Thông tư số 12/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh.
BỘ Y TẾ ————— |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2011 |
THÔNG TƯ
Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh
________________
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi một số Điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BNV ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức hộ sinh;
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ tại công văn số 575/BNV-CCVC ngày 01 tháng 3 năm 2011, Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh bao gồm: Hộ sinh chính, hộ sinh, hộ sinh cao đẳng, hộ sinh trung cấp, hộ sinh sơ cấp.
2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức làm công tác hộ sinh tại các đơn vị sự nghiệp y tế của Nhà nước.
Điều 2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh chính
1. Chức trách
Hộ sinh chính là viên chức chuyên môn kỹ thuật cao nhất trong ngành hộ sinh; chủ trì, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện các kỹ thuật cao, phức tạp thuộc chuyên khoa phụ sản và sơ sinh tại cơ sở y tế.
2. Nhiệm vụ
a) Chủ trì, tổ chức xây dựng kế hoạch chăm sóc, phục vụ sản phụ, sơ sinh và người bệnh bảo đảm an toàn, chất lượng theo đúng quy chế chuyên môn.
b) Thực hiện các kỹ thuật phức tạp, kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc chuyên khoa; tổ chức ứng dụng những kỹ thuật mới trong hoạt động chuyên ngành.
c) Kiểm tra việc theo dõi, đánh giá toàn diện sản phụ, sơ sinh, người bệnh, phát hiện, xử trí kịp thời những trường hợp nặng, những trường hợp cấp cứu và báo cáo những diễn biến bất thường cho bác sĩ điều trị hoặc người phụ trách.
d) Lập kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo quản, bổ sung trang thiết bị và dự trù vật tư, hoá chất, sinh phẩm, thuốc của đơn vị, của khoa.
đ) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn trong công tác chuyên môn và công tác thống kê, báo cáo các hoạt động chuyên môn, bảo quản, lưu trữ các tài liệu đúng quy định.
e) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc chuyên khoa.
g) Tổ chức triển khai công tác chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hướng dẫn thực hành về lĩnh vực chăm sóc bà mẹ trẻ em và sức khỏe sinh sản cho học viên và hộ sinh ở ngạch thấp hơn.
h) Lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và tổ chức tư vấn, giáo dục sức khoẻ cho người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng.
i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
a) Có kiến thức về chăm sóc trước sinh, trong khi sinh, sau khi sinh và chăm sóc sơ sinh. Có kỹ năng thực hành các kỹ thuật hộ sinh phức tạp, có khả năng làm việc chủ động, sáng tạo, phát hiện, giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành; có khả năng chỉ đạo và làm việc theo nhóm.
b) Có phương pháp làm việc khoa học, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới; đề xuất các giải pháp bảo đảm chất lượng kỹ thuật chuyên khoa.
c) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đúng quy chế.
d) Giải thích được các nguyên lý và áp dụng các biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng đối tượng phục vụ.
đ) Thực hiện và tổ chức cho đội ngũ hộ sinh thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh.
e) Có khả năng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
4. Tiêu chuẩn về trình độ
a) Có trình độ sau đại học chuyên ngành hộ sinh.
b) Có thời gian ở ngạch hộ sinh từ 9 năm trở lên.
c) Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ C trong hoạt động chuyên môn.
d) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.
đ) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng khoa học cấp cơ sở trở lên công nhận và áp dụng có hiệu quả.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư số 12/2011/TT-BYT quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.