Phân tích tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử gồm 4 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Nghị luận về tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Vậy sau đây là 4 bài văn mẫu hay nhất mời các bạn cùng theo dõi.
Dàn ý phân tích tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử
I. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Thiếu trung thực trong bất kì lĩnh vực nào của cuộc sống cũng là một vấn đề phức tạp và nan giải
– Nêu vấn đề nghị luận: Thiếu trung thực trong thi cử là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu bởi điều này ảnh hưởng đến nhân cách của cả một con người
II. Thân bài
1. Giải thích
– Trung thực: “Trung”: Trung thành, “thực”: thành thực ⇒ Trung thực: sự chân thật trong mọi việc, làm mọi thứ bằng khả năng của bản thân mình
⇒ Thiếu trung thực trong thi cử: Thi cử không dùng sức của bản thân mình, gian dối, không thành thực trong làm bài…
2. Biểu hiện của thiếu trung thực trong thi cử
– Biểu hiện phổ biến nhất là dùng “phao” chép bài trong thi cử
– Chép bài bạn, trao đổi bài, trao đổi đáp án cho nhau
– Sử dụng các thiết bị thông minh trong phòng thi như tai nghe bluetooth, điện thoại thông minh…
– “Mua giám thị” để có thể ngang nhiên trao đổi bài trong thi cử
3. Tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử
– Ảnh hưởng đến nhân cách con người : Làm học sinh có tính lười biếng ỷ lại, không chịu tự giác học tập
– Ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước tương lai của dân tộc khi những mầm non của nước nhà không học tập và tu dưỡng bằng chính năng lực của mình
– Ảnh hưởng đến chất lượng học tập của bản thân, lớp học và nhà trường
– Làm cho học sinh coi thường việc coi thi của giám thị
4. Nguyên nhân
– Do sự lười biếng trong học tập, không chịu tự giác học bài và làm bài
– Do áp lực về điểm số, áp lực từ gia đình, nhà trường bắt học sinh phải được điểm cao
– Do học sinh học trong một môi trường mà tất cả các bạn đều rất giỏi khiến học sinh bắt buộc phải được điểm cao
– Một phần là do sự lỏng lẻo trong việc coi thi của các giám thị
– Sự bao che của các bạn khiến việc thiếu trung thực gia tăng nhiều hơn trong thi cử
⇒ Những nguyên nhân đó đã làm ảnh hưởng đến sự thiếu trung thực gia tăng nhiều hơn trong thi cử
5. Giải pháp khắc phục
– Bản thân mỗi học sinh cần ý thức trách nhiệm và việc làm của bản thân , tự mình cố gắng học tập tốt và nói “ Không” với việc thiếu trung thực trong thi cử
– Gia đình, nhà trường và thầy cô không nên đặt áp lực quá nhiều cho học sinh.Nên khuyến khích các em khi được điểm cao và động viên an ủi các em khi điểm số chưa như mong muốn
– Cho học sinh học tập ở một môi trường vừa sức học tránh để các em cảm thấy mình thua kém các bạn dẫn đến tự ti và thiếu trung thực trong thi cử
– Các bạn học sinh cũng cần nghiêm túc hơn , khi thấy bạn bè gian lận trong thi cử cần báo với giám thị không được bao che sẽ làm hại bạn
– Nhà trường thầy cô giám thị cần sát sao và nghiêm khắc khi coi thi , xử phạt đúng mực nhằm răn đe để học sinh nghiêm túc hơn trong thi cử
6. Liên hệ bản thân
– Cần tích cực học tập tự giác học tập và thi cử bằng chính năng lực của mình
– Ý thức được thiếu trung thực trong thi cử là một hành động xấu sẽ dẫn tới hậu quả lớn sau này
– Kêu gọi các bạn cùng nhau học tập để kết quả học tập được cải thiện và nâng cao
III. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề: sự thiếu trung thực trong thi cử hiện tượng phổ biến và để lại hậu quả về lâu dài trong sự phát triển nhân cách của mỗi con người
– Lời nhắn đến mọi người: Hãy học tập và làm việc bằng chính năng lực của mình, đó là con đường duy nhất giúp chúng ta tiến xa hơn.
Nghị luận về việc thiếu trung thực trong thi cử
Trung thực, thẳng thắn là đức tính quý báu nhất của con người. Việc giáo dục đức tính trung thực cho học sinh luôn được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay hành vi gian lận trong thi cử đang diễn ra phổ biến, trở thành vấn nạn đối với toàn xã hội.
Gian lận trong thi cử là những hành vi vi phạm quy chế thi của học sinh. Nội quy của trường thi thường không cho phép thí sinh mang tài liệu vào phòng thi dưới bất kì hình thức nào, không được sử dụng điện thoại di động hay trao đổi thông tin với những thí sinh khác,… Luật lệ là như vậy nhưng nhiều học sinh vẫn cố gắng tìm mọi cách để gian lận.
Hành vi gian dối này xảy ra phổ biến ở nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau. Ở hầu khắp các trường học, thậm chí cả giảng đường Đại học, ta vẫn có thể thấy số lượng học sinh gian lận ngày càng nhiều. Bên cạnh việc in nhỏ tài liệu, viết giấy trao đổi bài với bạn, sao chép kiến thức lên đồ dùng học tập thì ngày nay, nhiều người còn sử dụng thiết bị công nghệ để qua mặt giám thị. Theo dõi các bản tin Thời sự, ta có thể thấy những thí sinh đeo tai nghe mini, lén lút mang điện thoại thông minh vào phòng thi. Có thể thấy, gian lận diễn ra với vô vàn hình thức tinh vi và trở nên quen thuộc trong cộng đồng học sinh, sinh viên.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc gian lận nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. Những học sinh lười biếng nhưng lại muốn có được thành tích tốt là đối tượng tìm cách gian lận nhiều nhất. Họ có nhận thức kém, coi thường việc học và coi thường chính mình, không có lòng tự tôn. Học mà không đam mê, không nắm được cốt lõi kiến thức cũng dễ dàng dẫn đến việc chán nản và gian lận để qua môn. Ngoài ra, những áp lực điểm số mà gia đình và nhà trường đặt lên học sinh cũng trở thành một phần nguyên do khiến tình trạng gian lận trở nên phổ biến. Chương trình học quá nặng, học sinh chịu nhiều áp lực tâm lí nên tìm cách gian lận để đạt được số điểm như ý, làm hài lòng người lớn.
Hành vi gian lận đem lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến cá nhân và cộng đồng. Những học sinh gian lận trót lọt sẽ nảy sinh tâm lí ỷ lại vào tài liệu, ngày càng lười học. Điểm số mà họ đạt được chỉ là thứ hình thức giả dối. Không có thực học, con người sẽ trở thành những kẻ ngu dốt, lạc hậu. Rời khỏi ghế nhà trường với đầu óc rỗng tuếch, họ sẽ sớm bị thị trường lao động đào thải. Không chỉ vậy, gian lận còn khiến đạo đức con người suy đồi. Đó là mầm mống tạo nên những kẻ tham nhũng, lừa đảo trong xã hội.
Để xóa bỏ tình trạng này, mỗi học sinh cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học, nghiêm túc thực hiện nội quy mà trường lớp đề ra. Nâng cao lòng tự trọng, nghiêm khắc với bản thân chính là biện pháp tốt nhất để tránh xa việc gian dối. Gia đình và nhà trường cần chú trọng dạy dỗ nề nếp, đạo đức cho học sinh thay vì chạy theo bệnh thành tích. Môi trường lành mạnh sẽ tạo nên những con người trong sạch.
Chung tay chấm dứt nạn gian lận trong thi cử là trách nhiệm của toàn xã hội. Chặng đường “Trăm năm trồng người” bao giờ cũng gian nan, vất vả nhưng ắt sẽ có trái ngọt nếu ta học tập bằng sự chân thành, trung thực.
Hậu quả của việc thiếu trung thực trong thi cử
Trong thời đại ngày nay, giáo dục là một phần quan trọng nhằm phát triển con người, hướng đến cải tạo xã hội, giúp xã hội văn minh hơn. Trong quá trình học tập, thi cử là một hình thức nhằm giúp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nhưng dường như hình thức này vẫn không triệt để và khách quan vì thái độ thiếu trung thực trong thi cử của một bộ phận học sinh hiện nay. Đáng lưu ý hơn, hiện tượng này ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề nhức nhối trong nhà trường.
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu “thái độ thiếu trung thực” là gì. Để hiểu được nó, ta phải hiểu khái niệm “trung thực”, trung thực là luôn tôn trọng sự thật , tôn trọng chân lí , lẽ phải; sống ngay thẳng , thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Vậy, “thái độ thiếu trung thực” là làm không đúng, không tôn trọng những gì đã có, đã xảy ra. Trong thi cử, thiếu trung thực được thể hiện dưới hình thức gian lận, coi trọng điểm chác mà bỏ qua kiến thức thực. Việc học sinh đi thi mang theo và sử dụng tài liệu hiện nay trở nên khá phổ biến. Trong thời hiện đại ngày nay, gian lận trong thi cử ngày càng trở nên tinh vi hơn, học sinh sử dụng các phương tiện điện tử để quay cóp, mở tài liệu có tổ chức, sử dụng tai nghe để trao đổi thông tin…
Trung thực là một trong những đức tính quý giá mà con người được xây đắp ngay từ nhỏ. Thế nhưng, khi đã trưởng thành, học sinh vẫn bất chấp thiếu trung thực để được điểm cao. Vậy nguyên nhân ở đây là gì? Có hai yếu tố cần bàn ở đây: khách quan và chủ quan. Khách quan là những yếu tố từ bên ngoài, trước hết là từ xã hội, xã hội hiện nay ngày càng đề cao bằng cấp. Mọi người nhìn vào điểm số để đánh giá một người, đánh giá năng lực và thậm chí đánh giá cả nhân cách. Nếu học sinh điểm thấp, thì họ sẽ cho rằng học sinh này thật lười biếng, mà không nghĩ rằng học sinh đã cố gắng rất nhiều nhưng chỉ có thể được như vậy, hoặc vào ngày kiểm tra đã có một sơ suất nào đó. Yếu tố thứ hai nằm ở gia đình, cha mẹ xem con là bộ mặt của họ, yêu cầu con cái phải được điểm cao để thỏa mãn cái tôi bản thân, hay để đi theo con đường sự nghiệp mà cha mẹ đã vạch sẵn cho con mình. Chính điều này vô hình chung đã tạo nên áp lực điểm số, khiến người ta bất chấp tất cả sử dụng tài liệu trong thi cử. Nhưng nguyên nhân quyết định lại nằm ở yếu tố chủ quan: bản thân học sinh thiếu ý thức trong quá trình học tập. Nhiều học sinh do lười học hay học bài chưa kĩ, đến lớp gặp bài kiểm tra, vì muốn được điểm cao nên đã thiếu trung thực, quay cóp, xem bài bạn… Ngoài ra, họ có tinh thần không vững, không đủ dũng cảm để nhìn nhận khả năng của chính bản thân mình, họ muốn có điểm cao để che lấp năng lực thật sự.
Những điều này cần phải bị lên án một cách mạnh mẽ, bởi thiếu trung thực trong thi cử sẽ để lại nhiều hậu quả to lớn. Sử dụng “phao” thi, tài liệu là điều cấm kỵ, phạm vào quy chế thi. Trong thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp thí sinh cố tình đem và sử dụng tài liệu trong phòng thi bị giám thị, hội đồng coi thi…phát hiện, lập biên bản, đình chỉ thi. Có nhiều trường hợp học sinh nuối tiếc, ân hận vì việc làm sai trái của mình dẫn đến bị cấm thi các môn thi tiếp theo, bị trượt tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia, bản thân bị tai tiếng, phụ huynh thất vọng, buồn bã… Nhưng nếu trong trường hợp bạn không bị phát hiện, thì nó cũng dẫn đến rất nhiều vấn đề. Trước hết, bạn sẽ bị lệ thuộc vào những kiến thức ảo. Tâm lý dựa dẫm này sẽ khiến bạn bị lệ thuộc vào tài liệu. Bạn làm bài phụ thuộc vào sách vở, vào kiến thức của người khác, vì thế kết quả ban đầu có thể tốt, nhưng về sau, bạn ngày càng bị hổng kiến thức, đến một lúc nào đó, những lỗ hổng đó sẽ không bao giờ có thể lấp được nữa. Những kiến thức ảo ấy khiến bạn không thể nhận thức được năng lực thực sự của bản thân, đồng thời cũng không biết mình đang ở đâu, đang cần gì. Kiến thức ảo dẫn đến tấm bằng ảo, tiến sĩ ảo, và cuộc đời của bạn cũng sẽ chẳng có gì là thật, nếu bạn cứ theo đuổi những thứ không có thật. Hơn thế nữa, gian lận sẽ tạo điều kiện cho bạn mắc vào nhiều thói xấu khác đó là lười nhác, ỷ lại và lừa dối. Nếu gian lận một lần mà trót lọt sẽ khiến bạn có ý định tái phạm thêm một, hai và có thể nhiều lần nữa. Vì bạn thấy: cần gì phải ra sức học làm gì cho mệt người. Một khi đã trở thành một con người dối trá, sau này ra đời, bạn sẽ không thể trở thành một người thành công bằng con đường tử tế. Bởi, xã hội không thể chấp nhận sự dối trá, đến lúc ấy, sẽ chẳng có ai tin tưởng bạn nữa, và chính bản thân bạn đã tự đào hố chôn mình. Không chỉ dừng lại ở đó, những người xung quanh bạn cũng không xem trọng bạn, họ cho rằng bạn là người lười nhác và không có gì đáng để tôn trọng.
Vậy, làm thế nào để giảm thiểu thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra những biện pháp, chủ trương mới, được mọi người đồng tình. Muốn có nền giáo dục tốt phải có thế hệ giáo viên tốt, làm gương cho học sinh noi theo kiên quyết xử lí những hành vi gian lận; sẵn sàng cho học sinh học lại để cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh… Có như vậy mới mong sẽ ít đi những hành vi sai trái. Ngoài ra, nhà trường có thể khen thưởng những người gương mẫu trong vấn đề gạt bỏ mặt tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả là học sinh phải tự rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Phải dũng cảm nhìn nhận mình đang ở đâu để cải thiện việc học tập, chăm chỉ học tập thật tốt để có thể tự tin trong việc làm bài kiểm tra, đánh giá và trung thực trong thi cử.
Có thể hành trình chống lại thiếu trung thực trong thi cử sẽ là một con đường dài với nhiều nỗ lực lớn để thực hiện. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta ai cũng đóng góp bằng những hành động nhỏ, nhưng tiếng nói góp ý, động viên thì tình hình thi cử sẽ được cải thiện, và ngày mà những bài kiểm tra thật sự trở thành một hình thức đánh giá khách quan nhất sẽ không còn xa nữa.
Nghị luận về tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử
Nếu được gọi tên xã hội hiện tại, tôi sẽ gọi đây là một xã hội giả dối. Vì sao ư? Vì mọi thứ đều có thể làm giả được. Từ đồ ăn, thực phẩm đến bằng cấp, thậm chí là con người. Đó là hệ quả tất yếu của thái độ thiếu trung thực, đặc biệt là thiếu trung thực trong thi cử của chúng ta trong suốt một thời gian dài khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trung thực là thành thật, thẳng thắn, tôn trọng sự vật, sự việc, quá trình như đúng những gì ta chứng kiến, theo lẽ phải và sự công bằng. Thiếu trung thực chính là sự giả dối, lươn lẹo làm cho sự thật bị bóp méo, trái với lẽ phải và công bằng. Sự thật nếu đã bị bóp méo thì không còn là sự thật nữa. Và hẳn nhiên, nếu đã không còn là sự thật thì kết quả dù có thể nào thì cũng không còn giá trị. Thiếu trung thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là điều không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không. Thiếu trung thực trong thi cử là hành động gian dối trong các kỳ thi hay kiểm tra. Thực chất đây chính là hành động ăn cắp kiến thức một cách trắng trợn của một bộ phận không nhỏ những con người nhỏ nhen, ích kỷ với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi.
Kết quả của các kỳ thi hay kiểm tra chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định chứ nó không thể là thước đo để định giá giá trị của một con người. Bởi vốn dĩ các cuộc thi hay kỳ kiểm tra được đề ra là để đánh giá năng lực của người học trong một giai đoạn nhất định, từ đó ta có thể thấy được mình đang ở đâu, đang thiếu gì cần bổ sung và khắc phục. Nhưng bản chất của các kỳ thi sẽ thay đổi nếu như nó không còn giữ đúng được mục đích đề ra ban đầu của mình. Hành động gian dối trong thi cử là một hành động sai trái, thiếu công bằng và cần phải loại bỏ ngay khỏi suy nghĩ, trong tiềm thức của tất cả chúng ta.
Nếu đã là sự giả dối thì nó sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy giống như khi ta bắt đầu một lời nói dối thì ta sẽ phải nói dối thêm hàng nghìn lần để có thể khớp với lời nói dối ban đầu. Đã sai sẽ lại càng sai.
Thiếu trung thực hay gian dối trong thi cử trước hết sẽ làm thay đổi kết quả của cuộc thi khiến cho việc đánh giá năng lực của người thi không còn đúng nữa. Những người học thực sự sẽ bị đánh đồng với những kẻ lười biếng, ỷ lại. Công bằng ở đâu khi người thì học ngày học đêm, kẻ thì nhởn nhơ bay nhảy để cuối cùng hai người được đánh giá như nhau? Vẫn biết cuộc đời vốn dĩ không công bằng nhưng nếu không có sự công bằng ngay trên ghế nhà trường thì khi ra ngoài xã hội kia, nhân cách và thế giới quan của chúng ta sẽ bị lệch lạc và méo mó đến nhường nào?
Gian dối trong thi cử đồng nghĩa với việc không học tập, không làm việc nghiêm túc trong suốt cả cuộc hành trình. Và điều đương nhiên, những con người ấy sẽ chẳng có gì trong đầu, dù là những thứ đơn giản nhất. Chúng ta gian lận trong mọi kỳ thi để có được thành quả một cách dễ dàng. Điều đó có nghĩa thành công đến với chúng ta như một điều đương nhiên, dù không cần bỏ ra chút công sức hay thật sự cố gắng một giây phút nào. Nếu kẻ gian dối may mắn qua được tất cả các kỳ thi, ta sẽ nhận vào xã hội một cái đầu rỗng tuếch, không làm được việc, không có tính kỷ luật, không cố gắng. Cả một xã hội nếu chỉ toàn những cái đầu rỗng thì chúng ta sẽ phát triển thế nào?
Người xưa nói “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” để nhắc nhở chúng ta về việc hình thành một thói quen xấu. Việc gian lận trong thi cử suốt một thời gian dài sẽ tạo ra cho ta một thói quen. Đó là sự lười biếng, ỷ lại. Lâu dần thói quen sẽ ăn vào máu trở thành một phần của tính cách, sự lươn lẹo, giả dối. Sẽ chẳng ai có thể đặt niềm tin vào một con người thiếu trung thực. Đã gian dối được một lần, hà cớ gì họ lại không gian dối lần thứ hai nữa? Làm việc hay chơi cùng với những người gian dối ta sẽ luôn trong tâm thế đề phòng, cảnh giác vì họ có thể phản bội và bán đứng ta bất cứ lúc nào. Lòng tin là thứ ta phải dùng cả đời để xây dựng nhưng ta lại có thể đánh mất nó một cách dễ dàng trong vài phút. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn ngỡ ngàng trước thông tin Tập đoàn Khải Silk buôn bán lụa giả nhập từ Trung Quốc số lượng lớn với giá rẻ và bán ra thị trường với giá cao ngất ngưởng sau khi được phù phép với mác lụa Việt Nam. Danh tiếng 15 năm gây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng bốc chốc sụp đổ như làn khói mỏng. Cả một “đế chế” bỗng chốc trở thành kẻ lừa lọc, gian dối. Cho dù có cố gắng giải thích, phân trần hay chối bỏ trách nhiệm thì vết nhơ của sự gian dối sẽ không bao giờ có thể trắng lại được. Người tiêu dùng sẽ không ai dám tin tưởng dùng sản phẩm của Khải Silk nữa.
Con người là tế bào của xã hội. Nếu xã hội toàn những con người thiếu trung thực, gian dối, lừa lọc thì bản chất của xã hội ấy chính là sự giả dối. Sự giả dối đã trở thành bản chất thì đạo đức bị xuống cấp cũng đâu có gì lạ? Khi mọi phạm trù đạo đức bị đạp đổ bởi lợi ích cá nhân: ăn cắp kiến thức, ăn trộm thành quả lao động của người khác, lừa dối niềm tin của người tiêu dùng…thì sớm muộn gì không gian xã hội cũng bị thu hẹp lại chỉ còn một màu đen xám xịt. Cuộc sống còn ý nghĩa gì khi xung quanh ta toàn những chiếc mặt nạ của sự giả dối? Có mệt mỏi không khi cứ phải gồng mình cười nói với những thứ ta ghê tởm? Có thấy lạc lõng không khi cứ phải luồn cúi để trượt dài theo những giá trị phù phiếm, của cái tôi vị kỷ hẹp hòi. Cả một xã hội chạy theo thành tích, chạy theo sự hào nhoáng bề ngoài thì tụt hậu rồi chết là điều có thể lường trước được.
Vậy thì, phải làm thế nào để có thể khắc phục được thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Mọi sai lầm đều xuất phát từ cá nhân mỗi người, đừng bao giờ tìm cách đổ lỗi cho bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mỗi cá nhân đều là một tế bào của xã hội, tế bào ấy khỏe mạnh thì cả cơ thể sẽ hồng hào, đầy sức sống. Vì thế, mỗi chúng ta đều cần tự ý thức được về tác hại của việc thiếu trung thực, trong bất cứ việc gì, đặc biệt là trong thi cử. Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình để hình thành thói quen trung thực, thẳng thắn và biến nó thành tính cách của mình. Người ta thường nói, thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Nhưng cái thua thiệt ấy chỉ là cái lợi trước mắt, chỉ cả cái nhỏ nhặt, không có giá trị. Thua thiệt một chút nhưng cái mà ta nhận được là lòng tin, là tình yêu và sự kính trọng của mọi người đối với mình. Đó chẳng phải là giá trị lớn nhất của một con người sao?
Thế giới đều khâm phục tinh thần tự chủ, tự cường và phong cách sống của người Nhật. Đi bất cứ đâu ta cũng nghe thấy người ta ca ngợi hoặc nhắc tới đất nước ấy với một thái độ trân trọng. Chúng ta cũng cần phải học hỏi người Nhật, thay đổi tư duy ích kỷ, nhỏ nhen lúc nào cũng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, mà thay vào đó hãy là lợi ích chung của cộng đồng. Điều đó không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua nhu cầu của cá nhân mà chỉ đơn giản là ta bớt ích kỷ và chia sẻ nhiều hơn thôi. Chúng ta cũng cần thay đổi nhận thức và quan niệm giáo dục. Nền giáo dục của ta đang bị chi phối bởi bệnh thành tích, bệnh sĩ. Đó là hai căn bệnh cố hữu, đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn người Việt từ bao đời nay. Dù rất khó để thay đổi nhưng hãy cố gắng thay đổi: nói không với thành tích, nói không với gian lận. Ta chỉ tìm được người tài khi ta đánh giá họ theo đúng thực lực của bản thân họ và những gì họ cống hiến được cho đất nước, cho sự phát triển của loài người.
Từ trước đến giờ, tôi vẫn luôn sống với quan niệm, những thứ có được bằng việc gian dối sẽ giống như cầu vồng sau mưa. Đẹp đấy. Lung linh đấy. Nhưng nó chỉ tồn tại được trong chốc lát. Cái còn lại sau cùng là ta có được gì sau những lần gian dối ấy. Thiếu trung thực trong bất kỳ điều gì cũng không thể chấp nhận. Thiếu trung thực trong thi cử thì lại càng không.
Phân tích tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử
Xã hội ngày càng phát triển, giáo dục càng trở nên quan trọng đối với mỗi con người. Giáo dục là con đường ngắn nhất để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, những tiến bộ khoa học kĩ thuật của loài người. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, trong những năm vừa qua, giáo dục nước ta đã tích cực vận động phòng chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì những mặt hạn chế như tiêu cực, thiếu trung thực trong thi cử lại là vấn nạn nhức nhối của toàn ngành.
Trung thực là đức tính luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí lẽ phải, dám nhận sai khi mình mắc lỗi và có phương hướng tích cực để giải quyết những sai lầm đó. Còn thiếu trung thực trong thi cử là hành vi gian lận, quay cóp khi làm bài kiểm tra để bản thân đạt được thành tích cao, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hành vi gian dối. Đây là một hiện tượng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, cũng như hình thành thói quen xấu ở học sinh.
Thực trạng đáng buồn đó đang diễn ra phổ biến ở tất cả các học sinh với hình thức từ bình thường cho đến tinh vi. Mỗi kì thi đến, các bạn thay vì ngày đêm học tập lại ngày đêm chuẩn bị “phao” những mẩu giấy bé tí, với chi chít chữ được viết cẩn thận, quán photo trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn. Các bạn sẵn sàng viết vào tẩy, vào máy tính, vào hộp bút,… bất cứ chỗ nào có vẻ mang đến sự “an toàn” là các bạn sẽ viết. Công nghệ hiện đại hơn, các bạn sử dụng tai nghe không dây, kết nối với bên ngoài để hoàn thành bài kiểm tra của mình. Và rất nhiều hình thức thiếu trung thực khác được các bạn vận dụng thành thục trong mỗi kì thi. Thực trạng quay cóp, thiếu trung thực trong khi thi cử phải có đến 99% học sinh thừa nhận điều này. Họ còn cho rằng đã là học sinh mà không quay cóp, không làm phao thì đó không còn là học sinh. Ngay từ suy nghĩ của các bạn đã có sự lệch lạc, sai lầm nghiêm trọng.
Các bạn thực hiện hành vi quay cóp đã bao giờ nghĩ đến hậu quả mà mình phải gánh chịu chưa? Các bạn có đảm bảo tất cả hành vì gian lận của mình được thực hiện trót lọt 100%. Thường thì sẽ không bao giờ có điều ấy xảy ra, người ta vẫn thường nói rằng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, các bạn thực hiện hành vi thiếu trung thực nhiều lần, tất sẽ có ngày bị bắt gặp. Khi ấy sẽ thật xấu hổ biết bao với thầy cô và bạn bè xung quanh. Thầy cô, bạn bè thất vọng về bản thân bạn, thì ra bấy lâu nay những điểm số cao chót vót kia chỉ là một sự lừa dối. Bố mẹ sẽ vô cùng đau lòng khi đứa con gửi gắm biết bao hi vọng lại có những hành vi thiếu trung thực như vậy. Nhưng nguy hiểm hơn, chính là hành vi đó sẽ khiến bản thân học sinh bị méo mó về nhân cách, phát triển một cách lệch lạc, không đủ hành trang vững bước vào đời. Không chỉ vậy, gian lận còn khiến bạn tự đào một lỗ hổng kiến thức cho chính mình, thời gian gian lận càng nhiều, lỗ hổng kiến thức càng lớn. Vậy sau này ra khỏi trường lớp bước chân vào cuộc đời bạn sẽ tính sao trong khi chỉ có một cái đầu rỗng tuếch, thiếu tri thức, thiếu kinh nghiệm. Ai sẽ nuôi sống bạn trong suốt quãng đời còn lại. Và nhìn ra xa hơn, thói thiếu trung thực trong thi cử cũng có thể là khởi nguồn mọi thói hư tật xấu khác trong xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử có rất nhiều. Nguyên nhân khách quan là áp lực học hành, thành tích từ bố mẹ, nhà trường. Khi áp lực đó quá lớn, khiến học sinh không thể nhồi nhét kiến thức, lo sợ nên phải có những hành vi chống đối để đáp ứng được yêu cầu của gia đình và thầy cô. Không chỉ vậy, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn đang hoành hành, không ít giám thị khi coi thi vẫn coi dễ dãi, thậm chí nhắc bài, chính thái độ đó của họ khiến học sinh hình thành tâm lí ỉ lại, không chịu học hành. Nhưng quan trọng nhất vẫn xuất phát từ bản thân chính những người học sinh. Học sinh lười học, lười làm bài tập, chỉ đến khi chuẩn bị thi mới vắt chân lên cổ học, nhưng lúc ấy thì đã muộn, mà tâm lí lại luôn muốn điểm giỏi, điểm cao nên “đành” phải làm phao quay cóp. Nếu chúng ta không bỏ công sức và thời gian thì chẳng có gì chúng ta có được lâu bền và mãi mãi.
Với vấn nạn thiếu trung thực như vậy, chúng ta ngay lập tức cần có các biện pháp để giải quyết tình trạng này. Trước hết bản thân học sinh cần ý thức được vai trò tầm quan trọng của việc học, học không chỉ để lấy điểm, mà học còn là hành trang vững bước vào đời. Bởi vậy, người học phải có mục tiêu và phương hướng học tập đúng đắn. Bản thân cần có tinh thần cầu tiến, không ngừng nỗ lực cố gắng để đạt thành tích cao, khẳng định giá trị của bản thân. Đối với gia đình và nhà trường không nên tạo áp lực điểm số quá lớn đối với các em, để các em có thể thoải mái học tập. Nhưng không có nghĩa là bỏ bê, không quan tâm đến việc học tập của các em, luôn có những sự khích lệ kịp thời đối với những học sinh có tiến bộ. Ngoài ra, nhà trường cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tích cực và công bằng cho tất cả học sinh.
Trung thực là đức tính quý báu mà mỗi chúng ta cần phải rèn luyện ngay từ tấm bé. Bởi vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải trung thực trong từng bài học, bài kiểm tra. Trung thức sẽ tạo nên hành trang vững chắc để bạn bước vào cuộc đời thêm phần tự tin, và đạt được thành công.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử Những bài văn hay lớp 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.