Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Sơ đồ tư duy +19 mẫu) Phân tích đoạn 2 Tây Tiến ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng mà Wikihoc.com giới thiệu dưới đây sẽ là tư liệu cực kì hữu ích với các bạn học sinh lớp 12. Với 19 bài phân tích đoạn 2 Tây Tiến giúp các bạn nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch. Từ đó biết cách trình bày, sắp xếp các lí lẽ để làm nổi bật vấn đề cần phân tích đoạn thơ hay.

Phân tích khổ 2 bài thơ Tây tiến của Quang Dũng

Phân tích đoạn 2 Tây Tiến giúp chúng ta có cái nhìn trọn vẹn hơn về tâm hồn người lính Tây Tiến. Họ không chỉ mang hào hùng, bất khuất trước gian khó, nhà thơ khám phá những nét tâm tư rất đời của các anh. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Tây Tiến, Cảm nhận Tây Tiến.

Dàn ý phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến

Dàn ý số 1

I. Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến

– Khổ 2 Tây Tiến thể hiện một thế giới lãng mạn và trữ tình ở vùng Tây Bắc với những kỉ niệm đẹp.

– Trích thơ:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
……
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

II. Thân bài:

* Tổng

– Sơ lược về đoàn quân Tây Tiến

– Đôi nét về tác phẩm Tây Tiến

* Phân tích

– Hai câu thơ đầu:

  • “Doanh trại”: nơi sống và làm việc của bộ đội, khô khan, nghiêm khắc
  • Động từ “bừng”: ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ
  • “Hội đuốc hoa”: mang màu sắc tình yêu (từ chữ Hán có nghĩa là hoa chúc) vừa duyên dáng, vừa rạng rỡ
  • “Kìa em”: Ngỡ ngàng, kinh ngạc, trìu mến
  • “Xiêm áo”: Trang phục đẹp đẽ, xinh xắn

– Hai câu thơ sau:

  • “Khèn”: nhạc cụ mang bản sắc riêng của Tây Bắc
  • “Man điệu”: điệu nhạc, điệu múa mang âm hưởng Tây Bắc
  • “E ấp”: sự ngại ngùng, thẹn thùng của các thiếu nữ dân tộc
  • “Xây hồn thơ”: vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của tâm hồn người chiến sĩ

– Bốn câu thơ tiếp theo

  • Chiều sương”: hình ảnh lãng mạn, nhẹ nhàng, thơ mộng khác với sự hùng vĩ dữ dội ở đầu bài
  • “Ấy”: đại từ khiến hình ảnh buổi chiều sương trở nên đặc biệt
  • “Hồn lau”: Tả dáng lau qua màn sương, đồng thời đem lại linh hồn cho cây cỏ
  • “Nẻo bến bờ”: Nẻo- hướng đi, lối đi. Đi đâu cũng thấy mênh mông, bao la
  • Điệp ngữ: “Có thấy-có nhớ” thể hiện nỗi lưu luyến, nhớ nhung da diết
  • “Dáng người trên độc mộc”: Dáng vẻ uyển chuyển, thướt tha với sự làm duyên của cánh hoa đong đưa theo dòng nước lũ.
  • “Dòng nước lũ – hoa đong đưa”: Hình ảnh tưởng chừng đối lập mà hài hòa nên thơ

→ Bút pháp gợi mà không tả

* Hợp

  • Ngòi bút tài hoa, tinh tế nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình của Quang Dũng
  • Tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên và con người Tây Bắc cùng với các kỉ niệm đẹp.

III. Kết bài:

– Suy nghĩ, tình cảm của em Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến .

Dàn ý số 2

1. Mở bài

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Quang Dũng cũng như bài thơ Tây Tiến.

– Đề cập khổ 2 trong bài thơ thể hiện tình cảm quân dân trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như vẻ đẹp của núi rừng sông nước miền Tây.

2. Thân bài

– Những nét chính về nhà thơ Quang Dũng và hoàn cảnh ra đời tác phẩm Tây Tiến.

– Cảm nhận đêm liên hoan và sự hòa quyện tinh tế giữa người em Tây Tiến và vẻ đẹp của núi rừng.

– Tìm hiểu khung cảnh huyền ảo thơ mộng của vùng sông nước nơi đây.

3. Kết bài

– Khái quát ngắn gọn giá trị của bài thơ, đặc biệt vẻ đẹp của khổ 2 bài thơ.

– Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi cảm nhận và phân tích khổ 2 bài Tây Tiến.

Như vậy, chất thơ mộng, chất nhạc, chất họa đã hòa quyện tinh tế trong vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên và con người miền Tây. Có thể thấy đoạn thơ đã bộc lộ rõ nét sự tài hoa trong ngòi bút của Quang Dũng cũng như tâm hồn nghệ thuật độc đáo của nhà thơ.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 2

Phân tích khổ 2 Tây Tiến hay nhất – Mẫu 1

Phân tích đoạn 2 bài Tây Tiến – Mẫu 19

Bài thơ này ông sáng tác vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh. Tác giả lấy cảm hứng sau sự kiện ông rời đơn vị cũ. Vì nhớ đồng đội, nhớ những kỷ niệm vào sinh ra tử, nhớ những chặng đường hành quân cùng nhau, Quang Dũng đã bất giác gửi gắm qua “Tây Tiến”. Cảm xúc riêng của nhà thơ nhưng cũng chính là xúc cảm chung của một thế hệ trẻ anh hùng:

Đoạn 2 đầy đủ như sau:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến thực chất là tên của đoàn quân mà Quang Dũng tham gia, được thành lập năm 1947. Quân đoàn này có nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Tây Bắc với đa số là thanh niên tri thức ra đi từ Hà Nội. Toàn bộ tác phẩm được thể hiện với bút pháp lãng mạn kết hợp hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu sáng tạo, sinh động đã bộc lộ sự nhớ nhung da diết của Quang Dũng về đồng đội, về sự mĩ lệ, hùng vĩ của núi rừng. Dường như, mọi kết tinh của hồn thơ Quang Dũng đã được lắng đọng lại trong tám câu thơ phác họa cảnh liên hoan ban đêm cùng gái bản và nét mộng mơ, độc mộc trên những con sông miền Tây. Quả thực, dấu ấn âm nhạc và hội họa được tác giả khắc họa nổi bật qua các kỷ niệm đẹp và buổi phân li.

Đoạn 2 Tây Tiến, người đọc như đang được tham gia vào đêm liên hoan thấm đượm tình quân và dân nơi sông nước miền Tây thơ mộng.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu, nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Bên cạnh những gian khổ nơi rừng thiêng nước độc, trong ký ức của nhà thơ Quang Dũng còn có cả thứ ánh sáng hội hè của những đêm cùng nhân dân vui chơi liên hoan. Nhà thơ khéo léo dùng tư “bừng lên” kết hợp với hình ảnh sinh động “đuốc hoa” đã làm nổi bật lên không khí tưng bừng, sôi nổi của đêm lửa trại. Cả doanh trại khi ấy bỗng bừng sáng lên, lấp lánh như ánh pháo hoa lúc hòa bình. Đó cũng là lúc lời ca tiếng hát của dân bản cũng như các chiến sĩ reo vàng và hòa làm một. Câu hỏi cảm thán “kìa em xiêm áo tự bao giờ” thốt lên bộc lộ sự bất ngỡ, ngạc nhiên đến vui sướng của những chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến.

Đã thật lâu lắm rồi, từ khi xa Hà Nội chiến đấu, đoàn lính Tây Tiến mới lại thấy các cô gái tươi trẻ. Mà hôm nay các cô còn lộng lẫy xiêm y truyền thống mang hình bóng của núi rừng nên các anh càng thích thú. Dường như, qua đây tác giả muốn khẳng định, các cô gái Tây Bắc ấy chính là trung tâm, là linh hồn của đêm hội. Sự e thẹn, mềm mại tình tứ, duyên dáng hiện rõ qua nét mặt, nụ cười và điệu múa của các cô.

Nhưng tất cả cái sự e ấp ấy lại hút hồn hút vía các chàng trai đến từ miền đồng bằng. Không dừng lại ở đó, tác giả còn mang vào đêm hội tiếng khèn réo rắt, rạo rực, khiến cảnh vật lẫn con người như bốc men say. Thiên nhiên, con người hòa quyện vào nhau như muốn “xây hồn thơ” trong trẻo, lãng mạn. Không khí của đêm liên hoan còn ngây ngất hơn bởi tiếng khèn rạo rực, réo rắt khiến cho cả con người, cảnh vật như bốc men say, trở nên phong phú, sinh động như muốn “xây hồn thơ” lãng mạn. Có thể nói, 4 câu thơ như phần nào thể hiện sự tinh tế, hồn hoa. Đó cũng chính là tâm hồn hào hoa, tinh tế của nhà thơ Quang Dũng.

Nếu 4 câu thơ trước, tác giả vẽ nên bức tranh ban đêm ở miền núi rừng Tây Bắc sôi động trong ánh lửa trại bập bùng thì 4 câu thơ sau lại đưa người đọc đến bức tranh về dòng sông miền sơn cước. Bức tranh ấy gợi lên một xúc cảm thật mờ ảo, mênh mang:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

Khi phân tích đoạn 2 Tây Tiến này, các bạn không khó nhận ra ngòi bút của nhà thơ không phải tả chi tiết mà chỉ gợi mở. Tác giả sử dụng một loạt những hình ảnh mờ ảo như “ chiều sương ấy”, “hồn lau”, “ nẻo bến bờ”, “ hoa đong đưa” kết hợp với cách hỏi cảm thán không cần lời đáp như “ có thấy”, “ có nhớ”…. Điều đó đã vẽ ra trước mắt độc giả một khung cảnh miền Tây thật nên thơ và ảo mộng. Những màn sương của thiên nhiên đang giăng mắc khắp nẻo không gian, hai bến bờ mang dáng vẻ hoang dại, lặng lẽ. Thế rồi, khi người chiến sĩ đang đắm mình trong cảnh đẹp đó thì trên sông bỗng xuất hiện dáng người uyển chuyển, nhẹ nhàng của cô gái Thái. Cô gái đang chèo thuyền độc mộc. Cảnh tượng ấy sao giống như những bông hoa của núi rừng đang làm duyên làm dáng trên dòng nước. Con người và cảnh vật hòa hợp vào nhau, tạo nên sự thiêng liêng của tạo hóa, khiến núi rừng miền Tây đậm chất huyền thoại và cổ tích.

Qua những nét vẽ hư ảo của nhà thơ Quang Dũng, người độc có cảm tưởng như đang ngắm nhìn một bức tranh sở thủy hữu tình. Bảo quanh bức tranh là cảnh núi rừng trùng điệp, giữa bức tranh là cảnh sông nước đan xen với cảnh liên hoan tình quân dân rộn ràng. Nếu không có một tâm hồn lãng mạn, một trái tim nhạy cảm biết yêu thương, một trí tuệ tài hoa, tinh tế, thì tác giả khó lòng tạo nên một tác phẩm đặc sắc như vật. Ngôn từ của ông có thể ghi dấu ấn trong lòng người đọc, bởi đó chính là cảm xúc, là sự rung động thật sử của tác giả. Đó là tình cảm chân thật, xuất phát từ trái tim trước vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây cũng như nỗi nhớ đồng đội. Đi chiến trận, cuộc sống luôn treo đầu ngọn súng, việc tâm hồn được vui tươi, được có giây phút bình yên thấm đượm tình người như thế thật đáng quý. Có lẽ vì mỗi giây phút như vậy đều hiếm hoi nên nhà thơ mới xúc động đến thế, mới khéo léo vẽ nên bức tranh bằng lời như vậy!

Như vậy, tám câu thơ ở đoạn hai hoàn toàn không mang tới sự hy sinh chết chóc. Nó hoàn toàn là bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây đầy kiều diễm và xinh đẹp. Chất họa, chất nhạc, sự mộng mơ của hồn người hòa hợp vào nhau tạo nên một tác phẩm thật hoàn hảo. Từng nét vẽ tranh bằng con chữ của nhà thơ thật uyển chuyển và độc đáo. Đó cũng chính là sự lãng mạn và tài hoa trong tâm hồn nhà thơ xứ Đoài này.

Phân tích Tây Tiến khổ 2 – Mẫu 2

Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng có thể nói là một trong những bài thơ thành công nhất về đề tài người lính. Toàn bài đã in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, nhà thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang một vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, tráng lệ. Bài thơ này giống như miền kí ức của tác giả về binh đoàn Tây Tiến. Không chỉ có những ngày tháng gian khó với đèo cao, thác dữ, mưa rừng, thú dữ, sương mù, mà trong miền ký ức của nhà thơ còn có cả ánh sáng của những đêm liên hoan tưng bừng và cảnh sắc buổi chiều êm ả, mông lung nơi núi rừng Tây Bắc. Tất cả những điều đó đã được Quang Dũng tái hiện thành công qua khổ thơ thứ hai của bài.

Bốn câu thơ đầu tiên như một ra thế giới khác biệt nơi miền Tây:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu, nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Hình ảnh “đuốc hoa” được hiểu là cây nến thắp lên trong phòng tối đêm tân hôn, nhưng ở trong câu thơ đầu, “đuốc hoa” ấy lại mang nghĩa là ánh sáng của đêm liên hoan. Dù hiểu theo nét nghĩa nào, nó vẫn tạo ra không khí ấm cúng, gợi lên niềm vui, niềm hạnh phúc của những chiến sĩ. Từ “bừng” ở đây vừa là ánh sáng của đuốc hoa, ánh sáng của lửa trại, vừa là màn cất giọng của những tiếng khen, tiếng hát, tiếng cười nói rộn rã của mọi người. Từ “bừng” ấy ta đã từng bắt gặp trong thơ của Tố Hữu, khi người thanh niên trẻ đã giác ngộ lí tưởng Đảng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Điểm chung của sự “bừng” của Quang Dũng và Tố Hữu là trước nó mang một màu u tối, và sau nó là ánh sáng ngập tràn. Có thể hình dung đêm hội mà Quang Dũng đang kể lại trong bốn câu thơ này giống như một đám cưới tập thể. Từ “kìa em” ở câu thơ thứ hai thể hiện được sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của những chàng lính Tây Tiến trước vẻ đẹp của những cô gái vùng cao trong trang phục “xiêm áo” lộng lẫy, kiêu sa cùng dáng vẻ “e ấp” đậm chất thiếu nữ. Nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp tỏa sáng của cô gái bằng cả niềm yêu, sự say đắm đến cảm phục từ vóc dáng cho đến trang phục. Chính trang phục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa của các thiếu nữ Tây Bắc càng tôn vinh lên vẻ đẹp của họ. Vẻ đẹp ấy đã khiến nhà thơ phải thán phục đến ngạc nhiên. Hình ảnh “em” trở thành hạt nhân của cả bức tranh đêm hội với vẻ đẹp xứ lạ phương xa. Có thể nói, bốn câu thơ đầu của khổ hai đã xua tan đi cảm giác mỏi mệt, đẩy lùi những vất vả, gian khó của những người chiến sĩ. Thay vào đó là niềm lạc quan, yêu đời nâng bước họ mạnh mẽ hơn trên con đường hướng về Viên Chăn xây hồn thơ. Từ đó, người đọc cảm nhận được rằng dù trong những phút giây vui vẻ, những người chiến sĩ vẫn hướng về lí tưởng cách mạng cao cả.

Nếu ở bốn câu thơ trước là khung cảnh đêm đuốc hoa, thì ở bốn câu thơ sau là khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc trong buổi chiều sương:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có thấy dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc được hiện ra theo chiều hướng nhẹ hóa. Cái dữ dội, khốc liệt của thác dữ bị đẩy lùi đi, thay vào đó là những hình ảnh nhẹ nhàng và thơ mộng. Hình ảnh “chiều sương” đã cho người đọc thấy được nét đặc trưng vốn có ở nơi đây.“Chiều sương ấy” dường như là một điều gì đó mơ hồ, không thực, nhưng nó lại gợi lên màu sắc bảng lảng, mờ ảo mà mang đậm nỗi buồn man mác. Đại từ “ấy” làm rõ nghĩa cho hình ảnh “chiều sương”, nó thật đặc biệt đến nỗi trở thành kỉ niệm khiến lòng người bâng khuâng.

Tham khảo thêm:   Cách nhận miễn phí nhân vật Wolfrahh trong Garena Free Fire

Đoạn thơ này mang đậm màu sắc của hội họa. Cái thực của khí trời Tây Bắc, kết hợp với cái mờ ảo của sương khói đã tạo nên một miền cổ tích riêng biệt. Có lẽ, chất họa sĩ của Quang Dũng đã ăn vào thơ ở đoạn này.Chỉ với một vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm cho cái hồn của cảnh vật và con người được hiện lên một cách sinh động và cuốn hút. Hình ảnh cây lau trong câu thơ thứ ba dường như không còn chỉ là cây lau vô tri vô giác nữa, mà nó có linh hồn của riêng mình – “hồn lau”. “Hồn lau” gợi cảm giác hoang vắng, tĩnh lặng, giàu chất thơ sâu lắng, vừa có chút gì đó ma mị của bức tranh thiên nhiên.

Giữa không gian thiên nhiên nên thơ của vùng núi rừng Tây Bắc, hình ảnh con người hiện ra với vẻ đẹp khỏe khoắn, bất khuất, kiên cường:

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Điệp ngữ “có thấy – có nhớ” luyến láy như chạm khắc vào lòng người một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng khôn nguôi. Dáng người ấy có thể là hình ảnh uyển chuyển, mềm mại của những cô gái bản địa đưa các chiến sĩ vượt sông, cũng có thể là hình ảnh của những người lính Tây Tiến chèo chống con thuyền để vượt sông, vượt thác dữ tiến về phía trước. Tất cả những hình ảnh ấy để lại cho nhà thơ những ấn tượng khó phai nhòa.

Từ láy “đong đưa” được sử dụng rất gợi cảm ở câu thơ cuối:

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Cánh hoa rừng như đang quyến luyến con người, nó như bàn tay vẫy chào người lính, tiễn họ vượt sông đi đánh giặc.Đoạn thơ đã để lại dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến mà thành công nhất là sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, bên cạnh các yếu tố nghệ thuật.

Có thể nói, với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mà đậm chất lãng mạn, hào hoa, Quang Dũng đã tái hiện lại khung cảnh, con người trong đêm liên hoan nơi doanh trại và cả khung cảnh chiều sương nơi rừng núi Tây Bắc. Với từng nét vẽ mềm mại, uyển chuyển, nhà thơ đã vẽ nên một thế giới của cái đẹp. Đây cũng là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong cả bài thơ.

Phân tích Tây Tiến khổ 2 – Mẫu 3

“Thơ làm cho tất cả những gì tốt đẹp trở thành bất tử”. (Shefley) Và Quang Dũng đã làm sống lại những gì đẹp đẽ nhất, những kí ức khó quên nhất trong cuộc đời người lính. Đó không chỉ là những giây phút hành quân nơi núi cao vực sâu dốc thẳm mà còn là những khoảnh khắc bình yên. Đêm hội liên hoan tại một bản làng trên vùng núi cao Tây Bắc là một hành trang tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời người lính.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”

Doanh trại không chỉ là không gian của hiện thực mà còn là không gian của tâm tưởng, của hoài niệm và nỗi nhớ. Nơi đó đang bừng lên bởi những ngọn lửa bập bùng mà tác giả liên tưởng đến đuốc hoa. Những bông hoa lửa như thắp sáng cả cánh rừng đại ngàn, đẩy lùi bóng tối, xua tan sự lạnh lẽo, làm bừng sáng cả không gian. Hai từ “bừng lên” không chỉ là bừng lên của ngọn đuốc mà còn là “bừng lên” của kỉ niệm, của hồi ức như một tiếng reo vui biết bao hồ hởi, say mê. Không còn những chặng đường hành quân vất vả, cũng không còn những bước chân nhọc nhằn ra trận mà chỉ còn lại không khí rộn ràng sôi nổi. Người lính như quên hết những mệt mỏi hiểm nguy để đắm hồn mình vào đêm hội liên hoan ấy.

Hình ảnh trung tâm của đêm hội liên hoan là sự hiện diện của những cô thiếu nữ vùng sơn cước:

“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”

Trong ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc lung linh kì ảo, trong tiếng khèn tiếng nhạc du dương, những cô thiếu nữ vùng cao xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy, quyến rũ, e ấp, duyên dáng và tình tứ khiến những chàng lính không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng. “Kìa em” là tiếng reo với bao bất ngờ vui sướng và có cả sự thán phục ngợi khen. Với những bộ trang phục thật đẹp và lạ mắt, với những vũ điệu đậm sắc màu dân tộc và cả nét e ấp e thẹn, những cô gái sơn cước đã khiến bao chàng trai Tây Tiến như bị hút hồn, ngây ngất.

Cảnh vật và con người đểu như ngả nghiêng, say sưa trong tiếng khèn, tiếng nhạc, trong những vũ điệu ngọt ngào say đắm, vừa có chút gì đó hoang dại bí ẩn mê hoặc lòng người. Những âm thanh khốc liệt của súng đạn bị đẩy lùi chỉ còn những tâm hồn lãng mạn, những “hồn thơ” hòa mình trong điệu nhảy điệu múa đến say lòng người.

Sau những hoài niệm về đêm lửa trại ấm áp tình quân dân là những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ miên man về cảnh sông nước và con người miền Tây Bắc.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”

Sông nước miền Tây hiện ra vào một buổi chiều sương tĩnh lặng. Không gian giăng mắc một màn sương mênh mang, mờ ảo và nhạt nhòa, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn huyền ảo. Ở đây không phải là sương lấp, sương che hay sương phủ mà là sương giăng, ta như cảm nhận được cái thực và cái mộng của khí trời Tây Bắc bảng lảng sương khói hiện ra như một miền cổ tích.

Hai bên bờ sông là những dãy lau ngút ngàn gợi lên một không gian hoang sơ tĩnh lặng. Những bông lau chập chờn lay động như có hồn. Hồn của lau hay chính tâm hồn của nhà thơ đã hóa thân vào cảnh vật trong những bông lau phất phơ, huyền ảo. Khung cảnh sông nước hoang vắng man mác buồn chợt khiến ta nhớ đến dòng sông Đà trong trang văn của Nguyễn Tuân “dòng sông như chảy từ tiền cổ”, “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa.”

Sông nước miền Tây không chỉ hiện lên đậm chất hiện thực mà còn rất đỗi thơ mộng trữ tình. Vẻ đẹp của con người hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên.

“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

Hình ảnh thiếu nữ Tây Bắc xuất hiện trên chiếc thuyền độc mộc với vẻ đẹp vừa mềm mại uyển chuyển, duyên dáng lại vừa vững chãi đưa con thuyền xuôi dòng. Hình ảnh người con gái trở thành trung tâm hội tụ linh hồn của bức tranh sông nước miền Tây. Không phải ngẫu nhiên khi Quang Dũng đặt hình ảnh người thiếu nữ bên cạnh “hoa đong đưa”. “Đong đưa” chứ không phải là “đung đưa”. Nếu “đung đưa” chỉ là sự chuyển động vật lý thì “đong đưa” còn đem đến tâm trạng, linh hồn cho cảnh vật. Những bông hoa rừng trở thành những sinh thể có hồn. Hoa cũng như con người đang soi mình trong gương nước chòng chành, cũng biết làm duyên làm dáng. Hóa ra con người Tây Bắc, bóng dáng của người thiếu nữ trên chiếc thuyền độc mộc cũng đẹp như những bông hoa rừng trong chiều sương mờ ảo.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 4

Quang Dũng vốn là lính của đơn vị Tây Tiến, một đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để giải phóng và bảo vệ miền biên cương phía Tây Tổ quốc. Sau đó Quang Dũng chuyển đơn vị công tác. Năm 1948, một lần ngồi ở làng Phù Lưu Chanh (một địa danh cũ thuộc tỉnh Hà Đông), nhớ lại những kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến, tác giả cảm xúc viết lên bài thơ tuyệt bút – Tây Tiến. Tây Tiến không chỉ là bài thơ hay nổi tiếng của Quang Dũng nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung mà còn là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người lính, vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng được thể hiện qua thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính là hai nét đặc sắc trong cảm hứng và bút pháp nghệ thuật của Tây Tiến. Đoạn thơ sau viết về những kỉ niệm tình quân dân đầy thi vị và vẻ đẹp thơ mộng của sông nước Tây Bắc bằng những nét vẽ tinh tế mềm mại:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Từ “bừng” trong câu thơ đầu tiên của đoạn thơ đã gợi cho ta cảm giác đột ngột. Đó là sự “bừng” sáng của hội đuốc hoa, của lửa trại hay sự tưng bừng rộn rã của tiếng khèn, tiếng hát? “Đuốc hoa” vốn là một từ cổ để chỉ cây nến đốt lên trong phòng cưới đêm tân hôn “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng Mai xưa”. Hình ảnh này xuất hiện trong đêm vui liên hoan của người lính đã tạo nên một màu sắc vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa thiêng liêng vừa ấm áp tình keo sơn quân dân gắn bó.

Đây là đoạn thơ bộc lộ rất rõ nét tài hoa của ngòi bút Quang Dũng. Hồn thơ lãng mạn của ông bị hấp dẫn trước những vẻ đẹp mang màu sắc bí ẩn của con người và cảnh vật nơi xứ lạ. Vì thế, cảnh là cảnh trong hoài niệm vậy mà lời thơ lại cho ta cảm giác đó là cảnh đang diễn ra ngay trước mắt. Và nhà thơ như đang nói với người vũ nữ “Kìa em xiêm áo tự bao giờ!” – một giọng thơ thật trìu mến, thích thú, vui sướng! Vui sướng đến ngạc nhiên ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa e thẹn, vừa tình tứ (nàng e ấp) với bộ xiêm y lộng lẫy trong một vũ điệu mang đậm màu sắc xứ lạ (man điệu). Chỉ bằng 4 câu thơ mà Quang Dũng đã dựng được một bức tranh vừa phong phú về màu sắc đường nét, vừa đa dạng về âm thanh.

Nếu khung cảnh đêm liên hoan văn nghệ trong những câu thơ trên đem đến cho người đọc không khí mê say ngây ngất thì cảnh sông nước Tây Bắc lại gọi lên được cảm giác mênh mang, hoang dại, tĩnh lặng và mờ ảo thật chứa chan thi vị. Ở đây một lần nữa càng khẳng định rõ hơn nét tài hoa, lãng mạn, giấc mộng mơ của người lính. Thiên nhiên ở nơi chốn chỉ có “Núi sương giăng, đèo mây phủ” khi cảnh chiều về vốn đã mờ ảo lại càng mờ ảo thêm khi có lớp sương mờ bảng lảng choàng thêm một tấm áo như thực như mơ. Qua hoài niệm, khung cảnh Tây Bắc như hiện về trong kí ức của tác giả làm cho giọng thơ của tác giả cất lên như lời tự hỏi “có nhớ? có thấy?” day dứt càng gợi cảm giác bâng khuâng xa vắng, đầy lưu luyến. Con người tài hoa và lãng mạn ấy thấy bạt ngàn hồn lau trong gió trong cây như xôn xao một nỗi niềm:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Hình ảnh này chúng ta đã từng gặp trong thơ của Chế Lan Viên:

Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh

(Lau biên giới)

Hay những câu thơ viết về hồn lau trong gió gợi cảm giác về cảnh buồn vắng lặng tờ như thời tiền sử huyền thoại của thi sĩ kiêm họa sĩ Hoàng Hữu:

Trường vắng mưa mờ buông dốc xa
Dày leo nửa mái sắc rêu nhoà
Người xa phơ phất hồn lau gió
Thổi trắng chân đồi như khói pha

(Hoa lau trường cũ)

Trong khung cảnh sông nước, chiều sương mang đậm màu sắc cổ kính huyền thoại ấy hiện lên hình ảnh con thuyền độc mộc với cái dáng mềm mại của cô gái và bông hoa trôi theo dòng nước lũ:

Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Câu nói của người xưa: “Thi trung hữu họa” thật đúng với trường hợp này. Ngòi bút tinh tế của Quang Dũng chỉ phác hoạ một vài nét mà không chỉ gợi được cái “hồn” của ngàn lau mà còn cả cái dáng rất tạo hình của cô gái lái đò người Mèo, người Thái, cái dáng ngả nghiêng rất tình tứ “đong đưa” chứ không phải “đung đưa” của những bông hoa rừng như muốn làm duyên bên dòng nước lũ. Hai từ “thấy” và “nhớ” được tác giả dùng trong hai câu thơ trên cũng khá tinh tế. Dường như cái hồn thiêng của bông hoa lau đã in hình rõ nét trong mắt tác giả còn cái dáng mềm mại thon thả của cô lái đò cùng bông hoa rừng đong đưa lại khắc sâu vào tâm trí nhà thơ vốn giàu tình yêu cảnh đẹp non sông đất nước này. Không có một tâm hồn nhạy cảm tài hoa thì không thể bắt rất nhạy những hình ảnh giàu hình sắc của hoa như thế.

Bốn câu thơ như một bức tranh thủy mặc với những nét vẽ chấm phá, tinh tế, mềm mại, tài hoa đã truyền được cái hồn của cảnh vật. Hơn thế, đọc đoạn thơ này lên, người đọc có cảm giác đoạn thơ không chỉ được khắc, được phổ vào những nốt nhạc tinh tế mà nhạc điều đó còn được cất lên từ một tâm hồn say đắm với cảnh và người miền Tây Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cho nên rất có lí khi Xuân Diệu nhận xét “Đọc bài thơ Tây Tiến ta có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng”.

Đoạn thơ thể hiện bút pháp tài hoa của tác giả. Qua đó, người đọc thấy cảnh đêm liên hoan văn nghệ, cái sông nước Tây Bắc mang vẻ đẹp hiện thực lãng mạn mà huyền ảo với từng vần thơ vừa giàu chất nhạc vừa giàu chất họa. Đó cũng chính là sự kết hợp hài hòa tuyệt diệu giữa ba yếu tố: thơ, nhạc, họa trong thi phẩm của Quang Dũng.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 5

Tây Tiến là bài hát của tình thương mến, là khúc ca chiến trận của anh Vệ quốc quân năm xưa, những anh hùng buổi đầu kháng chiến “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” (Nhớ — Hồng Nguyên), những tráng sĩ ra trận với lời thề “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, bên bờ sông Đáy thương yêu: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc — Sáo diều khuya khoắt thổi đèn trăng’’ (Đôi mắt người Sơn Tây – 1949). Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào năm 1947, hoạt động và chiến đấu ở thượng nguồn sông Mã, miền Tây Hòa Bình, Thanh Hóa sang sầm Nưa, trên dải biên cương Việt — Lào. Quang Dũng là một đại đội trưởng trong đoàn binh Tây Tiến, đồng đội anh nhiều người là những chàng trai Hà Nội yêu nước, dũng cảm, hào hoa. Bài thơ Tây Tiến nói lên nỗi nhớ của tác giả sau một thời gian xa rời đơn vị: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! – Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…”.

Bài thơ gồm có bốn phần. Phần đầu nói về nỗi nhớ, nhớ sông Mã, nhớ núi rừng miền Tây, nhớ đoàn binh Tây Tiến với những nẻo đường hành quân chiến đấu vô cùng gian khổ… Đoạn thơ trên đây gồm có 16 câu thơ, là phần hai và phần ba của bài thơ ghi lại những kỉ niệm đẹp một thời gian khổ, những hình ảnh đầy tự hào về đồng đội thân yêu.

Ở phần đầu, sau hình ảnh “Anh bạn dãi dầu không bước nữa – Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, người đọc ngạc nhiên, xúc động trước vần thơ ấm áp, man mác, tình tứ, tài hoa:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Bát cơm tỏa khói nặng tình quân dân, tỏa hương của “thơm nếp xôi”, hương của núi rừng, của Mai Châu.. và hương của tình thương mến.

Tham khảo thêm:   Giáo án ôn tập hè lớp 3 lên lớp 4 Giáo án dạy hè 2023

Mở đầu phần hai là sự nối tiếp cái hương vị “thơm nếp xôi” ấy. “Hội đuốc hoa” đã trở thành kỉ niệm đẹp trong lòng nhà thơ, và đã trở thành hành trang trong tâm hồn các chiến binh Tây Tiến:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

“Đuốc hoa” là cây nến đốt lên trong phòng cưới, đêm tân hôn, từ ngữ được dùng trong văn học cũ: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” (Truyện Kiều). Quang Dũng đã có một sự nhào nặn lại: hội đuốc hoa – đêm lửa trại, đêm liên hoan trong doanh trại đoàn binh Tây Tiến. “Bừng” chỉ ánh sáng của đuốc hoa, của lửa trại sáng bừng lên; cũng còn có nghĩa là tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười tưng bừng rộn rã. Sự xuất hiện của “em”, của “nắng” làm cho hội đuốc hoa mãi mãi là ki niệm đẹp một thời chinh chiến. Những thiếu nữ Mường, những thiếu nữ Thái, những cô gái Lào xinh đẹp, duyên dáng “e ấp”, xuất hiện trong bộ xiêm áo rực rỡ, cùng với tiếng khèn “man điệu” đã “xây hồn thơ” trong lòng các chàng lính trẻ. Chữ “kìa” là từ để trỏ, đứng đầu câu “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” như một tiếng trầm trồ, ngạc nhiên, tình tứ. Mọi gian khổ, mọi thử thách, như đã bị đẩy lùi và tiêu tan.

Xa Tây Tiến mới có bao ngày, thế mà nhà thơ “nhớ chơi vơi”, nhớ “hội đuốc hoa”, nhớ “Châu Mộc chiều sương ấy”. Hỏi “người đi” hay tự hỏi mình “có thấy” và “có nhớ”. Bao kỉ niệm sâu sắc và thơ mộng lại hiện lên và ùa về:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy”, một vần lưng thần tình, âm điệu câu thơ trĩu xuống như một nốt nhất, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều bâng khuâng. Nữ sĩ xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ “hồn thu thảo”, nay Quang Dũng nhớ là nhớ “hồn lau”, nhớ cái xào xạc của gió, nhớ những cờ lau trắng trời. Có “nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi” thì mới có nhớ và “có thấy hồn lau” trong kỉ niệm. “Có thấy”… rồi lại “có nhớ”, một lối viết uyển chuyển tài hoa, đúng là “câu thơ trước gọi câu thơ sau” như những kỉ niệm trở về… Nhớ cảnh (hồn lau) rồi nhớ người (nhớ dáng người) cùng con thuyền độc mộc “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Hình ảnh “hoa đong đưa” là một nét vẽ lãng mạn gợi tả cái “dáng người trên độc mộc” trôi theo thời gian và dòng hoài niệm. Đoạn thơ gợi lên một vẻ đẹp mơ hồ, thấp thoáng, gần xa, hư ảo trên cái nền “chiều sương ấy”. Cảnh và người được thấy và nhớ mang nhiều man mác, bâng khuâng. Bút pháp, thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn để lại dấu ấn tài hoa qua đoạn thơ này.

Giữa những “bến bờ”, “độc mộc”, “dòng nước lũ” là “hồn lau”, là “dáng người”, là “hoa đong đưa” tất cả được phủ mờ bởi màn trắng mỏng của một “chiều sương” hoài niệm. Tưởng là siêu thực mà lãng mạn, tài hoa.

Hai đoạn thơ trên đây thể hiện cốt cách và bút pháp lãng mạn, hồn thơ tài hoa của Quang Dũng. Nếu “thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” thì Tây Tiến đã cho ta cảm nhận về ấn tượng ấy. Tây Tiến đã mang vẻ đẹp độc đáo của một bài thơ viết về người lính – anh bộ đội Cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Bài thơ hội tụ mọi vẻ đẹp và bản sắc của thơ ca kháng chiến ca ngợi chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 6

Cả đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên diễm lệ có sức hòa hợp diệu kỳ giữa thiên nhiên và con người. Cảnh trí miền Tây ở khổ thơ dường như được tạo hình theo thi pháp truyền thống: “Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc”. Một miền Tây thơ mộng thi vị giàu sức cuốn hút. Đoạn thơ thứ 2 này được xem là đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Quang Dũng.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

“Bừng lên” vừa đột ngột, bất ngờ vừa thú vị. Cả cảnh vật và lòng người đều bừng sáng lên. Chất hào hoa trong bút pháp thể hiện của Quang Dũng đã bộc lộ ngay từ câu thơ đầu. Hai cụm từ “bừng lên” “hội đuốc hoa” thể hiện sự tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ của Quang Dũng. Hai cụm từ này vừa có tính tả thực vừa đậm chất lãng mạn. “Bừng lên” vừa có nghĩa bừng sáng lung linh vừa như bừng tỉnh.

“Hội đuốc hoa” đây là cảnh thực. Đêm liên hoan văn nghệ diễn ra dưới những cánh rừng, người đến dự đều cầm trên tay ngọn đuốc, gió thổi làm những ngọn đuốc lung linh phát ra những tia lửa. Cảnh tượng này trong đêm quả thật nhìn như hoa đuốc. Cảm nhận của Quang Dũng vừa tinh tế vừa lãng mạn, câu thơ gợi sức liên tưởng, tưởng tượng cho người đọc. Trên cái nền không gian ấy “em” xuất hiện. “Em” xuất hiện lập tức trở thành trung điểm của mọi điểm nhìn.

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

“Kìa em” lời chào đón đầy ngạc nhiên sung sướng đến ngỡ ngàng. Lời chào đón mang tính phát hiện. Em lạ mà quen, quen mà lạ. Quang Dũng phát hiện ra vẻ đẹp rực rỡ của cô gái bằng cả niềm yêu, niềm say đến cảm phục. Yêu say từ vóc dáng đến trang phục. Chính trang phục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của các thiếu nữ Tây Bắc càng tôn vinh lên vẻ đẹp của họ Quang Dũng không khỏi không thán phục đến ngạc nhiên trước vẻ đẹp ấy. Em trở thành hạt nhân của bức tranh với vẻ đẹp xứ lạ phương xa. Câu thơ thứ ba xuất hiện lập tức khổ thơ như tràn đầy âm nhạc.

Khèn lên man điệu nàng e ấp.

Những âm thanh phát ra từ nhạc cụ của đồng bào Tây Bắc đối với người lính Tây Tiến vừa lạ vừa có vẻ hoang dại mang tính sơ khai mà đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chính cái lạ ấy làm đắm say tâm hồn những chàng trai Tây Tiến gốc Hà Nội hào hoa. Từ “man điệu” mà Quang Dũng sử dụng ở đây cũng rất tài hoa. Người đọc như được chứng kiến những vũ khúc hoang sơ của văn hóa u Lạc. Vũ khúc ấy hòa với vũ điệu Em duyên dáng, e ấp, tình tứ. Ta chú ý tác giả sử dụng từ : Ban đầu là “em” tiếp đến là “nàng” rồi sau lại là “em”. Từ cách sử dụng ấy ta cảm nhận được em như một nàng tiên kiều diễm và ta như lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngây ngất. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến thực sự ngất ngây trước người và cảnh.

Sẽ rất thiếu sót nếu như chúng ta dừng lại ở đây. Bởi lẽ bốn câu sau của đoạn thơ mới thực sự thi vị. Cả bốn câu là cảnh sắc Tây Bắc gợi cảm giác mênh mang, huyền ảo:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Một không gian bảng lảng khói sương như trong cõi mộng cứ thế hiện ra. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sương khói hiện lên như một miền cổ tích. Ta nhớ rằng Quang Dũng là một họa sĩ bởi vậy đoạn thơ đậm màu sắc hội họa. Nét bút phác thảo của Quang Dũng thật là tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động đầy sức cuốn hút.

Không gian dòng sông buổi chiều giăng mắc một màu sương, sông nước bến bờ hoang dại như một bờ tiền sử. “Hồn lau” những cây lau không còn vô tri vô giác mà có linh hồn. Phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn mới cảm nhận được hồn lau đang giăng mắc dọc nẻo bến bờ. Không gian nên thơ ấy làm nền cho người thơ xuất hiện:

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Câu thơ không tả mà gợi, gợi cái dáng mềm mại uyển chuyển của cô gái trên chiếc thuyền độc mộc. Cảnh rất thơ và người cũng rất tình. Bởi vậy tác giả như ngây ngất đắm say trước cảnh và người, ở đây cảnh như làm duyên với người.

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Duyên dáng đến độ và tình tứ cũng hết lời: Bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên với người. Cảnh và người hòa quyện đồng điệu, tình tứ đến mê say trong cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Ta có cảm nhận đây là thế giới của cõi mộng, cõi mơ, cõi thơ và cõi nhạc. Thơ và nhạc là hai yếu tố tạo nên bức tranh Tây Bắc nên thơ, mĩ lệ. Ai nói rằng Tây Bắc là xứ rừng thiêng nước độc xin hãy một lần để cho tâm hồn mình lắng lại để chất thơ Tây Bắc ngấm vào hồn.

Đoạn thơ bộc lộ chất tài hoa, chất lãng mạn của Quang Dũng đến tuyệt vời. Cảm ơn nhà thơ đã cho ta một chuyến hành trình về với Tây Bắc thơ mộng để khám phá Tây Bắc và yêu Tây Bắc.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 7

Thơ ca muôn đời nay luôn là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là cây đàn muôn điệu đa bậc nhiều cung cảm xúc khác nhau. Thơ ca cũng là cầu nối giữa trái tim đến với trái tim, đi tìm chân trời của một người đến chân trời của triệu người. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng cũng đã thực sự trở thành tiếng nói tri âm của độc giả. Đọc đoạn 2 của bài thơ ta ấn tượng sâu sắc về những kỉ niệm và nỗi nhớ qua đó tác giả thể hiện sinh động vẻ đẹp lãng mạn hào hoa của chiến sĩ Tây Tiến.

Bốn câu thơ đầu miêu tả những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận tinh tế của chiến sĩ Tây Tiến về một đêm lửa trại:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về viên chăn xây hồn thơ”

Câu thơ đầu tựa như một tiếng reo vui. Đây là lần thứ hai, “lửa” và “đuốc” được liên tưởng tới hoa trong đêm sương ở Mường Lát, chiến sĩ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh, huyền ảo mà thấy như “hoa về trong đêm hơi” thì lần này trong đêm lửa trại giữa bản làng miền Tây . Nghệ thuật ẩn dụ và cảm hứng lãng mạn đã khiến ánh lửa bập bùng nơi bóng quân trở thành đuốc hoa rực rỡ gợi liên tưởng thi vị, tình tứ, đem đến niềm vui náo nức, rạo rực cho lòng người, niềm vui khiến đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành đêm hội tưng bừng. Cụm từ “bừng lên” như một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ, nó không chỉ đem đến ấn tượng về ánh sáng chói lóa, đột ngột của lửa, của đuốc, xua đi cái tối tăm, lạnh lẽo của núi rừng mà còn thể hiện niềm vui sướng rạo rực trong lòng người. Người đọc có thể hình dung những ánh mắt ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của những anh chiến sĩ là do phản chiếu của ánh lửa, ấm lòng chiến sĩ, ngọn lửa của niềm vui, trẻ trung, lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

Hình ảnh trung tâm của hội đuốc hoa là các cô thiếu nữ miền sơn cước “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Từ “kìa” và từ nghi vấn “tự bao giờ” bộc lộ cảm giác vừa ngỡ ngàng thú vị, với ngưỡng mộ trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Đó là cảm giác rất chân thực trong một dịp hiếm hoi sau bao ngày hành quân giữa rừng già với núi cao, dốc thẳm, sương dày, với mưa rừng và thú dữ,… “Man điệu” có thể hiểu là những vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể hiểu là giai điệu say đắm, ngọt ngào vừa hoang sơ, vừa bí ẩn, vừa mới mẻ lạ lủng làm mê hoặc lòng người. Với tâm hồn hào hoa, nghệ sĩ đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến say đắm chiêm ngưỡng và cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào của đêm lửa trại để được thả hồn phiêu diêu, bay bổng trong thế giới mộng mơ, để xây “hồn thơ”.

Trong dòng chảy miên viễn của thời gian, những hoài niệm bỗng lắng lại thật sâu ở một buổi chiều sương mộc:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Những nét vẽ mềm mại, tinh tế đã tạo nên một bức tranh thuỷ mặc với hồn lau bến nách, hơi sương giăng mờ mờ ảo ảo cùng con người trên chiếc thuyền độc mộc và cánh hoa trôi trong dòng nước lũ. “Chiều sương” gói trọn không gian phủ một lớp u buồn phảng phất lên cảnh vật. Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy” làm cho âm điệu câu thơ trĩu nặng xuống như một nốt nhấn, như một sự nhắc nhở trong hoài niệm những bâng khuâng. Chịu sự tác động của nỗi nhớ, những bông hoa lau chập chờn, lay động trên những bến bờ dường như cũng có hồn hơn. Nếu từ láy “đung đưa” gợi hình hơn biểu cảm và chủ yếu gợi tả những cánh hoa rập rờn đôi bờ sông thì hình ảnh “hoa đong đưa” không dừng lại ở nét nghĩa cụ thể ấy mà còn đưa đến những liên tưởng thi vị về dáng vẻ dịu mềm, tình tứ của sơn nữ miền Tây, đó là một sáng tạo mới mẻ về ngôn từ thể hiện chất lãng mạn rất đặc sắc của hồn thơ “Quang Dũng.

Bức tranh thiên nhiên trong Tây Tiến đã được Quang Dũng thổi hồn vào cái nồng nàn của cảm xúc, những đường nét ấn tượng về hội hoạ và thanh âm trong trẻo của nhạc tính. Bức tranh ấy chính là nền tuyệt đẹp để người lính Tây Tiến xuất hiện một cách hiên ngang và hùng dũng. Cũng trên cái nền ấy tâm hồn và tài năng của nhà thơ đã được chắp cánh bởi sự say mê trong cảm xúc và tài hoa của nghệ thuật.

Gấp trang sách lại mà những vần thơ của Quang Dũng vẫn văng vẳng để rồi những cảm xúc chân thật nhất của nhà thơ gửi gắm mãi neo động trong tâm hồn con người trở thành một nỗi niềm chung.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 8

Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến. Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ.

Trong miền kí ức của Quang Dũng không chỉ có những ngày tháng gian khổ với đèo cao, mưa rừng, thú dữ, sương phủ mà còn có cả ánh sáng hội hè của những đêm liên hoan tưng bừng và những buổi chiều êm ả, mông lung.

Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác của miền Tây:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu , nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Cảnh một đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến có đồng bào địa phương đến góp vui được miêu tả bằng những chi tiết rất thực mà cũng rất thơ mộng. Từ “bừng lên” kết hợp với hình ảnh đẹp “ đuốc hoa” miêu tả không khí sôi nổi, cả doanh trại bừng sáng, lung linh ánh lửa đuốc khi đêm văn nghệ bắt đầu. Tiếng reo “kìa em xiêm áo tự bao giờ” thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, say mê, vui sướng của các anh lính Tây Tiến trước vẻ lộng lẫy bất ngờ của các cô gái nơi núi rừng. Các cô gái chính là trung tâm, là linh hồn của đêm hội có vẻ đẹp e thẹn, tình tứ, mềm mại, duyên dáng trong một vũ điệu đậm màu sắc xứ lạ “ man điệu” đã thu hút hồn vía của các chàng trai Tây Tiến. Không khí của đêm liên hoan còn ngây ngất hơn bởi tiếng khèn rạo rực, réo rắt khiến cho cả con người, cảnh vật như bốc men say, trở nên phong phú, sinh động như muốn “ xây hồn thơ” lãng mạn. Đây cũng chính là tâm hồn hào hoa, tinh tế của Quang Dũng.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Anh 2 năm 2023 - 2024 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 2 Đề thi Tiếng Anh lớp 2 học kì 1 (Có đáp án)

Nếu cảnh đêm liên hoan đem đến cho người đọc không khí háo hức thì cảnh sông nước miền Tây lại gợi lên cảm giác mênh mang, mờ ảo:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Ngòi bút của Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Những hình ảnh “ chiều sương ấy” , “hồn lau” , “ nẻo bến bờ” , “ hoa đong đưa” kết hợp với cách hỏi “ có thấy” , “ có nhớ” mở ra một khung cảnh buổi chiều sương trong kí ức. Sương mờ giăng mắc khắp không gian , bến bờ lặng lẽ hoang dại , trên sông xuất hiện một dáng người mềm mại , uyển chuyển của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc, những bông hoa rừng đong đưa làm duyên trong dòng nước. Cảnh như có hồn , có sự thiêng liêng của núi rừng , đậm màu sắc cổ tích và huyền thoại. Qua những nét vẽ hư ảo trên , ta như thấy trước mắt mình một bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang dấu ấn của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn, tài hoa, vô cùng yêu mến, gắn bó với mảnh đất miền tây-tâm hồn Quang Dũng. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tâm hồn rung động của các chiến sĩ Tây Tiến trước cái đẹp.

Trong hai đoạn thơ sau, nhà thơ không miêu tả cảnh thiên nhiên nữa mà tập trung vào khắc hoạ chân dung người lính tây tiến và nỗi nhớ miền tây bằng những nét vẽ khoẻ khoắn, mạnh bạo, gân guốc đạm chất bi tráng.

Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Chất nhạc, chất hoạ, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 9

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”

Như Chế Lan Viên đã viết, lòng thương nhớ luôn dạt dào nơi trái tim khi ta đủ yêu, đủ gắn bó. Nhà thơ Quang Dũng cũng từng gắn bó với Tây Bắc, từng “súng bên súng, đầu sát bên đầu” với những người đồng đội và chính những yêu thương đã khơi nguồn nỗi nhớ, thôi thúc ông viết lên bài thơ Tây Tiến với những kỉ niệm đẹp hiện lên lung linh qua khổ thơ thứ hai.

Đến khổ thơ thứ hai ký ức một thời trận mạc đã trở thành hành trang của người lính Tây Tiến. Kỉ niệm khó quên nhất có lẽ là những đêm liên hoan lửa trại:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Đêm hội dường như thêm vui vẻ, ấm áp và quyến rũ, say lòng người khi có “em” đang yểu điệu, thướt tha , e ấp, dịu dàng. Đoạn thơ vẽ lên bức tranh đêm hội đuốc hoa thật vui vẻ ,ấm áp. Nếu Mai Châu có hương vị cơm nếp thật hấp dẫn,…thì Châu Mộc khoác lên vẻ mộc mạc mà đậm chất thơ:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Bốn câu thơ theo dòng hồi tưởng “trôi” về miền đất lạ, đó là Châu Mộc với nét đẹp hoang sơ của nó đã trở thành mảnh tình trong tâm hồn của bao người.

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”

(Chế Lan Viên)

Nỗi nhớ kéo dài để lòng người nặng những hoài niệm, nặng những chơi vơi. Hoa đong đưa” là hoa rừng đong đưa làm duyên trên dòng nước hay cô gái miền Tây Bắc xinh đẹp trên dòng suối? Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc thật hoang sơ nhưng trong cái hoang sơ lại thật nên thơ và lãng mạn của cảnh và người . Bức tranh chiều sương Châu Mộc và đêm hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại.

Nhà thơ Quang Dũng đã vô cùng thành công với tác phẩm Tây Tiến đặc biệt khi khắc họa tượng đài những chiến binh hào hoa, dũng cảm, lãng mạn đã ghi dấu thật sâu trong trái tim bạn đọc.

“Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế !”

(Tố Hữu)

Phân tích khổ 2 Tây Tiến – Mẫu 10

Voltaire từng nói: “ Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”, thơ ca phản ánh chân thực tâm tư tình cảm người nghệ sĩ. Bởi vậy, ta có dịp bắt gặp tiếng lòng nhà thơ Quang Dũng gửi nỗi nhớ niềm thương gửi tới Tây Tiến trong bài thơ cùng tên. Khổ thơ bốn kết tinh nỗi niềm và tài năng của nhà thơ:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp cam go, thơ văn trở thành vũ khí tinh thần, động viên ý chí chiến đấu, lòng yêu nước của nhân dân ta. Giữa những năm tháng ác liệt đó, năm 1948, khi nhà thơ Quang Dũng được lệnh chuyển đơn vị căn cứ đến đơn vị khác. Hình ảnh làng Phù Lưu Chanh- nơi đã gắn bó với cuộc đời người lính trở thành nỗi ám ảnh trong hồn thơ tác giả. Nỗi nhớ về một thời đã sống với đoàn quân Tây Tiến chắp cảm hứng bay bổng cho lời thơ tuôn trào.

Nỗi nhớ chảy tràn trong từng câu thơ, nhà thơ bâng khuâng buổi sinh hoạt ở doanh trại lính giữa rừng núi Tây Bắc. Hình ảnh đêm liên hoan mở ra ngập tràn với ánh sáng hoa lửa:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”

Cụm từ “ đuốc hoa” không chỉ là hình ảnh thực về ánh lửa đuốc mà còn gợi cái nhìn lãng mạn của chàng trai trẻ tuổi, trẻ lòng, cảm nhận ánh lửa tươi sáng, rạng ngời, lung linh. Vầng sáng gọi về không gian ấm áp, ảo huyền xua tan cái lạnh lẽo, âm u của nơi rừng thiêng nước độc. Hình ảnh độc đáo cũng xa xôi gợi liên tưởng về lễ hợp cẩn lứa đôi êm đềm. Chi tiết gợi tình quân dân cá nước nồng nàn, say đắm. Không khí nơi doanh trại đông vui tựa đêm hội hoa đăng để những chàng trai, thiếu nữ sơn thôn mở hội lòng. Kết hợp với động từ “ bừng” đậm tô ánh đuốc bừng sáng không gian, mang lại niềm vui tươi mới, gọi dậy một miền kỉ niệm trong sâu thẳm tâm trí nhân vật trữ tình.

Giữa đêm hội tưng bừng, náo nhiệt, hình ảnh mộng mơ của bóng dáng những cô em làm xao xuyến trái tim những chàng lính trẻ:

“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Từ hán việt “ xiêm áo” khắc họa nét lộng lẫy, rực rỡ của y phục những cô gái vùng cao, dưới ánh lửa càng trở nên kín đáo, tình tứ, dễ mến. Câu từ gần gũi như bước từ trang đời vào trang thơ, làm sống động một trời kí ức. Người lính Tây Tiến xuất thân là những chàng trai mới dời ghế nhà trường, đến từ Hà thành ngàn năm văn hiến. Nay các anh đặt chân đến nơi rừng lạ núi xa, chứa đầy bí ẩn, làm sao tránh khỏi giây phút ngỡ ngàng trước sắc đẹp bình dị của những sơn thôn nơi đây. “ Kìa em” là lời thốt lên tự nhiên, phản ánh cái nhìn mê đắm, hóm hỉnh, trẻ trung, đậm chất lính.

Giọng điệu nhẹ nhàng, sôi nổi, gợi hình ảnh người lính đắm say trong khung cảnh đậm chất trữ tình, ngân vang tiếng khèn bay bổng và trước điệu nhảy quyến rũ, gọi mời trong đêm hoa đăng lộng lẫy. Đọc thơ Quang Dũng quả thực như ngậm nhạc, câu thơ mang nhạc điệu hài hòa, lôi cuốn bạn đọc cùng đắm say. Những nét phong tục, văn hóa vùng núi mới mẻ, cuốn hút trong cái nhìn của những anh lính. Hữu cảnh sinh tình, không gian là chất xúc tác biến người chiến sĩ thành người thi sĩ. Nàng thơ của các anh là cái đẹp duyên dáng của sơn nữ miền sơn cước, yêu kiều. Dừng chân trên chặng đường hành quân gập ghềnh, cheo veo, những đêm hội đông vui thể hiện tinh thần lạc quan, nét hòa hoa, yêu đời của họ.

Khổ thơ bốn giúp ta có cái nhìn trọn vẹn hơn về tâm hồn người lính Tây Tiến. Họ không chỉ mang hào hùng, bất khuất trước gian khó, nhà thơ khám phá những nét tâm tư rất đời của các anh. Nơi đó, hiện lên trái tim rung động, xao xuyến trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cô em sơn thôn. “ Tây Tiến” trở về vẹn nguyên, sinh động bởi hình ảnh đó luôn thường trực trong tâm trí nhà thơ Quang Dũng. Nét bút đa tài của tác giả cùng nỗi nhớ chân thành còn lưu lại dư âm trong lòng bạn đọc.

Phân tích đoạn 2 Tây Tiến – Mẫu 11

Quang Dũng là nhà thơ – chiến sĩ, từng cầm súng đánh giặc và làm thơ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây cũ), ông viết bài thơ “Tây Tiến” nói lên tình thương nhớ chiến trường miền Tây, nhớ đồng đội thân yêu một thời trận mạc. Mở đầu bài thơ là một lời nhắn gọi biết bao thiết tha bồi hồi:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi với”.

Bài thơ có 34 câu thơ thất ngôn, chia thành 4 đoạn, mỗi đoạn thơ là sự hồi tưởng bao kỉ niệm sâu sắc. Đây là đoạn thơ thứ hai có 8 câu mang vẻ đẹp như một bài hành nói về 2 nỗi nhớ: nhớ hội đuốc hoa và nhớ chiều sương Châu Mộc:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Từ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, Quang Dũng nhớ đến “hội đuốc hoa” thắm thiết tình quân dân:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.

Đuốc hoa là cây nến thắp lên trong phòng tối tân hôn. “Truyện Kiều” có câu: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”(3096). Quang Dũng sáng tạo thành “hội đuốc hoa” để nói về đêm liên hoan lửa trại giữa các cán bộ chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến với đồng bào các bản mường. Chữ “bừng” vừa chỉ ánh lửa, ánh đuốc sáng bừng lên, vừa tả âm thanh tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tiếng khèn vang lên tưng bừng rộn rã trong hội đuốc hoa. Đêm lửa trại, đêm liên hoan chắc là có múa sạp, có múa xòe của các cô gái Mường, cô gái Thái tham gia? Chữ “kìa” là đại từ để trỏ một đối tượng (người, vật) từ xa; trong văn cảnh thể hiện sự ngạc nhiên, niềm vui thích, tình tứ của chàng lính trẻ Tây Tiến khi nhìn thấy các “em”, các “nàng” đến dự hội đuốc hoa trong bộ xiêm áo xinh đẹp. Hình ảnh “nàng e ấp” là một nét vẽ tài hoa và có hồn đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, tình tứ của các thiếu nữ miền Tây. Ánh lửa, tiếng hát, tiếng khèn, màu xiêm áo rực rỡ, vẻ đẹp kiều diễm của các “em”, các “nàng” như đã “xây hồn thơ” các chàng lính trẻ. Con người thì trẻ chung, xinh đẹp, hào hoa, đa tình; ngòi bút của thi nhân cũng rất tài hoa, lãng mạn. Qua hội đuốc hoa, ta càng thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đoàn binh Tây Tiến nơi chiến trường miền Tây gian khổ ác liệt.

Bốn câu thơ tiếp theo dòng hồi tưởng “trôi” về một miền đất lạ, đó là Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, nơi có dãy núi Pha Luông cao 1880m, nơi có bản Pha Luông sầm uất của người Thái. Quang Dũng người lính chiến với tâm hồn thi sĩ đã khám phá ra bao vẻ đẹp kì thú miền Châu Mộc. Năm tháng đã trôi qua, cảnh và người miền đất lạ ấy đã trở thành một mảnh tâm hồn của bao người:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

“Chiều sương ấy” là chiều thu 1947. Sương trắng phủ mờ núi rừng chiến khu chiều thu ấy in đậm hồn người; hoài niệm càng trở nên mênh mang. Chữ “ấy” câu trên bắt vần với chữ “thấy” câu dưới tạo nên một vần lưng giàu âm điệu, như một tiếng khẽ hỏi “có thấy” cất lên trong lòng. Hồn lau là hồn mùa thu. Hoa lau nở trắng cờ, lá lau kêu xào xạc trong gió thu “nẻo bến bờ”, nơi bờ sông bờ suối. Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc “chiều sương” và “hồn lau nẻo bến bờ”. Những thi liệu ấy đã tạo nên vẻ đẹp cổ điển bức tranh suối rừng nơi miền đất lạ. Thấp thoáng trong vần thơ “Tây Tiến” là những câu cổ thi tuyệt bút:

“Sương đầu núi buổi chiều như dội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu…”

(Chinh phụ ngâm)

Các thi sĩ xưa nay vẫn gọi hồn thu là hồn lau:

“Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng”.

(Lau mùa thu – Chế Lan Viên)

Điệp ngữ “có thấy” và “có nhớ” làm cho hoài niệm về chiều sương Châu Mộc thêm phần man mác, bâng khuâng. Nhớ cảnh rồi nhớ đến người. Trong chia phôi còn “có nhớ”. “Có nhớ” con thuyền độc mộc và “dáng người” chèo thuyền độc mộc? “Có nhớ” hình ảnh “hoa đong đưa”trên dòng nước lũ? “Hoa đong đưa” có phải là hoa rừng “đong đưa” làm duyên trên dòng nước lũ như giáo sư Phan Cự Đệ đã nói? Hay “Hoa đong đưa” là hình ảnh ẩn dụ gợi tả các cô gái miền Tây xinh đẹp lái thuyền độc mộc duyên dáng, uyển chuyển như những bông hoa rừng đang “đong đưa” trên sông suối. Bài hát “Sơn nữ ca” của nhạc sĩ Trần Hoàn, “Nụ cười sơn cước” của nhạc sĩ Tô Hải cho ta cảm nhận ấy. Phải có “tay lái ra hoa” mới có thể “đong đưa” được như vậy.

Những dòng hồi tưởng trên đây về cảnh sắc và con người nơi suối rừng miền Tây, nơi cao nguyên Châu Mộc đã được thể hiện một cách tuyệt đẹp qua bút pháp tài hoa và hồn thơ lãng mạn. Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc vô cùng hoang vu, là chốn rừng thiêng liêng nước độc, nhưng Quang Dũng với tâm hồn lạc quan và yêu đời của một khách chinh phu thời đại mới đã cảm nhận và phát hiện bao vẻ đẹp thơ mộng, xinh tươi của cảnh sắc thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Hoài niệm, kỉ niệm về chiến trường núi rừng miền Tây như được chắt lọc qua tâm hồn. Nhà thơ có gắn bó với cảnh vật và con người Tây Bắc, có vào sinh ra tử với đồng đội mới có kỉ niệm đẹp và sâu sắc như vậy, mới có thể viết nên những vần thơ sáng giá như thế.

Bức tranh chiều sương Châu Mộc và hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển và lãng mạn kết hợp hài hòa với tính thời đại và hiện đại trong máu lửa chiến tranh.

…………..

Tải file tài liệu để xem thêm bài văn phân tích khổ 2 Tây Tiến

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Sơ đồ tư duy +19 mẫu) Phân tích đoạn 2 Tây Tiến của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *