thật hậu để đáp đền lòng tốt của ông. Những lần trước tôi đều giúp ông làm cho mụ vợ thỏa nguyện. Nhưng lần này thì không được đâu ông lão ạ. Tôi không thể để mụ vợ ông ngang ngược làm Long Vương, lại càng không thể phục tùng mụ ta. Như thế, danh dự của một cá vàng thần kì của biển cả này sẽ bị xúc phạm. Dù không làm được điều ông mong muốn nhưng tôi có cách này giúp ông không bị mụ vợ la mắng…”. Ông lão khuôn mặt rạng ngời xin cá vàng giúp, ông lão thấy mình cũng không chịu được sự quái ác của mụ ta nữa.

Tham khảo thêm:   Soạn bài Lời của cây - Chân trời sáng tạo 7 Ngữ văn lớp 7 trang 13 sách Chân trời sáng tạo tập 1

Theo lời cá vàng chỉ dẫn, ông lão đi về nhà. Mụ vợ lúc này đang là nữ hoàng quyền uy nên lớn tiếng quát tháo tất cả mọi người. Thấy ông lão về mà mình vẫn chưa biến thành Long Vương mụ ta lại nổi cơn thịnh nộ, bắt ông đến gần doạ nạt. Ông lão binh tĩnh nhắn lại lời của cá vàng: Mụ đừng đòi hỏi gì thêm nữa, hãy yên vị là một nữ hoàng sang trọng đi. Ngay tức khắc, ông lão bị lôi ra đánh và rồi lại lủi thủi đi ra biển. Cá vàng hiện lên “Ông lão ơi, ông đừng buồn nhé. Nếu mụ ta không biết trân trọng ông, không biết trân trọng những gì đang có thì mụ ta sẽ mất tất cả. Ông cứ yên tâm quay về đi”.

Ông lão nghe lời cá vàng ra về. Và ngạc nhiên, mụ vợ ông không còn là nữ hoàng kiêu sa nữa mà giờ đây trở về là bà nhất phẩm phu nhân rồi. Nhưng ông lão cũng không được yên. Mụ ta giày vò ông, nói cá vàng vô ơn, không đáp ứng được mong muốn của ân nhân mình. Mụ vợ nói nhiều quả khiến ông không chịu được đành phải đi ra biển. Cá vàng lại xuất hiện, khuyên ông lão yên tâm ra về. Và lần này mụ vợ ông không còn ngôi vị gì nữa mà trở về với ngôi nhà nhỏ bên bờ biển. Mụ ta bắt đầu thấy lo lắng. Mỗi lúc mụ ta lại mất đi một thứ vô cùng quí giá, mất hết quyền uy tiền bạc, mất hết cung điện nguy nga, người hầu kẻ hạ, giờ chỉ còn duy nhất một căn nhà. Mụ ta đang thấy sự trừng phạt của cá vàng. Mụ ta lo sợ rằng nếu còn đòi hỏi nữa chắc sẽ phải quay về với căn lều nát và cái máng lợn sứt mẻ. Mụ ta vô cùng hoang mang, mụ không muốn mình nghèo khổ như xưa, đến một tấm lưới lành lặn cũng không có. Sống trong thiếu thốn, cực nhọc gần hết cuộc đời rồi mụ vẫn chưa một lần được sung sướng. Mụ mong muốn một lần trong đời được hưởng thụ tất cả. Thế nên nhân cơ hội cá vàng trả ơn mụ thực hiện điều ước đó. Mụ không ngờ cá vàng lại hào phóng đến thế nên mỗi ngày đòi hỏi cao thêm. Cuối cùng, mụ nhận ra mình đi quá xa rồi và muốn xin cá vàng một căn nhà rộng, đẹp. Như thức tỉnh sau cơn mê dài, mụ khẩn khoản nhờ ông lão dẫn ra biển gặp cá vàng.

Cá vàng xuất hiện. Không chờ mụ nói gì, cả vàng hô biến và trong chốc lát, mụ ta không chỉ còn cái máng lợn mới, tấm lưới đánh cá lành lặn mà còn cả ngôi nhà rộng đẹp, chắc chắn. Mụ ta ngạc nhiên và sung sướng lắm, tha thiết cảm ơn cá vàng. Cá vàng quẫy đuôi rồi lặn mất xuống đáy biển sâu.

Ông lão cùng vợ trở về nhà, trong lòng biết ơn cá vàng tốt bụng. Mụ vợ đã nhận ra lỗi của mình và xin ông lão tha thứ. Từ đó, dựa vào những gì cá vàng giúp đỡ hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn, sống vui vẻ hòa thuận. Vợ ông lão cũng không còn mơ tưởng đến những gì quá xa xôi nữa.

Tưởng tượng kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng – Mẫu 2

Đợi mãi không thấy cá vàng bơi lên, ông lão chèo thuyền ngược trở về. Sóng gió bão bùng đã qua đi. Biển xanh trở lại hiền hoà. Ông lão chèo thuyền mà lòng chất chứa bao nỗi ưu tư. Không biết có nên trở lại ngôi nhà ấy nữa không? Nó giờ đây đâu còn là ngôi nhà của mình nữa

Và người ở trong ngôi nhà ấy cũng đâu phải là người vợ đói khổ của mình. Nhưng không biết quỷ thần xui khiến thế nào mà đôi chân lão vẫn đưa lão về mảnh đất ngày xưa.

Nhưng! Chuyện gì đang xảy ra thế này? Tất cả đã biến đi đâu? Tại sao không còn ai nữa? Mụ vợ của ta đâu? Trước mắt ông lão không phải là một cung điện nguy nga có Long Vương đang ngự giữa hàng trăm lính canh như lão nghĩ. Kì lạ thay! Trước mặt ông là khung cảnh cũ. Mái lều lụp xụp, rách nát và siêu vẹo đứng bên cạnh chiếc máng lợn đã sứt mẻ cả hai đầu. Xa xa ngoài kia vẫn còn cây sào nơi lão vắt chiếc lưới đã vá chằng vá đụp. Chưa hiểu chuyện gì, lão gọi to:

– Bẩm Long Vương! Lão già khốn khổ đã trở về!

– Không thấy có tiếng trả lời, lão lại tiếp:

– Thưa nữ hoàng!

-…

– Thưa nhất phẩm phu nhân!

– Bà lão ơi! Tôi đã trở về rồi!

Vẫn không có tiếng trả lời. Lão già vội bước vào trong. Không thấy có ai. Nhìn quanh lão thấy trên bàn có một mảnh giấy với những nét chữ nguệch ngoạc được viết vội vàng. Lão mang ra soi dưới nắng và bắt đầu đánh vần từng nét chữ:

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 11: Dàn ý phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh Vào phủ chúa Trịnh của Lê Hữu Trác

“Ông lão ơi! Tôi có lỗi với ông nhiều lắm! Không ngờ bao năm sống khổ sở với nhau tôi còn chịu được mà giờ đây tôi lại thế này! Lòng tham của tôi quá lớn đến biển sâu cũng phải kinh hoàng.

Tôi không còn mặt mũi nào nhìn ông nữa. Chào ông! tôi đi!”

Tờ giấy trên tay ông lão từ từ rơi xuống. Nơi góc mắt lão hình như ươn ướt. Lão ngồi thụp xuống, đôi mắt xa xăm nhìn sâu vào biển cả. Đầu lão tê dại, miên man. Lão ngồi đó suốt một ngày đêm. Nhưng rồi lão bật dậy, quay mũi thuyền lão lại ra khơi.

– Cá vàng ơi! Cá vàng ơi! Đời này ta không dám quên ơn cá. Mụ vợ nhà ta đã biết lỗi rồi. Ta xin cá hãy đưa mụ trở về với ta. Ta hứa từ nay sẽ không bao giờ làm phiền cá nữa. Cá vàng nhìn lão rồi lặng lẽ lặn xuống biển sâu. Lão buồn bã, thất vọng trở về. Nhưng vừa đặt chân lên bờ cát, thì…

Ai đang đứng trước mặt lão thế này? Vẫn bộ quần áo rách tươm, đầu không quấn khăn chân đi đất. Khuôn mặt nhăn nhúm, gầy sọp đi. Dù tóc đã bạc hơn, lão vẫn nhận ra, đó chính là vợ lão. Vợ chồng gặp nhau trong lặng im và nước mắt. rồi họ cùng đi về căn lều rách nát nhưng đã gắn bó với họ suốt mấy chục năm qua. Và ngoài kia gió đại dương thổi vào mát rượi và biển xanh vỗ sóng êm đềm.

Tưởng tượng kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng – Mẫu 3

Ông lão đi về thấy mụ vợ ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ. Đôi mắt ông lão buồn thăm thẳm nhìn chằm chằm vào mụ vợ. Thời gian dường như lắng lại trong phút chốc. Ông lão lặng lẽ quay đi về phía bờ biển. Từng con sóng trắng xóa đập vào vách đá vỡ tan. Ông lão ngạc nhiên khi thấy bầu trời vẫn xanh trong như mọi ngày và nắng vẫn vàng tươi. Từng hàng cây phi lao rì rào trong gió. Gió thổi từ biển vào đêm theo hơi nước mát rượi. Mặt Trời khuất dần sau dãy núi xa. Ánh tà dương đỏ rực bao nhiêu thì lòng ông lão lại buồn bấy nhiêu. Trái tim ông đau như cắt. Ai có ngờ đâu người vợ chung thủy của mình trong phút chốc lại bị mờ mắt bởi cảnh xa hoa, mỹ lệ trong cung điện vàng son.

Trời bỗng đổ mưa tầm tã. Mưa nặng hạt dần, ông lão vẫn ngồi dưới gốc cây dừa bên bờ biển. Dường như ông lão muốn cơn mưa rửa trôi hết bao ưu tư, phiền muộn trong lòng. Trong tâm trí ông giờ đây chỉ có duy nhất một suy nghĩ, đó là có nên tha thứ cho mụ vợ hay không. Ông lão đứng dậy, bước đi, mặc cho cái lạnh tê tái dưới cơn mưa. Con đường quen thuộc về nhà sao hôm nay ông lại muốn nó dài, dài mãi. Nhưng không! Túp lều rách nát xưa đã hiện ra trước mắt ông. Mụ vợ vẫn đang ngồi nhìn trời mưa tầm tã, hy vọng ông lão sẽ tha thứ cho mình. Ông lão lẳng lặng bước vào trong túp lều. Túp lều tuy rách nhưng xưa kia nó ấm áp biết chừng nào, giờ tại sao lại trở nên hiu quạnh, trống vắng. Mưa ngoài trời đã ngớt. Ông lão nằm trong túp lều mà lòng lo lắng, không biết mụ vợ làm gì giữa trời giá rét. Ông trăn trở, suy nghĩ và thiếp đi lúc nào không biết. Bình minh thật đẹp! Ánh nắng ban mai chiếu xuống khoảng sân trước túp lều của vợ chồng ông lão. Lúc này, ông lão đã tỉnh giấc và bước ra ngoài sân. Đôi mắt ông lão ánh lên vẻ hốt hoảng, lo sợ. Mụ vợ đã ngất lịm trước sân. Đôi môi mụ tim tái. Chân tay lạnh ngắt. Đôi mắt ông lão đỏ hoe. Nhìn mụ vợ mà ông lão lại thấy thương. Ông lão chạy ra bờ biển và hét to:

– Cá vàng ơi! Hãy cứu mụ vợ của tôi với! Đời này, kiếp này tôi sẽ không quên ơn cá vàng đâu! Cá vàng ơi cá vàng! Mụ ta đã hối cải rồi. Cá vàng ơi! Tôi xin cá vàng!

Tiếng kêu tuyệt vọng của ông đã làm cá vàng nổi lên. Cá vàng nói:

– Ông lão! Đây là lần cuối cùng tôi giúp ông. Hy vọng từ sau vụ việc này mụ vợ ông lão sẽ làm ăn lương thiện. Còn bây giờ, ông lão hãy về đi! Mụ vợ ông lão đã được cứu sống rồi!

Vừa dứt lời, cá vàng đã lặn xuống lòng biển sâu. Ông lão đi về nhà. Mụ vợ đã được cứu sống. Như lời cá vàng nói, từ đó trở đi mụ vợ ông lão đã làm ăn lương thiện, đối xử tốt với ông lão. Sự cố gắng lao động của hai vợ chồng ông lão đã được đền đáp. Rồi gia đình ông xây được một căn nhà thay cho túp lều xưa và sống hạnh phúc đến hết đời.

Tham khảo thêm:   Ma trận đề thi học kì 1 lớp 3 năm 2023 - 2024 sách Chân trời sáng tạo Ma trận đề kiểm tra cuối kì 1 lớp 3 môn Toán, TV, Công nghệ, Tin học

Tưởng tượng kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng – Mẫu 4

Sau khi bắt ông lão đi ra biển bảo cá vàng cho làm Long Vương, để cá vàng hầu hạ và làm theo ý muốn của mình, tôi ngồi trên ngai vàng thường thức mọi của ngon vật quý mà kẻ hầu hạ mang đến.

Tôi vừa ngồi nhấm nháp vừa nghĩ đến những ước muốn khi được làm Long Vương ngự trị biển cả. Đầu tiên tôi sẽ trở thành người giàu có nhất thế giới, nắm mọi quyền hành trong tay và ngày ngày sẽ … Bỗng cả một vầng ánh sáng lóe lên chói lòa bao trùm mọi vật trong cung điện làm tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Đưa tay lên dụi mắt và từ từ mở ra: “ôi chuyện gì vậy? Kẻ hầu người hạ rồi các quan lại, cung điện của ta đâu rồi?”. Trước mắt tôi vẫn là túp lều nát xiêu vẹo cũ, dưới đất, cái máng lợn sứt mẻ nằm chỏng chơ. Còn tôi, trên người là bộ quần áo cũ rách ngày nào. Bao nhiêu áo bào, vương miện, vòng ngọc, nhẫn vàng đâu hết rồi? “Phải chăng đã trở lại cuộc sống ngày xưa?” – Tôi tự hỏi chính mình. Rồi sự hốt hoảng ban đầu cũng qua đi, tôi trở nên giận dữ: “Không hiểu cái lão già ngu ngốc kia làm gì mà ra nông nỗi này đây? Lão về phải trị cho một trận mới được!”. Vừa lúc đã thấy ông lão lò dò về ngơ ngác nhìn quanh. Rồi lão quay sang nhìn tôi đang đứng chống nạnh trước cửa lều. Lão hỏi:

– Mình đấy ư? Sao lại biến thành thế này?

– Tôi đang muốn hỏi ông câu này đây? – Tôi giận giữ quát lên.

Ông lão từ tốn kể lại câu chuyện biển đã nổi sóng và cá vàng đã lặn mất như thế nào.

Tôi thẫn thờ ngồi phịch xuống khúc gỗ cũ kĩ khóc hu hu như một đứa trẻ:

– Ôi! Thế là trời đã hại ta rồi!

Trong đầu hiện lên loang loáng những cảnh tượng khi còn giàu có. Nào của ngon vật lạ, quần áo đẹp … Nào quyền hành, địa vị … Bây giờ thì hết, hết thật rồi. Xung quanh tôi chẳng còn một ai cả. Tôi khóc, tiếng khóc của sự tiếc nuối những gì đã qua và khóc cho sự bất hạnh của mình. Sẽ không còn được làm nữ hoàng hay đệ nhất phu nhân nữa.

Bỗng có một bàn tay ấm áp đặt lên vai tôi và một giọng nói vang lên:

– Thôi bà lão ơi! Đừng khóc nữa. Âu đó cũng là cái số rồi, bà ạ!

Tôi ngẩng lên, ông lão đang ngồi bên cạnh trìu mến nhìn. Tôi nói trong tiếng nấc:

– Thế mà tôi cứ tưởng ông sẽ bỏ tôi mà đi, vì tôi đã hết sạch của cải, tôi chẳng còn gì nữa cả, trời đã cướp đi tất cả của tôi rồi ông ạ!

– Đừng nói thế, chúng ta sống với nhau không phải vì tiền bạc mà vì tình thương yêu nhau. Bà hãy nhớ lại xem, chúng ta đã có những ngày sống hạnh phúc trong ngôi nhà cũ nát này. Chúng ta có cần gì đâu, chúng ta chỉ cần có nhau để an ủi và động viên lẫn nhau thôi.

Đúng vậy, quả thực là chúng tôi đã sống bên nhau rất hạnh phúc. Tôi ở nhà kéo sợi còn ông lão thì đi đánh cá. Tôi bỗng cảm thấy hối hận quá. Chỉ vì lòng tham mù quáng mà tôi đã đánh mất đi hạnh phúc của chính mình. Bây giờ tôi có thể lí giải được vì sao trước đây sống trong nhung lụa tôi vẫn cảm thấy buồn phiền. Tôi quay sang hỏi ông lão:

– Thế … ông … ông có giận tôi không?

– Giận gì cơ? – Ông lão hỏi lai.

– À… à… về cái việc tôi đã đối xử không tốt với ông trong thời gian qua ấy mà? Tôi ngượng ngập khi nhắc lại chuyện cũ.

Ông lão mỉm cười nói:

– Chuyện ấy thì tôi quên rồi. Ai trong đời mà chẳng có lúc sai lầm. Nhưng nếu người đó biết nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa thì đó mới là điều tốt.

– Vâng bây giờ thì tôi hối hận lắm rồi. Ông tha lỗi cho tôi nhé! Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại cuộc sống, phải không ông!

Thế là chúng tôi bắt tay ngay vào công việc để xây dựng lại cuộc sống như xưa. Tôi ở nhà kéo sợi còn ông lão đi đánh cá ngoài biển. Chiều chiều chúng tôi lại bên nhau ăn bữa tối trong không khí tràn đầy hạnh phúc.

Và do hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn mà cuộc sống đã khá hơn lên. Chúng tôi không còn bữa nào phải nhịn đói nữa. Nhưng bài học ngày nào vẫn còn in đậm trong tôi. Bây giờ tôi mới cảm nhận được giá trị lớn lao của những kết quả do chính bàn tay lao động của mình làm ra. Và cũng chính sự việc đó giúp tôi hiểu rõ chồng tôi hơn, khiến tôi càng yêu quý và trân trọng ông ấy, một ông lão đánh cá hiền lành, phúc hậu.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Tưởng tượng một kết thúc khác của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *