Tổng hợp 100 bài văn mẫu lớp 9 giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, biết cách dẫn dắt vấn đề, phát triển nội dung dựa trên những gì đã được học để làm bài thi Ngữ văn vào lớp 10 đạt kết quả cao.
Với 100 bài văn mẫu này, các em sẽ nắm được những dạng văn thường gặp trong đề thi, để ôn thi vào lớp 10 cho hiệu quả. Với các đề văn xoay quanh những tác phẩm trọng tâm như Đồng chí, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Bếp lửa, Ánh trăng…. và cả những bài văn nghị luận xã hội. Vậy mời các em cùng tải về và tham khảo:
Những bài văn mẫu lớp 9 hay để ôn thi vào lớp 10
Đề 1. Em hãy phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Nguyễn Du là một bậc thầy về tả cảnh. Nhiều câu thơ tả cảnh của ông có thể coi như là chuẩn mực cho vẻ đẹp của thơ ca cổ điển:
– Dưới trăng, quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
– Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…
Với những câu thơ này, Nguyễn Du đã làm đẹp, làm giàu có thêm rất nhiều cho ngôn ngữ dân tộc. Từng có ý kiến cho rằng, so với tiếng Hán vốn có tính hàm súc, tính biểu hiện rất cao thì tiếng Việt trở nên quá nôm na, ít khả năng biểu hiện. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã chứng minh rằng ngôn ngữ tiếng Việt có một khả năng biểu hiện vô giới hạn.
Nhưng Nguyễn Du không chỉ giỏi về tả cảnh mà còn giỏi về tả tình cảm, tả tâm trạng. Trong quan niệm của ông, hai yếu tố tình và cảnh không tách rời nhau mà luôn đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ, trong hai câu thơ tả cảnh chị em Thuý Kiều đi chơi xuân:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Cảnh rất đẹp và thanh, ứng với tâm hồn hai chị em đang nhẹ nhàng thơi thới. Ngược lại, khi người buồn thì cảnh cũng buồn theo. Trong một đoạn thơ khác thuộc Truyện Kiều, ông viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Hai câu thơ này thể hiện rất rõ quan niệm của Nguyễn Du về mối quan hệ giữa tâm trạng của con người và cảnh vật. Cảnh vật đẹp hay không đẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát hay nặng nề, u ám phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của con người trước cảnh đó.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là sự kết hợp, giao hoà của hai yếu tố cảnh vật và tâm trạng. Về cảnh vật có lầu cao, có non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình. Nếu Thuý Kiều ở vào một hoàn cảnh khác, trong tâm trạng khác thì hẳn cảnh đó sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, tâm trạng Kiều lại đang rất u ám, sầu não: bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Kiều da diết nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, đồng thời lại rất đau xót cho thân phận mình. Cảnh vật, do đó, nhuốm màu tâm trạng:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Kiều ngắm cảnh hay Kiều đối cảnh? Thật khó có thể nói là “ngắm” theo nghĩa thông thường của từ này. Bởi “ngắm” có nghĩa là chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Kiều đang trong tâm trạng như thế sao có thể thưởng ngoạn cho được? Bởi vậy, dù có cả “vẻ non xa” lẫn “tấm trăng gần” nhưng cảnh vật ấy chẳng thể nào gợi lên một chút tươi vui hay ấm áp. Nhà thơ đã dùng hai chữ “ở chung” thật khéo. Kiều trông thấy tất cả những thứ đó nhưng với nàng, chúng chẳng khác gì nhau và càng không có gì đặc biệt. Hai yếu tố trái ngược (non xa, trăng gần) tưởng như phi lí nhưng thực ra đã diễn tả rất chính xác sự trống trải của cảnh vật qua con mắt của Kiều. Khung cảnh “bốn bề bát ngát” chỉ càng khiến cho lòng người thêm gợi nhớ:
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Có thể hình dung rất rõ một không gian mênh mang đang trải rộng ra trước mắt Kiều. Một người bình thường đứng trước không gian ấy cũng khó ngăn được nỗi buồn. Với Kiều, không gian rộng rãi, trống trải ấy chỉ càng khiến nàng suy nghĩ về cuộc đời mình:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Bởi trong những câu thơ tả cảnh trên đã thấm đẫm cái “tình” (tâm trạng) của Kiều nên đến những câu thơ này, Nguyễn Du đã bắt vào mạch tả tâm trạng một cách hết sức tự nhiên. ý thơ chuyển đổi rất linh hoạt: tả cảnh gắn với không gian. Không gian cao rộng (non xa, trăng gần) càng khiến cho cảnh mênh mang, dàn trải. Tả tâm trạng lại gắn với thời gian. Thời gian dằng dặc (mây sớm, đèn khuya) càng cho thấy tâm trạng chán nản, buồn tủi của Kiều. “Nửa tình nửa cảnh” – trước mắt là tình hay là cảnh, dường như cũng không còn phân biệt được nữa.
Theo dòng tâm trạng của Kiều câu thơ bắt vào nỗi nhớ:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nhớ nhà, trước hết Kiều nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến chén rượu thề nguyền dưới trăng. Đối với một người luôn đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa như Thuý Kiều, cảm xúc ấy thật xa xót. Càng nhớ đến Kim Trọng thì Kiều lại càng đau đớn cho thân phận mình. Việc Kiều thương Kim Trọng đang chờ mong tin mình một cách vô vọng đã cho thấy một vẻ đẹp khác trong tâm hồn nàng: Kiều luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Tấm lòng ấy thật cao đẹp và đáng quý biết bao!
Tiếp theo là Kiều nhớ đến cha mẹ. Có ý kiến cho rằng, Kiều đã nhớ đến người yêu trước rồi mới nhớ đến cha mẹ, phải chăng là nàng đã đặt chữ “tình” lên trên chữ “hiếu”? Thực ra, việc Nguyễn Du miêu tả nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng trước rồi mới miều tả nỗi nhớ cha mẹ là hoàn toàn hợp lí. Kiều không hề đặt chữ “hiếu” sau chữ “tình”. Khi gia đình gặp tai biến, trước câu hỏi “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”, Kiều đã dứt khoát lựa chọn chữ “hiếu” bằng hành động bán mình chuộc cha. Giờ đây, khi cha và em nàng đã được cứu, người mà nàng cảm thấy mình có lỗi chính là Kim Trọng. Nhưng không vì thế mà nỗi nhớ cha mẹ kém phần day dứt:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Những thành ngữ, điển tích, điển cố (tựa cửa hôm mai, quạt nồng ấp lạnh, Sân Lai, gốc tử) liên tục được sử dụng đã thể hiện rất rõ tình cảm nhớ nhung sâu nặng cũng như những băn khoăn trăn trở của Thuý Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình. Trong hoàn cảnh thực tế, những suy nghĩ, tâm trạng đó càng chứng tỏ nàng là một người con rất mực hiếu thảo.
Tám câu thơ cuối cũng nằm trong số những câu thơ tả cảnh hay nhất của Truyện Kiều. Chúng thể hiện rất rõ nét nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” của Nguyễn Du:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…
Nếu tách riêng các yếu tố ngoại cảnh ra mà xét thì có thể thấy đó là một khung cảnh thật thơ mộng và lãng mạn: có cánh buồm thấp thoáng, có man mác hoa trôi, có nội cỏ chân mây mặt đất một màu… Thế nhưng khi đọc lên, những câu thơ này chỉ khiến cho lòng người thêm sầu muộn, ảo não. Nguyên nhân là bởi trước mỗi cảnh vật kia, sừng sững án ngữ cụm từ “buồn trông”. Không phải là “xa trông” như người ta vẫn nói, cũng không phải là “ghé mắt trông” như Xuân Hương đã từng tinh nghịch mà điền trước đền thờ Sầm Nghi Đống, ở đây, nhân vật trữ tình chỉ có một tâm thế duy nhất: “buồn trông”. Tâm trạng nàng đang ngổn ngang trăm mối: nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, cảm giác mình là người có lỗi,… và nhất là đang hết sức đau xót cho thân phận mình. Bởi vậy, cảnh vật ấy cần được cảm nhận theo con mắt của Thuý Kiều: cánh buồm thấp thoáng nổi trôi vô định, hoa trôi man mác càng gợi nỗi phân li, nội cỏ không mơn mởn xanh mà “dàu dàu” trong sắc màu tàn úa… Nổi bật lên trong cảnh vật đó là những âm thanh mê hoặc:
Buồn trông sóng cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã nhiều lần miêu tả âm thanh. Có thể nói lần nào ông cũng thành công. Có khi chỉ qua một vài từ, ông đã diễn tả rất chính xác cảnh huyên náo trong nhà Thuý Kiều khi bọn vô lại kéo đến nhà:
Trước thầy sau tớ xôn xao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Nguyễn Du đặc biệt thành công khi ông tả tiếng đàn của Kiều. Tuỳ theo tâm trạng, mỗi lần tiếng đàn của Kiều cất lên là một lần người nghe phải chảy nước mắt khóc cho số phận oan nghiệt của nàng.
Trong đoạn thơ này, Nguyễn Du không tả tiếng đàn mà tả tiếng sóng. Trong khung cảnh bát ngát, mênh mang, tiếng sóng vỗ “ầm ầm” (lưu ý: nhà thơ đã đảo ngữ để cho ấn tượng đó càng rõ ràng hơn) quả là một thứ âm thanh hết sức bất thường. Dường như nó muốn phá vỡ khung cảnh nặng nề nhưng yên tĩnh, nó bắt Kiều ra khỏi dòng suy tư về gia đình, người thân mà trả nàng về với thực tại nghiệt ngã. Ngoài ra, dường như đó còn là những dự cảm về quãng đời đầy những khổ đau, tủi nhục ê chề mà Kiều sắp phải trải qua.
Đề 2. Em hãy phân tích đoạn trích “Kiều báo ân báo oán” trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Đền ơn trả oán là một mô típ rất quen thuộc trong văn học dân gian, đặc biệt là trong các câu chuyện cổ tích. Người có công lao khó nhọc, ăn ở hiền lành, hay làm điều tốt thì sẽ được đền bù, kẻ ác sẽ bị trừng trị đích đáng. Đó là mơ ước của nhân dân ta.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dựng lên một cảnh báo ân báo oán. Thế nhưng, khác rất nhiều so với các câu chuyện cổ tích, cảnh báo ân báo oán trong Truyện Kiều không đơn giản là sự thể hiện khát vọng công lí của nhân dân. Sức hấp dẫn của đoạn trích thể hiện chủ yếu ở khả năng khắc hoạ tâm lí nhân vật của nhà thơ. Cả đoạn trích gồm 34 câu với ba nhân vật, rất ít lời miêu tả, hầu như chỉ có lời Thuý Kiều nói với Thúc Sinh, lời qua tiếng lại giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư, vậy mà không chỉ chân dung, từ giọng điệu, tính tình của từng nhân vật đều được bộc lộ hết sức sinh động.
Có thể dễ dàng nhận thấy trong đoạn trích có hai cảnh: báo ân và báo oán.
Cảnh báo ân.
Chàng Thúc Sinh khi được “gươm mời đến” thì “Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run”. Thúc Sinh run vì nhiều lẽ: trước cảnh ba quân gươm giáo sáng loà – run; được chứng kiến Thuý Kiều đã trừng trị những kẻ đã gây bao đau khổ cho đời nàng như thế nào lại càng dễ run hơn nữa. Thúc Sinh không thể nghĩ rằng mình lại được trả ân bằng “gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” bởi trong thực tế, chàng ta chẳng có công lao gì nhiều với Thuý Kiều. Ngay cả khi chứng kiến vợ mình hành hạ Thuý Kiều, Thúc Sinh cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không biết bênh vực thế nào.
Vởy tại sao Thúc Sinh lại được Thuý Kiều “báo ân” hậu hĩnh như thế? Lí giảI được điều này, chúng ta sẽ hiểu thêm về Thuý Kiều, từ đó càng hiểu thêm nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Nhân vật Thuý Kiều đã được xây dựng rất nhất quán từ đầu đến cuối tác phẩm. Dù khi phảI dằn lòng trao duyên cho Thuý Vân, khi một mình đối cảnh ở lầu Ngưng Bích hay khi có đủ vị thế để báo ân báo oán sòng phẳng thì Thuý Kiều vẫn luôn là người nặng tình nặng nghĩa:
Nàng rằng: “Nghĩa nặng tình non,
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là…”.
Lí lẽ của Thuý Kiều rất rõ ràng: đây không phảI là sự báo ân mà là sự trả nghĩa, đúng hơn là trả cái tình mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trước đây. Như vậy, đối với Thúc Sinh, Thuý Kiều đã không xử bằng lí mà bằng cái tình của nàng. Điều này có vẻ như không hợp với cách nghĩ thông thường, không thoả mãn được một số bạn đọc khó tính nhưng chính ở đây lại làm bật lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Nguyễn Du đã không xây dựng nhân vật Thuý Kiều theo một công thức định sẵn. Ngược lại, ông đã tạo nên một nhân vật rất sinh động, rất đời thường. Kiều đã suy nghĩ, nói năng và hành động hoàn toàn hợp với phẩm chất và tính cách của nàng. Điều này càng được chứng minh rõ ràng hơn qua cảnh tiếp theo.
Cảnh báo oán
Đối tượng báo oán ở đây là Hoạn Thư – vợ Thúc Sinh. Mặc dù không trực tiếp đẩy Thuý Kiều vào lầu xanh nhưng Hoạn Thư cũng là kẻ đã gây không ít đau khổ cho cuộc đời Kiều. Con người đã trở thành hình tượng điển hình cho sự ghen tuông ấy đã lặng lẽ cho người đến bắt nàng về, đã dựng cảnh trớ trêu: bắt nàng hầu rượu Thúc Sinh để mà hả hê sung sướng khi tận mắt chứng kiến nỗi cực nhục của cả hai người. Thuý Kiều hẳn không thể quên nỗi nhục hôm ấy, theo đó thì tội của Hoạn Thư đáng chết một trăm lần.
Thế nhưng Nguyễn Du đã không để cho lí trí của mình dẫn dắt sự việc một cách giản đơn. Ông âm thầm chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai người đàn bà (mà theo Thuý Kiều là “kẻ cắp, bà già gặp nhau”), thuật lại cuộc đấu khẩu của họ. Biệt tài của Nguyễn Du là khi chứng kiến và miêu tả cuộc đụng độ “nảy lửa” ấy, ông đã không thiên vị một ai, không đứng về phía nào. Ông để cho sự việc tự nó phát triển, từ đó đã tạo nên một trong những chi tiết nghệ thuật giàu chất sống, chất “tiểu thuyết” nhất của tác phẩm.
Vị thế giữa hai người phụ nữ đã hoàn toàn đảo ngược. Trước đây, khi Hoạn Thư làm chủ tình thế, Thuý Kiều không những bị đánh đập mà còn bị làm nhục theo một cách thức rất riêng của Hoạn Thư. Nỗi đau tinh thần của Kiều lúc ấy còn lớn gấp hàng chục lần nỗi đau thể xác. Thế nhưng giờ đây, người làm chủ tình thế lại là Thuý Kiều. Chỉ cần nàng phẩy tay một cáI, hẳn Hoạn Thư sẽ “thịt nát xương tan”.
Thuý Kiều đã khởi sự “báo oán” như thế nào?
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”.
Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du thật đáng nể phục. Nàng Kiều duyên dáng, thuỳ mị, “e lệ nép vào dưới hoa” ngày nào, giờ đối diện với kẻ thù, dường như đã hoá ra một con người khác. Nếu như Kiều ra lệnh trừng phạt Hoạn Thư ngay thì không có gì nhiều để bàn luận. Nhưng Kiều đang sung sướng hưởng thụ cảm giác của kẻ bề trên, đang tìm cách dùng lời nói để “rứt da rứt thịt” Hoạn Thư theo đúng cách mà trước đây mụ ta đã đối xử với nàng. Bằng giọng điệu đầy vẻ châm biếm, Kiều gọi Hoạn Thư là “tiểu thư”, cẩn thận báo cho mụ ta biết về “luật nhân quả” ở đời (“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”). Kiều tin chắc vào chiến thắng đến mức sẵn sàng chấp nhận đấu khẩu!
Thế nhưng Hoạn Thư thật xứng với danh tiếng “Bề ngoài thơn thớt nói cười “Mà trong nham hiểm giết người không dao”:
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca.
Rằng: “TôI chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”.
Giữa dáng điệu bề ngoài với lời nói bên trong của Hoạn Thư có cáI gì đó rất mâu thuẫn. Nếu quả thật đã “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư khó có thể biện hộ cho mình một cách khéo léo như vậy. Không những khẳng định “ghen tuông chỉ là thói thường của đàn bà”, Hoạn Thư còn kể đến những việc mà tưởng như mụ đã “làm ơn” cho Thuý Kiều: cho ra nhà gác để viết kinh, khi Thuý Kiều trốn đã không đuổi bắt,… Đó là những lí lẽ rất khôn ngoan mà Kiều khó lòng bác bỏ được. Thì ra, vẻ “hồn lạc phách xiêu” chỉ là bộ điệu mà mụ ta tạo ra để đánh vào chỗ yếu của Thuý Kiều. Đứng trước cơ hội duy nhất để có thể thoát tội, mụ đã vận dụng tất cả sự khôn ngoan, lọc lõi của mình.
Rốt cuộc, trong cuộc đấu trí, đấu khẩu đó người thua lại chính là Thuý Kiều. Bằng chứng là khi nghe xong những lời “bào chữa” của Hoạn Thư, Thuý Kiều đã xuôi lòng mà tha bổng cho mụ, không những thế lại còn khen: “Khôn ngoan đến mực, nói năng phảI lời” và tự nói với mình rằng: “Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”.
Kết cục đó có thể bất ngờ với người đọc nhưng lại rất hợp lí với lô gích của tác phẩm. Đoạn “báo ân” với Thúc Sinh đã cho thấy: dù thế nào đi nữa, Kiều vẫn là người phụ nữ đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa.
Đây là một đoạn trích rất hấp dẫn, một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du. Bằng cách để cho các sự việc tự vận động, nhân vật tự bộc lộ mình qua những lời đối thoại, Nguyễn Du đã đưa nghệ thuật miêu tả nhân vật của văn học trung đại tiến một bước rất dài. Miêu tả chân thực và sinh động đời sống như nó đang xảy ra, đó là một yếu tố quan trọng tạo nên “Chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du”.
Đề 3. Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu để thấy bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến .?
“Đồng chí!” – Ôi tiếng gọi sao mà thân thương tha thiết quá. Nó biểu hiện thật đầy đủ tình đồng đội của anh chiến sĩ cụ Hồ từ những năm 1948 của thời kỳ kháng Pháp. Cảm nhận được những tình cảm vừa thân quen vừa mới lạ trong cuộc sống chiến đấu ấy, Chính Hữu, một nhà thơ – người chiến sĩ cách mạng đã xúc động viết bài thơ Đồng chí. Với những lời thơ dạt dào tình cảm, bài thơ đã để lại bao cảm xúc trong lòng người đọc.
Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội keo sơn gắn bó giữa những người chiến sĩ quân đội nhân dân trong cuộc sống chiến đấu gian khổ của thời kì kháng chiến chín năm. Họ là những người xuất thân từ nhân dân lao động chỉ quen việc “cuốc cày” ở những vùng quê hẻo lánh khác nhau, vì có chung tấm lòng yêu nước, họ đã gặp nhau, từ xa lạ bỗng trở thành thân quen. Chính Hữu đã kể về những con người ấy bằng những lời thơ thật cảm động:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Ở đây, tác giả đã phát hiện được hiện tượng tình cảm kì lạ ở những người chiến sĩ. Đó là sự phát triển của tình cảm cách mạng trong quân đội ta. Từ những con người rất “xa lạ” trong đời sống lại trở thành những đồng chí rất thân thương trong chiến đấu. Nhà thơ đã chọn lựa những chi tiết, những hình ảnh thơ rất chân thực để gợi tả về cuộc sống của người chiến sĩ. Họ đều xuất thân từ những vùng đất khô cằn, nghèo khó “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Và họ đã gặp nhau từ “xa lạ”. Thật là thú vị, nhà thơ không nói hai người xa lạ mà là “đôi người xa lạ”. “Đôi” là chỉ hai đối tượng cùng đi với nhau. “Đôi người xa lạ” nghĩa là hai người cùng đi với nhau mà lại là xa lạ. Vì thế ý thơ được nhấn mạnh thêm. Hình ảnh những phương trời xa cách, những con người “chẳng hẹn quen nhau” nói lên cả một sự xa lạ trong không gian và tình cảm. Nhưng khi tham gia kháng chiến, những con người xa lạ ấy đã cùng nhau chiến đấu, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau. Vì thế, họ trở thành thân nhau, hiểu nhau, thương nhau và gọi nhau là “đồng chí”:
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Câu thơ vừa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng “súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Tác giả đã tả thực những giờ phút bên nhau cùng chiến đấu đồng thời hình ảnh ấy còn tượng trưng cho sự nghiệp chiến đấu chung, lý tưởng cách mạng chung của quân đội ta. Câu thơ giúp ta hiểu thêm “đôi người xa lạ” ấy đã nảy nở một tình cảm mới khi họ cùng chiến đấu cùng một lý tưởng lớn lao. Tình cảm ấy thật thân thương, thật tha thiết. Giọng thơ đang tuôn liền mạch nhẹ nhàng bỗng bị ngắt nhịp đột ngột. Từ “đồng chí” lại được tách thành một câu riêng, một đoạn riêng. Với cấu trúc thơ khác thường ấy, tác giả làm nổi bật ý thơ. Nó như một nốt nhấn của bản nhạc, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. Câu thơ chỉ có một từ: “Đồng chí” – một tiếng nói thiêng liêng. “Đồng chí”, một sự cảm kích về nhiều đổi thay kì lạ trong quan hệ tình cảm. Thế là thành “đồng chí!”.
Tình cảm ấy lại được biểu hiện cụ thể trong cuộc sống chiến đấu. Những lúc kề cận bên nhau, họ lại kể nhau nghe chuyện quê nhà, chuyện “ruộng nương gửi bạn thân cày”, “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”, cả chuyện “giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính…”. Từ những lời tâm tình ấy cho ta hiểu rằng các anh chiến sĩ mỗi người đều có một quê hương, có những kỉ niệm thân thiết gắn bó với quê nhà và khi ra đi hình bóng quê hương đều mang theo trong lòng họ. Các anh lại cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu gian khổ bên nhau. Trong gian lao vất vả họ lại tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong mối tình đồng chí. Làm sao các anh có thể quên được những lúc cùng nhau chịu đựng gian khổ “từng cơn ớn lạnh”, những lúc “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”. Cuộc sống bộ đội nghèo, vất vả nhưng không thiếu niềm vui. Dẫu “áo anh” có “rách vai”, “quần tôi” có “vài mảnh vá”, dẫu trời có “buốt giá” thì miệng vẫn cười tươi. Bằng những chi tiết rất thực, nhà thơ đã miêu tả rõ nét cuộc sống chiến đấu gian khổ và sự gắn bó của tình đồng đội keo sơn. Tình cảm chân thành tha thiết ấy không diễn tả bằng lời mà lại thể hiện bằng cách “nắm lấy bàn tay”, “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Thật giản dị và cảm động. Không phải là những vật chất của cải, không phải là những lời hoa mỹ phô trương. Những người chiến sĩ biểu hiện tình đồng chí bằng cách “tay nắm lấy bàn tay”. Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên tất cả những ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của mối tình đồng chí. Đoạn thơ với nhiều nét tả thực mà không trần trụi, vẫn gợi cảm nhờ hình ảnh “anh với tôi” gắn bó dọc bài thơ và hình ảnh cảm động “thương nhau” nhưng không biết làm sao, chỉ biết lặng lẽ “tay nắm lấy bàn tay”. Chỉ có những con người cùng chung ý chí và lí tưởng cao cả mới có những biểu hiện tình cảm đáng quý như thế.
Mối tình đồng chí lại được lắng đọng bằng hình ảnh đẹp rực sáng ở khổ cuối bài thơ:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Câu thơ vừa tả thực vừa mang nét tượng trưng. Tác giả tả cảnh những người lính canh giặc trong đêm trăng đầy sương muối. Súng hướng mũi lên trời, có ánh trăng lơ lửng giữa trời như treo trên đầu ngọn súng. Đồng thời hình ảnh “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực vừa mơ, vừa xa lại vừa gần, vừa mang tính chiến đấu lại vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đây là hình ảnh đẹp tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thơ thật độc đáo, gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lý tưởng chiến đấu và mối tình đồng chí thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.
Toàn bộ bài thơ bằng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực gợi tả có sức khái quát cao, Chính Hữu đã cho ta thấy rõ quá trình phát triển của một tình cảm cách mạng trong quân đội. Ở đây, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh thơ từ những chi tiết thực của cuộc sống đời thường ở những người chiến sĩ, không phô trương, không lãng mạn hóa, thi vị hóa. Và chính những nét thực đó tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Bài thơ đánh dấu một bước ngoặt mới trong phương pháp sáng tác về cách xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong giai đoạn chống Pháp.
“Đồng chí” – Đọc xong bài thơ trong mỗi chúng ta đều lắng lại những cảm xúc dạt dào. Chúng ta đã cảm nhận được mối tình đồng chí đậm đà ấy qua những lời thơ nhẹ nhàng tha thiết như bài hát tâm tình của Chính Hữu. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi vẻ vang, trang sử vàng đã sang qua bao nhiêu giai đoạn mới, thế nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ Đồng chí ta như thấy rõ hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên sáng rực thật cao đẹp, thật thân thương trong những lời thơ của Chính Hữu.
………………..
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tổng hợp 100 bài văn mẫu lớp 9 Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.