Ngày 18/06/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Theo đó, quy định khung giá nước sạch được quy định như sau:
- Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 giá nước sạch từ 3.500-18.000 đồng/m 3;
- Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5: 3.000-15.000 đồng/m 3; giá nước tại khu vực nông thôn từ 2.000-11.000 đồng/m 3 .
Bên cạnh đó, lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn tối đa là 1.300 đồng/m 3; đối với cấp nước đồng thời cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa là 1.500 đồng/m 3. Lợi nhuận định mức tối thiểu đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước là 360 đồng/m 3 .
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA X Ã HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2021/TT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2021 |
THÔNG TƯ 44/2021/TT-BTC
QUY ĐỊNH VỀ KHUNG GIÁ, NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ NƯỚC SẠCH SINH HOẠT
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Giá;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về khung giá nước sạch sinh hoạt; nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (bao gồm cả nước sạch cung cấp chung cho mục đích sinh hoạt và cho mục đích khác).
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thẩm định phương án giá nước sạch sinh hoạt, trình phương án giá nước sạch sinh hoạt và quyết định giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của pháp luật; đơn vị cấp nước sạch cho sinh hoạt và khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Khuyến khích các đơn vị cấp nước sạch chỉ cấp nước sạch cho mục đích ngoài sinh hoạt (không dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người) áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (sau đây gọi là nước sạch) quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Nguyên tắc xác định giá nước sạch
1. Giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế – kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch (sau đây gọi là đơn vị cấp nước) và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.
2. Giá bán lẻ nước sạch bình quân do Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân tỉnh) quyết định phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước sạch quy định tại Điều 3 Thông tư này. Đối với khu vực đặc thù (vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn), trường hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng nước sạch ở các vùng này cao làm giá bán lẻ nước sạch bình quân của đơn vị cấp nước sau khi Sở Tài chính thẩm định phương án giá nước sạch cao hơn mức giá tối đa trong khung giá quy định tại Điều 3 Thông tư này thì Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch cho phù hợp.
Điều 3. Khung giá nước sạch
1. Khung giá nước sạch được quy định như sau:
Stt | Loại | Giá tối thiểu (đồng/m 3 ) | Giá tối đa (đồng/m 3 ) |
1 | Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 | 3.500 | 18.000 |
2 | Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 | 3.000 | 15.000 |
3 | Khu vực nông thôn | 2.000 | 11.000 |
2. Khung giá nước sạch quy định tại khoản 1 Điều này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 4. Điều chỉnh giá nước sạch
Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh. Đối với trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát, giá thành 01m 3 nước sạch năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước cân đối được tài chính thì đơn vị cấp nước có công văn gửi Sở Tài chính để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giữ ổn định giá nước sạch (để biết).
Chương 2
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Phương pháp xác định tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch
1. Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch dự kiến trong phương án giá nước sạch được xác định tương ứng với sản lượng nước sạch thương phẩm kế hoạch trong 01 năm của đơn vị cấp nước và được xác định bằng công thức:
C T = C V t + C Nc + C Sxc + C ql + C Bh + C Tc + C At
Trong đó:
C T : Là tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch (đồng);
C vt : Là chi phí vật tư trực tiếp (đồng);
C Nc : Là chi phí nhân công trực tiếp (đồng);
C S xc : Là chi phí sản xuất chung (đồng);
C ql : Là chi phí quản lý doanh nghiệp (đồng);
C Bh: Là chi phí bán hàng (đồng);
C Tc : Là chi phí tài chính (đồng);
C At : Là chi phí đảm bảo cấp nước an toàn (đồng);
a) Chi phí vật tư trực tiếp là những khoản chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, động lực, công cụ, dụng cụ sử dụng trực tiếp sản xuất ra nước sạch như: nước sạch, nước thô (đối với các doanh nghiệp phải mua nước sạch, nước thô), điện, hóa chất và các vật liệu, công cụ, dụng cụ khác dùng cho công tác xử lý nước. Chi phí vật tư trực tiếp được xác định bằng tổng khối lượng của từng loại vật tư sử dụng nhân (x) với đơn giá vật tư tương ứng cộng (+) chi phí mua vật tư (nếu có); trong đó:
– Khối lượng từng loại vật tư sử dụng để sản xuất nước sạch áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế – kỹ thuật sản xuất nước sạch.
– Đơn giá vật tư là giá mua vật tư theo giá ghi trên hóa đơn, bản chào giá (báo giá) phù hợp với giá trên thị trường tại thời điểm xây dựng phương án giá nước sạch. Đối với những vật tư thuộc danh mục do Nhà nước quy định giá hoặc quản lý giá thì giá vật tư là giá mua theo giá do Nhà nước quy định hoặc giá do doanh nghiệp đăng ký, kê khai với cơ quan nhà nước tại thời điểm xây dựng phương án giá nước sạch.
– Chi phí mua vật tư trực tiếp là các khoản chi hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về kho của đơn vị cấp nước (nếu có).
b) Chi phí nhân công trực tiếp là những khoản chi mà các đơn vị cấp nước phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất bao gồm: tiền lương, các khoản trích theo lương và các khoản chi khác (nếu có) theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước, trong đó:
– Chi phí tiền lương được xác định cho từng đơn vị cấp nước phù hợp với mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác thực tế chi trả cho người lao động trực tiếp sản xuất theo quy định của Bộ Luật Lao động và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Các khoản trích theo lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác (nếu có) của người lao động trực tiếp sản xuất xác định theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
– Đối với các công trình cấp nước do Nhà nước bàn giao cho các hợp tác xã, cộng đồng dân cư, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành hoặc các công trình cấp nước do hợp tác xã, cộng đồng dân cư, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư để kinh doanh nước sạch, việc xác định chi phí nhân công trực tiếp căn cứ kết quả thoả thuận trong Đại hội xã viên hoặc thỏa thuận giữa cộng đồng dân cư sử dụng nước với đơn vị cấp nước đảm bảo phù hợp mức tiền lương của các ngành nghề sản xuất kinh doanh được quản lý, vận hành bởi hợp tác xã, cộng đồng dân cư, cá nhân ở địa phương và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
c) Chi phí sản xuất chung là những khoản chi phí phục vụ sản xuất, kinh doanh chung ngoài chi phí vật tư trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp phát sinh ở các đơn vị cấp nước như: khấu hao, sửa chữa tài sản cố định, vật liệu, công cụ, dụng cụ dùng cho phân xưởng, kiểm nghiệm, thử nghiệm tiêu chuẩn nước sạch, dịch vụ mua ngoài, chi phí nhân công trả cho nhân viên phân xưởng và các chi phí bằng tiền khác theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch.
– Chi phí kiểm nghiệm, thử nghiệm chất lượng nước sạch sinh hoạt được xác định căn cứ tần suất kiểm nghiệm, thử nghiệm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
– Chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đối với dự án được cung cấp nước sạch theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa có quyết toán tổng mức đầu tư thì chi phí khấu hao tài sản cố định đưa vào phương án giá nước sạch tối đa bằng dự toán được phê duyệt và được điều chỉnh trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch của kỳ tính giá sau (nếu phát sinh chênh lệch).
– Chi phí vật tư, chi phí nhân công trong chi phí sản xuất chung thực hiện theo quy định tại các điểm a, điểm b Khoản này.
d) Chi phí quản lý doanh nghiệp là những khoản chi phí quản lý chung của doanh nghiệp như: vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao, sửa chữa tài sản cố định dùng cho quản lý doanh nghiệp, thuế, phí và lệ phí, dự phòng phải thu khó đòi, dịch vụ mua ngoài, chi phí nhân công và các khoản chi phí bằng tiền khác như: tiếp tân, giao dịch, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, sáng kiến, cải tiến, giáo dục, đào tạo, y tế cho người lao động của doanh nghiệp, chi cho lao động nữ và các khoản chi phí quản lý khác theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cố định trong chi phí quản lý doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c Khoản này.
đ) Chi phí bán hàng là những khoản chi phí phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ như: đầu tư đồng bộ bao gồm cả đồng hồ đo nước và thiết bị phụ trợ khác mạng cấp nước của đơn vị cấp nước đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, quảng cáo, dịch vụ mua ngoài, duy trì đấu nối, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nhân công và các khoản chi phí khác theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Số lượng đồng hồ dự kiến tăng thêm trong kỳ tính giá được xác định bằng số khách hàng tăng thêm thực tế bình quân trong 03 năm trước liền kề năm lập phương án giá nước sạch. Đối với công trình cấp nước mới đưa vào quản lý vận hành, số lượng đồng hồ đấu nối trong kỳ tính giá được xác định căn cứ số lượng hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết và số lượng khách hàng dự kiến tăng thêm theo tỷ lệ đấu nối tăng thêm bình quân của các đơn vị cấp nước cùng khu vực (khu vực đô thị hoặc nông thôn hoặc bình quân các địa bàn đối với đơn vị cấp nước cho cả khu vực đô thị và nông thôn) tại phương án giá nước sạch được phê duyệt gần nhất.
Chi phí duy trì đấu nối là chi phí để quản lý, duy trì các đấu nối đã lắp đặt nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ cấp nước theo nhu cầu của khách hàng. Chi phí duy trì đấu nối được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật về thuế.
Chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cố định trong chi phí bán hàng áp dụng như quy định tại các điểm a, b, c Khoản này.
e) Chi phí tài chính là những khoản chi phí trả lãi các khoản vay, lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh nước sạch được xác định căn cứ kế hoạch trả nợ vay. Mức chi phí lãi vay đầu tư xây dựng tính trong phương án giá nước sạch tương ứng với phần vốn vay thực tế và tối đa không quá 65% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
g) Chi phí đảm bảo cấp nước an toàn là những khoản chi phí phục vụ các hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước.
Chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cố định (nếu có) trong chi phí đảm bảo cấp nước an toàn áp dụng như quy định tại các điểm a, b, c Khoản này. Các khoản chi phí chưa có định mức xác định theo chi phí thực hiện bình quân của 03 năm trước liền kề năm lập phương án giá nước sạch.
2. Nguyên tắc xác định tổng chi phí
a) Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch được xác định căn cứ các yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ và phù hợp định mức kinh tế- kỹ thuật do Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, ban hành theo thẩm quyền (đối với chi phí đã có định mức).
b) Yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ là các yếu tố chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch và đảm bảo là các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh và không bao gồm các khoản chi đã được ngân sách nhà nước đảm bảo. Không đưa vào tổng chi phí các khoản chi không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch.
c) Các khoản chi phí phục vụ chung nhiều lĩnh vực hoạt động của đơn vị cấp nước phải phân bổ theo tỷ lệ doanh thu bình quân của 03 năm trước liền kề năm lập phương án giá nước sạch. Đơn vị cấp nước mới vận hành chưa có số liệu doanh thu các năm trước, thì phân bổ các khoản chi phí phục vụ chung nhiều lĩnh vực hoạt động của đơn vị cấp nước theo tỷ lệ doanh thu kế hoạch.
d) Khoản chi phí không tính theo định mức đã đưa vào tính toán giá nước sạch trong phương án giá nước sạch làm cơ sở ban hành giá nước sạch hiện hành nhưng trong kỳ áp dụng giá không phát sinh hoặc giá trị thực hiện thấp hơn thì giảm trừ trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch kỳ tính giá sau.
Điều 6. Sản lượng nước thương phẩm
1. Sản lượng nước thương phẩm làm cơ sở xác định giá thành của 01 m 3 nước sạch ký hiệu là SL Tp , được xác định như sau:
SL Tp = SL sx – SL H h
Trong đó:
SL Tp : Là sản lượng nước thương phẩm (m 3 /năm);
SL sx : Là sản lượng nước sản xuất (m 3 /năm);
SL H h : Là sản lượng nước hao hụt (sản lượng nước thất thu, thất thoát) (m 3 /năm).
2. Sản lượng nước sản xuất được xác định căn cứ kế hoạch khai thác trong năm của từng đơn vị cấp nước và phù hợp với tỷ lệ tăng sản lượng nước thương phẩm thực tế bình quân của 03 năm trước liền kề năm lập phương án giá nước sạch.
a) Đối với công trình cấp nước mới đưa vào quản lý vận hành sản lượng nước sản xuất được xác định căn cứ số lượng hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết và số lượng khách hàng dự kiến tăng thêm theo tỷ lệ đấu nối tăng thêm bình quân của các đơn vị cấp nước cùng khu vực (khu vực đô thị hoặc nông thôn hoặc bình quân các địa bàn đối với đơn vị cấp nước cho cả khu vực đô thị và nông thôn) tại phương án giá nước sạch được phê duyệt gần nhất.
b) Các công trình cấp nước tập trung do hợp tác xã, cộng đồng dân cư, cá nhân thực hiện việc quản lý, vận hành thì sản lượng nước sản xuất là sản lượng nước khai thác trong năm của từng đơn vị căn cứ vào thỏa thuận về nhu cầu cấp nước giữa đơn vị cấp nước và các khách hàng sử dụng nước.
3. Sản lượng nước hao hụt (bao gồm hao hụt tự nhiên, hao hụt kỹ thuật) giữa sản lượng nước sản xuất và sản lượng nước thương phẩm được xác định bằng tỷ lệ hao hụt nhân (x) với sản lượng nước sản xuất.
a) Tỷ lệ hao hụt nước sạch đưa vào tính toán sản lượng nước sạch thương phẩm trong phương án giá nước sạch tối đa là 20%. Đơn vị cấp nước theo dõi tỷ lệ hao hụt thực tế và có các biện pháp quản lý chặt chẽ theo hướng giảm dần, đến năm 2025 tỷ lệ hao hụt nước sạch đưa vào tính sản lượng nước sạch thương phẩm trong phương án giá nước sạch tối đa là 15%; trường hợp đặc thù thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Tỷ lệ hao hụt nước sạch cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt qua phương án giá nước sạch đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật tại địa phương và không vượt mức tối đa quy định tại điểm a Khoản này. Đơn vị cấp nước có tỷ lệ hao hụt thực tế và tỷ lệ hao hụt được phê duyệt qua phương án giá nước sạch trước năm 2025 dưới 15% thì được giữ ổn định tỷ lệ hao hụt đã phê duyệt trong 03 năm.
……………..
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 44/2021/TT-BTC Khung giá nước sạch sinh hoạt của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.