Từ ngày 15/11/2018, Thông tư 87/2018/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 27/09/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư sửa đổi Thông tư 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Theo đó, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được ban hành tại các thời điểm sau:
- Sau ngày thứ 90 kể từ ngày: số tiền thuế; tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật (trước đây là trong ngày thứ 91).
- Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.
- Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉnh thi hành.
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87/2018/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2018 |
THÔNG TƯ 87/2018/TT-BTC
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 215/2013/TT-BTC NGÀY 31/12/2013 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN VỀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
Căn cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
1. Sửa đổi Khoản 3 Điều 5 như sau:
“3. Tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau:
“3. Tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau:
a) Quyết định nộp dần tiền thuế nợ;
b) Quyết định gia hạn nộp thuế;
c) Thông báo không tính tiền chậm nộp”.
2. Sửa đổi Điều 6 như sau:
“1. Đối với tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế:
a) Quyết định cưỡng chế phải gửi cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử. Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.
b) Trường hợp được coi là quyết định đã được giao xác định như sau:
– Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận quyết định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế thì được coi là quyết định đã được giao.
– Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại trụ sở của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.
2. Đối với tổ chức, cá nhân có liên quan:
Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế hoặc công chức thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế.
Trường hợp cưỡng chế cần sự phối hợp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành cưỡng chế để phối hợp thực hiện”.
3. Sửa đổi Khoản 3 Điều 9 như sau:
“3. Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ khi đối tượng bị cưỡng chế chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế hoặc đối tượng bị cưỡng chế đã nộp đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt bị cưỡng chế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế hoặc nộp dần tiền thuế nợ hoặc không tính tiền chậm nộp.
Căn cứ để chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế thuế là chứng từ nộp đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước của đối tượng bị cưỡng chế hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp”.
4. Sửa đổi Khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng:
a) Thông tin về tài khoản của người nộp thuế tại cơ sở dữ liệu quản lý thuế hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế do kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng cung cấp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không đầy đủ.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế”.
5. Sửa đổi Điểm b, Điểm đ Khoản 3 Điều 11 như sau:
“b) Quyết định cưỡng chế phải được ban hành tại các thời điểm sau:
– Sau ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày: Số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế; hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.
– Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
– Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).
đ) Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản, đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước phong tỏa tài khoản đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.
Trong quá trình thực hiện quyết định, nếu một hoặc một số các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đã thực hiện trích tiền hoặc đã trích đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế (có chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế) thì tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước hoặc người nộp thuế thông báo cho cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế ngay trong ngày trích chuyển. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước ngay trong ngày nhận được thông báo nộp đủ tiền thuế để dừng việc phong tỏa tài khoản, cưỡng chế trích tiền từ tài khoản”.
6. Sửa đổi Khoản 2 Điều 13 như sau:
“2. Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng:
a) Thông tin về hóa đơn của đối tượng bị cưỡng chế tại cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế hoặc dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền khác (nếu có);
b) Thông tin về tình hình sử dụng hóa đơn do đối tượng bị cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác (nếu có) cung cấp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không đầy đủ”.
7. Sửa đổi Điểm c Khoản 4 Điều 13 như sau:
“c) Cơ quan thuế thông báo chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này kèm theo thông báo hóa đơn tiếp tục có giá trị sử dụng (mẫu số 09/CC ban hành kèm theo Thông tư này) khi đối tượng bị cưỡng chế nộp đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được cơ quan thuế ban hành quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp.
Ngay trong ngày thông báo hóa đơn tiếp tục có giá trị sử dụng thì cơ quan thuế phải đăng thông báo về việc hóa đơn tiếp tục có giá trị sử dụng lên trang thông tin Tổng cục Thuế (www.gdt.gov.vn)”.
8. Sửa đổi Điểm b Khoản 5 Điều 13 như sau:
“b) Khi nhận được văn bản đề nghị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng của cơ quan hải quan thì cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế theo đúng trình tự, thủ tục và gửi văn bản thông báo cho cơ quan hải quan biết, phối hợp.
Trường hợp cơ quan thuế không thực hiện được ngay biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đề nghị của cơ quan hải quan thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan biết và nêu rõ lý do”.
9. Sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu như sau:
a) Sửa đổi các biểu mẫu 01/CC, 07/CC, 08/CC, 09/CC tại Thông tư số 215/2013/TT-BTC theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bổ sung các biểu mẫu 10/CC, 11/CC theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 2.
1. Bãi bỏ Điểm d Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
2. Thay thế cụm từ “tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế” tại Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 bằng cụm từ “tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt”.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 01
(Ban hành kèm theo Thông tư số 87/2018/TT-BTC ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Bộ Tài chính)
Bao gồm các mẫu sau:
a) Mẫu số 01/CC: Mẫu Quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
b) Mẫu số 07/CC: Mẫu Quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng;
c) Mẫu số 08/CC: Mẫu Thông báo về việc hóa đơn không còn giá trị sử dụng;
d) Mẫu số 09/CC: Mẫu Thông báo về việc hóa đơn tiếp tục có giá trị sử dụng.
…………
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 87/2018/TT-BTC Bổ sung quy định tạm dừng cưỡng chế thuế của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.