Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận bài thơ Chiều xuân của Anh Thơ bao gồm 5 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay sát với chương trình học.
Cảm nhận Chiều xuân mà Wikihoc.com giới thiệu dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Bên cạnh đó các bạn xem thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 11 CTST.
Dàn ý cảm nhận Chiều xuân
1. Mở bài:
- Khái quát chung về tác giả Anh Thơ và bài thơ Chiều xuân
- Nêu khái quát cảm nhận chung về nội dung, nghệ thuật của bài thơ Chiều xuân.
2. Thân bài: Triển khai hệ thống các luận điểm đã xây dựng.
- Cảm nhận khung cảnh bến vắng chiều xuân: mưa lạnh, tiêu điều, vắng vẻ, thiếu sắc màu và ánh sáng
- Cảm nhận đường đê chiều xuân: có sự chuyển đổi từ tĩnh sang động, từ gam màu buồn sang gam màu xanh “biếc” của cỏ, của sự sống. Cảnh vật vô cùng thân thương và bình yên, độc đáo, nên thơ, làm vơi đi nỗi cô đơn của bến vắng.
- Cảm nhận cuộc sống con người chiều xuân: Nhịp sống nơi đồng quê khoan thai; niềm tin của con người vào một tương lai tươi sáng.
3. Kết bài: Nêu đánh giá, cảm nhận riêng của em về bài thơ.
Cảm nhận Chiều xuân – Mẫu 1
Mùa xuân đã lâu trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho việc sáng tác văn thơ. Xuân là thời điểm của tuổi trẻ, nơi khát khao sống mãnh liệt và sự cống hiến, nơi niềm tin và hy vọng được truyền tải. Trong khi hầu hết các nhà thơ thường miêu tả vẻ đẹp tinh khôi của mùa xuân trong những buổi sáng rạng rỡ, với ánh nắng chan hòa và cây xanh tươi mát, Anh Thơ lại lựa chọn tả mùa xuân trong buổi chiều. Bài thơ “Chiều xuân” ra đời với ý muốn khắc họa thêm vẻ đẹp dịu dàng của mùa xuân vào cảnh tượng buổi chiều – những cánh đồng quê hương yên bình và ngọt ngào.
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu.”
(Chế Lan Viên)
Bài thơ “Chiều xuân” được in trong tập “Bức tranh quê” xuất bản năm 1941, là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Anh Thơ. Tranh vẽ về thiên nhiên mùa xuân tươi mát, thơ mộng, và khung cảnh yên tĩnh của làng quê yên ả. Buổi chiều thường mang đến những khoảnh khắc gợi lên cảm xúc và cảm hứng trong tâm trí thi nhân. Nhà thơ đã quan sát và lựa chọn các hình ảnh và chi tiết đặc trưng của cảnh vật để tái hiện ba bức tranh của chiều xuân – những hình ảnh êm đềm và bình yên.
Khung cảnh đầu tiên mô tả một buổi chiều mưa bụi, với hình ảnh bến sông hoang vắng, con đò gần như bất động, quán tranh xơ xác bên chòm xoan rụng hoa tím:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Khổ thơ trên tạo nên một cảm nhận sâu lắng về một cảnh tượng đầy huyền ảo. Trước mắt ta là mưa nhẹ nhàng trút xuống, mang theo những hạt bụi nhè nhẹ, tạo ra một không khí êm đềm trên bến sông vắng vẻ. Con đò bất động, như trì trệ giữa lặng lẽ của dòng nước trôi. Quán tranh đứng im lìm, như đọng lại trong sự yên lặng của cảnh vật xung quanh. Bên cạnh, chòm xoan hoa tím rơi rụng đầy nét tơi bời, tạo nên sắc thái đầy u buồn và đổ đầy bầu không khí tĩnh lặng. Cảnh tượng này chạm đến lòng người với sự đậm sắc tưởng tượng và mang đến một cảm giác thanh tịnh, như một bức tranh huyền ảo và mơ màng trong tâm trí.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Từ đường đê, khung cảnh xanh mướt của cỏ non tràn ngập ánh sắc biếc đã tạo nên một bức tranh tự nhiên tươi tắn và mê hoặc. Đàn sáo đen bay xuống với sự uyển chuyển của chúng, tạo nên một âm nhạc tự do và nhẹ nhàng trên không trung. Mấy cánh bướm nhỏ rục rịch, múa bay trong tiếng gió, tạo ra một khung cảnh đầy sức sống và đa dạng. Trâu bò thảnh thơi, điềm tĩnh cúi mình, hưởng thụ những giọt mưa trên lưng, tạo nên một hình ảnh thanh bình và tự nhiên trong lòng người thưởng thức. Mỗi chi tiết trong khổ thơ của bài thơ “Chiều xuân” đều vẽ ra cho người đọc một hình ảnh sống động, đan xen với nhau để tái hiện những cảnh vật gợi lên sự sảng khoái và hài lòng.
Đứng giữa đồng lúa xanh rờn và ướt lặng, nhìn quanh mảnh đất bát ngát màu xanh tươi. Một cảm giác bình yên và thân thuộc như làm say mê lòng tôi. Bầu trời cao xanh thăm thẳm trải dài trên đầu, như một mái hiên kín mít, che chở cho những tâm hồn chẳng nguôi hi vọng:
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Từ một góc xa xa, tiếng cào cỏ ruộng trầm lắng như điệu nhạc ru tình. Một lũ cò con chốc chốc vụt bay ra khỏi cánh đồng, tạo nên hình ảnh tươi sáng và rộn ràng. Đôi cánh trắng mịn của cò trắng đập đồng điệu với tiếng hót ngọt ngào của chim chích chòe, cùng nhau tạo nên một vũ điệu tự nhiên, sôi động nhưng cũng nhẹ nhàng êm đềm. Bỗng dưng, ánh mắt tôi bị cuốn vào một hình bóng nữ tính và yêu kiều. Một cô nàng yếm thắm, áo dài xanh nhạt, đang cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa. Bàn tay nhỏ nhắn của cô gắp lấy những cỏ vàng, lấp lánh như ánh mặt trời chiếu sáng trên cánh đồng. Cái nhìn tròn xoe và đôi má hồng, cô nàng ấy như một bức tranh sống động giữa đại ngàn cỏ cây. Vẻ đẹp trong sáng và thuần khiết của cô nàng yếm thắm làm cả tác giả và người đọc cảm nhận được sự thanh tịnh và hòa quyện với thiên nhiên xanh tươi. Giữa cánh đồng lúa trải dài mênh mông, tôi hiểu rằng đôi khi, vẻ đẹp đơn giản nhất lại chứa đựng trong những hành động bình thường nhất, và cô nàng yếm thắm đó đã làm cho cảnh đồng trở thành một kiệt tác thơ mộng và tuyệt vời.
Từ vựng tinh tế và bút pháp khéo léo của Anh Thơ đã tạo nên những hình ảnh giản dị, nhưng tràn đầy ấm áp và chứa đựng vẻ đẹp của cuộc sống. Những từ ngữ ấy như những nét vẽ tinh tế, như một nét mực đỏ trên trang giấy đem lại cho người đọc những trải nghiệm tinh tế và sâu sắc. Những dòng thơ dễ chạm đến trái tim và dâng lên cảm xúc của người đọc, cho ta cảm nhận một cách chân thật nhất tình cảm và cảm xúc của nhà thơ. Điều này chính là thành công của bài thơ, khẳng định giá trị nghệ thuật của nó. Nhịp thơ đan xen chậm rãi và nhẹ nhàng, mang lại cho ta cảm giác sâu lắng, trong khi đôi lúc lại toả ra sự rộn ràng và vui tươi. Toàn bộ bài thơ như một bản nhạc với vô số giai điệu, làm rung động trái tim và suy nghĩ của người đọc. Tình yêu dành cho thơ ca và tình yêu với những giá trị giản dị, thân thuộc của quê hương – đó là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của bài thơ “Chiều Xuân”. Sự kết hợp tài năng và trái tim yêu thương đã làm nên một tác phẩm xuất sắc, khẳng định được vị thế đặc biệt của nó trong lòng độc giả.
Cảm nhận Chiều xuân của Anh Thơ – Mẫu 2
Bài thơ “Chiều xuân” in trong tập “Bức tranh quê” của nữ sĩ Anh Thơ. “Chiều xuân” được viết theo thể thơ 8 tiếng, gồm có 12 câu thơ, chia đều thành ba khổ thơ.
Bức tranh lụa “Chiều xuân” gồm có ba cảnh; cảnh nào cũng bình dị, thân quen với mỗi con người Việt Nam chúng ta. Sau gần bảy mươi năm, người đọc cảm thấy cô gái Kinh Bắc đang đứng bâng khuâng ngắm nhìn cảnh bến đò, dải đường đê và cảnh đồng lúa quê nhà một buổi chiều xuân mưa bụi.
Khổ thơ đầu tả cảnh bến đò. Trời đã ngả chiều, mưa xuân đổ bụi trắng đất trắng trời, nên bến đò trở nên vắng vẻ, không một bóng người khách lại qua: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”. Từ láy “êm êm” gợi tả một không gian êm đềm trong làn mưa xuân phơi phới bay”. Tạo vật như đang được ướp khí xuân và hương xuân; cỏ cây như đang mở mắt, lắng nghe “mưa đổ bị êm êm “, chào đón Chúa xuân đã về.
Con đò chiều mưa được nhân hoá, như một kẻ lười biếng nằm nghỉ, vô tâm và vô tình “mặc nước sông trôi”. Ta chợt nhớ đến con đò trong thơ Ức Trai hơn 600 năm về trước:
“Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”
(Bến đò xuân đầu trại)
Vì chiều mưa nên quán hàng cũng vắng vẻ. Quán tranh nghèo trên bến đò được nhân hoá như một lữ khách “đứng im lìm” trú mưa đầy tâm trạng. Nhà thơ không nói đến gió xuân mà ta vẫn cảm thấy có nhiều gió thổi. Chữ “tơi bời ” gợi lên cảm nhận ấy:
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Hoa xoan tím là một nét đẹp của hồn quê xứ sở. Cuối tháng hai đầu tháng ba, xoan ở đầu ngõ, xoan dọc đường bưng nở từng chùm, toả hương nồng nàn. Nguyễn Trãi có câu thơ: “Trong tiếng cuốc kêu, xuân đã muộn — Đầy sân mưa bụi, nở hoa xoan” (Cuối xuân tức sự). Trong bài “Mưa xuân” thi sĩ Nguyễn Bính đã viết:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
Cảnh bến đò với hình ảnh con đò biếng lười, quán tranh im lìm, chòm xoan “hoa tím rụng tơi bời” được Anh Thơ chấm phá một cách tinh tế; hình ảnh nào, hoạ tiết nào cũng có hồn, rất bình dị, thân thuộc, đáng yêu.
Khổ thơ thứ hai nói về cảnh vật ngoài đường đê. Chắc là những dải đê của sông Cầu, sông Thương, sông Đuống? Cỏ xanh là biểu tượng về sắc xuân. Nhiều nhà thơ đã viết rất hay, rất đẹp về cỏ xuân:
-“Phương thảo liên thiên bích” (cổ thi)
– “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi” (Nguyễn Trãi)
-“Cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du)
Cô gái Bắc Giang vẫn có một cách cảm nhận riêng, vừa mới vừa đẹp:
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ”
Chữ “non”, chữ “biếc” gợi lên màu xanh ngọt ngào; chữ “tràn” gợi tả vẻ tốt tươi, mơn mởn, căng đầy sức sống, nhựa sống của những thảm cỏ xuân trên đường đê uốn lượn. Cảnh vật không còn “êm êm”, “im lìm”, “vắng lặng” nữa mà trở nên sống động, có hồn. Từ đàn sáo đen, mấy cánh bướm đến những trâu bò tất cả như đang mang theo bao tình xuân:
“Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”.
Nét vẽ nào cũng sinh động: “sà xuống mổ vu vơ” , “rập rờn trôi trước gió”, “thong thả cúi ăn mưa”. Cánh bướm sặc sỡ không bay mà “trôi”, con trâu hiền lành đang gặm cỏ non trên dải đê tưởng “cúi ăn mưa”. Chữ dùng của Anh Thơ khá tinh luyện, giàu hình tượng và biểu cảm.
Cảnh thứ hai của bức tranh “Chiều xuân” không còn là tĩnh vật nữa, mà hoạ tiết nào cũng cựa quậy, sống động đầy sức xuân. Các động từ dùng rất đắt: tràn, sà xuống, mổ vu vơ, rập rờn trôi, thong thả cúi ăn mưa. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều; nét nào cũng mang theo sức xuân và tình xuân đầy ý vị. “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa” là một câu thơ gợi cảm có hình ảnh bình dị đáng yêu đã gợi lên bao nỗi niềm thương mến và tin cậy, làm nhớ lại một lời nguyền xa xưa:
“Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
(Ca dao)
Cảnh thứ ba là đồng lúa, lúa “sắp ra hoa ” xanh rờn. Lá lúa như những ngón tay xoè ra đón mưa bụi nên “ướt lặng”. Lũ cò con như bầy trẻ nhỏ tinh quái, tinh nghịch “chốc chốc vụt bay ra”. Chiều đã xuống dần , “Con cò đi đón cơn mưa — Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?” (Ca đao). Lũ cò con mong mẹ nên mới “chốc chốc vụt bay ra” hay có tình ý gì? Hình ảnh cô thôn nữ “yếm thắm” nổi bật trên nền xanh ruộng lúa đã làm sáng bừng vần thơ:
“Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.
Cảnh thứ ba có nhiều rung động xôn xao. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh khá thành công, làm nổi bật cảnh “Chiều xuân” nơi làng quê, trong những ngày mưa bụi thật là vắng lặng, êm đềm. Những chiều mưa xuân nơi đồng quê, làng quê ngày xưa vốn thế. Anh Thơ đã giúp những thế hệ độc giả hôm nay và sau này cảm nhận được cảnh vật và không khí thôn dã một thời quá vãng.
Trong “Thi nhân Việt Nam” khi nói về Anh Thơ, nhà văn Hoài Thanh viết: “Sau câu thơ, ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân”. Đọc “Chiều xuân ” ta cảm thấy rõ “hồn thi nhân” của nữ sĩ đã trang trải khắp các vần thơ.
“Chiều xuân ” cho thấy ngòi bút nghệ thuật của Anh Thơ tinh tế, đậm đà. Cảnh vật được chấm phá, phối sắc hài hoà, ý vị. Có màu tím của hoa xoan, màu biếc của cỏ non, đôi cánh đen của bầy sáo, màu xanh rờn của đồng lúa. Và nổi bật nhất, xinh tươi nhất là chiếc yếm thắm của cô thôn nữ, cô đang cần mẫn cào cỏ trên ruộng lúa “sắp ra hoa”.
Anh Thơ sử dụng từ láy tượng hình một cách đắc địa, làm nổi bật cái êm đềm, vắng lặng, xôn xao của cảnh vật trong một chiều xuân mưa bụi: êm êm, im lìm„vắng lặng, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả.
“Chiều xuân” là một bức cổ hoạ xinh xắn. Không phải cảnh lầu son gác tía, mà là cảnh bình dị, thân thuộc nơi đồng quê, làng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa, là hồn xuân xứ sở. “Chiều xuân ” là một bài thơ hay và đậm đà.
Cảm nhận Chiều xuân – Mẫu 3
Nữ sĩ Anh Thơ (1921 – 2005) được biết đến là một hồn thơ nữ đằm thắm, nữ thi sĩ có tên thật là Vương Kiều Ân, xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Quê gốc của nữ thi sĩ ở thị xã Bắc Giang nhưng bà lại sinh ra và lớn lên tại Ninh Giang, Hải Dương. Mặc dù chưa học hết tiểu học nhưng vốn có khiếu văn chương nên bà rất thích đọc sách và làm thơ.
Quê hương đất nước là mảng đề tài quen thuộc của giới văn nghệ sĩ, đã có nhiều tác phẩm tuyệt vời ra đời, Anh Thơ là một trong số những nhà văn đó đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng. Cảnh quê hương thanh bình yên ả của một quê hương giàu đẹp được thi nhân đón nhận bằng cả tâm hồn. Trải rộng bài thơ trích trong tập thơ “bức tranh quê” xuất bản năm 1941.
Tháng 8 năm 1945 Anh Thơ hăng hái tham gia cách mạng, nhiệt tình phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước bằng sáng tác thơ ca bà từng là ủy viên ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam, bà đã để lại nhiều tập thơ có ý nghĩa tinh thần và nghệ thuật sâu sắc. Trong đó có bài “chiều xuân” Anh Thơ đã miêu tả một bức tranh quê chiều xuân thanh bình, đồng thời thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình.
Anh thơ đã chọn thể thơ 8 chữ, gieo vần giãn cách, mỗi khổ có 4 câu là một bức tranh quê êm đềm, thư thái như tâm hồn người phụ nữ :
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời .”
Nhịp thơ 3/5 chậm rãi, khoan thai với những hình ảnh quen thuộc trong ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam vẫn là bến nước, con sông, con đò, quán nước nhưng có lẽ không phải bên sông có đông người lên xuống mà là một bến vắng, con đò cũng không phải là con đò nối nhịp cầu hai cảnh mà là con đò biếng lười, hờ hững để mặt dòng sông trôi xuôi và quán tranh im lìm, vắng lặng trong một chiều mưa xuân.
Tất cả cảnh vật như rơi vào tình trạng im ắng tuyệt đối, tất cả như đang mong mỏi một cái gì đó đến từ nơi xa thẳm. Nếu như không có sự chuyển động của nước sông trôi và “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” thì người đọc tưởng như mình đang đối diện với bức tranh xuân tĩnh vật, bức tranh xuân tuyệt đẹp, thật êm ả nhưng cũng thật buồn , chất chứa tâm trạng buồn não nề của chủ thể tôi đang cô đơn, khao khát đợi chờ, hỏi thăm. Khổ thơ như chứa đựng được nỗi niềm của thi nhân.
Ở khổ thứ 2, từ cái nhìn bao quát tác giả đi gần vào với con người và thiên nhiên
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .”
Cảnh chiều xuân được mở rộng hơn sau những ngày băng giá, xuân về cỏ non trở nên tốt tươi hơn “cỏ non tràn biếc cỏ”, điệp từ “cỏ” được lặp lại 2 lần đã khắc họa được cảnh vật thân quen ở nông thôn, cỏ non xanh mơn mởn, sức sống bừng lên mạnh mẽ qua cụm từ “tràn biếc cỏ” trên nền hình ảnh cỏ xuân ấy, chiều xuân hiện ra thật sinh động: “Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” cùng với đàn bò đang gặm cỏ để ăn và cao hơn một chút là: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió”.
Cảnh vật có động nhưng thật nhẹ nhàng vì đàn sáo đen sà xuống nhưng chỉ mổ một cách vu vơ, vài ba cánh bướm thì lại không bay mà để mặc trôi trước gió, mấy chú trâu bò kia lại cúi thong thả ăn mưa, cách miêu tả của Anh Thơ đã làm cho vật đã tỉnh nay càng thêm tĩnh, càng trở nên mơ hồ, huyền hoặc hơn. Tác giả lại đi vào chỉ tiết hơn ở cánh trong đồng, được Anh Thơ thể hiện trong khổ 3 của bài thơ:
“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa .”
Thi nhân tiếp tục khắc họa thêm hình ảnh chiều xuân với “đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng” , có những chú cò con thỉnh thoảng lại tung vụt bay lên giữa mảnh ruộng sắp ra hoa, trên khung cảnh chiều xuân ấy lại có sự xuất hiện thêm bóng dáng của thiếu nữ đang cúi cuốc cào, tưởng chừng như cô gái đang chăm chỉ với công việc.
Nhưng không tập trung vào công việc của mình nhiều lắm, chỉ cần tiếng cất cánh của đàn chim con” thôi mà cô gái cũng phải giật mình, cái “giật mình” thật đáng suy nghĩ, nàng thắm kia thả hồn về nơi đâu trong tuổi dậy thì mơ mộng với nỗi buồn vu vơ, nàng ngẩn ngơ trước cảnh vật đang rạo rực vào xuân.
Cả bài thơ chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ, mỗi khổ là một bức tranh xuân hợp lại, tạo nên cảnh xuân buổi chiều êm ả, bình yên và tĩnh lặng. Qua thủ pháp lấy động tả tĩnh cảnh sắc tươi tắn, con người mộng mơ, với sự quan sát tinh tế của người con gái phải yêu quê hương tha thiết thì ngòi bút của nhà văn Anh Thơ mới dựng lên được một cảnh chiều mưa xuân đẹp đến như thế.
Cảm nhận bài Chiều xuân – Mẫu 4
Mùa xuân là mùa của cây cối sinh sôi nảy nở, mùa xuân cũng là mùa của biết bao nhiêu thế hệ thi sĩ đắm chìm vào những bài thơ miêu tả xuân. Nếu như đa số những nhà thơ nói đến cái màu sắc yêu kiều tinh khôi của xuân vào buổi sáng bình minh cây xanh nắng dội thì Anh Thơ lại chọn riêng cho mình tả mùa xuân vào buổi chiều. Và bài thơ Chiều xuân ra đời như thế, qua đây ta thấy được thêm những nét đẹp của mùa xuân vào buổi chiều – vẻ đẹp êm đềm trên những cánh đồng quê hương dịu ngọt.
Nhà thơ vẽ lên một bức tranh mùa xuân vào buổi chiều, bức tranh ấy cũng bắt đầu bằng hình ảnh của mưa xuân êm đềm:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Không gian mở ra trên bến đò xưa cũ và bức tranh mùa xuân hiên lên có sự có cả âm thanh, màu sắc, hình ảnh. Tứ thơ mùa xuân lan toả trong từng hình ảnh từng chi tiết, từng lời thơ. Đó là những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân xứ Bắc: mưa bụi êm đềm, chùm hoa xoan tím rụng trên quán nhỏ… hình ảnh cơn mưa bụi gợi lên sự êm đềm phảng phất của những hạt mưa xuân nhỏ nhẹ êm êm.
Chiều xuân cũng vắng như những buổi chiều, con đò được nhân hoá như biết lười biếng để mặc cho nước trôi lững lờ cong mình thì nằm im lìm trên bến vắng đó. Trước mắt ta là một cảnh tượng hữu tình sông nước bến vắng với con đò. Anh Thơ không phải tìm đâu xa mà những hình ảnh bình thường nhưng lại nên thơ ấy đã như phô trước mắt chỉ cần một tâm hồn biết cảm nhận là toát lên những lời thơ tuyệt vời. Quán nước cũng im lìm trong sự vắng lặng ấy, chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Mùa chiều vốn tàn tạ nhưng mùa xuân thì nảy nở sinh sôi. Vậy Anh Thơ đã cho ta biết thêm một vẻ đẹp nhẹ nhàng lững lờ của mùa xuân nữa. Mọi thứ đều hoạt động một cách nhẹ nhàng phảng phất buồn trong sự vắng lặng của con người.
Sang khổ thơ thứ hai lại là một phiên cảnh khác, không phải là cảnh bến vắng con đò lười nữa mà là cảnh mùa xuân trên những triền đê:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Màu sắc của cỏ cũng trở nên thật dịu nhẹ làm sao, sắc cỏ dịu dàng tràn biếc cỏ. Sắc màu ấy không rực rỡ không chói chang không nổi sóng như bài xuân chín của Hàn Mặc Tử, cũng không bằng bạc thời gian như trong thơ Quách Tấn, mà sắc màu ấy là gam màu của cuộc sống được khúc xạ qua một tâm trạng ngẩn ngơ một chút buồn vu vơ của thi sĩ. Những con sáo đen sà xuống mổ vu vơ, mấy cánh bướm thì chập chờn trong gió, những đàn trâu thong thả ăn những búi cỏ ướt đẫm mưa xuân.
Ở đây ta cảm thấy được nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ quả thật rất hay. Những con số như “đàn”, “mấy”, “những” thể hiện sự nhiều, sự đầy đủ nhưng cũng không quá đông của những con vật làm đẹp cho bức tranh chiều mùa xuân ấy. Và đặc biệt là hình ảnh cánh bướm thì trôi trước gió, đàn trâu thì ăn mưa. Người ta chỉ hay nói rằng trôi theo nước, ăn cỏ hay uống mưa chứ không ai nói như thi sĩ cả. Những cái vô lý ấy lại trở thành cái có lý thành những hình ảnh nghệ thuật vô cùng đẹp. Nó nhằm thể hiện lên sự dập dìu của thiên nhiên cảnh vật, cánh bướm mỏng manh bay trong gió tựa như đang trôi theo những làn gió nhẹ nhàng ấy. Đàn trâu gặm những búi cỏ ướt đẫm những hạt mưa xuân như đang ăn mưa vậy.
Chia tay cảnh chiều xuân trên triền đê bãi cỏ chúng ta đến với cảnh xuân trên trong ruộng lúa nước thân quen:
Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Cơn mưa xuân êm êm kia cũng làm cho những cây lúa trên đồng ướt lặng. Cái chữ lặng kia làm cho chúng ta thấy được sự lặng lẽ êm đềm của cảnh vật xuân nơi làng quê. Cánh đồng không thiếu đi hình ảnh những con cò chân đứng chân co rồi lại chốc chốc bay vút lên bầu trời kia. Cánh cò cứ bay lả rập rờn như thế. Cái hành động chốc chốc bay ra ấy khiến cho những cô gái yếm thắm giật mình. Cái giật mình ấy thật đáng yêu làm sao. Hình ảnh những người con gái xưa duyên dáng với chiếc yếm trên thân mình gợi cho ta bao niềm liên tưởng về những con người ngày xưa. Đặc biệt câu thơ cuối với bốn từ liền nhau đều mang âm đầu là “c”: “cúi cuốc cào cỏ” thể hiện sự nhịp nhàng trùng điệp. Những cô gái yếm thắm ấy không chỉ duyên dáng trong trang phục của người xưa mà còn đẹp với cái nết na chăm chỉ vun vén cho những cây lúa tốt tươi, cuốc những cây cỏ đang ra hoa kia đi.
Như vậy có thể nói ba cảnh ấy hợp lại thành một bức tranh chiều xuân với nét đẹp vẫn sinh sôi nảy nở nhưng lại êm đềm vắng vẻ và thoáng chút buồn vu vơ của người thi sĩ. Có thể nói ta cảm nhận được sau bức tranh ấy là một tâm hồn thuần phát trong sáng của nhà thơ.
Cảm nhận về bài thơ Chiều xuân – Mẫu 5
Nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1918, quê ở Bắc Giang. Trong suốt chặng đường sống, làm thơ và hoạt động cách mạng bà luôn dành nhiều tình cảm cho quê hương và đã có nhiều bài thơ viết về Bắc Giang. Tôi biết đến nữ sĩ Anh Thơ và bài thơ “Chiều xuân” của bà vào những năm đầu của thập kỷ tám mươi, thế kỷ XX. Làng tôi ở ven sông và cũng có một con đò. Con đường từ bến sông vào làng, cuối mùa xuân rụng đầy hoa xoan tím. Vốn là một cô bé thích học văn từ nhỏ, tình cờ một lần đọc được bài thơ, cho dù chẳng hiểu nhiều lắm, nhưng có lẽ những hình ảnh trong bài thơ đã cuốn hút tôi:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi…
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời…”
(Chiều xuân – Anh Thơ)
Thích thơ của bà, nhưng là thế hệ hậu sinh, sau bà hàng nửa thế kỷ và ở một miền quê cách xa Bắc Giang hàng trăm cây số, tôi không nghĩ có một ngày tôi đã đến quê hương của bà; đã đi trên con đê bà đã từng đi và nghĩ về bà trong một chiều xuân sông Thương “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”. Và nhất là tôi không thể ngờ có một ngày tôi đã được gặp và phỏng vấn bà trong lần bà trở lại thăm Bắc Giang.
Ngay từ những năm 1941 tác phẩm “Bức tranh quê” của nữ sĩ Anh Thơ đã được giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn và tên tuổi của người con gái trẻ làm thơ ở bến sông Thương cũng đã gây xôn xao trên văn đàn từ ngày ấy. Với bài thơ “chiều xuân”, chỉ bằng một vài nét chấm phá, bà đã tạo được cả một không gian xuân đằm thắm, trữ tình của vùng quê trung du đẹp mà buồn. Sau năm 1945, Anh Thơ đã trở thành một nhà thơ cách mạng. Không chỉ làm thơ cổ vũ, động viên tinh thần cách mạng, bà còn trực tiếp tham gia làm “chị nuôi”, đi quyên góp tiền gạo nuôi quân, từng mặc áo dài lụa vân trắng, cưỡi ngựa hồng dẫn đầu đoàn quân tiến vào trại phỉ, cảm hóa chúng đi theo Việt Minh. Năm 1956, tập thơ Kể Chuyện Vũ Lăng của bà được tặng thưởng của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Năm 2001, bà vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Với quê hương Bắc Giang, nữ sĩ Anh Thơ luôn có một tình cảm đặc biệt. Trong các tác phẩm của bà, giống như những cuốn nhật ký phản ánh chặng đường sống, làm thơ và hoạt động cách mạng với những con người bà đã gặp, những con đường bà đã đi qua…, hầu như đều ẩn hiện dáng hình mảnh đất bên dòng sông Thương, nhất là các tác phẩm “Chiều xuân”, “Tiếng chim tu hú”, “Từ bến sông Thương”…Tôi nhớ không rõ lắm, khoảng năm 1993 -1994. Hôm đó là chủ nhật, được biết hôm ấy vợ chồng nữ sĩ Anh Thơ sẽ về thăm gia đình bác Phương Minh Nam -lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc, là bạn công tác cùng bà từ thời kháng chiến, tôi được cơ quan phân công đến gặp để thực hiện cuộc phỏng vấn đối với bà.
Bản thân tôi cũng thấy xúc động và hồi hộp về cuộc gặp gỡ sắp diễn ra. Với một túi xách nhỏ và một chiếc máy ghi âm khá to khổ khoác trên vai, tôi tìm đến nhà bác Phương Minh Nam ở phố Nghĩa Long – phường Lê Lợi. Cả gia đình bác đang tất bật sửa soạn để đón vợ chồng nữ sĩ Anh Thơ , bởi đó là lần đầu tiên bà đưa người bạn đời của mình là bác sĩ Bùi Viên Dinh, quê ở Đồng Nai “ra mắt” những người bạn ở Bắc Giang. Nghe ý định của tôi, cả bác Nam và bác gái Nguyễn Thị Uyên đều rất vui và ủng hộ. Khoảng gần 10h trưa thì vợ chồng nữ sĩ Anh Thơ về tới nơi. Nữ sĩ Anh Thơ với dáng mảnh, cao gầy, tóc chải rẽ ngôi lệch, búi cao, dáng đi nhanh nhẹn, phong cách rất giản dị mà vẫn toát lên vẻ đài các, thanh lịch của trí thức thời xưa. Cho đến bây giờ tôi vẫn cho mình là người may mắn khi được chứng kiến cuộc hội ngộ ấy. Những cái nắm tay thật chặt, những câu hỏi dồn dập về những người bạn cũ, những câu chuyện về ký ức xa xôi, những nụ cười và những giọt nước mắt… cả những câu chuyện tếu đùa vui, cứ như họ còn rất trẻ, cho dù ai cũng đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Sợ tôi đợi lâu, bác Nam nói với nữ sĩ Anh Thơ có cô nhà báo muốn được phỏng vấn bà. Có lẽ nữ sĩ cũng hơi bất ngờ vì bà hoàn toàn muốn dành chuyến đi này cho bạn bè nhưng bà vẫn vui vẻ nhận lời. Bà tỏ ra rất vui khi thấy tôi khá thuộc thơ của bà. Qua câu chuyện, nữ sĩ Anh Thơ đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Chiều xuân”, về cảm giác của bà khi biết tác phẩm “Bức tranh quê” được giải thưởng; những thay đổi trong nhận thức của bà khi đi theo cách mạng; nổi xúc động về những em bé, những người phụ nữ trong kháng chiến mà bà đã gặp…
Đang dở câu chuyện, như chợt nhớ ra, bà gọi bác Uyên hỏi thăm về bà Nguyễn Thị Mùi (nguyên là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh), rồi bà quay sang tôi, lau nước mắt, xúc động: “Một trong những người tôi luôn kính trọng, cảm phục và thương mến là chị Mùi. Tôi có may mắn hơn chị là ít nhiều còn được học hành, biết chữ. Chị Mùi điển hình là người phụ nữ nông dân giàu nghị lực, luôn nhẫn nại, hy sinh vì cách mạng. Mỗi lần đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Việt Nam – rũ bùn đứng dậy sáng lòa !” là tôi lại nghĩ đến chị Mùi”.
Khi tôi hỏi cảm xúc của bà khi trở lại thăm quê hương Bắc Giang. Bà nói: “Tôi đã ở Bắc Giang từ những ngày còn trẻ và có rất nhiều kỷ niệm. Bắc Giang giờ đây đã thay đổi nhiều. Mừng nhất là phụ nữ Bắc Giang ngày càng được tôn trọng, bình đẳng với nam giới”.
Chiều hôm ấy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã mời vợ chồng nữ sĩ Anh Thơ giao lưu với các anh chị em văn nghệ sĩ của địa phương. Ban tổ chức đã dành cho nữ sĩ một sự bất ngờ đó là đón cụ Mùi tới cuộc giao lưu. Đang say sưa chuyện văn chương, nhìn thấy cụ Mùi, nữ sĩ Anh Thơ ôm chầm lấy cụ oà khóc, khiến ai cũng xúc động. Bà cứ nắm vai, nắm tay cụ Mùi và nói: “Chị Mùi của tôi, người phụ nữ Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của tôi đây !”.
Cuộc gặp gỡ ấy đến nay đã gần 20 năm. Cụ Mùi, nữ sĩ Anh Thơ, bác Phương Minh Nam cũng đã không còn nữa… nhưng mỗi lần nhớ lại, trong lòng tôi vẫn thấy rưng rưng. Chiều nay đi trên đê sông Thương, ngắm cây cầu mới vắt ngang qua sông và tấp nập dòng người đi sắm Tết, tôi vẫn như thấy thấp thoáng bóng bà đi trong chiều xuân có mưa đổ bụi êm êm và đầy hoa xoan tím… Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã hiểu ra rằng chính nữ sĩ với tình yêu thiết tha trong “Chiều xuân” đã nói với thế hệ hậu sinh hãy biết yêu quê hương từ những gì quen thuộc, bình thường nhất như con đò, bến nước, dòng sông… Hãy biết trân trọng và giữ gìn quá khứ. Và phải chăng – đó cũng chính là điều mùa xuân luôn mong chờ!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận bài thơ Chiều xuân của Anh Thơ (Dàn ý + 5 Mẫu) Chiều xuân của Anh Thơ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.