Bạn đang xem bài viết ✅ Thuyết minh về cây chè (2 Dàn ý + 5 mẫu) Thuyết minh về một loài cây lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 5 bài văn Thuyết minh về cây chè hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, kèm theo 2 dàn ý chi tiết,giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của cây chè, dễ dàng hoàn thiện bài viết số 1 lớp 9 đề 2: Thuyết minh về một loài cây.

Thuyết minh về cây chè

Chè không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn là một loại thức uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để nắm rõ nguồn gốc, đặc điểm, công dụng, giá trị kinh tế của cây chè.

Dàn ý thuyết minh về cây chè

Dàn ý 1

1. Mở bài:

  • Giới thiệu cây chè.

2. Thân bài:

a. Tên gọi, nguồn gốc, phân bố:

  • Tên gọi khác là trà, có tên khoa học là Camellia sinensis Theaceae, thuộc họ Chè.
  • Có xuất xứ từ các nước châu Á, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chè có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
  • Phát triển mạnh mẽ ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt, nơi có độ ẩm cao và khí hậu ấm áp.
  • Phân bố: Các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… trong đó tập trung với diện tích lớn nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ.

b. Đặc điểm thực vật:

  • Chè là loại cây bụi, mọc hoang, thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, sống lâu năm, có bộ rễ dài và ăn sâu vào lòng đất, tuổi thọ kéo dài từ 30 – 40 năm.
  • Chiều cao được khống chế trong khoảng dưới 2m để tiện cho việc thu hoạch, tuy nhiên nếu không được cắt tỉa và bấm đọt cây có thể đạt độ cao đến 10m.
  • Lá chè có màu xanh đậm, dày, hai mặt nhẵn, gân lá rõ ràng, phần rìa lá có hình răng cưa. Lá non và phần búp có màu xanh nõn ngọc.
  • Hoa chè có màu trắng, gồm bảy đến tám cánh mỏng, bên trong có nhiều nhị vàng, phát ra hương thơm nhẹ nhàng.
  • Quả chè là loại quả nang, có 3 nang chính chứa hạt chè cứng màu nâu hoặc đen bóng tùy độ già của quả.
  • Phân loại: Chè Trung Quốc lá nhỏ, chè Trung Quốc lá to, chè Shan, và chè Ấn Độ, trong đó chè Trung Quốc lá to được trồng phổ biến nhất ở nước ta.
  • Thành phần hóa học chủ yếu trong lá chè có tác dụng dược lý bao gồm tanin và các alkaloid như cafein, theophyllin, theobromin,… và các enzym liên quan đến sự chuyển hóa của cơ thể con người như EGCG,…

c. Thu hoạch:

  • Có ba vụ: Vụ xuân (tháng 3 – 4), vụ hè thu (tháng 5 – 10) và vụ đông (tháng 11 – 12).
  • Búp chè tươi sau khi được thu hái về phải được bảo quản trong chỗ râm mát, không nén ép hay để héo, trong suốt quá trình thu hái, vận chuyển phải đảm bảo chè luôn sạch không lẫn tạp chất, rác rưởi, và chè phải được sơ chế trong vòng 10 tiếng kể từ khi hái.

d. Công dụng:

  • Là một thức uống quen thuộc trong nền văn hóa ẩm thực của người dân châu Á từ ngàn xưa.
  • Các alkaloid trong chè có tác dụng giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái, kích thích sự hoạt động của trí óc, giúp tỉnh táo, thư thái trong người, lợi tiểu.
  • Tanin có trong chè giúp cầm tiêu chảy, kiết lỵ.
  • Một số các enzym có trong lá chè tươi có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, chống lại sự lão hóa của cơ thể do tuổi tác, …
  • Tác dụng tích cực với các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, parkinson.
  • Trong nền y học cổ truyền, chè có tính mát, vị đắng chát, có hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc, chữa các bệnh tả lỵ, mụn nhọt, tinh thần kém, một số nhiễm khuẩn ngoài da, …
  • Trong nền kinh tế, chè là một trong những loại nông sản có giá trị xuất khẩu, hàng năm đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của quốc gia.

3. Kết bài:

  • Nêu cảm nhận cá nhân.

Dàn ý 2

I. Mở bài:

  • Dẫn dắt giới thiệu vấn đề mà đề bài yêu cầu: Thuyết minh về cây chè.

II. Thân bài:

* Nguồn gốc và xuất xứ của cây chè

– Về nguồn gốc của cây chè, theo truyền thuyết thì loại cây này có nguồn gốc từ Trung Hoa xưa. Người đã phát hiện ra loại cây này chính là Viêm Đế, hay còn gọi là vua Thần Nông – một trong Tam hoàng, vào khoảng năm 2730 TCN. Khi đó đang cùng đoàn tùy tùng của mình nghỉ chân dưới một gốc cây thì có một cơn gió cuốn vài chiếc lá lạ vào trong siêu nước đang sôi. Ngay lập tức, nước trong siêu chuyển sang màu xanh ngả vàng và hương thơm từ trong siêu tỏa ra đã khiến nhà vua yêu thích. Sau đó nhà vua đã mang về nghiên cứu và phát hiện ra tác dụng to lớn của chè.

  • Tuy nhiên, do truyền thuyết này mà người Trung Hoa chỉ dùng chè để chữa bệnh, sau đó là chỉ có quý tộc được dùng loại cây này.
  • Người ta xác định rằng chè được sử dụng từ khoảng triều nhà Thương, đặc biệt phổ biến vào thời nhà Đường, bắt đầu lan sang các nước khác.

– Theo thư tịch cổ Việt Nam thì cây chè từ lâu đã có hai loại: một là được trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng, một là ở vùng núi phía Bắc.

=> Như vậy, chè là một loại cây vô cùng phổ biến và đã có từ rất lâu đời, trở thành một thức uống, một phương thuốc hữu hiệu được nhiều người ưa chuộng.

* Hình dáng và các bộ phận của cây chè

– Rễ chè: Là dạng rễ chùm, thường ăn sâu xuống lòng đất khoảng hơn 1m. Nếu đất là đất tơi xốp thì rễ sẽ ăn sâu hơn rất nhiều.

– Thân chè:

  • Lá chè: Các lá mọc ở trên cành, mọc cách nhau một khoảng đều đặn gọi là đốt. Cứ mỗi đốt là sẽ có một lá. Gân lá thường nổi lên rất rõ, màu sắc của lá phụ thuộc vào loại chè mà có màu đậm hay nhạt. Rìa lá có hình răng cưa, sờ vào hơi ngứa.
  • Hoa chè: Hoa chè rất đẹp, có 5 hoặc 7 cánh. Cánh hoa màu trắng cong cong, bao bọc lấy nhuỵ hoa màu vàng sáng ở bên trong. Cây thường ra nụ vào tháng 6 nhưng lại phải đến tháng 11 hoặc tháng 12 mới nở hoa. Nụ hoa màu xanh, be bé như hạt ngọc sáng ẩn giấu dưới chiếc lá. Một cây chè thường có rất nhiều hoa, trung bình khoảng từ 100 đến 200 bông.
  • Búp chè: Đây là đoạn non nhất của cành chè. Bao gồm có một vài lá non và tôm chè – Phần non tận cùng của cành chè, chưa xoè ra lá. Đây cũng chính là phần người ta thu hoạch để chế biến và sản xuất ra nhiều loại chè khác nhau. Vì vậy nên đây là phần quan trọng nhất và có giá trị nhất.
  • Quả chè: Thuộc dạng quả nang. Mỗi quả gồm khá nhiều ngăn, bên trong có khá nhiều hạt. Quả có màu xanh đậm. Bên trong là hạt chè rất cứng, có màu nâu sẫm.

* Phân loại

Người ta có rất nhiều cách phân loại cây chè. Đây là cách phân loại khoa học được Cohen Stuart đưa ra và được nhiều người chấp nhận. Theo ông thì có 4 loại đó là:

  • Chè Trung Quốc lá nhỏ: Nếu quan sát thì sẽ thấy loại cây này thấp, mọc giống như cây bụi vậy. Chúng phân cành nhiều và có khả năng chịu rét khá tốt, lên tới -15 độ. Lá chè rất dày, có màu xanh đậm, dài khoảng từ 3,5 đến 6,5 cm, các răng cưa nhỏ và không đều nhau. Tuy nhiên thì do búp chè nhỏ, ra hoa nhiều nên năng suất thấp, chè ra chất lượng cũng rất bình thường. Được phân bố chủ yếu ở miền Đông, Đông Nam Trung Quốc, Nhật Bản và một số vùng khác.
  • Chè Trung Quốc lá to: Loại chè này có thân cây thuộc dạng thân nhỡ, cao tầm khoảng 5m nếu không có tác nhân đặc biệt nào khác ảnh hưởng. Lá chè này thường khá to và dài, đúng như tên gọi của nó. Lá chè có màu xanh bóng và nhạt, cho năng suất cao và chất lượng rất tốt. Loại chè này gốc ở Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc nên có tên gọi như vậy.
  • Chè Shan: Thân gỗ cao từ 6m cho đến 10m. Lá cây to, xanh nhạt, đầu lá nhọn và có răng cưa ở viền lá dày. Búp chè của loại cây này có rất nhiều lông tơ, có màu trắng như tuyết, sờ lên mịn nên được gọi là chè tuyết nữa. Loại chè này thích ứng được điều kiện thời tiết ẩm, địa hình cao vẫn cho ra sản phẩm chè chất lượng rất tốt. Có thể nói đây là loại chè tốt nhất trong số 4 loại được phân. Loại chè này có ở Vân Nam – Trung Quốc, Miến Điện và miền Bắc nước ta.
  • Chè Ấn Độ: Thân cây rất cao, lên tới hơn 15m, nhưng cành lại khá thưa nhau. Lá mỏng và mềm, có màu xanh đậm nhưng lại không chịu được rét hạn. Chất lượng chè tốt, thường được trồng ở Ấn Độ, Miến Điện, Vân Nam – Trung Quốc và một vài vùng khác nữa.
Tham khảo thêm:   TOP 5 game mô phỏng hay nhất trên PC (2022)

* Giá trị của cây chè

– Giá trị về các chất, về văn hóa…

  • Trước hết phải nói đến giá trị tuyệt vời của các chất có trong chè giúp chống ung thư, ngăn ngừa béo phì.
  • Chè thúc đẩy quá trình trao đổi chất, được cho vào nhiều thực đơn ăn kiêng.
  • Ngoài ra bã chè phơi khô còn giúp vệ sinh khử mùi hôi, khi đốt có thể đuổi được các loài sinh vật như gián, kiến…
  • Caffeine có trong chè giúp chúng ta tỉnh táo vào mỗi sớm. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều.
  • Cây chè là niềm tự hào của nền văn hóa Trung Hoa, thói quen dùng trà là nét nổi bật được gìn giữ của người Anh, người Việt…, trà đạo là một nét giá trị trong văn hóa nhiều nước phương Đông.

– Giá trị kinh tế:

  • Chè là loại cây có giá trị xuất khẩu khá lớn, mang lại nguồn lợi không nhỏ dành cho người dân.
  • Sản xuất và chế biến chè là một ngành có triển vọng và được đầu tư khá nhiều.

=> Với thói quen dùng chè và việc các quán đồ uống xuất hiện ngày càng nhiều, cây chè ngày càng có giá trị và được chú trọng phát triển.

* Cách chăm sóc và gieo trồng

  • Cần phải chú ý nhiều đến mật độ gieo trồng, đất và khí hậu khi lựa chọn trồng chè.
  • Không chỉ vậy, cần chú ý quá trình chăm sóc, phân bón…

III. Kết bài:

  • Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây chè cũng như về giá trị của loại cây này.

Thuyết minh cây chè hay

Nền kinh tế Việt Nam nổi bật với nền nông nghiệp có đa dạng và phong phú các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao,… và chè cũng là một trong số những loài cây có vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp nước nhà. Với những công dụng tốt đối với sức khỏe, chè là một trong số những thức uống được ưa chuộng, đặc biệt là với người dân miền Bắc- cái nôi của truyền thống văn hóa ngàn đời. Khách đến chơi nhà, sao có thể thiếu được ấm trà nóng, vị trước chát sau ngọt, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ.

Chè còn có tên gọi khác là trà, có tên khoa học là Camellia sinensis Theaceae, thuộc họ Chè. Có xuất xứ từ các nước châu Á, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chè có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, sau được nhân giống rộng rãi trên nhiều nơi trên thế giới bởi nó có tính thích nghi và chống chịu tốt của các loài cây mọc hoang. Loài này phát triển mạnh mẽ ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt, nơi có độ ẩm cao và khí hậu ấm áp. Ở Việt Nam cây chè được canh tác một cách rộng rãi thành các đồn điền lớn bắt đầu từ năm 1992 dưới sự cai quản của thực dân Pháp. Hiện nay loài cây này được trồng trải dài khắp các tỉnh miền trung và miền Bắc nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… trong đó tập trung với diện tích lớn nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ. Ngoài ra chè cũng được trồng ở các tỉnh miền Nam, nhưng chủ yếu là dùng để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, không thiên về mục đích sản xuất.

Về đặc điểm thực vật, chè là loại cây bụi, mọc hoang, thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, sống lâu năm, có bộ rễ dài và ăn sâu vào lòng đất, tuổi thọ kéo dài từ 30 – 40 năm. Chiều cao được khống chế trong khoảng dưới 2m để tiện cho việc thu hoạch, tuy nhiên nếu không được cắt tỉa và bấm đọt cây có thể đạt độ cao đến 10m. Lá chè có màu xanh đậm, dày, hai mặt nhẵn, gân lá rõ ràng, phần rìa lá có hình răng cưa. Lá non và phần búp có màu xanh nõn ngọc, đây là bộ phận chính để thu hoạch nhằm sản xuất ra các loại chè khô thành phẩm khác nhau. Hoa chè có màu trắng, gồm bảy đến tám cánh mỏng, bên trong có nhiều nhị vàng, phát ra hương thơm nhẹ nhàng. Qủa chè là loại quả nang, có 3 nang chính chứa hạt chè cứng màu nâu hoặc đen bóng tùy độ già của quả. Hiện nay chè phổ biến nhất với bốn loài chính bao gồm: Chè Trung Quốc lá nhỏ, chè Trung Quốc lá to, chè Shan, và chè Ấn Độ, trong đó chè Trung Quốc lá to được trồng phổ biến nhất ở nước ta. Thành phần hóa học chủ yếu trong lá chè có tác dụng dược lý bao gồm tanin và các alkaloid như cafein, theophyllin, theobromin,… và các enzym liên quan đến sự chuyển hóa của cơ thể con người như EGCG,… Về thời vụ thu hoạch, ở nước ta chè chủ yếu được thu vào ba vụ là vụ xuân (tháng 3 – 4), vụ hè thu (tháng 5 – 10) và vụ đông (tháng 11 – 12). Người nông dân thu hái chè bằng phương pháp thủ công là dùng tay ngắt các búp chè tươi trong nhiều tuần liền, cho đến khi hái hết một lượt. Búp chè tươi sau khi được thu hái về phải được bảo quản trong chỗ râm mát, không nén ép hay để héo, trong suốt quá trình thu hái, vận chuyển phải đảm bảo chè luôn sạch không lẫn tạp chất, rác rưởi, và chè phải được sơ chế trong vòng 10 tiếng kể từ khi hái.

Về công dụng của cây, chè là một loài cây phổ biến luôn được biết đến với công dụng chính là một thức uống quen thuộc trong nền văn hóa ẩm thực của người dân châu Á từ ngàn xưa, với công dụng làm thơm miệng, khử mùi của thức ăn còn dư lại trong khoang miệng sau mỗi bữa ăn, thể hiện sự thanh nhã, thậm chí còn trở thành một nghệ thuật thưởng thức có tên là trà đạo. Ngày nay thông qua nhiều nghiên cứu khoa học, người ta phát hiện ra chè có nhiều công dụng với sức khỏe của con người. Các chất dạng alkaloid trong chè có tác dụng giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái, kích thích sự hoạt động của trí óc, giúp tỉnh táo, thư thái trong người, lợi tiểu. Tanin có trong chè là một loại chất giúp cầm tiêu chảy, kiết lỵ, tuy nhiên không nên làm dụng vì dễ dẫn đến táo bón, kém hấp thu sắt, canxi. Một số các enzym có trong lá chè tươi có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, chống lại sự lão hóa của cơ thể do tuổi tác, đồng thời còn có tác dụng chống ung thư hiệu quả, cũng như làm tăng tuổi thọ của những người thường xuyên sử dụng nước trà làm thức uống hàng ngày. Bên cạnh đó nước chè cũng có những tác dụng tích cực với các bệnh ly tim mạch, tiểu đường, parkinson. Trong nền y học cổ truyền, chè có tính mát, vị đắng chát, có hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc, chữa các bệnh tả lỵ, mụn nhọt, tinh thần kém, một số nhiễm khuẩn ngoài da, …

Trong nền kinh tế, chè là một trong những loại nông sản có giá trị xuất khẩu, là nghề chính của một bộ phận lớn người dân các tỉnh miền Trung và miền Bắc, hàng năm đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của quốc gia. Tuy nhiên vì chưa có sự đầu tư bài bản và cũng như các phương pháp canh tác sản xuất hiện đại, thế nên sản lượng chè còn thấp, cũng như chất lượng chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với các nước trong khu vực.

Chè là một loài cây thân thuộc với đa số chúng ta, không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn là một loại thức uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng rằng trong tương lai nước ta có thể cải thiện về cả sản lượng và chất lượng để vươn lên là một trong những nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới. Đồng thời cũng trở thành một loại thức uống phổ biến, các bạn trẻ cũng dần hiểu được giá trị và ý nghĩa của loài cây này với sức khỏe.

Thuyết minh về cây chè – Mẫu 1

Trong ách loại cây lấy nước uống, chắc hẳn chúng ta ai cũng biết đến cây chè. Một loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam, được rất nhiều người ưa chuộng và đã trở thành một trong những loài cây công nghiệp quan trọng.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh lớp 5 Unit 1: Lesson Two Unit 1 trang 9 Family and Friends (Chân trời sáng tạo)

Cây chè được trồng chủ yếu ở khu vực Đông Á, Nam Á, Đông Nam á vì thích hợp với khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và đất đai của những khu vực này. Ở Việt Nam ta, khu vực trồng chè phổ biến nhất là miền Bắc và miền Trung, thị trường chè nở rộ từ những năm đầu thế kỉ XX. Chè luộc loại cây lưu niên, thường mọc thành bụi. Mỗi cây chè thường được cắt tỉa, cao khoảng dưới hai mét để thuận tiện cho quá trình thu hoạch. Thân cây nhỏ, màu nâu sẫm, một thân chính rồi phân ra các cành nhỏ khác nhau, rễ cái dài và bám chắc, thuộc loại rễ cọc. Cây chè có hai loại mầm, mầm sinh dưỡng và mầm sinh thực. Nếu như mầm sinh dưỡng sẽ phát triển thành lá chè, thì mầm sinh thực sẽ phát triển thành hoa và quả. Lá cây chè có hình dáng khá phổ biến, lá non màu xanh nhạt, khi già thì màu xanh đậm hơn, dưới lá có những lông tơ ngắn, hai bên viền có những chiếc răng cưa nhỏ. Hoa cây chè mang một màu trắng ngà thuần khiết, mỗi hoa có chừng 8 cánh, bên trong nhụy màu vàng. Hoa chè có mùi đặc trưng, nhẹ nhàng. Quả chè hình tròn và bên trong có chứa hạt.

Cây chè có rất nhiều công dụng nên mới được ưa chuộng như vậy. Chủ yếu dùng để làm chè, chè tươi hoặc chè khô, hãm với nước sôi tạo thành nước chè vàng vàng xanh. Uống vào có vị đặc trưng, nồng và hơi đắng, khi uống xong sẽ thấy ngọt ở cổ họng. Chè được ưa chuộng chủ yếu bởi những người trung niên và lớn tuổi. Chè có tác dụng kích thích hệ thần kinh, chống buồn ngủ. Ngoài ra, chè còn là thứ nước giải khát, giúp mát tim, thải độc. Uống chè trong một mức độ vừa đủ rất tốt cho sức khỏe, chống ung thư, giảm stress, làm đẹp da. Lá chè được sử dụng nhiều nhất, ngoài ra cũng có sử dụng hạt chè để ép lấy tinh dầu. Với một đất nước thiên về trồng trọt như nước ta, việc phát triển trồng chè rất có lợi cho nền kinh tế bởi đây là mặt hàng xuất khẩu rất thu hút. Không những thế, chè còn là nét đẹp văn hóa của dân tộc, bát nước chè mỗi buổi làm đồng xua đi cái nắng. Mỗi gia đình ở quê miền Bắc thường vẫn có một ấm tích chè tươi được đặt trong cái giành tích, để cả ngày nước chè vẫn còn nóng. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn.

Cây chè trồng thích hợp nhất ở vùng có khí hậu nhiệt đới như Đông Nam Á chúng ta, nơi đất chua thích hợp cho cây chè phát triển. Người ta thường đi hát chè lúc sáng sớm, khi sương đêm và mưa còn đọng lại trên lá chè tươi và xanh. Một số địa điểm trồng chè nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể đến như Tân Cương (Thái Nguyên), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai),… mang lại nguồn kinh tế không nhỏ cho quốc gia và cũng là một địa điểm du lịch để, gần gũi với thiên nhiên thu hút nhiều du khách.

Cây chè từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng với dân tộc ta, một loại cây gần gũi và có nhiều công dụng hết sức thiết thực. Cây chè sẽ luôn luôn là loại cây công nghiệp mũi nhọn của quốc gia và là một trong những loại cây mang đậm phong cách văn hóa dân tộc.

Thuyết minh về cây chè – Mẫu 2

Nếu được chọn một loại nước gắn liền với người dân Việt Nam thì chẳng phải thứ nước cao sang, phức tạp gì mà chính là nước chè hay nước trà. Cây chè từ lâu đã đi vào đời sống của người dân, trở thành một loại cây quen thuộc.

Gốc gác của cây chè theo nghiên cứu là nằm ở vùng Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Đây là loại cây thích hợp sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, tiêu biểu như là Việt Nam. Đất nước ta có những đồi chè bạt ngàn ở Thái Nguyên, Mộc Châu, Đà Lạt. Từng hàng chè này nối tiếp hàng chè kia với màu xanh tràn đầy sức sống nối tiếp tận chân trời. Hình ảnh thanh bình này đã khiến cho lòng người thêm khoan khoái, đã đi vào bao bức ảnh và là phông nền lý tưởng cho nhiều video ca nhạc hay giới thiệu vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Đặc tính của chè là được trồng trên vùng cao khoảng một nghìn năm trăm mét. Với độ cao lý tưởng này tuy chè phát triển chậm nhưng bù lại lại hấp thụ rất nhiều sinh dưỡng của đất trời, hương vị của nắng, gió, sương càng làm cho lá chè thơm tho.

Chè hay trà thuộc loại cây lưu niên, không mọc riêng lẻ mà mọc thành bụi. Người ta thường cắt tỉa cho chiều cao của cây chè chỉ còn hai mét để cây tập trung phát triển các phần trọng điểm khác, đặc biệt là lá. Chè chỉ gồm một thân chính, có thể coi là thuộc loại thân gỗ hoặc bán gỗ. Từ đây các cành nhỏ khác cũng đâm ra tạo thành một tán được che phủ bởi màu xanh của lá. Chè có hệ rễ cái dài đâm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng. Mầm sinh dưỡng của cây cho cành và lá còn mầm sinh thực thành nụ hoa và quả. Lá chè mang hình bầu dục, thuôn thuôn về hai đầu. Nhưng người ta sẽ thường thu hoạch phần búp trà, tức là khi lá trà vẫn còn non, xanh nõn rà. Mỗi búp chỉ vài ba lá.

Chè thường được dùng để pha nước uống. Có hai loại chè tươi và chè khô. Chè tươi được pha trực tiếp từ những lá chè hái ngoài vườn hay trên đồi về. Còn chè khô là loại đã thông qua cả một quy trình sản xuất. Một năm thường có ba vụ chè. Lá chè được hái, đặc biệt là nên hái vào lúc sáng sớm khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá, sau đó đem về phơi khô. Rồi chè được đem vào tôn quay, loại bỏ những phần vụn nát rồi bước vào công đoạn vò chè. Sau khi vò, chè được đưa ra phơi cho lên hương. Cuối cùng có thể đem đóng gói và xuất ra thị trường. Chè khô này cũng là nguyên liệu của chè sen, loại chè nhiều người mong muốn thưởng thức.

Trà cũng rất tốt cho sức khỏe. Trước tiên nó có tác dụng giải khát, là thức uống không thể thiếu của các quán nước, thậm chí còn hình thành nét văn hóa “trà đá vỉa hè”. Ngoài ra trong trà xanh còn có các thành phần ngăn ngừa ung thư, diệt khuẩn. Trà còn được dùng làm nguyên liệu cho một số loại thuốc Đông Y. Trà cũng còn là sự lựa chọn của các chị em phụ nữ trong phương pháp làm đẹp. Lên du lịch ở các vùng trồng chè, có túi chè mang về làm quà biếu cho người thân, họ hàng thì quả là đáng quý mỗi dịp nhà có khách. Ngoài ra, chè cũng có giá trị kinh tế, là mặt hàng được xuất khẩu ra nhiều nước. Uống trà cũng được coi là cả một đạo, là phương thức thanh lọc tâm hồn để tận hưởng cuộc sống, là dư vị cho mỗi vị khách phương xa vấn vương mãi. Tuy nhiên, uống nhiều trà quá cũng không tốt cho cơ thể, dễ gây ra vàng răng hay chứng mất ngủ.

Cây chè đã cứ thế đi vào gắn bó với đời sống con người. Được thưởng thức một chén trà lòng chợt bình yên đến lạ.

Thuyết minh về cây chè – Mẫu 3

“Chắt chiu vị ngọt cho đời
Từ hương của đất bao người say mê.
Chè xanh ngan ngát đồng quê
Bàn tay em hái đem về vò, sao.

Màu lá xanh, mùi ngan ngát ấy là màu, là hương của chè xanh. Đi dọc địa hình đất nước, ta bắt gặp những cánh rừng bạt ngàn, những đồng lúa chín ngát, những vườn cây um tùm tốt tươi, và ta còn thấy những rừng chè phủ xanh đồi núi.

Cây chè, hay cây trà là loài cây có xuất xứ từ Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Cho đến ngày nay, cây chè đã trở nên phổ biến và được trồng trọt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt. Ở Việt Nam, Tân Cương Thái Nguyên, Mộc Châu Sơn La, Đà Lạt Lâm Đồng,… là những vùng trồng nhiều chè nổi tiếng và cho năng suất chè cao nhất trong cả nước.

Cây chè có một thân chính, có thể là thân gỗ, thân bán gỗ hoặc thân bụi. Từ thân, nhiều cành nhỏ khác mọc ra tạo thành tán chè. Mầm chè có hai loại là sinh dưỡng và sinh thực, mầm sinh dưỡng thì cho cành và lá, mầm sinh thực cho quả và hoa. Chè là cây có rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất, hút nước và muối khoáng để nuôi lớn cây. Lá chè thuôn theo hình bầu dục nhọn hai đầu. Khi còn non, lá có màu xanh lục nhạt, đây là thời kì lá chè được thu hoạch để sản xuất. Khi về già, lá ngả sang màu xanh thẫm. Chè thường được trồng ở trên độ cao khoảng một nghìn năm trăm mét bởi ở độ cao này, chè phát triển chậm, tích được nhiều hương vị của nắng, gió và không khí của vùng núi cao mát lành. Vì vậy nên mới có những đồi chè xanh tốt, những rừng chè phủ xanh từng ngọn núi.

Tham khảo thêm:   Thông tư số 27/2014/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp

Chè có giá trị nhất là ở lá non. Quy trình chế biến ra chè khô thường có bảy bước. Đầu tiên là hái chè. Một năm có ba vụ chè, là vụ xuân vào tháng ba tháng bốn, vụ hè thu vào tháng năm đến tháng chín, vụ thu đông từ tháng mười đến tháng mười hai. Lá chè được hái sau đó được phơi mỏng để cho khô sương và thoát hết khí ẩm ở lá trong quá trình vận chuyển, giai đoạn này gọi là làm héo chè. Tiếp theo, chè sẽ được cho vào tôn quay, gọi là ốp chè-diệt men chè. Sau đó, chè được loại bỏ những phần bị nát vụn và rồi tiến hành vò chè. Bước tiếp là làm khô chè trong tôn quay, sau đó chè được đổ ra nong nia cho lên hương. Giai đoạn cuối cùng là đóng gói và đưa chè ra thị trường tiêu thụ. Chè thường được làm thủ công bởi bàn tay con người với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại.

Chè xanh là loại cây quen thuộc và nó cũng là tên của thức uống vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Trong các phiên chợ, nhiều khi ta cũng bắt gặp những người bán lá chè tươi, bán thành từng cành để người mua về tự hãm. Trong các gia đình của Việt Nam, cũng không khó để xin một cốc chè xanh. Thường thì người ta sử dụng chè khô thay cho chè tươi bởi dễ pha hơn và được bán rộng rãi hơn. Lá chè cũng là một loại thuốc Đông y hỗ trợ điều trị các bệnh như hen suyễn, bệnh tim mạch vành, nhiệt miệng,… Trà xanh là loại nước uống có rất nhiều công dụng, góp phần ngăn ngừa bệnh ung thư, diệt khuẩn và là loại nước được các chị em yêu thức là công dụng làm đẹp da và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều chè thì có thể dẫn đến nhiều căn bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể người sử dụng như mất ngủ, khó tiêu, uống chè cùng với thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa,… Những đồi bạt ngàn cây chè xanh còn là điểm thăm quan của nhiều du khách từ mọi miền, là những điểm du lịch tự nhiên hút khách, được nhiều người chọn làm nơi chụp ảnh kỷ niệm. Cây chè cũng là cây đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia bởi giá trị xuất khẩu và tiềm năng phát triển của chúng, đặc biệt là chè búp Tân Cương, Thái Nguyên rất nổi tiếng bởi hương vị độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng trà của nhiều người.

Chè là loại cây rất phổ biến nhưng cũng rất độc đáo, là hình ảnh đặc trưng cho vùng núi đồi xa xôi Việt Nam. Không chỉ là thức uống mà chè còn có nhiều giá trị đời sống khác, là nét phác họa không thể thiếu trong bức tranh đất nước trời Nam.

Thuyết minh về cây chè – Mẫu 4

Chè xanh là một loại cây rất gần gũi trong đời sống con người. Từ nhiều thế kỷ qua, trà được biết đến là thức uống có giá trị cho sức khỏe con người và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Cây chè và các sản phẩm trà không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tại nhiều quốc gia, cách dùng trà đã được nâng lên thành nghệ thuật, văn hóa trà đã trở thành nét độc đáo làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực trà thế giới.

Nhiều nhà khoa học cho rằng cây chè có nguồn gốc từ vùng Đông Á và Đông Nam Á. Còn theo truyền thuyết, người đầu tiên phát hiện ra cây trà là vua Thần Nông, vào khoảng năm 2730 trước Công Nguyên. Cây chè đã được khám phá và phát triển từ đó. Về sau, các tu sĩ Phật giáo trong quá trình truyền giáo đã đem cây chè sang Ấn Độ và Nhật Bản. Dần dần, các thương gia đã đưa trà sang châu Âu và hình thành “văn hóa trà” trên khắp thế giới, mang nét đặc thù của từng dân tộc. Chè là một loài cây sống ở nơi có nhiệt độ thấp. Chè thường được trồng ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Khí hậu ẩm ướt và nhiều nắng ấm là hai yếu tố chính. Chè đặc biệt phù hợp với loại đất tốt, sâu chua nên hay được trồng nhiều ở những vùng trung du hoặc miền núi. Một số nơi trồng chè nổi tiếng ở nước ta như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai),…

Cây chè là loài cây mà lá và chồi của chúng được sử dụng để sản xuất chè. Nó là loại cây xanh lưu niên mọc thành bụi hoặc các cây nhỏ, thông thường được xén tỉa để thấp hơn 2 mét khi được trồng để lấy lá. Rễ chè thuộc họ rễ cọc, có rễ cái dài. Cây chè chỉ có một thân chính, từ thân chính đó phân ra các cành nhánh. Người ta chia thân chè ra làm 3 loại: thân gỗ, thân nhỡ và thân bụi. Thân và cành chè tạo nên khung tán của cây chè. Trên cây chè có hai loại mầm: mầm sinh dưỡng và mầm sinh thực, mầm sinh dưỡng phát triển thành cành lá, mầm sinh thực phát triển thành nụ hoa và quả. Búp chè là đoạn non của một cành chè, gồm có tôm và hai hoặc ba lá non. Lá chè mọc cách trên cành, mỗi đốt có một lá, gân lá nổi lên rất rõ. Lá của chúng dài từ 4 – 15cm. Lá chè lúc mới mọc có màu xanh non, khi già hơn thì có màu xanh đậm. Hoa của nó nhỏ, có màu trắng ánh vàng, đường kính từ 2,5 – 4cm, với 7 – 8 cánh hoa. Hạt của nó có thể ép để lấy dầu.

Chè là loại cây có rất nhiều công dụng. Mùa hè là thời điểm tốt và thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là thời điểm cây chè ra búp nhiều nhất, vì vậy cần thu hái kịp thời cho đúng thời vụ, nếu không chè sẽ bị quá lứa dẫn đến giảm chất lượng. Chè thường được thu hoạch vào sáng sớm, lúc này, những tia nắng mặt trời mới bắt đầu ló rạng, những búp chè còn đọng nguyên sương đêm trong lành, tinh khiết của đất trời. Cả lá chè tươi hoặc xao khô đều có thể làm nước uống rất tốt. Uống chè giúp kích thích hệ thần kinh, giảm buồn ngủ, mát tim bổ phổi, giải nhiệt cơ thể nên được rất nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, chè còn rất hữu dụng trong việc làm giảm bệnh ung thư, huyết áp, làm đẹp da, giảm stress. Trà là thủ tục trong nhiều nghi lễ truyền thống, trà đạo là nét đẹp văn hóa ở nhiều quốc gia. Chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý khi uống trà. Người cao tuổi chỉ nên uống trà ở mức độ vừa phải. Người ăn chay và người gầy không nên thường xuyên uống trà. Đặc biệt, chúng ta không nên uống trà lúc đói. Với những người thần kinh nhạy cảm, khó ngủ thì không nên uống trà vào buổi tối, vì chất cafein trong chè xanh sẽ gây kích thích làm mất ngủ. Ngoài ra nó còn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất như phân bón, trà xanh và các mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước. Ngày nay, đồi chè còn trở thành nơi du lịch của giới trẻ.

Với những công dụng trên, chè có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống con người. Chè là một loài cây có giá trị kinh tế cao, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên toàn thế giới. Lá chè và hoa chè sau khi chế biến đều là thức uống của người dân Việt Nam. Những đồi chè trải dài bát ngát đến tận chân trời còn tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, đi vào thơ ca nhạc họa.

Cây chè đã có nguồn gốc từ lâu đời và sẽ còn nguyên giá trị dù hôm nay hay mai sau. Chè sẽ mãi đóng một vị trí đặc biệt trong cuộc sống tinh thần của người Việt. Chè mang lại rất nhiều công dụng bổ ích cho con người, vì vậy, chúng ta nên lưu giữ và phát triển loài cây này.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thuyết minh về cây chè (2 Dàn ý + 5 mẫu) Thuyết minh về một loài cây lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *