Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 11: Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng (2 Dàn ý + 3 mẫu) Hạnh phúc của một tang gia ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 11: Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng trong Hạnh phúc của một tang gia là tài liệu rất hữu ích mà Wikihoc.com muốn giới thiệu đến các bạn cùng tham khảo. Thông qua tài liệu này giúp các bạn lớp 11 có thêm nhiều tư liệu ôn tập, trau dồi ngôn ngữ để biết cách làm văn ngày một hay hơn.

Phán Mọc Sừng xuất thân là một trí thức, làm rể trong gia đình đại tư sản của cụ cố Tổ nhưng cuộc sống hôn nhân của Phán Mọc Sừng với vợ lại không hề hạnh phúc. Nhân vật này để lại trong lòng độc giả bởi tiếng khóc. Tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng chính là sự cao tay của Vũ Trọng Phụng khi tái hiện về một xã hội và đạo đức, nhân cách và tình người đều đã xuống đến mức âm, không thể cứu vãn. Vậy sau đây là dàn ý và 3 bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Ông phán mọc sừng đã có những cử chỉ hành động gì

Gợi ý làm bài

1. Cử chỉ, hành động của ông Phán mọc sừng

  • Khóc to Hứt!…Hứt!…Hứt!…, khóc quá, muốn lặng đi, may có Xuân đỡ cho khỏi ngã.
  • Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng loè xoè, ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.
  • Dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ một cái giấy bạc năm đồng gấp tư.

2. Ý nghĩa

– Ông Phán đang cố gắng cho thiên hạ thấy mình là đứa cháu chí hiếu, đau đớn trước cái chết của cụ cố tổ. Đồng thời nhanh chóng trả công cho Xuân- kẻ đã gây nên cái chết kia. Điều này cho thấy bản chất giả nhân giả nghĩa, hám của và cạn tình người của nhân vật Phán mọc sừng.

– Thể hiện thái độ mỉa mai, phê phán của Vũ Trọng Phụng với xã hội thượng lưu giả tạo.

– Đây là những chi tiết nghệ thuật đắt giá thể hiện sự sắc sảo của một ngòi bút trào phúng bậc thầy.

Dàn ý phân tích tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng

Dàn ý chi tiết số 1

I. Mở bài:

– Vũ Trọng Phụng là một cây bút xuất sắc trong nền văn học trào phúng và châm biếm của văn học Việt Nam.

– Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, trong đó đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia có lẽ là phân đoạn châm biếm sâu sắc và hiện thực nhất về nhân cách cũng như những trò lố lăng của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Tiếng khóc “Hứt…hứt…hứt” của ông Phán Mọc Sừng gần cuối đoạn trích cũng để lại cho độc giả nhiều suy nghĩ.

II. Thân bài:

* Tổng quan về đoạn trích:

– Sự trào phúng, châm biếm thể hiện từ ngay nhan đề của tác phẩm.

– Cái chết của ông cụ cố đã trở thành niềm hạnh phúc của đám con cháu bất hiếu.

– Hiện thực xã hội đầy đau xót khi mà sự ra của một người lại trở thành nơi để con người ta chuộc lợi, khoe mẽ, tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

* Tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng:

– Là một trí thức, nhưng ông ta có cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, là phận ở rể, lại bị cô vợ tặng cho một rổ sừng to trên đầu.

– Thế nhưng bằng một nỗ lực kinh người, ông ta vẫn nhẫn nhịn, nhằm bấu víu vào cái gia đình thượng lưu ấy để kiếm trác.

– Từ bỏ hết lòng tự tôn và liêm sỉ của một người đàn ông, mua chuộc Xuân bằng 5 đồng để hắn ta tố cáo chuyện vợ mình hoang dâm, nhằm được ông cố Hồng chia thêm vài ngàn đồng.

– Để hoàn tất cái chữ “tín” của mình với Xuân ông ta đã phải dựng một vở kịch khóc lóc đau khổ, để có cơ hội được Xuân đỡ đần rồi dúi cho hắn 5 đồng gấp tư một cách trót lọt.

– Tiếng khóc “Hứt…hứt…hứt” kỳ quái, âm thanh ấy không mang đến sự đau thương, bi thảm, độc giả chỉ cảm nhận được một sự giả tạo rất đỗi lố bịch, tiếng khóc của ông ta lạ lùng đến mức ai ai cũng “để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”.

– Vở kịch này ông Phán đã diễn một cách quá đỗi hoàn hảo, vừa được cái tiếng hiếu nghĩa, đau thương còn hơn cả người nhà, được bao người để ý, lại vừa làm tròn được cái chữ tín giữa ông và Xuân tóc đỏ.

– Ông Phán cũng khóc vì tống tiễn chút liêm sỉ, tình người còn lại, khóc vì cái hạnh phúc sắp hoàn thành xong cuộc giao dịch, cuối cùng cũng nắm chắc được vài ngàn đồng trong tay, nhờ bán cặp sừng hươu to trên đầu.

– Tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng là đỉnh điểm cho sự giả tạo, của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ, khóc cũng có mục đích, đắng cay cho một xã hội, cho một gia đình “thượng lưu”.

III. Kết bài:

– Tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng chính là sự cao tay của Vũ Trọng Phụng khi tái hiện về một xã hội và đạo đức, nhân cách và tình người đều đã xuống đến mức âm, không thể cứu vãn.

– Tiếng khóc ấy kết thúc đoạn trích và chính là một trong những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi những tiếng cười dài trong cả tiểu thuyết Số đỏ, khi mà đã đến lúc con người ta phải trở thành diễn viên trong chính vở kịch của mình, khóc lóc sao cho hợp lý để đạt được những mục đích đê tiện, vì tiền!

Dàn ý chi tiết số 2

1. Mở bài

– Giới thiệu tác phẩm: “Hạnh phúc của một tang gia”

– Tác phẩm được coi là trích đoạn đặc sắc nhất thể hiện được tiếng cười trào phúng và nhiều tư tưởng nhân sinh sâu sắc trong Số đỏ. Một chi tiết nhỏ nhưng lại mang đến những ấn tượng vô cùng độc đáo trong đoạn trích này, đó chính là tiếng khóc của Phán Mọc Sừng “hứt, hứt, hứt”.

2. Thân bài

– Phán Mọc Sừng xuất thân là một trí thức, làm rể trong gia đình đại tư sản của cụ cố Tổ nhưng cuộc sống hôn nhân của Phán Mọc Sừng với vợ lại không hề hạnh phúc.

–> Vợ ngoại tình

– Phán Mọc Sừng biết toàn bộ sự thật về người vợ không đoan chính nhưng lại không lấy làm xấu hổ mà nhu nhược, vô liêm sỉ đến mức tự mang danh dự của mình ra để kiếm trác trong gia đình nhà vợ.

– Phán Mọc Sừng đã dùng năm đồng để mua chuộc Xuân Tóc Đỏ để trước mặt toàn bộ mọi người trong gia đình, Xuân sẽ chỉ tay vào mặt hắn và nói “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng”.

– Để hoàn thành “giao dịch” với Xuân Tóc Đỏ, Phán Mọc Sừng đã phải tự xây dựng một kịch bản, trong đó hắn vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính.

–> Tiếng khóc “hứt hứt hứt” cũng là một phần trong kịch bản ấy.

– Phán mọc sừng khóc là để hoàn thành nốt những thỏa thuận với Xuân Tóc đỏ trước đó.

– Nhận được món hời lớn từ gia đình cụ cố Hồng để bưng bít sự thật về việc ngoại tình, Phán Mọc Sừng sung sướng, hạnh phúc vì nhận được:thêm vài ba nghìn bạc”.

– Hắn cũng vô cùng sốt sắng muốn trả nốt năm đồng để giữ chữ tín cho bản thân. Khi hạ huyệt là cơ hội tốt nhất để Phán Mọc Sừng hoàn thành giao dịch.

3. Kết bài

Tiếng khóc của Phán Mọc Sừng cũng nằm trong chuỗi tiếng cười trong tác phẩm. Qua tiếng khóc này người đọc đã phần nào thấy được thực trạng xã hội mà Vũ Trọng Phụng lên án, thể hiện sâu cay cái bi hài trong một gia đình đại quý tộc danh giá.

Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng – Mẫu 1

Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” có thể làm vinh dự cho bất cứ nền văn học nào có nó. Xuyên suốt 20 chương truyện, trong đó Hạnh phúc của một tang gia được coi là trích đoạn đặc sắc nhất thể hiện được tiếng cười trào phúng và nhiều tư tưởng nhân sinh sâu sắc. Một chi tiết nhỏ nhưng lại mang đến những ấn tượng vô cùng độc đáo trong đoạn trích này, đó chính là tiếng khóc của Phán Mọc Sừng “hức, hức, hức”.

Tham khảo thêm:   Nghị định 69/2018/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương

Phán Mọc Sừng xuất thân là một trí thức, làm rể trong gia đình đại tư sản của cụ cố Tổ nhưng cuộc sống hôn nhân của Phán Mọc Sừng với vợ lại không hề hạnh phúc. Ngay cái tên gọi Phán Mọc Sừng cũng được bắt đầu từ việc vợ ông Phán có tư tình bên ngoài. Điều đáng nói là Phán Mọc Sừng biết toàn bộ sự thật về người vợ không đoan chính nhưng lại không lấy làm xấu hổ mà nhu nhược, vô liêm sỉ đến mức tự mang danh dự của mình ra để kiếm trác trong gia đình nhà vợ.

Phán Mọc Sừng đã dùng năm đồng để mua chuộc Xuân Tóc Đỏ để trước mặt toàn bộ mọi người trong gia đình, Xuân sẽ chỉ tay vào mặt hắn và nói “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng”. Và đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cụ cố Tổ. Là người trọng danh dự của gia đình, khi nghe lời nói của Xuân Tóc Đỏ cụ cố Tổ đã tăng xông mà chết.

Trong đám ma của cụ cố Tổ, để hoàn thành “giao dịch” với Xuân Tóc Đỏ, Phán Mọc Sừng đã phải tự xây dựng một kịch bản, trong đó hắn vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính. Tiếng khóc “hứt hứt hứt” cũng là một phần trong kịch bản ấy.

Trước khi hạ huyệt, Phán Mọc Sừng vẫn chưa thể trả năm đồng bạc cho Xuân Tóc Đỏ, trước khi tiếng khóc xuất hiện, ta thấy trong tác phẩm có hai chi tiết Xuân Tóc Đỏ xuất hiện bên Phán Mọc Sừng “Xuân tóc đỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ bên cạnh ông Phán Mọc Sừng” và “lúc cụ cố Hồng mếu máo và ngất đi”. Cả hai chi tiết đều là cơ sở để tiếng khóc có một không hai của Phán Mọc Sừng xuất hiện.

Trong đám ma của cụ cố Tổ chỉ xuất hiện hai tiếng khóc, đó là tiếng khóc của cố Hồng “mếu máo và ngất đi” và “hứt hứt hứt” của Phán Mọc Sừng. Tuy nhiên cả tiếng khóc đều không xuất phát từ sự thương cảm, xót xa với người đã mất mà chỉ là sự giả tạo đến vô tình. Nếu như cụ cố Hồng khóc để cho thiên hạ biết mình là người con có hiếu thì Phán Mọc Sừng khóc là để hoàn thành nốt những thỏa thuận với Xuân Tóc đỏ trước đó.

Nhận được món hời lớn từ gia đình cụ cố Hồng để bưng bít sự thật về việc ngoại tình, Phán Mọc Sừng sung sướng, hạnh phúc vì nhận được :thêm vài ba nghìn bạc”, do đó hắn cũng vô cùng sốt sắng muốn trả nốt năm đồng để giữ chữ tín cho bản thân. Khi hạ huyệt là cơ hội tốt nhất để Phán Mọc Sừng hoàn thành giao dịch, cũng là đoạn cao trào nhất của vở kịch mà Phán Mọc Sừng dựng lên. Hắn khóc “hứt hứt hứt”, khóc to đến lả người đi, nhân cơ hội này hắn ngả vào người Xuân và chính lúc ấy hắn đã dúi thành công năm đồng vào tay của Xuân Tóc Đỏ.

Tiếng khóc của Phán Mọc Sừng cũng nằm trong chuỗi tiếng cười trong tác phẩm. Qua tiếng khóc này người đọc đã phần nào thấy được thực trạng xã hội mà Vũ Trọng Phụng lên án, thể hiện sâu cay cái bi hài trong một gia đình đại quý tộc danh giá.

Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng – Mẫu 2

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một cây bút trào phúng và châm biếm bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn trước cách mạng, chính vì phong cách viết văn đặc sắc ấy mà nhiều người thường ví ông là Ban-dắc của Việt Nam. Với thời gian cầm bút ngắn ngủi chỉ tầm 10 năm thế nhưng những tác phẩm của ông bao gồm cả tiểu thuyết và phóng sự đều để lại cho nền văn học dân tộc những giá trị hiện thực sâu sắc, là những trang nhật ký đặc sắc về một giai đoạn mà xã hội có nhiều biến đổi sâu sắc, nhân cách và đạo đức con người xuống cấp trầm trọng. Vũ Trọng Phụng đứng giữa thành thị, nhìn vào cuộc sống nơi phồn hoa đô hội bằng một đôi mắt thực tế, bằng ngòi bút sâu cay ông đã vẽ nên một bức tranh xã hội, mà nội dung chính là cuộc sống của tầng lớp thượng lưu. Ông đã xé tan cái vỏ ngoài bóng bẩy, sang trọng, phơi bày cái bộ mặt thối tha, đồi bại, tha hóa về đạo đức, nơi mà với con người ta tình thân, tình người không đáng giá bằng một cọng rơm cọng rác, chỉ có tiền tài địa vị và những thú vui tầm thường, ích kỷ lên ngôi. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, trong đó đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia có lẽ là phân đoạn châm biếm sâu sắc và hiện thực nhất về nhân cách cũng như những trò lố lăng của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Tiếng khóc “Hứt…hứt…hứt” của ông Phán Mọc Sừng gần cuối đoạn trích cũng để lại cho độc giả nhiều suy nghĩ.

Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia là do người soạn sách đặt, nhưng tin chắc rằng nếu để Vũ Trọng Phụng làm điều đó ông cũng sẽ có lựa chọn tương tự, bởi nhan đề ấy quá đúng và quá phù hợp cho đoạn trích này. Từ cổ chí kim có lẽ người ta chưa từng, chưa bao giờ chứng kiến một đám tang mà cả họ lại vui mừng đến thế, mỗi người đều ấp ủ riêng cho mình một niềm “hạnh phúc”, mà chỉ cần ông cụ cố ra đi là chúng đều trở thành hiện thực. Thật tội nghiệp và xót xa cho ông cụ đáng thương, khi có một đám con cháu bất hiếu, cũng thật đau xót cho một cái xã hội mà sự ra của một người lại trở thành nơi để con người ta chuộc lợi, khoe mẽ, tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Không có một giọt nước mắt nào rơi xuống vì người quá cố, không một niềm tiếc thương nào xuất hiện trong tâm hồn của những con người “thượng lưu” ấy cả. Cũng không nghĩ được rằng, cái kẻ vô tình gây ra cái chết cho ông cụ là Xuân tóc đỏ bỗng nhiên danh dự lại càng thêm to, thậm chí hắn còn chẳng biết sợ mà ngang nhiên ngồi xe đưa vòng hoa đến rước, tỏ ý tiếc thương giả tạo. Cả họ nhà ông cố Hồng, cũng chẳng ai mảy may đếm xỉa xem ông cụ cố chết là do đâu, chỉ cần biết rằng “ông cụ già chết thật”, không phải chết giả là được! Đương lúc buổi tang gia bối rối, thế nhưng họ không phải bối rối vì cái chết của ông cụ cố, mà bối rối với cái lòng riêng tư của mình, ví như anh Văn Minh cháu đích tôn, chỉ đăm chiêu mãi với “cái chúc thư kia sẽ vào thời gian thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”. Cụ cố Hồng thì đang mải mơ mộng về lúc “mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu” để người ta chỉ trỏ, khen ngợi, khẳng định từ nay trở đi ông đã chính thức trở thành chủ của cái gia đình này. Còn những người khác cũng vô tâm, ích kỷ không kém, bà Văn Minh mải nghĩ đến những bộ đồ xô gai kiểu mới nhất, cô Tuyết bộc lộ cái tâm tính lẳng lơ của mình cả khi ông nội chết, cô ả chỉ mãi nhớ thương về tình nhân của mình là Xuân, còn cậu tú Tân thì mãi sốt ruột vì chưa được trổ tài chụp ảnh “kỷ niệm” đám tang với đống máy ảnh cậu đã chuẩn bị từ lâu.

Trong đoạn trích còn có sự xuất hiện của ông Phán Mọc Sừng, cái sừng của ông to đến mức đến chính ông ta cũng tự ví nó là “đôi sừng hươu vô hình”. Một người đàn ông ở rể, bị cô con gái cả Hoàng Hôn nhà ông cố Hồng dâm loạn, cắm cho một rổ sừng, thế nhưng bằng một cách nào đó ông ta vẫn nhẫn nhịn, vẫn chịu đựng dù bị Xuân tóc đỏ tố cáo cái tội hoang dâm của cô vợ, mất sạch không còn một chút mặt mũi nào cả. Đó là một sức chịu đựng, một nỗ lực siêu phàm, bởi cái lòng tự tôn của một người đàn ông là thứ khó có thể chạm vào, đặc biệt trong hôn nhân lại càng khó có thể tha thứ khi biết được vợ mình không thèm “vuốt mặt nể mũi” mà đi lang chạ với nhiều người đàn ông khác. Thế rồi khi đọc đoạn trích người ta mới chợt hiểu ra rằng, cái nỗ lực kinh người đó của ông Phán, khiến ông từ bỏ hết lòng tự trọng, liêm sỉ và lòng ghen tuông ấy lại chính là đồng tiền. Ông ta chẳng mảy may đau khổ vì bị cắm sừng, xót thương vì cái chết của cụ cố nhà vợ, hay căm thù chi Xuân tóc đỏ, thậm chí còn mừng húm vì không ngờ rằng cặp sừng hươu của mình lại được ông bố vợ quý hóa đền đáp thêm cho mấy ngàn đồng. Đáng lắm! Đáng lắm chứ! Tận mấy ngàn đồng cơ đấy. Như vậy chính ra cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và nhân cách của ông ta đã trở thành thứ có thể đem ra để lợi dụng, kiếm chác từ cái gia đình “thượng lưu” mà ông ta đang bấu víu vào. Ông ta lại càng biết ơn, tin tưởng vào “cái tài quảng cáo” của Xuân, mà thực ra đó là lời tố cáo tội hoang dâm của cô Hoàng Hôn, bởi dẫu sao thì có tiền là được, mặt mũi cũng chẳng thể thành cơm ăn áo mặc được. Ông ta háo hức, mong muốn được gặp ngay Xuân để trả nốt 5 đồng tiền mua chuộc, hòng giữ chữ tín, dù cho hắn có chỉ tay vào mũi ông ta mà bảo rằng “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng”. Nhưng làm sao để gặp và đưa tiền cho Xuân một cách trót lọt? Ông Phán đã phải tự mình đi vào một vở kịch, vở kịch đau khổ, vở kịch mà một người cháu rể quý hóa khóc vật vã trước linh cữu của ông cụ cố bất hạnh. Ban đầu, sau khi cụ cố Hồng khóc nhiều đến mức “kiệt sức” và ngất đi thì ông Phán tiếp tục cái màn khóc lóc vật vã ấy với tiếng khóc “Hứt…hứt…hứt” kỳ quái, âm thanh ấy không mang đến sự đau thương, bi thảm, cũng không thấy Vũ Trọng Phụng đề cập đến việc ông ta có rơi giọt nước mắt quý giá nào không. Mà độc giả chỉ cảm nhận được một sự giả tạo rất đỗi lố bịch, tiếng khóc của ông ta lạ lùng đến mức ai ai cũng “để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”. Ông Phán phải cố khóc sao cho giống thật, “khóc quá, muốn lặng đi” để có cớ dựa vào Xuân, để Xuân đỡ cho khỏi ngã, “cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi”, thế rồi nhân cái cơ hội đang đau buồn, bối rối ấy, ông ta dúi hẳn vào tay Xuân 5 đồng bạc gấp tư, mà không một ai biết dưới cái cái sự thân thiết, đỡ đần tận tình lố bịch như thật kia là một cuộc giao dịch, một cuộc giữ chữ tín hài hước. Vở kịch này ông Phán đã diễn một cách quá đỗi hoàn hảo, vừa được cái tiếng hiếu nghĩa, đau thương còn hơn cả người nhà, được bao người để ý, lại vừa làm tròn được cái chữ tín giữa ông và Xuân tóc đỏ. Đôi lúc nghĩ xa hơn, có lẽ ông Phán cũng khóc vì tống tiễn chút liêm sỉ, tình người còn lại, khóc vì cái hạnh phúc sắp hoàn thành xong cuộc giao dịch, cuối cùng cũng nắm chắc được vài ngàn đồng trong tay, nhờ bán cặp sừng hươu to trên đầu. Vậy mấy tiếng khóc “Hứt! Hứt! Hứt” kia nào có thể làm khó được ông, ông sẵn sàng noi gương ông bố vợ, tiếp tục cái sự nghiệp khóc lóc khi ông cố Hồng đã cạn sức mà ngất đi, nối tiếp cái trò lố bịch giả tạo ấy, và cũng dễ dàng thực hiện được cái việc trả tiền cho Xuân một cách tự nhiên và hợp lý. Có lẽ rằng tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng là đỉnh điểm cho sự giả tạo, của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ, khóc cũng có mục đích, đắng cay cho một xã hội, cho một gia đình “thượng lưu” khi có cô cháu gái buồn chẳng phải vì ông chết mà vì tình nhân không đến, cháu rể khóc là vì để trả nợ, ông con trai khóc cũng là để diễn cho bàn dân thiên hạ xem ông ta có hiếu ra sao. Vũ Trọng Phụng đã rất xuất sắc khi tái hiện một khung cảnh đám tang lạ lùng, lố bịch và hài hước, khiến độc giả cười ra nước mắt vì một xã hội “thượng lưu” quá khủng khiếp, quá giả tạo.

Tham khảo thêm:   Bộ đề kiểm tra 15 phút môn Hóa học lớp 8 Chương 1 5 Đề kiểm tra 15 phút môn Hóa học lớp 8

Tiếng khóc của ông Phán Mọc Sừng chính là sự cao tay của Vũ Trọng Phụng khi tái hiện về một xã hội và đạo đức, nhân cách và tình người đều đã xuống đến mức âm, không thể cứu vãn. Tiếng khóc ấy kết thúc đoạn trích và chính là một trong những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi những tiếng cười dài trong cả tiểu thuyết Số đỏ, khi mà đã đến lúc con người ta phải trở thành diễn viên trong chính vở kịch của mình, khóc lóc sao cho hợp lý để đạt được những mục đích đê tiện, vì tiền! Thật đáng cười cho một xã hội, khi một kẻ vứt hết liêm sỉ, mặt mũi để có vài ngàn đồng mà lại phải vất vả khóc lóc vật vã nhằm trả tiền, giữ chữ “tín” trong cuộc buôn bán sừng!

Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng – Mẫu 3

Đọc đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, nếu chú ý kỹ, chúng ta sẽ thấy trong tiếng khóc của Phán Mọc Sừng có sự tăng cấp, ông ta chỉ khóc to “Hứt! Hứt! Hứt!”, sau đó “muốn lặng đi, thì may có Xuân để khỏi ngã”, lúc này anh phán mới “khóc mãi không thôi”. Không cần nói nhiều, ta cũng biết đó là một màn kịch, bởi lẽ “cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Nhưng, điều quan tâm ở đây là tại sao Phán Mọc Sừng lại khóc? Tại sao tiếng khóc ấy lại “Hứt! Hứt! Hứt!”? Và đặt trong chỉnh thể tác phẩm thì tiếng khóc ấy có giá trị gì?

Cái chết của cụ cố tổ là kết quả trực tiếp câu nói ngớ ngẩn của Xuân tóc đỏ “thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng”. Sở dĩ có câu nói đó của Xuân, là vì trước đó Phán Mọc Sừng đã mở lời nhờ Xuân nói cho điều đó, với cái giá năm đồng bạc. Cho đến khi hạ huyệt, năm đồng bạc đó Phán Mọc Sừng vẫn chưa trả cho Xuân tóc đỏ. Trước khi Phán Mọc Sừng cất tiếng khóc, ta thấy trong tác phẩm xuất hiện hai chi tiết: “Xuân tóc đỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ bên cạnh ông Phán Mọc Sừng” và “lúc cụ cố Hồng mếu máo và ngất đi”. Chi tiết thứ nhất đứng tách riêng một câu, chi tiết thứ hai là thành phần trạng ngữ chỉ thời gian. Hai chi tiết này trở thành cơ sở cho tiếng khóc của Phán Mọc Sừng. Cái chết của cụ tổ, đã bộc lộ bản chất đểu giả của đám con cháu, trước đó tác phẩm đã đề cập.

Đến đây, cụ Hồng đã đóng giả rất khéo léo. Chi tiết này có liên quan chặt chẽ đến Phán Mọc Sừng. Cụ thể hiện nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn đối với người quá cố, thì Phán Mọc Sừng cũng phải thế. Cụ đã “mếu máo và ngất đi” thì ông này cũng phải khóc to lên mà bày tỏ nỗi lòng. Đây chính là nét độc đáo của ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Ông đã khéo léo sắp đặt tình tiết một cách logic chặt chẽ, khiến cho sợi dây liên tưởng như Phán Mọc Sừng khóc chỉ là muốn cùng cụ Hồng thể hiện nỗi đau một cách thảm thiết nhất. Điều này có nghĩa là chi tiết “cụ Hồng mếu máo và ngất đi” trở thành nguyên nhân trực tiếp làm cho Phán Mọc Sừng khóc. Nói rõ hơn, Vũ Trọng Phụng đã để cho cụ Hồng làm trò, có tính chất “nêu gương” để từ đó Phán Mọc Sừng làm trò theo. Thế nhưng, xem kỹ lại, ta thấy, Phán Mọc Sừng không phải chỉ vì cụ Hồng khóc mà vì nguyên nhân khác sâu xa hơn, đó chính là món nợ năm đồng của Xuân. Do đó chi tiết Xuân “đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ” hết sức quan trọng. Khi sự việc đã thành công rồi, cụ tổ đã chết, Phán Mọc Sừng rất sung sướng vì được “thêm vài ba nghìn bạc”.

Phán Mọc Sừng rất biết ơn Xuân, do đó ông này rất nôn nóng muốn “gặp ngay Xuân để trả nốt năm đồng” và “theo ông trước khi buôn bán cũng phải giữ chữ tín làm đầu” (3). (NMH nhấn mạnh). Lúc này cơ hội trả món nợ đã đến. Trong hoàn cảnh này (cảnh hạ huyệt), tức là người ta thể hiện nỗi đau mất mát lớn nhất, Phán Mọc Sừng không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc “khóc lên”, để được Xuân chú ý, được Xuân an ủi, từ đó mảy may cơ hội tiếp cận với Xuân sẽ đến với Phán Mọc Sừng. Do đó, cố nhiên, ông ta phải khóc làm sao cho thật “xúc động”, là sao cho thật sự đau khổ. Cho nên, ban đầu ông ta phải khóc to “Hứt! Hứt! Hứt!”. Kết quả đã thành công. Xuân đỡ lấy ông, ông đã trả được món nợ một cách kịp thời, giải tỏa được điều mình áy náy. Rõ ràng ở đây Phán Mọc Sừng đã rất chủ động. Ông đã đánh vào tâm lí của Xuân, đã gồng mình lên để thể hiện, thế nhưng về mặt biểu hiện, ta lại tưởng Phán Mọc Sừng bị động, ta tưởng như Phán Mọc Sừng không hề hay biết việc Xuân đỡ lấy mình. Việc cắt nghĩa nguyên nhân của tiếng khóc như thế, còn lí giải tại sao chi tiết thứ nhất lại làm thành một câu, còn chi tiết thứ hai chỉ là một bộ phận câu.

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn chơi Need for Speed: Underground

Xét về mặt cấu âm, tiếng khóc của Phán Mọc Sừng chỉ có thể là “Hứt! Hứt! Hứt!” mà thôi. Âm thanh này được cấu thành bởi luồng hơi đi ra, miệng hơi hé mở, bụng phải hóp lại, âm thanh bật ra từ trong cổ họng, đó là thứ âm thanh bị tắt (do kết thúc bằng phụ âm t – tắc vô thanh). Tiếng khóc này không thể to được. Vì thế Phán Mọc Sừng khóc to (cốt là để Xuân chú ý), nhưng tiếng khóc ấy không thể kéo dài được, nó là âm thanh bị khiên cưỡng, gượng ép. Do đó, vì “khóc to quá” nên Phán Mọc Sừng “muốn lặng đi”. Lúc đó, bắt buộc (về mặt nghệ thuật) Xuân phải đỡ lấy ông. Khi Xuân đỡ lấy ông, thì Xuân “không làm sao cho ông đứng hẳn lên được”, ông phải cứ “oặt người đi” như thế mới “Hứt! Hứt! Hứt!… mãi mà không thôi” được. Tất nhiên là cái “oặt người đi” này của Phán Mọc Sừng thể hiện nỗi đau khổ giả tạo tài tình, và có “oặt người” như thế mới dúi vào tay Xuân một cái giấy bạc gấp tư mà không ai hay biết được.

Chúng ta hãy hình dung màn kịch rất độc đáo này, khi mà Xuân cố giữ lấy phán thì phán càng “oặt người đi”. Dù trong tác phẩm không nói, nhưng ta cũng biết cụ Hồng, Xuân tóc đỏ và Phán Mọc Sừng phải đứng bên miệng huyệt, vì đó là giây phút cuối cùng vĩnh biệt người chết, con cháu không thể đứng nơi khác được, càng không thể “ngất đi” hay “oặt người” ở một nơi khác được, nó sẽ trở nên lố bịch. Cái “mặt người” này vẽ ra trước mắt ta cảnh tượng, một con người rất đau đớn như muốn níu giữ lấy quan tài, muốn nhào xuống huyệt, còn một người thì cố giữ cho được. Một sự giằng co, níu giữ. Do đó, tiếng nấc của Phán Mọc Sừng càng nghẹn ngào thì lực neo của Xuân càng tăng, vì thế Xuân “muốn bỏ quách tay ra” (thể hiện bản chất Xuân). Khi lên đến đỉnh điểm, Phán Mọc Sừng vội hạ ngay xuống bằng một tờ giấy bạc, và hai nhân vật kết thúc việc làm trò. Như vậy nhân vật càng cố tạo thảm cảnh bao nhiêu thì tiếng cười càng sâu sắc, chua chát bấy nhiêu.

Tiếng khóc của Phán Mọc Sừng là chi tiết nằm trong chuỗi cười của tác phẩm và tất nhiên, đi tìm tư tưởng của tác giả phải đi tìm từ sau chuỗi cười ấy, chứ không phải sau một biểu hiện của tiếng cười. Tiếng cười ấy ở đây phải đặt trong chỉnh thể của tác phẩm. Trước đó, nhà văn viết “Đám cứ đi…”, tức là các nhân vật sẽ không được diễn trò nữa, chỉ có thể tiếng khóc cuối cùng mới làm được mà thôi. Do đó, không thể nói “Hứt! Hứt! Hứt!” là “Hất, hất, hất… xuống đất, hất mau xuống; lấp, lấp, lấp mau đi, chôn cái thây ma mà cả nhà mong mỏi” như Vũ Dương Quỹ nói được.

Việc quan tâm của Phán Mọc Sừng không phải là chôn mau hay không chôn mau vì sự đã rồi, nó sung sướng lắm rồi, mà cái quan tâm của nó là làm sao trả được Xuân năm đồng bạc mới đành lòng và làm sao để thể hiện được nỗi đau mất mát giả tạo nhất. Và càng không thể nói “Nhân vật nói, hay chính ý tưởng, thông điệp của nhà văn… hất, hất, hãy hất tất cả tất cả bọn xuống mồ! Lấp, lấp, hãy lấp tất cả những gì là giả dối, rợm hợm, vô luân thường đạo lí(4)”. Nói thế, vô hình trung đã “lấy tư tưởng để cắt nghĩa tư tưởng” (C. Mác) và xem nhân vật là cái loa phát ngôn tư tưởng của nhà văn. Thiết nghĩ nhà văn sẽ không vụng về đến mức phải gửi gắm thông điệp qua một sự biến âm (hất thành hứt). Nếu nói “hất” dù tồn tại trong tư tưởng, ý nghĩ thì thường thể hiện kèm theo hành động (thường bằng tay), và nó không thể tạo thành tiếng khóc nghẹn ngào, do đó không thể làm nên sự giả tạo tuyệt vời của nó được.

Nói về ứng xử nghệ thuật, thì nhà văn không thể cứ quanh quẩn mãi việc lật nhào cái xã hội ấy bằng cách như thế. Nếu tư tưởng của nhà văn muốn nói “lấp đi” cái xã hội còn đâu một xã hội thì tiếp tục diễn trò ở phần còn lại của tác phẩm (5 chương). Điều này có nghĩa là nhà văn không thể lật nhào xã hội, rồi dựng nó lên để đánh tiếp những đòn khác. Làm như vậy mạch phát triển của truyện sẽ bị trùng lại, không được phát triển theo chiều tăng cấp. Theo chúng tôi, đám tang này (là “hạnh phúc” của nhiều người) chỉ là chôn đi cái thây ma bằng xương bằng thịt, chôn cái thây ma để mở ra những trận cười khác, làm cho bản chất xã hội càng bộc lộ rõ mà thôi. Nghĩa là tính chất lên án, tố cáo xã hội của tác phẩm ngày càng lên cao, nó không dừng lại ở “một sân quần” hay “một đám tang”… Cái chết của cụ tổ là “hạnh phúc” của bao người. Cụ tổ chết đi, đám con cháu sẽ tha hồ mà vui sướng, xã hội còn tha hồ mà diễn trò đểu giả bịp bợm. Cái đáng lật đổ ở đây rõ ràng là “xã hội chó đểu”.

Nhưng, thông qua hệ thống sự kiện toàn tác phẩm. Bởi thế, nhà văn sẽ không thông qua nhân vật, một tiếng cười để “chôn mau đi” xã hội rởm hợm, mà tự thân chuỗi sự kiện trong tác phẩm sẽ nói lên cần phải “chôn đi mau”. Đây chính là nghệ thuật “đánh địch” mà Xuân Diệu đã chỉ ra, đánh “là dựng kẻ thù lên thành hình tượng sinh động, thành những tấm bia thịt cho độc giả phải bật lên tiếng chửi cùng một lúc với tiếng cười”. GS. Nguyễn Đăng Mạnh rất tâm đắc nghệ thuật này và đã cho rằng “Vũ Trọng Phụng chủ yếu dùng lối đánh này”. Đây chính là nghệ thuật rất cao tay của Vũ Trọng Phụng. Nói điều này để thấy rằng, tiếng khóc của Phán Mọc Sừng thực chất là điểm nhấn “làm nổi bật thảm kịch thực sự của con người giữa những sự giả dối buồn cười” (Emin Zona), nó chỉ là một chi tiết góp phần cấu thành tiếng cười trào phúng trong tác phẩm trào phúng đích thực, trước hết phải thể hiện được bản chất tiếng cười, và tiếng cười kết thúc là đỉnh điểm, là lúc tiễn về quá khứ một cách vui vẻ (ý của C. Mác), lúc đó cũng là lúc cái xấu xa của đối tượng được bộc lộ đầy đủ nhất, rõ nét nhất, tất nhiên lúc đó bản chất tiếng cười là rõ nhất.

Trong tác phẩm này, cảnh kết thúc là cảnh: Xuân tóc đỏ được mệnh danh là anh hùng cứu quốc, là vĩ nhân, được cụ Hồng hứa gả con gái, lời lẽ được ghi vào từ điển; bà Phó Đoan sẽ được tấm biển “Tiết hạnh khả phong”. Rõ ràng Vũ Trọng Phụng đã để nhân vật đi từ một thằng “ma cà bông” đến một “anh hùng… vĩ nhân”, từ một mụ me Tây dâm đãng đến một người phụ nữ “tiết trinh”… Sức tố cáo của tác phẩm lên đến đỉnh điểm, cả xã hội lật nhào dưới bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng.

Trên đây là cách hiểu của chúng tôi về tiếng khóc của Phán Mọc Sừng. Tiếng khóc này đã làm người đọc thấy được phần nào xã hội mà Vũ Trọng Phụng lên án. Qua tiếng khóc của Phán Mọc Sừng, Vũ Trọng Phụng đã làm rõ mâu thuẫn trào phúng giữa “tang gia” và “hạnh phúc”, giữa bi và hài, giữa bên trong và bên ngoài.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích tiếng khóc của Phán Mọc Sừng (2 Dàn ý + 3 mẫu) Hạnh phúc của một tang gia của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *