Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Nắng mới (Dàn ý + 4 Mẫu) Nắng mới của Lưu Trọng Lư ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư gồm 4 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay sát với chương trình học.

Cảm nhận của em về bài thơ Nắng mới dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Ngoài ra các bạn xem thêm rất nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 10 CTST.

Dàn ý cảm nhận bài Nắng mới

a. Mở bài:

– Giới thiệu bài thơ Nắng mới => Bài thơ cho em rất nhiều cảm xúc

b. Thân bài:

– Khổ 1: Tác giả Lưu Trọng Lư đưa em đến với một khung cảnh thiên nhiên yên bình nhưng đượm buồn trong ánh nắng mới

  • Nắng mới là nắng đầu xuân
  • Khi nắng mới về bên song cửa tiếng gà trưa gáy => Khung cảnh yên bình nhưng khiến em buồn man mác

=> Khung cảnh đó đã đưa nhà thơ về lại với những kỉ niệm khi còn có mẹ

– Khổ 2 3: Em cảm nhận được nỗi nhớ và tình yêu mẹ da diết của nhà thơ

  • Mỗi khi nắng mới về, mẹ sẽ mặc tà áo đỏ quen thuộc mang đồ ra phơi để con có đồ thơm tho mặc => Cảm nhận được niềm hạnh phúc của tác giả khi có mẹ, nắng mới về reo ngoài đồng nội như chia sẻ niềm vui cùng tác giả
  • Nhà thơ khẳng định hình ảnh mẹ trong lòng mình chưa thể xóa mờ, ông vẫn nhớ mẹ khi vào ra, tất bật chăm lo cho gia đình
  • Mẹ nhà thơ là một người phụ nữ dịu dàng và tần tảo. Vì mẹ có nét cười đen nhánh, một kiểu cười vô cùng hiền dịu và kín đáo => Mẹ là người phụ nữ Việt Nam truyền thống

c. Kết bài:

– Bài thơ để lại cho em nhiều cảm xúc. Giúp em nhận ra được trách nhiệm phải hiếu thảo với mẹ và yêu thương mẹ nhiều hơn.

Cảm nhận Nắng mới

Trong chặng đường đi đến thành công, sẽ không ít lần ta thất bại, vấp ngã. Và khi ấy, luôn có một nơi dang rộng vòng tay đón ta trở về. Đó chính là gia đình. Biết bao tác phẩm viết về đề tài này và đạt được những thành tựu xuất sắc. Trong số đó, bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm đối với tôi.

Gia đình không còn là chủ đề mới mẻ trong văn học và nghệ thuật. Nhưng bằng tài năng và những cảm nhận rất riêng, Lưu Trọng Lư đã làm mới và đưa nó vào tác phẩm của mình một cách vô cùng khéo léo. Ngay ở lời đề từ của bài thơ, độc giả đã có thể thấy được tình cảm cùng sự nhớ thương của một người con dành cho cha mẹ: “Tặng hương hồn thầy me”.

Mở đầu tác phẩm, người đọc được đến với khung cảnh thiên nhiên làng quê bình dị mà hiu hắt, vắng lặng:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,”

Những hình ảnh “nắng mới”, “gà trưa” đều vô cùng quen thuộc, gần gũi. Chúng tượng trưng cho làng quê yên bình, thư thả nhưng cũng rất nên thơ. Vậy mà ở đây, tiếng gà ban trưa lại vang nên “xao xác”, “não nùng”. Nó đi kèm theo những tia “nắng mới” tươi sáng, tràn đầy sức sống, tạo ra sự đối lập kì lạ. Không gian giờ đây phủ một màu buồn rõ rệt của tâm trạng con người. Nhân vật trữ tình đã trực tiếp thể hiện nỗi buồn khi nhớ lại những hồi ức về quá khứ:

“Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.”

Những kí ức “thời dĩ vãng” sống lại trong lòng người con. Từ láy “chập chờn” khiến ta liên tưởng đến sự hồi tưởng không liên tục. Kỉ niệm quay về lúc gần lúc xa. Tâm trạng con người cũng từ đó mà lên xuống không ngừng.

Trong dòng chảy kí ức ấy, bóng hình người mẹ đã khuất hiện lên vô cùng chân thực dưới con mắt nhung nhớ cùng tình yêu thương của đứa con. Nhân vật trữ tình không ngần ngại mà trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình:

“Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.”

Tiếng gọi “mẹ” đầy dân dã mà lại vô cùng thân thương, gần gũi. Nó cũng gợi lên sự xót xa bởi giờ đây, hình ảnh của mẹ chỉ còn trong kí ức. Bà đã mất, đã rời xa nhân vật “tôi”, để lại nỗi trống trải trong lòng người con cũng như chính độc giả. Bà hiện lên với công việc thân thuộc hàng ngày: phơi áo trước giậu. Màu “nắng mới” cùng sắc đỏ của chiếc áo khiến không gian như bừng sáng, tràn đầy sức sống. Nó trái ngược hẳn với ánh nắng “xác xơ” của những câu thơ đầu tiên. Phải chăng, đó cũng là sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại? Khi còn mẹ, mọi thứ đều tươi sáng, đẹp đẽ. Khi đã mất mẹ rồi, thứ còn lại chỉ là nỗi buồn khôn nguôi.

Tham khảo thêm:   Trắc nghiệm tiếng Anh 9 Unit 10 (Có đáp án) Space Travel

Không chỉ vậy, hình ảnh người mẹ còn hiện lên với:

“Nét cười đen nhánh sau tay áo,
Trong ánh trưa hè, trước dậu thưa.”

Lúc này đây, hình ảnh người mẹ chính là tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen. Nét cười ngại ngùng, dịu dàng được che bởi tay áo nhưng vẫn không che đi hết cái đẹp, cái duyên. Dưới cái nắng chói chang của trưa hè, người phụ nữ thôn quê ấy vẫn cần cù làm lụng. Một hình ảnh vừa gần gũi, vừa giản dị. Hình ảnh này đã in sâu trong tâm trí nhân vật trữ tình, được khẳng định chắc nịch bởi các cụm từ “chưa xóa mờ”, “hãy còn mường tượng”.

Những từ ngữ, hình ảnh nổi bật trong từng khổ thơ đã góp phần thể hiện tình yêu, nỗi nhớ da diết, khôn nguôi dành cho người mẹ đáng kính. Bài thơ không cầu kì, không cần những hình ảnh “đao to búa lớn” nhưng vẫn chiếm được cảm tình của độc giả. Nó đã góp phần bộc lộ cái bình dị, nhẹ nhàng, thân thuộc của thơ Lưu Trọng Lư. Đồng thời, khẳng định tài năng ở người nghệ sĩ.

Không chỉ thành công thể hiện tình cảm gia đình sâu nặng, nhà thơ Lưu Trọng Lư còn chứng tỏ được tài năng của mình với hình thức nghệ thuật đặc sắc. Ông đã đan xen những chi tiết ở hiện tại và quá khứ, giúp làm nổi bật nỗi nhớ khôn nguôi của người con. Ngôn từ được sử dụng giản dị, nhịp thơ chậm, giọng điệu tha thiết, nhẹ nhàng kết hợp với những hình ảnh mộc mạc, gần gũi. Tất cả đã làm nên một tác phẩm vô cùng ý nghĩa và dễ tiếp cận. Tác phẩm như một lời tâm tình, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, dần dần tiến tới, đi sâu vào tâm trí và khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho nền văn học nước nhà thêm một tác phẩm hay và giàu ý nghĩa. Tuy viết về một chủ đề đã cũ nhưng bài thơ “Nắng mới” vẫn mang đến những giá trị sống vô cùng tốt đẹp. Đó chính là lí do tác phẩm sẽ mãi giữ vững vị trí của mình trong kho tàng văn học Việt Nam.

Cảm nhận bài Nắng mới

Quả thật, tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả bởi chỉ bậc cha mẹ mới là người yêu thương chúng ta vô điều kiện. Người mẹ sinh ta ra đời, yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng tâm hồn bé bỏng trở thành những chàng trai, cô gái có ích cho xã hội. Tình cảm thiêng liêng đó đã được thổi hồn vào những câu văn câu thơ dạt dào cảm xúc, trong đó không thể không kể đến bài thơ “Nắng mới” trích trong tâm “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Bài thơ nói về nỗi nhớ da diết và tình cảm dâng trào của người con dành cho mẹ mình, nhưng chỉ có thể gặp mẹ trong mơ.

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã thể hiện nỗi niềm tiếc thương da diết với mẹ của mình bởi dùng thơ “Tặng hương hồn mẹ”. Mẹ của nhà thơ Lưu Trọng Lư đã rời xa trần thế nhưng tình yêu của bà vẫn còn đọng lại trong tâm trí của tác giả suốt đời. Khổ thơ đầu là khung cảnh thiên nhiên ẩn chứa nỗi nhớ về những kỷ niệm xưa cùng mẹ:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.”

Cứ hễ “nắng mới” lên là một mùa xuân lại đến. Nắng mới đẹp dịu dàng xua tan đi mùa Đông lạnh giá nhưng lại không thể xua tan đi kỷ niệm xưa. Nắng mới hắt bên song cùng tiếng gà gáy trưa như bản nhạc du dương nhẹ nhàng, yên bình. Nhưng chính cái yên bình đó lại làm cho Lưu Trọng Lư “lòng buồn rười” nhớ về miền ký ức xưa, “chập chờn” sống lại những ngày còn bên mẹ:

“Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.”

Nỗi nhớ mẹ lúc này không còn giấu mình trong ánh nắng mới mà được tác giả thổ lộ trực tiếp “Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời” Kí ức về chắc hẳn vẫn đọng lại rõ nét trong tâm trí của nhà thơ, ông vẫn còn nhớ khi ông lên mười, mẹ vẫn còn sống. Ông vẫn còn nhớ chiếc áo mẹ mặc màu đỏ tươi đang đứng phơi quần áo dưới ánh nắng mới êm dịu, dễ chịu. Hình bóng mẹ còn được lột tả rõ nét hơn ở khổ thơ thứ hai. Nhà thơ khẳng định rằng hình bóng của mẹ “chưa thể xóa mờ”, nó vẫn luôn hiện hữu như thể mẹ vẫn còn đang sống bên cạnh đứa con của mình. Ông vẫn còn “mường tượng” lúc được mẹ bận rộn với công việc nhà, bận rộn chăm sóc cho ông. Tuy không có câu thơ nào miêu tả rõ hình dáng của người mẹ nhưng chỉ với “nét cười đen nhánh” đã làm cho ta hình dung được mẹ của nhà thơ chắc hẳn là một người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, hiền từ. Và có lẽ vì điều đó làm cho nhà thơ nhớ mãi về mẹ, nhớ cả những điều bình dị mẹ “đứng trước giậu phơi”.

Tham khảo thêm:   Công văn 3340/BHXH-ST Hướng dẫn mới về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT

“Nắng mới” của Lưu Trọng Lư với những ngôn từ bình dị nhưng đã gợi lên tình yêu tha thiết của người con đối với người mẹ của mình, từ đó ca ngợi tình mẫu tử cao cả, vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam luôn hết lòng vì gia đình.

Cảm nhận của em về bài thơ Nắng mới

Có người từng nói “Với một người thân đã khuất, chỉ cần chúng ta đi đến đâu có những kỉ niệm với họ thì đều những kí ức thuở xưa sẽ hiện về”. Sự thật đau lòng. Đã biết bao tác giả đã gửi gắm nỗi nhớ ấy vào trong thơ ca. Trong đó, “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư chính là những nỗi lòng của người con gửi tới người mẹ đã khuất.

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Chỉ với ba khổ thơ, nỗi nhớ mẹ cùng tình cảm của người con giành cho mẹ đã được hiện lên một cách rõ nét. Khổ đầu bài thơ đã nêu lên được không gian và thời gian khiến nỗi nhớ mẹ của tác giả hiện lên.

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Nắng mới thường là những tia nắng nhẹ nhàng và ấm áp nhất. Nắng mới chiếu vào từng gian nhờ, ôm ấp lấy tác giả, tạo cảm giấc ấm cúng như được trong vòng tay mẹ. Không gian xung quanh xao xác xen kẽ những tiếng gà trưa gáy não nùng lòng người. Không gian và thời gian đã hoàn toàn gợi cho Lưu Trọng Lư cảm giác cô đơn trong chính căn nhà của mình – căn nhà vốn dĩ có tác giả cùng người mẹ thân yêu. Điều đó khiến lòng người con rợn buồn nhớ lại những kí ức thuở dĩ vãng.

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Có thể do ở trong một không gian nên những kí ức về mẹ cùng những kỉ niệm cùng người đã hiện lên rất rõ nét và chân thực. Từ hai câu đầu khổ hai, có thể thấy những kỉ niệm về mẹ của tác giả là khi ông ở thời niên thiếu, khi mẹ còn sống thì ông lên mười. Nắng mới không chỉ khiến lòng người ấm áp mà còn khiến mọi thứ trở nên thơm tho, mới mẻ hơn. Khi nắng mới đến, mẹ thường phơi quần áo ra, để cho con được khoác lên những chiếc áo thơm tho, dễ chịu.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Có rất nhiều kỉ niệm có thể chúng ta quên lãng nhưng cõ lẽ hình dáng mẹ là thứ mà mỗi người chúng ta không bao giờ quên, kể cả khi mẹ đã mất. Và tác giả cũng vậy. Mẹ tác giả đã mất, từ khi ông còn niên thiếu nhưng bao năm hình dáng vẫn còn hiện lên rõ nét và chân thực như thể mẹ vẫn ở ngay đây, hình dáng và nụ cười vẫn có thể hiện lên ngay trong đầu lúc này. Trong nắng mới trước sân nhà, hình ảnh mẹ phơi áo với nụ cười vui vẻ, tưởng chừng còn ngọt ngào, nhẹ nhàng và ấm áp hơn cả những tia nắng. Tất cả đều hiện lên một cách chân thực và rõ ràng biết bao.

Một bài thơ tình cảm tưởng chừng như là những lời nói của người con gửi đến mẹ nơi phương xa nhưng đều được tác giả lồng ghép các biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc vào trong đó. Khi miêu tả cảnh thiên nhiên, để nhấn mạnh được nỗi nhớ cùng kí ức thuở xưa của mình, Lưu Trọng Lư đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, đảo những từ ngữ chỉ trạng thái lên đầu câu: ”Xôn xao, chập chờn” cho thấy sự trống vắng, cô đơn cùng nỗi nhớ mẹ và những kỉ niệm cùng người hiện lên. Cách ngắt nhịp cùng cách sử dụng dấu câu đã làm cho lời thơ như những câu nói, tạo cảm giác gần gũi và bình dị.

Đây chỉ là một trong số những tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Trọng Lư nhưng có lẽ đây là bài thơ mà ông đặt nhiều tâm huyết và giành nhiều cảm xúc cho nó nhất. Qua tác phẩm, ta có thể thấy được tình cảm cùng nỗi nhớ da diết của người con lâu không được gần mẹ hiện lên chân thực và rõ nét. Bài thơ đã truyền tải được nhiều cảm xúc đến cho người đọc và mang đến cho họ những cảm xúc và tình cảm chung, đó là đều giành cho mẹ.

Cảm nhận bài thơ Nắng mới

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo
Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ.

Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa
Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăm ngàn sao rơi
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt…”

Có lẽ những câu hát trên nằm trong bài hát Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến rất đúng với tâm trạng của nhà thơ Lưu Trọng Lư khi sáng tác bài thơ Nắng mới, trích từ tập Tiếng thu. Bài thơ là nỗi lòng nhớ thương da diết và tình cảm yêu mẹ vô bờ của tác giả. Trong vô số những chủ đề sáng tác của văn học, tình mẫu tử và mẹ luôn là những chủ đề ý nghĩa nhất. Bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng hơn cả trong cuộc sống này. Vậy nên, những tác phẩm viết về mẹ, về tình mẫu tử luôn có một sức hút lớn đối với em, bài thơ Nắng mới là một trong số đó. Sau khi đọc bài thơ, trong lòng em có rất nhiều cảm xúc đặc biệt.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 12 Unit 9: Project Soạn Anh 12 trang 57

Mở đầu bài thơ, tác giả Lưu Trọng Lư đã đưa em đến với một khung cảnh thiên nhiên vô cùng bình yên và thơ mộng được bao quanh bởi “nắng mới”:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.”

Nắng mới theo em chính là ánh nắng những ngày đầu xuân, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để xua tan đi cái lạnh và ẩm ướt mà mùa đông để lại. Khi nắng mới về, chiếu sáng bên song cửa sổ tạo nên một khung cảnh thật bình yên làm sao nhưng lại cũng không kém phần buồn “não nùng” vì tiếng gió xao xác và gà gáy trưa trong không gian tĩnh lặng. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, trong khung cảnh buồn man mác của mùa xuân đó, tác giả Lưu Trọng Lư lòng buồn nhớ lại những kí ức xưa cũ đã qua, những kí ức đó cứ “chập chờn” trở lại trong kí ức tác giả. Đọc đến đây, dù chưa biết những kỉ niệm đang quay lại trong đầu nhà thơ là gì, nhưng em cũng cảm thấy buồn theo nhà thơ, có lẽ bởi vì ngôn từ mà Lưu Trọng Lư sử dụng quá xuất sắc, nhờ có cách sử dụng từ điêu luyện đó, mà em như được lạc trong bức tranh thiên nhiên nắng mới tuy đẹp nhưng lại buồn rười rượi, khiến cho em đồng cảm sâu sắc với nhà thơ, vì cảnh sẽ sinh tình.

Rồi sau đó, em đã được đến thăm miền kí ức xưa cũ đó, ở đây, em được cảm nhận nỗi nhớ khôn nguôi và tình yêu tha thiết của tác giả dành cho người mẹ quá cố của mình:

“Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.”

Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã bày tỏ nỗi nhớ người mẹ hiền trực tiếp qua câu thơ “Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời”, chắc bởi vì, nỗi nhớ mẹ của tác giả đã bị kìm nén quá lâu, đến khi gặp lại khung cảnh nắng mới khi xưa trong kí ức đã như chìa khóa mở cửa cho nỗi nhớ của nhà thơ xuất hiện và trực trào ngay lập tức. Khi mẹ còn sống, tác giả mới lên mười tuổi, trong kí ức của ông, mẹ thường hay mặc tà áo màu đỏ quen thuộc. Nắng mới về, mẹ sẽ mang đồ ra phơi để con mặc đồ được thơm tho, sạch sẽ. Khi ấy còn có mẹ, nên nắng mới về sẽ “reo” ở ngoài đồng nội, chắc nắng mới cũng như con, đều hạnh phúc vô cùng vì có mẹ ở bên. Khung cảnh mẹ xuất hiện trong kí ức nhà thơ thật hạnh phúc làm sao, em có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự an tâm của tác giả lúc mẹ còn sống. Tình yêu của nhà thơ Lưu Trọng Lư dành cho mẹ của mình sẽ theo nhà thơ đến hết cuộc đời này, nhà thơ khẳng định rằng “Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ”. Nhà thơ vẫn còn thấy được hình dáng mẹ đang tất bật “vào ra”, để chăm lo cho mái ấm nhỏ. Và chi tiết đặc biệt nhất về mẹ được nhà thơ nhắc tới trong bài đó chính là mẹ có “nét cười đen nhánh”, không phải nụ cười mà là nét cười, cách miêu tả của nhà thơ khiến cho em cảm nhận được mẹ là một người phụ nữ vô cùng dịu dàng và ấm áp. Vì nét cười ở đây chính là kiểu cười vô cùng nhẹ nhàng, kín đáo và không hề lộ liễu, nhà thơ phải rất yêu mẹ của mình, mới có thể nhớ được nét cười đó của mẹ sau bao nhiêu năm như vậy. Mẹ của nhà thơ Lưu Trọng Lư quả là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống, luôn dịu dàng và tần tảo chăm sóc cho con cái cả cuộc đời.

Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư đã mang tới cho em nhiều cảm xúc thật đặc biệt. Qua bài thơ, em cảm nhận được nỗi nhớ và tình yêu mẹ vô bờ của tác giả. Nhờ đó, em tự nhận thấy trách nhiệm phải hiếu thảo của mình đối với mẹ và càng yêu thương mẹ của mình nhiều hơn. Em tin rằng không chỉ riêng mình em, mà tất cả mọi người sau khi đọc xong bài thơ đều sẽ nhận được thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử mà tác giả Lưu Trọng Lư gửi gắm.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Nắng mới (Dàn ý + 4 Mẫu) Nắng mới của Lưu Trọng Lư của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *