Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê (Ninh Thuận) là một trong những đề tài rất hay nằm trong chương trình SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều trang 114.
Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê mang đến 2 dàn ý và 3 bài văn mẫu hay, ấn tượng nhất. Thông qua tài liệu này các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, rèn kỹ năng thuyết trình về một địa chỉ văn hóa ngày một tiến bộ hơn. Vậy dưới đây là 3 bài văn mẫu Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê, mời các bạn cùng đón đọc.
Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng
Dàn ý thuyết trình về lễ hội Đền Hùng
1. Mở bài: Giới thiệu về di tích lịch sử Đền Hùng.
2. Thân bài
– Lịch sử hình thành: Vua Hùng lựa chọn để đóng đô.
– Đặc điểm
- Vị trí: nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
- Gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng.
- Điểm bắt đầu của Khu di tích là Đại Môn, xây năm 1917 theo kiểu vòm uốn.
- Đền Hạ: xây vào thế kỷ 17 – 18, cấu trúc chữ Nhị, được tương truyền là nơi Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con.
- Chùa Thiên Quang: nằm kề bên đền Hạ, được xây vào thời Trần.
- Đền Trung: tên chữ là Hùng Vương Tổ Miếu, tồn tại từ thời Lý – Trần, cấu trúc đơn giản hình chữ Nhất. Tại đây Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng nhân dịp lễ tết.
- Ðền Thượng: nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thờ Thánh Gióng và vua Hùng.
- Lăng vua Hùng: là mộ của Hùng Vương thứ 6. Lăng được thiết kế theo cấu trúc hình vuông với cột liền tường và hướng mặt về phía đông nam. Bên trong lăng có xây dựng mộ vua Hùng.
- Đền Giếng: nằm ở phía Đông Nam chân núi Nghĩa Lĩnh. Đền xây vào thế kỷ 18, đây là ngôi đền mà hai cô con gái vua là Tiên Dung và Ngọc Hoa đã từng ngang qua, tại đây họ thường soi gương và chải tóc.
– Ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng của khu di tích
- Thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta từ ngàn đời xưa.
- Là di sản có giá trị sâu sắc thể hiện tình cảm, sự biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước, đặc biệt là đối với vua Hùng, người đã tiên phong khai sinh nên bờ cõi nước Việt.
3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của khu di tích Đền Hùng.
Thuyết trình lễ hội Đền Hùng – Mẫu 1
Là người Việt Nam, không ai là không biết đến câu ca:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”
Lễ hội đền Hùng giỗ tổ Hùng Vương (được tổ chức ngày mồng mười tháng ba hàng năm) từ lâu đã trở thành một tục lệ trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, một điểm tựa của tinh thần văn hoá. Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ hội trọng đại của cả dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ mà hướng về vùng đất Phú Thọ. Từ các triều đại phong kiến Việt Nam, Đinh Lý Trần Lê, Đền Hùng đã là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc ta.
Ngày này hàng năm, lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hoá của dân tộc. Không chỉ để tưởng nhớ tổ tiên cội nguồn, lễ hội Đền Hùng còn nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ mười tám vị Vua Hùng đã có công dựng nước và lớp lớp các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Lễ hội đền Hùng được diễn ra vào ngày mồng mười tháng ba:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Từ thuở xưa lễ hội đền Hùng đã có một đặc thù riêng là phần lễ nặng hơn phần hội. Người về dự hội là hướng về tổ tiên với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc (Uống nước nhớ nguồn). Phần hội chỉ là phần phụ để không khí thêm vui tươi, náo nhiệt trong ngày này.
Phần lễ gồm tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân. 41 làng thuộc tỉnh Phú Thọ được rước kiệu từ đình làng mình đến Đền Hùng. Các kiểu đều được sơn son thếp vàng, chạm trổ đẹp mắt, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ… và đặc biệt nhất là các đêm hát xoan, hát ghẹo – hai làn điệu dân ca độc đáo riêng ở Châu Phong.
Vào những năm chẵn (5 năm một lần), giỗ Tổ được tổ chức theo đúng nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Dù năm chẵn hay lẻ lễ hội Giỗ Tổ vẫn rất chặt chẽ, bao gồm hai phần lễ và hội. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ.Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước bấy giờ, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn như lời hứa quyết tâm của vị lãnh tụ đứng đầu đất nước.
Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng, nửa theo Cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Vì thế mà hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương, dâng hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,… được tổ chức trang nghiêm và long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mùng 9, làng được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung đông đủ tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng mồng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở thành phố Việt Trì, xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành đến chân núi Hùng.
Tới trước thềm của “Điện Kính Thiên”, đoàn đại biểu kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hoá, thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc văn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được báo chí, truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước theo dõi lễ hội. Người đi lễ dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.
Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức diễn ra văn hoá hoá xưa. Các hình thức văn hoá được đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Trong khu vực diễn ra hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn hóa, thể thao,… được duy trì trong nhiều năm nay.
Các trò chơi văn hoá dân gian được duy trì đến ngày nay như: đu quay, đấu vật, chọi gà, kéo lửa, nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người)… Bên cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ dân chuyên nghiệp: chèo, hát quan họ, kịch nói,… Đây chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. Những làn điệu hát Xoan – Ghẹo với lời ca tinh tế mượt mà đã đem tới cho lễ hội một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng đất Phú Thọ.
Tổ tiên người Việt Nam luôn muốn nhắc nhở con cháu: nên làm tròn bổn phận nhiệm vụ của mình, giữ kỷ cương, gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển. Lời dạy bảo này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, biểu tượng thiêng của dân tộc, gửi gắm trong hình tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng.
Thông qua lễ hội đền Hùng, tổ tiên ta còn muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước, yên dân. Suốt mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, lễ hội đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần, là cội nguồn của sức mạnh, chói sáng của một nền văn hóa.
Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng và ngày giỗ Tổ, mà nhìn vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển cũng đã từng đến thăm viếng Đền Hùng. Chúng ta thật sự tự hào khi được biết Đến Hùng và các di tích trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Trong những dòng lưu bút thừa nhận. “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam…”.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Qua mấy nghìn năm, bao biến động thăng trầm, Đền Hùng và ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch vẫn là điểm sáng của bốn phương tụ hội, nơi con cháu lưu công đức Tổ tiên, là biểu tượng của dân tộc và văn hóa Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.
Thuyết trình lễ hội Đền Hùng – Mẫu 2
Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con người Việt Nam có từ nghìn xưa trở thành đạo lý và lẽ sống của các dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nhưng ở đời nào, triều đại nào nhân dân ta đều không hề quên tổ chức lễ hội Đền Hùng. Đây là một lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Như vậy phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta. Đó là ngày hội toàn quốc, toàn dân và trong tâm thức dân gian Việt Nam nó mang tính thiêng liêng cao cả nhất. Vì thế mà lễ hội được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia, với sự hành hương “trở về cội nguồn dân tộc” của hàng chục vạn người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài.
Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc đẹp trên núi Nghĩa Lĩnh, tức núi Hùng, thuộc xã Huy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Khởi thủy các ngôi đền này đều được làm bằng đá để thờ các vị thần núi và các vị vua Hùng. Và từ đó đến nay, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, qua các triều đại, các ngôi đền đều được nhân dân địa phương trông coi, sửa chữa, tôn tạo hoặc xây dựng để chống lại sự phong hoá của thời gian và do các cuộc chiến tranh tàn phá. Để có được những ngôi đền với diện mạo bề thế khang trang như ngày nay là kỳ tích và công sức của bao thế hệ con cháu duy tu bảo dưỡng. Các di tích này từ lâu đã trở thành một di sản văn hóa quý giá và là bảo tàng lịch sử của dân tộc ta.
Mỗi công trình kiến trúc của di tích đền Hùng đều hàm chứa nội dung huyền thoại hòa lẫn hiện thực, theo dòng lịch sử chảy trôi, làm cho người đi hội hôm nay như thấy quá khứ và hiện tại quyện vào nhau. Khí thiêng sông núi như tôn thêm cho ngày hội non sông thêm rạng rỡ. Từ cổng tiền lớn (Đai môn) dưới chân núi, bức đại tự phía trên mang dòng chữ “Cao sơn cảnh hàng” (Núi cao đường lớn) vui vẻ chào đón mọi người. Vượt 225 mác xi măng, khách tới đền Hạ, nơi bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Có lẽ đây là sự tích về nguồn gốc của người Việt Nam được cùng sinh ra một bọc. Vì vậy mà trong ngôn ngữ của ta, dân gian vẫn dùng hai tiếng “đồng bào” (cùng một bọc) cho đến tận ngày nay. Khi Âu Cơ sinh bọc trăm trứng thì Lạc Long Quân dẫn 50 người về xuôi còn Âu Cơ dẫn 49 con lên ngược, để lại người con trưởng làm vua, xưng là Hùng Vương, định đô ở Phong Châu. Vượt 168 bậc nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đền Trung là chỗ xưa kia các vua Hùng thường họp bàn việc nước với các quan đại thần trong triều. Đây cũng là nơi nghỉ ngơi thoải mái của các vua Hùng cùng các tướng lĩnh sau những cuộc viễn du săn bắn dài ngày. Nơi đền Trung còn liên quan đến sự tích “bánh chưng, bánh dày” và cuộc thi cổ do vua Hùng Vương thứ 6 tổ chức nhằm mục đích tìm người nối ngôi. Lang Liêu là con trai út vì lòng hiếu thảo đã chế ra được hai loại bánh từ gạo nếp thơm là bánh chưng và bánh dày. Lại vượt 102 bậc nữa là tới đền Thượng. Tục truyền rằng ở thời Hùng Vương, các vua Hùng thường cùng các vị tướng soái hay tổ chức tế trời trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, để cầu khấn trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no hạnh phúc. Cũng tại khu vực đền Thượng, vua Hùng Vương thứ 6 đã lập bàn thờ Thánh Gióng để tưởng niệm người anh hùng làng Phù Đổng. Và sự tích Thục Phán dựng hai cột đá thề, khi được vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi cho và hứa tiếp tục sự nghiệp của các vua Hùng. Cạnh đền có ngôi mộ nhỏ, cổ kính được gọi là mộ Tổ. Đây chính là phần mộ của Hùng Vương thứ 6, dân gian dựa vào lời dặn của nhà vua lúc băng hà rằng: “Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu muôn đời về sau”. Từ đền Thượng, phóng tầm mắt về phía trước, khách chiêm ngưỡng 99 ngọn núi lớn nhỏ, hình bầy voi quỳ hướng về núi Mẹ – Nghĩa Lĩnh – uy nghiêm – riêng một con quay lưng lại, “ăn ở ra lòng riêng tư”, đã bị mất đầu mãi mãi phải xa lìa bầy đàn, nguồn cội. Bài học bằng đá cho tới nay vẫn có giá trị nhắc nhở hậu thế về lòng hiếu nghĩa ở đời.
Trở xuống đền Hạ, chếch về phía Đông Nam là đền Giếng. Tục truyền rằng ở thời Hùng Vương thứ 18, có hai nàng công chúa tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa, theo vua cha đi kinh lý qua đây thường hay đến giếng nước trong vắt chốn này để soi gương chải tóc. Cả hai nàng công chúa đều đẹp người, đẹp nết đã có công dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, phát triển buôn bán trao đổi, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn dân trăm họ. Nên để tưởng nhớ ơn hai vị công chúa, nhân dân đã xây dựng ngôi đền Giếng để thờ tự cúng lễ.
Lễ hội đền Hùng là dịp giỗ tổ thiêng liêng. Bởi vì trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt đều tự hào là dòng giống Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên. Để rồi cứ mỗi độ xuân về người Việt lại nô nức hành hương về đất Tổ để tưởng nhớ công lao to lớn trong sự nghiệp mở nước và dựng nước, khai sáng nền văn minh Lạc Việt và lập nên nước Văn Lang cổ đại.
Hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, mà mùng 10 là chính hội. Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội đền Hùng gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần tế lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp theo đến các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng. Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội đền Hùng năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Với sự xuất hiện của các đám rước linh đình mà không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn. Các cỗ kiệu của các làng phải tập trung trước vài ngày thì mới kịp cuộc thi. Nếu như cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của kỳ thi năm nay, thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ. Vì vậy, cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của dân làng ấy. Bởi họ cho rằng, đã được các vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh… Tuy nhiên, để có được đám rước các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ trước. Những khó khăn vất vả của dân làng đã thôi thúc họ vượt qua được để đến với cái linh thiêng cao thượng và hướng về Tổ tiên giống nòi. Đó là đời sống tâm linh của dân chúng, được biểu hiện rõ nét qua một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm với cộng mệnh sâu sắc. Sinh hoạt văn hóa dân gian này đã thành nhu cầu không thể thiếu được đối với các cộng đồng làng xã cư trú quanh đền Hùng.
Mỗi một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Sự bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, chén nước và bầu rượu. Cỗ kiệu thứ 2 có đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt với nhiều sắc màu trang hoàng tôn nghiêm. Cỗ thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc để nguyên, đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng. Các vị chức sắc thì mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình, còn các cụ bô lão cũng mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp. Trong hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng. Điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông. Bà đã cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của nó, nên bà đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các vua Hùng.
Ở đền Hạ có hát ca trù (gọi là hát nhà tơ, hát ả đào). Đây cũng là loại hát thờ trước cửa đình trong dịp hội làng, do phường hát Do Nghĩa trình diễn. Ngoài sân đền Hạ, ở nơi thoáng đãng có đu tiên. Mỗi bàn đều có hai cô tiên (cô gái Mường trẻ mặc đẹp) ngồi. Đu quay được là do các cô luân phiên lấy chân đạp đất. Đu tiên là trò chơi đẹp mắt, nhịp nhàng của phụ nữ. Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng là các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền, diễn ra rất sôi động, được nhiều người tham dự như trò chơi ném côn, chơi đu, đấu vật, chọi gà,… Những trò đánh cờ người và tổ tôm điếm được các cụ cao niên tâm đắc. Còn các đám trai gái tụm năm, tụm ba trên các đồi đó trổ tài hát ví, hát trống quân hoặc hát đối đáp giao duyên…Tối đến có tổ chức hát chèo, hát tuồng ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng… Không khí ngày hội vừa trang nghiêm phấn khởi, vừa hào hứng sôi nổi đã làm rung động tâm khảm trái tim bao người đến dự hội.
Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện.
Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.
Thuyết trình lễ hội Ka-tê (Ninh Thuận)
Dàn ý thuyết trình lễ hội Ka-tê
Mở đầu |
Giới thiệu khái quát về lễ hội Ka-tế của người Chăm ở Ninh Thuận và mục đích của bài thuyết trình. Ví dụ: Thông qua việc giới thiệu những nét đặc sắc của lễ hội Ka-tô, mọi người hiểu rõ về văn hoá, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người Chăm ở Ninh Thuận, từ đó, cũng góp phần gin giữ và phát huy những giá trị văn hoả tốt đẹp của dân tộc (mục đích). |
Nội dung chính |
+ Trình bày cụ thể các đặc điểm của lễ hội Ka-tệ, chẳng hạn: Tên gọi: thời gian, không gian tổ chức; phần lễ phân hội, … Có thể đan cài các cảm nhận, đánh giá riêng của bản thân theo từng phần, + Trình bày ý nghĩa của lễ hội Ka-tế đối với cuộc sống, con người. Ví dụ: Qua lễ hội Ka-tê, người Chăm thể hiện sự tri ân đối với tổ tiên, các bậc tiền bối đã có công tạo dựng và bảo vệ cuộc sống cho họ. Đây cũng là khoảng thời gian những thành viên trong gia đình vui Tết đoàn viên, đến thăm họ hàng, bè bạn và cùng nhau tận hưởng những giây phút bình an, hạnh phúc. |
Kết thúc |
Khẳng định lại giá trị văn hoá chủ yếu của lễ hội Katê (giá trị về vật chất, tinh thần) đối với người Chăm nói riêng và với cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. |
Thuyết trình lễ hội Ka-tê
Lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm nhằm khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch (tháng 9 âm lịch) để tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Pôme… Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình tạo thành một dòng chảy phong phú, đa dạng.
Lễ hội Katê của người Chăm hàng năm được tổ chức vào 1/7 lịch Chăm (khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 dương lịch), diễn ra trong 3 ngày trên một không gian rộng lớn tại các đền tháp Chăm thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Lễ hội Katê, Ninh Thuận được đánh giá là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn. Về bản chất, Lễ hội Katê tựa như Tết Nguyên đán của người Kinh. Trong dịp này, người Chăm sửa soạn nhà cửa, diện những bộ trang phục mới, tham gia lễ hội theo tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ các vị thần, ông bà, tổ tiên; thăm hỏi trong gia đình, cộng đồng, chúc nhau những lời tốt lành.
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận chính thức được ghi tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ban hành kèm theo quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính ngàn năm tuổi, nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm, mà còn gắn với nhiều lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để cộng đồng người nhân dân địa phương và những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca – múa – nhạc dân gian với phong cách độc đáo.
Một ngày, trước khi lễ hội chính thức diễn ra tại các đền tháp thì tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có tổ chức lễ đón rước y trang từ người Raglai tại đền Pô Nưgar. Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm. Các lễ hội Katê đều có sự tham dự của người Raglai với các điệu múa đặc sắc dâng lên thánh thần.
Vào ngày thứ hai, lễ diễn ra tại Tháp Pô klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh và tháp Pô Rôme trên đồi ” Bôn acho” tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu. Trong buổi lễ này người Chăm sẽ thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho vua. Đây là nghi thức kỳ bí nhất diễn ra bên trong tháp. Mở đầu là vị cả sư và ông từ giữ tháp làm lễ mở cửa tháp sau đó đoàn người gồm cả sư, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi và các giáo đồ trung tín tiến vào tháp. Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần ( tượng thần bằng đá dưới hình thể Mukhalinga – linga hình mặt người).
Lễ mặc y trang cho vua diễn ra ngay sau đó nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi. Thầy kéo đàn Kanhi kết thúc bài hát đầu tiên thì cả sư, bà bóng… đã mặc trong váy cho vua. Cứ như thế y trang lộng lẫy được khoác lên tượng ngài theo các lời hát. Nghi lễ tắm và mặc y trang cho nhà vua diễn ra thành kính đầy tính tâm linh. Những người được tắm cho vua còn thấm nước trên tượng ngài bôi lên đầu mình để cầu may mắn, sức khỏe. Thầy kéo đàn Kanhi là người giữ nhịp cho buổi lễ, mỗi bài thầy hát đều mang một ý nghĩa tín ngưỡng và tưởng nhớ tổ tiên.
Vào ngày thứ ba, lễ hội diễn ra tại làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Làng Mỹ nghiệp có tên Chăm là Caklaing, theo truyền thuyết đây là nơi sinh ra vị vua Chăm Pô Klong Garai. Làng còn có một nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng có lịch sử phát triển lâu đời. Trong ngày Hội Katê, làng Chăm Mỹ Nghiệp tổ chức Lễ dâng cúng thần làng, tổ sư nghề dệt và tổ tiên. Trong ngày hội họ còn tổ chức nhiều trò chơi như thi dệt vải, đội nước, đá bóng, văn nghệ…
Lễ hội Katê cũng bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ: các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ như lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần, và đại lễ. Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội. Những điệu trống Gi Năng và kèn Saranai cùng vang lên hoà với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm làm náo nức lòng người.
Chiều tối ngày thứ 2 lễ hội ở các tháp Chăm kết thúc và sau đó là lễ hội Katê ở làng và từng gia đình. Tại các làng Chăm không khí lễ hội lại bừng lên tuy nhiên qui mô nhỏ hơn và phần lễ cũng đơn giản hơn. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, chứ không nhất thiết gia đình nào cũng cúng lễ Katê.
Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp lễ này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau.
Katê được tổ chức trong 3 ngày nhưng thực tế nó thường được kéo dài cả tuần lễ để bà con người Chăm vui chơi giải trí và cầu cho một năm mùa màng tốt tươi. Sau khi làm lễ ở đền tháp, Katê được đưa về gia đình để các gia đình, dòng tộc tổ chức lễ cúng. Mọi thành viên viên trong gia đình sum họp, ngồi quay quần bên hương hồn tổ tiên và chúc nhau những điều tốt lành.
Qua một chặng dài lịch sử, Katê là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa Chăm đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trên dặm đường lịch sử của mình.
Lễ hội Katê mang nhiều yếu tố đối lập của cấu trúc lưỡng hợp: màu sắc, nghi lễ, hội hè… từ đực-cái, ngày – đêm, sáng – tối. Tất cả đều thể hiện ước vọng phồn thực trong sự liên kết lứa đôi, hầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi và mùa màng tươi tốt của cư dân nông nghiệp.
Có thể nói lễ hội Katê chính là dịp cho người Chăm phô bày sắc thái văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy lễ hội Katê không chỉ đem đến cho người dự hội những vẻ đẹp của Tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng mà nó còn trình diễn trước công chúng một nền ca- múa – nhạc dân gian giàu bản sắc riêng.
* Các hoạt động của Lễ hội Katê 2017
Lễ hội Katê năm 2017 của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận sẽ diễn ra từ ngày 18/10 – 21/10/2017 (Từ ngày 30/6 – 03/7 Chăm lịch), với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Ngày 18/10/2017 (Ngày 30/6 Chăm lịch): Từ 13h00’ – 15h00’: tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, Đền Pô Inư Nưgar, người Chăm trong làng sẽ làm nghi lễ rước xiêm y Thánh Mẫu do người Raglai cất giữ mang đến. Nghi lễ xong xuôi, bộ xiêm y được rước quanh làng trong sự cung kính của mọi người rồi tiến vào đền để cúng tế trong những ngày Katê. Sau phần lễ là những màn múa quạt, khăn truyền thống của các thiếu nữ Chăm duyên dáng. Mọi người chúc tụng và mời nhau ly rượu, tưởng nhớ công ơn các vị thần đã nâng niu che chở và cho mùa màng bội thu.
Ngày 19/10/2017 (Ngày 01/7 Chăm lịch): 06h 00’: Tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, Tháp Po Rome: lễ rước xiêm y từ thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu lên Tháp Po Rome. Ngôi tháp tọa lạc trong một làng Chăm cổ với nhiều nét huyền bí, linh thiêng. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ với kiến trúc độc đáo, mang dáng vẻ uy nghiêm khác lạ so với những ngôi tháp Chăm khác dọc dải miền trung. Song song với lễ tục là những điệu múa duyên dáng, đầy uyển chuyển của thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống cùng gam màu rực rỡ.
06h 00’: Tại thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, Tháp Pô Klông Garai: lễ rước xiêm y thần Pô Klông Garai từ thôn Phước Đồng lên Tháp Pô Klông Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Du khách sẽ ngỡ ngàng trước khối kiến trúc hùng vĩ tại tháp Chăm cổ. Đây là nơi hành hương đông đúc của người Chăm. Hầu hết các làng Chăm đều đến cúng lễ và cầu nguyện, giúp gia đình một mùa Katê tràn đầy sức khỏe và bình an.
07h 30’: Diễn ra Lễ Công bố và đón nhận Bằng chứng nhận “ Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Tháp Pô Klông Garai, Tháp Po Rome và Đền Pô Inư Nưgar.
Ngày 20/10/2017 (02/7 Chăm lịch): 07h 30’ Diễn ra Lễ Công bố và đón nhận “ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Sân vận động làng nghề Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Ngày 21/10/2016 (03/7 Chăm lịch): là Katê tại gia đình. Ngoài ra trong suốt lễ hội còn liên tục diễn ra các hoạt động truyền thống của người Chăm như: Hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, Hội thi tay nghề gốm, biểu diễn văn nghệ,…
Bên cạnh tìm hiểu Lễ hội Katê, tham quan di tích các Đền và các Tháp, du khách còn tự mình khám phá nghệ thuật kiến trúc Chăm hay lựa chọn và mua sắm những món quà thủ công mỹ nghệ dân gian Chăm độc đáo, xem biểu diễn nghệ thuật Chăm đầy trải nghiệm thú vị.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về lễ hội Đền Hùng hoặc lễ hội Ka-tê (Dàn ý + 3 mẫu) Thuyết trình về một địa chỉ văn hóa hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.