Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 44/2022/TT-BTC 02 đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 21/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 44/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến.

Theo đó, 02 đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng gồm: cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg.

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 44/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2022

THÔNG TƯ 44/2022/TT-BTC

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, THÂN NHÂN CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG CHIẾN DO NGÀNH LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 (sau đây viết tắt là Nghị định số 23/1999/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 (sau đây viết tắt là Nghị định số 112/2017/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là Nghị định số 75/2021/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là Nghị định số 131/2021/NĐ-CP);

Căn cứ Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước (sau đây viết tắt là Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg) và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg (sau đây viết tắt là Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (sau đây viết tắt là Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg) và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg (sau đây viết tắt là Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (sau đây viết tắt là Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương (sau đây viết tắt là Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến (sau đây viết tắt là Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây viết tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Cam-pu-chi-a (sau đây viết tắt là Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg) và Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg (sau đây viết tắt là Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a (sau đây gọi chung là người trực tiếp tham gia kháng chiến) do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý từ nguồn ngân sách trung ương đảm bảo, bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Thông tư này không áp dụng đối với kinh phí thực hiện các khoản chi do ngân sách địa phương đảm bảo hoặc do ngân sách trung trong bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương:

a) Các khoản chi theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

b) Kinh phí chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến thuộc đối tượng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ; thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến thuộc đối tượng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ;

c) Kinh phí chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Kinh phí thực hiện chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí đối với các đối tượng theo quy định tại các văn bản:

– Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh và Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ;

– Các Quyết định: số 290/2005/QĐ-TTg , số 188/2007/QĐ-TTg , số 142/2008/QĐ-TTg , số 38/2010/QĐ-TTg , số 53/2010/QĐ-TTg , số 62/2011/QĐ-TTg , số 40/2011/QĐ-TTg ;

– Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế;

đ) Chế độ mai táng phí đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP .

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Điều 3. Quản lý và sử dụng kinh phí

Kinh phí thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến và chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do ngân sách trung ương đảm bảo được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và thực hiện như sau:

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP .

2. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng vả người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý và các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện rút dự toán theo quy định.

3. Việc quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán, các quy định cụ thể tại Thông tư này và quy chế phân cấp quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chương II

CHI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG CHIẾN

Điều 4. Chi chế độ trợ cấp, phụ cấp

1. Chi chế độ trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định của Chính phủ.

2. Chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, gồm:

a) Trợ cấp hằng tháng đối với:

– Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ;

– Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ;

b) Trợ cấp hằng tháng và trợ cấp một lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ;

c) Trợ cấp một lần đối với:

– Quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ;

– Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ;

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 6: Thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường (5 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 6

– Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ; thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ;

– Người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg ;

d) Trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chi chế độ ưu đãi

1. Các khoản chi trực tiếp cho người thụ hưởng:

a) Chi điều dưỡng, phục hồi sức khoẻ tại nhà;

b) Chi hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết;

c) Trợ cấp ưu đãi giáo dục khi theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học;

d) Chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ;

d) Chi hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ;

e) Chi trợ cấp một lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người thừa kế của liệt sĩ;

g) Các khoản chi trợ cấp mai táng, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ;

h) Chi tiền ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;

i) Cấp tiền mua Báo Nhân dân cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;

k) Chi quà tặng của Chủ tịch nước.

2. Các khoản chi giao cho cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện:

a) Điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung;

b) Hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành lao động (bao gồm các đối tượng theo quy định tại khoản 5 Điều 184 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP);

c) Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng và đón tiếp người có công tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng và đón tiếp (bao gồm các đối tượng theo quy định tại khoản 5 Điều 184 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP);

d) Hỗ trợ người có công đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng người có công về thăm gia đình;

đ) Hỗ trợ đón tiếp thân nhân của người có công với cách mạng đến thăm người có công với cách mạng đang nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng;

e) Hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng;

3. Các khoản chi giao cho cơ quan được giao chủ trì thực hiện:

a) Chi đóng bảo hiểm y tế;

b) Hỗ trợ chi phí báo tử liệt sĩ;

c) Quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương đối với cơ sở nuôi dưỡng người có công với cách mạng, người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng;

đ) Đón tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đến thăm cơ quan trung ương;

đ) Chi xác định danh tính hài cốt liệt sĩ;

e) Chi hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ;

e) Chi khác theo quy định của pháp luật.

4. Mức chi các nội dung chi tại khoản 1, 2 và 3 Điều này thực hiện theo quy định lại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP. Riêng mức chi tại điểm i khoản 1 Điều này thực hiện theo giá bán lẻ Báo Nhân dân; mức chi tại điểm k khoản 1 Điều này thực hiện theo quyết định của Chủ tịch nước.

Điều 6. Thanh toán chi phí giám định y khoa

1. Cơ quan, đối tượng phải thanh toán chi phí giám định y khoa thực hiện theo quy định tại Điều 163 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ,

2. Số tiền thanh toán căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định và mức phí giám định y khoa theo quy định tại Biểu phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa ban hành kèm theo Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa.

Điều 7. Chi phí quản lý

1. Ngân sách trung ương đảm bảo chi phí quản lý để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về quản lý đối tượng, hồ sơ, quản lý tài chính, kế toán và tổ chức thực hiện chi trả.

Mức chi phí quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) và được bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hang năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; trong đó chi phí phục vụ chi trả chế độ đến người thụ hưởng tối đa bằng 0,75% tổng số kinh phí chi trả chế độ của toàn ngành. Bộ trưởng; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định phân bổ tỷ lệ chi phí quản lý và tỷ lệ chi phí phục vụ chi trả chế độ phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bảo đảm trong phạm vi dự toán được giao cho công tác quản lý của toàn ngành.

2. Nội dung và mức chi phí quản lý;

a) Chi phổ biến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

b) Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách, công tác quản lý, chăm sóc người có công với cách mạng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

c) Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tài chính, quản lý hồ sơ, đối tượng, chi trả chế độ ưu đãi, công tác mộ liệt sĩ: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các văn bản hướng dẫn;

d) Chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo, mua sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý: Mức chi thanh toán theo thực tế trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Chi phí chuyển tiền cho người thụ hưởng chính sách, cho cơ quan dịch vụ chi trả, chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng; chi phí vận chuyển tiền mặt; chi phí thuê địa điểm chi trả, lực lượng bảo vệ, nước uống cho người thụ hưởng tại các điểm chi trả: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ, hợp đồng (trong trường hợp thuê dịch vụ) và trong phạm vi dự toán được giao;

c) Chi trả thù lao cho người trực tiếp chi trả trợ cấp đến người thụ hưởng (đối với trường hợp cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao thực hiện chi trả): Mức chi trả thù lao cho người trực tiếp chi trả trợ cấp do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

g) Chi thuê tổ chức dịch vụ chi trả trợ cấp cho người thụ hưởng:

– Mức chi phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người thụ hưởng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định tùy theo điều kiện địa bàn và thực tế số lượng đối tượng của từng địa phương;

– Tổ chức dịch vụ chi trả tự quyết định và chịu trách nhiệm về chi phí cho việc: Mua sắm két sắt, máy đếm tiền, bao gói đựng tiền, máy phát số thứ tự (nếu có); thuê phương tiện vận chuyển tiền, địa điểm chi trả, lực lượng bảo vệ; chi phí chuyển tiền, chi phí gửi tiền qua đêm, phí rút tiền mặt, phí dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng; chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng; thù lao cho việc chi trả; chi nước uống tại các điểm chi trả; chi phí bảo quản, lưu trữ danh sách chi trả; sửa chữa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tại các điểm chi trả; phí quản lý hệ thống; phí thuê hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc chi trả và các chi phí khác;

– Tổ chức dịch vụ chi trả chịu trách nhiệm chi trả đủ số tiền trợ cấp, phụ cấp đến đối tượng thụ hưởng theo đúng thời gian quy định. Đối với kinh phí đã giao cho tổ chức dịch vụ để chi trả cho đối tượng, trường hợp để xảy ra mất, thất thoát tiền trợ cấp của đối tượng thụ hưởng thì tổ chức dịch vụ chi trả chịu trách nhiệm bồi hoàn 100% số tiền mất, thất thoát;

h) Chi xét duyệt, thẩm định, điều chỉnh hồ sơ người có công: Mức hỗ trợ tối đa 60.000 đồng/hồ sơ. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và dự toán được giao, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức hỗ trợ và phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tham gia xét duyệt, thẩm định, điều chỉnh hồ sơ;

i) Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC);

k) Chi hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; lập dự toán, xét duyệt, thẩm định quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công; chi công tác phí thẩm định, thực chứng, giải quyết hồ sơ người có công: Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ;

l) Chi làm đêm, thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức;

m) Chi xăng dầu, thông tin liên lạc phục vụ công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công: Mức chi thực hiện theo hóa đơn, chứng từ, hợp đồng (trong trường hợp giao khoán công việc và thuê dịch vụ);

n) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng, quản lý kinh phí: Thực hiện theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

o) Chi phí giám định tài liệu kỹ thuật hình sự hồ sơ người có công: Mức chi theo hóa đơn của cơ sở giám định;

p) Chi thuê mướn, hợp đồng giao khoán công việc và chi khác phục vụ công tác quản lý: Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp giao khoán công việc và thuê dịch vụ);

Tham khảo thêm:   Đề thi cao đẳng môn Sử Kỳ thi cao đẳng năm 2012

q) Chi đón tiếp người có công với cách mạng: Mức chi theo mức chi tiếp khách trong nước quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

3. Chi công tác quản lý tại Trung ương theo các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này được phân bổ, sử dụng và quyết toán trong chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Đối với chi phí quản lý thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến theo các Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg , số 142/2008/QĐ-TTg , số 53/2010/QĐ-TTg , số 62/2011/QĐ-TTg và số 57/2013/QĐ-TTg:

Thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư liên tịch: số 21/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC; số 144/2008/TTLT-BQP-BTĐTBXH-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ; số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 11 năm 2010 của Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ; số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ; số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg .

Điều 8. Chi trả chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thông qua tổ chức dịch vụ chi trả

1. Việc lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đảm bảo có mạng lưới điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, có thể đảm nhiệm việc chi trả tại nhà cho một số đối tượng đặc thù và có ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết hợp hoạt động chi trả với quản lý đối tượng, đảm bảo việc chi trả chế độ đúng, đủ, kịp thời và an toàn.

2. Việc chi trả thông qua tổ chức dịch vụ chi trả được lập thành hợp đồng giữa cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tùy theo phân cấp của từng địa phương) hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và tổ chức dịch vụ chi trả, trong đó ghi rõ phạm vi đối tượng chi trả, phương thức chi trả (gồm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, chi trả qua hệ thống ngân hàng và các phương thức không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật), phương thức chuyển tiền và thời hạn chuyển tiền, thời hạn chi trả đến người thụ hưởng, mức chi phí chi trả, thời hạn thanh quyết toán, quyền và trách nhiệm của các bên, thỏa thuận khác có liên quan đến việc chi trả.

3. Trước ngày 25 hằng tháng, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng (bao gồm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng tăng, giảm; đối tượng hưởng trợ cấp một lần); số kinh phí chi trả tháng sau (bao gồm cả tiền truy lĩnh và mai táng phí của đối tượng); số kinh phí còn lại chưa chi trả tháng trước (nếu có) thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước và chuyển vào tài khoản tiền gửi của tổ chức dịch vụ chi trả; đồng thời chuyển danh sách chi trả để tổ chức dịch vụ chi trả cho đối tượng thụ hưởng tháng sau. Trong thời gian chi trả, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cử người giám sát việc chi trả của tổ chức dịch vụ chi trả.

Trường hợp thời gian chi trả trợ cấp, phụ cấp gần ngày Tết Nguyên đán hoặc trong thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc vì lý do bất khả kháng do cấp có thẩm quyền xác định, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc thực hiện chi trả gộp 02 tháng cho người thụ hưởng.

4. Hằng tháng, tổ chức dịch vụ chi trả tổng hợp, báo cáo danh sách đối tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả; danh sách đối tượng chưa nhận tiền để chuyển chi trả vào tháng sau, số kinh phí còn lại chưa chi trả và chuyển chứng từ (danh sách đã ký nhận và chứng từ chuyển khoản ngân hàng) cho cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 20 hằng tháng. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp quyết toán kinh phí chi trả theo quy định.

Chương III

LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 9. Lập dự toán

1. Dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được lập chi tiết theo từng loại trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, chi thực hiện các chế độ, chính sách, chi phí quản lý theo quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP , Nghị định sửa đổi, bổ sung (nếu có) của Chính phủ, khoản 4 Điều 5 và Điều 7 Thông tư này.

2. Việc lập dự toán kinh phí hằng năm được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn cụ thể quy trình và trình tự thời gian lập dự toán như sau:

a) Cơ quan được giao quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng và cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng lập dự toán của năm kế hoạch gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 20 tháng 6 hằng năm;

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán phần chi tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện, xem xét dự toán của các cơ quan quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng và cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng; tổng hợp dự toán của toàn tỉnh, thành phố gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hằng năm;

c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét dự toán của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; tổng hợp dự toán của cả nước gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 7 hằng năm;

d) Bộ Tài chính xem xét và tổng hợp dự toán kinh phí chi ưu đãi người có công với cách mạng vào dự toán chi ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao dự toán cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự toán kinh phí hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ và hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng thuyết minh:

a) Hỗ trợ xây mới vỏ mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ (không gắn với dự án xây dựng, nâng cấp nghĩa trang); hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ: Dự kiến số lượng vỏ mộ liệt sĩ xây mới, số lượng mộ cải tạo, sửa chữa, bảo trì và kinh phí thực hiện theo định mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ;

b) Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì công trình ghi công liệt sĩ, cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng: Tên công trình hoặc thiết bị cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì; lý do, mục tiêu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì; dự kiến khối lượng công việc; dự kiến kinh phí; dự kiến thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành và kinh phí thực hiện theo định mức hỗ trợ quy định tại khoản 2, 3 Điều 11 và điểm a khoản 10 Điều 13 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ;

c) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng: Dự kiến số đối tượng, giường điều dưỡng, cơ sở điều dưỡng và kinh phí thực hiện theo định mức hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 10 Điều 13 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP .

Điều 10. Phân bổ, giao dự toán

1. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Chi trợ cấp ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gồm:

– Chi trợ cấp, phụ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần;

– Chi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; điều trị, điều dưỡng;

– Chi công việc (trong đó chi tiết: công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng; chi phí quản lý).

b) Chi trợ cấp một lần theo Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến.

2. Căn cứ dự toán được giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phân bổ và giao dự toán cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chi tiết nhiệm vụ chi trước ngày 25 tháng 12 năm trước; đồng thời ủy quyền cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách (cơ quan, đơn vị được giao quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng và kinh phí chi tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) trước ngày 31 tháng 12 năm trước; gửi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.

Hồ sơ, tài liệu gửi Bộ Tài chính gồm:

a) Thuyết minh căn cứ và báo cáo phân bổ;

b) Đối với các công trình hỗ trợ xây mới vỏ mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ (không gắn với dự án xây dựng, nâng cấp nghĩa trang); hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ: Hồ sơ, tài liệu theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 152 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ;

c) Đối với các dự án hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng: Hồ sơ, tài liệu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 134 Nghị định 131/2021/NĐ-CP .

3. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Quyết định giao cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng tổng mức và chi tiết từng nhiệm vụ của dự toán ngân sách đã được giao; không đúng chính sách, chế độ quy định, hồ sơ thuyết minh không đầy đủ, thì yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều chỉnh lại, bổ sung hồ sơ. Thời gian Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều chỉnh, bổ sung hồ sơ chậm nhất trong phạm vi 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính.

4. Trường hợp được giao bổ sung dự toán, chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao dự toán bổ sung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị theo quy định.

Điều 11. Kiểm soát chi

Việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Tham khảo thêm:   Công nghệ 7 Ôn tập chương 6 Giải Công nghệ lớp 7 trang 89 sách Chân trời sáng tạo

Điều 12. Điều chỉnh dự toán

1. Điều chỉnh dự toán trong phạm vi nội bộ cấp tỉnh

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định việc điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các đơn vị sử dụng ngân sách (cơ quan quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng) và phần kinh phí chi tại Sở trong phạm vi dự toán đã được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét sự cần thiết, căn cứ điều chỉnh, kiểm tra số dư dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách có liên quan để quyết định điều chỉnh dự toán. Quyết định điều chỉnh dự toán được gửi đến đơn vị sử dụng ngân sách, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ thực hiện điều chỉnh dự toán trên hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).

2. Điều chỉnh dự toán giữa các tỉnh trong phạm vi cả nước

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định điều chỉnh dự toán giữa các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét sự cần thiết, căn cứ điều chỉnh, kiểm tra số dư dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách có liên quan để quyết định điều chỉnh dự toán. Quyết định điều chỉnh dự toán được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có liên quan để thực hiện và gửi Bộ Tài chính để kiểm tra và phê duyệt trên hệ thống TABMIS.

3. Việc điều chỉnh dự toán trong nội bộ tỉnh, giữa các tỉnh phải bảo đảm trong phạm vi tổng mức dự toán và chi tiết từng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành.

Trường hợp điều chỉnh nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán kinh phí được giao nhưng đã được ghi chú kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi trong quyết định giao dự toán đầu năm hoặc quyết định giao dự toán bổ sung trong năm của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính: Để đảm bảo việc phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi có quyết định điều chỉnh dự toán. Thời hạn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh dự toán chậm nhất trước ngày 31 tháng 10 hằng năm.

Điều 13. Hạch toán, quyết toán kinh phí

1. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được hạch toán và quyết toán vào Chương của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (mã số 024); cấp Chương ngân sách trung ương (mã số 01), loại 370 khoản 371. Đối với chi đóng bảo hiểm y tế, hạch toán loại 130 khoản 133 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với khoản chi hỗ trợ cho các dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ; cơ sở vật chất cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng: Việc quyết toán căn cứ quyết định đầu tư, quyết định phân bổ (hỗ trợ vốn) của cấp có thẩm quyền theo phân cấp của địa phương, chứng từ chuyển tiền của cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội (hoặc cơ quan được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao dự toán) cho chủ đầu tư, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội (hoặc cơ quan được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao dự toán) quyết toán và hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành. Chủ đầu tư có trách nhiệm trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán, trong đó ghi rõ phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương; gửi văn bản phê duyệt quyết toán cho cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội để làm căn cứ quyết toán kinh phí.

3. Việc xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn cụ thể quy trình và trình tự thời gian gửi báo cáo quyết toán năm như sau:

a) Cơ quan được giao quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng và cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng lập báo cáo quyết toán theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 4 hằng năm;

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán cho các cơ quan quản lý và sử dụng kinh phí người có công với cách mạng, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và phần kinh phí chi tại Sở; tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh (kèm theo thông báo xét duyệt quyết toán cho các đơn vị trực thuộc, các mẫu biểu báo cáo quyết toán theo quy định và giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (nếu có)) gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hàng năm;

c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; tổng hợp báo cáo quyết toán theo kết quả thẩm định gửi Bộ Tài chính trước ngày 01 tháng 10 hằng năm;

d) Bộ Tài chính thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và tổng hợp vào quyết toán ngân sách nhà nước.

Điều 14. Xử lý kinh phí cuối năm

1. Việc xử lý số dư kinh phí chi thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý cuối năm thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Thời hạn chi, tạm ứng và hạch toán các khoản chi ngân sách thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP .

Điều 15. Truy thu, truy lĩnh đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

1. Truy thu

a) Trường hợp đúng đối tượng được hưởng nhưng phải điều chỉnh giảm mức trợ cấp thì đối tượng phải nộp trả ngân sách trung ương phần chênh lệch đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được điều chỉnh theo quyết định điều chỉnh mức trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền;

b) Trường hợp đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để được hưởng chế độ không đúng quy định thì đối tượng phải nộp trả ngân sách trung ương toàn bộ số tiền đã được hưởng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thu hồi, xử lý các khoản trợ cấp của đối tượng đã hưởng không đúng quy định theo quyết định của cấp có thẩm quyền vào ngân sách trung ương; báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo quyết toán hằng năm của cơ quan gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.

2. Truy lĩnh

a) Trường hợp đối tượng chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ mức trợ cấp thì được truy lĩnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả một lần cho đối tượng vào tháng liền sau với tháng ghi trong quyết định điều chỉnh mức trợ cấp;

b) Kinh phí thực hiện truy lĩnh trợ cấp từ nguồn kinh phí thực hiện chính chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp dự toán được giao không đảm bảo để thực hiện chi trả, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị bổ sung dự toán gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Tài chính.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2022.

2. Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý và Thông tư số 148/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về nội dung và mức chi thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và tổ chức thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng theo quy định và phân cấp thẩm quyền quản lý kinh phí người có công với cách mạng tại địa phương.

2. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thanh toán kịp thời kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đối với các khoản lĩnh trùng, cấp trùng, chi sai chế độ: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi, nộp ngân sách trung ương theo quy định.

4. Việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và theo phân cấp của cấp có thẩm quyền tại địa phương.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
– Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
– Lưu: VT, HCSN (250b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Võ Thành Hưng

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 44/2022/TT-BTC 02 đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *