Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 20/11/2020 Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 06/10/2020 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo đó, cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng theo dõi và tải Thông tư tại đây.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 38/2020/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020

THÔNG TƯ 38/2020/TT-BGDĐT

QUY ĐỊNH VỀ LIÊN KẾT ĐÀO TẠO VỚI NƯỚC NGOÀI TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ THEO HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN VÀ HÌNH THỨC TRỰC TIẾP KẾT HỢP TRỰC TUYẾN

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo Việt Nam), cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Liên kết đào tạo trực tuyến (online) là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và cơ sở đào tạo Việt Nam nhằm thực hiện chương trình đào tạo thông qua môi trường mạng và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông da phương tiện để cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học.

2. Hình thức liên kết đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên trong tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.

Tham khảo thêm:   KHTN Lớp 6 Bài 9: Oxygen Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 6 Chân trời sáng tạo trang 44

3. Hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến (blended) là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến dưới 50% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.

Điều 3. Thực hiện chương trình liên kết đào tạo trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến

1. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trục tuyến theo các quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 27 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định tại Thông tư này.

2. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.

3. Việc thực hiện chương trình liên kết đào tạo tại phân hiệu phải bảo đảm đúng quy trình, thẩm quyền và các điều kiện như đối với chương trình liên kết đào tạo tại trụ sở chính quy định tại Thông tư này.

4. Thẩm quyền phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định có liên quan.

Điều 4. Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đang thực hiện tại trụ sở chính, đã được kiểm định chất lượng giáo dục và văn bằng được cơ quan quản lý có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.

2. Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học: Chương trình đào tạo tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đang được triển khai theo hình thức trực tuyến ở cùng ngành hoặc ngành gần dự định liên kết đào tạo và đều có người tốt nghiệp.

3. Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ: Chương trình đào tạo tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đang được triển khai theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến đạt từ 20% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình trở lên ở cùng ngành hoặc ngành gần, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều có người tốt nghiệp.

4. Chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến tối đa 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo.

5. Chương trình đào tạo do hai bên cùng xây dựng được thực hiện một trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;

b) Trường hợp cấp văn bằng của cả cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và của cơ sở đào tạo Việt Nam, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Điều 5. Quy mô đào tạo

1. Quy mô đào tạo của chương trình liên kết được xác định căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý tham gia thực hiện chương trình liên kết đào tạo. Các điều kiện này không được trùng với các điều kiện đã được sử dụng để tính toán tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục. Trường hợp có chung các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quy mô đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo phải được tính trong tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của cơ sở đào tạo Việt Nam.

Tham khảo thêm:   Phương pháp làm bài tìm lỗi sai trong Tiếng Anh Hướng dẫn cách làm dạng bài tìm lỗi sai trong Tiếng Anh

2. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đề xuất quy mô tuyển sinh hằng năm trong hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo. Quy mô tuyển sinh tối đa được xác định cụ thể trong quyết định cho phép liên kết đào tạo hoặc quyết định tự chủ thực hiện chương trình liên kết đào tạo.

Điều 6. Cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm đào tạo

1. Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phải đáp ứng các quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng; có các phương tiện nghe nhìn bao gồm: máy tính, màn hình, màn chiếu, máy chiếu có độ lớn phù hợp với phòng học; đường truyền kết nối ổn định, thông suốt; học liệu trực tuyến có nội dung phù hợp với ngành học và có thể truy cập liên tục với tốc độ cao; phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.

2. Cung cấp đầy đủ giáo trình, học liệu, thư viện điện tử, phần mềm học tập, hướng dẫn sử dụng các bước truy cập hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cung cấp tài khoản người dùng và mật khẩu, các hướng dẫn ban đầu về khóa học cũng như việc kiểm tra đánh giá toàn khóa học, đồng thời phải có quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo.

3. Có hệ thống và cơ chế kiểm tra, xác thực, giám sát và đánh giá được sự tham gia của người học; hệ thống quản lý đào tạo chặt chẽ, đáp ứng được khả năng xử lý thông tin nhanh, có độ chính xác cao.

4. Địa điểm đối với đào tạo trực tiếp được thực hiện tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo Việt Nam được xác định trong hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo.

Điều 7. Đội ngũ giảng viên, hỗ trợ kỹ thuật

1. Đối với học phần giảng dạy trực tuyến, ngoài giảng viên giữ vai trò giảng dạy chính còn có giảng viên giữ vai trò trợ giảng hỗ trợ chuyên môn và người hỗ trợ kỹ thuật. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài phải thống nhất xây dựng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của mỗi vị trí nêu trên.

2. Giảng viên và người hỗ trợ thực hiện các học phần giảng dạy trực tuyến phải đáp ứng các quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng và quy định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Điều 8. Các yêu cầu đối với liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến

1. Hồ sơ đăng ký thực hiện liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định có liên quan.

2. Nội dung về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải mô tả rõ về: Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phục vụ cho hoạt động tổ chức, quản lý liên kết đào tạo trực tuyến; việc đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết; quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp so sánh được với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.

Tham khảo thêm:   Viết đoạn văn nêu lí do yêu thích câu chuyện Sự tích bông hoa cúc trắng Viết đoạn văn nêu ý kiến lớp 4

3. Nội dung về quyền lợi của người học và người lao động phải được quy định rõ về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là khi chương trình bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài và thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.

Điều 9. Trách nhiệm của các bên liên kết trong việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo

1. Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể đối với chương trình liên kết đào tạo theo quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan về: Tuyến sinh; tổ chức và quản lý đào tạo; số lượng người học trong một lớp để bảo đảm sự gắn kết và hiệu quả học tập của người học; thi, kiểm tra, đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần, bảo vệ đồ án, khoá luận, luận văn, luận án; lưu trữ và bảo mật thông tin.

2. Cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của các bên liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.

3. Triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo và thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo quy định.

4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết về đào tạo trực tuyến, thiết kế học liệu điện tử cho đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập và người hỗ trợ kỹ thuật tham gia triển khai chương trình liên kết đào tạo.

5. Duy trì các bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học trong hệ thống quản lý học tập và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ khi tốt nghiệp.

6. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo đúng nội dung đã được phê duyệt và quy định pháp luật có liên quan; bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận ở nước nơi cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đặt trụ sở chính.

7. Lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ liên kết đào tạo, thông tin người học tại cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

8. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Cơ sở đào tạo Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài không thực hiện việc báo cáo hoặc báo cáo không chính xác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2020.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Viện trưởng viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ;

– UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ;
– Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Kiểm toán Nhà nước;
– Công báo;
– Bộ trưởng (để báo cáo);
– Các cơ sở GDĐH (để thực hiện);
– Cổng TTĐT Chính phủ;
– Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
– Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *