Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn suy nghĩ về Thất bại là mẹ thành công (5 Mẫu) Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Viết đoạn văn về Thất bại là mẹ thành công gồm 5 mẫu kèm theo gợi ý cách viết mà Wikihoc.com giới thiệu dưới đây sẽ là tư liệu cực kì hữu ích với các bạn học sinh lớp 12. Viết đoạn văn Thất bại là mẹ thành công giúp các bạn nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch.

Đoạn văn về thất bại là mẹ thành công không chỉ giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi ngôn ngữ mà còn có thêm hiểu biết thêm cần phải làm gì từ những thất bại trong cuộc sống. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm: đoạn văn nghị luận về hiện tượng sống ảo, đoạn văn viết về sự cống hiến.

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Thất bại là mẹ của thành công”.

Viết đoạn văn 200 chữ Thất bại là mẹ thành công

Có bao giờ bạn từng nghĩ: đoạn đường tương lai phía trước của mình sẽ như thế nào không? Mình sẽ là ai? Thành công hay thất bại? Nhưng bạn ơi, bạn hãy nhớ rằng, ở đời có thành có bại, bởi lẽ: Thất bại là mẹ của thành công. Thất bại là cảm giác buồn bã, thất vọng, đau khổ khi đã cố gắng nhưng chưa đạt được mục tiêu mà bản thân mình đề ra. Không có thất bại sẽ không rút ra được bài học kinh nghiệm và không có được thành công. Còn thành công là khi chúng ta đạt được mục tiêu, mơ ước, có được những thứ bản thân mình đề ra, phát triển con người như mình mong đợi. Đó là cảm giác hạnh phúc, hãnh diện, tự hào về những thứ mình gây dựng được từ mồ hôi công sức của mình. Trên con đường của mình sẽ có lúc chúng ta gặp thất bại, nhưng hãy biết đứng lên để vượt qua thất bại đó, hướng đến mục tiêu và ta sẽ có được thành công. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, cũng như không phải ta cứ cố gắng thì sẽ đạt được thành quả như mong muốn. Thất bại là điều sẽ luôn xảy ra với mọi người, thất bại chỉ nói lên rằng mình chưa đủ kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc, thất bại không có nghĩa là bản thân chúng ta yếu kém, không có khả năng. Có thất bại mới rút ra được bài học, hoàn thiện bản thân và cẩn thận hơn rồi từng bước tiến đến thành công, chính vì thế, mỗi người hãy đối diện với thất bại một cách vững tâm nhất. Mỗi chúng ta cần có ý thức rèn luyện bản thân mình, không nên nản chí sau mỗi lần thất bại, hãy tự rút ra bài học cho mình, phấn đấu vươn lên và hướng về phía trước, hướng đến những điều tích cực, mọi sự cố gắng đều sẽ được đền đáp xứng đáng. Mỗi người hãy rèn luyện cho bản thân lối suy nghĩ tích cực, biết đứng dậy sau vấp ngã nỗ lực đạt đến thành công để có thể tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc đời.

Tham khảo thêm:   Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2018 môn Toán trường THPT Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh - Lần 2 Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2018 môn Toán

Suy nghĩ của em về câu nói thất bại là mẹ thành công

Ông cha ta có câu: “Thất bại là mẹ của thành công”, tôi nhận thấy đây là câu tục ngữ nêu lên một chân lí hoàn toàn đúng đắn. Trước hết, ta hiểu câu tục ngữ như thế nào? Câu tục ngữ có sáu tiếng nhưng trong đó có hai tiếng trái ngược nhau: Thất bại là mẹ thành công. Đồng thời, chỉ trong có bốn từ đó thôi, mà dân gian kết hợp vừa so sánh để khẳng định qua từ là, lại kết hợp nghệ thuật ẩn dụ: Coi thất bại là người mẹ (của thành công). Khi nói đến mẹ chẳng nghĩ đến sự dạy bảo chí tình, chí nghĩa: Ai chẳng biết mẹ mong mỏi những điều tốt cho các con, mẹ mong các con thành đạt. Vậy có gì vô lí khi thất bại của mỗi chúng ta lại được ví dụ như mẹ ta. Vì thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra chỗ yếu của mình để bổ sung cho ta hoàn thiện, để thêm cho ta sức mạnh. Thất bại nhiều lần, ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm được nhiều lần để đi đến chiến thắng. Trong cuộc sống con người không phải lúc nào cũng luôn gặp điều tốt đẹp, làm cái gì cũng thành công. Song điều quan trọng là phải có nghị lực nhìn vào thất bại ấy, mà rút kinh nghiệm, mà học hỏi, bổ sung hoàn thiện vốn hiểu biết của mình thì chắc chắn thành công sẽ đến. Không cần phải lấy ví dụ đâu xa, thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ này. Một đứa trẻ mới chập chững tập đi lúc đầu chắc chắn sẽ bị vấp ngã nhiều lần, nhưng nếu bé vịn giường, đứng lên đi tiếp thì chân bé sẽ cứng cáp hơn, bàn chân đặt trên mặt đất sẽ vững vàng hơn, và dần dần, bé sẽ đi vững và nhanh hơn. Hi vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ có cách nhìn nhận về thành và bại một cách cởi mở hơn, lạc quan hơn khi hướng về tương lai.

Viết đoạn văn về thất bại là mẹ thành công

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Ai chiến thắng mà chưa hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chưa dại đôi lần”. Thật vậy, chẳng có chiến thắng nào lại tự dưng đến, nó chính là kết quả tổng hợp của những thất bại mà bạn đã trải qua. Đúng như câu nói “Thất bại là mẹ của thành công”. Thất bại là kết quả mà bạn không đạt được như điều mình mong muốn. Và “thất bại là mẹ của thành công” là nhấn mạnh đến những thứ bạn không đạt được ấy chính là kinh nghiệm, bài học quý báu để giúp bạn chinh phục được điều mình mong muốn. Xét về mặt khao khát của con người thì chẳng ai mong muốn mình thất bại cả. Vì thất bại thật đau đớn, bao nhiêu sự nỗ lực, công sức, tiền của, thậm chí cả sự giúp đỡ của gia đình và bè bạn nữa đều đổ sông đổ biển. Nhưng xét đường dài trong cuộc đời mỗi người, thất bại lại trở thành những điều thực sự quý báu. Bạn có thể chán nản, tuyệt vọng, cho phép mình khóc thật to khi thất bại… nhưng chắc chắn điều đó chỉ diễn ra trong chốc lát thôi. Nhìn nhận lại, bạn phải phát hiện ra bạn thất bại từ đâu, điều gì khiến bạn không đạt được thành công như mình mong ước. Trong đó quan trọng nhất là năng lực, ý chí của bản thân đã đủ chưa để làm được điều đó. Thất bại lúc ấy không phải điều nhục nhã như bạn tưởng, nó lại trở thành ánh sáng soi đường để bạn đứng dậy đi tiếp. Thiết nghĩ Walt Disney mà sớm bỏ cuộc vì sự gạt bỏ của chủ đầu tư thì ông sẽ không tạo ra những nhân vật hoạt hình để đời cho trẻ em trên toàn thế giới. Thomas Edison không dám chắc mình sẽ tạo ra bóng đèn nếu không lấy bài học từ 10.000 lần thử nghiệm thất bại. Chân dung những “con cá mập” trong chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) chẳng dễ dàng gì ngồi vào ghế nóng để cho những bạn trẻ lập nghiệp kêu gọi vốn đầu tư. Có người trong số họ phải trả giá bằng máu và nước mắt. Ấy vậy mà ngoài kia, nhất là những bạn trẻ thất bại dù trong một chuyện cỏn con cũng cảm thấy yếu đuối, oán trách hết người này người nọ. Hay có những người vấp ngã một lần đã vội thu mình lại, sợ hãi chẳng dám dũng cảm đứng lên và bước tiếp. Thất bại là một phần của cuộc sống, nó chính là thứ sẽ xảy ra trong cuộc đời của các bạn dù ít hay nhiều. Nó có nhiều ý nghĩa tích cực hơn là những đau khổ mà chúng ta nghĩ. Vấn đề của bạn là sẽ đón nhận thất bại như thế nào? Có tỉnh táo và vững vàng để nhận ra nó là thử thách của bản thân mà mình phải cố gắng học tập và rèn luyện để vượt qua. Ai rồi cũng sẽ đi qua thất bại, tôi tin là thế!

Tham khảo thêm:   Kế hoạch dạy học môn Lịch sử - Địa lí 7 sách Cánh diều Phân phối chương trình môn Lịch sử - Địa lí 7

Đoạn văn nghị luận Thất bại là mẹ thành công

“Thất bại là mẹ thành công” hàm chứa triết lý sống, cách sống mạnh mẽ: thất bại không được nản lòng, sau mỗi lần thất bại giúp ta tiến đến thành công. Trong cuộc đời mỗi con người, ai mà không có lần thất bại trong công việc, nhưng đừng vì thất bại (dù tới vài lần liên tiếp) mà nản lòng. Có thất bại rồi mới có kinh nghiệm và rút ra bài học sau mỗi lần thất bại để sửa đổi lại lối suy nghĩ, cách làm việc và từ đó giúp ta tiến gần đến sự thành công. Có được những thành công trong cuộc sống chính là biết đi lên từ những thất bại. Hơn 3000 lần thí nghiệm thất bại, nhà bác học Edison mới sáng chế ra được bóng đèn điện. Huyền thoại Steve Jobs bị sa thải ra khỏi chính công ty do ông thành lập bởi những sai lầm, để rồi sau đó ông quay trở lại làm nên lịch sử của chiếc Iphone. kể cả thiên tài Albert Einstein cũng không thể tránh khỏi những thất bại tạm thời trước khi trở thành nhà khoa học vĩ đại mọi thời đại. “Thất bại là mẹ thành công” bao hàm một nhân sinh quan tích cực, một lời khuyên đúng đắn: sống mạnh mẽ, lạc quan và luôn có niềm tin vào mục đích sống tốt đẹp. Là tuổi trẻ, bạn đừng nên lãng phí thời gian cuộc đời với lối sống an nhàn, hưởng thụ. Hãy dũng cảm nghĩ lớn, khát khao lớn và dũng cảm hành động. Đừng sợ vấp ngã, đừng sợ thất bại, bởi chính nó sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn để đi đến thành công.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 2: Viết đoạn văn tả con trâu (4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 2

Viết đoạn văn Thất bại là mẹ thành công

“Thất bại là mẹ thành công” – bạn có đồng ý không? Mới nghe qua có vẻ vô lí vì thất bại là sự đối lập của thành công vậy tại sao lại là “mẹ” của thành công được? Thành công là trạng thái mà con người đạt được mục đích mà họ mong muốn. Còn thất bại thì ngược lại đó là khi chúng ta không đạt được điều mình muốn. Trong câu nói này ý chỉ rằng thất bại chính là tiền đề để tạo nên sự thành công. Khi bạn thất bại bạn sẽ có kinh nghiệm hơn về việc đó để rồi sau này có thể hạn chế được mặt tiêu cực và đạt được thành công. Sau thất bại bạn sẽ có động lực để vực dậy, sửa đổi mặt yếu kém. Cứ như thế thành công sẽ chào đón bạn. Các nhà khoa học đã phải thất bại rất nhiều trước khi có những phát minh có thể làm thay đổi cả thế giới. Nhưng nếu khi bạn thất bại mà chán nản, bỏ cuộc để rồi bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công mà bạn mong muốn. Chúng ta cần có ý thức, nghị lực để khắc phục thất bại và biến nó thành thành công. Thất bại chưa là dấu chấm hết, nó thực sự kết thúc là khi bạn không có nghị lực sống để giải quyết thất bại. Cánh cửa thành công luôn chào đón bạn, vậy tại sao bạn không tự đứng lên để Bắt Đầu.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn suy nghĩ về Thất bại là mẹ thành công (5 Mẫu) Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *