Bạn đang xem bài viết ✅ Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0 (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Có thể nói, chúng ta đang sống trong thế kỉ 21, với kỹ thuật và khoa học vô cùng phát triển. Hầu hết, các quốc gia trên thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó có Việt Nam.

Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0

Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0, đây sẽ là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể bổ sung thêm kiến thức về văn thuyết minh lớp 10. Sau đây, xin mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0

I. Mở bài:

– Giới thiệu cuộc cách mạng 4.0.

II. Thân bài:

a. Khái niệm:

– Là sự kết hợp đầy sáng tạo giữa các thành tựu khoa học của các lĩnh vực khác nhau bao gồm vật lý, số hóa và sinh học, để hướng tới công cuộc sản xuất thông minh.

– Theo như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đặt ra khái niệm về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và internet của các dịch vụ (IoS)”.

– Một số ngành có triển vọng phát triển sáng giá nhất trong nền công nghiệp 4.0 bao gồm: công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…

b. Tác động:

* Tích cực:

– Nhờ vào công nghệ 4.0 con người đã dần dà chạm tay được vào những lĩnh vực mà trước đây đều được xem là quá xa vời:

+ Tạo ra được một trí tuệ nhân tạo như người máy, có thể hoạt động và mô phỏng gần như toàn bộ các hành động của con người.

+ Dùng công nghệ thông minh để can thiệp và bộ gen của con người và tiến hành sửa chữa chúng.

– Nhờ sự phát triển của các phần mềm thông minh, với cơ chế sàng lọc hiệu quả, việc nghiên cứu và tìm ra các loại thuốc mới ngày càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng, tốn ít chi phí và nhân lực hơn rất nhiều.

– Trí thông minh nhân tạo (AI) được ứng dụng một cách hiệu quả vào việc sản xuất các thiết bị, phương tiện không người lái ví dụ như xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ, tàu ngầm,…

– Hàng tỷ người trên thế giới được kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động nhờ một mạng internet toàn cầu, con người có thể dễ dàng vươn ra thế giới, tiếp cận các nền văn hóa khác nhau ngay tại nhà.

– Một loạt các dịch vụ ra đời như mua sắm online, đi chợ online, làm việc online, học online,…

– Các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, vận hành khi các dịch vụ kinh doanh trực tuyến trở nên ngày càng phổ biến.

* Tiêu cực:

– Con người ngày nay dần quá phụ thuộc vào công nghệ thông minh, sự gắn kết cần thiết giữa con người dần dần bị mất đi, con người ngày càng lười biếng, ỷ lại không tham gia vào các công việc lao động đơn giản.

– Sự chen chân của các máy móc với trí tuệ nhân tạo trong các nhà má ngày càng phổ biến, dẫn tới trong một tương lai không xa một số lượng lớn các lao động chân tay, học thức thấp sẽ bị thất nghiệp và nghèo đói liên tục gia tăng, sự cách biệt giàu nghèo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

III. Kết bài:

– Nêu nhận định.

Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0 – Mẫu 1

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0). Cùng với các lĩnh vực khác, giáo dục đại học phải bắt kịp cuộc cách mạng này. Để làm rõ vấn đề, tác giả bài viết này xin mạo muội đưa ra một vài ý kiến, quan điểm của mình về giáo dục đại học với các Cách mạng Công nghiệp nói chung, trong đó có Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nếu nói về nền giáo dục của loài người có thể nói, nó ra đời từ khi có chữ viết. Nhờ có chữ viết, việc lưu trữ, truyền tải thông tin mới thực hiện được và cũng chính nhờ có chữ viết thì nền giáo dục mới ra đời. Tuy nhiên, với một nền giáo dục sơ khai đó thì mọi thứ cũng chỉ có điểm dừng nhất định. Với nền giáo dục Phương Đông, nền giáo dục nho học về cơ bản là nặng về triết tự, nhân văn. Trong khi đó, nền giáo dục của Phương Tây là toàn diện hơn với đầy đủ các kiến thức cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Dẫu vậy, đó cũng chỉ là những kiến thức phổ thông và những ai có trình độ tú tài cũng đã được xã hội thời đó nể trọng lắm rồi. Khi xã hội công nghiệp chưa hình thành, những người có trình độ cao cũng chỉ là nhà thông thái và lương y chứ chưa có kỹ sư, bác sĩ.

Đến khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ, nhu cầu nhân lực cho nó tất yếu đòi hỏi. Để vận hành được máy móc thiết bị, các nhà máy phải có công nhân và kỹ sư. Vì thế, phải có các trường nghề và đại học, cao đẳng để đáp ứng các nhu cầu đó của nền công nghiệp. Đương nhiên, các nhà quản lý cũng phải được đào tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu của công việc thực tiễn. Vì thế mà theo lãnh đạo một đại học tư thục, chính Cách mạng Công nghiệp đã góp phần quyết định cho sự ra đời của các đại học.

Như đã nói ở trên, chính cách mạng công nghiệp đã góp phần ra đời các đại học và cao đẳng. Có những đại học mang tính hàn lâm nhưng cũng không ít đại học hoạt động với định hướng đào tạo kỹ sư thực hành. Để đáp ứng một cách tốt nhất cho Cách mạng Công nghiệp, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là không thể thiếu. Đó cũng chính là thực tế không chỉ nhà nước mà chính doanh nghiệp cũng đầu tư mở đại học, cao đẳng và trường dạy nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực trước hết là cho chính mình. Đương nhiên, ở cái thuở sơ khai đó, có lẽ khó có thể yêu cầu các giảng viên đại học phải có bằng nọ, bằng kia. Và cũng cần nói thêm là trong tiếng Anh thì từ “master” vừa có nghĩa là “thạc sĩ”, vừa có nghĩa là “thợ cả”. Như vậy, người có trình độ cao học và thợ giỏi đều được xã hội tôn trọng ngang nhau.

Cũng có một thực tế là không ít người không hề có bằng cấp như Bill Gates hay Edison vẫn được các đại học ở Mỹ mời thuyết trình. Về điều này, có chuyên gia khẳng định là sinh viên rất cần kiến thức thực tiễn và vì thế các đại học phải mời những nhà phát minh không có bằng cấp đến chia sẻ kinh nghiệm cũng là điều cần phải làm. Tuy nhiên, những người này chỉ có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chứ việc giảng dạy trong chương trình chính thức vẫn phải là những người thầy của trường. Đương nhiên, chính các bậc thầy thì ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn cũng phải nắm được thực tiễn của sản xuất công nghiệp. Vì thế, các giảng viên đại học phải tôn trọng những nhà kỹ thuật không có bằng cấp như Bill Gates và Edison cũng là điều dễ hiểu. Và đến đây, cũng cần phải đặt câu hỏi xem ai là người có quyền đánh giá chất lượng nền giáo dục nếu đó không phải là các nhà tuyển dụng?

Tham khảo thêm:   Đề thi thử đại học năm 2014 trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội Môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh - Có đáp án

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bùng nổ việc phát triển và thành lập mới các trường đại học. Rất nhiều trường trung cấp cũng được nâng cấp lên cao đẳng và trường cao đẳng thì nâng cấp lên đại học. Một ví dụ cụ thể có thể nói tới là Trường Trung học Văn thư Lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ chỉ trong có hơn 5 năm đã được nâng cấp thành Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương rồi thành Đại học Nội vụ. Trong khi đó ở các nước Phương Tây, rất nhiều trường qua hàng trăm năm vẫn chỉ là cao đẳng và họ cũng chỉ chuyên tâm làm tốt sứ mạng đào tạo nhân lực của mình chứ không có nhu cầu nâng cấp, thay tên.

Người ta cũng nói nhiều về vấn nạn sao chép luận văn của sinh viên song trên thực tế là những đề tài mà vượt quá khuôn khổ đào tạo, nghiên cứu của nhà trường thường không được khuyến khích với lý do chưa có thầy hướng dẫn hoặc còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của bộ chủ quản và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Và ngay cả khi sinh viên đã tìm được thầy hướng dẫn chính là tác giả của những nghiên cứu đó thì đôi khi vẫn không được tạo điều kiện với lý do là học lực chưa đủ tư cách để nhận các đề tài mới. Bởi thế, nếu không sao đi chép lại những đề tài cũ thì sinh viên cũng khó có quyền làm các đề tài mới (!).

Nay chúng ta đã và đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và trong cuộc cách mạng này thì không ai có thể đợi ai. Và đương nhiên, các học trò phải có quyền không chờ đợi các bậc thầy của họ. Ngoài các kiến thức được nhà trường cung cấp, các sinh viên có cả một kho tài nguyên khổng lồ trên mạng Internet. Giáo dục đại học cũng vì thế mà phải chuyển từ học tập (learning) sang nghiên cứu (studying) và sinh viên phải được chủ động tự học. Thậm chí, sẽ là rất tốt nếu các sinh viên chủ động đến với các đề tài không có trong danh mục được khuyến cáo nghiên cứu.

Nhìn sang nền giáo dục đại học của các nước phát triển, họ thường khuyến khích sinh viên nước ngoài, nhất là những đối tượng giành được học bổng toàn phần trở về quê hương mình để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó, khi thương mại điện tử ở Việt Nam còn manh nha thì các nước phát triển đã có ngay những số liệu thực tiễn về vấn đề này ở Việt Nam trong khi các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học của chúng ta lại chưa thể có ngay được những số liệu đó dù nó rất cần để hoạch định các chính sách thực tiễn.

Theo không ít nhận xét, chúng ta đang nói quá nhiều đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng thực tế các đại học và ngành giáo dục cần phải làm gì thì đó vẫn là vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp 4.0 vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ và chắc chắn sẽ tác động tới giáo dục đại học cũng như các nhà tuyển dụng. Chính vì thế, các đại học càng không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép mà cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để luôn làm mới chính mình. Còn về phía các nhà tuyển dụng, thay vì phê phán chất lượng đầu ra của sinh viên thì việc cần làm của họ là chủ động hợp tác với các nhà trường. Đây là sự nghiệp trồng người và chắc chắn không thể có ngay kết quả như mong muốn. Vì thế, các nhà tuyển dụng mà trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ là các tập đoàn lớn hãy coi đây là trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước. Chính những trải nghiệm thực tiễn với môi trường doanh nghiệp dù ở mọi quy mô sẽ giúp sinh viên trưởng thành, biết vận dụng kiến thức được học cho các công việc phải làm.

Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0 – Mẫu 2

Thế giới để đạt được sự phát triển mạnh mẽ và có được nền văn minh như ngày hôm nay đã phải lần lượt trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn với sự xuất hiện của máy móc thay thế và hỗ trợ con người phần lớn trong công cuộc lao động sản xuất, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của sản lượng công nghiệp, cùng với đó là sự ra đời của giai cấp công nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phân chia lại thế giới, cũng như sự phân hóa, tàn lụi của các chế độ xã hội khác nhau. Cho đến ngày hôm nay thế giới lại đang bước tiếp vào một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử, với sự kết hợp vi diệu của công nghệ khiến cho ranh giới giữa các lĩnh vực tưởng chừng xa rời nhau dần trở nên hòa nhập và có sự gắn bó mật thiết với nhau, đưa nhân loại tiến đến một tầm cao mới của nền văn minh – cách mạng công nghiệp 4.0.

Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Đây là một cuộc cách mạng có nhiều sự vượt bậc hơn hẳn so với ba cuộc cách mạng trước đó, thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực là cải tiến, sản xuất máy móc phục vụ công cuộc lao động sản xuất, hay tập trung vào sự phát triển của công nghệ viễn thông, vi tính. Đến cuộc cách mạng 4.0, người ta thấy có sự kết hợp đầy sáng tạo giữa các thành tựu khoa học của các lĩnh vực khác nhau bao gồm vật lý, số hóa và sinh học, để hướng tới công cuộc sản xuất thông minh nhờ vào các đột phá của công nghệ số, mọi thứ đều sẽ thực hiện bằng máy móc, vi tính, con người dần dà không còn tham gia vào các công việc sản xuất phức tạp. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế chi phí sản xuất, lao động, số lượng nhân công, con người chuyển sang lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay. Mà theo như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đặt ra khái niệm về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và internet của các dịch vụ (IoS)”. Trong đó con người sẽ bước vào một cuộc đổi mới chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển của nhân loại, với những bước tiến tột bậc, mà bản chất của cuộc cách mạng này chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số được tích hợp cùng với những công nghệ thông minh nhân tạo để nâng cao và tối ưu hóa quy trình sản, nâng cao sản lượng cùng chất lượng của sản phẩm. Trong đó, ngày hôm một số ngành có triển vọng phát triển sáng giá nhất trong nền công nghiệp 4.0 bao gồm: công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, sử dụng người máy trong các hoạt động sản xuất, y tế phức tạp cần độ chính xác tuyệt đối,…

Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đã mang đến cho thế giới và con người những bước tiến đáng kinh ngạc, nhân loại đang bước vào một quá trình phát triển theo cấp số nhân, chứ không chỉ đơn thuần là sự phát triển một cách tuyến tính như trong các cuộc cách mạng trước đây. Ngày nay nhờ vào công nghệ 4.0 con người đã dần dà chạm tay được vào những lĩnh vực mà trước đây đều được xem là quá xa vời, ví dụ như chúng ta chưa từng nghĩ có thể tạo ra được một trí tuệ nhân tạo như người máy, có thể hoạt động và mô phỏng gần như toàn bộ các hành động của con người, cũng như không thể ngờ được có một ngày chúng ta có thể dùng công nghệ thông minh để can thiệp và bộ gen của con người và tiến hành sửa chữa chúng. Tương tự trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc mới các nhà sản xuất, nhà nghiên cứu có thể mất tới hàng 20 năm tiến hành thử nghiệm để có thể cho ra đời một loại thuốc mới với một khoản chi phí khổng lồ lên tới hàng vài chục triệu đô. Thế nhưng ngày nay nhờ sự phát triển của các phần mềm thông minh, với cơ chế sàng lọc hiệu quả, việc nghiên cứu và tìm ra các loại thuốc mới ngày càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng, tốn ít chi phí và nhân lực hơn rất nhiều. Nổi bật hơn cả là trí thông minh nhân tạo (AI) được ứng dụng một cách hiệu quả vào việc sản xuất các thiết bị, phương tiện không người lái ví dụ như xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ, tàu ngầm,… nhờ đặc tính chính xác được tính toán một cách kỹ càng chặt chẽ đã hỗ trợ con người đáng kể trong sinh hoạt, cũng như đảm bảo an toàn cho con người trong các lĩnh vực quân sự, nghiên cứu vũ trụ,… Sự phát triển của công nghiệp 4.0 còn dễ dàng được hình dung trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khi mà hàng tỷ người trên thế giới được kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động nhờ một mạng internet toàn cầu. Mà giờ đây chúng ta chỉ cần đóng 3 USD là có thể dễ dàng vươn ra thế giới, tiếp cận các nền văn hóa khác nhau ngay tại nhà, nói chuyện trực tuyến với một người bạn cách chúng ta nửa vòng trái đất. Gửi một bức thư chỉ mất 5 giây, và người nhận sẽ nhận được nó trong 5 giây nữa sau đó lập tức phản hồi. Có thể nói rằng trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc trao đổi, giao tiếp nào giữa con người ở các vùng khác nhau trên trái đất dễ dàng như thế, mà muốn vậy họ chỉ có thể đi bộ rất nhiều ngày để có thể gặp được nhau, hoặc giả sử gửi thư tín thì cũng có đến cả vài tháng mới nhận được, mà có khi bức thư tay còn dễ dàng bị thất lạc khi chưa đến tay người nhận. Còn hiện tại với sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu người dùng thật khó để bị thất lạc, cuộc sống của con người trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, vì có thể tiết kiệm được thời gian làm các việc vặt. Giờ đây nhờ sự phát triển của công nghệ thông minh một loạt các dịch vụ ra đời như mua sắm online, đi chợ online, làm việc online, học online,… Việc duy nhất của con người cần làm ấy là học cách tiếp cận với các thiết bị thông minh, hòa nhập với nền công nghệ 4.0. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, vận hành khi các dịch vụ kinh doanh trực tuyến trở nên ngày càng phổ biến, họ không phải mất quá nhiều chi phí để đầu tư trang trí, thiết lập một gian hàng, thay vào đó họ lập một gian hàng ảo, người tiêu dùng mua sắm online và thanh toán từ xa, các chiến dịch quảng cáo được thực hiện một cách linh động và sáng tạo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như facebook, twitter, instagram,… tiếp cận được người tiêu dùng trên toàn cầu thay vì chỉ một nhóm khách hàng theo phương pháp marketing truyền thống.

Tham khảo thêm:   Công nghệ lớp 3 Bài 3: Sử dụng quạt điện Giải Công nghệ lớp 3 Kết nối tri thức trang 14, 15, 16, 17, 18

Tuy sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đem đến cho nhân loại những sự phát triển vượt bậc thế nhưng nó cũng đang có những tác động tiêu cực đáng kể lên cuộc sống của con người. Điển hình nhất là việc con người ngày nay dần quá phụ thuộc vào công nghệ thông minh, sự gắn kết cần thiết giữa con người dần dần bị mất đi, con người ngày càng lười biếng, ỷ lại không tham gia vào các công việc lao động đơn giản. Thêm vào đó sự chen chân của các máy móc với trí tuệ nhân tạo trong các nhà máy ngày càng phổ biến , dẫn tới trong một tương lai không xa một số lượng lớn các lao động chân tay, học thức thấp sẽ bị đẩy ra đường, tình trạng thất nghiệp và nghèo đói liên tục gia tăng, gây áp lực lên xã hội, và chính phủ các nước, sự cách biệt giàu nghèo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đồng thời trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp khi họ phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất và kinh doanh bắt kịp xu hướng của thời đại, những doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức để đi theo con đường này sẽ nhanh chóng bị phá sản và mất hút trên thị trường. Đồng thời con người đứng trước công nghệ số, công nghệ 4.0 cũng phải nỗ lực học tập và phát triển bản thân, bởi chỉ nay mai nữa sẽ không còn chỗ cho những người mù tịt về công nghệ và sống phụ thuộc và các công việc tay chân. Bởi lẽ ngày nay đến cả nông nghiệp cũng đang dần phát triển theo hướng tự động hóa, máy móc làm thay con người hầu như tất cả các công việc nặng nhọc.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến cho con người nhiều những thuận lợi và bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc tìm kiếm các phương thức sản xuất, kinh doanh mới, cải thiện chất lượng dịch vụ, đem đến sự tiện ích và thông minh cho cuộc sống của con người , đồng thời mở ra những hướng phát triển mới đối mặt hiệu với các hiện tượng già hóa dân số, nóng lên toàn cầu, thay đổi khí hậu,… Đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nhân loại, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế còn non yếu như Việt Nam.

Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0 – Mẫu 3

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người và sẽ tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà chúng ta vừa bước vào sẽ tạo ra một thế giới mà ở trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Cách mạng Công nghiệp 4.0 không đơn thuần chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Nó đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam.

Tham khảo thêm:   KHTN Lớp 6 Bài 30: Các dạng năng lượng Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 6 Cánh diều trang 153

Cách mạng Công nghiệp 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất. Trong quá trình này, IoT sẽ tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe. Với việc thay đổi phương thức sản xuất khi có những công nghệ hiện đại có thể kết nối thế giới thực và ảo, để sản xuất con người có thể điều khiển quy trình ngay tại nhà mình mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội về Internet.

Đối với lĩnh vực thương mại, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này trước hết giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển. Đối với lĩnh vực đầu tư, với bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ là mảng đầu tư trở nên hấp dẫn và đầy tiềm năng nhất của các nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là công nghệ số và Internet. Song cuộc cách mạng này cũng có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tìm kiếm phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn trước những thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số hay các vấn đề an ninh khác ngày càng tăng lên. Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Thách thức đối với Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á – Âu…, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.

Về phía Chính phủ, dưới tác động của cuộc cách mạng này, công tác điều hành của Chính phủ của Việt Nam cũng sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Song cũng như các chính phủ khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang tiến vào giai đoạn phát triển mới rất quan trọng đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quyết tâm cao của Chính phủ nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về phía doanh nghiệp, chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, tất cả sẽ làm mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về phía cung ứng, nhiều ngành công nghiệp đang chứng kiến sự du nhập của các công nghệ mới, nó tạo ra những cách hoàn toàn mới để phục vụ cho nhu cầu trong hiện tại và thay đổi triệt để các chuỗi giá trị ngành công nghiệp đang hoạt động. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, cải thiện phẩm chất, tốc độ, giá cả mà khi được chuyển giao nó có giá trị hơn.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có được những quyền lợi nhất định khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, quan tâm của người tiêu dùng, và các khuôn mẫu mới về hành vi của người tiêu dùng (ngày càng xây dựng dựa trên quyền truy cập vào các mạng di động và dữ liệu) buộc các doanh nghiệp phải thích nghi với cách mà họ thiết kế, tiếp thị, và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Khi công nghệ và tự động hóa lên ngôi, họ sẽ đối mặt với áp lực cần nâng cao chất lượng, cải tiến và đổi mới các dây chuyền công nghệ, tuyển nhân lực có năng lực về công nghệ, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của doanh nghiệp nước ngoài. Những điều này là thực sự khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thua kém rất lớn các doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ, cũng như nhân lực và vốn đầu tư như hiện nay.

Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp 4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn… Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công – nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ Internet vạn vật và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng công nghiệp (Cách mạng Công nghiệp) lần thứ tư đã và đang đến. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thuyết minh về cuộc Cách Mạng 4.0 (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *