Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 12 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm gồm dàn ý kèm theo 7 bài văn nghị luận hay nhất. Giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, rèn luyện kỹ năng viết văn ngày một hay hơn.

Đây là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho có thêm cách viết văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như chuẩn bị hành trang để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới. Vậy sau đây là nội dung chi tiết dàn ý và 7 bài văn mẫu, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Dàn ý nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh.

II. Thân bài:

a. Giải thích vấn đề nghị luận

– Nghịch cảnh là gì?

– Ý nghĩa nội dung câu nói: thông qua cách ứng xử và đối diện với nghịch cảnh, con người sẽ thấy được tình cảm, cảm xúc của bản thân; đồng thời thấu hiểu thêm về năng lực và trí tuệ của chính mình.

b. Bình luận, phân tích về vai trò, ý nghĩa của nghịch cảnh

– Nghịch cảnh cũng xuất hiện như một quy luật tất yếu trong cuộc sống con người.

– “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm”.

  • Thông qua những gian nan, chông gai, chúng ta có thể thấy được tình cảm , tâm hồn của chính bản thân mình và những người xung quanh.
  • Việc vượt qua nghịch cảnh sẽ khẳng định sự mạnh mẽ trong thế giới tâm hồn con người.

– Nghịch cảnh “còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh”

  • Một con người có trí tuệ, hiểu biết sẽ giữ được sự bình tĩnh, tìm ra giải pháp và cách khắc phục.
  • Những gian nan mà chúng ta đã vượt qua sẽ thể hiện sự mạnh mẽ cũng như nghị lực sống kiên cường, bất khuất.

c. Lật lại vấn đề

– Phê phán những người đầu hàng, buông xuôi trước nghịch cảnh.

d. Bài học nhận thức và hành động

– Con người cần kiên cường trước những nghịch cảnh

– Không ngừng làm đầy khoảng trống tâm hồn, tình cảm và rèn luyện, trau dồi trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh kiên cường.

III. Kết bài:

– Đánh giá ý nghĩa giáo dục sâu sắc của câu danh ngôn.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 1

Nhà văn Nam Cao từng nói: Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố. Có thể hiểu giông tố ở đây chính là những nghịch cảnh của cuộc đời. Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người.

Câu nói của nhà văn Nam Cao có ý nghĩa rằng trong cuộc đời con người ai cũng sẽ gặp phải những chuyện không may mắn, những tình huống khó khăn, bất trắc tuy nhiên điều quan trọng là con người phải vững vàng, mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn đó. Cũng giống như nghịch cảnh vậy, nghịch cảnh chính là những điều trớ trêu trong cuộc sống, những điều này không giống với mong muốn của con người, không thuận theo lẽ tự nhiên. Nghịch cảnh xảy đến là điều không mong đợi với bất kỳ ai, nó có thể khiến con người suy sụp, nản chí, bỏ cuộc.

Nghịch cảnh đối với tình cảm con người quả thật là một phép thử. Đứng trước nghịch cảnh nếu lòng người thay đổi thì tình cảm đó không bền vững và chưa đủ sâu sắc. Trong tình cảm, nếu gặp nghịch cảnh mà con người vẫn không hề thay lòng đổi dạ thì đó thật sự là một điều đáng quý, đáng trân trọng, nó cho thấy sự son sắt, thủy chung của những người trong cuộc.

Không chỉ vậy, nghịch cảnh còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh. Nếu gặp nghịch cảnh mà con người tìm cách xoay sở, vượt qua thì người đó hẳn là có trí tuệ rất sáng dạ, thông minh. Vì thực tế không phải người trong cuộc nào cũng có thể minh mẫn tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề của mình. Chính vì vậy nếu người nào giải quyết được, lại giải quyết vô cùng trơn tru thì điều đó cho thấy họ là người có tầm hiểu biết và rất nhanh nhạy với các vấn đề.

Tương tự như vậy phải là người rất có bản lĩnh thì mới có thể vững vàng trước nghịch cảnh. Nếu vừa gặp khó khăn, gian nan mọi người đã sợ hãi, rụt rè và không dám dấn thân bước tiếp thì ắt việc lớn sẽ không thành bởi người lèo lái nó chưa có đủ bản lĩnh.

Một người vừa có bản lĩnh, lại có trí tuệ và đầy tình yêu đối với một việc gì đó thì dù có gian truân, bất trắc xảy ra, người đó chắc chắn cũng sẽ vượt qua được mọi việc để đi đến đích cuối cùng. Ngược lại trước nghịch cảnh nếu con người lúng túng, sợ hãi và bỏ cuộc thì điều đó chỉ cho thấy người đó còn chưa đủ năng lực, trình độ, chưa có bản lĩnh và tình yêu sâu sắc đối với công việc của mình.

Không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải đầy hoa hồng cả, con người phải có sự chuẩn bị và tâm lý sẵn sàng để đối mặt với những khó khăn thách thức trên con đường của mình. Có như vậy mới đủ bình tâm để vượt qua, ngược lại nếu e dè và sợ gặp khó khăn vậy thì dù là việc lớn hay việc nhỏ cũng đều rất khó thành.

Điều này có tính ứng dụng trong thực tế cuộc sống từ học tập đến công việc, các mối quan hệ. Làm việc gì con người cũng nên chuẩn bị cho mình tâm lý và tri thức bản lĩnh, đứng trước khó khăn hãy bình tĩnh xem xét tìm cách vượt qua chớ vội thoái chí rút lui. Trong công việc học tập, các bạn không nên nản lòng mà bỏ cuộc giữa chừng. Vì thực chất việc học vốn là một công việc đòi hỏi nhiều sự kiên trì vượt qua thách thức, nếu mỗi bạn học sinh hãy chăm chỉ, biết cách vững tâm vậy thì cuối cùng bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu, chinh phục được những ngôi trường mình mong muốn, tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm. Hãy biến những nghịch cảnh thành những kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng hết mình để vượt qua nghịch cảnh đó.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 2

“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” – câu nói nổi tiếng của nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm đã khẳng định bản lĩnh cần có của mỗi một con người trong cuộc sống, bởi thông qua việc vượt qua những khó khăn, chông gai, chúng ta sẽ khẳng định được ý nghĩa, giá trị tồn tại của bản thân. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh”.

“Nghịch cảnh” là những khó khăn, thử thách và là điều không may mắn, không suôn sẻ trong cuộc sống của mỗi một con người. Đó là những trắc trở, rủi ro mà chúng ta không hề mong muốn như: Xung đột, chiến tranh, bệnh tật,… Mặc dù đó là những điều mà con người hi vọng không xảy ra nhưng không thể phủ nhận rằng khi trải qua nghịch cảnh, chúng ta sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá. Câu nói “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh” đã hướng đến khẳng định ý nghĩa, vai trò của nghịch cảnh đối với con người: Thông qua cách ứng xử và đối diện với nghịch cảnh, con người sẽ thấy được tình cảm, cảm xúc của bản thân; đồng thời thấu hiểu thêm về năng lực và trí tuệ của chính mình.

Tham khảo thêm:   Công văn 975/2012/GSQL-TH Vướng mắc C/O mẫu AI

Như chúng ta đã biết, cuộc sống là bức tranh muôn sắc màu vô cùng phong phú. Sự đa dạng đó được tạo nên từ rất nhiều yếu tố như niềm vui và nỗi buồn, hi vọng và tuyệt vọng, may mắn và thất bại,…. Trong vô vàn những yếu tố đó, nghịch cảnh cũng xuất hiện như một quy luật tất yếu mà con người không thể né tránh. Nghịch cảnh được xem “là một phép thử của tình cảm” bởi thông qua những gian nan, chông gai, chúng ta có thể thấy được tình cảm , tâm hồn của chính bản thân mình và những người xung quanh. Cũng giống như “vàng thử lửa, gian nan thử sức”, việc vượt qua nghịch cảnh sẽ khẳng định sự mạnh mẽ trong thế giới tâm hồn con người.

Không chỉ dừng lại ở đó, nghịch cảnh “còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh”. Trước những biến cố, sóng gió cuộc đời, một con người có trí tuệ, hiểu biết sẽ giữ được sự bình tĩnh, tìm ra giải pháp và cách khắc phục, xử lý một cách khéo léo, thông minh thay vì sự rối loạn trong việc đối mặt. Điều này còn chứng tỏ bản lĩnh của con người. Những gian nan mà chúng ta đã vượt qua sẽ thể hiện sự mạnh mẽ, lòng dũng cảm, can đảm cũng như nghị lực sống kiên cường, bất khuất.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều mảnh đời bất hạnh sinh ra trong chiếc vỏ bọc của nghịch cảnh như mồ côi hoặc sinh ra với hình hài không toàn vẹn, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, họ vẫn vươn lên và khẳng định ý nghĩa tồn tại của bản thân. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay nhưng vẫn kiên trì tập viết bằng hai chân, đó là Nick Vujicic khi sinh ra thiếu hai tay, hai chân – những bộ phận cần thiết để thực hiện những hoạt động cơ bản trong đời sống sinh hoạt nhưng anh vẫn mạnh mẽ vươn lên, nỗ lực học tập để tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn giả nổi tiếng, tạo nên động lực và truyền cảm hứng cho rất nhiều người,…. Những tấm gương đó đã khẳng định rõ nghịch cảnh “còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh”, giống như Fanco Molinari từng nói: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn”.

Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta, vẫn còn tồn tại không ít người run sợ, e ngại và chùn bước, dẫn đến việc dễ dàng đầu hàng và buông xuôi trước nghịch cảnh. Họ hèn nhát trước những chông gai, khó khăn, những bất trắc của cuộc sống và không dám mạnh mẽ vươn lên và vượt thoát.. Đó chính là những con người không dám bứt phá những giới hạn của bản thân để khẳng định và vượt lên chính mình.

Như vậy, trong cuộc sống, để khẳng định giá trị, ý nghĩa tồn tại của bản thân, chúng ta cần kiên cường trước những nghịch cảnh. Đồng thời, không ngừng làm đầy khoảng trống tâm hồn, tình cảm và rèn luyện trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh kiên cường để có thể bình tĩnh, mạnh mẽ bước qua những khó khăn để bước chân tới mảnh đất của thành công.

Câu danh ngôn “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh” không chỉ khẳng định ý nghĩa của những khó khăn, trắc trở mà còn để lại bài học giáo dục có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở con người cần mạnh mẽ khắc phục những gian nan, chông gai trên chặng đường đời.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 3

Tính cách của con người không phải là yếu tố sẵn có mà dần được định hình và phát triển trong hoàn cảnh và môi trường sống xác định. Nhấn mạnh đến vai trò của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành tính cách và bản lĩnh con người, danh ngôn Pháp có câu “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”.

“Nghịch cảnh” là hoàn cảnh éo le, trớ trêu mang đến những khó khăn, thách thức cho cuộc sống của con người. “Phép thử” là thử thách cho lòng kiên trì và bản lĩnh của con người trước những hoàn cảnh có vấn đề. Câu nói “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người đã khẳng định vai trò của hoàn cảnh sống đối với sự hình thành nhân cách và bản lĩnh của con người, trong đó những thách thức. Qua nghịch cảnh, con người không chỉ rèn luyện thêm được tính kiên trì mà còn tự rèn cho bản lĩnh và trí tuệ.

Nghịch cảnh là những hoàn cảnh không ai mong muốn nhưng nó vẫn xảy đến như một lẽ tất yếu của cuộc sống. Sống trên đời ai cũng từng trải qua những nghịch cảnh như: ốm đau, bệnh tật, tai nạn, xung đột… Nghịch cảnh thường đến bất ngờ mà không ai có thể tránh, đó là những bất trắc mà con người phải đối diện, đối với người nông dân đó là thiên tai mất mùa, đối với người kinh doanh là thua lỗ, thất bại, với người học sinh là những lúc điểm kém hay những xung đột cùng bạn bè…

Trong những hoàn cảnh khó khăn, không mong muốn của cuộc sống, chúng ta sẽ hiểu hơn về tình cảm của bản thân, nhận thức được về tình cảm chân thành từ những người bạn, người thân. Trải qua những biến cố ta sẽ thêm trân trọng những người thân yêu.

Nghịch cảnh có thể làm cho ta chán nản, đau khổ thậm chí mất đi những cơ hội, những người thương yêu và làm rạn nứt những mối quan hệ. Đó là những kết quả không ai mong muốn và nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, dù cố gắng đến mấy chúng ta vẫn phải chấp nhận và đối đầu với nó.

Tuy nhiên, thông qua những nghịch cảnh ta sẽ hiểu hơn về bản thân với những ưu điểm và cả những hạn chế. Nghịch cảnh cũng chính là điều kiện để chúng ta phát huy những cố gắng, những năng lực và rèn luyện những kỹ năng cần thiết. Vượt qua nghịch cảnh chúng ta sẽ trưởng thành hơn, tính cách và bản lĩnh vì vậy cũng được khẳng định.

Đối diện với những nghịch cảnh, con người sẽ nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống để từ đó ta biết trân trọng hơn những thứ ta đang có và nhận thức được những hạn chế để khắc phục và phát triển trong tương lai. Vì vậy có thể nói nghịch cảnh chính là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh của con người”.

Tuy nhiên, không chỉ trong nghịch cảnh mà ngay cả trong những hoàn cảnh thường, để trưởng thành về tính cách, phát triển về trí tuệ chúng ta cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức đồng thời có ý thức phê phán những hành động trốn chạy hoàn cảnh, trở thành con rùa rụt cổ.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 4

Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những khó khăn, trở ngại ta gặp trong cuộc sống, có thể mang lại cho ta những tổn thương gọi là nghịch cảnh. Nghịch cảnh không những là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người. Chiến thắng nghịch cảnh, đứng trên nghịch cảnh con người sẽ mạnh mẽ hơn.

Nghịch cảnh chính là những khó khăn, tình huống xảy ra ngược theo hướng tiêu cực với những gì mà chúng ta nghĩ. Nó làm chúng ta gặp nhiều khó khăn và trục trặc. Chúng ta không ai muốn gặp phải tình huống khó khăn, nhưng chính những điều này đã cho chúng ta thêm kinh nghiệm và động lực để đi tiếp. Nói đến nghịch cảnh, ai cũng nghĩ nó ảnh hưởng xấu tới cuộc sống nhưng thật ra, nghịch cảnh có rất nhiều giá trị riêng. Câu danh ngôn đã chỉ ra rằng nghịch cảnh không chỉ là “phép thử của tình cảm” mà còn là thước đó của trí tuệ và bản lĩnh của con người.

Tham khảo thêm:   Cơn sốt game "OMG" trên Facebook và cách chơi

Khi chúng ta gặp phải nghịch cảnh, tức là khi chúng ta đang ở trong một tình huống mà cần tới sự giúp đỡ của người khác, lúc chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn thì “phép thử của tình cảm’’ chính là ám chỉ những ai đã ở lại bên cạnh giúp chúng ta cũng như những ai đã rời bỏ ta mà đi.

Khi chúng ta nghèo khó, họ đã không ở lại bên mình, thì đây cũng chính là cơ hội để ta nhận ra họ không thật lòng với mình và loại bỏ họ ra khỏi con đường tiến tới thành công của bản thân. “Thước đo của trí tuệ và bản lĩnh của con người” tức là để thử thách trí thông minh, nhạy bén của chúng ta để có thể giải quyết được những gì đang xảy ra và bản lĩnh chính là chúng ta đã dám nghĩ nhưng có dám làm hay không. Nghịch cảnh cho ta cơ hội để nhìn nhận lại bản thân. Xem chúng ta có đủ thông minh và bản lĩnh để vượt qua khó khăn này thành công, dám nghĩ thì phải dám làm.

Nghịch cảnh sẽ mang lại điều tiêu cực hay tích cực thì cũng đều phụ thuộc vào con người đó. Nếu học có trí thông minh, có những người đối với mình thật lòng và có bản lĩnh thì họ sẽ vượt qua được những khó khăn để vươn xa hơn. Ngược lại, đối với những người luôn cảm thấy tiếc nuối về những người đã rời bỏ mình, không dám làm điều gì vì sợ lại lún sâu thêm nữa thì họ sẽ mắc kẹt trong nghịch cảnh mãi mãi.

Thực tế đã cho thấy câu nói: “Nghịch cảnh không những là phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí thông minh và bản lĩnh con người” là đúng. Thiện Nhân, một cậu bé bị bỏ rơi trong rừng, tàn tật vì bị thú hoang tấn công. Tưởng rằng cậu bé sẽ buông xuôi số phận, sống trong buồn bã. Nhưng, bằng tất cả nghị lực của mình, cậu bé đã vượt lên, sống một cuộc đời lạc quan, yêu đời và vô cùng bản lĩnh.

Nghịch cảnh chính là bài học cho tất cả chúng ta, một khi ta đã vượt qua được nghịch cảnh khó khăn thì trí tuệ lẫn bản lĩnh của bản thân đều đã được nâng lên một bậc. Cứ như thế đến khi chúng ta đạt được thành công, cũng có nghĩa khi đó ta đã chứng minh được bản thân mình là một người thông minh, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Đối với mỗi người, hãy mở rộng trí óc lẫn tâm hồn, đón nhận cái thất bại ấy rồi lại đứng lên để đi xa hơn. Edison đã bị đuổi học, Einstein bị xem là một học sinh thiểu năng trí tuệ, bằng sự khích lệ của gia đình, họ đã vượt lên nghịch cảnh của bản thân và trở thành những thiên tài.

Nghịch cảnh là thử thách mà con người phải vượt qua để tiến tới tương lai, giúp ta có được những con người thật lòng đối với mình và có bản lĩnh hơn. Cũng như câu nói của Fanco Molinari: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản bước chân của bạn. Hãy xem nó đó như là một thềm đá nâng bạn bước cao hơn”.

Không còn cách nào khác, muốn tồn tại chúng ta phải vượt lên trên nghịch cảnh. Nếu không thể vượt qua nghịch cảnh, con người sẽ bị hủy diệt. Đó là quy luật của cuộc sống. Cuộc sống luôn luôn có hy vọng. Khi cuộc sống có trăm ngàn lý do bắt bạn phải khóc, bạn hãy cho cuộc sống thấy bạn luôn có trăm ngàn lý do để mỉm cười, hãy xem mọi khó khăn, trở ngại là cơ hội để rèn luyện bản thân, để chiến thắng và thành công.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 5

Danh ngôn Pháp có câu: “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”. Trong cuộc sống con người thường gặp phải những tình huống trớ trêu, những điều không như mong đợi, đây gọi là nghịch cảnh. Phải đối mặt với nghịch cảnh con người mới có thể chứng tỏ được bản thân. Đó không chỉ là một thử thách của tình cảm mà còn là thử thách đối với trí tuệ và bản lĩnh của mỗi người.

Trong tình cảm, nghịch cảnh chính là một phép thử, phải trải qua giông bão con người mới nhận thấy được tấm chân tình của nhau, mới biết ai là người chân thành, thủy chung, người sẵn sàng cùng ta vượt qua khó khăn gian nan thử thách. Nếu lúc nào các mối quan hệ cũng trơn tru tốt đẹp, trên một đường thẳng thì con người khó lòng biết được bụng dạ thật, biết được tình cảm của đối phương với mình. Nhưng nếu có nghịch cảnh, chẳng hạn như những sóng gió cuộc đời, khi bạn gặp khó khăn, lận đận, gặp trắc trở trong công việc và cần đến sự giúp đỡ, ai là người chia sẻ, cảm thông với bạn lúc này người đó sẽ là người chân thành, thật lòng. Con người thường hay nói lúc khó khăn hoạn nạn mới biết được lòng nhau cũng chính là vì vậy. Đối diện với những nghịch cảnh, nghĩa là con người đang trải qua một phép thử. Chẳng hạn người ta thường nói: muốn biết người phụ nữ có thật lòng hay không hãy chờ đến khi người đàn ông không có gì trong người, còn muốn biết người đàn ông có thật lòng hay không hãy chờ đến lúc anh ta có mọi thứ trong tay. Nếu người nào thay lòng đổi dạ khi đối phương gặp khó khăn cũng như khi đã có trong tay tất cả, người đó là một con người không đáng tin cậy, không thật lòng.

Đối với trí tuệ, nghịch cảnh chính là một thước đo. Đối diện với nghịch cảnh, con người có phát huy được năng lực của bản thân hay không có tìm cách vượt qua được khó khăn thử thách hay không sẽ khẳng định bản lĩnh trí tuệ của người đó. Nếu con đường học tập, công danh sự nghiệp luôn luôn thuận buồm xuôi gió, may mắn phát đạt thì con người sẽ khó lòng phát huy được hết những năng lực của bản thân. Phải gặp khó khăn thử thách thì con người mới chứng tỏ được mình. Chẳng hạn trong kinh doanh, khi gặp phải những khó khăn và phải đối diện với việc phá sản, sự thất bại, nếu một người tìm cách xoay sở được, chèo lái con đường sự nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thì chứng tỏ đó là một con người trí dũng mưu lược, giỏi giang tài cán.

Người dám đối diện với nghịch cảnh, dám mạnh mẽ tìm cách vượt qua những nghịch cảnh đó là người rất bản lĩnh. Nếu không phải là người bản lĩnh, gặp những khó khăn bất trắc đã sợ hãi rụt lại, đã e dè, không dám bước tiếp, vậy thì đó đích thị là một người nhút nhát, yếu hèn. Và như vậy thì sẽ rất khó để có thể thành công. Thái độ con người đối mặt với khó khăn thử thách, dám làm hết mình để vượt qua những khó khăn đó chính là một bản lĩnh kiên cường, dũng cảm đáng quý của con người. Chỉ trong những trường hợp như vậy họ mới bộc lộ hết những nét tài hoa, những phẩm chất tốt đẹp của mình.

Thất bại là mẹ thành công, không có con đường dẫn đến thành công nào trải đầy hoa hồng cả. Hạnh phúc cũng vậy, càng trải qua nhiều thăng trầm thì hạnh phúc có được mới càng đáng quý, đáng trân trọng. Đừng vội bi lụy, bi quan trước nghịch cảnh, hãy nghĩ rằng đó là những thử thách mà bạn cần vượt qua để đến được cái đích của thành công và hạnh phúc.

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 6

Giám đốc tập đoàn Viettel Nguyễn Văn Hùng đã từng nói “Nghịch cảnh là một điều tuyệt vời mà cuộc sống mang lại cho ta”. Phải chăng trên cuộc đời này còn rất nhiều số phận lang thang, bất hạnh, những khó khăn, đau khổ luôn trải khắp thách đố với mỗi người chúng ta? Tuy nhiên, khi lặng lại để nhìn chặng đường, ta cảm nghiệm được “nghịch cảnh không chỉ là phép thử của tình cảm mà là thước đo của bản lĩnh”.

Tham khảo thêm:   Kinh tế 10 Bài 4: Cơ chế thị trường Giải Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 sách Kết nối tri thức trang 21

Nghịch cảnh là hoàn cảnh trớ trêu, nghịch lý, éo le mà con người không mong muốn trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn, chiến tranh, xung đột, thất bại trong cuộc sống. Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm bởi lẽ qua gian khó, khổ đau, con người ta vẫn đứng lên và hiên ngang bước tiếp dẫu cho những tình cảm gắn bó bấy lâu. Nghịch cảnh là thước đo bản lĩnh nghĩa là qua nghịch cảnh, con người không chỉ hiểu thêm về tâm hồn, tình cảm của mình và của người mà quan trọng hơn, thấy được trí tuệ và bản lĩnh trong cuộc sống…Qua đó, người đọc hiểu được rằng ý kiến trên khẳng định ý nghĩa của nghịch cảnh trong quá trình nhận thức và tự nhận thức của con người.

Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống: Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Vì thế, họ luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Sao mọi thứ lại không trôi chảy?”; “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, trở ngại?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất công đến vậy?”; hay “Tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta sẽ thấy: nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống. Thật thế, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút và dẫn tới mất mát nặng nề. Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, nó vẫn tan thành mây khói. Qua nghịch cảnh, ta hiểu thêm về trái tim mình và trái tim người, thấy được tình cảm của tập thể và cả dân tộc. Đối diện và vượt qua nghịch cảnh, mỗi người và cả dân tộc sẽ chứng tỏ được tầm vóc của trí tuệ và bản lĩnh của mình.

Thật thế, những người có thái độ tích cực đối với thất bại thì trong đầu họ luôn nghĩ: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn” (Fanco Molinari). Những con người vượt qua nghịch cảnh như Nick như Thầy Nguyễn Ngọc Ký và hàng ngàn người khuyết tật đã gặt hái thành công vang dội dẫu cuộc đời họ có quá nhiều trái ngang. Nhưng bên cạnh đó cũng phê phán quan niệm và hành động sai lầm: chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp hoàn cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng và là thú tiêu khiển cho người khác.

Tuổi trẻ là mầm non tương lai của đất nước, của xã hội. Mỗi người trẻ là một “phát minh” mới của loài người, bởi đó hãy vượt qua nghịch cảnh và vững bước. Cuộc đời sẽ đẹp tươi hơn khi chúng ta biết đi qua “gai” hoa hồng và nắm chặt hoa hồng ở phía trước như cố nhạc sĩ Trần Lập cũng đã từng viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân chẳng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió…”.

Hạnh phúc đích thực của ta khi ta là chính ta qua những nghịch cảnh, ngang trái của cuộc đời. Để mọi tia sáng mãi chiếu rọi trên ta!

Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm – Mẫu 7

Nghịch cảnh là hoàn cảnh trớ trêu, nghịch lí, éo le mà con người không mong muốn trong cuộc sống. Ví dụ: ốm đau, tai nạn, chiến tranh, xung đột,… Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh: nghĩa là qua nghịch cảnh, con người không chỉ hiểu thêm về tâm hồn, tình cảm của mình và của người mà quan trọng hơn, thấy được trí tuệ và bản lĩnh trong cuộc sống. .

Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống:Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Vì thế, họ luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Sao mọi thứ lại không trôi chảy?”; “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, trở ngại?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất công đến vậy?”; hay “Tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta sẽ thấy: nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh.

Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống. Thật thế, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút. Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, nó vẫn tan thành mây khói.

Qua nghịch cảnh, ta hiểu thêm về trái tim mình và trái tim người, thấy được tình cảm của tập thể và cả dân tộc: Đối diện và vượt qua nghịch cảnh, mỗi người và cả dân tộc sẽ chứng tỏ được tầm vóc của trí tuệ và bản lĩnh của mình. Thật thế, những người có thái độ tích cực đối với thất bại thì trong đầu họ luôn nghĩ: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn” (Fanco Molinari).. Nếu bạn chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp hoàn cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng

Có một câu chuyện kể rằng: Những nông dân ở miền Nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để se chỉ, dệt vải). Một năm kia, những con sâu bọ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và lại tiếp tục trồng cây bông, hy vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng.Một số ít những người “sống sót” qua 2 năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng, đó là cây lạc (đậu phộng). Và kết quả là cây lạc của họ nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để họ trả hết nợ của 2 năm trước. Kể từ đó họ trồng cây lạc và rất phát đạt.

Và rồi bạn biết những người nông dân đó làm gì không? Họ trích một phần trong tài sản của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố để ghi công “những con sâu bọ”. Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra cây lạc. Họ sẽ mãi mãi đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ một cậu bé bị bỏ rơi trong vườn ngay khi vừa lọt lòng, bị thú hoang ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, “chú lính chì” Thiện Nhân đã hồi sinh mạnh mẽ để giờ đây trở thành một cậu bé vui vẻ, hoạt bát, thông minh và vô cùng bản lĩnh.

Bài học nhận thức và hành động: Tự làm giàu cho tâm hồn và trí tuệ để có đủ sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.“Thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. Chúng ta không chỉ cần chấm dứt ngay nỗi sợ hãi thất bại mà còn cần sẵn sàng chấp nhận thất bại, thậm chí hào hứng đón nhận thất bại. Họ gọi phương pháp đón nhận thất bại này là ‘thất bại để tiến lên’. Bạn chỉ cần bắt tay thực hiện, phạm sai lầm và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình. Tất cả những kinh nghiệm thu được đều là những thông tin hữu ích bạn có thể sử dụng cho những lần sau” (Jack Canfield – trích trong “những nguyên tắc thành công”).

Sống yêu thương, đoàn kết, tỉnh táo để cùng nhau chiến thắng nghịch cảnh với cả cộng đồng. Chúng ta không bao giờ có thể học được sự can đảm và kiên nhẫn nếu chỉ có niềm vui trên thế gian này. Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười. Đôi khi trong thử thách và nghịch cảnh, ta mới có thể thực sự tìm thấy sự an toàn

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 12 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *