Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được Những bài văn hay lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được đó là thời gian, lời nói, cơ hội gồm dàn ý và bài văn mẫu siêu hay, đạt điểm cao của các bạn học sinh giỏi. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, biết cách lập luận để nhanh chóng biết cách viết bài văn hay cho riêng mình.

Thời gian, lời nói và cơ hội thực sự là ba thành tố làm nên thành công của mỗi con người. Tuy nhiên, ba yếu tố này không ở mãi bên cạnh chúng ta, chúng sẽ qua đi, trôi đi lúc nào ta chẳng hay biết. Vậy sau đây là dàn ý và bài văn mẫu suy nghĩ về thời gian, lời nói và cơ hội mời các bạn cùng đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 12.

Dàn ý suy nghĩ về thời gian, lời nói, cơ hội

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: có những giá trị khi đánh mất đi, chúng ta có thể lấy lại được nhưng cũng có những giá trị khi đánh mất, chúng ta không thể nào lấy lại chúng.

– Trích dẫn câu nói vào: bàn về vấn đề này, có người nói: “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói, cơ hội”.

II. Thân bài

a. Giải thích câu nói:

– “Thời gian” là dòng chảy bất tận của sự sống và sự tồn tại của vạn vật. Sự sống của con người được đo bằng một khoảng thời gian nhất định. Thời gian rất quý giá đối với con người bởi thời gian là vô hạn, đời người hữu hạn.

– “Lời nói” là sản phẩm trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ của con người. phản ánh nhân cách, đạo đức, lối sống, quan điểm của con người, vì vậy cần thận trọng khi nói.

– “Cơ hội” chính là cơ may, sự may mắn hiếm có giúp con người có thể thay đổi cuộc đời nếu biết nắm bắt.

→ Thời gian, lời nói, cơ hội là 3 điều quý giá trong cuộc đời mỗi người.

b. Bàn luận (Phân tích, chứng minh):

– Không có gì đáng quý bằng thời gian chúng ta được sống. Thời gian giúp con người lớn dần lên, trưởng thành và làm việc thành công. Có nhiều thời gian, con người sẽ làm được nhiều việc, cảm nhận hạnh phúc, yêu thương và giúp đỡ người khác. Có nhiều thời gian, con người có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, vượt qua thất bại, hiểm nguy để thành công. Ngược lại, nếu không có đủ thời gian, con người sẽ sống trong vội vã, lo âu, khổ đau. Nếu không có đủ thời gian, con người sẽ thất bại hoặc bị hoàn cảnh khuất phục, tiêu diệt. Tài sản quý giá nhất của cuộc sống này chính là thời gian. Bởi vậy, lãng phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất trong cuộc đời.

– Lời nói do con người tạo ra nhưng đôi khi con người không kiểm soát được lời nói của mình. Nói trong lúc nóng giận rất dễ nói lời khó nghe, khoét sâu thêm mâu thuẫn, dẫn đến xung đột. Dùng lời nói để chê bai, chỉ trích lỗi lầm hay phê phán khuyết điểm của người khác sẽ làm mất đi tình cảm tốt đẹp. Dùng lời nói để khoe mẽ bản thân, kiêu căng, tự mãn sẽ khiến người khác khi h ghét. Việc gì cũng nói hết ra có thể bị người khác lợi dụng hoặc cướp mất cơ hội. Bởi vậy, tiết kiệm lời nói, biết giữ miệng là việc cần làm.

Tham khảo thêm:   Sáng kiến kinh nghiệm: Biện pháp nâng cao chất lượng dạy vận động theo nhạc cho trẻ Mầm non Mẫu sáng kiến kinh nghiệm môn Âm nhạc

– Chúng ta có thể tạo ra cơ hội nhưng phần lớn đều đến từ người khác. Cơ hội là sự hội tụ các yếu tố có thể tạo ra thành công. Cơ hội thường chỉ đến một lần và thường không bao giờ trở lại. Nếu không biết nắm bắt, chúng ta khó mà thành công.

– Phải biết tận dụng, khai thác có hiệu quả quỹ thời gian, sử dụng lời nói đúng mực và nắm bắt cơ hội để hoàn thiện bản thân, học tập và làm việc tốt, thành đạt trong cuộc sống,

– Sống có lý tưởng, biết hoạch định một cách khoa học để quý trọng và sử dụng tốt quỹ thời gian, cẩn trọng trong lời nói và nắm bắt cơ hội.

– Phê phán ngay những lời nói ba hoa, không biết quý trọng thời gian, lời nói và cơ hội.

– Chứng minh: Lấy ví dụ trong thực tế.

c. Nhận xét, đánh giá:

– Câu nói ngắn gọn nhưng cô đúc, thể hiện quan niệm đúng đắn, có nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ.

– Phê phán lối những lời nói ba hoa, không biết quý trọng thời gian, cơ hội.

d. Bài học:

– Cần phải cố gắng phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tận dụng cơ hội, sử dụng hiệu quả thời gian và lời nói, ứng xử, chuẩn bị tốt hành trang vào đời, cả về sức khỏe, kỹ năng sống, và chuyên môn, nghề nghiệp.

III. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của câu nói.

Suy nghĩ về thời gian, lời nói, cơ hội

Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách đẹp, nếu ai không biết cách đọc cuốn sách quý ấy thì vĩnh viễn không thể đọc nó lần thứ hai bởi nó chỉ mở ra một lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đời người. “Những trang sách cuộc đời” được viết nên từ những thứ vô cùng quý giá mà tiêu biểu là thời gian, lời nói và cơ hội. Thế nhưng cùng với nhịp đi qua của cuộc đời, chúng cũng trôi qua nhanh chóng và một đi không trở lại. Quan niệm ấy đã được chung đúc trong lời nhận định “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội”.

Lời nói trên xuất phát từ một quan điểm, một cái nhìn chủ quan rằng dòng đời, dòng thời gian là dòng chảy tuyến tính, mỗi khoảnh khắc qua đi, mỗi hành động, sự kiện đi qua, con người vĩnh viễn không thể trở lại được. Để từ đó, câu nói vạch ra rằng thời gian, lời nói và cơ hội là những thứ hết sức đáng quý và chỉ đến có một lần trong cuộc đời mỗi người.

Thời của mỗi đời người chính là thời gian sống, thời gian làm việc vui chơi, hưởng thụ,… Mỗi người chỉ được sống một lần và mỗi phút giây chỉ trôi qua một lần. Thời gian như một kẻ “vô tình” chẳng chờ đợi ai bao giờ. Bởi thế, thời gian là dòng chảy nghiệt ngã nhất, lặng lẽ mà cuồn cuộn, chậm chạp mà nhanh chóng. Thời gian trôi đi, khi nhìn lại mình có bao điều luyến tiếc, muốn xoay chuyển bánh xe thời gian để tìm về quá khứ khi xưa. Nhưng lúc đó là cả một sự bất lực đè nén khiến cho người ta ngày càng đau khổ, trầm uất muốn níu giữ mà không được. Mỗi phút giây là hoàn toàn khác nhau, như một thi sĩ trẻ đã từng bộc bạch:

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng (3 mẫu) Bài thơ Mây và sóng của Ta-go

Cái bay không đợi cái trôi.
Tôi từ phút ấy sang giây phút này.

Chỉ một phút giây ngắn ngủi thôi cũng đủ làm thay đổi con người và khi đã đi đến giây phút này thì chúng ta không thể tìm lại mình trong phút giây trước, làm sao con người có thể tìm về thời trai trẻ còn ngây ngô, mơ mộng khi đã đi qua bao chặng đường dài của cuộc đời, những người già cả cũng không thể trở lại lúc thanh xuân phơi phới, hay chúng ta đâu thể quay lại những năm của đầu thế kỉ XX mà ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai khốc liệt, cướp đi bao sinh mạng con người. Tất cả đều không thể, không thể trở lại, con người không thể níu kéo được thời gian. Nó là dòng chảy xuôi dòng, một đi không trở lại trong mỗi cuộc đời con người.

Thời gian thêu dệt cuộc đời và “lời nói” là những mũi khâu tạo nên bao hoa văn của cuộc đời. Cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hay đau khổ, bất hạnh, một phần lớn cũng từ lời nói mà ra. Nó được phát ngôn để trình bày tư tưởng, tình cảm song song với hành động của con người, nó góp phần thiết lập mối quan hệ giữa người với người. Bạn bè thân thiết quan hệ với nhau bằng lời nói, chúng ta giao tiếp trong công việc thông qua ngôn ngữ, tình cảm yêu, ghét của ta được kí thác trong lời nói,… Lời nói có vai trò thật quan trọng đối với nhân loại: “Lời nói gói vàng”, “Lời nói đọi máu”,… Và nó cũng là một thứ khi đã đi qua là không thể lấy lại được. Khi con người đã phát ngôn thì không thể rút lại, người xưa có câu “nhất ngôn kí xuất, tự mã nan truy” là vì thế. Một con người mà không hiểu rõ điều mình nói thì thật đáng trách. Một lời nói thô lỗ với bạn bè, người thân hay có là người ngoài thì dù có xin lỗi thì cũng không xóa được ấn tượng không hay về tư cách bản thân. Mỗi lời nói đều có tác dụng rất sâu đậm đến nhận thức người nghe, khó mà có thể thay đổi, sửa chữa được. Chỉ cần nặng lời với người bạn thân thì tình cảm cũng có một vết rạn nứt nhỏ dù đã xin lỗi, bù đắp. Người ta nói “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là bắt nguồn từ đó.

Còn cơ hội là gì? Đó phải chăng cũng là một thứ quý báu của cuộc đời? Cơ hội là những hoàn cảnh cần thiết để con người thành đạt, thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình,… và cũng thật dễ nhận ra đó là một thứ mà trong cuộc đời mỗi người nếu trôi qua sẽ không lấy lại được. Đời người không chỉ có duy nhất một cơ hội. Nhưng cơ hội không thuộc về số lượng mà về bản chất. Cơ hội phát huy tác dụng là khi con người nắm giữ bản chất của sự việc, đưa nó đến một kết thúc có lợi cho mình. Nhưng cơ hội sẽ không bao giờ có lần thứ hai. Đời học sinh đâu thể có hai kì thi đại học đầu tiên của mình, mỗi người khó mà tìm được một người bạn tri kỉ lần nữa khi đã mất đi, và con người chỉ sống có một lần. Cơ hội sẽ trôi qua vô ích nếu ta không biết nắm bắt, vận dụng.

Tham khảo thêm:   Thông tư số 131/2010/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam

Nêu ra một luận điểm sâu sắc và đúng đắn, câu nói trên đã cho ta một cái nhìn chủ quan mà thuyết phục, khái quát mà cụ thể, đậm tính triết học về cuộc sống con người cùng những điều quý giá trong cuộc sống “thời gian, lời nói và cơ hội”. Câu nói còn có ý nghĩa con người không thể tắm hai lần trên một dòng chảy. Bởi vì thế, mỗi con người cần có một cách sống tích cực. Chúng ta cần nắm bắt, tận dụng triệt để thời gian, tiết kiệm từng phút giây, hãy để nó lấp đầy tư tưởng và hành động chứ không trôi qua vô ích. Đồng thời việc cẩn trọng, giữ gìn lời nói là không thể thiếu, mỗi lời nói cần được lọc kĩ qua suy nghĩ, sự nghiền ngẫm, luôn nhớ lời nói là “con dao hai lưỡi” và những bài học kinh nghiệm từ ngàn xưa là vô cùng hữu ích: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,… Và để trưởng thành trong cuộc sống, con người phải biết tận dụng cơ hội, phải nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc cho một nền tảng vững chắc và sống hết mình để chớp lấy cơ hội khi nó ở trong tầm tay. Nhìn chung, thông điệp mà câu nói trên muốn gửi đến rằng hãy biết sống hết mình cho hiện tại, thời gian hiện tại, cơ hội hiện tại, lời nói hiện tại. Chúng ta học hỏi từ quá khứ, nắm giữ hiện tại, vững bước tương lai. Nhưng quan trọng nhất là sống hết mình cho hiện tại. Hiện tại giúp chúng ta thành công, không bi quan mà cũng không ảo vọng xa xôi. Đó là một bài học hay, mang ý nghĩa sâu sắc, được nhắc đến nhiều lần trong văn chương: “Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ! Em! Em ơi! Tình non sắp già rồi” (Xuân Diệu) và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ắt hẳn rằng mỗi người trong mỗi chúng ta đều ý thức được sự ngắn ngủi của một đời người và những giá trị quý báu của cuộc sống. Dẫu trong số đó, có người đến cuối chặng đường mới nhận ra. Quyển sách cuộc đời đã và đang mở ra trước mắt chúng ta, vậy ta phải sống sao cho xứng đáng. Một thế giới như thế kêu gọi con người ta phải sống hết mình, sống mãnh liệt với nó: “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn. Sống toàn thân và thức nhận giác quan” (Xuân Diệu) và ý thức được thời gian, cơ hội và lời nói là rất đáng quý.

Câu nói ”Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội” đã cho ta một bài học thật quý giá. Nó đưa ra bài học về cách sống, nhất là phải sống hết mình cho hiện tại. Đây là ý nghĩa tích cực được gửi gắm trong một nhận định đầy ý nghĩa. Bạn sẽ là người thành công nếu trong hành trang cuộc sống của mình luôn mang theo bài học ấy.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được Những bài văn hay lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *