Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ Dàn ý & bài văn mẫu lớp 10 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 10: Kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ gồm dàn ý, cùng 2 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 10 tham khảo, tích lũy vốn từ để kể lại câu chuyện súc tích, cô đọng hơn.

Dàn ý kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ

1. Mở bài

– Giới thiệu hoàn cảnh Tấm gặp Cám (thời gian, địa điểm…)

2. Thân bài

– Diễn biến cuộc gặp gỡ của Tấm và Cám

+ Cám kể lại hoàn cảnh của mình

+ Cuộc phán xử của Diêm Vương dành cho Tấm và Cám

+ Phiên xử kết thúc, Tấm trở về với thực tại.

+ Cuộc sống của Tấm ở thực tại: làm nhiều điều tốt để mong linh hồn em và dì được siêu thoát.

3. Thân bài

– Nêu cảm nghĩ của bản thân

Kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ – Mẫu 1

Đã ba năm trời kể từ ngày Cám và dì mất, cũng là từng ấy thời gian Tấm trở lại sống trong cung cùng nhà vua. Mặc dù cuộc sống trôi đi yên bình, hạnh phúc, nhưng luôn có một nỗi niềm làm Tấm không khỏi bận lòng – về Cám!

Tháng bảy mới sang, lại gần đến ngày lễ Vu lan và ngày Xá tội vong nhân. Độ này Tấm hay nằm mơ thấy Cám. Những giấc mơ – kì lạ thay – giống hệt như nhau. Cám lơ lửng trong một khoảng không mịt mùng, vừa như gần mà lại xa vời vợi, mỏng manh như sương khói. Cám bận bộ quần áo giản đơn, trông gầy guộc xanh xao, hai hốc mắt trũng sâu, chỉ nhìn Tấm buồn rầu rầu, ánh mắt thiết tha như có điều muốn rãi tỏ. Giấc mơ lặp đi lặp lại khiến Tấm suy nghĩ rất nhiều – phải chăng ngày Xá tội gần kề, Cám muốn gặp Tấm để bày tỏ điều gì? Nghĩ vậy, nàng quyết định sẽ lên chùa vào ngày xá tội năm nay.

Ngày Xá tội vong nhân đến. Sáng sớm, Tấm đã dậy, tự tay làm chút đồ lễ rồi khởi hành đến ngôi chùa trên núi có tiếng rất thiêng. Tấm đến chùa thì đã gần trưa, nàng sắp lễ rồi thắp một nén nhang, thành tâm cầu khẩn! Nàng khấn cho Dì, cho Cám, cầu cho linh hồn của hai người được rửa tội và siêu thoát! Giữa lúc ấy, đột nhiên Tấm nghe ù ù bên tai, mở mắt ra thì không còn thấy điện thờ nữa, chỉ thấy mình đang lơ lửng giữa khoảng không xám đặc, cuộn xoáy! Chưa kịp định thần thì Tấm thấy mình bị hút về phía trước, mãi cho đến khi gặp một cánh cửa, cửa bật tung, Tấm bị hút vào đó. Sau cánh cửa là một căn phòng. Căn phòng trống không, tường và trần đều một màu xám, Tấm ngỡ ngàng. Nhưng đó chưa phải là điều lạ lùng nhất, cảnh cửa mở ra lần nữa, và Cám bước vào. Đúng là Cám, không mờ ảo như trong giấc mơ của Tấm, mà thực sự hiện hữu – Cám bằng xương bằng thịt! Tấm không nói được lời nào, trong nàng tràn ngập nỗi hoang mang và hàng trăm ngàn câu hỏi. Nàng đang ở đâu? Tại sao nàng bị đưa đến đây? Nơi này cách ngôi chùa kia bao xa? Giữa lúc bối rối, Cám chợt lên tiếng, tiếng nói nghe cũng rất thật, rất đỗi thân quen, nhưng thoáng chút gì như nghẹn ngào, và vang hơn bình thường:

– Chị Tấm!

Tấm hoảng hốt, hình ảnh Cám, giọng nói Cám, sống động quá. Nàng hoang mang: đây là mơ, hay là thực? Như đọc được suy nghĩ của Tấm, Cám tiếp:

Chị Tấm, chị và em đang ở dưới Âm Phủ! Đây là nơi mà người trần lẽ ra không được đến, chỉ có chị – người được thần thánh phù độ, trải qua bao kiếp nạn mới tới được!

Tấm không biết nói gì, nàng còn chưa hết sững sờ.

– Chị Tấm, sao chị không nói gì?

Tấm nhắm mắt, hít một hơi dài. Giờ thì nàng chắc chắn rằng đây không phải là mơ, nàng chọn lời:

– Em Cám à! Em đưa chị đến đây sao? Có phải em đã tìm gặp chị suốt mấy đêm rồi?

Cám gật đầu:

– Vậy phải chăng em có điều gì muốn nói? – Tấm tiếp.

Vâng, hôm nay là ngày phán quyết của em. Hôm nay Diêm Vương sẽ định đoạt liệu linh hồn em có được siêu thoát, được đầu thai hay không.

“Cám khác quá!” – Tấm tự nhủ. Cám đang đứng trước mặt Tấm lễ phép, điềm đạm, hoàn toàn khác xưa.

– Em Cám, suốt ba năm qua em ở đâu?

Cám cười, nụ cười rầu rầu:

– Em được Diêm Vương sai đi chứng kiến cảnh khổ đau trong nhân gian, cảnh người ta bị lừa gạt, bị hãm hại, chứng kiến lòng đố kị, tham lam. Cứ đi một ngày, em phải về báo những gì mình nhìn được cho Diêm Vương, và cả những gì mình cảm thấy.

– Rồi sao nữa?

– Ban đầu em dửng dưng, em vô cảm, nhìn người khác đau đớn, bất hạnh, em không có lấy một chút mủi lòng. Vì thế mà Diêm Vương trừng phạt em bằng cách bắt em chịu tất cả những cảm xúc đau khổ ấy. Em quằn quại, em cầu xin dừng tay, nhưng vô ích! Cảm giác của người bị tra tấn, của người mất cha, mất mẹ, của người bị ruồng bỏ, của người bị hãm hại, như trận cuồng phong cào xé em. Em bị trừng phạt cho đến khi em biết đồng cảm, biết thương xót.

– Đến khi nào em mới biết thương xót những cảnh khốn cùng ấy?

– Hai năm trời chị Tấm ạ!

– Thế một năm còn lại em làm gì?

– Em xá tội cho những tội lỗi của mình. Diêm Vương gửi hồn em vào một con bống, con bống bị lừa gạt rồi bị làm thịt; rồi Diêm Vương gửi em vào con chim vàng anh, con chim cũng bị giết; Diêm Vương lại cho em vào cây xoan đào, cây xoan đào cũng bị đốt trụi! Như thế em cũng phải bỏ mạng bốn lần, bằng số lần em hãm hại chị.
Tấm im lặng. Ba năm trời ròng linh hồn Cám bị đày đọa, cái giá đắt cho những lỗi lầm khi còn sống.

– Vậy dì đâu, em đã phải chịu phạt cho cả phần dì nữa ư?
Cám rùng mình một cái, cô cất giọng buồn. Trông Cám như muốn khóc mà không thể khóc. Hẳn là người chết rồi không khóc được nữa.

– Mẹ em khi xuống đây đã làm náo loạn cả âm phủ, đắc tội với Diêm Vương. Mẹ quyết không nhận lỗi, vì thế mà phải chịu trừng phạt đau đớn, không những thế, đời đời kiếp kiếp phải đầu thai vào con ruồi, con cóc.

Dẫu dì đã làm nhiều điều độc ác với Tấm, Tấm nghe vậy cũng không khỏi xót xa! Đúng là không gì qua được mắt thần linh, tội lỗi dù sớm muộn đều bị trừng trị. Nghĩ đến đây, Tấm nhìn lại mình, bàn tay Tấm cũng từng rót nước sôi giết Cám, bàn tay Tấm cùng từng gửi hũ mắm đến cho Dì, khiến dì chết vì kinh sợ, bàn tay ấy đã từng làm điều xấu, từng giết người!

Tham khảo thêm:   Đề thi Olympic lớp 8 năm 2014 huyện Thanh Oai Môn: Toán, Vật lý, Hóa học

– Em Cám, em nói hôm nay là ngày phán quyết, phải chăng đích thân Diêm Vương sẽ…Tấm chưa dứt câu, đột nhiên cả căn phòng rung chuyển, rồi bất thình lình nới rộng ra, thành một nơi rộng mênh mông, u ám, tường vẽ đầy hình người bị tra tấn, trần thì cao hun hút. Tấm lờ mờ đoán ra: đây ắt hẳn là phòng xử của Âm Phủ.

Bàn xử án sừng sững trước mặt, Diêm Vương hiện ra. Vượt ra ngoài ngôn ngữ và trí tưởng tượng của con người, Diêm Vương, và cả bầu không khí toát ra từ Người không một từ nào có thể miêu tả. Ngài cất tiếng nói làm rúng động không gian:

– Cám, hẳn ngươi biết vì sao mình lại ở đây. Tấm, ngươi là người trần đầu tiên đặt chân xuống Âm Phủ, người biết vì sao không?

– Dạ bẩm, tì nữ người trần mắt thịt, không thấu được hết ý định của bậc thần linh.
Diêm Vương cười lớn:

– Hôm nay, ta sẽ ra phán quyết định đoạt số phận của hai ngươi. Cám, ngươi trước.
Cám bước về phía trước.

– Hẳn ngươi biết tội của mình chứ?

– Dạ, con biết.

– Cám trả lời, nghe giọng nói thoáng run nhưng cứng cỏi lạ thường.

– Ngươi đã cùng mẹ hãm hại Tấm nhiều lần, còn tranh giành hạnh phúc của Tấm. Ta hỏi nhà ngươi, nhà ngươi có thật sự yêu vị vua đó không?

– Dạ bẩm, con không ạ.

– Vậy suy cho cùng ngươi vì lòng đố kị và lòng ham mê phú quý mà làm vậy?

– Dạ, vâng ạ.

– Ngươi đã chuộc tội suốt ba năm vừa rồi, đã học được cách thương xót, đã biết đồng cảm, đã nếm mọi khổ đau trong nhân gian. Ngươi có thấy mình xứng đáng được đầu thai làm người không?
Cám chợt im lặng. Một khoảng dài trôi qua, rồi Cám lên tiếng:

– Dạ bẩm, không ạ.
Diêm Vương thoáng ngạc nhiên, rồi gật đầu:

– Ngươi nói vậy, và ngươi thực sự nghĩ vậy, điều ngươi thật sự nghĩ mới quan trọng! Ngươi biết không, đầu thai làm người là một ân huệ lớn lao, nhưng cũng là một sứ mệnh khó khăn, làm người không hề dễ dàng. Ngươi đã chịu phạt không có nghĩa là linh hồn ngươi đã được gột rửa. Vì tội lỗi của ngươi một phần là do mẹ nhà ngươi xúi giục mà ngươi lại chịu đựng cả hình phạt của mẹ mình, nên ta cho phép nhà ngươi được đầu thai thành bông hoa sen. Ngươi sẽ có ba kiếp làm hoa trước khi ta xem xét ngươi có thể được đầu thai làm người một lần nữa không.

– Dạ! Con xin tạ ơn ân đức của Diêm Vương. – Cám nói, rồi bước xuống.

– Tấm, đến lượt ngươi.

Tấm bước lên trước.

– Tấm, ngươi không thắc mắc vì sao ngươi là người trần mà lại phải xuống âm phủ để nhận phán quyết về số phận mình không?

– Dạ bẩm, không ạ.

– Một phần là vì ta đã hứa với Cám sẽ ban một ân huệ cho những tháng ngày chuộc tội, và Cám xin được gặp ngươi. Phần khác, phần khiến ngươi được phán quyết khi còn sống là bởi ngươi đã trải qua bao khổ nạn – điều không hề được ghi trong sách sinh tử. Sức sống và sự trong sạch của ngươi đã khiến thần linh động lòng mà thay đổi điều được sắp đặt, lẽ ra ngươi đã chết ngay từ lúc dì ngươi chặt đổ cây cau, khiến ngươi ngã.

– Nhưng con đã giết người, thưa Diêm Vương, con đã làm việc tàn độc, linh hồn con đã bị vấy bẩn.

Diêm Vương khẽ làm một hành động như cười mỉm.

– Ngươi giết người đâu phải vì dã tâm. Ngươi đã cảnh báo mẹ con Cám nhiều lần nhưng hai người đó không hề thay đổi. Ngươi giết người là hành động tự bảo vệ mình, khi sự can thiệp của thánh thần cũng chỉ có hạn, khi người bên cạnh ngươi – là vị vua kia – cũng không ra tay giúp. Tuy vậy, hành động giết người luôn luôn là sai trái. Như thế, ngươi sẽ vẫn được đầu thai làm người. Nhưng sau khi vị vua kia mất, ngươi sẽ phải quy y cửa phật và dành phần đời còn lại là một nữ tu, ăn chay niệm phật để xá tội.
– Dạ, tạ ơn ân đức của Diêm Vương.

Tham khảo thêm:   ĐTCL mùa 4: Hé lộ chủ đề "Định Mệnh"

Diêm Vương gật đầu:

– Vậy thì ta tuyên bố: PHIÊN XỬ KẾT THÚC!

Nói rồi, Diêm vương biến mất, căn phòng lại chuyển động dữ dội, rồi trở lại là căn phòng nhỏ khi nãy.

Chị Tấm! – Cám lên tiếng – Em phải chia tay chị thôi. Vậy là em được thỏa tâm nguyện gặp chị lần cuối. Em xin lỗi, chị Tấm ạ, em xin lỗi, cho những gì mẹ con em đã làm!

Tấm trào nước mắt, chỉ biết gật đầu.

Vậy em đi nhé, chị Tấm! – Cám nói, đoạn đưa tay ra, rồi hình bóng mờ dần, mờ dần, đến khi biến mất hẳn.

Cửa phòng bật mở, Tấm bị hút ra ngoài, trở về với điện thờ.

Năm ấy, hồ sen trong cung chỉ nở đúng một bông, nhưng tươi tắn và thơm lạ thường. Tấm thường ra ngồi ở lầu trước hồ sen cùng nhà vua. Cứ mỗi lần ấy, Tấm lại thấy như nghe được giọng Cám nói khe khẽ: ”Chị Tấm ơi! Chị Tấm ơi!” – như tiếng thỏ thẻ của người em gái thân thương!

Kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ – Mẫu 2

Tấm Cám là một trong những câu chuyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Nhắc đến Tấm, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến một người con gái xinh đẹp, dịu dàng, hiền lành và chăm chỉ. Có lẽ chính vì bản tính hiền lành của mình mà khiến cho cuộc đời của nàng lại gặp biết bao chông gai, khó khăn. Thế nhưng dù khó khăn chông gai, nàng lại càng vươn lên đấu tranh và giữ gìn hạnh phúc của mình. Đó là một cuộc đấu tranh dài lâu và không biết mệt mỏi của nàng.

Tấm là người con gái sinh ra trong gia cảnh khó nhọc. Gia đình chỉ có cha và Tấm. Sau này, cha nàng cưới thêm dì và nàng có thêm một người em gái. Những tưởng cuộc sống của nàng sẽ vơi bớt những khó nhọc khi có thêm hai người đàn bà ở bên chia sẻ công việc. Thế nhưng không, cuộc sống của nàng từ khi có dì, có em lại càng thêm mệt mỏi, thêm vất vả hơn nữa. Tuy nhiên, vượt lên trên sự vất vả, mệt mỏi, khó khăn ấy, nàng vẫn siêng năng, cần cù, vẫn âm thầm đấu tranh cho bản thân mình dù vô cùng yếu ớt, để gìn giữ hạnh phúc của mình. Chặng đường đấu tranh và giữ gìn hạnh phúc của nàng có lẽ được chia thành hai giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn lại là những cách đấu tranh, gìn giữ hạnh phúc khác nhau của Tấm.

Chặng đường đấu tranh đầu tiên của nàng, đó là khi nàng phản kháng lại sự ức hiếp, chà đạp của mẹ con Cám chỉ bằng tiếng khóc của mình. Đó là một cách đấu tranh yếu đuối, sự phản kháng mang tính thụ động. Tấm vốn là một người con gái ngây thơ, lương thiện. Nàng luôn luôn chăm chỉ, siêng năng, nết na và hiền lành. Nàng phải làm lụng vất vả trong khi hai mẹ con Cám “ăn trắng mặc trơn”. Dù bị dì ghẻ đối xử bất công, bị ghét bỏ nhưng nàng vẫn ngoan ngoãn nghe lời dì mỗi khi bà lên tiếng. Lần đầu tiên, ta thấy Tấm phản kháng đó là trong lần dì ghẻ sai chị em Tấm và Cám đi bắt tép để được thưởng cái yếm đỏ. Tấm chăm chỉ bắt đầy giỏ tép, nhưng lại bị Cám lừa “đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng” trút hết cả giỏ tép của Tấm sang của Cám. Nàng bị ức hiếp, bị bắt nạt, bị đối xử bất công nhưng nàng lại chỉ biết khóc một cách thụ động. Thế nhưng, đó cũng là một cách để nàng giải tỏa sự oan ức trong lòng, phản kháng lại cái bất công mà nàng bị đối xử.

Lần thứ hai, đó là khi Tấm giấu cơm để nuôi cá bống. Vì lòng ghen ghét, đố kị nên mẹ con Cám đã bắt con cá bống – người bạn duy nhất của Tấm để ăn thịt rồi vứt xương đi. Nếu như Tấm không hiền lành, không thụ động, nhu nhược đến vậy, liệu mẹ con Cám có hết lần này tới lần khác chèn ép, hiếp đáp nàng hay không? Còn nàng, liệu nàng có phải âm thầm khóc trong đau xót mà không dám đứng lên phản kháng hay không?

Sự đấu tranh ban đầu của Tấm chỉ là những giọt nước mắt âm thầm chịu đựng. Nàng thương bản thân bị chèn ép, đối xử bất công, thương những người bạn của mình bị sát hại nhưng lại chẳng thể làm gì hơn. Rồi đến khi nhà vua mở hội, Tấm muốn đi xem cũng bị dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo bắt ngồi nhặt hết. Còn gì độc ác bằng? Thế mà đáp lại sự ức hiếp tàn nhẫn ấy, Tấm chỉ biết “òa khóc nức nở”. Chúng ta có thể nhận thấy ở giai đoạn đấu tranh ban đầu này để giữ gìn hạnh phúc của mình, nàng chỉ biết khóc trong thụ động. Mỗi lần bị hiếp đáp, nàng lại “bưng mặt khóc òa”, “tủi thân òa khóc” hay “bưng mặt khóc nức nở”. Nàng khóc bởi nàng hiểu được nỗi khổ của mình, hiểu được sự bất công đối với nàng, thế nhưng nàng lại chẳng thể làm gì khác để xoay chuyển tình thế. Đối với nàng, sự đấu tranh chỉ là những tiếng khóc ấm ức, thương cho số phận long đong, tủi khổ của mình mà thôi. Trong chặng đường đấu tranh đầu tiên của đời mình để giành lấy hạnh phúc, Tấm tỏ ra là một người yếu thế, một kẻ thụ động trong việc giữ gìn hạnh phúc của mình. Bị chà đạp, ức hiếp tới tủi khổ, thế nhưng nàng lại chẳng biết làm gì ngoài khóc. Cất tiếng khóc, có lẽ là biện pháp duy nhất khiến nàng giải tỏa nỗi lòng cũng như là biện pháp đấu tranh duy nhất trong lúc này của nàng.

Tham khảo thêm:   Bài dự thi Thầy cô trong mắt em 2023 Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm 2023

Bước sang giai đoạn đấu tranh thứ hai, khi nàng đã không còn là một cô gái nghèo khổ nữa. Đó là khi cuộc sống của nàng bước sang một trang mới, nàng lên ngôi hoàng hậu, cũng trở thành một con người mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh gìn giữ hạnh phúc của mình. Một cô gái trong sáng, lương thiện, ngây thơ lên ngôi hoàng hậu đáng ra phải là một điều đáng vui mừng mới đúng. Thế nhưng với mẹ con Cám, đó chỉ càng làm cho sự ghen tỵ của họ với Tấm thêm sâu sắc. Mẹ Cám đã dùng những lời miệt thị đối với Tấm:

“Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Nữa là mảnh chĩnh mảnh chai bờ rào”

Những tưởng, Tấm giờ đã là một hoàng hậu cao quý, mẹ con Cám sẽ chẳng dại dột mà ăn hiếp Tấm như trước. Thế nhưng, mẹ con Cám lại giở trò khác, tàn nhẫn hơn với Tấm. Khi Tấm về giỗ bố, mẹ con Cám đã lợi dụng bày mưu hãm hại, khiến Tấm ngã cây cau mà chết. Nếu như trước kia, nàng chỉ biết yếu đuối chống cự lại sự ức hiếp thì giờ đây, nàng đã mạnh mẽ hơn. Nàng chết nhưng lại hóa thân thành chim vàng anh bay về cung vua, bay về với người chồng của mình. Cám tuy được thế chỗ của Tấm, thế nhưng, khi thấy vua yêu quý con chim vàng anh – hóa thân của Tấm, Cám lại sinh lòng ghen tuông, đố kị, bắt chim ăn thịt rồi vứt xương ra bờ rào. Tấm lại một lần nữa vùng dậy mạnh mẽ, nàng hóa thân thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho vua. Rồi Cám lại sai người chặt cây làm khung cửi dệt vải cho vua. Chẳng chịu để yên cho kẻ thù hãm hại mình, giờ đây dù hóa thân là khung cửi, Tấm vẫn lên tiếng đe dọa kẻ thù của mình:

“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”

Tấm đã chẳng còn là cô gái nhút nhát, e sợ nữa, nàng đang vùng lên để giành lấy hạnh phúc cho mình. Điều đó đã khiến Cám sợ hãi tới độ phải đốt bỏ khung cửi rồi mang vứt tro đi thật xa. Tấm lại lần nữa hóa thân thành quả thị. Mỗi lần chết đi sống lại của Tấm càng ngày càng quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Điều đó cho thấy, Tấm đã chẳng còn ngồi yên chịu cảnh ức hiếp như trước. Giờ đây nàng đã biết đứng dậy, đấu tranh mạnh mẽ để giành để giữ lấy hạnh phúc của chính mình. Mỗi hình tượng mà Tấm gửi gắm hóa thân linh hồn của mình đều là những vật vô cùng giản dị, mộc mạc, rất đỗi thân thương đối với người dân ta. Bởi mỗi cuộc chiến giành hạnh phúc của Tấm còn là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Tấm càng mạnh mẽ sống dậy thì càng cho thấy sức sống mạnh mẽ, khó có thể tiêu diệt được của cái thiện, cái lành.

Trải qua bao năm tháng, Tấm giờ đây đã đổi thay, nàng chẳng còn là cô nàng ngây thơ ngày nào khi bị bắt nạt chỉ biết khóc. Giờ đây, nàng đã biết mạnh mẽ đứng dậy chống trả quyết liệt những kẻ áp bức nàng để giành lấy hạnh phúc của chính mình. Tấm chính là hiện thân của cái thiện trước cái xấu xa ác độc. Cái thiện ấy dù có bị chà đạp, bị hiếp đáp, vùi dập tới đâu cũng sẽ vùng lên, kiên quyết chống trả để giữ lấy hạnh phúc của mình.

Sau bao lần hóa thân, bao lần phản kháng, cuối cùng Tấm cũng được trở lại là mình, lấy lại được hạnh phúc của mình. Còn mẹ con Cám phải nhận lấy kết quả thật đau đớn. Trải qua cả hành trình dài đầy gian nan là sự trưởng thành đầy mạnh mẽ của Tấm để đấu tranh giành và giữ gìn hạnh phúc của mình. Kết thúc câu chuyện là cái ác bị tiêu diệt còn cái thiện được trở về trong niềm vui sướng của mọi người. Đó cũng là cái kết phù hợp với đạo lý và mong ước của ông bà ta: ” Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

Cuộc đấu tranh giành và giữ gìn hạnh phúc của Tấm thật gian nan và vất vả. Thế nhưng sau cùng, cái thiện vẫn sẽ luôn luôn thắng cái ác. Nàng Tấm lại được trở về trong niềm hạnh phúc hân hoan, đúng như những gì ông cha ta mong mỏi. Đồng hành với chiến thắng của Tấm là sự giúp đỡ của yếu tố kì ảo, thần kì. Ở giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, Bụt là người giúp đỡ Tấm, ban cho Tấm những đồ vật để giúp Tấm vui vẻ, giúp Tấm chống lại những kẻ ức hiếp mình. Thế nhưng ở giai đoạn tiếp, chúng ta hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của Bụt mà chỉ thấy những lần hóa thân đầy kì diệu của Tấm. Bởi vì lúc này người lao động muốn Tấm – đại diện cho cái thiện hãy tự mình đứng lên để đấu tranh lấy hạnh phúc của chính mình thì hạnh phúc ấy mới dài lâu được. Cuối cùng, Tấm được trở lại cuộc sống hạnh phúc của mình, một hạnh phúc do mình giành lấy, dài lâu và bền chặt. Qua đó, chúng ta thấy được quan niệm của nhân dân ta về hạnh phúc: Hạnh phúc phải do tay mình đấu tranh và gìn giữ lấy thì mới được bền chặt.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ Dàn ý & bài văn mẫu lớp 10 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *