Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về Hành trình tìm lại chính mình tuyển chọn bài văn mẫu siêu hay dưới đây do Wikihoc.com giới thiệu sẽ là tài liệu vô cùng hữu ích với các bạn học sinh lớp 12.
Nghị luận về cuộc hành chính tìm lại chính mình được xây dựng đầy đủ, mạch lạc, rõ ràng từng phần các bạn có thể dễ dàng lựa chọn tham khảo cho bài văn của mình sắp viết. Ngoài ra các bạn xem thêm nghị luận xã hội về hạnh phúc, nghị luận xã hội về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp.
Nghị luận về Hành trình tìm lại chính mình
“Ta là ai, trong ngày dài vụt tắt
Đợi hoang vu nhận rõ nét con người
Ta là ai, suốt một đời mơ ước,
Tìm kiếm mình trong khám phá xa xôi…”
(Ngọc Mai)
“Cuộc thám hiểm vĩ đại nhất là cuộc khám phá ra hai tiếng con người.”, hành trình gian nan nhất là hành trình tìm ra mỗi con người trong hai tiếng con người ấy. Mà như một ý kiến, rằng: “ Hành trình tìm kiếm chính mình là hành trình gian nan nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đó là con đường quanh co, gấp khúc, nhiều ngã rẽ, có những đoạn phải chạy hết tốc lực, lại có những điểm dừng, thậm chí phải lùi lại; phải quan sát xung quanh và soi chiếu mình mới mong tìm được.”.
Khi lớn lên và dần có ý thức về cuộc đời và con người, về sự tồn tại của bản thân, chúng ta bắt đầu trăn trở, tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Mình là ai? Mình tồn tại giữa đời vì lẽ gì?”. Câu hỏi ấy dẫn chúng ta vào một hành trình tìm kiếm mang tên: Chính mình. Nói đến tính chất hành trình, tức là nói đến độ dài về thời gian, độ dày của thử thách, độ rộng mở của những gian truân. “Hành trình tìm kiếm chính mình là hành trình gian nan nhất trong cuộc đời mỗi con người.”. Nói như vậy là bởi “Đó là con đường quanh co, gấp khúc, nhiều ngã rẽ; có những đoạn phải chạy hết tốc lực, lại có những điểm dừng, thậm chí phải lùi lại, quan sát xung quanh và soi chiếu chính mình mới mong tìm được.”. Lấy hành trình tìm kiếm chính mình so sánh với hình ảnh một con đường, đã thể hiện được đầy đủ tính chất của “công cuộc” gian nan ấy: đó là một hành trình nhiều thử thách, khó khăn, với những chướng ngại vật ngáng đường, bão giông chắn lối, mà chúng ta, trên “con đường” ấy, phải biết chạy – đi – đứng – lùi… tìm cho mình một tâm thế phù hợp để “chiến đấu”. Những “quanh co”, “gấp khúc” đòi hỏi ta phải có sức bền, quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh để vượt qua; những “ngã rẽ” yêu cầu ta phải có trí tuệ vững vàng để lựa chọn sáng suốt. Ý kiến đề cập đến con đường gian truân để tìm kiếm chính mình của mỗi chúng ta.
Vì sao chúng ta lại phải đi tìm kiếm chính mình? Có nghĩa là chúng ta phải khám phá, phải tìm hiểu, phải nhận thức về chính bản thân ta. Mỗi chúng ta là những “tiểu vũ trụ” dẫu bé nhỏ trong hình thái nhưng không hề giản đơn trong tâm hồn và trí tuệ. Bởi lẽ giới hạn của con người chính là không giới hạn. Đã có biết bao giới hạn được xóa nhòa để những kỉ lục mới liên tiếp được xác lập. Người chạy nhanh nhất, người bơi giỏi nhất, người có tầm ảnh hưởng vĩ đại nhất thế kỷ,… rồi một ngày cũng sẽ bị thay thế bởi những cái tên khác. Và chúng ta đều khao khát hướng đến một ngày nào đó những đỉnh cao vinh quang ấy sẽ khắc tên chúng ta. Vậy thì ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là tìm kiếm chính mình.
“Cuộc sống vốn đa sự, con người thì đa đoan.”, phức tạp, rắc rối và đầy mâu thuẫn. Có “ai mãi là mình như thuở xa xưa”? Chúng ta thay đổi từng ngày, kể cả về thể xác lẫn trí tuệ. Nhưng chúng ta sẽ mãi là mình như “thuở xa xưa” nếu không tìm được cho mình những mục đích sống, lí tưởng sống, những mục tiêu rõ ràng trong cuộc đời. Chúng ta chỉ thật sự sống khi có ước mơ, hoài bão, khát khao cháy bỏng trong tim và có ít nhất một nguyện vọng để theo đuổi. Có hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta, theo quan niệm mới của giới trẻ bây giờ, để tiếp cận với thế giới 4.0: đó là ngày chúng ta sinh ra và ngày chúng ta khẳng định chính mình. Khi bạn đọc những dòng này và tôi viết những con chữ này, tức là ngày đầu tiên trong hai ngày quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta đã trôi qua… Vậy ngày còn lại thì sao? Chúng ta phải làm thế nào để có được ngày thành công, hạnh phúc ấy?
Hành trình tìm kiếm chính mình là hành trình sống với những ước mơ, hoài bão, với con người thật, con người trinh nguyên từ tận đáy lòng chúng ta. Nó nhiều “quanh co, gấp khúc”, nhiều khó khăn, trở ngại. Kình ngư Nguyễn Hồng Lợi từng bị cụt cả hai chân, mất một bên tay phải, là một nạn nhân của chất độc màu da cam trước khi đến với “đường đua xanh”, Nguyễn Thị Ánh Viên từng là một cô gái ốm yếu, không có thể lực, được đánh giá là “chuyên môn chưa vững” trước khi trở thành “cô gái vàng” của làng bơi Việt Nam. Jack Ma từng trượt tiểu học, trung học, đại học; bị từ chối đơn xin việc đến 24 lần trước khi trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Tổng thống Nga Putin từng bị từ chối 10 lần khi nộp đơn vào Ủy ban An ninh quốc gia KGB, đến khi được nhận vào ông vẫn phải thực tập thêm 10 năm nữa. Và ông có gì? Hơn 20 năm nền tảng để trở thành “người chèo lái” nước Nga phát triển cường thịnh suốt hai thập kỷ. Những “quanh co, gấp khúc, nhiều ngã rẽ” ấy chính là cái bản lề nền tảng để con người ta vươn lên phát triển nếu như họ biết vượt qua những sàng lọc của tấm lưới đớn đau mà đầy vinh quang ấy!…
Chúng ta vẫn biết trước khi đến với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân, Tố Hữu cũng đã từng:
“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước,
Chọn một dòng hay để nước trôi?”
Để rồi cuối cùng, ông đã sáng suốt theo Đảng, trở thành “con của vạn nhà”, “em của vạn kiếp phôi pha”, “anh của vạn đầu em nhỏ”, trở thành một người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, dũng cảm, góp phần vào công cuộc thống nhất nước nhà – là “cánh chim đầu đàn”, “lá cờ đầu tiên đỏ chói” của thi ca Cách mạng Việt Nam. Huê Minh Uê, nhà văn Mĩ 2 lần nhận giải Nobel Văn chương, ông cũng từng đứng trước nhiều lựa chọn như thế: trở thành một nhà văn – cây bút đi theo xu hướng cách tân, lạ hóa của văn học đương thời hay “bỏ bút đi”? Bởi là nhà văn của một “thế hệ mất mát”, ông hiểu văn chương có hoa mĩ, ngôn từ có trang trọng đến đâu cũng không thấm được máu và nước mắt, lau khô được những bi kịch, băng bó được những vết thương mà chiến tranh gây ra cho con người. Ông tìm về với chính mình sau bao đêm trằn trọc, về với lối viết giản đơn, chân thực, về với “tảng băng trôi” – một gợn mà trăm suy. Chính điều ấy đã giúp ông có được thành công, nổi lên như một hiện tượng của văn học Mỹ hiện đại.
Vấn đề đặt ra là: đó không phải là hành trình ấy có tính chất như thế nào, gian nan hay trải đầy hoa hồng, mà là tâm thế của chúng ta khi đối mặt với hành trình tìm kiếm chính mình ấy. Thái độ quyết định tất cả, tâm thế vững vàng sẽ giúp ta làm chủ hoàn cảnh và đi đến thành công. “Chúng ta không thể chọn chiến trường chiến đấu nhưng có thể chọn tâm thế khi ra trận.”. Quan trọng là chúng ta phải biết khi nào cần chạy thật nhanh, tăng tốc, dùng hết sức lực, khi nào cần đi chậm lại, thậm chí là dừng lại, lùi lại, để biết mình đang ở đâu, người đang ở vị trí nào?…
Có một Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhanh nhạy và tỉnh táo trong chiến lược tấn công, nhận ra rõ tình hình và lực lượng ta – địch, đổi chiến thuật từ “đánh nhanh tiến nhanh” sang “ đánh chậm tiến chắc” làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử: lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu. Có một Thiên Hoàng Minh Trị nhận thức rõ sự lạc hậu, tụt hậu, kém phát triển của Nhật Bản ở thế kỉ XIX, nhận ra nhân tố con người là quan trọng nhất chứ không phải địa lí, nền văn hóa mới là số một để thực hiện cuộc Duy Tân Minh Trị, đưa Nhật Bản từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sau 30 năm, đến năm 1905, trở thành cường quốc châu Á – từ chính bàn tay của con người Nhật Bản. Đó có thể xem như một hình mẫu của hành trình: Nhật Bản tìm kiếm chính mình sau chiến tranh với không gì ngoài đổ vỡ và mất mát.
Hành trình tìm lại chính mình còn là hành trình đấu tranh và tự đấu tranh để được là chính mình. Như Hoa hậu chuyển giới Thế giới Hương Giang đã đấu tranh 20 năm cuộc đời để trở về với giới tính và con người thật của bản thân, như Lê Hương Giang – nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam từng bị mọi người nói là “không thể đến với truyền hình, chứ chưa nói gì là dẫn chương trình”, nhưng đam mê MC – được cất lên giọng nói của mình trong cô đã thôi thúc cô quyết tâm, cố gắng, không ngừng nỗ lực để hiện tại, Hương Giang đã thành công, được sống với ước mơ, hoài bão của mình!
Chàng trai Việt Trần Đặng Đăng Khoa cũng mất đến 18 năm để có thể được sống với sở thích đi phượt vòng quanh Thế giới, khi mà trước đó, anh cảm thấy mình như bị nhấn chìm trong núi công việc, trong những xô bồ của cuộc sống thường ngày. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh phải đến năm 40 tuổi mới có được huy chương – chiến tích rực rỡ đầu tiên trong cuộc đời. Đằng sau đó là biết bao lần tăng tốc, bao lần dừng lại, bao lần vấp ngã, bao lần đau đớn,…
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hành trình tìm kiếm chính mình càng khó khăn hơn bởi cuộc sống xô bồ, ồn ã; bởi những bon chen, hối hả, và con người ta dễ đánh mất mình – con người thật của mình với những khát khao, hoài bão. Lại có những người chưa từng sống là mình, chưa từng lên lịch trình cho một chuyến đi tìm mình của cuộc đời mà ngày đêm nương nhờ, sống “ký sinh” vào người khác. Mặc cho cuộc đời trôi đi, trôi đi…
Dẫu biết, hành trình tìm kiếm chính mình gian nan, nhưng nếu không dấn thân, ta sẽ mãi chỉ là một xác thể đang dần tàn lụi, không nhựa sống, không tin yêu. Chỉ khi tìm được chính mình, bạn và tôi, chúng ta, mới có thể hạnh phúc, như bé Bôm (con trai diễn viên Quốc Tuấn), dù em bị mắc bệnh xương cứng sớm cục bộ (APERT) với bao đau đớn, phải phẫu thuật bao lần nhưng khi cất lên tiếng đàn, bản nhạc, em vẫn luôn nở nụ cười thật tươi!
Thanh xuân chỉ đi một lần rồi mất. Cuộc đời chỉ đến một lần rồi qua. Hãy sống sao để mai này nghĩ lại, chúng ta có thể có được những an yên trong lòng, rằng: mình đã từng sống một cuộc đời như thế, dù tàn phai cũng đã từng rực rỡ!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về Hành trình tìm lại chính mình Những bài văn hay lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.