Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Chiếc lá đầu tiên Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm mang đến gợi ý cách viết chi tiết kèm theo 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập củng cố kỹ năng làm văn cảm nhận bài thơ ngày một tốt hơn.

Chiếc lá đầu tiên là một bài thơ hay, hình tượng thơ giàu sắc thái biểu cảm, chất nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, mê đắm. Nhờ đó thi phẩm đã được nhiều thế hệ độc giả thuộc nằm lòng và chia sẻ qua thời gian. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Chiếc lá đầu tiên.

Dàn ý cảm nhận bài Chiếc lá đầu tiên

I. Mở bài

  • Giới thiệu bài thơ và tác giả.
  • Nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

II. Thân bài

a. Nỗi nhớ về nhân vật “em”:

– Nghệ thuật nhân hóa “tiếng thở” của thời gian kết hợp từ tượng thanh “rất khẽ”.

  • “Hoa súng tím”, “chùm phượng”, “cánh ve” gợi không gian mùa hè
  • Hoa súng, cánh ve, phượng hồng đều là những sự vật gợi nhắc đến mùa hè và tuổi học trò.
  • Dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đang trôi về mùa hè năm ấy, mùa hè đầu tiên anh biết yêu.
  • Hai câu thơ như dâng đầy nỗi nhớ da diết và sự tiếc nuối của tác giả về những năm tháng của quá khứ đã trôi theo dòng chảy của thời gian. Bên cạnh đó, khi đọc những vần thơ này, người đọc cũng cảm nhận được sự đồng cảm và bất giác nhớ lại những kỉ niệm đã qua của bản thân.

b. Nỗi nhớ về ngôi trường cũ:

  • Nghệ thuật nhân hóa “sân trường bâng khuâng” gợi ra một không gian trường học còn vô vàn những lưu luyến
  • Câu thơ ngắt dòng với dấu chấm ở giữa câu “Sân trường đêm./ Rụng xuống lá bàng đêm”
  • Không gian tĩnh lặng bỗng xao động bởi lá bàng rơi xuống. Phải chăng lúc lá bàng rơi cũng chính là dòng cảm xúc của tác giả trôi về khoảng sân trường năm ấy với nỗi nhớ ra riết tuổi học sinh của mình.
  • Điệp từ “nỗi nhớ” được lặp lại 3 lần là sự dồn dập của cảm xúc.

– Đoạn hội thoại xuất hiện ở khổ thơ 5 gợi về những kỉ niệm nơi lớp học

  • Những kỉ niệm về ngôi trường cũ chợt ùa về trong tôi. Cảm xúc bồi hồi, xao xuyến xen lẫn những tiếc nuối về một thời học sinh đã qua. Đó là những năm tháng học trò đầy hồn nhiên và vui tươi. Vẫn mãi còn đó những hình ảnh của thầy cô, bạn bè, lớp học, sân trường và bóng cây,… Tất cả dù đã xa, song luôn là kí ức đẹp và không bao giờ phai mờ.
  • Hình ảnh “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ:
  • Hình ảnh “chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ là một hình ảnh mang tính tượng trưng.
  • Đó là tình yêu đầu, là tuổi học trò, là quãng thời gian đẹp đẽ và cũng là một con người khác của tác giả – một người của thời ngây ngô, trong sáng.

c. Tổng kết:

– Về nội dung

Văn bản tái hiện kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò bên trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm…và cả tình yêu đầu tiên của mình. Tình cảm ấy thật trong sáng, là nỗi bâng khuâng nhớ tiếc, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên.

– Về nghệ thuật

  • Từ ngữ bộc lộ cảm xúc
  • Câu đặc biệt

III. Kết bài

Cảm nhận lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

Cảm nhận Chiếc lá đầu tiên

Có một triết gia đã nói đại ý rằng: có 3 thứ thứ không bao giờ trở lại, đó là lời nói ra, thời gian trôi và tình yêu đã mất. Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng từng sống những khoảnh khắc mà biết rằng sẽ ra đi vĩnh viễn, để sau này, mỗi khi nhớ lại lòng man mác buồn, thấy quặn lên một niềm da diết cũ. Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm đã nói hộ chúng ta nỗi lòng ấy.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh lớp 5 Unit 1: Lesson 3 Unit 1 trang 12 i-Learn Smart Start

Bài thơ là một nỗi nhớ, một hồi tưởng sống động, khắc khoải về tuổi học trò. Ở đây có sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Nhà thơ đứng ở hiện tại để nhìn về quá khứ, cái thời khắc hiện tại dường như chỉ là mơ hồ, hay nói cách khác, tác giả đang quên đi để sống bằng những cảm xúc cũ, những cảm xúc trong sáng, thánh thiện của kẻ “bắt đầu yêu”, những cảm xúc xót đau, tiếc nuối khi tiếng ve giục giã …

Bài thơ như một cung trầm, như một bản nhạc không có cao trào nhưng âm điệu của nó cứ thấm vào lòng người, khiến người ta chùng xuống, nao nao và chơi vơi giữa miền ký ức.

Những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm dường như chỉ đơn giản là sự kể lại, không hề trau chuốt và hoa mỹ, chỉ thỉnh thoảng sáng lên những hình ảnh, như là cơn trào của cảm xúc, như là sự dữ dội của nỗi nhớ. Trong các thể loại, chỉ riêng thơ lấy tình làm chính. Và thơ hay, là thơ làm cho người ta quên đi câu chữ.

Em thấy không tất cả đã xa rồi. Vâng, tất cả đã xa rồi. Cả tuổi học trò, cả tình yêu đầu tiên. Thời gian “rất khẽ” thôi, nhưng thời gian khiến “tuổi thơ kia ra đi cao ngạo”. Cái “cao ngạo” ấy hình như không cưỡng được, không nắm bắt được.

Anh chưa kịp ý thức về nó, tưởng rằng nó cũng đi “rất khẽ” thôi, nhưng ai ngờ… Hình ảnh “Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say” như là sự đọng lại, sự dồn tụ để cháy lên một lần cuối của con đường học trò sắp kết thúc. Vì vậy cái say mê ấy cũng da diết như một níu kéo.

Em thấy không tất cả đã xa rồi – Là nói với em, với chính mình, cũng là với thời gian và cuộc sống. Tác giả hồi tưởng lại những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò dưới mái trường thân yêu, trong đó anh đã ghi được, chớp được, tưởng tượng được những khoảnh khắc, những hình ảnh độc đáo, như “sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm”.

Ở đây, có thể hiểu thời gian và sự vật đã hòa quyện chặt chẽ. Thơ là lĩnh vực bí hiểm, là “bất khả giải”. Đôi khi, ta cảm giác được cái hay, cái đẹp của câu thơ mà không lý giải được. Chỉ biết rằng dường như có một cái gì lắng lại, một đôi mắt cậu học trò thẫm buồn, một vị chan chát nhẹ nhàng đáng yêu của trái bàng đêm vụng trộm. Và có lẽ, chính những điều mơ hồ ấy đã khắc vào nỗi nhớ của anh:

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi

Tác giả gần như đã nói một cách trực tiếp. Chỉ có điều, hình như, ai đã có một mối tình đầu, khi nghĩ về người cũ, vẫn luôn tự hỏi và hy vọng: Tôi nhớ bạn, bạn có nhớ tôi không? Những bí mật của mối tình đầu không bao giờ nói hết, vẫn ám ảnh những tháng năm sau này. Và khi đọc đến đoạn cuối:

Em đã yêu anh, anh cũng xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên

Tôi lại liên tưởng đến câu hát trong bài Mối tình đầu của Thế Duy “không hiểu vì sao tình yêu tan vỡ, như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu”. Rõ ràng em đã yêu, nhưng anh cũng đã xa rồi. Anh chẳng hiểu nổi “anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại”.

Tất cả diễn ra đều không hiểu nổi, đều là những nghịch lý tất nhiên. “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở đây là một hình ảnh tượng trưng. Đó là tuổi học trò, là tình yêu đầu, là một thời đã mất mà cũng là một con người khác của tác giả – là ta đấy mà giống như không như không phải là ta.

Tham khảo thêm:   09 quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia liên quan đến nơi làm việc Có hiệu lực từ ngày 01/12/2016

Bài thơ tương đối dài, tất cả đều khởi nguồn từ tâm trạng nhớ tiếc khôn nguôi với tuổi học trò. Rồi một ngày trong cuộc sống quay cuồng, bạn xem lại một tấm ảnh thời xưa. Chắc rằng không tránh khỏi tiếc nuối. Dù biết rằng đó là điều tất nhiên. Và cũng như Hoàng Nhuận Cầm: Những chuyện năm nao những chuyện năm nào! Cứ xúc động cứ xôn xao biết mấy!

Cảm nhận bài thơ Chiếc lá đầu tiên

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã thể hiện tiếng lòng mình một cách đầy tinh tế qua bài “Chiếc lá đầu tiên”. Đọc bài thơ, độc giả được trở về với miền kí ức xa xôi của một thời cắp sách tới trường. Tác phẩm là niềm nhớ thương da diết của tác giả về kỉ niệm dưới mái trường mến yêu.

Tác phẩm được sáng tác vào năm 1971 nhưng phải đến mười năm sau mới hoàn thiện. Nhà thơ đã từng chia sẻ rằng: “Có bài thơ tôi viết rất nhanh. Ví dụ bài “Sông Thương tóc dài” tôi viết trong vòng 5 phút trên vỏ bao thuốc lá, riêng bài “Chiếc lá buổi đầu tiên” tôi viết trong 10 năm. Bài thơ ban đầu có tên là “Trường ơi, chào nhé”. Khổ đầu tiên được viết vào năm đầu tiên tôi vào đại học, khi vừa mới bước qua “tuổi khăn quàng, phấn trắng, nắng vô tâm”. Mặc dù bài thơ được viết trong những thời điểm khác nhau nhưng vẫn thể hiện được đầy đủ, trọn vẹn cảm xúc nhớ thương của tác giả. Xuất phát từ tứ thơ chiếc lá đầu tiên, tác giả muốn bày tỏ tình yêu đối với thầy cô, mái trường. Nỗi nhớ da diết về tuổi học trò đã qua là cảm hứng xuyên suốt, chủ đạo của tác phẩm. Nhan đề “Chiếc lá đầu tiên” là hình ảnh mang tính biểu tượng. Đó có thể là hình ảnh tượng trưng cho sự bắt đầu của một tình yêu chớm nở, cho những kỉ niệm đầu tiên. Bởi hình ảnh lúc ban đầu sẽ để lại cho con người những kỉ niệm, dấu ấn khó phai.

Ở hai khổ đầu tiên, nhân vật trữ tình bộc niềm tiếc nuối về khoảng thời gian tươi đẹp. Đồng thời, trực tiếp bày tỏ tình cảm với nhân vật “em”. Dòng thơ “Em thấy không, tất cả đã xa rồi” đã cho thấy sự nuối tiếc về quãng thời gian đã xa. Thời gian mang dáng dấp của con người thông qua biện pháp tu từ nhân hóa “Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”. Từ “rất khẽ” gợi liên tưởng về sự chuyển động vô cùng nhẹ của thời gian, dường như thời gian trôi qua rất nhanh, nhanh đến mức nhân vật trữ tình cảm thấy ngỡ ngàng. Thời gian không quay về, là dòng thác bất tận đổ xuống đời, bởi vậy, chủ thể trữ tình mới thấy “tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế”. Tuổi thơ chất chứa bao mộng mơ, dại khờ của ngày trẻ, một khi đã đi rồi thì nghiễm nhiên không bao giờ trở lại được nữa. Câu thơ bộc lộ sự hoài niệm, tiếc nuối của nhân vật trữ tình.

Ở những khổ thơ tiếp theo, hình ảnh gắn liền với tuổi học trò “hoa súng tím”, “chùm phượng hồng”, “tiếng ve”, “con ve” xuất hiện dày đặc. Trong đôi mắt của nhân vật trữ tình, bông hoa súng mang đến cảm giác say đắm, thích thú “Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”. Có lẽ, tình yêu ở lứa tuổi học trò đều bắt nguồn từ tình bạn. Nhân vật trữ tình bồi hồi nhớ về một thời “yêu dấu” đã qua, nhớ về cảm giác chùm phượng hồng phút ban đầu. Chùm phượng nở rộ cũng là lúc một năm học chuẩn bị kết thúc. Phút giây ấy còn được báo hiệu bởi tiếng “ve tiên tri”. Tiếng ve là âm thanh đặc trưng của mùa hạ, cũng là mùa chia tay mái trường, thầy cô. Biện pháp nhân hóa “con ve tiên tri vô tâm báo trước” đã cho thấy sự bàng hoàng, tiếc nuối đến ngỡ ngàng. Dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đang trở lại mùa hè năm ấy, về lần đầu mình biết yêu.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 12: So sánh tiếng chim hót trong Chí Phèo và tiếng sáo thổi trong Vợ chồng A Phủ Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 12

Nỗi nhớ về mái trường ngày càng được nhân lên, khắc sâu trong ba khổ bốn, năm, sáu. Biện pháp điệp cấu trúc “Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu” được sử dụng nhằm nhấn mạnh vào cảm xúc mãnh liệt, dâng trào của nhân vật trữ tình khi nhớ về trường cũ. Lớp học mang nặng tâm tư, tình cảm của con người qua biện pháp nhân hóa “bâng khuâng màu xanh rủ”. Từ “bâng khuâng” đã diễn tả tâm trạng luyến tiếc, nhớ thương. Không gian tĩnh lặng của sân trường buổi đêm bị xao động bởi trái bàng rụng xuống. Khổ thơ đã thể hiện cảm xúc dâng trào của nhân vật trữ tình khi nhớ về trường cũ.

Nỗi nhớ ấy càng được bộc lộ rõ hơn trong khổ bốn. Biện pháp điệp cấu trúc “nỗi nhớ” diễn tả ấn tượng sâu đậm về kỉ niệm tuổi học trò. Đây được coi là đỉnh điểm của sự xúc động và nỗi nhớ. Ta nhận thấy, ở khổ thơ này cũng có sự thay đổi về cách xưng hô. Khi thì chủ thể là “anh” vì muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm với “em”. Khi thì chủ thể là “tôi” muốn chia sẻ cảm xúc với “bạn”, với tất cả mọi người, trong đó có “em”. Đại từ nhân xưng “ta”, “tôi”, “anh” thực chất vẫn là một, đó là chủ thể trữ tình trong các mối quan hệ khác nhau. Câu hỏi tu từ “Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi” có thể hiểu nhân vật trữ tình hỏi “bạn”, hỏi mọi người liệu có còn nhớ đến mái trường, nhớ đến mình hay không. Câu thơ đã diễn tả sâu sắc nỗi nhớ về thầy cô, bạn bè.

Ở khổ thơ thứ năm, tác giả dẫn nguyên văn lời thoại nhằm thể hiện cảm xúc theo lối gián tiếp. Ba dòng thơ đầu cho thấy sự tươi vui, đùa nghịch của tuổi học trò. Đến câu thơ cuối, nhân vật như không kìm nén được cảm xúc mà phải thốt lên : “Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao”. Tác giả đan xen các mẩu đối thoại mang yếu tố tự sự vào mạch trữ tình, kết hợp giữa biểu cảm gián tiếp và trực tiếp khiến cho lời thơ trở nên linh hoạt và kỉ niệm cũng được khắc họa rõ nét, đáng nhớ hơn.

Đến với khổ sáu, điệp cấu trúc “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào” và điệp từ “cứ” nhấn mạnh vào cảm xúc da diết, trào dâng của nhân vật trữ tình, đồng thời tạo nhạc điệu xao xuyến cho bài thơ. Câu thơ “Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy” diễn tả sự vận động của thời gian từ cuối đông đầu xuân sang đến hè. Khi chứng kiến người thầy của mình đã già đi theo năm tháng, chủ thể trữ tình mong tóc thầy chớ “bạc thêm”.

Cảm xúc tiếc nuối của nhân vật trữ tình về một thời đã qua được khắc họa rõ nét trong hai khổ thơ cuối cùng. Cụm từ “Thôi đã hết” ám chỉ sự kết thúc, không còn tháng ngày học tập dưới mái trường mến yêu với những trò đùa tinh nghịch “tóc trắng ngủ quên”, “cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ”. Hai câu thơ “Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi” diễn tả sự chia lìa, xa cách. Kết thúc bài thơ, nhân vật trữ tình bày tỏ niềm thương nhớ, nuối tiếc về những kỉ niệm lần đầu, về thuở ban đầu mới yêu “Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên”.

Bằng từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm, hình ảnh gần gũi, thân thuộc cùng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, điệp ngữ độc đáo, tác giả đã bày tỏ nỗi nhớ thương da diết và niềm khắc khoải khi nhớ về trường xưa, thầy cô, bạn cũ. Đồng thời, khơi gợi cho người đọc những kỉ niệm tươi đẹp, trong sáng, hồn nhiên thuở học trò.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Chiếc lá đầu tiên Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *